Tiết tử
“Đến nửa đường đời,
Tôi thấy mình lạc trong rừng tối:
Lạc mất đường chính đạo!
Ôi, nói sao cho hết bao điều cay đắng,
Rừng hoang vu, hiểm trở, trập trùng…
Chỉ nhớ lại đã xiết bao điều kinh hãi!
Cay đắng sao, cái chết cũng khôn bằng!
Nhưng để tỏ bày đôi điều hay trong ấy,
Xin kể lại mọi điều trông thấy:
Tôi không kể được vì sao lạc vào chốn ấy,
Vì đắm chìm trong giấc ngủ,
Lúc rời xa chính đạo.”
(Dịch giả: Nguyễn Văn Hoàn)
Dante thật sự không biết làm thế nào mà mình đã lạc vào khu rừng này, hay nói đúng hơn, chàng không nhớ gì cả. Đầu óc chàng rối bời vì những suy nghĩ hỗn loạn.
Quay trở về năm 1300, bầu trời gần như sụp đổ đối với Dante, chàng đã đến quán rượu giải sầu.
Đó không phải là một giai đoạn tốt với vị nhà thơ Firenze dù rằng, trên thực tế, nỗi bất hạnh của chàng đã chớm nở từ những năm trước đó.
Khi chỉ mới lên mười hai, chàng phải đính hôn với Gemma, tám năm sau, hai người lấy nhau theo ước định. Giống như bất kỳ đứa trẻ nào, Dante không hiểu tại sao chàng lại phải kết hôn với một người mà mình thậm chí còn không quen biết, do đó chàng không hề yêu nàng ta. Cha chàng không mất nhiều thì giờ để thuyết phục rằng điều đó là đúng đắn: Gemma xuất thân từ gia tộc Donati, nếu cưới cô bé ấy, chàng sẽ chiếm được địa vị nhất định trong xã hội. Tình yêu, có hay không, cũng không quan trọng. Cho dù mối quan hệ giữa hai người có rơi vào bế tắc hay không, cũng không quan trọng. Thậm chí nếu Dante yêu ai khác ngoài Gemma, cũng chẳng hề hấn chi. Dù có thế nào đi chăng nữa chàng cũng phải cưới nàng ta. Vì vậy, Dante đành chấp nhận số phận của mình, chỉ hy vọng rằng mối quan hệ giữa chàng và Gemma sẽ tốt đẹp. Hai người kết hôn vào năm 1285 như đã định.
Giá như, bằng ấy thời gian, cuộc hôn nhân sẽ trở nên hạnh phúc.
Giá như, bằng ấy thời gian, chàng và Gemma sẽ phải lòng nhau.
Giá như, bằng ấy thời gian bên nàng ta, Dante có thể quên đi Beatrice, người thiếu nữ đầu tiên bước vào cuộc đời chàng khi mới lên chín, kể từ đấy trở đi, vẫn chưa từng rời đi trong tâm trí chàng.
Dante vẫn tiếp tục nhung nhớ về nàng, ngay cả khi người thiếu nữ ấy đã kết hôn với người khác. Chàng gặp lại nàng vào hai năm trước khi cưới Gemma, lúc ấy đương độ mười tám. Dù rằng đó là cuộc gặp gỡ thoáng qua, nhưng Dante không nghĩ vậy. Được nhìn thấy nàng, cho dù chỉ vỏn vẹn vài giây cũng đã đủ thỏa nỗi lòng chàng.
Đã gần mười năm kể từ lần đầu tiên trao nhau ánh mắt, Dante không thể không nhận ra nàng đã thay đổi nhiều đến nhường nào.
Tất thảy những nét thơ ngây không còn hiện diện ở nàng nữa, nhường chỗ cho vẻ chín chắn, thành thục. Suối tóc vàng óng ôm lấy dung nhan tuyệt sắc, thánh khiết, chảy thành từng dòng xuôi theo cơ thể. Đôi môi hồng chúm chím dường như đang chờ ai đó đặt lên một nụ hôn. Nụ cười nàng rạng rỡ đến mức có thể làm tan chảy cả những con tim băng giá nhất. Dù không phô bày ra nhưng những đường cong thấp thoáng sau lớp vải khiến kẻ khác phải tưởng tượng nhiều. Chỉ có đôi mắt vẫn như hồi còn bé: đôi mắt to tròn trông như biết cười và có màu xanh ngát của một cánh đồng cỏ tốt tươi.
Nàng xinh đẹp như một thiên thần, và sẽ không bao giờ thuộc về chàng. Dante biết rõ, nhưng chàng không để tâm. Chỉ cần nghĩ đến nàng và được gặp nàng thôi đã đủ khiến chàng trở thành người đàn ông hạnh phúc nhất thế gian.
Không ai có thể sánh được với Beatrice: nàng thiếu phụ với mái tóc dài vàng hoe này sẽ làm lu mờ bất kỳ quý cô nào xung quanh bởi vẻ đẹp lộng lẫy của nàng.
Bẵng đi hai năm, ngay cả Gemma cũng không thể khiến Dante ngừng nhớ nhung nàng thiên thần ấy. Kể từ đó trở đi, số phận Gemma đã bị định đoạt sẵn, rằng nàng ta sẽ luôn bị che khuất dưới ánh hào quang sáng chói của Beatrice trong suốt cuộc đời của chàng nhà thơ.
Lần đầu tiên hai người gặp nhau cũng là thời khắc thiêng liêng tại lễ đường, khi ấy Gemma liền nhận ra ánh mắt khinh thường của Dante như muốn nói rằng cả đời này nàng ta sẽ không chiếm được vị trí nào trong lòng chàng.
Dante sẽ không bao giờ rung động với nàng ta.
Em đã làm gì nên tội? – ngày đó nàng ta hỏi chàng.
Khi nhìn vào mắt Gemma, Dante không thấy sắc xanh long lanh mà Beatrice sở hữu, thay vào đó, chỉ có màu nâu trong đôi con ngươi đờ đẫn. Mái tóc không vàng óng mà đen và xơ xác. Khuôn mặt hơi góc cạnh của nàng ta càng không gợi lên được điều cất giấu sâu trong lòng nhà thơ.
Gemma không có gì đặc biệt.
Nàng ta chỉ là một người phụ nữ bình thường.
Nàng ta sẽ không bao giờ sánh bằng Beatrice.
Nàng ta sẽ chỉ là người sinh con cho chàng và đưa chàng lên một vị thế cao hơn.
Nàng ta sẽ không có được bất kỳ khoảng trống nào trong trái tim của Dante.
Trước bàn thờ, Gemma giương đôi mắt buồn nhìn chàng, nàng ta đã nhận thức được về tương lai của cả hai: một tương lai không tình yêu, một tương lai sống dưới cùng mái nhà nhưng lại như thể là người xa lạ.
Trong khoảnh khắc đó, khi nhận ra rằng mình sẽ không bao giờ có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, hai người muốn mở toang cánh cổng nhà thờ ra và chạy trốn: vứt hết đi hôn ước của họ, vứt hết đi cuộc đời bị sắp đặt và ràng buộc bởi vô vàn quy tắc.
Nhưng thực tế, cả hai người họ đều không thể làm được điều đó. Cho dù có bỏ trốn, họ cũng không thể có được cuộc sống tự do tự tại. Thế nên họ hoàn thành nhiệm vụ kết hôn không chút do dự cốt để khiến cha mẹ tự hào.
Điều này không ngăn được nỗi nhớ nhung của Dante dành cho Beatrice. Càng tuyệt vọng, chàng nhà thơ càng nghĩ về nàng nhiều hơn.
Kể từ lần gặp gỡ vào năm mười tám tuổi, chàng chưa từng nhìn thấy nàng thêm một lần nào, nhưng chàng luôn cất giữ hình bóng nàng trong tim mình. Để thỏa nỗi nhớ, chàng bắt đầu đưa nàng vào những tác phẩm của mình, chẳng hạn như “Cuộc đời mới”.
Nhưng, người thiếu phụ ấy đã rời bỏ thế gian này, Dante cảm thấy vô cùng đau đớn. Khi hay tin về cái chết của nàng, từng giọt từng giọt nước mắt bỗng chốc lăn dài bên đôi má nhà thơ. Chàng như rơi vào tuyệt vọng, cuộc đời này chẳng còn ý nghĩa gì đối với chàng nữa.
Gemma rất đau lòng khi chứng kiến vẻ suy sụp của chàng, nhưng nàng ta chẳng hỏi chàng vì sao. Chỉ khi nghe những người qua đường bàn tán, nàng ta mới biết được lý do.
Thật buồn khi thấy người đáng lẽ chỉ để mắt đến mình không những không quan tâm đến nàng ta mà còn ngợi ca và thương xót cho một ả đàn bà khác.
Giây phút đứng trên lễ đường khi ấy, Gemma đã biết rằng Dante sẽ không để ý đến mình nhưng nàng ta không ngờ rằng chàng có thể tán dương kẻ khác một cách trắng trợn, không chút kiềm chế.
Đó cũng là một loại nỗi đau.
Trong khi chàng nhà thơ rơi lệ vì vụt mất một bóng hình chưa bao giờ là của mình, đôi mắt Gemma lặng lẽ đỏ lên vì chàng không bao giờ dành chút quan tâm nào cho nàng ta, mà là cho một kẻ khác thậm chí không còn trên cõi đời này.
Không lâu sau, Dante bị thu hút bởi một người phụ nữ khác, nhưng nhà thơ sớm nhận ra rằng cảm xúc này khá mờ nhạt so với cảm xúc mà nàng thơ của mình đem lại. Tình cảm dành cho bất kỳ người phụ nữ nào khác không những không sánh bằng Beatrice, mà ngay cả việc nhìn một người phụ nữ khác không phải là nàng cũng khiến chàng chìm trong tội lỗi vì đã bội bạc nàng.
Dante hành động như thể Beatrice vẫn còn sống và thuộc về chàng. Gemma trên danh nghĩa vẫn là vợ chàng nhưng bị xem như vô hình, phải chịu cảnh chồng mình ngoại tình vô số lần.
Không thể kìm nén nỗi đau mất đi ánh trăng ấy, không thể quên nàng ngay cả khi đang nằm trong vòng tay của người khác, Dante đắm mình vào việc sáng tác và ngâm thơ.
Cách cư xử của chồng đã làm tổn thương Gemma, khiến trong lòng nàng ta nảy sinh cảm xúc giận dữ. Nàng ta trở nên cay nghiệt, cáu kỉnh và hay đập phá. Chàng bắt đầu trút hết mọi bất mãn của mình dưới những dòng thơ.
Ngay cả những đứa con nàng ta sinh ra cũng không thể làm dịu đi nỗi đau mà họ phải chịu đựng. Dù rất thương con nhưng Dante chưa bao giờ ngừng chán ghét Gemma. Nàng ta ngày càng khiến chàng phát cáu vì những hành vi nhỏ nhen.
Lúc nào cũng viết với chả đọc, anh không có việc gì khác để làm sao?
Chỉ có mình tôi chăm sóc lũ trẻ, còn anh chẳng phụ giúp tôi cái gì cả!
Đừng viết nữa! Anh hãy kiếm một công việc đàng hoàng đi, tôi là đàn ông trong cái nhà này đấy phỏng?
Chết tiệt, tại sao ngày đó hai ta phải kết hôn cơ chứ? Tôi đã làm gì sai để chịu đựng cuộc sống như thế này?
Để thoát khỏi khung cảnh tan vỡ ở thực tại, Dante đi tìm niềm an ủi khác từ một vị học giả. Mỗi khi đọc các sáng tác của y, nhà thơ như quên hết mọi thứ xung quanh.
Vị học giả ấy có tên Virgilio.
Dante bắt đầu nghiên cứu các tác phẩm của y khi còn đi học, vì việc học tiếng La Mã là nền tảng học thuật của bất kỳ sinh viên nào thời đó.
*Vào thế kỷ XI đã có trường đại học Bologna nên dù bối cảnh Trung cổ đã sử dụng từ 'sinh viên'.
Dante đã nghiên cứu rất nhiều tác giả La Mã, nhưng chỉ đặc biệt ấn tượng với Virgilio: chàng tiếp tục nghiên cứu Virgilio trong nhiều năm sau đó và thường tự hỏi y trông như thế nào.
Vào thời điểm Beatrice không còn nữa, chính triết học và đặc biệt là Virgilio đã an ủi cõi lòng chàng.
Anh luôn mồm nói về Beatrice, ả ta vẫn chưa đủ với anh sao? Bây giờ còn có Virgilio nữa? Có khi nào anh nghĩ đến tôi chưa? Có phải anh không nhận thức được mình đã kết hôn không? Anh đang thiếu tôn trọng tôi đấy!
Bà đây đếch quan tâm tới Virgilio! Bây giờ anh chỉ biết lãi nhãi về ông ta thôi! Tôi không có hứng thú với những gì anh đọc, anh có hiểu không?
Bọn họ đều đang bàn tán cả đấy, anh biết không? Đoán xem họ nói gì về anh khi anh thả hồn đi nơi khác thay vì vợ mình! Đoán xem họ nói gì về tôi khi tôi để mình bị sỉ nhục như thế này!
Dante cố gắng phớt lờ những lời phàn nàn liếng thoắng từ Gemma, nhưng mỗi ngày trôi qua, điều này lại càng trở nên khó khăn hơn. Hơn nữa, mỗi khi chàng rời khỏi nhà để né tránh vợ, Gemma luôn châm chọc chàng đi đâu, phải chăng vị nhà thơ đang đi tìm mấy ả đàn bà khác. Dante thường không trả lời nàng ta, khiến Gemma càng tức giận hơn.
Mỗi lần họ cãi vã đều khiến cho lũ trẻ bật khóc, chúng bất lực chịu đựng cơn giận dữ của cha mẹ.
Làm sao ta có thể dành cả cuộc đời mình dưới cùng một mái nhà với Gemma? – Dante tự hỏi.
Nhà thơ tội nghiệp tin rằng vấn đề duy nhất trong cuộc đời là hôn nhân bởi vì chàng vẫn chưa nhận thức được chuyện gì sẽ xảy ra với mình trong tương lai.
Hoạt động chính trị mà chàng tham gia ngay sau khi kết hôn, đã hủy hoại chàng.
Giáo hoàng lúc bấy giờ, Boniface đệ Bát khiến nhà thơ vô cùng bất mãn, chàng cho rằng ông ta là nguyên nhân khiến Giáo hội ngày càng suy đồi. Dante tìm mọi cách để cản trở ông ta. Sau những xung đột ngấm ngầm lẫn công khai, phe của Dante đã thua và chàng bị khám xét nhà. Nhưng chưa dừng lại ở đó: nhà thơ còn bị cáo buộc phạm phải nhiều điều tội và buộc chàng phải nộp tiền phạt, nhưng vì bảo vệ lòng tự tôn của mình, chàng đã từ chối.
Vì thế nhà thơ đã phải lưu vong suốt đời: nếu chàng quay trở lại Firenze, những cây cọc sẽ chào đón chàng.
*Một trong các kiểu hình phạt phổ biến thời Trung cổ là trói vào cọc gỗ rồi thiêu sống.
Đã nhiều lần chàng cố quay về nhưng đều không thành. Chàng lựa chọn rời xa Firenze dấu yêu, sống một cuộc sống cô đơn.
Điều duy nhất an ủi chàng đôi chút là chàng sẽ không còn nghe thấy tiếng quát mắng, gào thét của Gemma nữa. Nhưng chàng nhớ các con.
Lưu vong ư? Giờ đây ta cũng như cậu bạn Guido của ta dạo trước. Giá như cậu ta hay tin rằng bạn mình cũng đã xa Firenze rồi.
Quá chán nản, Dante quyết định đến quán rượu để giải sầu. Chén này nối tiếp chén nọ và rồi, chỉ trong chốc lát, nhà thơ đã không giữ được tỉnh táo.
- Nào, Dante, về nhà đi. – chủ quán khuyên chàng.
Người đàn ông đang nhìn chằm chằm vào nhà thơ đang gục đầu lên bàn.
- Tôi không còn nhà nữa.
- Sao lại không còn? Có thể ở đây không có nhà của anh, nhưng anh vẫn sẽ tìm được nơi mình thuộc về.
Chủ quán bước tới và đỡ chàng đứng dậy.
- Đến giờ tôi phải đóng cửa nơi này rồi, chỉ còn lại mình anh thôi. Hôm nay uống thế đủ rồi. – nói rồi ông dìu chàng đến cửa.
- Ừm.
Ra khỏi quán rượu, chàng chậm rãi cảm nhận từng làn gió xuân trong lành đang vuốt ve khuôn mặt mình.
Đã quá nửa đêm và không còn ai xung quanh. Chân đăm đá chân chiêu, chàng say đến nỗi thậm chí không thể nhìn rõ mình đang ở đâu, đang đặt chân đến nơi nào.
Bỗng, một điều không ngờ đến đã xảy ra.
☆.𓋼𓍊 𓆏 𓍊𓋼𓍊.☆
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip