Phần 1.1 Ba má tôi

Từ bé đến giờ, chị em tôi không ít lần hỏi vì sao bố mẹ tôi lấy nhau. Hai con người không có một tí tẹo gì giống nhau, cũng chẳng có vẻ gì là yêu thương nhau như bố mẹ của các bạn khác, hoặc ít nhất cũng không có tí gì giống trong những bộ phim gia đình chúng tôi thường xem. Thật ra tôi không gọi bố là bố, tôi chỉ gọi như vậy khi đã vào nam, gọi theo từ ngữ toàn dân thế thôi. Tôi cũng không gọi mẹ là mẹ. Cũng giống như gọi bố.
Quê tôi là một tỉnh miền Trung, mà con người miền Trung vốn khô khan chất phát, chỉ là bây giờ tôi thay đổi đi nhiều, cho phù hợp với cuộc sống chung quanh, bớt khô khan và chẳng còn chất phát.
Ngày xưa, khi còn ở quê, tôi gọi bố là ba và gọi mẹ là má. Ba má. Để cho các bạn dễ đi vào hồi ức của tôi, thôi thì từ giờ tôi xin phép viết bằng lối nói của người dân quê tôi, có nhiều từ ngữ nhìn là lạ, ấy là tôi muốn nó là lạ cho đúng người miền Trung.
- Sao hời kia ba má lấy nhau?
Đó là câu tôi thường hỏi má tôi mỗi khi ba tôi đi biển. Ba tôi là ngư dân, ở trong vùng cũng được coi là có của ăn của để, không phải nhà giàu có nhất nhì nhưng cũng không phải hộ nghèo khó, ít nhất là bốn đứa con chúng tôi đều được cho đi học đàng hoàng cho nở mặt nở mày. Đó là thực tế khi tôi đã hơn 10 tuổi, còn trước đó tuổi thơ tôi vẫn gắn liền với mắm kho quẹt khi mùa bão nổi. Việc này tôi xin phép kể sau.
Quay lại chuyện ba tôi lấy má tôi. Vì là ngư dân nên ba tôi thường đi biển xa nhà, một tháng ba không về mấy ngày, mà về đến nhà ba cũng ít khi chơi đùa với chúng tôi. Dân biển dường như sống hơn nửa đời người trên con tàu, trên sóng biển. Nhiều người dân quê tôi có đi không có về, lúc thì là người cha già, lúc thì người chồng trẻ, khi thì đứa con trai chưa vợ. Lần bi kịch nhất mà tôi biết là khi cả nhà ba người, một người cha già và hai anh con trai đều không về sau cơn bão biển, bỏ lại ở nhà người mẹ già và chị con gái. Vậy nên dù một chiếc tàu cần đến hơn chục ngư dân thì cũng ít có nhà nào cha con hay  anh em đi cùng, trứng không đặt chung một rổ.
Sau mỗi tháng biển, khi cá đã được cân bán xong cho thương lái, người mà ở quê tôi gọi là nậu, thì tàu ba tôi lại tổ chức tính tổn. Tính tổn tức là tính xem tháng vừa rồi tàu đã tốn bao nhiêu tiền xăng dầu, tiền đá để ướp cá, tiền gạo, muối, rau dưa,... Rồi lại tính xem bán cá lần này thu được bao nhiêu tiền, rồi lại tính xem phải để lại bao nhiêu tiền tổn cho tháng biển sau. Số tiền còn lại sau khi trừ tổn được chia thành ba phần, một phần lưới, một phần người và một phần ghe tàu. Ba tôi là chủ ghe, nói là chủ ghe chứ ông không sở hữu toàn bộ chiếc ghe mà chỉ chiếm một nửa, nửa còn lại của cậu tôi và một vài người khác, vậy nên ông được chia một nửa tiền ghe, nhưng nếu có sửa chữa hay hư hỏng ông cũng phải bỏ ra số tiền tương ứng. Đi đánh cá thì phải có lưới, vậy nên mỗi người trên tàu đều có từ vài tấm đến vài chục tấm lưới, tiền lưới cũng chia theo tỉ lệ lưới mỗi người sở hữu, chỉ có tiền người là chia đều. Cách tính chính là như vậy.
Có người sẽ thích những ngày tính tổn, tôi nghĩ tôi cũng sẽ thích nếu nó không được tổ chức ở nhà tôi. Vì là chủ ghe nên ba tôi luôn là người tổ chức buổi tính tổn này, nhưng người phụ trách tính toán lại là cậu tôi vì ba tôi là người ít học, ông chỉ học hết lớp năm, đến lớp sáu thì bỏ học giữa chừng vì không có quần mặc đi học, ông kể tôi thế, vì lâu rồi không còn cầm bút nên nhìn thấy sách vở và các con số thì ông lại đau đầu. Ông giao việc đau đầu này cho cậu. Mỗi ngày như thế này, mẹ tôi sẽ đi chợ thật sớm, mua thật nhiều thịt, bắt mấy con gà, lôi ra vài con cá trong thùng, cá này là ba và các chú trong ghe mang về để vợ con ở nhà được ăn ngon vài bữa, lại gọi các mợ, các dì đến nhà giúp một phen. Các ông tính toán xong thì các bà cũng nấu nướng xong, tụi trẻ con cũng được cha mẹ chúng mang theo ăn ngon một bữa, linh đình như một đám tiệc.
Ông bà xưa có câu, tiệc vui chóng tàn, vậy mà cái tiệc vui tôi mong chóng tàn lại chẳng thể nào tan nhanh được. Khi mà mâm ăn của các dì các mẹ và lũ nít ranh chúng tôi đã không còn gì, tụi con nít bị đuổi về trước để cho gà ăn, lấy đồ đang phơi vào,... thì mâm của các chú và ba tôi mới dần hừng hực khí thế chén chú chén anh. Tôi nói cho văn vẻ chứ thực ra là cuộc nhậu mới bắt đầu. Từ đầu chiều đến tối muộn, khi mà những nhà trong vùng bắt đầu chuẩn bị đi ngủ, thì luôn còn một hoặc hai người vẫn ngồi lại để "nói chuyện nhân sinh" với ba tôi. Khi đó má tôi cũng sẽ lùa bốn chị em tôi vào buồng ngủ. Có lẽ người lớn khi đó thực sự coi chúng tôi là con nít ranh ham ăn ham ngủ, vừa nằm xuống là ngủ tít thò lò mà không bao giờ ngờ rằng tận hai ba giờ sau tôi vẫn còn thức. Khi đó tôi lại ước gì mình ngủ đi cho xong, nhưng kỳ lạ là dù bạn quá quen thuộc và biết trước một điều gì đó, bạn vẫn không bao giờ ngủ được. Tôi nằm đó, nghe ba tôi bên ngoài đang chửi rủa má tôi bằng những từ ngữ khó nghe, nghe tiếng má tôi dọn dẹp những ly những chén, những vỏ lon bia, nghe tiếng nước chảy ra từ vòi và nghe đầu lưỡi mặn chát. Đêm đó, tôi đã có thể mường tượng ra không khí lạnh lẽo và âm trầm giữa ba má tôi vào những ngày sau, ít nhất là cho tới khi má tôi lại lần nữa dùng cách gì đó khiến ba tôi vui vẻ trở lại và sau đó ông đi biển.
Như một vòng tuần hoàn, những cuộc cãi vã lặp đi lặp lại từ khi tôi biết nhớ đến khi tôi vào cấp ba với tần suất ngày một thưa dần, má tôi cũng không còn nhẫn nhịn như ngày xưa, ba tôi không còn thích uống nhiều nữa, chúng tôi cũng không còn trốn phía sau cánh cửa nằm nghe và sáng hôm sau nhìn nhau với ánh mắt đỏ hoe nữa. Vì chúng tôi lớn dần, còn ba má ngày một già đi.
Khi đó, bên bữa cơm có cả ba lẫn má, tôi không hỏi má tôi "Sao hời kia ba má lấy nhau?" mà quay sang hỏi cả ba lẫn má rằng:
- Sao hời kia má lại chịu lấy ba?

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip