bẫy
Trống canh vang lên ba hồi dài, cánh cửa điện Kim Loan chậm rãi mở ra. Ánh nắng ban mai đổ vào như dải lụa vàng, nhưng trong sảnh điện, không ai cảm thấy ấm.
Trên long ỷ cao nhất, Hoàng đế – vị quân vương trẻ tuổi, gương mặt mảnh khảnh, áo bào thêu rồng vàng – đang ngồi thẳng lưng, tay đặt nhẹ lên tay vịn. Nhưng ánh mắt lại lặng lẽ liếc về phía bậc thềm bên phải, nơi có một người đang bước lên mà không buồn cúi đầu.
Tể tướng Tạ Vân Đình.
Lão mặc trường bào đen, thêu chỉ bạc hình long vân vờn nhau. Mỗi bước chân như đè nặng lên nền gạch ngọc, phát ra tiếng vang lạnh buốt. Lão không cúi người, không chắp tay — chỉ dừng bước, liếc qua các quan lại đang khom mình như đám cỏ bị gió đè rạp. Họ khom mình chào lão, như thể không phải chào một Tể tướng, mà là chào kẻ đang nắm thiên mệnh.
“Hạ thần có tấu.” – Giọng lão trầm và đều như nước sông chảy ngầm, không cao nhưng ai nghe cũng phải cúi đầu.
Hoàng đế hơi gật đầu, nhưng môi không mở.
Tạ Vân Đình nhìn thẳng vào mắt người đang ngồi trên ngai vàng, như thể chẳng thấy ngai đó cao hơn lão chút nào:
“Về việc điều động binh lực đến biên giới phía Bắc, hạ thần cho rằng không cần thiết. Kẻ địch chỉ đang thử thăm dò. Việc rút quân đóng trại sẽ tiết kiệm lương thảo và tránh gây hoang mang dân chúng.”
Từ phía bên trái, tiếng bước chân nặng nề vang lên. Đó là Tướng quân Lâm Triệt, người duy nhất không cúi đầu.
Áo giáp bạc, đường vân rồng nổi như sống thép trên ngực, mắt ông như đao rút khỏi vỏ – thẳng và sắc. Ông bước vào, tay đặt trên chuôi kiếm treo ở hông, cúi chào Hoàng đế rồi đứng thẳng, im lặng như một bức tượng sắt giữa biển lụa mềm.
“Tướng quân Lâm có gì muốn tấu?” – Giọng Hoàng đế vang nhẹ.
Lâm Triệt tiến lên một bước, giọng ông rõ ràng, dõng dạc:
“Thần không tán đồng việc rút binh khỏi biên giới phía Bắc. Đó là cửa tử của thành Đại An, nếu để địch vào sâu thêm một dặm, dân sẽ chịu tai ương.”
Cả sảnh lặng đi trong thoáng chốc, rồi… như tiếng lửa bén rơm, một loạt tiếng phản đối đồng loạt cất lên.
“Tướng quân nói quá rồi!”
“Lúc này dân tình còn đang khốn khó, chiến sự chỉ khiến lòng dân ly tán.”
“Việc phòng thủ, Tể tướng đã sắp xếp, sao Tướng quân lại xen vào?”
Một vị quan Hộ bộ già, người từng nhận đất phong từ chính Tạ Vân Đình, chống gậy tiến ra
“Tướng quân nắm binh, không phải để đòi quyền luận chính! Phủ quân sự không được quyền can thiệp vào triều chính!”
Lâm Triệt vẫn không nhúc nhích, mắt ông ánh lên tia giận lạnh. Nhưng ông không phản bác. Bởi vì ông biết — đây không còn là một cuộc tranh luận.
Đây là một màn kịch, mà từ đầu vai phụ đã bị định sẵn là ông. Tạ Vân Đình vẫn đứng đó, không lên tiếng, chỉ khẽ mân mê tấm bài vị trên tay, nở một nụ cười rất mỏng, như đang xem một ván cờ có kết cục đã định từ trước.
Cuối cùng, Hoàng đế buộc phải lên tiếng, giọng yếu ớt như thể đang tự thuyết phục mình.
“Việc biên giới... giao cho Tể tướng định liệu.”
Tạ Vân Đình mỉm cười rất nhạt, rồi cúi đầu như một người tôi trung, trong khi lòng lão đang rộn ràng như người thắng ván cờ cuối cùng.
“Thần tuân chỉ.”
Lâm Triệt cũng chậm rãi cúi đầu:
"Tuân chỉ". Nhưng trong mắt ông, ngọn lửa đang cháy. Không phải lửa của tức giận — mà là ngọn lửa của một con sư tử bị xiềng xích, đang đợi thời cơ để tung móng vuốt.
Sau buổi thiết triều
Trong phòng nghị sự phía sau hậu điện, Lâm Triệt đứng trước tấm bản đồ quân sự trải rộng.
Một tên cận vệ thì thầm
“Ngài… sẽ để bọn họ tiếp tục làm vậy?”
Lâm Triệt không đáp, chỉ khẽ nhấn tay lên phần bản đồ ghi chữ “biên giới Bắc”.
“Ta có thể giữ biên giới, nhưng chưa giữ được lòng vua.” – Ông trầm giọng – “Và chưa đủ sức gạt tay chân của Tạ Vân Đình ra khỏi ngai vàng của hắn.”
Ông nhìn ra cửa sổ — nơi ánh nắng đang rọi xuống sân phủ, nơi ba người trẻ tuổi kia vẫn ngày ngày luyện tập, cười nói, sống như chưa từng gánh một mối thù.
“Nhưng lửa cần thời gian để ủ tro.”
“Và ba đứa đó… sẽ là cơn gió mà lão Tạ không kịp thấy.”
Và cũng sau buổi thiết triều, khi bước ra khỏi điện Kim Loan, một tên tâm phúc lặng lẽ ghé tai Tạ Vân Đình:
“Lâm Triệt vẫn chưa có động tĩnh gì. Đám thích khách không ai hé răng. Có nên tung tin giả…?”
Tạ Vân Đình không đáp. Lão chỉ vuốt nhẹ cán của tấm bài vị — cười nhẹ, món quạt lão chỉ mang ra khi chuẩn bị đánh một đòn bất ngờ.
“Không cần vội. Bây giờ… ta muốn triều đình này tin rằng chỉ có một rồng, và nó mang áo bào màu đen.
Ba hôm sau, trong buổi thiết triều, khí trời mờ sương. Ánh sáng mỏng mảnh như khăn lụa, giăng kín khắp ngọn ngự điện. Mọi thứ có vẻ yên ắng… nhưng không một ai biết rằng, Tạ Vân Đình đã sẵn sàng gieo một mồi lửa mới.
Lão đứng giữa sảnh, tấm bài vị gõ nhè nhẹ vào tay, từng nhịp đều như tiếng trống hành hình.
“Tâu Hoàng thượng, phía Bắc có tin khẩn — tàn quân Hung Vệ đã vượt qua đèo Long Lĩnh, chiếm cứ bốn trại tiền tiêu, đang đe dọa tiến sâu vào đất Đại An.”
Cả triều đình xôn xao. Một vị tướng lão luyện bước ra:
“Sao lại vượt được Long Lĩnh? Đó là nơi hiểm địa, có ba lớp rào chắn...”
Tạ Vân Đình không để y ngắt lời:
“Chúng dùng dân bản địa làm mồi nhử, rồi cắt lương tiếp viện. Binh sĩ thủ trại bị vây khốn đã ba ngày ba đêm.”
Lão dừng lại, khom người:
“Thần cho rằng, đây là việc lớn. Nếu không xử lý ngay, địch sẽ thừa thắng xâm nhập. Thần khẩn xin Hoàng thượng… cử Tướng quân Lâm Triệt thân chinh đi trấn giữ.”
Cả sảnh điện lặng đi.
Cái tên “Lâm Triệt” - không được đưa ra ngẫu nhiên.
Là một lời khen? Không. Là một lời tín nhiệm? Càng không.
Đó là một cái bẫy.
Lâm Triệt đứng yên, mắt ông hơi co lại. Bản năng người cầm quân khiến ông lập tức sinh nghi. Ba hôm trước, chính Tạ Vân Đình còn lớn tiếng bảo: “Không cần lo biên giới.” Vậy mà hôm nay… lão lại đòi điều ông đi?
“Thần nguyện xuất quân.” – Giọng ông vẫn bình thản, nhưng mắt chưa rời gương mặt của Tể tướng.
“Tuy nhiên,” – ông tiếp, “thần thỉnh cầu trước khi xuất chinh, được xem bản đồ quân tình, thư từ báo cáo từ tiền tuyến và xác minh nguồn tin từ trạm dịch.”
Tạ Vân Đình mỉm cười. Một nụ cười đầy tự tin:
“Tướng quân yên tâm. Thần đã cho người mang tất cả đến phủ riêng của ngài từ canh hai đêm qua.”
Ông ta đã chuẩn bị từ trước. Sau buổi triều, trong thư phòng, Lâm Triệt giở từng bức thư mật, từng bản đồ — nét mực còn mới, giấy chưa khô mùi gỗ. Tất cả đều hoàn hảo. Quá hoàn hảo.
“Nếu đúng thật có loạn, sao báo gấp chỉ đến tay Tể tướng? Sao không qua trạm dịch hoàng triều?” – ông lẩm bẩm.
“Hoặc lão thật sự nhanh tay… hoặc lão đang muốn đẩy ta đi.” Tướng quân nhắm mắt.
Rồi ông mở ra, chậm rãi thở một hơi dài. Trong khoảnh khắc đó, ánh mắt của người đã từng sống sót trên trăm trận chiến, dần hiện rõ một điều: dù biết là bẫy, ông vẫn phải bước vào.
Bởi vì nếu không đi, cả biên giới phía Bắc sẽ thật sự nguy. Dù lão Tạ Vân Đình đang thao túng nhưng Lâm Triệt không phải người bỏ dân, bỏ lính.
Trước khi rời phủ, ông triệu tập ba người: Ngọc Huỳnh, Như An và Khánh Nguyên.
Trong ánh hoàng hôn mỏng manh phủ sân luyện võ, ông nhìn họ như người cha nhìn ba đứa con sẽ lớn lên trong bão giông:
“Ta sắp phải rời kinh vài tháng. Có chuyện... ta không nói rõ được.”
“Nhưng nhớ kỹ trong phủ này, chỉ cần còn ba người các ngươi, sẽ không ai dễ dàng động được đến danh dự của ta.”
Ông quay lưng, nhưng lời cuối cùng để lại là như dao khắc lên đá:
“Nếu có ngày nào đó, kinh thành nổi loạn — các ngươi, đừng chờ ta mà hãy phò tá bệ hạ, bảo vệ người dân khỏi những kẻ khốn nạn này.”
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip