Chương 3


Năm Nhược Vũ mười tuổi, nó vẫn ao ước trở thành trụ trì. Vậy mà sư phụ nỡ bảo nó thu dọn hành lí ra khỏi chùa. Lần này thì trời sập xuống thật rồi. Sư phụ đành ghé tai nó nói nhỏ một câu. Sau đó, nó hỏi lại một câu khiến người ngẫm nghĩ mãi: "Nguyệt cũng mồ côi giống con?"

"Không phải."

Nhược Vũ bất mãn hẳn: "Sao người lừa dối con? Con đã ăn chay niệm Phật rất chăm chỉ. Vậy mà bây giờ người lại bảo không thể để con trong chùa? Con biết đi đâu đây?"

Sư phụ trầm ngâm: "Cha mẹ phó thác con cho ta, không phải để con làm hoà thượng. Khi ta xuống hoàng tuyền làm sao ăn nói với cha mẹ con."

Nó doạ: "Giờ rời chùa con chẳng biết đi đâu cả, đành lên núi làm thổ phỉ thôi."

Sư phụ đành để Nhược Vũ ở lại chùa nhưng phải giữ kín thân phận của nó, vì thế trong chùa mấy ngày nay lại xuất hiện một tiểu ni cô môi hồng răng trắng. Về sau, người sợ nó nữ tính quá bèn bảo Kình tiên sinh dẫn nó đi săn bắn lượn lờ khắp Đại Chu. Thế là, lâu ngày gặp lại thấy nó như thế, Kình Ngư cười xát muối vào vết thương lòng của nó.

Cười xong, hắn cũng bắt tay vào chính sự đưa nó lên tận vùng Tây Bắc ăn cát vàng, lăn lội ở đấy suốt ba tháng, xong lại xuống tít đẩu đâu lội suối bắn chim. Nói chung, nó cảm thấy chẳng oai ngầu chút nào mà còn đau cả xác.

Kình tiên sinh cũng thấu hiểu nỗi đau xác của nó liền cho nó đau luôn về mặt tinh thần. Hắn bắt nó lại mặc đồ nữ trang rồi vác nó đến làng Cát, Hà Châu học nghề trồng dâu nuôi tằm. Ở đây, nó có tên là Tuyên Cơ. Nương dâu xanh ngắt một màu trải dài quanh co bên bãi bồi sát bờ đông của Hồ Thuỷ Khanh. Nhược Vũ lết theo các tỉ muội xách giỏ đi hái lá dâu. Ruộng dâu như rừng, thấp thoáng có tiếng hát của vị cô nương nào đó bị say nắng.

Nhược Vũ còn chưa quen đường quen nẻo, đi vài vòng thì lạc, không thấy lối ra. Điều nó phiền muộn là giống dâu chăn tằm khác với dâu thường. Cả một vùng dâu như rừng mà lại không tìm được cây nào có quả dâu. Nhược Vũ chọn một cây dâu có vẻ khá cao, trèo lên nhìn, chỉ thấy xung quanh mênh mông một màu xanh của lá dâu tằm, căng mắt mãi mới thấy bóng người bên dưới. Nó bèn nhảy xuống, theo hướng bóng người, chạy đến hỏi đường ra. Người kia nhìn thấy nó đột ngột nhảy đến thì có hơi bất ngờ. Nó cũng bất ngờ. Người này cao ráo, thân hình cân đối, mặc y phục xanh thẫm nho nhã, chỉ có điều, giữa nương dâu rậm rạp căn bản chẳng lọt nổi ánh nắng, người đó lại đội mũ đeo mạng, thật khác người. Nhược Vũ muốn hỏi đường cũng không biết phải xưng hô thế nào. Người kia cũng chẳng để nó kịp nghĩ nhiều, nhấc chân bước đi. Nhược Vũ đành đi theo. Mặc kệ đó là người phương nào, chỉ cần ra khỏi nương dâu là được.

Đi lòng vòng một canh giờ, Nhược Vũ bắt đầu nghi ngờ, có lẽ kẻ này cũng bị lạc giống nó?

"Nhóc con, ngươi theo dõi ta?" Kẻ kia đột ngột dừng bước, lạnh giọng hỏi. Giọng nói của một thiếu niên trẻ tuổi nhưng khá uy nghiêm khiến người khác có chút e dè.

Nhược Vũ đang mải suy nghĩ, không để ý, đâm sầm vào lưng người ấy. Chóp mũi đã đau thì chớ, còn bị khí thế của kẻ kia làm cho sợ hãi rụt cổ.

"Không dám, không dám."

Kẻ kia cười nhạt, bảo: "Ta thấy ngươi không dám thật."

Nhược Vũ mỉm cười, miệng nói: "Quá khen, quá khen. Muội bị lạc đường. Chỉ muốn tìm đường ra, không có ý khác."

Kẻ kia trầm mặc nhìn "muội" từ trên xuống dưới, cười nhẹ: "Ta cũng bị lạc."

Ôi, thật là xui xẻo mà. Hai người họ lượn vòng một hồi cũng thấy mỏi chân nên dứt khoát mỗi người tựa vào một gốc dâu nghỉ ngơi.

Phía trên tán lá dâu bỗng có tiếng chim kêu. Nhược Vũ sực tỉnh, tất bật chạy đi gom củi khô, lá khô, đốt thành một đống lửa. Đến khi xong xuôi, quay đầu nhìn lại mới thấy con chim đã ngoẻo cổ trên tay kẻ kia, ắt hẳn vừa bị bóp chết.

Nhược Vũ kinh ngạc: "Huynh bóp chết nó làm gì?"

Kẻ kia cũng kinh ngạc: "Không phải nhóc nhóm lửa để nướng thịt chim sao?"

Nhược Vũ ôm trán: "Muội đốt lửa để người trong thôn thấy khói sẽ đến tìm mà."

Hai người nhìn nhau. Hiểu nhầm rồi. Nhược Vũ bật cười, giọng vui vẻ: "Hoàn toàn không phải chê cười huynh."

Kẻ kia trừng mắt nhìn nó, thật lâu sau mới rít qua kẽ răng một câu: "Khách khí rồi."

Nhược Vũ nướng con chim trên lửa mình vừa nhóm. Trong lòng ngờ ngợ con chim này có vẻ quen mắt, không biết đã thấy ở đâu rồi. Nhưng mùi chim nướng thơm phức khiến nó chẳng bận tâm suy nghĩ nhiều. Nhược Vũ có lòng đưa phần nhiều hơn cho kẻ kia nhưng thiếu niên đó khinh thường không nhận. "Ta không có thói quen ăn chung với người khác."

Nhược Vũ đang phồng má ngậm một miệng đầy thịt chim, đáp lại: "Nhiều khi muội cũng không xem mình là người đâu. Huynh yên tâm."

Chưa kịp nuốt xong miếng thịt cuối cùng, Nhược Vũ đã nghe thấy tiếng kêu the thé từ xa vẳng lại, ắt hẳn là tiếng của phú ông trong vùng: "Chim ơi, chim đâu rồi?"

Miếng thịt nghẹn tắc trong miệng Nhược Vũ. Thảo nào nó cứ thấy con chim này quen mắt. Nó đã thèm nhỏ dãi con chim này từ lâu rồi. Mỗi lần đi ngang qua nhà phú ông, nhìn thấy con chim béo mẫm, nhảy nhót trong lồng, nó đã tưởng tượng không dưới trăm lần cảnh ăn được con chim đấy. Nhưng cho dù trí tưởng tượng có phong phú đến đâu, nó cũng không nghĩ là sẽ thưởng thức như thế này.

"Gây hoạ lớn rồi!" Nhược Vũ kéo kẻ kia bỏ chạy.

Quả thật, vừa trốn vào lùm cây rậm rạp, nó đã nghe thấy tiếng kêu khóc thảm thiết của lão phú ông: "Chim của ta! Chim của ta!"

Phú ông ghì mấy mảnh xương bé của con chim còn sót lại vào lòng, nước mắt nước mũi ròng ròng.

Nghe nói con chim quý giá của phú ông bị bệnh. Phú ông cất công cho mời lang y khắp nơi trong vùng đến chữa trị. Lang y đến nhà thì chim bệnh lại xổng chuồng bay mất. Người trên kẻ dưới trong nhà phú ông cùng với lang y khắp nơi tất tả đi tìm.

Đám lang y vừa đi ra, nghe thấy phú ông nói vậy liền đưa mắt nhìn hai tay lão đang ôm trước bụng. Trong đám lang y, có một thiếu niên tuấn tú, chỉ là y phục trên người xanh đỏ rất chói mắt như chuối hột nở hoa, lên tiếng:
"Nếu như ngài không ngại, tại hạ có thể kê giúp ngài vài thang thuốc bổ thận tráng dương, đảm bảo lập tức hồi xuân."

Kẻ bên cạnh phì cười. Nhược Vũ vội lao đến bịt miệng lại. Nó đứng chắn giữa người thiếu niên ấy với bên ngoài. Nó đang bảo vệ hắn. Một đứa nhóc con thích giả gái bé xíu, đến bàn tay còn chẳng đủ một cái nắm tay của hắn lại bảo vệ hắn.

Phú ông tức giận, giậm giậm chân ra lệnh: "Dù đào ba thước đất cũng phải tìm bằng được hung thủ."

Kẻ kia giãy giụa. Chiếc mũ và khăn che mặt của hắn rơi xuống. Bốn mắt gần như chạm phải nhau. Kẻ kia ngỡ nó sẽ bị doạ cho sợ hãi, ai ngờ Nhược Vũ thở phào. Ôi, còn tưởng người này thân phận thần bí nên phải giấu mặt, thì ra là bị mấy cái mụn nước mà thôi. Nhược Vũ cũng không để ý nhiều đến người trước mặt, hết sức chăm chú nhìn động tĩnh bên ngoài. Kẻ kia áng chừng sợ nó làm ngạt thở nên kéo tay nó xuống nắm trong lòng bàn tay hắn. Rất lạnh, rồi dần dần ấm lên trong bàn tay hắn.

Người làm, kẻ dưới trong nhà phú ông lục soát một hồi, căn bản là tìm cho có thôi, chứ mạng chim dù quý thế nào thì cũng không thể làm ra vẻ nghiêm trọng như mạng người được.

Chờ mọi người tản đi hết, Nhược Vũ mới thở phào nhẹ nhõm. Vừa chui ra khỏi nơi ẩn náu thì đầu nó bị đập một phát đau điếng.

Kẻ bên cạnh nó dường như cũng kinh ngạc, trầm giọng quát: "Trạch Dương, ngươi lỗ mãng quá rồi đấy."

Người đánh nó chính là tên lang y ăn mặc sặc sỡ như cây chuối nở hoa. Lang y cũng giật mình, lẩm bẩm: "Đầu nhóc làm bằng gì mà cứng vậy? Đập như thế mà không ngất."

Nhược Vũ nổi đoá lên: "Ta với huynh có thù oán gì với nhau à?"

Kẻ mới đến xua tay: "Không, không, mới gặp lần đầu. Chỉ là ta nhận tiền của người khác, giữ an toàn cho người này, bao gồm chữa trị bệnh thuỷ đậu và cả việc đưa người này ra khỏi vùng mà thần không hay quỷ không biết."

Nhược Vũ ấm ức: "Vừa hay ta không phải thần, cũng chẳng phải quỷ."

"À, đúng vậy, nên ta cũng không có ý định đánh ngất nhóc nữa." Trạch Dương xoa xoa tay cười.

"Người ta dù sao cũng chỉ là một đứa trẻ. Ngươi mạnh tay quá rồi đấy." Kẻ kia khiển trách Trạch Dương.

Nhược Vũ cảm động phát khóc, chưa kịp đồng tình với kẻ ấy thì đã nghe kẻ ấy nói tiếp: "Ngươi hoàn toàn có thể dùng độc mà."

Nhược Vũ nghiến răng nghiến lợi nói với người đeo mạng bên cạnh: "Huynh đúng là quạ đen. Gặp huynh là ta xui xẻo. Cầu cho lá dâu tằm, cỏ mần trầu, lá tre, cam thảo đất tươi (các vị thuốc chữa bệnh thuỷ đậu) mùa này không còn."

Trạch Dương khen ngợi: "Nhóc con cũng hiểu biết ghê."

Ra khỏi nương dâu như ma trận, kẻ kia bỗng dừng bước chân, nói với Nhược Vũ một câu khiến Trạch Dương giật mình, không khỏi nhìn nõ kĩ một chút: "Hẹn ngày tái ngộ."

Nhược Vũ xoa cục u sưng to trên đầu, ức đến ngứa răng. "Ta và huynh tốt nhất không nên gặp lại. Huynh cứ đi đường lớn của huynh. Ta tự tránh vào ngõ nhỏ của ta, tránh cho ta lại bị đánh oan."

Trạch Dương cười ngặt nghẽo. Nhược Vũ rảo bước đi thật nhanh, không buồn quay đầu lại.

Ngoại trừ lần bị lạc ở nương dâu ra, cuộc sống của Nhược Vũ ở đây rất yên bình. Nó đối với chuyện thêu thùa, dệt vải như con gái rất không tình nguyện, nhưng ngại phải nhìn khuôn mặt buồn rầu của sư phụ nêm đành lòng bớt thời gian bắt chim, chọi chó, chuyên tâm đi luyện kiếm chém kiến.

Nhược Vũ trời sinh ham vui, hay lơ đãng nhưng có bốn việc nó rất kiên trì luyện tập nên đạt được thành tựu không nhỏ. Một là thêu hoa mai, hai là thư pháp, ba là đào tẩu, bốn là ủ rượu. Thêu hoa và thư pháp đều do sư phụ gây áp lực, nó không thể không khổ công hơn người thường. Nó học nghề ủ rượu là vì lòng hiếu kính với Kình tiên sinh, và bản thân nó cũng đam mê rượu chè. Kình tiên sinh chẳng có sở thích nào ngoài rượu ngon. Còn đào tẩu...hoàn toàn là vì bản thân nó sợ chết.

Đã bao mùa cuốc lủi, ho khan trên cánh đồng trơ rơm rạ. Nguyệt chưa trở lại chùa. Nhược Vũ có bao điều muốn kể với hắn cũng đành giữ lại trong lòng. Như con sâu lần đầu ló mình ra khỏi kén, tung đôi cánh mỏng manh giữa đất trời, thấy gì cũng mới mẻ.

Năm tháng trôi qua như chó chạy ngoài đồng, ngày này qua ngày khác, Nhược Vũ đã chẳng còn là một tiểu hoà thượng thuở nào trong chùa Phù Dao nữa.

Những năm tháng ấy, Nhược Vũ khi thì ở trong chùa nghe giảng kinh, đọc sách, khi lên rừng bên săn bắn chim muông, lúc rảnh lại theo Kình Ngư du ngoạn khắp nơi.

Cũng vào buổi chiều cuối hạ, tiết trời ấm áp dễ chịu, cả làn gió cũng dịu dàng như lụa phớt qua mái tóc dài mềm mại, văng vẳng tiếng ốc dồn từ xa đưa lại. Đang ở bên bờ nước chọc cá, Nhược Vũ cảm nhận thấy động tĩnh bèn ngoái lại, nắng rọi vào mắt nó khác nào màu mã não thượng hạng, bao phủ cả đất trời trước mặt. Trong ánh sáng đỏ rực ấy, nó trông thấy một thiếu niên cao ráo, quen mắt.

Bốn năm không gặp, Nguyệt đã cao lên không ít, các nét quen thuộc trên khuôn mặt đã không còn vẻ non nớt. Nhược Vũ bây giờ không phải tiểu hoà thượng cùng y lớn lên ở ngôi chùa nhỏ. Thử nghĩ, người anh em từ thuở ấu thơ, sau vài năm biệt tích đã thành một thiếu niên "thích" mặc đồ nữ trang, thật khiến cho người ta khó tiếp nhận. Nếu một ngày nào đó, Nguyệt nói rằng mình cũng bị ép mặc đồ nữ... Nhược Vũ rùng mình không dám nghĩ nữa. Nó chẳng nói chẳng rằng, ôm sự xấu hổ rời đi.

Nó lơ đãng làm cơm canh chịu tội. Kình tiên sinh nhìn cơm khê, cá khét, cam chịu ăn vài miếng, chợt nhớ ra:
"Cậu bé ở trong chùa Phù Dao với con đang ở đây đấy."

Nó chột dạ rồi thở than: "Con gặp rồi. Nhưng chả lẽ sư phụ định bảo con mang cái bộ dạng bất nam bất nữ này đi uống rượu với y."

Kình Ngư ôm bộ mặt vừa bi vừa hài cảm khái: "Nhóc con đã lớn thật rồi."

Thằng bé con ngày nào vắt vẻo trên cây không xuống được, thoắt cái đã thành một thằng đực rựa có tiết tháo rồi.

Vịt trời đột nhiên quang quác trong đêm, dự cảm chẳng lành như thuỷ triều tràn vào khiến Kình Ngư thấy toàn thân lạnh buốt. Đời này, y chỉ mong nhóc con sống yên bình, hạnh phúc, vĩnh viễn chẳng dính dáng đến hoàng gia. Tình người ấm lạnh, có mấy ai giữ được tấm lòng sắt son trước lưỡi đao hoàng quyền. Một lời phán tội hoang đường, ba gia tộc, hơn ba trăm mạng người vô tội cứ thế bị xoá sạch, máu nhuộm thành sông. Thiếu niên đang tuổi xuân xanh, qua một đêm bỗng trở nên tang thương, đôi vai nặng trĩu mối thù. Dẫu lòng bi thương, xót xa, y vẫn giữ cho giọng mình thật bình tĩnh: "Nhược Vũ, điều ta sắp nói đây, con phải nhớ thật kĩ. Con được nuôi dạy khác với những đứa trẻ bình thường, và có ba thân phận, tuyệt đối không được để lộ, kể cả là người trong lòng con sau này."

Nhược Vũ bị thần sắc nghiêm túc, trịnh trọng của Kình Ngư làm cho giật mình, liền gật đầu đáp ứng.

"Nhược Vũ, hãy nhớ kĩ, thỏ khôn có ba hang. Ba hang này, sư phụ con và ta đã đào sẵn cho con, mong rằng con không phải dùng đến nó để thoát thân."

Thế gian mấy ai hiểu được tấm lòng cha mẹ, nó khi ấy cũng không thể lý giải tâm sự trùng trùng trong lòng Kình tiên sinh.

Nhược Vũ trằn trọc mãi trên giường không thể ngủ, đến khi mí mắt nặng nề sắp nhắm lại, bên tai bỗng văng vẳng từng đợt la hét chém giết từ phía trong núi truyền lại. Nó chạy đến phòng Kình Ngư thì không thấy người đâu, chỉ thấy đoản đao người hay dùng đặt ngay ngắn trên bàn, lòng cả kinh. Có lẽ nào Kình tiên sinh chỉ định đi dạo chơi thì gặp chuyện? Nó cầm thanh kiếm, giắt thêm đoản đao vào người, mặc kệ đang trong y phục nữ chưa kịp thay đã tiến về phía đao kiếm. Nhược Vũ nhận ra Kình Ngư đang chật vật bảo vệ một người. Nó từng chứng kiến thân thủ cao siêu của y, nhưng cao siêu đến mấy cũng không thể vừa tay không chống chọi với đám sát thủ trang bị đầy đủ đao kiếm vừa bào vệ chu toàn người khác. Nhược Vũ vung kiếm mở đường máu xông vào đưa đao cho người. Đến gần, nó nhận ra người đang được Kình Ngư bảo vệ là Nguyệt.

Nhược Vũ đỡ Nguyệt từ tay Kình Ngư, sử dụng tuyệt chiêu tâm đắc nhất là đào tẩu, vừa chạy vừa vung kiếm chém chết chướng ngại vật. Nó ngó nghiêng phía sau, thấy Kình Ngư không còn bị vướng víu, lại có thêm đao tốt, nhanh chóng đảo ngược tình thế, đám tử sĩ kia bị chém xuống như cá chết. Nhược Vũ không quen thuộc chốn rừng hoang nên cũng chẳng đi được xa, vội vàng dịu Nguyệt vào cái hang mà hai thầy trò từng phát hiện ra khi lên núi luyện tập. Nghe thấy tiếng rên vô thức của Nguyệt khi bị chạm vào vết thương, hắn mới vội vàng kiểm tra. Ánh trăng nhàn nhạt phủ lên người Nguyệt. Dưới trăng, da dẻ y càng tái nhợt, vết máu đỏ tươi như xoáy vào mắt người ta. Vết thương của Nguyệt rất nghiêm trọng, chắc chỉ có sư phụ mới cứu được. Thuở nhỏ, nó cũng được sư phụ chỉ dạy y thuật, tiếc là hắn không có năng khiếu, học được chút lông gà vỏ tỏi, biết dùng đến cỏ nhọ nồi để cầm máu mà thôi. Cũng may là chút lông gà vỏ tỏi ấy đã cứu sống Nguyệt, hay nói cách khác là Nguyệt rất cao số.

Đến khi máu ở vết thương của Nguyệt cầm hẳn cũng là lúc nó mệt mỏi, ngồi xuống bên cạnh, mắt ngước nhìn vầng trăng lững lờ trước cửa hang. Nhược Vũ biết Nguyệt mất máu quá nhiều, cơ thể sẽ lạnh dần đi nhưng lại không dám đốt lửa sưởi, sợ kẻ địch chú ý. Không còn cách nào khác, nó đành cởi cái y phục nữ của mình, ném cho Nguyệt, hy vọng bộ váy vóc hơi dính máu ấy truyền cho anh ta ít hơi ấm.

Gió đêm lướt qua ngọn cây xào xạc, tiếng con gì ngân ra rả, khi xa khi gần.

Thi thoảng Nhược Vũ lại cầm tay Nguyệt bắt mạch, cảm nhận được mạch đập mới yên tâm. Chẳng biết đã bao lâu, Nguyệt mới khôi phục lại chút ý thức. Đụng vô bàn tay đang xem mạch cho mình, hỏi: "Dám hỏi, ân nhân cứu mạng là nam hay nữ?"

Nhược Vũ chợt nhận ra, có lẽ thị lực của anh ta tạm thời bị ảnh hưởng, bèn nổi tính khốn nạn trêu chọc một phen. Nó cất cao giọng, cố giữ cho nghe làm sao mềm mại nhất: "Là nữ."

Nguyệt vội vàng buông tay hắn ra như đụng phải lửa: "Xin lỗi, ta vô ý, đã mạo phạm đến cô nương."

Ỷ Nguyệt không biết mình là ai, hắn nín cười, cố tỏ ra vẻ ấm ức: "Vừa nãy, để cứu người, ta còn phải ôm huynh nữa cơ đấy!"

Nếu không phải vừa bị mất máu quá nhiều, chắc chắn sẽ thấy mặt Nguyệt đỏ bừng như quả lựu đầu hè. Dưới bóng cành lá lay động, dường như còn ngửi được mùi hương hoa trên núi thoang thoảng. Nguyệt vô cùng nghiêm túc: "Dám hỏi, tên hỏi, quê quán cô nương ở đâu, chờ thương thế đỡ, ta sẽ tạ ơn."

Nhược Vũ nhịn cười sắp thành Phật luôn rồi, nhưng đã diễn thì hắn cố diễn cho bằng hết vở kịch thì thôi. Nếu có chuyện gì thì nhờ một cô nương đổ vỏ cũng được. "Ra ngoài là công tử sẽ biết ta là ai."

Tiếng côn trùng bỗng nhiên im bặt, gió cũng ngừng lao xao, không khí xung quanh trở nên khác lạ. Chút ánh sáng nơi cửa hang bị che lấp. Nhược Vũ rời mắt nhìn ra cửa hang, khi thấy rõ bóng đen vừa vào che mất ánh trăng, hắn bỗng cười khẩy. Kẻ địch đã lần đến nơi, chẳng nói chẳng rằng, nó vung kiếm chém đến. Chỉ nghe soạt một cái, tên kia ngã bịch xuống đất. Nguyệt lắng tai nghe tiếng động rồi nhanh chóng thủ tư thế sẵn sàng chiến đấu.

"Không có gì đâu, con chuột béo chạy qua không may vấp phải đá bị ngã thôi." Nó nói dối trơn tru.

Kẻ địch trợn trắng mắt vì bị coi là chuột, còn là một con chuột béo hậu đậu, gã hừ một tiếng rồi tự mình băng bó vết thương. Tất nhiên Nhược Vũ đâu cho hắn cơ hội băng bó, lại bồi thêm một kiếm xuyên qua ngực con chuột béo này.

Mặt trời lấp ló đằng đông, ánh sáng ngày mới thưa thớt len qua lá cây xuyên vào cửa hang. Kình Ngư chạy như bay đến, kéo Nhược Vũ đang đứng tựa cửa hang ra ngoài, nó đưa mắt ra hiệu vào bên trong. Kình Ngư nhìn vết thương trên vai nó rồi gãi mũi khinh thường, tỏ ý ốc không mang nổi mình ốc còn đòi mang cọc cho rêu: "Yên tâm, mạng hắn cao quý, không sao đâu, có người tới cứu trợ ngay thôi."

Biết nó mềm cứng không ăn, khi quyết chí làm gì thì chẳng ai ngăn nổi, Kình tiên sinh đành chờ cho đám người kia đến mới rời đi. Ẩn trong lùm cây rậm rạp, Nhược Vũ cố gắng gượng chống lại cơn buồn ngủ, nhìn đoàn người hối hả chạy vào nâng Nguyệt đi. Trong đám người đó, hắn nhìn thấy một nữ nhân tiến đến nắm chặt tay Nguyệt. Trong lòng dấy lên một chút cảm thán, đúng là vừa ra khỏi cửa có người đổ vỏ cho thật.

Nhược Vũ về chùa dưỡng thương khoảng nửa năm, nói là nửa năm chứ thương thế của nó sau ba ngày là thấy hắn chạy vọt lên núi, hoặc lại lội xuống sông hồ. Còn Kình tiên sinh lúc nào cũng trưng ra mặt cô hồn, y giận vì bị sư phụ Nhược Vũ, sư trụ trì chùa Phù Dao, cầm chổi đánh một đường từ cổng chùa xuống tận cổng thôn.

Bọn Đạt Mập kể rằng khi nhìn thấy nó bị thương trở về, sư phụ luống cuống phát khóc. Nó ngủ mê man hai ngày, thì cả hai ngày sư phụ không lúc nào chợp mắt, bao nhiêu lo lắng, lửa giận ngút trời, hận không thể lôi nó dậy, quất cho vài nhát chổi, đành để Kình Ngư chịu thiệt.

_______

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip