Chương 6. Trần Bách

Chế độ được thiết lập vào năm Trần Bách ra đời.

Đó là năm đánh dấu sự kiện vĩ đại mà người đời sau gọi là "Đại Cải Cách" — khi các bậc lãnh đạo quyết định phân chia rõ ràng hai giống loài: nam nhân và song tính nhân. Một thế giới trật tự được dựng lên, nơi nam nhân là chủ nhân, là người bảo vệ và kiểm soát, còn song tính nhân là những đóa hoa dịu dàng được sinh ra để phục tùng và làm đẹp cho đời.

Trần Bách chưa từng biết đến một thế giới nào khác.

Khi còn nhỏ, hắn được cha — Trần Việt — dạy rằng: "Con là nam nhân. Con sinh ra để cai trị."

Từ lúc bập bẹ biết nói, Trần Bách đã quen với những bài học về quyền lực và kỷ cương.

Khi Trần Bách lên bảy tuổi, Trần Hi, đứa em trai song tính của hắn ra đời.

Trần Hi khi ấy nằm trong nôi, đôi mắt to tròn, hàng mi dài rũ xuống như hai cánh bướm khép hờ. Cậu ngơ ngác nhìn Trần Bách, đưa tay lên như muốn nắm lấy hắn.

Cha đặt một bàn tay lên vai Trần Bách và nói:

"Hi Nhi là một song tính nhân. Nó sinh ra để được nam nhân như con bảo vệ. Nó đẹp, ngoan và dễ bảo, và sẽ mãi mãi là như vậy."

Trần Bách nhìn em trai nhỏ, lòng không gợn lên chút thương hại hay cảm xúc gì khác. Đó là điều chế độ đã dạy cậu: song tính nhân không cần lòng trắc ẩn, họ cần sự dẫn dắt.

Tiếp xúc với Trần Hi từ bé ngoài Trần Bách còn có Lục Vân. Ngay từ nhỏ, Lục Vân đã khác Trần Bách — hắn không lạnh lùng hay nghiêm nghị, mà là một đứa trẻ có vẻ ôn hoà, giọng nói trầm mềm. Nhưng ngay cả sự dịu dàng đó cũng là thứ vũ khí được chế độ khuyến khích: một nam nhân có thể dịu dàng, nhưng không bao giờ mềm yếu.

Em bé Trần Hi nhìn hai người con trai trước mắt, đôi mắt trong veo chưa từng biết đến sự tàn nhẫn của thế giới.

Trần Bách đứng bên cạnh Lục Vân, thản nhiên nói:

"Đó là em trai song tính của tôi."

Lục Vân nghiêng đầu, nhìn chằm chằm Trần Hi hồi lâu, rồi cười nhẹ:

"Dễ thương thật."

Tối hôm đó, Trần Việt gọi Trần Bách vào thư phòng, rót cho đứa trẻ chén trà nhỏ nhưng nặng vị đắng.

"Con phải nhớ, song tính nhân là những bông hoa cần được nuôi trong lồng kính, là những sinh vật cần được đeo dây xích. Cho dù đẹp nhưng ngu muội, yếu đuối và dễ sa ngã. Nếu để chúng có ý nghĩ phản kháng hay ước mơ quá giới hạn, đó là lỗi của con — vì con đã không kiểm soát được chúng."

Ông nhìn Trần Bách.

"Con là nam nhân thừa kế Trần gia, người sẽ gánh vác gia tộc Trần bảo vệ trật tự này. Con có trách nhiệm giữ cho mọi thứ trong khuôn khổ — bao gồm cả Hi nhi."

Đêm đó, Trần Bách bảy tuổi ngồi trước bàn học. Giữa những trang sách về chính trị, chiến lược, và luật lệ, có một tờ giấy ghi:

"Nam nhân là chủ. Song tính nhân là nô."

Câu nói này được nhắc đi nhắc lại đến mức khắc sâu vào trí óc của hắn, như thể nó là một chân lý tuyệt đối.

Lúc đã lớn hơn một chút, Trần Bách 12 tuổi nhìn cậu em trai 5 tuổi níu lấy góc áo mình, đôi mắt sáng long lanh, bập bẹ nói:

"Anh Bách... Anh cao như vậy, lại giỏi giang nữa, em lớn lên có thể trở nên giống anh không?"

Trần Bách, không hề do dự mà trả lời:

"Không thể. Vì em là song tính nhân."

"Nhưng... nếu em muốn giống anh thì sao?"

Trần Bách cau mày, giọng lạnh băng:

"Em không được phép."

Và Trần Hi cúi đầu, im lặng như một đóa hoa vừa héo.

Trần Bách, lúc này đã 14 tuổi, ngồi vắt chân trên chiếc ghế bành bọc da, trước mặt là bàn cờ tướng được bày ra nửa chừng. Người thầy riêng của cậu — một người đàn ông trung niên, từng là cố vấn của nhà họ Trần — đang kiên nhẫn giảng giải những nước cờ mang tính chiến lược, lồng ghép vào đó là những bài học về kiểm soát và thống trị.

"Cậu chủ, muốn thắng ván cờ, phải biết hy sinh quân tốt để bảo vệ quân tướng. Những kẻ yếu đuối và vô dụng thì không đáng để cậu chần chừ."

Trần Bách chống cằm, mắt chăm chú nhìn bàn cờ, nhưng ánh sáng lạnh lẽo trong mắt cậu lại như đang soi xét mọi thứ xung quanh.

Ở một phòng khác, Trần Hi ngồi thu mình trên chiếc ghế nhỏ hơn, hai chân khép chặt, tay xoay xoay góc áo. Cậu bé mới 7 tuổi, gương mặt xinh xắn mang nét dịu dàng thừa hưởng từ Khải Dương, làn da mái tóc đều được chăm sóc tỉ mỉ cực điểm, đôi mắt to tròn ngây thơ non nớt.

Cậu không có thầy dạy cờ tướng hay kinh doanh. Người được phân công "dạy dỗ" cậu lại là một người hầu lớn tuổi trong nhà — bà chỉ nhấn mạnh một điều duy nhất: Trần Hi phải biết cách khiến anh trai hài lòng.

"Cậu Hi, sau này lớn lên, cậu phải ngoan ngoãn nghe lời cậu Bách. Dù gì cậu Bách cũng là người thừa kế nhà họ Trần. Còn cậu... chỉ cần trở thành một người em trai tốt là đủ." Người hầu vừa giúp cậu lau khô tóc vừa nói.

Trần Hi ngước lên, đôi mắt ngơ ngác:

"Người em trai tốt là thế nào ạ?"

Bà hầu mỉm cười đầy ẩn ý:

"Là biết vâng lời, không bao giờ làm trái ý anh mình. Khi cậu Bách vui, cậu phải vui. Khi cậu Bách giận, cậu phải biết xin lỗi ngay cả khi không hiểu mình đã làm sai gì."

Lúc này Trần Bách đã đứng bên cửa từ khi nào:

"Em nghe rõ chưa Hi? Em sinh ra là để làm em trai ngoan của anh. Sau này, nếu em ngoan, có khi anh sẽ nói với ba mẹ cho em ở bên cạnh anh mãi mãi."

Trần Hi gật đầu, ngây thơ đáp:

"Em sẽ ngoan... sẽ ở bên anh Bách."

Khi Trần Hi lớn dần, những giấc mơ tự do ngày càng mờ nhạt.

Cậu học cách cười dịu dàng, học cách gật đầu ngoan ngoãn, học cách không thắc mắc khi anh Bách và anh Vân nói cậu phải làm gì.

Những lần cậu hỏi về thế giới bên ngoài, Trần Bách lạnh lùng quét ánh mắt qua cậu, còn Lục Vân nhẹ nhàng xoa đầu cậu và thì thầm:

"Hi Nhi chỉ cần ở đây thôi. Ngoài kia không dành cho em."

Và Trần Hi, từng là đứa trẻ hỏi "Tại sao em không giống anh?", dần dần chỉ biết mỉm cười đáp:

"Vâng ạ."

Những đứa trẻ như Trần Bách hay Lục Vân được dạy cách lãnh đạo, ra lệnh, và kiểm soát, và cả cách thao túng lòng người.

Trần Hi thì được dạy cách cúi đầu, nhẫn nhịn, và làm hài lòng những người có quyền lực hơn mình — trước mắt chính là anh trai cậu.

Và thế là, dưới một mái nhà, hai đứa trẻ cùng sống trong nhung lụa nhưng lại bước đi trên hai con đường hoàn toàn đối lập. Một đứa được định sẵn để trở thành người cầm quyền, và một đứa thì chỉ là cái bóng ngoan ngoãn của kẻ nắm quyền ấy.

----

Buổi chiều trong khu vườn rộng lớn của biệt thự Lục gia, ánh nắng đổ dài trên những bãi cỏ được cắt tỉa gọn gàng. Tiểu Minh đứng ở bậc thềm, lặng lẽ nhìn ba đứa trẻ — Lục Vân, Trần Bách, và Trần Hi — đang ngồi dưới gốc cây đại thụ.

Lục Vân năm nay đã mười bốn tuổi, dáng người cao gầy, gương mặt tuấn tú nhưng ánh mắt lại sắc lạnh như một phiên bản thu nhỏ của Lục Thâm và Lục Phong. Trần Bách, cùng tuổi, đang đứng bên cạnh Lục Vân, khoanh tay trước ngực, trông có chút bướng bỉnh và kiêu ngạo. Giữa họ là Trần Hi, mới chỉ bảy tuổi, nhỏ nhắn và có những đường nét mềm mại của một đứa trẻ song tính.

Từ xa, Tiểu Minh có thể thấy rõ Trần Hi đang cúi đầu, hai tay bấu chặt gấu áo, đôi mắt ươn ướt vì sợ hãi, trong khi Lục Vân thì thầm điều gì đó bên tai cậu bé. Lục Vân bật cười, giọng điệu tràn đầy chế giễu:

"Em đúng là giống chú Khải Dương thật. Mềm yếu và biết vâng lời."

Trần Hi ngẩng lên, đôi mắt mở to hoang mang:

"Em... không yếu ớt..."

"Không yếu? Vậy em thử cãi lại bọn anh đi." Lục Vân nhếch mép, ngón tay thon dài của cậu thiếu niên chậm rãi nâng cằm Trần Hi lên, giống như cái cách mà Lục Thâm vẫn thường làm với Tiểu Minh. "Nếu em ngoan ngoãn, biết nghe lời như mẹ em, sau này có khi bọn anh sẽ giúp em tìm được một người chồng tốt. Một người giống bọn anh."

Trần Bách không nhanh không chậm tiếp lời, giọng nói không có chỗ cho ai phản bác:

"Phải rồi, một người biết cách dạy dỗ vợ, giống như bố dạy mẹ vậy."

Trần Hi im lặng, cả người run lên, nhưng không dám nói gì thêm. Dường như cậu bé cũng bắt đầu tin rằng sự phục tùng là con đường duy nhất để được yêu thương.

Tiểu Minh đứng phía xa, tim thắt lại.

Hình ảnh Lục Vân — con trai của cậu — bây giờ đã hoàn toàn giống như hai ông bố của nó. Ánh mắt, cử chỉ, lời nói đều nhuốm màu áp bức. Và đáng sợ hơn, nó không còn nhìn Tiểu Minh như một người mẹ cần được yêu thương nữa, mà như một tấm gương phản chiếu thứ tình yêu méo mó mà nó đã học được.

Nhìn sang Trần Hi, Tiểu Minh lại thấy bóng dáng chính mình ngày trước: nhỏ bé, yếu ớt, và dần dần bị những lời nói ngọt ngào nhưng hiểm độc kéo xuống vực sâu.

Lục Vân quay đầu lại, thoáng thấy Tiểu Minh đang đứng nhìn. Cậu ta khẽ cười, rồi nói vọng ra:

"Mẹ, sao mẹ lại đứng đó? Mẹ không ở bên hai bố sao?"

Tiểu Minh sững sờ, trong khoảnh khắc, cậu cảm giác con trai cậu thực sự chỉ coi cậu là một người vợ chỉ nên tồn tại bên cạnh hai người chồng, chứ không phải là một người mẹ nữa.

Phía sau Tiểu Minh, một giọng nói trầm thấp quen thuộc vang lên:

"Tiểu Minh, em nghe Vân nói gì chứ? Mau lại đây."

Lục Thâm đã đứng đó tự bao giờ, khoác lên mình bộ vest chỉnh tề, ánh mắt đầy vẻ thỏa mãn khi chứng kiến con trai mình đã trưởng thành đúng như kỳ vọng.

Lục Phong khoanh tay tựa vào tường, cười cợt nhả:

"Thằng bé đúng là giỏi. Nó còn hiểu chuyện hơn cả em đấy, Tiểu Minh."

Tiểu Minh cúi đầu, lí nhí đáp lại:

"Vâng... em đi ngay."

Trước khi quay đi, cậu vẫn kịp liếc nhìn Trần Hi thêm lần nữa — đôi mắt cậu bé vẫn ngơ ngác giữa hai người anh lớn, hoàn toàn không biết rằng bản thân đang bước từng bước vào một vũng lầy vô hình.

Chế độ không chỉ giam cầm song tính nhân.

Nó đục khoét ước mơ của họ, biến mọi khát khao trở thành những mảnh vỡ lặng lẽ, gói gọn trong những nụ cười hoàn mỹ và những lời phục tùng ngọt ngào.

Và Trần Hi, Trần Bách, Lục Vân — ba đứa trẻ lớn lên giữa chế độ — mỗi người đều trở thành một mảnh ghép hoàn hảo cho thế giới méo mó ấy.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip