Ngôn từ phục sinh

“Loẹt xoẹt”

“Tí tách”

Từng trang sách được lật mở nhẹ nhàng. Cuốn “Trường ca Achilles” (Madeline Miller) này tôi mượn từ anh. Anh bảo người đang chết đuối như tôi thì những trang sách này chính là chiếc cọc tôi đang tìm kiếm. Có lẽ là vậy thật. Tờ giấy hơi nhăn đã ngả vàng nằm gọn dưới ánh đèn mờ mờ trong màn đêm. Đôi lúc lại chấm điểm vài vết thâm mờ, có lẽ do giọt nước mắt tôi bất giác chảy ra. Khóc vì một vài trang sách sao? Nếu là cha mẹ tôi thì họ sẽ cười vào mặt tôi rằng: “Rặt một đứa hèn”. Nhưng khi đang dạo chơi trong thế giới ngôn từ, tôi nào để tâm đến bậc phụ huynh đầy kính nể ấy. Những con chữ nghệ thuật được gói gọn trong khung giấy đã xoa dịu những rỉ máu từ trái tim tôi, đã cho tôi thấy thì ra đồng giới không phải một loại bệnh như bố mẹ tôi đã nói.

Dòng quá khứ dần hiển hiện trong tâm cảnh tôi. Tôi bất giác rùng mình. Chà, cơn tức giận của cha mẹ dù ở ngoài đời hay trong tiềm thức của tôi đều đáng sợ như nhau. Mấy ai biết được cái gia đình giàu có, đáng kính bậc nhất này lại chính là trở ngại tâm lý, khiến một đứa trẻ từng năng động hoạt bát, nay bỗng đóng khép lòng mình. Họ nói rằng học sau này ra đời cũng chỉ để kiếm tiền, rồi con đường tôi đi họ cũng tự vạch ra từ ngày mới thôi nôi. Thay vì nhìn tôi như đứa con trai tài giỏi, xuất sắc đáng để bậc phụ huynh như họ tự hào thì cha mẹ tôi lại sỉ vả, chì chiết tôi đến cùng cực. “Xuất sắc chứ đã xuất chúng chưa?”... Trong căn nhà này, tôi như kẻ thừa người thãi ấy thôi. Quang Chí chỉ thừa hưởng được cái mác bề ngoài, còn cha mẹ tôi có bao giờ coi tôi là một phần của gia đình ba người? 

Nền tảng tâm lý tôi đã phần nào bất ổn từ áp lực gia đình đè nén, nay lại càng nghiêm trọng hơn khi cha mẹ tôi phát hiện tôi thích người đồng giới. Đồng giới ấy, là con trai thích con trai, con gái thích con gái, chỉ là xu hướng tính dục có chút thay đổi thôi chứ giới tính sinh học của tôi bản chất vẫn là đàn ông, là con trai mà. Ngày bí mật bị phanh phui, tôi cảm tưởng như đã bị triệt đường sống hoàn toàn. Cha mẹ cho tôi nghỉ học một tuần, mặc cho tôi là học sinh lớp mười hai đang gấp rút ôn thi đại học. Một tuần bị bó kín trong phòng, họ mỗi ngày cung cấp cho tôi đủ ba bữa, với một cốc thuốc sắc sặc mùi kì quái. Họ bảo tôi uống hết, đủ liều thì mới chữa khỏi bệnh. À, thì ra đồng tính trong mắt họ là bệnh.

“Nhưng trong đây, tình yêu đẹp lắm, có bệnh như họ từng nói đâu”

Thoát khỏi vòng luẩn quẩn của dòng tâm lý loạn thác, tôi thầm hỏi vì sao mình phải sợ hãi vì “căn bệnh” này. Achilles và Patroclus yêu nhau trong niềm hoan lạc, trong sự mãn khai của ái tình. Mỗi trang sách qua đi, một phần trong tôi được giải thoát. Cánh cửa tâm hồn vốn đóng khép vì định kiến cổ hủ nay đã hé mở, đón nhận hương tươi mới của cuộc sống. Có lẽ đó chính là cuộc sống tôi nhận được từ cuốn “Trường ca Achilles” kia, là sự ủng hộ và đồng cảm gián tiếp từ cặp đôi thần thoại Hy Lạp ấy. Tôi có gạch chân một đoạn trong cuốn sách, đó là những câu chữ đã lấy đi nước mắt tôi nhiều nhất:

“Trong bóng đêm, hai hình bóng, vươn qua hoàng hôn nặng nề, tuyệt vọng. Tay họ chạm vào nhau, và ánh sáng bùng lên như hàng trăm chiếc bình vàng rót ra ánh mặt trời..”

Họ vượt qua gian khổ, tìm được hạnh phúc, để rồi quyện giao ái tình trong giấc ngủ vĩnh hằng. Nghịch cảnh là phép thử của tình yêu, và họ đã chiến thắng phép thử khổ ải ấy. Achilles và Patroclus đã chẳng ngần ngại để đến được với nhau, ngay cả trong màn đêm vô tận, cớ gì tôi phải chùn chân trước vài trở ngại cỏn con này. Mắt mũi tôi lem nhem nước mắt, chúng tự mình tuôn trào trong cơn xúc động. Tôi không tài nào ngừng lại được, sự đồng cảm lần đầu tôi được nếm trải. Gấp lại trang sách, tôi cảm thấy cơn khủng hoảng vốn bủa vây lấy mình giờ đã tan biến phần nào. Là nhờ sức mạnh của nghệ thuật ngôn từ sao? Sách, thứ mà trước giờ cha mẹ chưa từng ép tôi phải thể nghiệm, lại là thứ đã cứu rỗi cuộc đời Quang Chí này. Tôi chưa từng nghĩ rằng đến một ngày tôi lại được nhìn thấy bản thân trong lời văn của một người tôi chẳng hề quen biết. Anh cũng từng nói với tôi rằng, văn chương nghệ thuật giúp con người tìm thấy sự đồng điệu an ủi giữa những mảnh đời leo lắt. Đúng như anh nói, tôi có được động lực, có được niềm tin vào chính tôi và tình yêu tôi đang theo đuổi. 

Tôi chân thành gửi lời cảm ơn tới anh, người bạn tôi mới quen. Nếu anh không giới thiệu với tôi quyển Trường ca này, tôi cũng chẳng thể gỡ rối mớ xiềng xích trong tôi.

Mọi chuyện bắt đầu từ mối lương duyên giữa chuyên Toán và chuyên Văn, nơi tôi và anh được cùng kết hợp trong hội chợ Tết của trường. Tôi ngưỡng mộ tâm hồn và ánh nhìn nhạy cảm của học sinh chuyên Văn, vì lẽ chỉ tiếp xúc một thời gian ngắn với tôi thôi, anh cũng đủ hiểu về khúc mắc tâm lý đang bó buộc Quang Chí tôi đây. Tôi với anh bỗng trở nên thân thiết từ bao giờ, và cũng vì đó mà tôi mới cầm trong tay quyển sách bìa xanh kia.

“Bạn đọc cuốn này nè, hay lắm. Mình thấy bạn đang trăn trở chuyện gì phải không, mình nghĩ đọc xong Trường ca Achilles là bạn có câu trả lời đó. Giống câu thành ngữ là “chết đuối vớ được cọc” ấy. Bạn thử nha”

“Haha bạn nhìn ra mình có tâm sự cơ à” - tôi cười, nhưng cũng bất ngờ trước ánh nhìn xuyên thấu tâm can của anh. “Mình cảm ơn nha, nào đọc xong thì mình trả cậu nhé.”

“Mình học văn mà, phải nhìn ra được chứ. Sức mạnh của văn chương nghệ thuật đó” - anh hãnh diện, tự hào vì bộ môn chuyên anh đang theo học. Lúc đó, tôi chỉ coi đó là câu bông đùa. Song, khi đọc xong cuốn Trường ca, tôi chẳng thể phủ nhận những gì anh đã nói về môn học chuyên của anh. Những trang sách ấy như chiếc kính lúp, xuyên thấu nội tâm đa đoan lộn xộn trong tôi. 

Tôi đọc xong cuốn sách anh cho mượn trong hai đêm dài. Mọi con chữ đi từ trang giấy đi vào tim tôi. Tôi mong sao cha mẹ tôi có thể đọc thử, vì họ vẫn đang ngày ngày cắt thuốc Bắc cho tôi uống chữa căn bệnh quái ác này -  theo lời họ nói. Sau một tuần họ nhốt tôi, tính đến bây giờ đã hơn một tháng. Không khí của căn biệt thự này từ hôm đó đến nay vẫn chỉ độc một màu u ám. Khoảng cách giữa cha mẹ và tôi cũng ngày càng xa. Hôm nay, anh cho tôi mượn thêm một quyển sách cũng về đề tài ấy, là quyển “Vùng đất quỷ tha ma bắt” của Kevin Chen. Nhưng, không may mắn như trước, bố mẹ tôi bắt gặp tôi đọc sách, mà nội dung còn về vấn đề cha mẹ tôi đang hết sức thận trọng nữa chứ. Họ tự động vào phòng tôi - không một tiếng gõ cửa - để kiểm tra xem tôi có thực sự đang tập trung ôn thi không. Tôi không quá bất ngờ với việc kiểm tra đột xuất đến vô duyên này, vì đó là hành động thường ngày của phụ huynh tôi rồi.

“Đang đọc gì đấy?” - họ hỏi tôi, ánh nhìn đổ dồn vào cuốn sách tôi cầm trên tay, với một đôi mắt không thể nào khó chịu hơn - “Sắp thi thử rồi, tập trung vào, dành thời gian cho Toán với mấy môn chính đi, đọc toàn những thứ vô bổ. Sách với chả siếc, mấy chữ đó nhờ AI viết được chứ thiếu thốn gì đâu”.

“Vâng…”

Bạn có thể đọc được nỗi thất vọng trong câu trả lời của tôi, nhưng dường như đó là tông điệu duy nhất tôi sử dụng để đối đáp với cha mẹ. Tôi chẳng có hứng thú gì với những lời trách mắng kia đâu, tôi chỉ dùng chính sự hờ hững của họ để trả lại cho họ mà thôi. Nhưng tôi cũng không dám lơ là lời cảnh cáo của cha mẹ về kì thi thử lần tới. Không cao hơn điểm sàn năm trước của trường đại học danh giá hàng đầu mà họ mong muốn tôi vào, có lẽ tôi sẽ chẳng thể yên thân với hai bậc phụ huynh kia trong vài tháng tới mất. Họ sẽ đổ tại tôi không chăm chú học tập, đọc mấy trang giấy vô ích. Họ sẽ thực sự chì chiết tôi đến chết nếu họ phát hiện ra cuốn sách này nói về điều gì. Nhưng học tài thi phận mà, tri thức tôi có, nhưng may mắn thì không. 

Lần thi thử đó, điểm tôi thấp hơn dự tính. Thấp hơn cả những lần thi trước, thấp hơn danh sách 10 bạn học sinh điểm thi cao nhất khối, và thấp hơn điểm sàn của trường đại học kia. Tất nhiên, tôi nào có được bình yên sau sự xuống dốc trầm trọng về thành tích ấy. Ở trong gia đình này lâu năm, tôi đã đặt nặng vấn đề điểm số lên trên tất cả. Điểm thấp tương đương với học lực thấp, cơ hội sống thấp và khả năng kiếm tiền thấp. Tư tưởng vật chất ấy cha mẹ đã nhồi vào đầu tôi từ ngày non nớt, nó đã tồn tại cố hữu trong suy nghĩ của Quang Chí này rồi. Tôi tự dằn vặt bản thân, bỏ bẵng anh và cuốn sách kia sang một bên. Cha mẹ tôi sau khi biết điểm đã âm thầm xé cuốn “Vùng đất quỷ tha ma bắt” tôi mượn từ anh, và thêm vài quyển sách tôi mới mua chưa kịp đọc. Họ đe dọa tôi, sẽ xé tôi tan nát như mấy trang sách kia, nếu còn lặp lại sự ngu xuẩn này thêm một lần nữa. Tôi đã không gặp và nói chuyện với anh trong một khoảng thời gian sau kì thi thử này. Tôi cố nhồi nhét những công thức định luật vào các khe trống - nơi những con chữ nghệ thuật chưa thể lấp đầy. Thi thoảng, trong những đêm khuya tôi ôn bài, hình ảnh của thành Troy trong Trường ca lại bỗng chợt lấp lóe trên trang giấy kiểm tra; tay tôi cũng tự động ghi những câu từ tôi ấn tượng trong những trang sách tôi từng đọc. Tôi nghĩ tới anh trong màn đêm đen lúc một giờ sáng. Có phải anh cũng như tôi không, khi tôi vừa nhớ tới anh với những cuốn sách trên tay, điện thoại tôi đã rung rung nhận được thông báo tin nhắn từ anh. 

“Chí ơi, cậu còn thức không?”

“Mai mình gặp nhau nhé”

“Mình còn thức á, mai gặp nha”

Chỉ vỏn vẹn ba tin nhắn trong vài phút ngắn ngủi nhưng cũng đọng lại trong tôi niềm hứng khởi, mơ về ngày mai - một giấc mơ tôi chưa từng nghĩ tới.

“Chí ơi, cậu đọc thử ít thơ không? Thi cử áp lực quá thì đọc xíu cho thư giãn cũng được á.”

“Tớ cảm ơn nha. Điểm thi thấp quá tớ cũng khó có thời gian rảnh à”

Anh cho tôi mượn tập thơ của Hàn Mặc Tử - một thi sĩ “tài hoa bạc mệnh”. Tôi cũng ngập ngừng, vì sợ bản thân không đủ khả năng thẩm thơ, hiểu thơ. Tôi đâu có kiến thức chuyên môn gì về văn chương? Tôi sợ rằng một kẻ luôn hối hả chạy đua với thời cuộc, liệu rằng sẽ yên vị mà thể nghiệm thơ được sao? Nhưng tôi đã lầm, vì nhờ dòng thơ kia mà tôi được sống thêm lần nữa.

Tôi chỉ dám mở sách ra, tìm đến con chữ trong màn đêm tối lặng khi cha mẹ tôi đã chìm vào giấc mộng khuya. Dè dặt mở ngẫu nhiên một trang trong cuốn “Tuyển tập thơ Hàn Mặc Tử”, tôi chuyên chú nghiền ngẫm những dòng thơ trong sự lo lắng xen lẫn hứng khởi. Tôi từng học qua về tiểu sử của Hàn Mặc Tử - một nhà thơ phận đời hẩm hiu, cô liêu đến những giây cuối bên căn bệnh phong, trong mảnh hồn bơ vơ ngập trong trăng và máu. Nhưng sự đời chi tiết thì tôi không chắc đã nắm rõ tường tận, chỉ biết rằng Hàn Mặc Tử là thi sĩ anh yêu thích vô cùng. Bài tôi mở ra là bài “Rướm máu” - một áng thơ chỉ vỏn vẹn mười hai câu được chia đều làm ba khổ. Nếu bạn từng đọc trang thơ này của Hàn Mặc Tử thì bạn sẽ hiểu được, ngôn từ của thi sĩ có sức ảnh hưởng lớn đến cỡ nào. Tôi suy xét từng từ, từng chữ, để rồi thấy tay tôi sờ được màu máu đỏ của nhà thơ, được tắm trong ánh trăng vàng nơi phòng bệnh lẻ soi.

Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút

Mỗi lời thơ đều dính não cân ta

Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt

Như mê man chết điếng cả làn da.

 

 

Cứ để ta ngất ngư trong vũng huyết

Trải niềm đau trên mảnh giấy mong manh,

Đừng nắm lại nguồn thơ ta đang siết

Cả lòng ta trong mớ chữ rung rinh.

 

Ta đã ngậm hương trăng đầy lỗ miệng

Cho ngây người mê dại đến tâm can

Thét chòm sao hoảng rơi vào đáy giếng

Mà muôn năm rướm máu trong không gian.

Để hiểu được từng ý thơ trong lời văn của Hàn Mặc Tử, kẻ ngoại đạo như tôi khó mà làm được. Song, dù mới chỉ hiểu đại khái ngữ nghĩa bề ngoài, tuồng như cả tâm trí tôi đã có sự biến động. Ông viết thơ, với con chữ đều “dính não cân ta”. Ông viết thơ, để cõi lòng được lạc trong thơ, để dòng huyết thanh đang ngày đêm nguội dần được nóng bỏng trở lại. Tôi không thể chỉ ra ngụ ý nghệ thuật như các chuyên gia phân tích, nhưng tôi hiểu được phần nào sự điên loạn của Hàn Mặc Tử, hiểu được xúc cảm muốn viết để “niềm đau trải trên mảnh giấy”. Vô tình, từ trong trang sách, rơi ra một bức thư nhỏ, hình như là anh kẹp vào đó. Ghi tên người nhận là Quang Chí, tôi ngần ngại rồi cũng mở ra. Anh bảo rằng tập thơ này anh tặng cho tôi. Vừa vì Hàn Mặc Tử là nhà thơ anh yêu thích, nhưng chủ yếu là anh muốn tôi vượt qua được trở ngại bản thân đang gặp phải. Anh nói rằng thi nhân cũng từng trong tình cảnh ngặt nghèo, và có thể, một phần nào những trang thơ ấy sẽ đồng điệu và tiếp sức cho tôi. Nước mắt tôi rơi. Người ơi, sao anh có thể đọc tôi như một cuốn sách vậy! 

Sau món quà bất ngờ tôi nhận được từ anh, tập thơ Hàn Mặc Tử đã ngày ngày đi bên tôi - một món đồ tôi chẳng thể xa rời. Những trang giấy được lật giở đến chục, trăm lần đã nhăn nheo và in hằn vết ẩm ướt. Ngày càng đến gần với kì thi Đại học quan trọng, cha mẹ tôi cũng vì đó mà gây áp lực lên tôi, hơn cả trước đó. Để dễ mường tượng, bạn có thể hiểu họ là hai cai ngục chỉ coi quản riêng một phạm nhân trong nhà tù được xây ra dành riêng cho kẻ tội đồ đó. Nhưng cũng càng vì những đòn roi tâm lý đến điên rồ của cha mẹ tôi, tôi càng được chìm sâu vào vũng máu, hoà vào linh hồn, tận hưởng màn trăng trong trang thơ của “nhà thơ điên”.

Hôm nay, một ngày nghỉ hiếm hoi trước khi kì thi quan trọng đó diễn ra, tôi xin phép cha mẹ được ra ngoài học bài tại một quán cà phê cũ. Quán đó ngay sát bên cạnh chi nhánh phụ của công ty gia đình tôi nên cha mẹ cũng vì đó mà miễn cưỡng đồng ý. Bước vào quán nước đậm mùi cổ kính, tôi ngạc nhiên khi bao quanh quán là những tủ gỗ chất đầy sách, từ cũ đến mới. Tôi lượn lờ giữa bạt ngàn tri thức, ngắm nghía với vẻ tiếc nuối. Tôi biết, khi cầm một cuốn sách lên đọc đồng nghĩa với việc bài tập sẽ không hoàn thành, và khi cha mẹ tôi kiểm tra thì họ nhất định sẽ có cách hành xử không chuẩn mực phụ huynh. Nhưng, trên giá sách, cuốn “Trường ca Achilles” anh từng cho tôi mượn đang được xếp ngay ngắn bên cạnh cuốn “Vùng đất quỷ tha ma bắt” - một cuốn sách gắn liền với kỉ niệm khó quên. Và chao ôi, hàng sách đó chỉ toàn những quyển tôi từng mượn từ anh. Nào là “Thất lạc cõi người” (Dazai Osamu), tôi từng tìm được tôi - một sự lạc lõng cô liêu - trong trang giấy ấy; còn có cả “Những giấc mơ ở hiệu sách Morisaki” (Yagisawa Satoshi), tôi yêu thích những con chữ cũng nhờ tác phẩm này đây… 

Một khoảng lặng ngắn, và rồi một cánh tay mảnh khảnh vươn ra lấy vài cuốn sách. Đó là tôi. Tôi yêu con chữ ấy, và càng yêu hơn những cuốn sách đã cứu sống tôi. Cơn tức giận của cha mẹ vốn luôn là nỗi sợ hãi đeo bám lấy kẻ hèn nhát này, nay lại chẳng mảy may có tác động nào tới tôi. Tôi bước vào quán lúc sáng sớm - là vị khách đầu tiên - và rời đi sau buổi chạng vạng, gần như là vị khách cuối cùng. Tôi đọc lại hai cuốn sách, đều là những trang giấy rất đỗi thân quen, như cuộc hạnh ngộ vô tình giữa tôi và tri kỷ đời tôi. Lần nữa tôi được ngắm nhìn lại mình trong quá khứ, trong tương lai, và trong một thế giới song song. Hình ảnh Quang Chí buổi đầu đọc sách vẫn còn đây, hình ảnh Quang Chí hạnh phúc trong tương lai đã hiện ra rõ ràng, và tất nhiên đó là Quang Chí trong những cuốn sách kia - là cặp tình nhân Hy Lạp Achilles và Patroclus (Trường ca Achilles), là Yozo lạc lõng (Thất lạc cõi người)....

Tôi trở về nhà trong niềm hứng khởi, khác xa với Quang Chí thường ngày. Tôi, lần đầu tiên, dám đứng ra nói lên tiếng lòng của bản thân. Nếu bó buộc suy nghĩ trong lồng giam đến héo úa và tàn mục thì thay vào đó, sao tôi không khảng khái trình bày hết thảy những gì tôi đang giam giữ? Tôi nói với họ - trước khi họ rủa vào tôi lời cay nghiệt vì không làm đủ bài tập - rằng tôi tin mình là người bình thường, vẫn là con trai của họ, mang giới tính sinh học là nam. Tình yêu của tôi, tôi sẽ tự quyết định. Tôi không phải con rối của họ, và xã hội này cũng không phải màn kịch để họ điều khiển tôi nhằm pha trò. Tôi vẫn quyết định đi theo gia đình, kế nghiệp cha tôi, tôi sẽ đỗ được trường đại học họ muốn, nếu họ không tiếp tục xiềng xích tôi như bây giờ. Tôi nói với họ, tôi là Quang Chí trong cuộc đời của Quang Chí, tôi sẽ sống như tôi hằng mong muốn.

Tôi vào phòng, khoá cửa, cầm trên tay một chiếc bút máy. Tôi viết, viết cho thoả lòng tôi, để như Hàn Mặc Tử từng nói rằng “trải niềm đau trên mảnh giấy mong manh”. Cảm giác bứt rứt những ngày xưa kia, được tôi giãi bày hết thảy trên nền giấy trắng. Lúc đó, trời đã sụp tối, trăng đã lên cao. Tôi ghì chặt lấy bút, gạch gạch xoá xoá, viết liên tục, mặc cho nước mắt có thi nhau chảy tràn. Viết, và viết. Trăng vành vạnh trên màn đêm đen đang dần dần lùi xuống, nhường chỗ cho ánh dương buổi bình minh. Tôi viết, từ đêm tới sáng, từ khi tâm hồn còn cô quạnh, đến khi hi vọng lấp đầy hồn tôi.

Ngày thi đã đến. Trời hôm đó nắng đẹp, mây không còn che khuất đi hơi ấm của mặt trời. Cầm trên tay đầy đủ bút thước, tôi chẳng do dự mà bước vào phòng thi. Trong túi đồ gửi ngoài, tập thơ Hàn Mặc Tử với trang bìa nhăn nheo vẫn yên vị bên những vật tùy thân của tôi. Tôi nhìn thấy rồi, ngày mai của Quang Chí.

—————

Nộp thì lấy tên là "Trang sách ngày mai" nhưng mà thích tên "Ngôn từ phục sinh" hơn, tiếc là nộp bài rồi mới nghĩ ra tên.

Bài này mình muốn viết dài hơn mà số chữ tối đa được có 5000 chữ à nên là chắc truyện nó cụt lủn lắm. Đăng này làm kỉ niệm cho vui vậy thui chứ đọc nó cấn kinhh ಠ⁠ω⁠ಠ

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip

Tags: #truyenngan