Chương 3: Nhỏ cùng phòng ảo đá
Tình bạn của tôi và con nhỏ cùng phòng bắt đầu kể từ khi tôi cùng nó xuống tìm chị phụ trách để lấy chăn ga gối mền. Ấn tượng đầu tiên của tôi về nó gần như không có, vì trông nó như con nhỏ bụi đời, xuống Sài Gòn để chơi là chính, học có hay không cũng chẳng sao. Tuy vậy, tôi lại rất đồng cảm vì nó cũng bị lừa ba tháng tiền cọc giống tôi, giống Nguyên Ân.
- Mày cũng học Ngoại thương hả? - Nó theo tôi vào thang máy, cất giọng không mấy niềm nở.
- Chuẩn. Mày học lớp nào?
- Quản trị, CLC1*.
(*CLC: Chất lượng cao.)
- Ê, vậy mày học chung lớp tao đấy. - Tôi đột nhiên trở nên đon đả - Mai mốt đi học Sinh hoạt công dân chung không?
Nó đáp ngay:
- Đi, sợ gì?
Nhỏ bạn mới này tên Nguyệt Quế, tuy lùn không kém cạnh tôi nhưng được cái có nước da trắng trẻo, tóc thì suôn mượt thướt tha. Đúng là ban đầu tôi không hi vọng gì chuyện kết bạn với nó, ấy thế mà kể từ lúc hai đứa yên vị trên ổ, tôi phát hiện ra mình và nó có kha khá điểm chung, và dường như nhỏ bạn lại là đứa trong ngoài bất nhất.
Sau khi cả phòng đã tắt điện, Quế vươn tay từ chỗ nó qua tôi, lay lay hỏi chuyện.
- Ê mày.
- Sao mày?
- Kết bạn Facebook với tao đi.
Tôi tưởng có chuyện gì nghiêm trọng, hoá ra con Quế không quen ngủ sớm, vả lại nó đang có hứng kể cho tôi nhiều chuyện. Nào là nó thích viết truyện, thích xem hoạt hình, thích đọc sách...
Quế Quế: Tao nói mày nghe, tao tâm đắc nhất là bộ Brave của Pixar. Nó hay kinh khủng khiếp.
Cát Ân Hoàng: Ơ tao cũng mê bộ đó. Mà mày bảo mày viết truyện, đâu khoe coi?
Con Quế không ngại khoe ra cái tài khoản Wattpad đã bảy năm tuổi của nó, nhưng lúc tôi hỏi nó có dự định gì lâu dài chưa thì lại nghe nó bảo:
Quế Quế: Trời ơi, truyện tao flop dữ lắm mày. Có bộ kia tao viết ba năm mà giờ lẹt đẹt một, hai lượt đọc. *mặt khóc
Nó nói làm tôi nhớ đến mấy ý tưởng truyện xấu số đã chết từ trong trứng của tôi. Trước đây tôi cũng từng có ước mơ viết lách, song, không được mãnh liệt và dài lâu như của Quế. Kể ra cuốn nhật kí này là tác phẩm đầu tiên và duy nhất được tôi chấp bút đến chương thứ ba. Hiểu được nỗi lòng của người viết, tôi nhắn vài lời an ủi đứa bạn:
Cát Ân Hoàng: Không sao đâu. Sao mày không thử gửi đến nhà xuất bản ấy? Tao thấy ra sách rồi thì sẽ dễ kiếm được độc giả hơn, kiểu vậy.
Ngay lúc ấy tôi vẫn chưa thể hiểu hết nỗi niềm của một cây bút trẻ mà chỉ cho rằng Quế buồn vì tài năng không được công nhận. Rõ ràng nó rất muốn cuốn sách của mình được xuất bản, vậy nhưng khi tôi bảo nộp bản thảo đi, nó lại nhất quyết chối từ. Sau đó, chúng tôi lảng dần sang chuyện khác và thế là cùng thiếp đi lúc nào không hay.
Sáng dậy, tôi kinh hoảng, hốt hoảng nhận ra mình đã lỡ cuộc hẹn sửa xe với Nguyên Ân. Gì mà "mai tám giờ nhé", bây giờ đã là chín giờ hơn rồi. Thế mà cậu ta không buồn gọi gì cho tôi mới đau chứ.
Sửa soạn xong xuôi, tôi lật đật chạy xuống nhà, còn đang định lấy số điện thoại từ Momo để gọi cho Nguyên Ân thì đã thấy cậu ta ngồi bên phòng sinh hoạt chung. Ký túc xá ác mộng này cái gì cũng tệ, ấy thế nhưng nó lại sở hữu một thứ mà không phải nhà trọ nào cũng có: Không gian sinh hoạt cho những thành viên không-muốn-ở-phòng. Thường tôi thấy người trong ký túc hay xuống đây nghịch máy tính với làm việc, khi nào buồn ngủ mới về phòng. Thấy Nguyên Ân ở đây, tôi ngờ ngợ đoán ra việc cậu ta đã chờ mình hơn một tiếng đồng hồ.
- Cậu đây rồi, đi thôi.
- Này, tôi tưởng cậu đi sửa xe luôn rồi ấy. - Tôi gượng gạo gãi đầu.
Nguyên Ân của hôm nay khác xa mọi ấn tượng của tôi về cậu. Hôm nay cậu mặc áo ba lỗ trắng rộng thùng thình và quần cộc, mặt mũi thì đỏ au như vừa tập thể dục về. Nhưng chắc cậu ta không đến trường làm thủ tục với bộ dạng như thế này đâu nhỉ?
- Không, hôm qua bọn mình hứa với nhau là đi chung rồi mà, sao tôi đi trước được.
- Biết tôi ngủ quên mà cậu còn không gọi. Số tôi lưu trên Momo ấy. - Tôi lèm bèm vờ khó chịu.
- Tôi không muốn làm phiền giấc ngủ của cậu nên là...
- Trời ạ! - Tôi ngắt lời trai đẹp - Thôi mình đi. Chín giờ là nắng dữ lắm rồi.
Cổ tay Nguyên Ân bắt đầu đau nhức từ giữa đêm qua. Tôi định sửa xe xong sẽ ghé tiệm thuốc mua vài liều giảm đau cho bạn, phòng trường hợp cậu ta đau đến không ngủ được. Ban nãy xổng vội quá, tôi không để ý xem con Quế đã dậy chưa, hay là giờ gọi nó ra đây ngồi chơi xơi nước tí cho vui. Nghĩ thế, tôi nhắn một lèo mấy tin, đại ý là: Ra đây đi, có trai đẹp ngồi cạnh.
Không mất quá lâu để con Quế ló mặt khỏi cái ký túc xá ác mộng. Vừa gặp Nguyên Ân, nó đã trố mắt, đứng đơ ra một lúc. Mãi đến khi Nguyên Ân lịch sự chào hỏi, nó mới sực tỉnh, đon đả đáp lời:
- Chào đằng ấy nhá!
Nó kéo ghế ngồi sát tôi, bắt đầu lôi điện thoại ra nhắn hí hoáy. Nào là:
Quế Quế: Mày kiếm đâu ra thế? Đẹp muốn chết luôn á bây. Có info không, xin phát.
Cát Ân Hoàng: Tao không có đâu, mày tự hỏi đi.
Tôi không ngờ ngoài việc viết truyện hay ra, con nhỏ cùng phòng còn có biệt tài ăn nói. Chưa đầy năm phút, Quế đã thoải mái buôn dưa với cậu bạn hàng xóm. Nếu để ý kĩ thì chỉ có mình Quế là người nói, còn Nguyên Ân lại khá kiệm lời, ngoài mấy cái gật lắc ra chắc cậu ta cũng không còn gì khác.
Đoạn, tôi thấy hai người trao đổi Facebook với nhau. Quá trình xin info của con Quế hoá ra nhanh hơn tôi nghĩ. Nó phải thấy mình may mắn vì đến bây giờ tôi còn chưa được kết bạn Facebook với Nguyên Ân. Chưa biết chừng cậu hàng xóm đã rung động trước nhan sắc của Quế nên mới xìa info ra nhanh thế, còn tôi thì khỏi nói, người hiền lành nhất Việt Nam không có quyền được thu hút sự chú ý.
Câu chuyện giữa hai đứa nó chỉ kết thúc khi chú sửa xe dắt con chiến mã ra khỏi bãi. Trong lúc Nguyên Ân bận bịu tính tiền, tôi đã kịp kéo nhỏ Quế ra thì thầm:
- Này, mày định tán Nguyên Ân hay sao mà tấn công dồn dập thế?
- Gì vậy trời? - Nó trề môi nhìn tôi đầy xét nét - Người ta chỉ làm quen bạn mới thôi mà.
Tôi lè lưỡi, ý muốn nói có chết cũng không tin lời Quế. Nó cũng không vừa, giơ nắm đấm lên hù dọa tôi. Thật lạ là dù chỉ mới quen nhau chưa đầy một ngày nhưng cả hai đứa đều thoải mái bày tỏ cảm xúc với đối phương không khác gì anh em chí cốt. Tôi không biết mình đã nói ra bao nhiêu câu nhảm nhí khi ở cạnh nó, nhưng nó không những không để tâm, thậm chí còn hùa theo mấy trò đùa vô thưởng vô phạt của tôi.
- Thí chủ đúng là có tài đó hả, hay là bày cho bần tăng mấy kiểu ăn nói hay ho đi? - Tôi giả giọng phim kiếm hiệp ngày xưa, lải nhải bên tai nó từ chỗ sửa xe đến khi về quán ăn.
Nó trưng bộ mặt nửa buồn cười nửa khinh bỉ ra nhìn tôi:
- Mày có thôi ngay đi không?
Nguyên Ân lấy xe xong cũng vội chạy theo chúng tôi. Trong lúc chờ cơm, con Quế bảo:
- Ơ mà bọn mày không thấy ký túc xá của bọn mình có vấn đề à?
Tôi và Nguyên Ân đồng thanh:
- Vấn đề gì?
Con Quế đảo mắt trước khi tiếp lời:
- Thì chuột, thì gián, thì tiền cọc, vân vân mây mây. Hôm qua trước lúc mày về ấy Ân, hai trong bốn bà chị đã nhằn tao cả tối đấy. Tao tính kể mày nhưng mà sợ mày hốt hoảng nên thôi.
Hoá ra không chỉ tôi mới có vấn đề với căn phòng lạnh lẽo tình người ấy. Chắc con Quế cũng kinh hãi lắm khi nhìn thấy nhà tắm đầy những rác thải của mấy bà chị.
- Thực ra thì... - Tôi ái ngại lên tiếng - Tao cũng có chung trải nghiệm với mày. Cái phòng đấy đúng là ác mộng.
Nhưng than vãn vậy thôi chứ tôi, Quế, thậm chí cả Nguyên Ân đều không thể cứ xách cặp mà rời đi được. Mất cọc là một chuyện, không có chỗ ở lại là chuyện khác. Lượng sinh viên tìm trọ bây giờ phải nói là rất, rất, rất đông. Mấy chỗ sạch, rẻ, khoẻ đều bị người khác húp trọn từ lâu. Nếu chúng tôi muốn chuyển trọ thì phải tìm được một căn phù hợp ít nhất là trước nửa tháng.
Thôi thì đất không chịu trời, trời đành phải chịu đất thôi. Ba đứa chúng tôi vẫn tự dặn nhau phải gắng gượng, dù rằng mỗi lần nghĩ đến căn phòng thiếu sinh khí ấy, tôi chỉ muốn ngất xỉu tại chỗ, chờ người mang thẳng vào bệnh viện. Ít ra trên viện còn sáng sủa hơn cơn ác mộng nào đó. Nhưng hãy nghĩ đến điều tích cực. Nhờ có tiêu chí điện nước bao trọn, ít nhất tôi có thể tiết kiệm một khoản kha khá. Đúng rồi, số tiền ấy có thể đỡ được nhiều việc lắm.
Chiều ấy, trong lúc dọn lại ổ của mình, tôi quay sang hỏi Nguyệt Quế:
- Mày thấy Nguyên Ân sao?
- Sao là sao? - Nhỏ vừa bấm điện thoại vừa dỏng tai lên nghe. Bấy giờ các chị 1, 2, 3, 4 đều đã đi làm hết, hai đứa cũng không phải nói chuyện giữ kẽ.
- Thì ấn tượng đầu.
- Đẹp trai.
- Hết rồi à?
- Tinh tế... - Nó ngập ngừng - Mỗi tội hay ghost tin nhắn tao.
Tôi bất chợt dừng tay:
- Tụi mày nhắn tin rồi hả?
- Ờ. - Nguyệt Quế nói rồi cho tôi xem hết đoạn tin nhắn của nó và Nguyên Ân. Đại loại là:
Quế Quế: Hi, hồi trưa mình có nói chuyện nè.
Nó nhắn vào lúc một giờ chiều. Khoảng một tiếng sau, Nguyên Ân trả lời:
Nguyen An: Hi.
Được thời, nó nhắn tiếp một tràng dài nữa nhưng Nguyên Ân không đọc.
- Người đâu mà chảnh. - Nhỏ Quế bĩu môi - Thôi kệ vậy. Trai đẹp là để ngắm, không phải để thương.
Rồi nó cũng quay đi làm việc của mình, không để tâm đến chuyện bị cậu hàng xóm bơ nữa. Nhờ có Quế, tôi mới biết tên Facebook của Nguyên Ân. Thật ra tôi chẳng có nhu cầu kết bạn với cậu ta, nhưng thiết nghĩ sau này nếu có chuyện cần nhờ vả, chẳng lẽ cứ gọi nhau bằng số điện thoại mãi? Đắn đo hồi lâu, tôi quyết định nhấp vào ô kết bạn. Chẳng hiểu sao tim tôi cứ thình thịch liên hồi, tưởng sắp sửa thi lại kì thi tốt nghiệp đến nơi. Tôi mường tượng ra trường hợp xấu nhất, khi Nguyên Ân chảnh chọe không thèm chấp nhận thỉnh cầu được kết bạn của tôi. Thế thì cậu ta đích thị là kẻ trọng sắc khinh bạn rồi.
Ấy vậy mà vài phút sau, điện thoại tôi hiển thị thông báo: "Nguyen An đã chấp nhận lời mời kết bạn của bạn". Lòng tôi như trút được gánh nặng ngàn cân, những viễn cảnh bản thân tự vẽ ra ban nãy cứ vậy tan biến không còn dấu vết.
Tôi định kết bạn rồi để vậy thôi, không ngờ Nguyên Ân lại chủ động "Hello" trước. Tôi lịch sự chào lại nhưng gắng tiết chế câu từ, không để đối phương biết mình đang hào hứng tiếp chuyện.
Cát Ân Hoàng: Chào.
Nguyen An: Cậu học lớp sinh hoạt công dân mấy á?
Tôi xem lại danh sách rồi báo:
Cát Ân Hoàng: 2 thì phải. Cậu sao?
Nguyen An: Cũng 2 luôn. Mai mốt đi học chung ha.
Không biết nên đáp gì thêm, tôi ấn đại một dấu like. Cứ tưởng Nguyên Ân sẽ biết điều mà ngưng cuộc trò chuyện, nào ngờ... cậu ta thả haha vào dấu like của tôi. Cậu ta sợ tôi nghĩ nhiều hay sao mà phải hành xử cẩn thận đến mức ấy? Trường hợp này, tôi thật không biết nói gì hơn ngoài câu "Ảo thật đấy!" của một idol mạng nào đó.
Rồi như sực nhớ ra điều gì, tôi quay ngoắt sang hỏi con Quế. Hai đứa học cùng ngành Quản trị, tôi cứ đinh ninh kiểu gì mình cũng chung lớp Sinh hoạt công dân với nó. Thế mà...
- Tao học lớp 7 cơ!
- Hả? Nhưng tao học lớp 2.
Cả hai không hẹn mà cùng ngoảnh ra, một đứa trưng ra bộ mặt thảm thương như vừa trải qua cú sốc, đứa còn lại hát nhạc chia ly của Mr. Siro:
- Từ nay duyên kiếp bỏ lại phía sau...
Sau này mỗi lần nghĩ lại, tôi toàn tự cười một mình. Hai đứa bọn tôi cùng tần số nên cũng mát mát giống nhau vậy đấy.
***
Ngoại thương đón chúng tôi vào một buổi trời mưa tầm mưa tã. Mới sáng ngày ra đã có những tảng mây màu chì lượn khắp trời, còn vầng dương đi đâu chẳng thấy ló dạng. Sáu giờ mười lăm phút sáng, tôi và Quế đồng loạt thức giấc nhờ tiếng báo thức, tranh thủ sửa soạn rồi lên trường kẻo mưa. Hai bọn tôi đều không có xe nên chỉ có duy nhất một phương tiện di chuyển là đôi chân.
Nguyên Ân cũng đi bộ. Tay sưng cỡ đó thì đến thần thánh cũng chẳng đi xe được. Cứ thế, ba đứa bất đắc dĩ trở thành bạn chung đường, mải miết trò chuyện cho đến khi cổng trường hiện ra trước mặt.
Tôi và Nguyên Ân tạm biệt Quế để vào thang máy. Chúng tôi học tầng năm khá cao, còn nó học ngay tầng một nên phải leo bộ. Không hiểu sao sắp đến giờ vào lớp rồi mà cả thang máy chỉ có tôi với mình anh bạn hàng xóm. Mười hai giây tiếp theo là mười hai giây ngượng ngùng nhất trong cuộc đời tôi. Thang máy thì cứ chầm chậm đi lên, còn tôi, ngoài im lặng ra thì không còn gì khác để làm. Tôi không phải con Quế, mở miệng ra là có chuyện để nói. Tôi cũng ngại với bạn khác giới chứ bộ!
Nhưng rồi, Nguyên Ân chủ động lên tiếng, phá tan bầu không gian như đang đông đặc giữa hai con người.
- Cậu có muốn hát cho ngày khai giảng không?
- Hát á?
- Ừ, tôi thấy có thông báo tuyển cộng tác viên của Đội Tuyên truyền Ca khúc Cách mạng nên rủ cậu. Đi không?
Hồi còn ở nhà, tôi thường bị hàng xóm phàn nàn. Lí do là bởi trưa nào, tối nào tôi cũng hát, rất mất trật tự xóm làng. Nhưng họ chẳng hiểu cho tôi gì cả, tôi hát có quy luật thế cơ mà. Tôi chỉ múa giọng khi phải rửa bát thôi, mà rửa bát thì không vào trưa, tối thì vào lúc nào được nữa?
Dù bị góp ý quanh năm suốt tháng nhưng tôi vẫn không bỏ cuộc, chứng tỏ tình yêu của tôi dành cho âm nhạc là rất lớn. Chỉ có điều, thể hiện tài năng của mình trước đám đông là một việc không hề dễ. Thế nên trong lúc trái tim tôi gào lên một câu "có" dõng dạc thì tâm trí tôi vẫn nhất quyết bảo "không". Nếu trong lúc diễn tôi phạm phải sai lầm nhỏ thôi thì buổi trình diễn coi như thất bại, không có cơ hội sửa sai nữa.
- Thì... - Tôi đắn đo nhìn người trước mặt - Tôi chưa hát trước đông người bao giờ.
- Đừng lo, tôi đi cùng cậu mà.
Tôi không biết vì sao cậu thấu được suy nghĩ trong tôi nhưng câu nói ấy nghe cực kì uy tín. Với cả chẳng có mấy khi được thử sức trên sân khấu lớn, ít nhất tôi phải cho mình một cơ hội chứ.
- Ừ, cũng được.
Tóm lại, từ sau cái gật đầu của tôi, Nguyên Ân chủ động lo từ A đến Z, bắt đầu là việc điền đơn, liên hệ các anh chị trong Đội, cho đến đăng ký lịch thử giọng... Việc duy nhất tôi cần làm chính là đưa thông tin cá nhân để cậu điền vào.
- Nhưng mà tôi ngại lắm... - Sau một hồi nghĩ suy, tôi bắt đầu chùn bước dù chưa thật sự bắt đầu. Lỡ các anh chị không thấy giọng tôi hay thì sao? Lỡ vào phòng thử tôi quên mất lời bài hát thì sao? Hàng vạn những câu hỏi bắt đầu xuất hiện, đưa tôi lạc vào một ma trận tưởng tượng đầy hỗn loạn.
Lúc này, chúng tôi đã yên vị trong lớp. Nguyên Ân ngồi trên, tôi ngồi dưới. Bên cạnh tôi còn có hai cô bạn khác nữa.
Thấy mặt tôi cứ nghệt ra, Nguyên Ân mỉm cười trấn an:
- Không sao, cùng lắm rớt vòng thử giọng thôi, cũng đâu có ai biết. Nhưng khi nào cậu đậu thì tất cả mọi người đều sẽ rất ngưỡng mộ.
Nghe cậu nói, tôi cũng thả lỏng từ từ, không để lo âu có cơ hội xâm chiếm não bộ. Theo thói quen tôi nằm rạp xuống bàn, ban đầu chỉ định thư giãn một lúc rồi ngồi dậy ngay, không ngờ lại ngủ tít mắt. Lúc tỉnh dậy mới biết hoá ra sinh hoạt công dân cũng điểm danh. May là Nguyên Ân tốt bụng thay tôi điền tên, không thì sáng nay dậy sớm cũng thành công cốc.
Đồng hồ điểm mười một giờ rưỡi. Tưởng tôi chưa tỉnh, Nguyên Ân ý nhị vỗ vai, khẽ bảo tôi: "Cùng về thôi". Trong lúc vươn vai ngồi dậy, tôi thoáng nghe được vài câu cảm thán của hai bạn nữ ngồi cạnh:
- Kìa, kìa. Xin Facebook đi không cả người ta về mất.
- Đẹp trai thiệt.
Thế rồi chẳng hiểu làm sao cả hai đồng loạt quay qua nhìn tôi, đứa con gái vừa tỉnh chưa hay biết trời trăng thế nào.
- Cậu ơi, nãy mình thấy bạn nam bên trên điểm danh giúp bạn. Hai cậu là bạn của nhau hả?
Tôi chưa trả lời ngay mà đưa mắt nhìn lên bàn trên. Có vẻ Nguyên Ân đang không để ý đến bọn chúng tôi.
- Ừ. Có việc gì không?
- À, bọn tôi muốn xin info cậu ấy.
Trông tôi bây giờ không khác gì nữ quản lý của một celeb nổi tiếng. Thông thường, một quản lý thực thụ sẽ không tự tiện cho fan thông tin cá nhân của chủ nhân. Nhưng trong trường hợp này, tôi không có lí do gì để từ chối.
Chuyện cũng xảy ra tương tự khi chúng tôi vào thang máy. Bây giờ giới trẻ manh động quá, tán tỉnh người khác mà lộ liễu như muốn cả thế giới cùng xem. Ngày xưa tỏ tình tôi toàn viết vào giấy rồi để dưới gầm bàn đấy.
Trên đường đi học về, điện thoại Nguyên Ân như nổ noti. Không cần hỏi cũng biết các bạn nữ xin được info hồi sáng đã bắt đầu hành động. Nực cười ở chỗ, lúc cậu bạn hàng xóm của tôi ngã xe nằm sõng soài trên đường thì chẳng có ai động lòng đến đỡ cậu dậy, giờ thì...
Thấy chuông điện thoại réo liên tục, con Quế cú vọ khẽ thì thầm vào tai tôi:
- Này, gái kết bạn nhiều quá nhỉ?
Tôi nhếch môi nhìn nó:
- Mày rõ gớm.
- Xời, tao mà. Nhưng cậu ta chảnh lắm, không đồng ý đâu. Bọn con gái trường mình coi chừng vỡ mộng.
Tôi nhìn nó khinh khỉnh. Không phải tôi không tin Quế, chỉ là trải nghiệm của tôi với Nguyên Ân có đôi phần khác biệt, ví như cậu ta chấp nhận lời mời kết bạn rất nhanh, thậm chí còn chủ động hỏi lớp sinh hoạt công dân tôi học. Chưa biết chừng hôm qua là do cậu ta trượt tay ấn nhầm, thành ra mới nhắn tin cho tôi để chữa ngượng.
Ba đứa về trọ vừa đúng mười hai giờ trưa. Nguyên Ân thì gặm bánh mì còn hai đứa con gái chúng tôi lên giường ngủ lăn quay. Hôm nay có ba trên bốn bà chị vắng nhà, duy chỉ có chị số 1 là về nhà nấu nướng. Bà chị này học năm ba, là bạn giường dưới của tôi theo đúng nghĩa đen. Trước đây chỉ có chị số 3, số 4 là thích nạt nộ, góp ý tôi, thành ra hảo cảm của tôi dành cho chị số 1 ít nhất cũng tốt hơn hai bà chị kia. Chỉ không ngờ...
- Em ơi.
Biết là tiếng gọi này rất có điềm nhưng tôi vẫn phải ló mặt ra nhìn.
- Dạ, chị gọi em có việc gì ạ?
- Giường chị với giường em là tầng dưới tầng trên. Mỗi lần em trở mình ở trên là bên dưới chị cũng rung lắc. Phiền em chú ý một chút.
Tức là chị đang cấm tôi trở mình? Lúc ngủ? Nhưng lúc ngủ thì kiểm soát thế quái nào được?
- Nhưng mà chị ơi, có ai mà ngủ mãi một tư thế được đâu ạ? - Tôi không nhận ra mình bắt đầu thở gấp, càng không để ý mỗi lần nổi cơn tam bành là cả mặt lại nóng rần lên.
- Thì chị bảo em chú ý chứ có cấm em đâu mà em nói to vậy em? - Bà chị cũng chẳng vừa, biết mình lớn tuổi hơn, ở đây lâu hơn nên ra điều doạ nạt.
- Chị thừa biết việc ấy em không thể kiểm soát được thì còn góp ý làm gì ạ?
- Này em, ăn nói cho cẩn thận. Em cũng học Ngoại thương mà, hành xử sao cho xứng với danh tiếng của trường đi. Đừng để người khác nhìn vào em rồi đánh giá cả một cái trường.
Ba câu của bà chị chanh chua làm tôi cứng họng. Dù tôi biết mình không sai, nhưng tranh cãi thêm chẳng những mua bực vào người mà còn ảnh hưởng đến danh dự của ngôi trường mình theo học. Biết thế nên tôi vội nín, quyết định trùm chăn đi ngủ cho bõ tức.
Mới chỉ xa gia đình chưa đầy ba ngày nhưng tôi đã không có hôm nào yên giấc. Mỗi khi có chuyện bực bội, tôi đều vô thức ghim chặt vào tiềm thức. Kết quả là giấc ngủ bị gián đoạn, ngủ tiếp cũng không được, thức luôn cũng chẳng xong. Dạo này chuyện không vui tấp vào đời tôi liên tục, thành ra tình trạng thiếu ngủ ngày càng trầm trọng hơn. Buổi trưa nay chính là một ví dụ.
Nhìn sang con Quế, tôi chỉ biết thở dài ngao ngán. Con bạn tôi dù có buồn thế nào, vui ra sao thì đến giấc vẫn cứ ngủ thẳng cẳng. Nó mà đã ngủ thì đến mười tôi cũng không đánh thức được. Biết thế nên tôi xách cặp, bung ô, rời nhà mà không nói với nó tiếng nào. Tôi phải đi giải toả một lúc.
Ngày đầu nhập học, tôi đã tia ngay một quán cafe sách đối diện trường. Người ta nói, bất cứ khi nào tâm trạng bạn đi xuống, hãy cứ tìm cho mình một cuốn sách, nó sẽ lo hết phần còn lại. Còn nhớ ngày tôi cầm trên tay cuốn sách yêu thích "Bạch dạ hành", thời gian như trôi chậm lại, cả thế giới dẫu có xoay vần thế nào cũng không ảnh hưởng đến tâm trạng tôi đọc sách. Đó là lần đầu tiên tôi biết sức mạnh của văn chương. Từ ấy trở về sau, khi nào tôi cũng phải thủ sẵn một cuốn sách bên mình, phòng trường hợp gặp mấy rắc rối vớ vẩn như trưa nay với chị số 1. Nhưng số sách trong nhà tôi đều đã đọc hết, thế nên mới có chuyện tôi lặn lội đến quán cafe nọ để tìm mua sách mới.
Lựa chọn mua sách ở cafe thực ra không tồi, nó chỉ tồi khi phải mua thức uống thì mới được ngồi lại. Mà mèn đét ơi, một ly ít nhất cũng gần năm mươi ngàn! Ba ngày rời xa vòng tay của bố mẹ là ba ngày tôi hiểu tiền quan trọng cỡ nào trong đời sống của một con người. Mỗi ngày tôi chỉ dám tiêu ít hơn một trăm ngàn, ăn cơm không quá tám chục ba bữa, nước uống ngoài có hoặc không có tuỳ điều kiện, để làm sao cuối tháng tổng chi tiêu chỉ vào khoảng bốn triệu rưỡi. Nhưng nhìn xem, ngoài số tiền chi trả viện phí đớn đau cõi lòng ra, hôm nay tôi đã tiêu hết năm mươi ngàn cho một ly trà đắng nghét dở đau dở đớn.
Tôi đau đớn, tôi gục ngã trước thực đơn quán, nhưng rồi vẫn phải lôi điện thoại ra quét mã. Trong lúc chờ xác nhận, tôi chợt phát hiện người đứng sau quầy pha chế trông có nét quen quen. Mãi sau mới biết cậu ta chính là Nguyên Ân. Điều bất ngờ ở đây chắc chắn không chỉ nằm ở việc vì sao mới nhập học chưa đầy ba ngày mà cậu ta đã có một chân phục vụ trong quán, mà thế quái nào người ta vẫn nhận cậu ta với cái tay sưng vù chẳng bưng bê được gì thế kia?
Tôi nhìn Nguyên Ân rồi nhìn lại chính mình. Trong lúc tôi phải tự xoa dịu mình vì mấy nỗi đau vớ vẩn kia thì cậu bạn hàng xóm đã bắt đầu hành động vì một tương lai xán lạn rồi. Dẫu cho mỗi người đều có cuộc sống riêng, nhưng ít ra cũng phải phấn đấu vì ước mơ, vì mục tiêu, chứ tôi đang làm cái quái gì ở đây vậy? Tôi cũng có ước mơ mà?
- Ơ, Ân? Cậu đến đây uống nước hả?
Chuyện gì đến cũng phải đến, trông thấy tôi từ xa, cậu bạn hàng xóm niềm nở lại gần, vừa giúp tôi tính bưu, vừa chỉ chỗ cho ngồi.
- Ờ. - Vì mớ suy nghĩ không đâu kia, cộng thêm xích mích với bà chị số 1 hồi trưa mà tôi chẳng còn tâm trạng đâu để xem sách nữa. Nhưng lỡ gọi nước luôn rồi, bỏ về ngay chắc phải tiếc gấp đôi, gấp ba. Thế là tôi lật đật đi theo Nguyên Ân đến bàn tròn bên cạnh cửa sổ rồi chờ mang nước ra.
Nguyên Ân đau một tay nhưng vẫn hăng hái phục vụ bằng tay còn lại. Tôi đoán người ta nhận cậu cũng là vì lí do này. Không phải ai đau tay cũng có tinh thần làm việc "bất khuất" như thế.
- Đây, một trà lài của cậu nhá. - Nguyên Ân lịch sự đặt món đồ xuống trước mặt tôi.
Tôi nhận lấy, không quên hỏi thăm người bạn hàng xóm:
- Hôm nay là buổi đầu tiên cậu đi làm à?
Nguyên Ân gật gật.
- Tôi thấy lịch học chưa có gì nhiều, vả lại ở đây có rất nhiều sách.
Hoá ra cậu ta đến đây cũng vì sách. Nhưng thay vì ăn chơi sa đoạ gọi một lần ly trà năm mươi ngàn như tôi thì cậu ta chọn cách làm phục vụ tại quán, vừa có tiền, vừa được ngắm sách. Một mũi tên vừa vặn trúng hai đích.
- Ra thế. - Tôi gật gù - À mà tôi tính mua "Đại gia Gatsby", không biết ở đây có bán không?
- Gatsby hả? - Nguyên Ân chau mày - Để tôi tìm thử.
Tôi theo Nguyên Ân đi hết kệ này đến hộc khác, vậy mà không thể tìm thấy thứ cần tìm. Cuối cùng hai đứa đành bỏ cuộc.
- Chắc là không có rồi. - Cậu nói - Hôm sau họ nhập hàng về tôi báo cậu sau được không?
Tôi nhún vai thay cho câu đồng ý. Như sợ tôi buồn, Nguyên Ân cười cười bảo:
- Mà tôi không ngờ cậu cũng thích Gatsby.
- Sao? Cậu đọc rồi hả? - Tôi tròn mắt.
- Tôi đọc rồi. Gatsby nổi mà. Tôi nhớ hồi đấy thư viện tỉnh chỗ tôi có một quyển mà ai cũng giành. May quá tôi kịp đọc trước khi lên Đại học.
Từ khi nào cái gai trong lòng tôi đã biến mất không một dấu vết. Có thể việc không tìm thấy cuốn sách mình thích có khiến tôi hơi thất vọng một chút, nhưng được gặp một người có cùng sở thích đọc giống mình giữa một Sài Gòn hoa lệ, vả lại còn là hàng xóm kiêm đồng môn của mình, tôi vừa thấy khó tin, vừa thấy phấn khởi.
Khoảnh khắc Nguyên Ân tạm biệt tôi trở về quầy pha chế, trong lòng tôi bỗng sinh ra cảm giác lạ. Dù chúng tôi cùng một xuất phát điểm là tân sinh viên đi học xa nhà, vào trường cùng một phương thức, ở cùng một nhà trọ, nhưng tôi luôn có cảm giác Nguyên Ân đang cố gắng bằng 500% sức lực, còn tôi, ngoài việc than vãn ra, thì chẳng có chuyện gì khác để làm.
Nhưng đây không phải là lúc để tôi thả lỏng. Tôi còn có ước mơ du học phía trước, còn muốn xây được nhà cho bố mẹ, mua một kệ sách thật to để trưng bày tất cả những cuốn sách xinh đẹp mà tôi có. Nguyên Ân phấn đấu vì mục tiêu của cậu ta thì tôi cũng phải như vậy. Bắt đầu từ bây giờ, Cát Ân tôi sẽ cố gắng hết mình. Nhất định phải có học bổng, nhất định phải về nước trong vinh quang. Cát Ân chiến thắng, Cát Ân chiến thắng!
Tôi về nhà trong sự hưng phấn tột độ mà không để ý con Quế đã ngủ dậy, và trông mặt nó hằm hằm còn hơn vừa giẫm phải phân chó.
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip