Diều đứt dây
Xuân qua nhanh kéo hạ về vội vã, hệt như con diều đứt dây vút qua cánh đồng xanh thẳm. Trong cái nắng đầu hè gay gắt, tiếng ve râm ran dẫn lối ai tìm lại chốn thân thương.
Chiếc xe đen tuyền chậm rãi lăn bánh trên mặt đường nóng rẫy, đưa Quân đi xuyên qua thị trấn nhỏ. Từ trong xe, ông lặng lẽ nhìn ngắm cảnh vật bên đường. Làng quê nghèo khó năm nào đã sớm thay hình đổi dạng. Con đường đất vẫn luôn lầy lội khi mưa về, giờ được lát nhựa, thông xe rộng rãi. Những ngôi nhà mái tranh vách lá cũng chẳng còn thấy bóng, hoàn toàn nhường chỗ cho tường cao ngói đỏ khang trang.
Bỗng, ông thấy lòng hẫng lại. Nơi xưa đã đổi, người cũ liệu có còn chờ?
Đáng ra ở cái tuổi đã sắp thất tuần, bao gió sương đều hoá vết chân chim in hằn nơi khóe mắt, ông phải điềm nhiên trước những đổi thay. Chính ông cũng đâu còn như ngày ly biệt, thì mong gì người xưa, chốn cũ vẫn đợi mòn.
Dẫu biết trước quê nghèo có thể chẳng còn người, nhưng Quân vẫn muốn về. Mấy mươi năm viễn xứ bôn ba, đáy tim ông luôn cất giữ một bóng hình, là khôi giáp bảo hộ linh hồn Quân giữa chợ đời đen đúa. Nhưng ngày ấy, ông lại vội vàng trốn chạy, chẳng dám đối diện với người, với mình. Giờ đây tìm về, ông chỉ muốn được một lần nhìn sâu vào đôi mắt ấy, nói ra lời xin lỗi.
.
Chiếc xe men theo ký ức và lời chỉ dẫn của người dân ven đường, chầm chậm đi qua thị trấn rồi dừng bánh trước một cánh cổng rợp sắc tigon. Ngôi nhà nằm lặng lẽ dưới chân đồi, cách xa thị trấn, tựa hồ tách biệt khỏi dòng chảy của thời gian lưu lại mãi trong khoảng trời xưa cũ. Trái tim Quân bỗng dấy lên những nhịp đập điên cuồng. Sự thấp thỏm và lo lắng cuộn xoắn khiến chân ông vô thức run lên, muốn trốn chạy hệt như ngày ấy. Nhưng lần này, cánh cổng đã có người mở ra, không cho ông cơ hội quay đầu.
Người phụ nữ trung niên cầm làn nhựa trên tay làn nhựa, có vẻ đang muốn đi chợ trưa. Vừa mở cổng đã trông thấy chiếc xe xa lạ đậu ngay trước nhà mình, cô đứng sựng lại, đưa mắt quan sát một cách e dè.
Từ trong xe, nhìn người phụ nữ xa lạ, Quân cảm giác như vừa bị vứt xuống vực sâu. Sự hoảng loạn cùng đau đớn trào lên trong tâm khảm. Cuối cùng, ông vẫn bước ra, tiến về phía cổng. Khi đã đối diện nhau ở khoảng cách gần, còn chưa kịp để Quân chào hỏi, người kia bỗng run lên. Đôi mắt mang vẻ e dè đột ngột mở bừng, dâng lên ánh nước. Toàn thân cô run rẩy, nghẹn ngào cất lời hỏi mà như khẳng định.
- Bác là bác Quân?
- Phải, tôi tên Quân…cô biết tôi sao?
Dù cảm giác đau đớn vẫn treo trên đầu tim, nhưng khi nghe người trước mặt gọi tên, chút hân hoan vẫn lén lút loé lên trong lồng ngực già nua. Nếu cô biết Quân, nghĩa là cậu ấy còn ở nơi này. Và có thể, người đã có một gia đình…
Niềm vui còn chưa kịp tỏ, chua xót lại lần nữa dâng trào. Sự mất mát mang theo tội lỗi tụ lại trong lòng, biến thành tiếng nói tự mắng mình: “Ngày xưa mày hèn nhát trốn đi, phụ bạc người ta. Vậy mà mày vẫn mong cậu ấy sẽ ở vậy, đơn độc chờ đợi trong vô vọng? Mày thật sự là một thằng khốn nạn!”
Nhưng ông nào ngờ tất cả những điều đó chỉ mới là vết rạn. Khi chiếc búa của quy luật sinh tử nặng nề giáng xuống, trái tim Quân mới thật sự vỡ tan tành.
- Bố cháu luôn nhớ bác. Đến tận phút cuối đời vẫn gọi “anh Quân”. Ông ấy… ông ấy…
Người phụ nữ nghẹn ngào chẳng thể nói tròn câu, vội vã cúi đầu lau nước mắt.
- Ông ấy mất rồi!
Quân chết sững. Vật đổi sao dời, người kia thật sự không còn đợi. Nhưng ông dự trước tính sau, chưa bao giờ dám nghĩ đến khả năng tàn nhẫn nhất.
Thà người lấy vợ sinh con hay rời đi chốn khác, ít nhất ông còn có cơ hội tìm đến để lén lút nhìn ngắm cuộc sống của cậu. Nay cách biệt bởi tử sinh, dẫu chân trời góc bể cũng chẳng thể tương phùng. Quân giờ đây hệt như kẻ lang thang, đã chẳng còn nhà để trở về nương náu. Trái tim đang hấp hối tưởng sắp được hồi sinh lại đột ngột bị con dao đâm xuyên xé nát. Thế giới của ông hoàn toàn bị nhấn chìm trong màn đêm thăm thẳm.
- Vâng, sang tuần là thất thứ ba của bố con.
- Tôi…tôi xin chia buồn cùng gia đình. Tôi đi.
Quân quay đi, đôi chân run rẩy hệt như ngày xưa chạy trốn khỏi nơi này, khác chăng là từng cái run ấy đều bị bao lại bởi niềm tuyệt vọng. Nhưng khi ông vừa định xoay người, giọng nói giận dữ vút cao của người phụ nữ thình lình sập xuống, như bức tường chắn bước chân ông.
- Bố con đã đợi bác cả đời. Bác đến rồi không thể vào thắp cho bố con dù chỉ một nén nhang sao?
- Tôi không xứng!
Quân chẳng phải kẻ phủi hết mọi thứ khi người đã hoá tro. Nhưng ông không xứng. Đến tận lúc ra đi, người ấy vẫn đợi ông về, còn kẻ hèn nhát như ông lại mãi lang bạt phương trời, chẳng thể vượt qua định kiến để quay lại cho cậu câu trả lời mà người từng muốn nghe. Để khi thật sự dám tìm đến thì mọi thứ đã quá muộn màng. Quân lấy tư cách gì để đứng trước di ảnh người ấy, đối diện với hương linh đã khuất.
- Bố con trước khi đi có trăn trối: “ Nếu anh Quân về, mời ông ấy đến mộ của bố, để chúng tôi gặp lại nhau một lần”. Giờ bác đã đến, là phận con cháu con không dám ép bác. Nhưng con xin bác hoàn thành tâm nguyện của bố con, để linh hồn ông yên nghỉ. Được không ạ?
Dù đã nằm sâu dưới tầng đất lạnh, mong ước gặp lại người xưa vẫn chẳng thể phai nhoà. Gió bão nổi lên tàn phá lòng Quân thành cõi hoang tàn, đồng thời cũng cuốn phăng đi chút yếu hèn còn lưu lại. Ông ngước mắt lên ngọn đồi trước mặt, tựa như trông thấy bóng dáng cao gầy thân thuộc, đang từ nơi đó đợi mong.
- Nhờ cháu dẫn đường. Tôi mong được đến thăm cậu ấy.
.
Ngôi mộ nhỏ nằm trên đỉnh đồi, nhìn ra nương ngôi trải dài tít tắp. Nơi ở cuối cùng của cậu đơn sơ không mái che hay nhà mồ to lớn. Chỉ là một nấm đất nhô lên với tấm đá khắc tên người nằm dưới.
Hai bóng dáng đứng trang nghiêm trước mộ. Lan chậm rãi kể lại câu chuyện đời cô và cuộc sống của hai bố con trước khi Thành mất. Còn Quân chỉ lặng lẽ đứng nghe, mắt và tâm ông hoàn toàn đặt vào cái tên ba chữ “Trần Văn Thành” được khắc trên tấm bia lạnh lẽo.
Bốn từ “Chuyện đời” và “Cuộc sống” nghe có vẻ dài, nhưng thực ra lại chỉ gói gọn trong vài câu nói.
- Con được bố nhận nuôi năm ông hai sáu tuổi. Với quan niệm xã hội hồi đó, đàn ông hơn hai lăm mà chưa lấy vợ đã là quá tuổi, nhất định sẽ bị cả họ giục, rồi sắp xếp cho xem mắt. Bố con từ chối hết, ông từ một nhà họ hàng xa đón con về nhận nuôi. Sau đó, cứ vậy chờ bác cả đời.
Từ lúc đến trước cánh cổng hoa tigon, tim Quân vốn chẳng còn một chút lành lặn, giờ lại càng bị xé ra thành từng mảnh nhỏ. “Chờ bác cả đời”, hơn nửa kiếp người của Thành cứ vậy gói gọn trong bốn từ đầy cô độc, chỉ vì một kẻ ngang ngược dám gieo tình nhưng hèn nhát chẳng đủ can đảm đối đầu với định kiến như Quân.
Giọng nói của Lan vẫn vang lên đều đều bên tai ông, từng lời từng chữ tuy nhẹ mà hệt như búa tạ, gõ từng nhát lên trái tim đang bị nhấn chìm trong hổ thẹn.
- Vị trí đặt mộ cũng là theo di nguyện của bố. Ông nói chỗ đồi này đối diện với nương ngô. Bố kể hồi trẻ hai người thường lên đây nhìn cánh đồng xanh, rồi lại ngắm mấy con diều bay lượn, nói về lý tưởng. Cũng chính nương ngô, cánh đồng và những cánh diều trên cao đã chứng kiến nụ hôn đầu… của bác và bố.
Lòng Quân chấn động. Nụ hôn đầu, chính ký ức ấy trở thành bước ngoặt trong mối quan hệ của hai người. Về sau với Quân là sự hèn nhát trốn chạy, còn Thành lại dũng cảm đối mặt nhưng vẫn cô độc một đời. Nếu ngày đó, Quân chẳng quay đầu trước khi sắc tigon hé mở, chắc chắn Thành sẽ là người bước đến nắm lấy tay ông, đạp trên gai nhọn của định kiến mà tiến về phía trước.
Có thể cả hai vẫn sẽ lang bạt muôn phương như Quân đã trải qua hơn nửa cuộc đời. Nhưng họ có nhau.
Vậy mà cái quay đi kia khiến một kẻ đơn côi trôi dạt, còn một người chết mòn trong cô độc đợi mong.
Giờ đây dẫu có tiếc hận, người xưa cũng đã hoá tàn tro theo cánh diều bay về nơi xa khuất. Những giọt nước mắt chưa từng rơi trong suốt mấy chục năm sương gió lại lăn dài trên gương mặt đã nhăn nheo. Nhưng trước khi hoà vào đất đỏ, chúng đã bị một bức thư chặn lại, lan ra trên lớp giấy, ướt nhoè.
Quân ngẩng đầu nhìn Lan đang giơ lá thư cho mình, không cần cô nói cũng biết người viết nó là ai.
- Bố con đã viết bức thư này khi đang bệnh. Ông đưa con giữ, muốn khi nào bác về sẽ gửi lại cho bác. Bố dặn, trước khi đọc thư, mong bác ngồi xuống uống với bố chén rượu táo mèo, cùng nhau nhìn nương ngô và đồng xanh bên dưới rồi hẳn đọc. Nếu may mắn bác về đúng dịp hè, có thể lại cùng nhau ngắm diều. À bố còn bảo, diều bây giờ được làm đẹp lắm, nhiều màu sắc, hình dạng hơn xưa, nhưng chẳng đẹp bằng con diều hồi xưa bác làm cho bố.
Đến đây, Lan ngừng lại đôi chút, trong giọng nói cất lên không giấu được nỗi nghẹn ngào.
- Con diều ấy bố con vẫn luôn treo trong phòng ngủ, dù đã mục cũng không chịu bỏ đi. Thấy bác về con mừng quá, đi vội chẳng kịp mang theo rượu để bác uống cùng bố.
.
Quân đưa tay cầm lá thư, rồi lại xoay lưng nhìn nương ngô trải dài trước mặt. Ở nơi này, từng có hai thiếu niên cùng làng thân thiết từ tấm bé, vẫn hay rủ nhau trèo lên, ngồi đó nói đủ thứ chuyện trên đời.
Họ cứ thế cùng cánh diều và nương ngô lớn dần theo năm tháng. Từ cậu bé trở thành thiếu niên, từ mấy chuyện thả diều bắn bi bàn sang lý tưởng to lớn. Quân vẫn còn nhớ đường xương hàm góc cạnh của Thành ánh lên dưới nắng hè, khi hào hứng kể về mong ước thi đậu trường Y ở Thủ Đô. Ngày ấy, lần đầu trong lòng Quân dấy lên lo sợ. Trái ngược với Thành học rất giỏi, thành tích của Quân ở trường khá bết bát. Nếu không nhờ Thành kèm cặp, có khi ông phải ở lại lớp vài năm. Trường Y đối với Quân thật sự quá xa vời, mà ông cũng chẳng hề hứng thú. Quân vốn không thích học hành nhưng lại rất hào hứng theo chân bố ra chợ làng buôn bán. Ở thôn quê nghèo khó ấy, gia đình Thành có một tiệm thuốc bắc nhỏ, là trí thức hiếm hoi trong vùng. Nhà Quân lại hệt như phần đông những phận người lao động sống nhờ vào nương ngô, ngày ngày làm nông hoặc mở sạp hàng trong chợ để đắp đổi qua ngày.
Vậy mà hai mảnh đời tưởng chừng chẳng có gì tương thích, lại ghép chặt vào nhau một cách lạ lùng. Chỉ là đường nối đó có thể phải tách rời khi những đứa trẻ lớn dần và bắt đầu dựng lên mộng ước về tương lai. Quân không thấy lạ khi Thành muốn học y. Đó vốn là truyền thống gia đình cậu. Nhưng ông sợ, sợ họ phải rời xa, sợ Thành hệt như mấy con diều đứt dây, bị gió cuốn bay khỏi nương ngô mà họ đã từng thấy hồi thơ bé.
Nỗi sợ ấy cứ âm ỉ mãi theo ngày tháng. Cho đến một hôm cũng trên đỉnh đồi này, khi ráng chiều lãng đãng lan trên nền trời, ánh sắc đỏ lên cả những búp ngô xanh mướt, Quân nhờ men rượu táo cay nồng mà hai người vừa uống, gom hết tất cả những ngang tàng tuổi trẻ cùng chút rung động đầu đời, nghiêng đầu hôn nhẹ lên môi Thành.
Lúc ấy, tuổi thiếu niên dễ kích động. Con người ta dám làm những thứ mà cả cuộc đời sau này họ chẳng có can đảm để thực hiện lại. Khi đôi mắt mở to sửng sốt của Thành hiện lên rõ ràng trước mặt, Quân mới sực tỉnh và nhận thức được hành động của mình. Ông đã chạy.
Phải, Quân hệt như lần hèn nhát định mệnh đó, quay đầu bỏ chạy xuống đồi, không dám nhìn sắc mặt Thành thêm nữa.
Sau hôm ấy, Thành và Quân lướt qua nhau tựa hai người xa lạ. Từ đôi bạn thân thiết luôn dính lấy đối phương, họ bỗng làm như chưa từng quen biết. Thật ra người chủ động trốn tránh là Quân. So với những thiếu niên ở quê nghèo thời đó, Quân thường theo bố đi buôn bán, ông trải đời và cũng có sự gai góc hơn. Nhiều chuyện những đứa trẻ trong làng chẳng dám làm, nhưng Quân đã rủ Thành làm tất, tựa như lén uống rượu khi chưa đủ tuổi. Dù như vậy, một thiếu niên sắp 18, chưa mảnh tình vắt vai, lần đầu có những rung động khó gọi tên với người bạn thân cùng giới, lại còn làm ra hành động ngông cuồng như thế, chính Quân cũng không chấp nhận được mình.
Với quan niệm in sâu trong xã hội lúc bấy giờ, Quân được xem là bị bệnh. Và ngay khoảnh khắc chạy về nhà, nhốt mình trong phòng, ông cũng đã nghĩ mình có bệnh, một căn bệnh ghê tởm không xứng lộ mặt dưới ánh mặt trời. Nhưng đâu đó sâu thẳm trong Quân vẫn có một cái tôi đang vẫy vùng gào thét, rằng thứ tình cảm đang nhen nhóm từ nơi sâu thẳm, và góc mặt nghiêng nghiêng của Thành luôn khiến Quân không cách nào rời mắt, là lẽ thường tình của con người.
Rồi Quân lại nhớ đến lời mà Thành từng nói: “Tình yêu đâu nhất thiết phải như lẽ thường mới là yêu, tôi nghĩ một khi hai trái tim đơn độc tìm được sợi dây kết nối và rung lên cùng một nhịp, đó cũng gọi là yêu rồi.”
Quân đối với Thành cũng thế. Một trái tim đã buộc sợi chỉ đỏ, đang run lên từng nhịp chân thành. Sâu thẳm trong ông có sợ hãi, nhưng chưa từng ghê tởm chính mình. Điều ông sợ là Thành sẽ vì thứ tình cảm này mà nhìn ông bằng ánh mắt ghê tởm, còn bố mẹ và gia đình cũng sẽ bởi do ông bị làng xóm cười chê.
Chí hướng của Quân vốn chẳng ở quê nghèo, ông muốn đi xa lập nghiệp. Quân chẳng ngại rời làng nếu xã hội rẻ khinh, nhưng điều ông e ngại là những người mình trân quý sẽ phải ở lại trong miệng đời mai mỉa. Trong đó có Thành.
Vì vậy, Quân chọn cách trốn tránh, còn Thành cũng chẳng đến tìm. Nhưng cậu vẫn ngày ngày đi qua nhà Quân, để lại trước cửa mấy quyển đề ôn đại học đã ghi sẵn lời giải chi tiết, cùng một túi ngô nướng. Cứ thế sau kỳ thi đại học, kết quả gửi về hiển nhiên như đã được dự đoán. Thành đậu vào trường Y trên Hà Nội, còn Quân trượt đại học.
Có Thành kề bên kèm cặp, Quân mới có thể miễn cưỡng lên lớp. Giờ chỉ vài quyển đề cương, dù cho đáp án được ghi ra vô cùng chi tiết, cũng chẳng vớt nổi Quân đến cánh cổng đại học. Quân không buồn, nhưng ông lại luyến tiếc. Kết quả đã có, chỉ hai tháng nữa Thành sẽ rời quê chuẩn bị lên chốn thị thành. Lần đi này, có lẽ mối quan hệ của họ thật sự phải chấm dứt mãi mãi, dù là tình bạn hay một thứ tình nào khác.
Thế rồi, nỗi nhớ vẫn luôn khắc khoải trong lòng cùng sự luyến tiếc âm ỉ chẳng nguôi đã kéo chân Quân đến trước ngôi nhà rợp sắc tigon quen thuộc. Ông nghĩ mình sẽ chỉ nói lời tạm biệt và chúc Thành lên đường may mắn rồi lại đi ngay. Vài ba câu chắc sẽ không khiến Thành khó chịu. Nhưng nào ngờ khi đối diện với người kia, chẳng để Quân lên tiếng, Thành đã gằn giọng quát ông trước.
- Cậu là thằng hèn. Dám hôn mà chẳng dám nhận à?
- Tôi, tôi đâu có không nhận.
- Thế cậu trốn tôi làm gì? Còn chẳng đậu nổi đại học. Cậu định hôn xong thì trốn tịt đi cái xó nào đó không chịu trách nhiệm đúng không?
- Đâu có, tôi là đàn ông, tôi đã làm thì sẽ chịu trách nhiệm. Ơ…
Trí não đặc quánh của Quân đến lúc đó mới lờ mờ nhận ra có điều gì không đúng lắm. Nhìn Thành đang thở hồng hộc đầy tức giận, gò má phớt đỏ không biết vì vừa dùng sức hét vào mặt Quân hay là điều gì khác, trong đầu ông bỗng xẹt qua một ý nghĩ ngang tàng. Quân vẫn luôn tự nhận là người tay nhanh hơn não. Ông đưa mắt nhìn quanh. Khi xác nhận cả góc đường chỉ có mỗi hai người, Quân liền biến suy nghĩ thành hành động, tiến lên một bước hôn chóc vào môi Thành.
- Cậu…cậu…thằng khốn!
Vệt đỏ trên má Thành từ phơn phớt đổi thành đỏ bừng. Cậu chỉ tay vào mặt Quân lắp bắp, sau đó vung nắm đấm. Cú đấm chẳng chút nương tình, khiến cho một bên má của ông lập tức sưng vù, nhưng Quân lại chẳng thấy đau. Dáng vẻ ngượng ngùng xen chút tức giận của người kia càng khiến ông muốn cười, sao mà dễ thương quá đỗi.
- Cậu thử hôn thêm lần nữa xem. Tôi, tôi sẽ…
- Sẽ làm gì? Cậu hôn lại tôi à?
- Cậu được lắm. Xem ra không thể nói chuyện tử tế với hạng người như cậu được.
Thành dường như giận thật, cậu hằn học quay lưng định bỏ đi. Lúc này Quân mới sợ hãi vội kéo tay Thành lại.
- Tôi xin lỗi, cậu đừng đi.
Quân sợ Thành đi thật, hôm nay đánh bạo đến tìm là định chúc Thành lên đường bình an. Quân đâu ngờ mọi chuyện lại càng đi xa đến thế. Ông không muốn đến lúc sắp từ biệt nhau, họ lại không có cách nào nhìn đối phương được nữa, dù chỉ là ánh nhìn dành cho một người bạn từng thân.
- Tôi không có ý xúc phạm cậu. Hôm nay đến, tôi muốn xin lỗi vì chuyện hồi trước trên đồi. Lúc đó tôi say nên làm bậy. Xin lỗi cậu. Sắp tới lên Hà Nội học, đi đường cẩn thận, chúc cậu sau này trở thành một bác sĩ giỏi.
- Chỉ có vậy?
- Ừ, chỉ có vậy thôi.
- Cậu nói hôm đó là do cậu say rượu nên làm bậy, chứ không có ý gì khác?
- Đúng vậy.
Ánh mắt của Thành đau đáu vây chặt lấy Quân, rồi như vỡ ra trong cái gật đầu của người trước mặt. Thành lặng im thật lâu, cứ đứng nhìn như vậy. Càng lúc Quân càng trở nên bồn chồn trong ánh nhìn của Thành. Ông về không đặng mà ở cũng ngượng ngùng, chẳng biết phải làm sao. Dường như người kia đang đợi Quân nói thêm điều gì đó mang ý nghĩa khác, nhưng lời đến cổ họng lại cứ như bị thứ gì chặn lại, nghẹn ngang.
Cuối cùng, vẫn là Thành lên tiếng trước, phá vỡ bầu không khí đông đặc giữa hai người.
- Đầu tuần sau tôi phải lên Hà Nội làm thủ tục nhập học. Cho cậu 5 ngày về nhà suy nghĩ cho kỹ, rồi đến quay tìm tôi sau giờ ăn tối. Tôi muốn nghe lời thật trong lòng cậu.
- Tôi, tôi…
- Về đi. Tôi đợi cậu.
Quân vẫn nhớ rõ ánh mắt thăm thẳm dõi theo mình của Thành ngày ấy. Ánh mắt đó tựa như ngọn đèn soi lối, đưa Quân về nhà trong đêm tối. Những ngày tháng sau này, cũng chính ánh mắt của Thành từ đèn hóa đuốc, không chỉ soi bước chân Quân trên nửa đoạn đường đời, mà còn sưởi ấm linh hồn ông trong những gian phòng lạnh lẽo. Bởi vì, đó là điều cuối cùng còn lưu lại trong tâm khảm ông, trước khi vĩnh viễn rời nhau.
Trong đêm hè của ngày thứ sáu, đúng như lời hẹn Quân đã đến nhà Thành,. Nhưng chẳng kịp đợi người kia xuất hiện, ông đã hèn nhát quay đi, sau đó rời bỏ thôn làng lên thành phố lập nghiệp, chẳng bao giờ quay lại nữa. Ông biết điều Thành thật sự muốn nghe là gì. Ông càng hiểu đầu bên kia của sợi chỉ đỏ có trái tim Thành cũng đang cùng chung nhịp đập. Nhưng ông không dám. Vẫn là nỗi sợ cố hữu đó. Thành có cả tương lai rực rỡ với tấm bằng bác sĩ danh giá trong tay, không thể vì một kẻ đang bước trên đoạn đường mờ mịt gió sương mà bị người đời phỉ nhổ.
Thành dám đối diện còn Quân thì không.
Vì vậy ông đã bỏ chạy. Có ngờ đâu, sau cái xoay chân ấy, xoay một lần lại đi đến tận nửa đời người. Khi xã hội mở lòng hơn và chính ông cũng buông tha cho bản thân, lúc trở về chỉ còn một tấm bia đá đón người lưu lạc.
.
Mặt trời dần ngả về tây, nắng hè đã dịu đi đôi chút. Lúc này, những con diều từ nơi xa mới bắt đầu xuất hiện, lượn quanh trên nền trời ửng đỏ. Lan đã xuống đồi để ghé chợ chiều mua ít nguyên liệu nấu cơm, chờ Quân về cùng ăn tối trước bàn vong của Thành.
Trên đồi chỉ còn mỗi Quân cô quạnh tựa vào tấm bia đá lạnh lẽo. Bàn tay ông run rẩy mở lá thư. Nét chữ của Thành hiện ra, vẫn thẳng tắp như ngày nào.
“Chào anh Quân,
Tôi chưa chưa bao giờ gọi cậu một tiếng anh, nhưng giờ xin được gọi như thế, như cách những đôi đang yêu vẫn hay dành cho nhau.
Hôm đó anh đi, tôi đã trông thấy bóng lưng anh nhưng không gọi lại. Tôi hiểu dù trong lòng anh có tôi nhưng vẫn khó chấp nhận được thứ tình cảm không thường thấy này. Tôi đã dùng cuộc hẹn năm ngày với anh để làm một ván cược. Dùng hy vọng của mình cược lấy tình cảm của anh. Nhưng tôi thua rồi.
Chỉ có điều, tôi thua không phải tình cảm của anh mà là chính mình. Tôi chẳng dám đi học xa, chỉ đăng ký vào trường trung cấp trên thị xã, để kịp về nhà nếu chẳng may anh có về. Tôi đã nói đợi thì tôi sẽ đợi, chẳng như anh hèn nhát không chịu đối diện với chính mình.
Vì sao anh dám hôn tôi, mà chẳng can đảm cùng tôi đi đến tương lai? Vì sao anh cũng thích tôi mà không nói?
Nếu hôm ấy anh đến và thừa nhận thích tôi, tôi đã nghĩ sẽ hẹn anh cùng lên Hà Nội. Tôi đi học, còn anh tìm một công việc, chúng ta ở cạnh nhau đi hết một đời. Tôi biết phía trước sẽ rất khó khăn, nhưng mà có nhau thì cũng không đến mức đơn độc. Vậy nhưng anh lại để tôi thua trong chính ván cược của mình.
Thôi, dù sao đã sắp cuối đời. Tôi e mình chẳng đợi được nữa. Khi viết bức thư này, tôi cũng không biết liệu nó có đến được tay anh. Nếu không thì xem như duyên phận giữa chúng ta thật sự quá mỏng, đã đứt đoạn hoàn toàn vào ngày anh rời đi. Còn chẳng may anh đọc được, thì có hai khả năng.
Một là, nếu anh vẫn ở vậy như tôi, tôi chỉ muốn nói anh là tên khốn. Hại tôi chờ đợi đã đành còn hại bản thân cả đời cô độc.
Hai, nếu anh đã lập gia đình, tôi lại càng muốn nói anh là tên khốn nạn vô cùng. Có vợ rồi anh còn tìm về gặp tôi để làm gì? Anh đang làm lỡ dở một người con gái đấy, có biết không?
Nhưng dù sao mọi chuyện đều qua cả rồi, lúc anh đọc được chắc tôi đã sớm mồ yên mả đẹp. Tôi chỉ có một câu muốn hỏi: Mấy năm qua, anh sống có tốt không? Tuổi già nhiều bệnh, nhất là xương khớp, đừng như hồi trẻ, cậy mạnh mà leo trèo đủ thứ.
Đấy, mới nhắc mà tay đã đau rồi, thôi tôi không viết nữa, anh cũng xếp thư lại đi rồi uống với tôi chén rượu. Nếu được thì kể cho tôi nghe lúc này nương ngô dưới đồi đã có búp chưa. Cánh đồng xanh hồi xưa mình hay đến đã bị lắp để xây trường học, nhưng bọn trẻ bây giờ vẫn thích thả diều lắm. Nên nếu anh về lại đúng dịp hè, hãy cùng tôi ngắm diều một chút nhé.
Lời cuối cùng, tôi biết là hơi ích kỷ, nhưng anh Quân à, tôi đã từng rất thương anh.
Tạm biệt.”
.
Ráng chiều đã nhuộm đỏ cả nương ngô. Bên ngôi mộ nhỏ trên đồi, có một ông lão với mái đầu bạc phơ đang cúi gập người khóc nghẹn.
Chúng ta đã bỏ lỡ nhau hơn nửa đời người. Một không dám về, một chẳng dám đi vì sợ nếu đối phương quay lại sẽ chẳng kịp tương phùng. Giờ đây khi đứng trước mặt nhau đã trở thành kẻ mất người còn. Mọi thứ đều không còn kịp nữa.
Giọng nói già nua theo gió chiều thấm đẫm hơi sương, níu lấy những cánh diều đang lượn quanh trên nền trời đỏ quạch.
“Thành ơi, là sự hèn nhát của tôi đã khiến tình ta lỡ dở cả đời rồi!”
Nương ngô vẫn xanh, cánh diều vẫn lượn, chỉ có người vĩnh viễn cách xa nhau.
- Hết -
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip