Chuyện số 2: Ngơ ngẩn
Chuyện số 2: Ngơ ngẩn
1.
Tốt nghiệp cấp ba xong, một mình cậu tới thành phố phương Bắc này. Đặt chân đến đây tình cờ đúng dịp tân sinh nhập học, trên tàu hoả chen chúc những bạn đồng trang lứa đang cầm giấy trúng tuyển, họ đứng bên nhau, gương mặt ửng hồng hưng phấn hỏi thăm trường của bạn mình. Húc Dương ngồi bên cửa sổ, cậu cụp mũ xuống, khoanh tay, khẽ tựa vào toa xe lửa bằng tôn không ngừng rung rung, vờ như đang ngủ để đỡ bị người khác làm phiền.
Húc Dương không có giấy trúng tuyển, trong túi chỉ có mấy tờ tiền rúm ró bà nội kiên quyết giúi vào tay cậu, còn có hai trăm đồng xin được từ cậu của Húc Dương. Húc Dương không tới đây học, mà là đi kiếm ăn.
Húc Dương không thi vào trường cao đẳng. Cậu là đứa trẻ chăm chỉ, thành tích cao nhất từng đạt được là vị trí thứ chín trong lớp, sức học của cậu vào dạng nhất thôn. Mấy hôm thi cao đẳng, cậu ngồi xổm bên vách tường bao quanh sân thể dục của trường, lắng nghe tiếng chuông báo vào thi, rồi khi tiếng chuông báo kết thúc ngày thi reo lên, cậu lau khoé mắt, đứng dậy rời khỏi ngôi trường cậu thích nhất trên đời.
Cậu tự bảo mình rằng, làm người không thể quá ích kỷ, cậu đã học xong cấp ba rồi, đã tiêu tốn bao nhiêu là tiền, bà nội gần tám mươi, sức khoẻ không được tốt lắm, vậy mà hôm nào bà cũng phải lên thị trấn bán đồ ăn, kiếm tiền nuôi cậu. Em trai sắp vào cấp Hai, em gái đang học lớp Một, thậm chí bà còn không muốn cho em gái học tiếp, vả chăng họ hàng cũng đâu giúp được gì nhiều. Húc Dương biết, bản thân đã sớm nên gánh vác việc nhà, chẳng qua vì không cam lòng nên mới cứng đầu hoàn tất chương trình cấp ba, cậu không dám tới gần trường thi, sợ mình thi rồi sau lại càng lo lắng hơn.
Húc Dương làm vài việc lặt vặt ở quê trong mấy tháng, thu nhập chẳng được là bao, lại nghe người trong thôn kháo nhau lên thành phố dễ kiếm ăn hơn, cậu bèn bàn với bà rồi mang theo mấy bộ đồ ưng mắt nhất, lên chuyến xe lửa đi về phương Bắc.
Lúc tiễn cậu ở đầu thôn, bà căn dặn cậu, "Nếu khó sống quá thì cứ về quê cháu à."
Em trai đứng đấy không nói câu nào, em gái rơi nước mắt cố nặn ra một nụ cười, Húc Dương ôm em gái vào lòng bảo, "Anh hai lên thành phố sẽ mua quần áo đẹp về làm quà cho em."
Cuối cùng cậu nói với em trai, "Cứ an tâm học hành, ở nhà nhớ chăm bà và em."
Húc Dương ngơ ngác đứng ở bến xe giữa đoàn người qua lại đông như kiến, thi thoảng ai đó hỏi cậu có lên xe không, có thuê nhà không. Húc Dương đi ra khỏi bến xe, đầu óc vẫn quay cuồng, hình như mọi người đều bận bịu, họ vội vã lướt qua người cậu, hướng về đường sắt ngầm hoặc bến xe buýt. Cậu không biết đi xe điện ngầm, cũng không biết đi xe buýt. Khẽ cắn môi, Húc Dương dùng giọng Quan Thoại đặt sệt chất quê hỏi một người mặc đồng phục đường đi tới bến xe buýt, người này cáu kỉnh thuận tay chỉ về một hướng. Húc Dương đi theo hướng được chỉ, thấy bảng tên ở bến xe buýt, nhìn điểm đến toàn những cái tên lạ hoắc, tim Húc Dương đập thình thịch. Nghĩ bụng, dù sao cũng không có chỗ để đi, cậu bèn nhảy lên một chiếc vừa tới, bắt đầu nhẩm tính, bà nói số chín là số đẹp, tượng trưng cho sự vĩnh hằng*, Húc Dương thầm đếm tới điểm dừng số chín, chuẩn bị xuống xe thì bị nhân viên soát vé tóm lấy tay áo. Bác gái trung niên hét váng đầu, "Mua vé chưa? Kiểm tra vé!"
Húc Dương cứng người, cậu khẩn trương lo đếm số điểm dừng nên đã quên mua vé, người trên xe đều quay qua nhìn cậu, chỉ chỉ trỏ trỏ, Húc Dương vội móc mấy tờ tiền nhăn nhúm trong túi ra, cầm một tờ đưa cho nhân viên soát vé rồi hấp tấp xuống xe.
Trước tiên phải kiếm chỗ ở cái đã, thành phố đã về khuya, nhưng Húc Dương chẳng còn lòng dạ nào thưởng thức cảnh đêm, cậu vừa đói vừa mệt, nhất định phải tìm được chỗ qua đêm.
Đi chưa được vài bước, cậu liền bắt gặp thông báo tuyển dụng của một nhà hàng dán trên cửa kính, họ đang tuyển nhân viên phục vụ. Húc Dương quyết đoán đẩy cửa bước vào, cậu ngại ngùng hồi hộp nói với một nhân viên mặc sườn xám là cậu muốn vào làm ở đây.
Người này cũng từ dưới quê lên, vừa thoáng trông cách ăn mặc của Húc Dương liền nhiệt tình dẫn cậu đi gặp quản lý, quản lý xoa xoa cánh tay Húc Dương, vừa lúc thiếu một nam nhân viên, thế là Húc Dương được giữ lại.
Húc Dương không ngờ công việc đầu tiên của mình lại có thể kiếm được dễ dàng như vậy, gương mặt cậu hồng hào hẳn lên. Quản lý bảo lương thử việc tám trăm, bao ăn ở. Húc Dương gật như gà mổ thóc, bụng thầm tính, nếu bao ăn ở, bình thường cậu cũng không tiêu gì mấy, cứ gửi hết về nhà đi, số tiền này còn nhiều hơn cả tiền bà cậu bán đồ ăn trong nửa năm, Húc Dương cao hứng cảm thấy cuối cùng mình cũng trở thành người lớn rồi.
Khi đó, cậu còn chưa có mấy khái niệm về tiền tài.
Lần đầu được nghỉ, Húc Dương đi tới trường đại học có tiếng nhất ở đây, cậu thay một cái áo sơ mi trắng mua được từ chợ đêm, tỉa tót cho gọn gàng sạch sẽ rồi đi vào khuôn viên của trường. Nơi này thật đẹp, người bên trong cũng thật sáng sủa, Húc Dương cố ưỡn ngực đi vào một khu giảng đường có vẻ hoành tráng, tìm một lớp học vào ngồi. Yên tĩnh quá, mọi người đều đang chăm chú đọc sách viết bài, Húc Dương cũng lấy sách của mình ra, khẽ mỉm cười.
Không biết từ lúc nào trên bục giảng xuất hiện một người, vị này bật máy lên, húng hắng giọng, đoạn nói, "Các bạn đến sớm nhỉ, được rồi, chúng ta bắt đầu vào học thôi."
Húc Dương ngây ra, giờ đi không được ở cũng không xong, cậu ngốc nghếch ngồi tại chỗ, cũng may đây là hàng chót.
Chuyện đáng sợ nhất thường dễ xảy ra nhất, vị giáo viên kia nói, "Các bạn đều biết thói quen của tôi rồi, a, hôm nay có một bạn to gan đây, chủ động ngồi ở hàng cuối cơ đấy. Được, bạn ngồi ở vị trí kia, bắt đầu từ bạn, hãy giải thích cho mọi người về khoảng tin cậy."
Húc Dương mặt đỏ như trái cà chua chín, từ chỗ ngồi đứng dậy, cắn chặt môi. Giáo viên nhìn cậu, các bạn ở phía trước cũng quay lại nhìn cậu, nhất thời cả lớp học im phăng phắc. Đột nhiên có bạn lên tiếng, "Thầy ơi, bạn này không ở lớp mình."
Húc Dương cúi đầu, ngượng ngùng nói xin lỗi, giáo viên nọ mới cười bảo, "A, em đến đây tự học sao, không vấn đề gì, ngồi xuống đi."
Húc Dương ngồi xuống nhấp nhổm không yên, cậu bỏ đi vẻ ngượng nghịu ngẩng đầu nhìn giáo viên, chăm chú như nuốt từng lời của thầy giáo, giọng giảng sao mà êm tai, dễ đi vào lòng người đến vậy.
Chuông tan học vang lên, Húc Dương đợi các bạn khác rời khỏi lớp gần hết mới chần chờ đi về phía bục giảng. Đứng trước mặt thầy giáo, Húc Dương nghĩ thầm, đang yên đang lành cậu đã quầy rầy tiết học của người khác, nên cúi đầu như học sinh tiểu học nhận sai, "Thầy à, em xin lỗi."
Người thầy nọ vui vẻ vỗ vỗ vai Húc Dương, "Có gì đâu, em thích thì cứ tới, nhưng nếu là tự học thì sợ là thầy sẽ làm ảnh hưởng đến em, em học khoa nào?"
Húc Dương nhìn các bạn về hết rồi mới thấp giọng nói, "Em không phải sinh viên ở đây."
Không hiểu vì sao, trước mặt thầy giáo, Húc Dương cảm thấy nói những câu này cũng chẳng cần phải ngại ngần gì, đối với thầy, Húc Dương không dám nói dối.
Vị giáo viên kia ngạc nhiên, "Vậy em học trường nào, qua gặp bạn gái à?"
Húc Dương nhếch nhếch miệng, gượng cười nói, "Em chào thầy."
Thầy giáo kia thu dọn các thứ xong liền nhìn theo bóng lưng Húc Dương, thầm cười, sao lại dễ thẹn thùng như thế.
_____________________________
*Số chín (cửu/九) đọc giống cửu (久) trong từ vĩnh cửu, là con số vô cùng đẹp theo quan niệm của người Trung Quốc. Số 9 hay bội số của 9 xuất hiện nhiều trong các cụm từ quen thuộc như "Ba mươi sáu kế", "bảy mươi hai phép thần thông của Tôn Ngộ Không", "mười tám tầng địa ngục", "cửu tuyền", "Long dương thập bát thức",... Các vị hoàng đế Trung Hoa ngày xưa mặc "Cửu Long bào", xây "Cửu Long bích", mang hàm ý trường tồn vĩnh cửu. Các cung điện như Tam đại điện (Thái Hòa điện, Trung Hòa điện, Bảo Hòa điện) cao chín trượng chín thước, bên trong Cố cung có chín chín tám mươi mốt gian, kiến trúc của Thiên Đàn hay Di Hoà viên cũng lấy con số chín làm nền tảng.
.
2.
Húc Dương làm ở nhà hàng kia trong một tháng, tràn đầy hy vọng thử việc xong sẽ được tăng lương. Ôm ý niệm này trong đầu, cậu liền làm việc xông xáo nhất trong số những nhân viên ở đây, dè đâu cuối tháng khi đi nhận lương, lão chủ nhà hàng mới bảo không mướn cậu nữa, Húc Dương hỏi vì sao, ông ta bảo chẳng vì sao cả, cậu chỉ là đang thử việc, còn lão mới là ông chủ.
Húc Dương cầm xấp tiền mỏng dính, đứng trước cửa ký túc xá đã ở trong một tháng qua, bên chân là hành lý cùng chăn nệm được buộc gọn lại, cậu thoáng ngẩn người. Cô bé làm chung đỏ mặt đưa Húc Dương một tờ giấy, bảo cậu có khách sạn đang tuyển nhân viên gấp, bạn cô bé từng làm ở đây có thể giới thiệu cậu.
Húc Dương xúc động cám ơn cô bé kia, cậu cầm tờ giấy rời khỏi nhà hàng nọ.
Khách sạn nằm ở một khu khác trong thành phố này, Húc Dương hơi tiếc nuối, sau này muốn tới trường đại học đó chỉ sợ là không tiện. Cậu xách hành lý gửi nhờ chỗ cô bạn làm chung, hỏi thăm rõ ràng tuyến xe rồi chiều hôm ấy đi ngay tới khách sạn kia.
Cậu đứng trước cửa khách sạn hoa lệ, bản thân quả thực lạc lõng với bên trong, nhưng vì miếng cơm manh áo, cậu cổ vũ bản thân tiến vào. Cô tiếp tân ở đại sảnh hỏi có thể giúp cậu điều gì, Húc Dương cúi đầu, đỏ bừng mặt, cậu chưa từng gặp cô gái nào xinh đẹp như vậy, nụ cười ngọt ngào quá đỗi. Húc Dương ấp a ấp úng cuối cùng nói rõ mục đích tới đây, cô tiếp tân nhìn Húc Dương từ đầu tới chân một lượt, miệng vẫn mỉm cười, Húc Dương liền có cảm giác nụ cười kia chẳng còn động lòng người nữa.
Húc Dương được đưa tới chỗ quản lý, quản lý là một bà cô có vẻ khó tính, đã thế lại cứ cố cười cười làm như thân thiết lắm. Đụng phải bà cô quái đản, còn bị người như thế xăm xoi, Húc Dương thấy lúng túng. Bà quản lý hỏi bằng cấp của cậu, nhà ở đâu, từng làm việc gì. Hỏi xong, bà ta nhếch miệng, vỗ vai Húc Dương nói, "Xin lỗi, cậu không phù hợp lắm với khách sạn của chúng tôi."
Húc Dương dán mắt lên chân mình, nhếch miệng đứng ngay đơ hồi lâu, cậu lấy hết dũng khí thể hiện bản thân, "Em có thể làm bất cứ việc gì, mà học cũng nhanh."
Quản lý lắc lắc đầu, xoay người tiếp tục công việc của mình, Húc Dương mắc cỡ đi ra khỏi căn phòng, thất vọng nhìn nhìn bộ dáng chán nản của mình phản chiếu trên nền đá hoa, xem ra đêm nay đành phải cầu bất cầu bơ ngủ ngoài đường rồi.
Húc Dương đưa tay sờ sẫm phong bì tiền trong túi, quyết định trước tiên cứ ra ngân hàng gửi tiền về nhà đã, bà thường dạy chuyện đâu có đó, thành phố này rộng như vậy, chứa nhiều người như vậy, hẳn sẽ có chốn nương thân cho cậu, hẳn sẽ lại tìm được việc thôi.
Tuy bản thân nhìn nghèo túng thế này, lại mới học qua cấp ba, cùng lắm thì lên cầu vượt bày hàng rong là xong.
Húc Dương ngẫm nghĩ một hồi, cậu định kiếm một công việc có thời gian làm cố định, thời gian còn lại sẽ đi bày sạp hàng rong, bán vài thứ đồ lặt vặt.
Húc Dương vẫn dùng cách cũ, dọc theo con phố, vào từng khách sạn, nhà hàng hỏi thăm, thanh niên trai tráng bền sức bền chí, trước khi đi bà đã dặn, đàn ông khắc có cách sinh tồn của đàn ông.
Cuối cùng lại chỉ tìm được một công việc theo giờ ở một quán ăn băng chuyền, người ta không cần làm việc toàn thời gian, cũng không bao ăn bao ở, Húc Dương nghĩ nghĩ thấy không ổn, nên rốt cuộc không có kết quả. Cậu ngồi trên rào chắn bên đường, hít khói từ dòng xe lao vùn vụt trước mắt, khẽ thở dài, đành tìm quán internet nào đó vào ngồi qua đêm vậy.
Tìm kiếm tin tức trên mạng rõ ràng nhanh hơn hẳn, Húc Dương sau tìm được việc, làm nhân viên ở một khách sạn.
Húc Dương và cô bạn kia tính toán, cả hai gom ít tiền rồi cùng tới chợ bán sỉ mua khăn quàng cổ và mũ về bán. Họ bày hàng trước cổng mấy trường đại học, không ngờ cũng thu về được một khoản nho nhỏ. Húc Dương thấy đủ dư dả, ban ngày làm ở khách sạn, đêm xuống cùng bạn bán hàng. Cùng người ta cò kè mặc cả, bẵng đi một thời gian, Húc Dương trở nên cởi mở hơn hẳn, đến mức không ít cô bé thích đến chỗ cậu mua đồ, kín đáo nhỏ to về anh chàng có nụ cười hàm hậu với vẻ ngoài ưa nhìn kia.
Nếu như ngày cứ như vậy trôi qua, Húc Dương cũng đủ thấy thoả mãn, nói không chừng cậu còn có thể cùng cô bé bán hàng chung kết hôn, nói không chừng hai người bọn họ sau khi đã kiếm được ít tiền rồi sẽ về quê, cậu sẽ giới thiệu cô bé nọ với bà, rồi hai người sẽ có những đứa trẻ. Sinh trưởng ở nông thôn, Húc Dương luôn có suy nghĩ truyền thống như vậy, lấy vợ sinh con, cả gia đình cùng trong một mái nhà ấm áp.
Ngày hôm đó, Húc Dương dọn hàng xong thì vác đồ về nhà trọ. Khi về cậu phải đi qua một cái ngõ nhỏ hẹp rất dài, nơi này tiền thuê không cao, ngược lại, tình hình trị an rất đáng lo ngại, Húc Dương đứng ở đầu ngõ nhìn một nhóm người đang gây sự trong ngõ. Chần chờ trong giây lát, Húc Dương trốn vào một góc tối, nếu ở quê có khi cậu còn hăng hái xông vào, nhưng tại thành phố này, cậu không chắc mình vào can xong thì sẽ lĩnh hậu quả gì, cậu ngại dính phải phiền phức.
Húc Dương cắn môi, cậu quay người, lẳng lặng gọi cho cảnh sát, đoạn đổi đường về nhà.
Vểnh tai lên nghe ngóng, nhưng mãi chẳng thấy còi xe cảnh sát vang lên, Húc Dương thầm bất an, có phần hổ thẹn với người bị đánh kia. Húc Dương nhìn đồng hồ, hơn nửa tiếng trôi qua, cậu mặc thêm áo rồi rời nhà lộn trở lại chỗ ban nãy. Gặp bóng người ngã sõng xoài trên mặt đất đằng xa, Húc Dương chạy tới nâng người nọ dậy, lôi lôi kéo kéo đưa ông ta về nhà mình.
Chuyện cũng đơn giản thôi, không nói hẳn ai cũng đoán được, người đàn ông được Húc Dương cứu ở nhà cậu hai ngày, ông ta chỉ cho Húc Dương cách liên lạc, nói nếu có việc gì bất cứ lúc nào cũng có thể gọi cho ông ta, những việc bình thường ông ta giúp được.
Vài ngày sau có một chiếc xe con tới đón ông ta, tài xế gọi ông ta là Lữ tổng, khi ấy Húc Dương mới hiểu ra.
Húc Dương ngang ngạnh không chịu nhận tiền của người này, cậu vẫn cảm thấy áy náy, dù sao ban đầu đã ngoảnh mặt làm ngơ, cậu chỉ cẩn thận nhận lấy danh thiếp của ông ta.
Cứ nghĩ chuyện đến đây là xong, ngày lại ngày, Húc Dương đi làm rồi bán hàng rong. Đêm hôm đó cậu đã được diện kiến dân phòng, vì bảo vệ cô bé bị doạ cho thất kinh, Húc Dương sảy tay huých vào mũi một người, gã chảy máu mũi ròng ròng, kẻ đi cùng nổi giận đấm đá Húc Dương rồi giải cậu lên đồn công an.
Húc Dương gọi điện thoại tới số của người đàn ông nọ, ở thành phố này cậu không có lấy một chỗ dựa, chỉ biết người gặp thoáng qua kia, mang theo hy vọng, Húc Dương gọi tới số đó.
Lữ Phong thấy di động báo có người gọi, số máy bàn lạ lẫm, trong đầu ông nghĩ ngay đến cậu thanh niên ở căn nhà trọ giá rẻ từng giúp mình kia, kêu Húc Dương thì phải. Chàng trai từ quê lên với đôi mắt trong vắt.
Quả nhiên là vậy, Lữ Phong nghe xong liền bảo Húc Dương đừng lo, ông sẽ lập tức tới giải quyết.
Lữ Phong đưa Húc Dương ra khỏi đồn công an, Húc Dương ngồi trong xe của ông ta co quắp xoa tay, cậu biết Lữ Phong đã chi không ít tiền đưa mình ra. Húc Dương nắm chặt góc áo, gượng gạo nói, "Tiền của ngài, có lẽ tôi sẽ hoàn lại hơi chậm, tôi..."
Lữ Phong cười cười châm điếu thuốc, mở cửa kính thản nhiên phả khói, nói, "Cậu từng giúp tôi, không cần trả lại."
Sau lần đó, cứ cách một khoảng thời gian Lữ Phong lại gọi Húc Dương tới, mời cậu ăn cơm. Dù là như vậy nhưng Húc Dương vẫn trước sau câu nệ, ngồi trong nhà hàng sang trọng cầm đũa mà tay phát run. Lữ Phong thích hút thuốc nhìn Húc Dương căng thẳng, thỉnh thoảng Húc Dương ngẩng đầu lên sẽ bắt gặp ánh mắt của ông ta, ánh mắt quai quái, nhưng đáy mắt ánh lên vẻ thích thú, như thể ông ta đang rất vui.
Mà Húc Dương ban ngày tới khách sạn làm công, tối đến trước cổng mấy trường đại học bày sạp hàng rong, mệt đứ đừ, nên vừa về nhà là cậu lăn ra ngủ khì. Đã lâu rồi cậu không tới trường ngồi học trong phòng tự học, tới sách siếc cũng chẳng có thời gian xem. Mỗi ngày trước khi bắt đầu, cậu sẽ có cảm giác mê mang, cả người bải hoải, toàn thân rã rời, tương lai mù mịt.
Một tối nọ, Lữ Phong lái xe tới sạp hàng của Húc Dương, dùng tiền mua cả sạp hàng của cậu, sau đó bảo cậu lên xe. Húc Dương có chút dè chừng Lữ Phong, không tài nào kết thân với ông ta được. Nhìn những tờ tiền màu đỏ nhè nhẹ rơi xuống trước mắt, Húc Dương sắp lại rồi nhét vào ví, ngoan ngoãn lên xe.
Lữ Phong đưa Húc Dương đến một khách sạn cao cấp. Ông ta rót cho cậu một ly rượu vang đỏ, bảo cậu giống một người ông ta từng quen. Lữ Phong hỏi Húc Dương có muốn một cuộc sống sung sướng, khỏi phải chật vật kiếm cơm nữa không, nếu muốn thì theo ông ta là được. Húc Dương thoạt tiên không hiểu "theo" nghĩa là sao. Lúc Lữ Phong ấn Húc Dương xuống chiếc giường mềm mại, Húc Dương mới giật bắn mình, toát mồ hôi hột.
Khi Húc Dương còn đang ngớ người, Lữ Phong đã buông cậu ra, ông ta tự chế giễu mình, lắc lắc đầu lẩm bẩm, "Không phải cậu ấy, cảm giác không giống."
Lữ Phong uống cạn ly rượu, bảo Húc Dương, "Đi đi, đừng bao giờ xuất hiện trước mặt tôi nữa."
Húc Dương trố mắt, lúng túng hỏi lại, "Tôi còn chưa chưa trả ngài tiền."
Lữ Phong ném ly rượu xuống đất, nói, "Cút."
Húc Dương trở về căn phòng chật hẹp của mình, tuy nghĩ không ra ý tứ của Lữ Phong nhưng cậu lại thấy nhẹ cả người. Khỏi phải ép mình đi gặp Lữ Phong nữa, Húc Dương thấy như được giải thoát.
Lại qua một quãng thời gian, Húc Dương đã dành dụm được kha khá tiền, cậu bắt đầu tính đến chuyện xa hơn. Đóng gói hành lý đơn giản như hồi mới lên, Húc Dương rời khỏi thành phố. Về quê, cậu mở một tiệm tạp hoá nhỏ, thu nhập ổn định, dần dà khấm khá lên, khi đến tuổi kết hôn, với dáng dấp ưa nhìn, được không ít người tới tận cửa ngỏ ý.
Sau, Húc Dương lấy một cô vợ lành tính, vừa mộc mạc lại chu đáo, một năm sau nhà họ có thêm tiếng trẻ nhỏ. Húc Dương cũng có khi y như ông già ngồi phơi nắng trên ghế trước cửa hàng, vợ cậu ngồi cạnh dỗ con, nở nụ cười dịu dàng, nhóc con mập mạp bập bẹ a a. Húc Dương mãn nguyện hít sâu một hơi. Bà ơi, giờ cháu sống như này, bà yên tâm rồi chứ?
Thỉnh thoảng, vào những lúc rất hiếm hoi, trong đầu Húc Dương thấp thoáng hiện lên hình ảnh của Lữ Phong, đã từ lâu cậu không còn nhớ rõ dáng vẻ của ông ta nữa, chỉ nhớ Lữ Phong thường mặc Âu phục rất mắc tiền, nét mặt cứng đơ, nhìn không ra vui buồn. Húc Dương thầm hỏi, hiện giờ ông ta có sống tốt không, thoáng trông dường như ông ta mang rất nhiều tâm sự, mà không biết đã đợi được người muốn đợi chưa?
Nhưng chỉ nghĩ thế thôi, rồi mọi thứ lại vụt qua.
-Hết-
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip