Chương 48

Con đường Lý Tú dẫn đi gập ghềnh khó đi. Hôm trước trời lại mưa, giày vừa mới lau sạch giẫm lên đường đất bùn lầy, dính đầy rơm rạ và lá cây, càng đi càng nặng, càng đi càng mệt.

Tạ Ngọc đi sau cùng, cứ thế chậm dần. Đôi chân ngày thường chỉ dùng hai phần sức để nhấc lên, giờ phải dùng đến bảy phần. Thấy khoảng cách ngày càng xa, Tạ Ngọc khẽ gọi "Tiểu Huyền", đến tiếng gọi thứ ba, Liễu Huyền Chi mới nghe.

"Tôi đi không nhanh được, đợi tôi với."

Liễu Huyền Chi chìa tay, Tạ Ngọc vội nắm.

Cầm tay nhau đi cũng chẳng khá hơn là bao, Tạ Ngọc vẫn phải cố gắng điều khiển cơ thể để di chuyển. Chân bước, tay cũng theo đó mà nắm chặt.

Liễu Huyền Chi đi trước hơi nhíu mày: "Cô nhẹ tay thôi, đau."

Tạ Ngọc giật mình vội buông tay. Liễu Huyền Chi kéo tay đối phương lại, ôm gọn vào lòng, nhân lúc đang có sức nên cô vòng tay bế bổng Tạ Ngọc, không quên dặn dò: "Co chân lên, đừng để dính bùn vào áo tôi."

Tạ Ngọc nghe lời co chân, cứ như búp bê bị bật công tắc, cứng đờ người.

"Khỏe thật đấy..."

Lý Tú nghe thấy tiếng hai người nói chuyện, quay đầu lại nhìn, sững sờ. Cô đạo sĩ này khỏe thật, trông nhỏ con vậy mà có thể dễ dàng bế bổng một người bằng mình lên.

"Đường này vậy đấy, chẳng ai bỏ tiền ra sửa, ngày nào cũng lầy lội, nắng thì không sao mà trời mưa là không đi nổi... sắp đến rồi, đến ngay đây thôi."

Tạ Ngọc ôm đầu Liễu Huyền Chi, hơi cúi người, vòng tay qua cổ cô, ngực áp vào đầu cô. Tư thế tuy có hơi kỳ lạ nhưng lại khiến bản thân cảm thấy an toàn.

Tạ Ngọc ngọ nguậy, thấy không thoải mái: "Hay Tiểu Huyền thả tôi xuống đi..."

Liễu Huyền Chi thấy Tạ Ngọc đi chậm: "Cô đi chậm quá."

Tạ Ngọc im lặng một lúc, hỏi: "Tôi hơi nặng không..."

Liễu Huyền Chi không thấy nặng chút nào: "Nhẹ lắm."

Song không ngờ Tạ Ngọc nhìn gầy mà cũng có da có thịt, nhất là chỗ cô đang đỡ, mềm mềm.

Máu trong người Tạ Ngọc đã chảy hết, nội tạng chắc cũng khô queo, chẳng có trọng lượng gì, nhìn thì giống người nhưng thực ra đã là một cái xác khô.

Tuy không còn cảm giác, song cứ nghĩ đến việc bị bế là Tạ Ngọc vẫn thấy hơi ngại.

"Tới rồi, tới rồi..."

Chưa kịp để cô tìm một cái cớ thích hợp, Lý Tú dẫn đường phía trước đã vòng qua cây long não trăm tuổi, dừng lại trước ngôi nhà đất.

Tạ Ngọc được Liễu Huyền Chi thả xuống, hai người cọ giày vào tảng đá trước cửa. Liễu Huyền Chi nhanh nhẹn nên cọ xong ngay.

Tạ Ngọc thì chậm chạp, Liễu Huyền Chi bẻ một cành cây, ngồi xổm xuống cạo từng chút bùn đất trên giày cho Tiểu Ngọc.

"Lát về tôi lại bế cô."

Là sao?

Tạ Ngọc chớp mắt, ngẫm nghĩ mãi, chẳng lẽ Liễu Huyền Chi nghĩ thông rồi?

Nghĩ vậy, hồn cô suýt bay ra ngoài.

"Tôi... tôi tự đi được mà."

Liễu Huyền Chi ném cành cây đi, phủi tay: "Cô đi một đường mà chậm như rùa, lát về lại phải cạo bùn đất cho cô, bế đi cho tiện."

Càng ở lâu, cái đồ vô tri này càng nói lời khó nghe.

Tạ Ngọc dậm chân rồi dậm thêm cái nữa, để bùn đất rơi xuống: "Phiền chết đi được."

Liễu Huyền Chi khó hiểu, sao dỗi nữa rồi?

May mà cơn giận của Tạ Ngọc đến nhanh và đi cũng nhanh. Liễu Huyền Chi thuận miệng khen một câu "Người cô mềm thật đấy", là vui vẻ ngay.

Phía sau cây long não có bức tường đất loang lổ, chỉ có cửa ra vào và một ô cửa sổ. Tường bong tróc, những khe nứt chi chít rễ cây, cỏ dại. Giờ có lấy bùn đất vừa cạo từ đế giày ra trát lên thì chẳng khác gì.

Cửa ra vào chất củi bị mưa làm ướt một nửa, chổi và nia dựa ngay ngắn vào khung cửa. Chưa bước vào nhà là ngửi thấy mùi ẩm mốc của đất và gỗ mục.

Bước vào trong mới thấy ô cửa sổ được che bằng một tấm bạt nhựa ố vàng còn phủ đầy bụi đất, ngay cả nắng chiếu vào cũng nhuốm màu bụi bặm.

Bên trong tối om, chỉ lờ mờ một cái giường nhỏ. Trên giường có một bọc chăn, dưới đất toàn là thùng giấy, chất đầy đồ lặt vặt, gần như không có chỗ đặt chân.

"Đến rồi."

Từ trong bọc chăn đó vọng ra giọng nói lẩm bẩm, khàn đặc vì tuổi già.

"Đến rồi, đến rồi." Lý Tú đáp lời, "Đến để bắt con thái tuế rồi, làng được cứu rồi."

Lý Tú quay lại nhìn hai người mới nhớ ra mình chưa giới thiệu, tránh ra khỏi chỗ sáng duy nhất trong nhà, giới thiệu với họ: "Đây là cụ lớn tuổi nhất, cấp bậc cao trong làng, làng gọi cụ là cụ Lý."

Liễu Huyền Chi hỏi: "Cụ sống ở đây sao?"

Lý Tú "a", nhìn quanh nền nhà, cười ngượng nghịu.

"Là thế này, nhà này gọi là "nhà phúc", chỉ có những người phụ nữ lớn tuổi nhất và cấp bậc cao nhất mới được sống ở đây. Bây giờ nó thành ra thế này là vì con quái vật đó cứ lảng vảng, lại thêm nhiều người bỏ đi nên không ai săn sóc..."

Lý Tú vừa giải thích vừa cầm chổi quét dọn đồ đạc ra ngoài, dọn ra một khoảng trống nhỏ.

Đặt chổi xuống, Lý Tú nói tiếp: "... Hai cô đừng thấy chỗ này hơi bừa bộn, nhưng đây là nơi có phong thủy tốt nhất làng đấy. Sau núi, trước nước, lại có cả cây long não trăm tuổi, hơn nữa, hàng năm dân làng cứ đến đây chúc thọ cụ Lý, mong cụ mang phúc đến cho thôn Bài Khê..."

Cụ bà cuộn tròn trong chăn, phụ họa: "Phải phải."

Nghe "cam tâm tình nguyện" ghê.

Mười dặm khác gió, mỗi làng mỗi lệ.

Liễu Huyền Chi không hỏi thêm về, hỏi chuyện chính: "Con quái vật đó xuất hiện khi nào? Bắt đầu gây hại từ khi nào? Cô kể lại đầu đuôi sự việc cho tôi nghe được không?"

"À, được được được..."

Lý Tú kéo hai cái ghế cho Liễu Huyền Chi và Tạ Ngọc, còn mình thì đứng dựa vào tủ.

"... Cũng mới chỉ khoảng một tháng nay thôi... Nhưng trước đó con bé "Ngốc" đã nói là có thứ gì đó trên núi, nó bảo nhỏ nhỏ giống con thỏ... Nó nói là thỏ thì là thỏ, ai mà đi tìm hiểu xem đó là con gì đâu."

"... Sau đó thì xuất hiện cái thứ trong video đó, một cục to đùng trắng trắng, như thái tuế trên báo chí, ngày nào cũng đến đây đi qua đi lại, ăn con trâu nước dưới ruộng mà ăn xong thì đi mất... Lúc đó chúng tôi mới biết, cái thứ này là đến để "xin ăn"."

"Ban đầu nó chỉ đến vài ngày một lần, sau đó thì ngày nào cũng đến, gia súc trong làng sắp bị nó ăn hết rồi. Cái thứ này thì sao nuôi nổi, nó càng ngày càng háu ăn, làng tôi thật sự không còn cách nào khác..."

"Bây giờ dân làng hoang mang..." Lý Tú dừng lại, hạ giọng, "... Không biết từ đâu lại có tin đồn, nói là phải "tế người sống" thì mới được... Họ sợ bị đem ra tế rồi lại sợ bị quái vật ăn thịt, nên nhiều người bỏ làng đi..."

Lý Tú lắc đầu, thở dài: "Giờ là xã hội pháp quyền thì sao làm chuyện đó được."

Tạ Ngọc hỏi: "Có thể hỏi con bé "Ngốc" về hình dáng của con quái vật đó không?"

"Được, được chứ." Lý Tú vừa nói vừa vội vã đi ra ngoài, "... Để tôi đi tìm nó, hai cô ngồi đợi."

Lý Tú nói xong là làm ngay, bước ra ngoài.

Trong phòng chỉ còn lại ba người, Liễu Huyền Chi nhìn cụ bà đang ngồi đối diện.

Chăn dày thêu mấy bông hoa đỏ nhỏ xinh chen chúc nhau. Phòng tối om và khuôn mặt cụ cũng tối sầm lại, ánh sáng le lói chiếu vào mấy nếp nhăn chằng chịt như có sinh mệnh, chuyển động không ngừng.

Liễu Huyền Chi lên tiếng: "Gan của cụ hình như có vấn đề, rảnh thì nên đi khám ạ."

"Già rồi, bệnh tật đầy người."

Giọng cụ đều đều, dường như không mấy quan tâm đến sức khỏe của mình.

Liễu Huyền Chi nhắc nhở rồi thôi.

Hai bên mắt cụ phủ một lớp màng trắng đục, mí mắt sụp xuống che gần hết con ngươi, bên trong như chứa đầy chất lỏng mà không nhìn rõ là gì. Dù vậy, cụ dường như còn thấy được, cụ nhìn Liễu Huyền Chi, rồi lại nhìn sang Tạ Ngọc.

"Mấy người làm đạo sĩ là biết xem tướng số đúng không?"

Cụ hơi nghiêng người về phía trước, giọng nói khàn khàn như tiếng kéo lê trên nền xi măng.

Tuổi này thì xem hay không thì cũng sống hết một đời rồi, có gì mà xem.

Liễu Huyền Chi vẫn lịch sự đáp: "Biết ạ."

"Vậy cháu có thể xem số kiếp trước của bà không?"

Cụ như nghi ngờ năng lực của Liễu Huyền Chi, ai cũng nghe ra được ý thăm dò đó nhưng chỉ có Liễu Huyền Chi là không hiểu.

"Cụ trải qua rồi, xem cũng vô ích."

Cụ vẫn cố chấp: "Bà quên rồi, muốn xem."

Nói rồi, cụ Lý đưa một cánh tay gầy guộc vàng vọt ra khỏi chăn, xòe trước mặt Liễu Huyền Chi.

Bàn tay khô héo, da nhăn nheo, sống đời khổ sở.

Đường chỉ tay trông lộn xộn, gò Thổ tinh dưới ngón giữa nổi rõ, là người nhẫn nhịn.

Liễu Huyền Chi chỉ liếc nhìn.

"Cụ hay lo, chuyện tình cảm và hôn nhân khá phức tạp, nhưng vì nghĩ nhiều nên mới đổ nhiều vào chuyện tình cảm."

Ngón cái nhỏ, gầy và dài, cả đời vất vả; ngón áp út ngắn và cong, gốc ngón trỏ có vài đường vân xiên xẹo, vân tiểu nhân chồng chéo. Người thường chỉ có vài đường, nếu nhiều hơn bốn đường thì dễ bị người khác ganh ghét, gièm pha.

Vân tay rối ren khó sống yên ổn, khô héo, con cháu chết yểu.

Liễu Huyền Chi ngẩng lên nhìn tướng mạo của cụ Lý, đầu nhọn, trán hẹp, hai má hóp. Khuôn mặt không có sắc khí, trán tối màu, không sáng, tướng khổ.

"Cụ bao nhiêu tuổi rồi ạ?"

"Không nhớ nữa, tám mươi à?" Cụ nghĩ ngợi một lúc, gật đầu: "Hơn tám mươi rồi đấy, không nhớ."

Không phải số hưởng, cái phúc đức này cũng không thể nào truyền lại cho con cháu.

Nghề nào mà không có chuyện cấm kỵ, "thấy mà không nói" là cấm kỵ lớn nhất trong tướng số.

"Chuyện qua rồi thì thôi, đừng nghĩ nữa cụ ạ."

Liễu Huyền Chi không nói thêm gì, cụ bà cứ gặng hỏi: "Số khổ sao?"

Liễu Huyền Chi hỏi lại: "Cụ thấy mình sống tốt không ạ?"

Không phải giọng điệu hỏi ngược, mà chỉ một câu hỏi bình thường và thật sự muốn biết cụ có sống tốt không.

Trong đôi mắt đục ngầu của cụ Lý chỉ thấy bóng dáng mờ mờ của Liễu Huyền Chi, cụ cứ nhìn Liễu Huyền Chi - nhìn một lúc lâu rồi bỗng nở nụ cười. Răng cụ đã rụng hết, môi hóp vào trong, cụ gật đầu.

"Cũng được, cũng được."

Liễu Huyền Chi cũng gật đầu: "Vậy là số sướng rồi."

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip