Chương 26
Có cơn gió mạnh nổi lên từ rừng, phá tan sự yên tĩnh vốn có của nghĩa trang. Cỏ dại giữa mấy ngôi mộ bị gió cuốn, tạo thành lốc xoáy khổng lồ, thổi bay mâm cỗ cúng.
Con ma hề hoảng sợ hỏi: "Siêu độ đó hả?"
Bà Phương vội vàng chạy tới: "Cô làm gì vậy? Sao thành ra thế này?"
Liễu Huyền Chi nhìn nén hương bị gãy, trầm ngâm, khẽ nhíu mày: "Hương hoả gãy rồi."
Mua phải hàng kém chất lượng.
Bà Phương tức giận mắng: "Nhà tôi gãy hương hoả lâu rồi, tôi hỏi cô là, tại sao nổi gió?"
Tuy lòng có chút bất an, nhưng Liễu Huyền Chi không nghĩ là sắp có đại nạn, cô không mấy để tâm đến cơn gió bất ngờ. Cô gặp quá nhiều chuyện kỳ lạ, chỉ giải thích: "Thời tiếc thay đổi."
Vẻ mặt Liễu Huyền Chi quá đỗi bình tĩnh, đến mức bà Phương cũng tin.
Gió thổi tung tóc Liễu Huyền Chi, cô vén hết tóc ra sau tai, hướng về phía gió, an ủi: "Không sao, gió nổi thôi."
Gió nổi lên lúc nào không nổi, lại nổi vào đúng lúc này. Bà Phương nhìn pháp đàn tan hoang, nghĩ thầm do ông trời không muốn nhà bà được yên, vội chắp tay vái lạy.
"Bồ Tát, Bồ Tát, tất cả là lỗi của con, xin đừng trách phạt, báo ứng con cũng được... Để chúng nó được siêu thoát... Bồ Tát muốn gì con cũng dâng, chỉ xin để chúng nó được siêu thoát..."
Gió không nhỏ đi, mà còn lớn hơn. Liễu Huyền Chi quay đầu nhìn khu rừng, cơn gió âm u nổi lên giữa không trung này, sao mà quen thuộc đến thế, cảm giác này khiến cô thấy bức bối, khó chịu.
"Tạ Ngọc..."
"Để tôi chắn gió."
Hai người đồng thanh.
Lời Liễu Huyền Chi bị gió cuốn, xung quanh tối đen như mực, không nhìn thấy gì, cũng chẳng nghe thấy gì. Lễ siêu độ không nên dừng, cô vội thắp lại hương, xua tan làn khói.
Gõ ba hồi trống pháp, tiếng chuông vang.
Bên tai vang lên tiếng chuông, Liễu Huyền Chi hơi nghiêng đầu, gió âm gào thét bên tai, át đi tiếng chuông.
Liễu Huyền Chi vẫn khẽ đọc: "Pháp độ vô thường."
Cô quay mặt về hướng đông, tay kết ấn, niệm chú: "Đêm nay làm phép siêu độ vong linh, giải thoát khỏi mọi khổ đau."
"Mau chóng siêu sinh tịnh độ."
.
Màn sương đen từ từ tan đi.
Chỗ ba con ma đứng lúc nãy giờ đây trống trơn, không biết từ lúc nào gió đã ngừng. Một cơn gió nhẹ lướt qua, cuốn theo cỏ cây, tro tàn bay lên.
Đêm dần tàn, bình minh sắp ló dạng, phía chân trời le lói ánh sáng, màn đêm xám xịt được phủ lớp sương mờ.
"Đi rồi sao?"
Bà Phương lẩm bẩm.
Chỉ còn lại ba ngôi mộ tan hoang.
Đất đá, cỏ khô ngổn ngang, chỗ bia mộ vốn sừng sững giờ chỉ còn lại cái hố vuông vức.
Ba tấm bia biến mất.
Liễu Huyền Chi nhìn Tạ Ngọc, Tạ Ngọc nói: "Gió thổi bay rồi."
Gió gì thổi bay cả mộ?
Liễu Huyền Chi nghi ngờ, nhưng Tạ Ngọc lại nhìn cô với vẻ mặt thản nhiên: "Thật mà, tôi thấy."
"Vậy là xong rồi à?"
Bà Phương nhìn Liễu Huyền Chi để xác nhận.
Liễu Huyền Chi gật đầu: "Siêu độ xong rồi."
Đôi mắt đục ngầu của bà bỗng lăn xuống một giọt nước mắt. Bà Phương ngây người đứng đó, mặc cho nước mắt tuôn rơi, lăn dài trên khuôn mặt nhăn nheo, đọng lại trong những nếp nhăn, rồi lại tràn ra, rơi xuống nếp nhăn khác.
Bà lom khom, nhìn những nấm mồ tan hoang, rồi lại nhìn tro giấy bay về phía chân núi, khẽ mở miệng: "Tốt... Đi được là tốt..."
Giống như lúc chết, không một lời từ biệt.
Bà lê bước, chậm rãi xuống núi, thỉnh thoảng lại liếc nhìn tro tàn bay trên bầu trời. Cúi đầu, nhìn mấy viên đá dưới chân, bỗng mỉm cười.
"Đi là tốt."
"Hóa ra mẹ bậy bạ, giữ các con bên mình lâu như thế."
Trở về căn nhà, Phương bà nhón chân tháo dỡ lều bạt, cầm chổi quét dọn tro tàn, rác rưởi trong sân, kéo hai cảnh sát đang ngất xỉu dựa vào cột nhà, gỡ lá bùa trấn hồn sau hình nhân gỗ, đám hồn ma trắng xanh lơ lửng giữa không trung.
"Đi đi, đi đi."
Bà Phương xua tay. Những linh hồn bị nhốt trong con rối do dự chui ra, đến tận cửa mới dám chửi ầm.
Bà Phương chẳng thèm để ý, sắp xếp những con rối gỗ, đặt chúng thành hàng ngay ngắn trong đại sảnh, lần lượt lau sạch mặt mũi cho chúng.
Bà đưa tay sờ lên hai hình nhân giấy mặc áo cưới đỏ, đó là hai con rối mà bà tỉ mỉ làm ra, ưng nhất, kích thước cũng tương đương với hai cô con gái của bà.
Cuối cùng, lau sạch sẽ con rối gỗ già nua, đặt ngay ngắn lên ghế chủ tọa, lấy màu trắng, màu đen ra, cẩn thận vẽ mặt nạ hề và đôi mắt cúc áo mà bà yêu.
Làm xong mọi việc, bà cầm một chiếc lược đến trước gương, tỉ mỉ chải tóc. Mái tóc bạc trắng được chải gọn gàng, bà vén những sợi tóc con ra sau tai, để nhìn từ phía trước, trông như đã búi tóc.
Rồi bà bước ra ngoài, đi về phía dãy hành lang.
Chợ ma đã tan, hành lang chỉ còn con ma nhóc mặc cảnh phục. Nó trở lại hình dáng ban đầu, buồn bã ngồi trên ghế dài.
Bà Phương ngồi xuống cạnh nó, lấy từ trong túi áo ra một túi giấy đỏ: "Lại lấy túi đi đổi đồ rồi à?"
Con ma nhóc nhìn túi giấy đỏ, toe toét: "Cho con ạ?"
"Ừ, cho con."
Bà Phương cúi người, châm lửa đốt.
Túi giấy đỏ ở trần gian cháy hết, đến âm phủ thì nằm gọn trong tay con ma nhóc.
"Con cảm ơn bà."
Con ma nhóc vui vẻ mở túi giấy, lấy con rối bên trong ra, đầu tròn, tóc tết bím, nó giơ lên cao, lắc lư: "Đẹp quá, giống con này."
"Mẫn Mẫn, sau này không có túi đỏ nữa đâu."
"Mẫn Mẫn là ai ạ?"
Con ma nhóc ôm túi giấy đỏ, ở giữa có in hình đài sen cùng bài vị, trên đó ghi: "Cháu Trình Mẫn, linh hồn nhận lấy, lập tức hóa, bà Phương Thanh."
Sợ con hận mẹ, nên mẹ viết là bà.
Bà Phương không trả lời, lặng lẽ hồi tưởng: "Do bà coi con như trẻ con, không nói rõ chuyện cho con hiểu... Con gần hai mươi tuổi rồi, sao con lại bỏ nhà đi, sao con không chịu quay về..."
Con ma nhóc ngơ ngác nhìn bà Phương, khuôn mặt đầy nếp nhăn, khó hiểu hỏi: "Bà là ai?"
Bà Phương mấp máy môi: "Bà đến muộn rồi."
"Làm con không tìm được đường xuống suối vàng... Con quên cả bà, con một mình ở đây đợi chờ bao lâu nay..."
.
.
"... Dựa vào cột hành lang, trông như đang ngủ. Bà Vương đến gọi thì mới phát hiện người đã chết, dưới chân chỉ có một đống tro tàn..."
"Hôm qua là Tết Hàn y, không khéo bị ma bắt đi rồi? Số đúng khổ, chồng với hai đứa con gái chết trẻ, lại còn bị bệnh tâm thần..."
"Sao nói là bị ma bắt đi?"
Vẫn là quán ăn sáng đó, hai anh cảnh sát vẫn ngồi ở góc khuất trong cùng, nhưng trên tay họ là sổ ghi chép, đến để điều tra vụ án.
Liễu Huyền Chi lim dim mắt, mùi cháo thơm phức bay vào mũi, ngọt ngào. Tạ Ngọc ngồi đối diện, chậm rãi húp nước cháo, thổi cho nguội, thỉnh thoảng lại liếc nhìn Liễu Huyền Chi, sợ cô ngủ gật đến mức đập đầu xuống bàn.
"... Nói ra cũng tội nghiệp, mấy năm gia đình bà ấy mất, ngày nào bà ấy cũng túm người ta lại rồi nói nhảm. Nào là con gái với chồng bà ấy cứ khóc lóc trong mơ... Lại còn gọi cả đống sư, thầy cúng đến làng... Làm cả làng loạn lên... Sợ thật, chết bao nhiêu năm rồi mà vẫn cứ lải nhải chuyện người chết..."
"Không thân không thích, sau đó bà ấy càng ngày càng điên... Tối đến không ngủ, cứ đi lang thang ở nghĩa trang... Chó thấy bà ấy còn sủa ầm lên, phiền gần chết..."
Bà bàn bên huyên thuyên, chẳng vào trọng tâm. Chu Nam với Trần Bân cũng không giục, chỉ thỉnh thoảng phụ họa vài câu, mong bà ta nói vào chuyện chính.
"Sau đó thì sao?"
"Sau đó, sau đó không biết bà ấy nhặt được một đứa trẻ con ở đâu... Bốn, năm tuổi rồi..."
Bà ngừng lại, liếc nhìn hai anh cảnh sát, xua tay: "... Chuyện phạm pháp thì chúng tôi không làm đâu... Chúng tôi còn dẫn con bé đi hỏi mấy làng, mới biết bị người ta vứt... Hồi đó con gái bị bỏ thì không ai thèm nhận nuôi, ai cũng sợ... Có người mới bảo đưa cho bà điên đó, biết đâu lại chữa khỏi bệnh cho bà ấy..."
Người điên nuôi con nít, như một trò đùa.
Nhưng dù gì cũng là chuyện xưa, hai cảnh sát không tiện nói gì.
"Nuôi một thời gian, có tác dụng thật... Chắc do từng làm mẹ nên có kinh nghiệm nuôi con. Tuy thỉnh thoảng bà ấy lên cơn nhưng tỉnh táo hơn nhiều, không còn lảm nhảm chuyện trong mơ... Còn dạy con bé chơi rối... Tiếc là con bé đó không được bình thường..."
Chu Nam nghe ra mấu chốt, hỏi: "Con ma bà nói... không phải là con gái của bà ấy?"
Bà lão "ớ": "Nghe tôi nói hết đã..."
"... Bọn trẻ trong làng hay trêu con bé đó, trẻ nhỏ chơi với nhau, cãi cọ là chuyện thường... Huống hồ con bé ngốc đó có hiểu gì đâu... Bà Phương lại là nóng tính, đi đến từng nhà chửi ầm lên, dù sao bà ấy cũng bị điên, nên mọi người không chấp, dặn con mình đừng chọc vào con bé ngốc đó..."
"Trẻ con nào hiểu, bị mắng ở nhà, chúng nó lại càng ghét con bé ngốc kia, đến cả bà điên cũng bị chửi lây..."
"... Chúng nó nói con bé là đồ nhặt được, không có mẹ, ngốc. Nói mẹ chúng nó trẻ đẹp, còn mẹ nó thì già khọm, điên khùng, như phù thủy trong truyện cổ tích... Nhiều câu khó nghe hơn nữa, tôi không tiện nói... Trẻ con mà, biết gì đâu... Cứ tưởng một đứa ngốc, một đứa điên, chúng nó không hiểu, chẳng quan tâm..."
Bà húp ngụm cháo trắng, liếm liếm nước cháo trên thìa. Trần Bân không nhịn được, hỏi: "Sau đó thì sao?"
"Tối hôm đó, tiếng chửi rủa từ bên kia sông vang lên không ngớt... Không biết chửi gì, có người thấy bà đẩy con bé ngốc đó ra ngoài, gào lên bảo nó đi tìm mẹ ruột của nó... Còn chỉ vào mấy nhà bên này sông mắng là đồ chó đẻ, đủ lời lẽ thậm tệ, cầm gậy đuổi đánh người ta..."
"Con bé ngốc đó ngốc thật, mẹ nó phát điên nó cũng mặc kệ, lại còn nghe lời đi tìm mẹ ruột."
Nói đến đây, bà thở dài, đặt thìa xuống.
"Chuyện sau đó thì chắc trong hồ sơ của các anh có ghi chép rồi. Con bé rơi xuống hồ chứa nước, chết đuối. Bà Phương ôm xác con bé, nhất quyết không cho chôn vào mộ tổ, nói rằng chôn vào đó thì không thể siêu thoát... Lại còn nói là do người trong làng hại con bé không nhận bà làm mẹ... Mọi người nghe vậy, biết bà lại lên cơn... nên chỉ còn cách dỗ dành, khuyên bà ấy hỏa táng cho con bé, rồi gửi tro cốt ở nhà tang lễ..."
"... Rồi bà Phương điên nặng hơn, cả ngày chẳng nói chẳng rằng, cứ ngồi thẫn thờ một mình ngoài sân, mở toang cửa, suốt ngày cắt dán hình nhân, làm rối. Gió thổi, toàn nghe thấy tiếng giấy sột soạt... Có hôm nửa đêm còn nghe thấy tiếng bà ấy cười..."
"Thế còn tro cốt?" Trần Bân hỏi.
"Tro cốt à?" Bà lắc đầu, thở dài: "Ai mà biết bà ấy có đi nhận về không. Bà ấy điên rồi, chắc quên béng mất đứa con gái ngốc nghếch của mình... Tôi thấy do con bé đó hóa thành cô hồn dã quỷ đến đòi mạng. Nếu không phải bà ấy đuổi đi, nhất quyết không cho nó vào mộ tổ thì con bé đã chẳng biến thành cô hồn dã quỷ, nên mới nhân ngày Tết Hàn y mà bắt bà ấy đi..."
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip