2. La vie

Đỗ Hải Đăng, một chàng trai trẻ mới chạm ngưỡng hai mươi, sống lặng lẽ trong một căn phòng trọ cũ kỹ tại khu ổ chuột của thành phố. Những bức tường loang lổ vì nước mưa thấm dột, chiếc quạt cũ phát ra tiếng rít khó chịu mỗi khi quay. Đó là nơi anh gọi là nhà – một căn phòng chật chội, đủ kê chiếc giường đơn, một cái bàn nhỏ, và vài bộ quần áo treo tạm trên dây.

Mỗi buổi sáng, khi mặt trời chưa kịp ló rạng, Hải Đăng đã phải rời khỏi căn phòng ấy. Anh làm công việc bốc vác tại chợ đầu mối, nơi những bao tải hàng hóa nặng trĩu là thứ duy nhất giúp anh kiếm được vài đồng bạc lẻ để duy trì cuộc sống. Đôi vai anh chai sần vì ngày ngày vác hàng hóa, đôi tay rớm máu vì những chiếc thùng sắc cạnh. Nhưng anh không than phiền, vì với Hải Đăng, sự vất vả là điều quá đỗi quen thuộc.

Chợ đầu mối lúc rạng sáng luôn náo nhiệt. Tiếng còi xe, tiếng người gọi nhau í ới, và cả tiếng hàng rơi xuống đất nghe chan chát tạo nên một không khí ồn ào, hỗn tạp. Giữa khung cảnh ấy, Hải Đăng vẫn lặng lẽ làm việc. Mỗi lần anh cúi người nâng một bao hàng nặng trịch lên vai, các cơ bắp như căng ra, mồ hôi túa xuống ướt đẫm áo.

"Mày khỏe ghê, bữa nào cũng vác cả tấn hàng mà chưa gãy xương," một anh bốc vác lớn tuổi trêu, vừa đặt thùng hàng xuống đất vừa lau mồ hôi trên trán.

Đăng cười nhạt, tay siết chặt dây buộc kiện hàng: "Chắc xương em cứng hơn người khác, anh ạ."

"Cứng thì cứng, nhưng nhớ để ý sức khỏe đấy. Người trẻ tụi mày mà quật ngã cái là nằm luôn," một người khác góp lời, ánh mắt lo lắng.

Đăng chỉ gật đầu, không nói gì thêm.

Ngoài công việc bốc vác, mấy hôm nay anh còn nhận làm thợ xây cho một công trường gần khu chợ đầu mối. Công việc ở đó chẳng dễ dàng hơn. Từ sáng đến chiều, Hải Đăng phải trộn xi măng, vác gạch, và dựng giàn giáo. Mỗi bước chân đi trên giàn giáo chênh vênh là một thử thách, nhưng anh không bao giờ để lộ vẻ sợ hãi. Anh biết rằng nếu không làm, anh sẽ không có tiền để sống qua ngày.

Buổi trưa, trong lúc nghỉ giải lao, Hải Đăng ngồi dưới bóng cây nhỏ duy nhất bên rìa công trường. Mồ hôi vẫn chảy ròng ròng trên trán, nhưng anh chỉ im lặng uống nước từ chai nhựa cũ, lắng nghe những câu chuyện hài hước từ các anh, các chú làm chung.

"Mày làm siêng quá, tính tích tiền lấy vợ hả?" một chú lớn tuổi hỏi, giọng cười khà khà.

Đăng đặt chai nước xuống, mỉm cười lắc đầu: "Lấy vợ gì đâu, chú. Làm cho đủ ăn qua ngày thôi."

"Tuổi này mà lo gì mấy chuyện đó," một người khác xen vào. "Làm khỏe như mày thì lo tích góp, sau này mới khá lên được."

Hải Đăng chỉ cười, nhưng ánh mắt anh ánh lên chút gì đó mệt mỏi. Anh biết, dù cố gắng bao nhiêu, cuộc sống của anh vẫn chỉ quanh quẩn với những gạch, xi măng, và những đồng tiền ít ỏi đủ để trả tiền thuê nhà.

Ngày làm việc kết thúc khi trời đã chạng vạng. Hải Đăng lê bước trở về căn phòng trọ nhỏ. Dọc đường về, anh lại nghĩ về cuộc sống của mình – những ngày tháng lặp đi lặp lại, không mục tiêu, không hy vọng. Những giấc mơ tuổi thơ giờ chỉ còn là ký ức mờ nhạt, bị vùi lấp bởi hiện thực khắc nghiệt.

Nhưng ngay cả khi tất cả dường như vô vọng, trong lòng Hải Đăng vẫn le lói một điều gì đó – một khát khao thay đổi. Và chẳng bao lâu sau, số phận đặt vào tay anh một cơ hội, dù mờ ám, để thoát khỏi cuộc sống đơn điệu này.

...

Chiều hôm ấy, khi công việc bốc vác ở chợ đầu mối vừa kết thúc, Hải Đăng đang thu dọn đồ đạc chuẩn bị ra về thì bị Văn Dương và Trường Sinh – hai người đồng nghiệp lâu năm – gọi lại. Cả hai thường xuyên rủ rê Đăng tham gia vào các kế hoạch kiếm tiền bất hợp pháp, nhưng anh luôn từ chối.

"Ê Đăng, có chuyện này muốn bàn với chú," Văn Dương vừa nói vừa châm điếu thuốc, ánh mắt nheo lại đầy vẻ bí ẩn.

"Nếu lại là mấy cái chuyện dính dáng pháp luật thì anh khỏi cần mở miệng," Đăng vừa nói vừa xách chiếc túi vải nặng trịch của mình.

Trường Sinh cười cợt, kéo ghế ngồi xuống.

"Nghe đi đã chú em, lần này dễ ăn lắm. Chỉ cần một phi vụ là đủ sống cả đời, không cần phải bốc vác cả tháng chỉ để kiếm mấy đồng bạc lẻ nữa."

Đăng nhíu mày, nhưng cuối cùng cũng dừng lại, khoanh tay đứng chờ. Văn Dương rút một tờ báo đã nhàu nát ra, chỉ vào trang bìa. Đó là hình ảnh gia đình Huỳnh Hoàng Hùng trong một sự kiện từ thiện lớn.

"Gia đình này giàu lắm. Thằng con quý tử là học sinh trường quốc tế. Tao nghe nói ngày nào cũng có xe đưa đón, không vệ sĩ, chỉ có tài xế thôi. Mày hiểu ý tao rồi chứ?" Văn Dương nghiêng người về phía trước, giọng nói trầm thấp.

"Ý anh là bắt cóc thằng bé đó?" Đăng cau mày.

"Đúng vậy. Chỉ cần bắt nó, chúng ta đòi tiền chuộc. Tin tao đi, mấy người giàu kiểu này thà bỏ tiền còn hơn để dính scandal."

Đăng lắc đầu, ánh mắt dứt khoát.

"Anh nói nghe dễ, nhưng làm thì thế nào? Rồi lỡ chuyện không suôn sẻ thì sao? Tôi không muốn gánh họa."

Trường Sinh bật cười.

"Chỉ cần mày đồng ý, mọi chuyện bọn tao lo. Mày chỉ cần theo dõi và ra tay đúng lúc. Phần tiền chia đều, không ai thiệt."

Đăng vẫn giữ vẻ lạnh lùng, không nói thêm một lời nào. Anh đeo túi lên vai rồi rời đi, bỏ lại hai người đàn ông ngồi đó.

Đêm đó, Hải Đăng nằm trên chiếc giường cũ kỹ trong căn phòng tối tăm chỉ có ánh đèn đường le lói hắt qua khung cửa sổ. Tiếng quạt máy rè rè bên tai, nhưng đầu óc anh lại không yên tĩnh được. Cuộc nói chuyện với Văn Dương và Trường Sinh cứ lởn vởn trong tâm trí.

"Bắt cóc một đứa con nhà giàu... Nghe thì dễ, nhưng nếu mọi chuyện không như tính toán thì sao? Mình đã từng nói sẽ không bao giờ dính vào những chuyện như vậy."

Đăng thở dài, lăn người sang một bên, tay gối đầu nhìn lên trần nhà loang lổ. Trong đầu anh chợt hiện lên những hình ảnh đã cố chôn vùi suốt nhiều năm qua.

...

Hồi nhỏ, gia đình anh cũng từng có một quán ăn nhỏ. Mẹ anh, với nụ cười dịu dàng và đôi tay thoăn thoắt, luôn là người giữ cho căn nhà tràn đầy tiếng cười. Nhưng mọi thứ dần thay đổi khi cha anh bắt đầu sa vào rượu chè và cờ bạc. Ban đầu, chỉ là vài lần thua nhỏ, nhưng sau đó là những khoản nợ lớn chồng chất.

Đăng nhớ rõ những lần cha anh trở về nhà trong cơn say, hét lên những lời khó nghe, rồi thẳng tay đập phá đồ đạc. Cậu bé Hải Đăng khi đó, chỉ biết ôm chặt mẹ mình, nghe tiếng bà vỗ về:

"Không sao đâu con, rồi mọi chuyện sẽ qua..."

Nhưng mọi chuyện không qua. Một ngày, nợ nần khiến gia đình phá sản. Quán ăn đóng cửa, nhà bị xiết nợ. Đỉnh điểm là khi mẹ anh, người phụ nữ mạnh mẽ nhất đời anh, chọn cách ra đi mãi mãi để thoát khỏi địa ngục trần gian.

Hải Đăng nhớ như in ngày bà mất, cha anh không đến tiễn đưa mà lại chìm trong men rượu. Kể từ đó, người đàn ông ấy trở thành cơn ác mộng hằng đêm của anh. Những trận đòn roi, những lời mắng nhiếc chỉ khiến anh thêm khao khát một lối thoát.

Năm 13 tuổi, Đăng quyết định bỏ trốn. Anh chạy đi trong đêm tối, chỉ mang theo một chiếc balo nhỏ với vài bộ quần áo cũ.

Kể từ ngày đó, Đăng bắt đầu chuỗi ngày sống lang thang, làm đủ mọi việc để kiếm ăn. Bốc vác, phụ hồ, rửa chén... chẳng công việc nào là anh chưa thử qua. Mỗi ngày là một cuộc chiến để sinh tồn, để không bị kéo xuống đáy sâu hơn nữa.

...

Nằm trong bóng tối, Đăng nhắm mắt lại. Những hình ảnh quá khứ và thực tại hòa trộn vào nhau. Gương mặt mẹ hiện lên trong tâm trí, đôi mắt bà đầy yêu thương nhưng cũng chất chứa bao nỗi khổ đau.

"Nếu có thể kiếm một số tiền lớn... Có lẽ cuộc sống sẽ khác. Mình sẽ không phải lặp lại chuỗi ngày mệt mỏi này mãi."

Anh nhìn lên trần nhà, nơi ánh sáng yếu ớt từ bóng đèn nhỏ hắt xuống. Tiếng cãi vã của những người hàng xóm, tiếng trẻ con khóc, và tiếng xe cộ ồn ào từ con đường bên ngoài không cho anh chút bình yên nào.

"Chỉ một lần thôi," anh tự nhủ, giọng thì thầm như để trấn an chính mình.

"Không làm hại ai, chỉ cần đủ tiền để bắt đầu lại từ đầu."

Sáng hôm sau, Hải Đăng bước vào chợ đầu mối với vẻ mặt nặng nề. Văn Dương và Trường Sinh đang đợi anh ở góc quen thuộc. Không cần nói thêm lời nào, Đăng gật đầu.

"Tôi tham gia, nhưng có một điều kiện," giọng anh trầm khàn, ánh mắt sắc bén.

"Điều kiện gì?" Trường Sinh nhướn mày.

"Không được làm hại thằng bé. Chỉ cần tiền, hiểu chưa?"

Cả hai người kia nhìn nhau, rồi bật cười. Văn Dương vỗ mạnh vào vai Đăng.

"Được rồi, mày cứ yên tâm. Chúng ta chỉ cần tiền."

Một cơn gió mạnh lùa qua, mang theo mùi khói bụi nồng nặc của khu chợ. Đăng siết chặt nắm tay, lòng ngổn ngang. Đây có phải là quyết định đúng không? Anh không chắc, nhưng giờ đây, anh không còn lối thoát.

...

Hải Đăng cùng Văn Dương và Trường Sinh bắt đầu kế hoạch theo dõi Huỳnh Hoàng Hùng. Cả ba xin nghỉ làm hai ngày để quan sát lịch trình sinh hoạt của em. Mỗi người đảm nhận một nhiệm vụ: Văn Dương phụ trách theo dõi trường học, Trường Sinh giám sát các lớp học thêm, còn Đăng theo sát xe đưa đón của Hùng.

Hoàng Hùng đi học tại một ngôi trường quốc tế danh tiếng. Từ lúc em bước xuống từ chiếc xe hơi sang trọng, Đăng không khỏi ngạc nhiên trước dáng vẻ thanh tú của em. Mái tóc gọn gàng, đồng phục luôn phẳng phiu, nhưng ánh mắt Hùng lại không giấu nổi vẻ mệt mỏi.

Hùng mỗi ngày đều được bác tài xế lớn tuổi đưa đến trường vào buổi sáng. Buổi chiều, xe lại đưa em đến trung tâm ôn luyện hoặc các lớp học thêm. Cả ba nhận thấy, dù xuất thân từ gia đình quyền thế, Hùng lại không hề có vệ sĩ đi kèm.

"Nhìn như thiên kim tiểu thư ấy nhỉ," Văn Dương đùa khi cả ba đứng từ xa quan sát.

"Chỉ có một bác tài xế già thôi hả? Nhà giàu mà chủ quan thật," Trường Sinh nhận xét khi cả ba ngồi bàn kế hoạch ở một góc khuất gần trường học của Hùng.

"Có khi người ta nghĩ chẳng ai dám đụng đến," Văn Dương cười nhạt.

Dù vậy, Đăng không tham gia vào những câu bông đùa. Anh chỉ quan sát Hùng từ xa, ánh mắt khó đoán. Qua những lần theo dõi, Đăng nhận ra Hùng có vẻ ngoài ngoan ngoãn, gọn gàng, luôn cúi đầu chào bác tài xế mỗi khi ra vào xe. Tuy nhiên, dáng vẻ u sầu, đôi mắt đượm buồn của Hùng khiến anh thấy bất thường.

"Thằng nhóc này không giống mấy đứa con nhà giàu tao từng thấy," Đăng lẩm bẩm.

"Nhìn kiểu gì?" Văn Dương hỏi.

"Như con chim bị nhốt trong lồng kính, chỉ biết làm theo ý người ta," Đăng trả lời, ánh mắt dõi theo bóng dáng mảnh khảnh của Hùng khuất dần sau cánh cổng trường.

Sau hai ngày theo dõi, cả ba nhận thấy lịch trình của Hùng không thay đổi. Từ trường học đến trung tâm ôn luyện, rồi các lớp học thêm. Ngay cả cuối tuần, em cũng dành thời gian cho các lớp học đàn và rèn luyện kỹ năng.

"Cậu ta không bao giờ tự do," Trường Sinh nhận xét khi họ tập trung lại vào tối ngày thứ hai. "Cứ như một cái máy, sáng đến tối là học với học."

"Chính xác," Văn Dương gật đầu. "Như vậy thì mình dễ hành động. Không có gì bất ngờ."

Cả ba quyết định sẽ ra tay vào buổi chiều, khi Hùng từ trung tâm ôn luyện trở về nhà. "Đoạn đường từ trung tâm về có một khúc cua vắng, ít người qua lại,"

Trường Sinh chỉ vào bản đồ. "Làm ở đó."

"Cứ để tao chặn xe," Đăng nói, giọng chắc nịch. "Nhưng tao nói trước, không được làm gì tổn thương cậu ta."

"Hiểu rồi mà," Văn Dương xua tay. "Chúng ta làm việc này chỉ vì tiền, không cần phiền phức."

Sau khi phân chia nhiệm vụ, cả ba quyết định tạm dừng để chuẩn bị cho ngày hôm sau. Đăng vẫn giữ sự im lặng, ánh mắt sâu thẳm. Anh không muốn nghĩ nhiều, nhưng mỗi lần nhớ lại dáng vẻ u sầu của Hùng, trong lòng anh lại nổi lên cảm giác bất an mơ hồ.

Để thực hiện kế hoạch, Hải Đăng mượn một chiếc xe tải nhỏ cũ từ một người quen ở chợ. Trước đó, anh và Trường Sinh đã chuẩn bị dây thừng, băng keo, và một cây gậy sắt phòng khi cần tự vệ. Cả ba thống nhất thời điểm ra tay sẽ là trên đoạn đường vắng dẫn từ trung tâm ôn luyện về nhà của Hùng.

...

Buổi chiều hôm đó, chiếc xe tải của Hải Đăng đỗ sẵn bên lề đường, chờ tín hiệu từ Văn Dương. Hải Đăng và Trường Sinh đều quấn khăn che kín mặt, chỉ để lộ đôi mắt nhằm tránh bị nhận diện. Khi chiếc đen đang chở Hoàng Hùng đi đến, Đăng lập tức lái xe chặn ngang đường. Bác tài xế buộc phải phanh gấp, tiếng bánh xe rít lên chói tai.

"Chuyện... chuyện gì vậy?" bác tài xế thốt lên, giọng đầy lo lắng.

Không để bác kịp phản ứng, Văn Dương lao đến từ bên đường, mở cửa xe và khống chế bác tài. Trường Sinh nhanh chóng kéo cửa sau ra, trong khi Đăng bước tới, ánh mắt lạnh lùng khóa chặt vào Hùng.

Hùng ngồi co người ở ghế sau, đôi mắt mở to hoảng sợ. "Các anh là ai? Muốn gì?" Em lắp bắp, giọng run rẩy.

"Im lặng!!!" Đăng gằn giọng, nắm lấy cổ tay Hùng và kéo mạnh.

"Không! Buông tôi ra!" Hùng giãy giụa, nhưng sức lực yếu ớt của em chẳng là gì so với bàn tay rắn chắc của Đăng.

"Nhanh lên, có người tới thì toi!" Trường Sinh giục.

Mọi việc diễn ra chỉ trong vài phút. Văn Dương buộc bác tài nằm im dưới sự uy hiếp, còn Đăng và Trường Sinh nhanh chóng ép Hùng lên chiếc xe tải cũ. Cửa xe đóng sập, và chiếc xe lao đi trước khi bất kỳ ai trên đường kịp chú ý.

Khi tỉnh lại, Hoàng Hùng thấy mình đang nằm trong một căn phòng nhỏ, tối tăm. Bóng đèn trần le lói, ánh sáng vàng nhạt chỉ đủ để em nhìn rõ những bức tường loang lổ và sàn nhà bẩn thỉu. Đôi tay em bị trói bằng dây thừng, còn miệng thì bị bịt kín bằng băng keo.

Hùng cố nhúc nhích, nhưng mọi cử động chỉ khiến dây thừng siết chặt hơn. Đôi mắt em tràn ngập sự hoảng loạn.

Không lâu sau, cánh cửa phòng kêu kẽo kẹt khi mở ra. Người đàn ông lúc nãy kéo em ra khỏi xe bước vào, trên tay cầm một chai nước. Hải Đăng cúi người tháo băng keo trên miệng Hùng, nhưng không nói lời nào.

"Làm ơn... thả tôi ra," Hùng khẩn cầu, giọng khản đặc. "Tôi chưa làm gì các anh cả..."

"Im đi," Đăng cắt ngang, ánh mắt lạnh băng. "Không ai làm hại cậu nếu cậu ngoan ngoãn."

"Tại sao lại bắt tôi?" Hùng hỏi, nước mắt chực trào ra. "Các anh muốn tiền? Ba mẹ tôi sẽ trả, làm ơn..."

"Chuyện đó không phải việc của cậu," Đăng đáp, giọng đầy lạnh lùng.

Hùng không dám hỏi thêm. Em chỉ cúi đầu, cố giấu đi sự sợ hãi đang dâng trào. Căn phòng này, con người này, tất cả mọi thứ đều khiến em cảm thấy nghẹt thở.

Đăng quay lưng bước ra ngoài, để lại Hùng trong bóng tối và nỗi sợ hãi. Tuy nhiên, khi cánh cửa đóng lại, một tia bất an lướt qua đôi mắt của anh.

___

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip