Chương 49
"Số sướng..."
Ngoài kia vang lên tiếng cười đùa và chửi bới từ xa đến gần, át đi tiếng thở dài khe khẽ của cụ Lý.
Hình như có khá nhiều người, Liễu Huyền Chi và Tạ Ngọc bước ra khỏi cửa, thấy trên bờ ruộng đối diện có một người con gái khoảng hai mươi, trời lạnh thế mà chỉ mặc độc một chiếc áo mỏng. Phía sau người đó có mấy người phụ nữ cũng ăn mặc tương tự rồi còn có ba bốn đứa trẻ chạy nhảy theo. Tay ai cũng cầm chổi, cầm tre, vừa đẩy nhau trên bờ ruộng, vừa đánh vào người nhau.
Chiếc áo mỏng của người con gái bị gió thổi bay phần phật, người đó cúi gập người chạy về phía trước, mấy người phía sau cầm chổi đánh vào người đó, vừa đánh vừa cười hô hào.
Chạy đến gần, mới nghe rõ họ hô: "Đẻ không! Đẻ không! Đẻ không!"
Tạ Ngọc nghe, hỏi: "Sao họ vừa đánh vừa hỏi "đẻ không" vậy?"
Liễu Huyền Chi chợt nhớ đến một phong tục, loại phong tục này giờ rất hiếm gặp song không ngờ lại thấy ở ngôi làng này.
"Đây gọi là "đập vợ cầu con", cũng gọi là "bắt cóc bỏ đĩa", là một loại tà thuật cầu con bằng cách hành hạ phụ nữ. Nhưng mà, loại hủ tục này hoàn toàn vô lý, xưa lắm rồi."
"Sao lại làm vậy?" Tạ Ngọc không hiểu, "Đánh người ta bị thương thế càng khó sinh con còn gì?"
Lẽ ra là vậy, nhưng có những người cố chấp, bảo thủ.
Nên mới gọi là hủ tục phong kiến.
Liễu Huyền Chi chỉ đành giải thích theo sách vở: "Họ làm vậy vì nghĩ rằng phụ nữ không thể sinh con do trong người có tà khí. Chỉ cần đánh một trận thì tà khí sẽ bị đánh chạy, người đó mới có thể mang thai."
"Thật sự có tà khí sao?"
"Không có." Liễu Huyền Chi có thể nhìn ra ngay, cô nói: "Sinh con là chuyện của hai người, đánh phụ nữ vô lý lắm..."
Như để chứng minh cho lời nói của Liễu Huyền Chi, phía bên kia bờ ruộng bỗng vang lên tiếng la hét thảm thiết. Chưa thấy bóng người mà đã nghe tiếng mắng của cả đàn ông lẫn phụ nữ.
"Đẻ không! Đẻ không! Đẻ không!"
So với cảnh "đánh đùa" bên này, thì bên kia nghe như đang "hội đồng" thật sự.
Liễu Huyền Chi đi vòng ra sau nhà rồi nhìn từ xa. Một người trần truồng chạy trốn quanh đống rơm trên bờ ruộng. Dù người đó có khóc lóc hay van xin, máu me bê bết thế nào thì những người đuổi theo vẫn không dừng tay, họ dùng roi mây, gậy gộc, cả xẻng để đánh, miệng mắng.
"Đẻ không! Đẻ không! Đẻ không!"
Người đó vừa khóc lóc vừa hét lên "đẻ, đẻ, đẻ", vừa tránh xẻng bổ xuống đầu.
Đàn ông, đàn bà hai bên bờ ruộng gặp nhau, rồi lại bị người ta xua đuổi, tách ra. Phụ nữ làm xong "nghi lễ" thì được khoác áo bông, còn người bị đuổi đánh kia lăn lộn dưới ruộng, dính đầy bùn đất, bị đánh không ngừng.
Mấy người kia xúm lại đi về phía người đó.
"Ngốc đến rồi..."
Giọng Lý Tú vang lên từ phía sau, hai người quay lại thấy Lý Tú xắn quần, nhón chân chạy về phía này, thỉnh thoảng lại ngoái đầu nhìn xem mấy người phía sau có theo kịp không.
Lý Tú giục: "Ngốc, đi nhanh lên, đừng nghịch đất nữa, đứng dậy, đứng dậy... Người ta đợi đấy..."
Bùn đất trên mặt con bé "Ngốc" khô cứng, bám đến không nhìn rõ mặt mũi, chỉ có đôi mắt nhìn chằm chằm vào hai người như tò mò quan sát.
Nhìn mấy nếp nhăn nơi khóe mắt lờ mờ lộ ra, có thể thấy tuổi của con bé chắc không kém Lý Tú là bao. Nó cười ngây ngô khi thấy người lạ, lớp đất bùn khô trên mặt nứt ra, rơi xuống. Nó không hề hay biết, hai tay cứ vo vo đất sét rồi ngơ ngác bị Lý Tú ấn ngồi xuống bồn hoa dưới gốc cây long não.
Đám người kia xúm lại, xoa xoa tay, xuýt xoa vì lạnh, tay cầm chổi vỗ vào chân nhau, như thể chưa chơi đã đời.
Một người trong số đó chưa đến gần đã lớn tiếng hỏi: "Tú, cụ Lý dậy chưa?"
Lý Tú vừa đáp "Dậy rồi, dậy rồi", vừa ra hiệu cho Liễu Huyền Chi có thể hỏi con bé "Ngốc": "Hai cô cứ hỏi đi, tôi đi chào hỏi họ trước."
Lý Tú vừa đi khỏi, con bé "Ngốc" nhìn chằm chằm Liễu Huyền Chi và Tạ Ngọc ngay, hai tay vo đất sét thành những cục tròn dài, rồi xếp ngay ngắn bên cạnh, miệng lẩm bẩm đếm...
Tạ Ngọc hỏi thay Liễu Huyền Chi: "Ngốc, em có nhìn thấy con quái vật đó không?"
Con bé "Ngốc" vừa vo đất sét vừa gật đầu, nhưng miệng lại nói: "Không phải quái vật, là thỏ, thỏ to lắm..."
"Vậy em biết nó trông thế nào không?"
"Thỏ thì trông giống thỏ thôi." Con bé "Ngốc" ngẩng đầu, ngây ngô cười chỉ vào Tạ Ngọc: "Chị ngốc thế, thỏ thì phải giống thỏ chứ, tai dài dài, trắng trắng..."
"Ừ nhỉ." Liễu Huyền Chi phụ họa: "Thỏ thì phải giống thỏ chứ..."
Tạ Ngọc: ...
Sau khi Liễu Huyền Chi im lặng, Tạ Ngọc hỏi tiếp: "Ngốc nhìn thấy con thỏ đó ở đâu?"
"Trên núi." Con bé "Ngốc" chỉ tay về phía ngọn núi sau bờ ruộng, "Trên núi nhiều thỏ lắm..."
Hỏi vậy thì chẳng thu thập được thông tin gì, Liễu Huyền Chi nhặt cành cây đưa cho con bé: "Em thử vẽ ra xem."
Con bé "Ngốc" nhận cành cây, loay hoay vẽ trên mặt đất mà chả vẽ được gì, chỉ chọc xuống đất mấy cái, rồi lại lấy nó để xiên đất sét.
"Làm vậy thì khó cho con bé quá." Tạ Ngọc ngẩng đầu nhìn trời, mặt trời đã lên cao mà đi xe đến đây cũng mất kha khá thời gian, chắc sắp đến trưa: "Bây giờ trời còn sớm, lên núi xem sao. Nếu không tìm thấy gì thì tối đợi thái tuế xuống núi."
Làm vậy không mất thời gian, nếu có thể bắt được thái tuế trên núi thì càng tốt.
Liễu Huyền Chi gật đầu, định đứng dậy thì vạt áo bị con bé "Ngốc" kéo lại.
"Hai chị đến tìm thỏ phải không ạ? Em biết chỗ đó, em dẫn hai chị đi..."
Con bé "Ngốc" vừa dứt lời, Liễu Huyền Chi định đáp thì căn phòng tối om bỗng vang lên tiếng "bôm bốp", như tiếng thứ gì đó va đập vào nhau, tiếp theo là giọng hát the thé của Lý Tú.
Tiếng hét vọng ra từ căn phòng nhỏ: "Đẻ đi, đẻ đi, sao mày không chịu đẻ... Quỳ trước thần linh... Xin người trừng phạt, lột áo ra đánh, khóc than vang nài..."
Liễu Huyền Chi đổi hướng, đứng chếch với cửa ra vào, thấy loáng thoáng ba bốn người quỳ lạy trên nền gạch đen ẩm ướt. Lý Tú vừa giơ cao roi da quất vào mấy người phụ nữ đang quỳ, vừa hét: "Đẻ đi, đẻ đi."
Cụ Lý cuộn tròn trong chăn, lắc lư, như nghịchđò chơi. Mấy người phụ nữ khẽ hét theo: "Đẻ đi, đẻ đi."
Mấy đứa trẻ con mắt tròn xoe nhìn cụ Lý, như mong chờ.
Bàn tay nhăn nheo, vàng vọt của cụ Lý đưa ra, run rẩy nâng lên rồi run rẩy hạ xuống, rắc đồ cho họ. Liễu Huyền Chi nhìn thấy táo đỏ từ trong bóng tối lăn ra.
Quả táo nhăn nheo, đỏ sẫm, khô quắt.
Cùng với tiếng đáp "Có rồi... có rồi..." của cụ Lý, mấy người phụ nữ nhặt vội táo dưới đất, lũ trẻ thì chui vào gầm giường, khe tủ tìm táo cứ như chơi trò chơi.
Người phụ nữ nâng niu cất quả táo vào túi, vui vẻ đứng dậy vái thêm vài cái rồi mới đi ra ngoài.
"Năm nay sẽ có! Cụ Lý con cháu đầy đàn, chắc chắn phù hộ cho tôi được như thế..."
"Sẽ, sẽ, tôi cầu con tôi khỏe mạnh..."
"Tú, đi đây, ở đây nhờ chị nhé. Tối đến là con thái tuế đó lại xuất hiện, chị cũng biết đấy, nhà còn con nhỏ nên không thức đêm ở đây được..."
Lý Tú bỏ roi, lại trở thành người con gái thật thà, chất phác, cười hề hề đáp: "Ừ ừ... Mọi người cứ về đi..."
Mấy người phụ nữ vừa cười nói vừa rời đi, gọi với theo con trẻ đang mải chơi ở phía sau, kéo mấy đứa nhỏ tranh nhau táo với đậu phộng, vừa chạy vừa hét lớn "của tao, của tao, đừng có tranh".
Lý Tú dìu cụ Lý nằm xuống giường, rồi mới đi ra.
"Có phải thái tuế không?"
"Không biết nữa, phải đi lên núi xem sao..." Liễu Huyền Chi nhìn vào căn phòng tối om, hỏi, "Mọi người làm gì vậy?"
"Này là phong tục của làng chúng tôi." Lý Tú quay đầu nhìn theo ánh mắt của Liễu Huyền Chi, nói: "Tôi đã nói rồi mà... Cụ Lý con cháu đầy đàn, sống lâu nên dân làng đến đây là để lấy vía..."
"Giống "đập vợ cầu con" nhỉ?"
Liễu Huyền Chi nói thẳng.
"Cô biết à?" Lý Tú ngẩn người, cười ngượng, "Cô đừng cười tôi. Tôi cũng từng đi học mấy năm, biết phong tục này không tốt nhưng nghe đến là thấy "thời buổi này rồi mà vẫn còn mê tín dị đoan"... Không phải tôi bênh, cơ mà mọi người không đến mức mê tín vậy, dân làng chỉ làm cho có lệ thôi... Không ép buộc gì cả, bây giờ không đánh phụ nữ, tự nguyện..."
Nếu không phải tiếng kêu khóc thảm thiết của người bên kia bờ ruộng quá rõ, thì những lời này có thể tin.
Lý Tú cười gượng: "Thực ra có nguyên do của nó hết."
Như sợ Liễu Huyền Chi hiểu lầm, Lý Tú vội giải thích thêm: "Làng từng bãi bỏ phong tục này, nhưng năm đó lại xảy ra chuyện."
Lý Tú nhìn trước nhìn sau, như sợ bị ai nghe thấy, hạ giọng: "Năm đó, tất cả phụ nữ trong làng bị sảy thai hết, mấy năm liền không ai sinh con được, nên mới phải lôi cái trò "đập vợ cầu con" này ra..."
Còn có chuyện lạ đời vậy à?
"Chuyện này kéo dài mười mấy năm. Lúc đó, cụ Lý là người có phúc nhất làng rồi cụ nằm mơ thấy thần đất báo mộng rằng phải đánh đàn bà thì làng mới có con có cháu..."
"Ban đầu chẳng ai tin, nhưng năm này qua năm khác không có trẻ con thì không được. Lúc này cụ Lý lại nhắc đến giấc mơ đó, mọi người đành liều thử xem... Ai ngờ đâu, đánh một cái là trúng thật. Sau đó, người ta càng muốn sinh con thì càng đánh đàn bà, rồi thành ra cứ đánh càng mạnh thì càng dễ sinh..."
"Chuyện cụ Lý mơ thấy thần đất được đồn xa, đàn ông, đàn bà gì cũng làm theo để cầu phúc, lấy vía."
Liễu Huyền Chi hỏi: "Chuyện này còn kỳ hơn cả con thái tuế kia, sao mọi người không tìm ai đến xem sao?"
"Có gì mà xem?" Lý Tú khó hiểu: "Thần đất hiển linh, nhiều năm rồi, làng vẫn làm vậy mà."
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip