Nhiệm vụ
Hồng Phong trại, tầng hai được người trong giang hồ gọi bằng một cái tên khác: "Cửa Trong." Không phải vì nó được canh phòng nghiêm ngặt hơn tầng ba hay tầng bốn, mà bởi vì nơi đây chính là bước đầu tiên để kẻ nào đó từ tội đồ trở thành con cờ. Từ vô danh trở thành hữu dụng. Từ cặn bã trở thành lưỡi dao. Nói đơn giản, đây là nơi ai sống sót qua được... thì đời sau có thể kể lại như một kỳ tích.
Ba người - Ngọc Huỳnh, Như An và Khánh Nguyên được đưa đến đây không trống không chiêng, không người đưa tiễn. Chỉ có một giám quan mặt sắt dẫn đường, và những ánh mắt soi mói từ những kẻ đã ở trong trại đủ lâu để hiểu rằng... càng ít lời, càng sống dai. Vừa bước chân vào hành lang đá lạnh.
Ngọc Huỳnh thì thầm
"Lạnh thế này chắc tắm một lần là khỏi tắm cả tháng."
Hành lang tầng hai không dài nhưng quanh co. Đá xanh lót nền lạnh như băng, vách tường vôi cũ xám xịt. Cứ mỗi ba bước lại có một ngọn đèn dầu leo lét, ánh sáng hắt vào mặt khiến người ta chẳng phân biệt được là người hay bóng.
"Phòng 3, 5, 7," giám quan nói, không buồn quay đầu lại. "Tự chọn đi."
Khánh Nguyên nhanh miệng như chớp:
"Cho em phòng 7 nhé. Sát cầu thang, chạy trốn cho tiện."
Ngọc Huỳnh ngó sang phòng 5, cau mày:
"Tường có nứt nhưng cửa còn chắc. Chọn. Ít ra khỏi sợ ma vào."
Như An không nói gì, chỉ nhẹ nhàng bước vào phòng 3. Chăn chiếu bụi mù, mùi ẩm mốc xộc lên khiến nàng nhíu mày. Sau đó... ngồi xuống như không có gì xảy ra. Mặt lạnh như bún nguội.
Đêm hôm đó, họ không ngủ. Thực ra là không dám ngủ. Một phần vì sợ sát thủ, phần còn lại vì... giường kêu cót két như thể sắp sập, và chăn thì không phân biệt nổi là màu nguyên thủy hay màu của bụi. Đúng lúc trăng lên khỏi đỉnh núi, một tiếng "cạch" vang lên. Ba người lập tức bật dậy theo đúng nghĩa đen.
Khánh Nguyên giật mình, ôm bụng:
"Có phải ta bị trúng bánh bao hôm nay không nhỉ?" - nhưng vẫn vớ lấy trâm gỗ.
Gian số 9 mở toang. Bên trong, một xác người treo ngược, dòng chữ bằng máu chảy vắt trên tường: "Phản trại - chết không cần xét."
Ngọc Huỳnh nhíu mày
"Chữ xấu thế này mà cũng viết di ngôn được."
Một bóng đen từ trần nhà đáp xuống. Nhưng hắn chưa kịp hét thì đã bị Khánh Nguyên phóng kim châm ghim tay, Như An chém một đường sống dao, và Huỳnh đá một phát vào gáy. Gọn, nhẹ, nhanh như làm gỏi cuốn.
Cả ba đặt xác bất tỉnh trước cửa Giám Các. Dưới đất là một mảnh giấy nguệch ngoạc:
"Ngủ mà không đóng cửa - dễ vào mộng xấu."
Vài ngày sau, Hồng Phong trại trở lại vẻ im lìm - trừ mấy tay lính gác buôn chuyện:
"Nghe nói thằng sát thủ hôm trước... tự treo cổ ngược rồi trượt chân té bất tỉnh đó!"
Trong khi đó, ba người vẫn đều đều sinh hoạt.
Ngọc Huỳnh - xuất hiện trong nhà bếp, thái rau như múa. Một lần làm đám củ cải bay tứ tung khiến một phụ bếp tưởng mình bị mộng du:
"Con bé này chắc tập tuồng chứ ai thái rau kiểu đó!"
Như An thì ngày nào cũng tới góc thư phòng, viết như máy. Đến mức có người thì thầm
"Nhìn nó giống thư sinh thi rớt hơn là gián điệp."
Khánh Nguyên thì... thân với cả đám lính gác đến nỗi họ gọi cậu là "tiểu ca vui vẻ." Một lần múa thương trượt tay làm cây gậy bay thẳng lên mái, ai nấy cười bò:
"Thương pháp này mà ra chiến trường chắc giết gà còn hụt!"
Cả ba người trong mắt mọi người là ba thanh củi khô, đốt lên thì cháy, nhưng chẳng ai nghĩ là có thể... giết người. Và đó chính là điều họ cần: Bị coi thường.
Bởi lẽ, khi tất cả mọi người đều nghĩ bạn yếu đuối... thì bạn chỉ cần mỉm cười - rồi đâm sau lưng bọn họ một nhát thật chuẩn.
Một buổi trưa oi ả, khi cả trại vừa mới ăn xong bữa đậu luộc thanh đạm thì chuông đồng giữa sân vang lên ba tiếng dấu hiệu cho một cuộc triệu tập khẩn.
Một giám quan đeo mặt nạ đồng bước ra từ Giám Các, giọng nghiêm như cắt đá:
"Tổ thứ hai, tên Tống Mẫn Dao, Hứa Tuyết Khanh, Phạm Triệu - lập tức ra sân chờ lệnh."
Ba người nhìn nhau. Đến giờ này họ còn chưa nhớ nổi ai là ai trong đám tên giả đó.
"Huỳnh, mày là Tuyết Khanh hay Dao vậy?" - Khánh Nguyên nhăn mặt.
"Ai nhớ nữa. Ra trước rồi tính. Tụi mình là nhân vật phụ mà, tên gì đâu quan trọng." - Huỳnh đáp.
Khi ra sân, trước mặt họ là một lão già có nốt ruồi to bằng hạt đậu trên má, mặt nhăn như bánh bao bị hấp hai lần. Lão nói không nhiều lời:
"Ba người các ngươi theo lệnh điều tra vụ mất hàng ở kho số 4, trấn Lưu Phong. Khởi hành ngay tối nay. Nếu không trở về coi như tự sát. Nếu trở về... cũng đừng nghĩ được khen thưởng gì."
Khánh Nguyên nhỏ giọng:
"Sao giống đi công cán mà sẵn tiện bị thủ tiêu vậy?"
Như An vuốt cằm:
"Có thể là bẫy. Mà cũng có thể là kiểm tra. Mà cũng có thể là cả hai."
Ngọc Huỳnh cười nhẹ:
"Vậy là... càng phải đi. Cho tụi hắn biết thế nào là lũ 'gà luộc' biết cắn."
Chạng vạng tối hôm đó, ba người cải trang thành thương nhân - vai mang bao hàng, miệng rên rỉ vì hành lý nặng, còn tay thì thủ sẵn vũ khí nhỏ giấu kỹ. Trấn Lưu Phong cách Hồng Phong trại không xa, nhưng không ai trong bọn tin rằng chuyến đi sẽ nhẹ nhàng.
Dọc đường, họ không ngừng cãi nhau vặt:
"An, đừng đi giữa đường, mày cản gió làm áo tao bay ngược!"
"Làm ơn, Nguyên à, mày thì đi sau mà than nặng. Tao mới là đứa vác hàng chính đó!"
"Cả hai người im đi, coi chừng lộ tẩy. Tao mà là sát thủ, nghe ba đứa cãi là biết nội gián giả dạng thương nhân liền."
Họ cãi, nhưng chân vẫn không ngừng bước. Mắt thì đảo liên tục, quan sát từng gốc cây, mái nhà, từng ánh nhìn từ người dân trong trấn. Mọi thứ... có vẻ quá yên bình.
Và đó mới là điều đáng sợ nhất.
Bởi vì nơi càng yên ả... thường là nơi giấu nhiều lưỡi dao nhất Trấn Lưu Phong về đêm khoác lên mình tấm áo đen tuyền như thể đang giấu đi thứ gì đó mà ban ngày không dám để lộ. Những con đường lát đá xám ẩm ướt, ánh đèn lồng vàng ảm đạm hắt bóng xuống mặt đất như những vệt máu khô. Gió không mạnh, nhưng lạnh. Lạnh như thể vừa lướt qua nấm mồ chưa kịp phủ cỏ.
Ba người Ngọc Huỳnh, Như An và Khánh Nguyên đứng nép sau một quán chè đã đóng cửa. Trước mặt họ, kho số 4 hiện lên như một cái xác nằm giữa lòng trấn. Không bảng hiệu, không người gác. Cổng kho bằng gỗ lim dày khóa ba lớp, nhưng đáng ngờ là... chẳng có dấu niêm phong.
"Kho trữ lương thảo mà không có niêm phong?" - Như An nheo mắt, hỏi nhỏ.
"Hoặc là không ai dám niêm." - Khánh Nguyên đáp, giọng trầm như đêm khuya, tay vẫn giữ lấy bao vải đeo bên hông.
"Huỳnh, mày vòng ra sau coi thử có đường nào vào không." - Như An quay sang.
"Rồi rồi, đừng có sai tao như sai lính." - Huỳnh lườm một cái, rồi nhảy biến như bóng mèo vào hẻm tối.
Chưa đầy năm phút sau, nàng quay lại, gương mặt hơi nghiêm nhưng miệng vẫn nhếch nhẹ:
"Có cửa sau, dấu vết cạy khóa. Mới lắm, với cả... có vết máu. Nhạt thôi, nhưng tao ngửi ra rồi."
"Thế thì vô." - Nguyên gật đầu.
Bên trong kho tối thui như hũ nút. Không khí ẩm và nồng mùi sắt gỉ trộn lẫn mùi gạo mốc khiến ai yếu bụng là muốn ói liền. Khánh Nguyên bật một viên lân thạch giấu trong tay áo, ánh sáng xanh lam lập lòe hiện ra... từng dãy thùng lương thực.
Và một xác người.
Xác lính gác, bị trói tay treo ngược, yết hầu bị cắt ngọt xớt như dao lùa qua đậu phụ. Máu khô đọng lại, bám đen sì lên trụ gỗ.
"Đây là lính trại." - Như An cúi sát, lấy trâm gảy nhẹ bao tay. "Cỡ ba ngày. Vết cắt này... không phải tay người thường làm ra."
"Tao tưởng chỉ có mày mới hay làm mấy trò đẹp đẽ thế này." - Huỳnh lầm bầm.
"Cảm ơn vì khen ngợi." - An đáp tỉnh bơ.
Ngọc Huỳnh bước đến mấy thùng lương, ánh mắt sắc bén như loài cáo săn mồi
"Thùng nào cũng ghi gạo mà nhẹ như rơm. Chơi tráo hàng à?"
Nàng không đợi ai cho phép, giật nắp một thùng. Bên trong, không phải gạo. Là các cuộn giấy kỹ thuật, chữ viết mật mã, biểu đồ lộ trình, cả lệnh điều phối quân dụng. Một vài cuộn còn niêm sáp đỏ.
"Trộm tài liệu quốc phòng. Tráo thùng. Mày nghĩ sao?" - Như An rít khẽ.
"Bọn này không phải hạng tép riu. Có nội ứng trong triều rồi." - Nguyên nói, giọng bình nhưng tay đã siết chặt.
"Chuyện nhỏ." - Huỳnh cười nhạt. "Tao thích bẻ cổ mấy đứa chơi trò cờ tàn."
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip