Chương 35

Lâm Thù Văn ở trong nhà khắc trâm hoa cả buổi trưa, đến khi ngẩng đầu lên nhìn mới kinh ngạc phát hiện tầm nhìn có hơi choáng váng.

Cậu cất cây trâm cùng dụng cụ cắt gọt vào hộp, ngậm viên mứt táo trong miệng.

Cậu vào sân, khom lưng nhổ mấy cây hành lá, hái chút rau xanh từ vườn rau.

Rau xanh được băm nhuyễn rồi mang đi cho ngỗng và gà ăn, khi chuẩn bị vo gạo nấu cơm thì La Văn tới.

La Văn nói: "Tiểu tiên sinh, chủ tử nhà ta bị bệnh, ngươi có muốn qua thăm không?"

Trong lòng Lâm Thù Văn cả kinh: "Bị bệnh?"

Quản sự không phải nói không ngã bệnh sao.

La Văn nói: "Đúng vậy."

Nói dối đến mức mặt không đổi sắc, La Văn âm thầm bội phục chính mình.

Lâm Thù Văn không kịp phản ứng, nói: "Ta qua xem thử."

Hôm qua hai người cùng mắc một cơn mưa to, Nghiêm Dung Chi quan tâm chăm sóc cậu hơn, đã nấu canh gừng lại còn nấu cơm nấu nước, trong lòng Lâm Thù Văn có hơi rầu rĩ.

La Văn sờ mũi: "Mời tiểu tiên sinh lên xe."

Lên xe ngựa rồi, Lâm Thù Văn cứ chốc chốc lại hỏi một câu, La Văn có hơi chột dạ, nói: "Ta nói sao cũng không rõ, vẫn là tiểu tiên sinh tự mình nhìn mới được."

Xe đến Nghiêm trạch, Lâm Thù Văn vội bước xuống xe, nếu không phải La Văn nhanh tay lẹ mắt đỡ một chút, cậu suýt nữa đã bị vấp ngã.

Đi đến phòng ngủ nằm trong sân sâu nhất, bốn phía im ắng, chẳng có lấy một thủ vệ.

Lâm Thù Văn đứng ngoài gõ cửa một chút, người bên trong vừa nói "Vào đi", cậu liền nghiêng nửa người vào trong khung cửa, rồi chậm rãi đi vào.

Lúc tới vội vàng, tóc chưa chải, bước chân lại gấp, chỉ đi qua vài tòa sân trong trạch đã khiến Lâm Thù Văn thở không ra hơi.

Nghiêm Dung Chi ngồi trên ghế lật xem sổ sách, thấy thiếu niên tới, hắn ra hiệu cho cậu ngồi vào giường nệm bên cạnh.

Giường đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, phủ đệm mềm mại, thời tiết còn nóng nên dùng vải lụa bọc lót, vừa mềm vừa mát lạnh, giống như ngồi trên một đống bông.

Lâm Thù Văn tinh tế đánh giá, thấy sắc mặt của Nghiêm Dung Chi vẫn ổn thì thở phào nhẹ nhõm.

"Đại phu đã khám chưa?"

Nghiêm Dung Chi nói: "Ngẫu nhiên cảm lạnh thôi, không sao, hôm nay em dậy có thấy chỗ nào không khỏe không?"

Lâm Thù Văn lắc đầu, nói: "Ta còn đi bờ sông nhặt tôm với Mạc Bố nữa."

Nghiêm Dung Chi nhìn cậu: "Tối nay để nhà bếp làm, ở lại cùng nhau dùng cơm."

Trước đây thì hỏi ý kiến, nhưng hôm nay Nghiêm Dung Chi trực tiếp quyết định thay thiếu niên.

Sau bếp nấu cháo thịt nạc tôm bóc vỏ, bỏ thêm củ mài và rau tươi, hương vị sánh đặc, mềm tan trong cổ họng. Ăn kèm với vài món xào thường thấy, canh sườn heo củ cải, Lâm Thù Văn uống mấy ngụm, thấy vị canh tươi ngon, còn chủ động múc một chén đưa cho Nghiêm Dung Chi.

Thiếu niên luôn không nói một lời khi ăn cơm, muỗng gần như không chạm vào chén, không gây ra chút tiếng động nào.

Dùng cơm xong, Nghiêm Dung Chi vẫn còn đang xem sổ sách, Lâm Thù Văn chần chờ một lát, nói: "Ông chủ Nghiêm không thể nghỉ ngơi trước, ngày mai lại xem sao?"

Nghiêm Dung Chi đóng sổ sách lại, cười nói: "Được thôi."

Thiếu niên lập tức im lặng, đón nhận ánh mắt của nam nhân, đôi mắt sâu thẳm chuyên chú làm cậu cúi đầu ngay lập tức, tránh đi cảm giác tim đập thình thịch trong lòng.

Lâm Thù Văn ậm ừ nói: "Giờ cũng không còn sớm nữa, ta về trước."

Thiếu niên nhanh chóng ra ngoài cửa, lặng lẽ quay đầu, thoáng nhìn thấy nam nhân ở phía sau vẫn luôn dõi mắt nhìn mình, cậu hệt như con mèo bị dọa sợ, vừa hoảng hốt vừa thẹn thùng.

Đi ra sân, Lâm Thù Văn thậm chí suy nghĩ, lẽ nào mỗi lần cậu rời đi, ông chủ Nghiêm đều ở phía sau nhìn mình như vậy?

Cẩn thận ngẫm lại, đây không phải lần đầu tiên quay đầu lại là có thể thấy ánh mắt chăm chú nhìn mình như thế.

******

Sáng sớm hôm sau, Lâm Thù Văn cho gà ngỗng ăn, rồi dắt ngỗng ra hồ nước sau nhà không xa hóng gió, ước chừng nửa canh giờ sau, Mạc Bố đến tìm cậu, gọi cậu ra một bờ sông rộng hơn để mò tôm.

Mỗi khi mưa to khiến nước lên, sau hai ba ngày, Mạc Bố đều thích dẫn theo mấy người trẻ cùng tuổi đi một vòng quanh các bờ sông trong thôn, nhặt hết mọi thứ có thể nhặt được, một phần để lại trong nhà ăn, còn lại thì chờ họp thôn cầm đi bán.

Lâm Thù Văn định buổi chiều làm trâm tiếp, vì thế kêu hai con ngỗng đang chơi ở hồ nước lại, dẫn chúng về nhà, sau đó khóa cửa, mang giỏ tre cùng với Mạc Bố, còn có một nhóm người trẻ tuổi đã sớm đứng chờ, xuất phát.

Vẫn là mấy thằng nhóc lần trước đào tổ ong, ngoài ra hai ca nhi cũng đến.

Nhìn thấy Lâm Thù Văn, một nhóc trong đám nói: "Cảm ơn đậu phộng rang và kẹo bí đao lần trước ngươi đưa, ta cầm kẹo bí đao đem chia cho tiểu muội và mẹ, bọn họ thích lắm."

Sau lần đầu tiên ở chung, Lâm Thù Văn không còn khép nép nữa, ngẫu nhiên sẽ nói chuyện phiếm với mọi người.

Bọn họ đi đến con sông xa thôn Bát Bảo nhất, nước sông đã giảm hơn một nửa so với hôm qua, mặt nước vẩn đục đã trong hơn nhiều, vừa đi vừa dừng, chẳng bao lâu sau đã phát hiện cá tôm ở hai bên bờ sông.

Lâm Thù Văn nhổ một bụi cỏ, nhặt tôm cá bỏ vào sọt, cua cùng ốc thì bỏ riêng trong một cái sọt khác.

Đi dọc hết toàn bộ con sông, Lâm Thù Văn cùng hai ca nhi đều có hơi mệt. Bọn họ ngồi trên cục đá nghỉ ngơi, nhìn đám người Mạc Bố xuống nước.

Hai ca nhi xô đẩy nhau vài cái, Trịnh ca nhi bên trái nói: "Tiểu Lâm tiên sinh, ta và Từ ca nhi có chuyện muốn xin ngươi giúp đỡ."

Lâm Thù Văn hỏi: "Chuyện gì thế?"

Rồi nói: "Không cần phải nói cầu xin này kia, nếu có thể giúp, ta nhất định sẽ giúp."

Từ ca nhi nói: "Hai người chúng ta muốn theo ngươi học biết chữ, nếu có thể viết cũng tốt."

Trong nhà hai ca nhi có người thân ở bên ngoài, người lớn thường muốn gửi thư. Bởi vì không biết chữ, lúc đến quan dịch nhận tin sẽ phải tiêu tiền nhờ tiên sinh biết chữ đọc cho họ một lần, rồi chuyển lời nhắn cho người lớn.

Thường xuyên qua lại, không những bất tiện, mà còn phải tốn tiền.

Bọn họ đã tiếp xúc với Lâm Thù Văn hai lần, phát hiện chỉ là tính tình cậu ít nói, chứ không phải người khó gần, cho nên mới cả gan đưa ra yêu cầu như vừa rồi.

Từ ca nhi nói: "Ta cùng Trịnh ca nhi sẽ không để ngươi dạy không công."

Đi trường tư thục đọc sách phải tốn quá nhiều tiền, hơn nữa bọn họ còn quá tuổi để có thể học chữ. Từ ca nhi đã từng đến thôn Hạnh Hoa tìm Phùng tiên sinh, nhưng đối phương kiêu căng ngạo mạn, nói sao cũng không chịu dạy bọn họ.

Lâm Thù Văn đồng ý việc này, nhận dạy hai ca nhi biết chữ, thỏa thuận với họ mỗi ngày sau giờ ngọ tới nửa canh giờ.

Từ ca nhi và Trịnh ca nhi vui mừng, không mò tôm bắt cá nữa, quyết định về nhà ngay lập tức, bọn họ bàn bạc với người nhà, quyết định chuẩn bị mười dây thịt khô, ngày mai mang đến Lâm gia, coi như tạ lễ đưa cho Lâm Thù Văn.

****

Lâm Thù Văn và đám người Mạc Bố ra ao hái ngó sen.

Sau cơn mưa hơn nửa hồ sen đều nở hoa, cả hồ sen này đều do bậc cha chú gieo trồng từ mười mấy năm trước, không cần người chăm sóc, nở hoa quanh năm, ai cũng có thể đến đây hái.

Mạc Bố nói: "Hồ sen cách thôn xa, nên người lớn rất ít khi tới đây."

Củ sen gần như đều bị mấy đứa nhóc như Mạc Bố tới đây hái, ao đầy lá sen xanh, đứng bên bờ tùy tiện rút lên một cây, lá sen cùng với củ sen đều dài ít nhất hơn nửa cánh tay.

Dù là mấy thứ hoang dã như tôm sông, thậm chí cả củ sen đang hái, thôn dân chung quanh đều sẽ không tùy tiện thu hoạch.

Mạc Bố nói: "Hái đủ để trong nhà ăn mấy ngày là có thể về rồi."

Lâm Thù Văn rút sáu bảy cái ngó sen, cái sọt đầy ắp, lắc đầu với Mạc Bố, nói: "Không hái nữa."

Trên tay Mạc Bố xách mười mấy cái ngó sen, đai lưng còn nhét hai cái.

Nó ước lượng: "Ta cũng không hái nữa, nhiêu đây đủ rồi."

Trời càng về trưa, Lâm Thù Văn học theo nhóm Mạc Bố cầm lá sen che nắng trên đỉnh đầu. Về nhà không lâu, Từ ca nhi và Trịnh ca nhi nói muốn cậu dạy cho biết chữ xách theo thịt khô, cùng nhau tới đây.

Lâm Thù Văn mời họ vào sân, Từ ca nhi nói: "Sân nhà tiểu tiên sinh trông thật đẹp."

Tường vây không những phủ đầy hoa xinh, mà dưới tàng cây còn treo một chiếc xích đu gỗ, không phải nhà ai cũng có cảm giác thỏa mái, thanh nhàn như vậy.

Lâm Thù Văn ngượng ngùng.

Hoa là do Nghiêm Dung Chi trồng, xích đu cũng là do đối phương treo, để thường ngày cậu có thể ngồi đọc sách trên xích đu.

Xích đu được làm vào lúc đầu hè, Lâm Thù Văn cũng không ngồi ở đó mấy lần, mấy ngày gần đây trời thường xuyên mưa, có sét đánh, Nghiêm Dung Chi dặn cậu không thể tới gần gốc cây.

Suy nghĩ bay bổng hồi lâu, Lâm Thù Văn đặt thịt khô hai ca nhi mang đến vào trong phòng, nói: "Giá của giấy và bút mực không rẻ, mỗi ngày ta viết mấy chữ trên giấy cho các ngươi, dạy các ngươi đọc viết, các ngươi đem giấy về nhà, dùng nhánh cây hoặc than luyện viết trên đất, được không?"

Đây là cách cậu nghĩ ra để nhà bình thường học viết chữ cũng không tốn nhiều tiền.

Từ ca nhi và Trịnh ca nhi vui vẻ đồng ý.

Lâm Thù Văn về phòng xé hai tờ giấy, viết xuống mấy chữ giống nhau, Từ ca nhi và Trịnh ca nhi vừa mới bắt đầu học nên không dạy nhiều, mỗi ngày có thể nhớ kỹ năm chữ là tốt lắm rồi.

Ba người ngồi quanh bàn, Lâm Thù Văn dạy hai người đọc sách biết chữ, sau đó dạy họ viết đại khái mấy lần, rồi mới dừng lại.

Trịnh ca nhi nói: "Ta gần như nhớ kỹ rồi, đêm nay sẽ trở về luyện chữ."

Từ ca nhi học chậm hơn chút, nhưng cũng có thể nhớ được ý chính.

Hai ca nhi nhìn sắc trời sắp tối, không quấy rầy nữa, đứng dậy cáo từ.

Lâm Thù Văn tiễn hai người đi, thắp thêm ngọn đèn dầu trong viện.

Buổi tối cậu ăn uống như mọi ngày, không làm món gì đặc biệt, chỉ xào chút dưa muối với ớt khô, ăn cùng cháo trắng, đến khi cảm thấy no khoảng năm sáu phần thì buông đũa, rồi đem ngọn đèn dầu vào nhà, ngồi dưới ánh đèn mài giũa cây trâm.

Nhớ đến thân thể Nghiêm Dung Chi, hôm sau, sau giờ Ngọ, Lâm Thù Văn dạy cho hai ca nhi biết chữ mới xong, vội vàng dọn sân, rồi đi một chuyến đến Nghiêm trạch.

Quản sự nói: "Chủ tử vẫn chưa tỉnh ngủ."

Lâm Thù Văn tưởng rằng đối phương bệnh nằm trên giường, vì thế nói: "Ta chờ một chút."

Quản sự xoa xoa cái trán, nghĩ chủ tử đã xem sổ sách suốt cả đêm qua, đến giờ Tỵ (9h-11h) lại đến xưởng mộc, mãi đến gần chính ngọ mới về, rửa mặt qua loa rồi mới nhắm mắt nghỉ ngơi.

Nhưng chủ tử đã dặn, nếu tiểu tiên sinh đến, dù hắn đang ngủ cũng phải mời người vào phòng.

Vì thế, Lâm Thù Văn được quản sự dẫn vào nhà, không lâu sau, Nghiêm Dung Chi gọi cậu vào.

Nghiêm Dung Chi vừa chợp mắt không lâu, nét mặt không ngủ hai ngày một đêm bị Lâm Thù Văn nhìn nhầm thành bị bệnh, lo lắng vô cùng.

Thiếu niên tới gần nam nhân đang nằm trên giường: "Ông chủ Nghiêm, đã uống thuốc chưa?"

Nghiêm Dung Chi nói: "Uống rồi."

Uống thuốc an thần giúp ngủ ngon.

Lâm Thù Văn lẩm bẩm: "Sao vẫn không ngủ được chứ?"

Cậu nói: "Ta đọc chút sách cho ngài nghe."

Nghiêm Dung Chi vẫn luôn ngủ chập chờn dần nhắm mắt lại. Lâm Thù Văn thầm nghĩ, ngày ấy lẽ ra cậu không nên để đối phương mắc mưa còn phải chăm sóc mình, hắn mặc y phục ướt trên người lâu như vậy, cũng không biết sẽ bệnh mấy ngày.

Lâm Thù Văn mải mê suy nghĩ, dần dần mệt mỏi, khoanh tay dựa vào mép giường, trong miệng vẫn lẩm bẩm thơ văn, không biết qua bao lâu, cậu cũng vô thức nhắm mắt lại.

Lúc mở mắt ra, màn đêm đã buông xuống, Lâm Thù Văn ngơ ngác, nhanh chóng phát hiện ra mình đang nằm trên giường.

"Tiểu tiên sinh tỉnh rồi."

Lâm Thù Văn: "...!"

Cậu đứng dậy từ đệm giường ấm áp, hai lỗ tai nóng bừng.

"Ta, ta..."

Sao cậu lại nằm ngủ trên giường của chủ nhân?

Nghiêm Dung Chi dựa trên sập, đóng sổ sách lại, nói: "Là ta bế em lên."

Lâm Thù Văn không nói lời nào.

Một lúc sau, cậu cúi đầu mở miệng: "Ta đi trước."

Không hỏi nguyên do, Lâm Thù Văn thoáng nhìn đèn treo trên tường, cuống quýt cúi xuống mang giày, không kịp chải tóc, lập tức cầm lấy chiếc đèn.

Thiếu niên cầm đèn muốn đi, lại nghe nam nhân đau ốm trên giường nói: "Khoan đã."

Lâm Thù Văn quay đầu nhìn nam nhân cao lớn dưới ánh đèn mờ, vẻ mặt lúng túng.

Cậu lắc đầu, nói: "Giờ không còn sớm nữa, ta phải về."

Nghiêm Dung Chi nói: "Bên ngoài đang mưa, hơn nữa cũng không còn sớm, tối nay ở lại đây được không?"

Cổ họng Lâm Thù Văn hơi nghẹn lại, đầu ngón tay siết chặt cán đèn bằng gỗ.

Trước đây nếu cậu đi, đối phương đều sẽ bảo La Văn sắp xếp xe ngựa đưa cậu về nhà.

Cậu nói: "Đêm đã khuya lắm rồi, cô nam quả nam, sợ là không được ổn lắm."

Nghiêm Dung Chi: "Có gì không ổn?"

Lâm Thù Văn khẽ nói: "Thân phận không ổn."

Nghiêm Dung Chi xuống giường, ngay cả giày vớ cũng không mang.

Nam nhân cao lớn mặc trường bào đi đến trước mặt Lâm Thù Văn, hơi cúi đầu, hắn không chớp mắt, thấp giọng nói: "Tiểu Lâm tiên sinh không ngại có thể lớn gan một chút, đổi thân phận thành chính thức."

Tai trái Lâm Thù Văn không nghe được, bèn nghiêng tai phải: "Cái gì?"

Nghiêm Dung Chi nhìn thiếu niên nghiêng tai trái, trên tai có một nốt ruồi đỏ nho nhỏ, giống như một viên chu sa rơi trên ngọc trắng, như thể đang mời hắn đến cắn một ngụm.

Hắn nói: "Nếu ta có ý cầu thân, Thù Văn có đồng ý không?"

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip