Phiên ngoại Thầy Phương và Tiểu Đào (phần 1)
Câu chuyện của tôi chẳng có gì đáng để kể.
Chỉ là vào những năm lên núi cao xuống đồng bằng, tôi đã yêu một người.
Cậu ấy tên là Tiểu Đào, cũng là một chàng trai, giống như tôi.
Lần đầu tiên tôi gặp Tiểu Đào là vào mùa hè.
Cậu ấy chạy băng qua khu rừng ở Đại Hưng An Lĩnh, phía sau lưng là núi Thái Hành và Tuyết Phong, trên bầu trời cao rộng có những cánh nhạn tự do sải cánh. Cậu ấy cười rạng rỡ đến mức đôi mắt nheo lại thành một đường cong, và xuyên qua nụ cười ấy, tôi dường như nhìn thấy thảo nguyên Hô Luân Bối Nhĩ rộng lớn trải dài sau những rặng núi.
Cậu ấy nói với tôi: "Thầy Phương, em đã bảo mà, chỗ này nhất định đẹp hơn thành phố của thầy!"
Tôi không đáp lại, dường như tạm thời bị mất đi ngôn ngữ.
Phải rồi, đẹp thật.
Cậu ấy rất đẹp.
Tôi không lên tiếng, Tiểu Đào cũng thôi cười. Cậu ấy bước lại gần tôi, trong đôi mắt ấy tràn đầy lo lắng, hỏi: "Thầy Phương, sao thầy không nói gì? Thầy không thích nơi này sao?"
Tôi chẳng phải thầy giáo gì cả, chỉ là người ở đây đều coi tôi là trí thức nên thích gọi như vậy. Nếu là người khác thì tôi nhất định sẽ đính chính. Nhưng với Tiểu Đào, tôi lại không muốn làm thế.
Có lẽ kính của tôi bị mờ, cậu ấy đã đến rất gần rồi mà tôi vẫn cảm thấy không nhìn rõ khuôn mặt cậu. Tôi muốn nhìn rõ hơn, muốn nhìn nhiều hơn.
Tiểu Đào khẽ khàng thở ra, lại hỏi: "Thầy vẫn còn nhớ nhà sao?"
Gió mùa hè trú ngụ trong những cánh rừng ở Đại Hưng An Lĩnh thổi tung mái tóc của cậu ấy làm che khuất tầm mắt. Cậu ấy thực sự lo cho tôi, nếu không thì sao ngay cả động tác đơn giản nhất là đưa tay vén tóc cũng quên mất chứ?
Tôi rất muốn đưa tay ra giúp Tiểu Đào vén tóc, nhưng dáng vẻ lúc này của cậu ấy thật sự quá đẹp. Thế nên sự ích kỷ trong tôi đã ghìm chặt đôi tay mình.
"Thầy Phương, nếu thầy nhớ nhà thì đến tìm em chơi nhé." Tiểu Đào nói, "Em sẽ làm người nhà của thầy."
"Em có gia đình của riêng mình chứ." Tôi đáp.
"Thế còn thầy thì sao?" Cậu ấy lo lắng, sốt ruột nói, "Nhưng... em không muốn thấy thầy cô đơn."
Khi đó tôi mới xuống nông thôn chưa được bao lâu, chẳng biết đến khi nào mới có thể trở về thành phố. Mà có lẽ cũng chẳng bao giờ trở về được nữa. Những dãy núi trùng điệp của Đại Hưng An Lĩnh trở thành một nhà giam giam cầm tôi, khiến tôi không thể nhìn thấy đại dương bao la từng xuất hiện trong những trang sách mình đã đọc.
Nhưng bỗng nhiên, biển cả hiện ra—bắt đầu từ giọt nước mắt đầu tiên của Tiểu Đào vào mùa hè năm 1975.
Giọt nước mắt ấy rơi xuống mảnh đất Đại Hưng An Lĩnh, cũng rơi vào lòng tôi. Từ giây phút đó, tôi đã hòa làm một với mảnh đất này. Và cũng từ nơi đây, một đại dương—chính là nơi tôi từng khao khát nhất trong những năm tháng đọc sách của mình...đã trỗi dậy.
Cậu ấy bắt đầu khóc khi nói câu này: "Thầy Phương, em không muốn thấy thầy không vui..."
"Đừng khóc, Tiểu Đào, đừng khóc nữa." Tôi dịu dàng an ủi cậu, "Thầy không buồn đâu."
"Nhưng từ ngày đầu tiên thầy đến đây, thầy chưa từng cười lần nào."
"Có lẽ chỉ là...tại thầy không thích cười thôi mà."
"Thầy nói bừa! Không ai là không thích cười cả!"
Lời nói của cậu ấy khiến tôi bật cười: "Nếu không ai không thích cười, vậy sao em lại khóc?"
Tôi cười, Tiểu Đào cũng cười theo. Nụ cười hòa lẫn với những giọt nước mắt khiến tôi say mê mất cả hồn vía. Tôi nghĩ, cả đời này ở lại Đại Hưng An Lĩnh có lẽ cũng không tệ.
Những ngày tháng sau đó trôi qua nhạt nhẽo vô vị. Tôi không giỏi làm ruộng, cũng chẳng biết chăn nuôi, may mà có Tiểu Đào giúp đỡ. Thật ra có rất nhiều người trong thôn sẵn lòng giúp tôi, vì ai ở đây cũng đều chất phác tốt bụng. Nhưng tôi vẫn từ chối họ, nói rằng không muốn làm phiền mọi người. Thế rồi sau đó tôi lại đi làm phiền Tiểu Đào. Để đáp lại, tôi đã kể cho cậu ấy nghe những câu chuyện về thành phố.
Tôi nói, ở thành phố có những tòa nhà cao sáu tầng, có những con đường nhựa rộng thênh thang, và có vô số kem lạnh, que kem ăn mãi không hết. Tôi dụ dỗ cậu ấy: "Tiểu Đào, em có muốn theo thầy lên thành phố không?"
Tiểu Đào nằm bò trên chiếc chiếu trúc của tôi, nghiêng đầu nhìn tôi, hỏi: "Thế còn khu rừng mà nhà em quản lý thì sao? Mấy đứa em của em còn nhỏ, chúng đâu thể tự chăm sóc đám cây cối đó được."
Tôi đã quên mất.
Với tôi, cậu ấy chỉ là Tiểu Đào—một cậu thiếu niên vô tư. Nhưng với người khác, cậu ấy là con trưởng, là anh cả, là người phải gánh vác những trách nhiệm nặng nề như một thứ số mệnh không thể thay đổi. Nhưng con người một khi đã vướng vào tình yêu thì sẽ trở nên tham lam vô độ. Tôi vẫn không chịu từ bỏ: "Tiểu Đào, em không muốn ra ngoài xem thử à? Thành phố có biển đấy."
"Biển thực sự rất lớn sao? Lớn hơn cả Đại Hưng An Lĩnh à?"
"Đúng vậy, lớn hơn cả Đại Hưng An Lĩnh."
"Thầy Phương, vậy em muốn đi xem!" Cậu ấy lại nheo mắt cười rạng rỡ, trên gương mặt là niềm khát khao ngây thơ nhất, "Em đi xem rồi sẽ về."
Nụ cười ấy đẹp biết bao, nhưng câu nói ấy lại tàn nhẫn biết nhường nào.
Cậu ấy sẽ quay về. Tôi hiểu rồi.
Tôi cũng...từ bỏ rồi.
Sau đó, xuân hạ thu đông lại xoay vần mấy lượt trên Đại Hưng An Lĩnh. Tôi không còn dụ dỗ Tiểu Đào theo mình lên thành phố để ngắm biển nữa. Vẫn cứ để cậu ấy làm cánh nhạn tự do bay lượn trên rừng cây, còn tôi lặng lẽ hứng lấy những giọt nước mắt của cậu, cất vào đại dương đã hình thành trong lòng mình từ mùa hè năm 1975.
Tôi vẫn hy vọng cậu ấy có thể cười nhiều hơn.
Thế nhưng sau này, Tiểu Đào lại không còn hay cười nữa.
Từ ngày tôi đến đây, đã có rất nhiều người đến mai mối, nói rằng dù sao tôi cũng sẽ sống cả đời ở nơi này, vậy thì cứ lập gia đình sớm đi, nếu không một mình sẽ rất cô đơn. Tôi đều từ chối cả, vì tôi không thích con gái.
Thế nhưng Tiểu Đào thì sao?
Cậu ấy cũng đã lớn, cha mẹ bắt đầu giục cậu thành gia lập thất. Tôi nghe thấy cậu ấy—một người lúc nào cũng hiếu thuận—cãi nhau với cha mẹ mình.
Có lần Tiểu Đào khóc, chạy ra khỏi nhà lao đến chỗ tôi, lại nằm bò lên chiếc chiếu trúc của tôi.
Cậu ấy than thở: "Nhưng em không thích những cô gái đó, làm sao có thể lấy họ được? Như thế chẳng phải là vô trách nhiệm với họ sao? Thế mà cha mẹ em lại nói, không cần phải thích thì mới cưới, cứ cưới trước, sau này sẽ thích. Em cảm thấy điều đó không đúng chút nào." Tiểu Đào nhíu mày, khổ sở nói, "Thầy Phương, thầy từng đọc sách, thầy nói xem, như vậy có đúng không?"
Tôi lặng lẽ hứng lấy những giọt nước mắt của cậu ấy, lại đem giấu vào đại dương trong lòng mình. Rồi tôi im lặng thật lâu.
Tôi im lặng vì sợ rằng câu trả lời của mình sẽ ẩn chứa tư tâm.
Thấy tôi không nói gì, cậu ấy vùi đầu vào cánh tay, giọng nghẹn lại: "Chẳng lẽ ngay cả thầy cũng nghĩ như vậy sao..."
Tôi vội ngồi xuống bên cạnh vỗ nhẹ lưng cậu, dịu dàng an ủi: "Tiểu Đào, mỗi người có một suy nghĩ riêng. Nếu em hỏi thầy, thầy cũng cảm thấy điều đó không đúng. Nhưng mà cha mẹ em—"
"Đấy. Đúng không!" Cậu ấy bỗng bật dậy từ chiếu trúc, cắt ngang lời tôi, "Chuyện đó là sai! Nếu không có thích thì sao có thể sống cùng nhau cả đời được? Nhưng mà... thầy Phương, em chưa từng thích ai, em không hiểu 'thích' là như thế nào cả. Thầy đã từng thích ai chưa?"
Những giọt nước mắt vẫn còn vương trên hàng mi của cậu, tựa như những giọt sương sớm đọng trên cỏ cây trong núi rừng, khiến người ta muốn đưa tay lau đi. Thế nhưng tôi chỉ có thể kiềm chế bản thân. Tiểu Đào thật quá tàn nhẫn. Ngay cả câu hỏi của cậu ấy cũng quá đỗi tàn nhẫn. "Thầy đã từng thích ai chưa?" Tôi không biết phải trả lời thế nào, bởi vì đáp án đang ở ngay trước mắt tôi.
Cuối cùng tôi chỉ có thể phớt lờ câu hỏi sau cùng, nhẹ giọng nói: "Thích một người là mong người đó vui vẻ, mong người đó hạnh phúc."
Tiểu Đào nghiêng đầu, không biết đang suy nghĩ gì.
Cậu ấy trầm tư một lúc, chậm rãi nói: "Vậy thì em cũng mong thầy vui vẻ hạnh phúc. Từ ngày thầy đến đây, em đã luôn mong như vậy."
Rồi như chợt hiểu ra điều gì đó, cậu ấy đột nhiên mỉm cười rạng rỡ, hớn hở nói: "Thầy Phương, vậy thì em thích thầy rồi!"
Cao xanh ơi, cậu ấy có biết mình đang nói gì không?
Cậu ấy không biết.
Cậu ấy cũng không biết rằng, từ ngày hôm nay, tôi đã không còn muốn đi xem biển nữa.
Tôi không muốn đi xem biển nữa. Nhưng vẫn luôn có người muốn Tiểu Đào phải lập gia đình.
Tiểu Đào vẫn chưa tìm được người mình thích, vẫn không muốn lập gia đình. Cả thôn đều nói đứa con hiếu thảo nhất nay đã trở thành đứa trẻ ngang bướng nhất. Nhà họ Đào mỗi ngày đều gà bay chó sủa, chẳng được yên ổn phút nào.
Cha mẹ Tiểu Đào thậm chí còn tìm đến tôi, khẩn khoản nói: "Thầy Phương à, con trai chúng tôi chẳng nghe ai cả. Nó nghĩ thầy từng đọc sách, nên điều thầy nói lúc nào cũng đúng. Chúng tôi cầu xin thầy, thầy khuyên nhủ nó giúp chúng tôi đi!"
Thích một người là mong người đó vui vẻ, mong người đó hạnh phúc.
Đây là lời tôi từng nói.
Nhưng bây giờ, Tiểu Đào chẳng hề vui vẻ, gia đình cậu ấy cũng chẳng hề hạnh phúc. Đứng ra nói gì đó, đối với tôi mà nói, là một điều tàn nhẫn. Nhưng khoanh tay đứng nhìn, đối với cả gia đình Tiểu Đào lại càng tàn nhẫn hơn.
Tôi nghĩ, mùa hè năm 1975 đã đến lúc phải kết thúc rồi.
Trước khi tìm Tiểu Đào, tôi một mình lên núi Đại Hưng An Lĩnh—chính là nơi cậu ấy từng đưa tôi đến khi tôi mới đến đây. Lúc đó là mùa hè, bây giờ là mùa đông. Tuyết rơi rồi. Sắc xanh trên đỉnh núi đã biến mất cùng với nụ cười rạng rỡ, trong trẻo của Tiểu Đào ngày ấy.
Tất cả đều bị tuyết trắng che phủ, chôn vùi.
Năm 1978, chính sách cho trí thức trẻ hồi hương lần lượt được ban hành. Theo quy định, con một có thể về thành phố, còn những gia đình có nhiều con đi vùng kinh tế mới thì có thể ưu tiên một người trở về. Nhà tôi có hai anh em. Tôi không đành lòng để em gái tiếp tục chịu khổ ở nông thôn, cũng không nỡ rời xa Tiểu Đào. Vì vậy năm ngoái tôi đã để em gái về thành phố trước. Bây giờ tôi muốn trở về, cách nhanh nhất chính là xin nghỉ hưu vì lý do sức khỏe.
Tôi nghe nói có một số trí thức trẻ ở thôn bên vì muốn được về thành phố mà không tiếc tự hủy hoại bản thân. Ví dụ như cạo đầu que diêm ăn vào để gây viêm loét dạ dày, hoặc ban ngày lao động nặng nhọc, ban đêm không ngủ để làm cơ thể suy kiệt đến mức tiểu ra máu. Có lẽ đứng trên núi suốt một đêm giữa trời đông giá rét cũng là một cách.
Cách này quả thật rất hiệu quả. Sáng hôm sau xuống núi, toàn thân tôi nóng bừng. Nhất định là tôi đã sốt cao, đến mức mắt cũng mờ đi không còn nhìn rõ. Tôi đi đến cửa nhà, mơ hồ thấy Tiểu Đào đứng ở đó. Vừa thấy tôi, cậu ấy lập tức lao đến, hoảng hốt hỏi tôi đi đâu, nói rằng tối qua đến tìm nhưng suốt cả đêm không thấy tôi về.
Có lẽ nhận ra sắc mặt tôi có gì đó không ổn nên cậu đưa tay sờ trán tôi, rồi thất thanh kêu lên: "Thầy Phương, trán thầy nóng quá!"
Mùa đông âm hai mươi mấy độ có thể giết người. Bệnh của tôi nghiêm trọng hơn tôi tưởng rất nhiều. Tôi vịn tường loạng choạng bước vào nhà, kiệt sức ngã xuống giường. Rồi tôi đưa tay về phía cậu ấy.
Tiểu Đào lập tức bước tới nắm chặt lấy tay tôi, giọng nghẹn ngào như sắp khóc: "Thầy Phương, thầy làm sao vậy..."
Đây là lần đầu tiên tôi nắm tay cậu ấy. Bàn tay có những vết chai sần vì lao động quanh năm cọ vào da tôi, chạm đến tận sâu trong lòng tôi. Như một viên đá rơi xuống đại dương trong tim, từng chút, từng chút một...
Sắp lấp đầy cả đại dương ấy rồi.
"Tôi phải về nhà rồi." Tôi nói.
Cậu ấy sững lại, rồi đột nhiên siết chặt tay tôi hơn, rất chặt, rất chặt.
"Về nhà? Nhưng nhà của thầy không phải ở đây sao?"
Rồi như nhận ra điều gì đó, cậu ấy bật khóc, hoảng loạn hỏi: "Thầy sắp về thành phố sao?"
Tôi gật đầu.
"Tiểu Đào, tôi sắp trở về Cáp Nhĩ Tân rồi."
Nước mắt của cậu ấy rơi xuống từng giọt, từng giọt, lo lắng đến mức nói năng lộn xộn: "Cáp Nhĩ Tân ở đâu? Làm sao mới đi được đến đó? Vậy... vậy có phải sau này em sẽ không bao giờ tìm thấy thầy nữa, phải không?"
Những cơn sốt cao cũng có cái lợi—khi ý thức mơ hồ, nói dối sẽ không còn đau đớn như vậy nữa.
Tôi nói: "Tiểu Đào, tôi phải về Cáp Nhĩ Tân để lập gia đình."
"Lập gia đình?" Tiểu Đào sững sờ.
Cậu ấy ngẩn ra một lúc rồi hỏi: "Thầy Phương, thầy đã tìm thấy người thầy thích chưa?"
Tôi khẽ lắc đầu.
"Chưa... Nhưng con người ai rồi cũng phải lập gia đình, đúng không? Tiểu Đào, em ngoan ngoãn nghe lời, có được không?"
Cậu ấy không trả lời, chỉ nhìn tôi trân trân. Tôi muốn rút tay mình khỏi bàn tay ấy, nhưng cậu nắm quá chặt. Tôi rút không nổi.
Không còn cách nào khác, tôi đành nói: "Tiểu Đào, tôi khó chịu quá... có thể đưa tôi đến trạm y tế không?"
Lúc này cậu ấy mới như bừng tỉnh khỏi cơn mộng, vội vã chạy ra ngoài mang xe ba bánh đến.
Tiểu Đào vất vả khiêng tôi lên xe, lại đắp cho tôi rất nhiều chăn bông. Rồi cứ thế, trong gió tuyết ngập trời, cậu ấy kéo tôi đi—một mạch mấy chục dặm đường, cuối cùng cũng đến được trạm y tế trên trấn.
Tôi đã đọc qua vài cuốn sách, không dám tự nhận mình là người có văn hóa, nhưng cái tính sĩ diện của kẻ đọc sách thì lại có thừa. Tôi luôn giữ thể diện, không bao giờ làm chuyện mất mặt, càng không nói đến việc quậy phá ăn vạ. Nhưng vì muốn tạo ra bệnh tật để được về lại thành phố mà tôi đã làm ầm lên. Tôi nói bệnh của tôi là do lao động vất vả mà ra, các người phải để tôi về nhà. Nếu không cho tôi về, tôi sẽ tiếp tục làm loạn.
Vậy là tôi được về.
Trước khi lên chuyến tàu trở về Cáp Nhĩ Tân, tôi nói với Tiểu Đào: "Tiểu Đào, hứa với tôi, em phải vui vẻ, cũng phải hạnh phúc nhé."
Cậu ấy một mình đi tiễn tôi, nước mắt lại rơi. Cậu ấy nắm chặt lấy cánh tay tôi không chịu buông.
Cậu ấy hỏi: "Thầy Phương... nhưng sau này em không thể nhìn thấy thầy nữa, làm sao em có thể vui vẻ hạnh phúc đây?"
Tôi nhìn đôi mắt đầy nước của cậu, trong lòng đưa ra một quyết định. Tôi sẽ lại một lần nữa đặt ra ước mơ đi ngắm biển. Bởi vì khi nhìn thấy biển, tôi sẽ nhớ đến cậu—người đã từng rơi nước mắt vì tôi.
Tôi mỉm cười dịu dàng, nói với Tiểu Đào: "Ngốc ạ, thầy về là để lập gia đình mà. Sau khi thầy đi, em cũng hãy cưới cô gái mà em thích, xây dựng một gia đình hạnh phúc, như vậy là ổn rồi."
"Nhưng mà——"
"Được rồi, thầy phải lên tàu rồi." Tôi ngắt lời cậu, xách hành lý quay lưng bước lên xe. "Tiểu Đào, tạm biệt."
Mùa đông, từ Đại Hưng An Lĩnh xuôi xuống Cáp Nhĩ Tân, khắp nơi chỉ có một màu trắng xóa.
Tuyết từ những dãy núi kéo dài của Đại Hưng An Lĩnh phủ xuống vùng đồng bằng Đông Bắc rộng lớn, khiến người ta dễ lầm tưởng rằng hai nơi này chỉ cách nhau một quãng đường ngắn ngủi. Nhưng xa quá, xa quá rồi.
Mùa hè năm 1975 ở Đại Hưng An Lĩnh, dù có đi thế nào, cũng không thể quay trở về được nữa.
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip