hai,
chương hai,
trong hai con đường về nhà.
*
Ngày mai trời chắc sẽ nắng.
Tôi luôn nghĩ như thế khi nhìn thấy ánh sáng đầu tiên lọt qua khe mái tôn rách, chiếu xuống nền nhà ẩm thấp thành một vệt dài như chỉ bạc.
Tôi chống người ngồi dậy, kéo chăn sang một bên, gấp gọn lại rồi lật chiếu, kiểm tra kỹ mấy mép góc xem có bị ướt do thấm nước đêm qua không. Mọi thứ vẫn ổn. Tôi liếc nhìn giường, sách vở vẫn nằm nguyên trên đó, không ai động vào, cũng không có thêm kẻ lạ nào dưới gầm. Tôi kiểm tra bản thân một lần nữa để chắc chắn là đêm qua thật sự không có kẻ nào đột nhập vào thì mới yên tâm.
Tôi đứng dậy, lấy bộ đồ treo trên móc gần cửa sổ thay vào. Áo thun cũ, quần vải mỏng, màu bạc cả rồi nhưng vẫn sạch. Tôi gập bộ đồ ngủ lại, đặt lên đầu thùng giấy cạnh giường, liếc qua gương mặt phản chiếu mờ nhòe trong mảnh gương nhỏ nứt một góc.
Không có gì thay đổi.
Tôi đi đến bên cửa, lắng nghe một chút rồi mở hé ra. Không có tiếng động gì lạ. Chỉ có tiếng nước nhỏ đều đều từ mái tôn, và tiếng chó sủa đâu đó ở xa.
Tôi bước ra ngoài, khép cửa lại. Gió sớm thổi qua, mang theo mùi đất ẩm, mùi rác đọng nước và chút gì đó ngai ngái của vôi cũ từ bức tường bên hông. Những vũng nước loang lổ còn đọng lại trên mặt đất, phản chiếu ánh sáng yếu ớt của buổi sáng sau mưa.
Con chó cỏ vẫn nằm đó, mắt lim dim như chẳng thèm để ý đến tôi. Tôi bước qua nó, đi hết con ngõ dài loang lổ rêu xanh, bàn chân lướt qua mấy viên gạch lồi lõm dưới đất.
Vừa ra khỏi đầu ngõ, tôi bắt gặp ánh mắt của bà ta—người đàn bà sống trong căn nhà đầu tiên, đang ngồi xổm nhặt rau trước hiên.
– Bộ tính đi đâu đó hả con kia?
Tôi đáp không suy nghĩ:
– Đi chết.
Bà ta thoáng khựng lại, có vẻ không ngờ tôi lại nói thế thẳng thừng. Nhưng rất nhanh sau đó, bà bật cười khẩy, rồi chép miệng đầy mỉa mai:
– Ừ, mấy đứa như mày chết sớm chút cũng tốt, sống chỉ tổ hại hạnh phúc gia đình người khác!
Tôi quay mặt đi, bước qua như không có gì xảy ra. Mấy nhà bên cạnh nghe thấy cũng ló đầu ra nhìn, có người kéo rèm cửa, có người dựng xe đạp nhưng chưa đạp đi mà đứng quan sát.
Tôi không chào, không nhìn lại. Chân tôi vẫn bước đều, để lại tiếng dép nhựa lẹp xẹp trên mặt đường ướt, dẫn thẳng vào ánh nắng đang dần sáng lên ngoài xóm.
Tôi đã quen rồi.
Một lũ đàn bà vô dụng chỉ biết đổ lỗi.
Ra khỏi xóm, tôi rẽ vào con đường chính dẫn đến chợ. Trời đã hửng hẳn, nắng rọi xuống những mái nhà còn đọng nước, bốc lên thứ mùi ngai ngái của tôn ẩm, gỗ mục và vôi cũ. Mặt đường lấm tấm những vết bánh xe đạp còn in dấu bùn, có chỗ trũng thì vẫn đọng lại vũng nước đen ngòm, phản chiếu những bóng người đang lướt qua vội vã.
Chợ buổi sáng lúc nào cũng ồn, chẳng cần biết hôm qua trời có mưa to hay nhà ai có chuyện gì. Người ta vẫn cười nói, mặc cả, đưa tay chỉ trỏ, gọi tên nhau ơi ới như thể ai cũng thân thiết với nhau lắm. Mùi cá tươi, mắm, rau sống, và dầu chiên lẫn vào nhau tạo nên một hỗn hợp tanh nồng, vừa sống động vừa mệt mỏi.
Tôi rời chợ, đi dọc theo con đường rợp bóng cây bàng già. Lá vẫn còn rụng rơi lả tả, nhiều đến mức có chỗ che kín cả mặt đường. Có vài chiếc bị gió cuốn lên, xoay vòng giữa không trung rồi rơi xuống như đang do dự không biết nên đáp ở đâu.
Cổng trường cấp ba nằm lặng lẽ phía cuối đường, sơn đã bong tróc từng mảng, bảng tên trường cũ kỹ, chỗ chữ "trung học cơ sở" đã mờ gần hết. Không một bóng học sinh. Cũng đúng thôi, đang là nghỉ hè mà.
Tôi đẩy cổng bước vào. Trường vào mùa này vắng đến lạ. Sân rộng, lác đác vài chiếc lá khô bay theo gió, những bậc thềm phủ đầy bụi, hàng ghế đá lạnh ngắt nằm im dưới bóng nắng.
Thư viện nằm trong một tòa nhà tách riêng ở cuối khuôn viên trường. Mái ngói thấp, tường vôi đã ngả màu. Cửa gỗ mở hé, bên trong tối mờ mờ vì ánh sáng chỉ lọt vào qua mấy khung cửa sổ cao sát trần. Không gian đặc quánh mùi giấy cũ và mực in phai, hơi bụi và cả mùi của gỗ lâu năm thấm ẩm.
Sau quầy thủ thư là cô Ngọc—người phụ nữ đã ngoài năm mươi, dáng người nhỏ nhắn, luôn mặc áo sơ mi dài tay và đeo kính nửa tròng. Cô đang ngồi đọc báo, mắt liếc lên nhìn tôi một cái rồi gật đầu thay cho lời chào. Tôi gật nhẹ lại.
Không ai nói thêm gì. Mỗi ngày đều như vậy.
Tôi kéo ghế rút sổ kiểm sách, bắt đầu ngày làm việc. Sắp xếp lại các kệ sách theo danh mục, kiểm tra mấy cuốn bị rách, dán giấy, lau bụi. Việt tương đối ít cũng không nặng nhọc. Mỗi ngày như thế tôi được trả hai mươi nghìn đồng.
Đây là công việc mà tôi đã chủ động xin cô Ngọc làm vào dịp nghỉ hè. Có thể nói là may mắn hoặc đúng hơn, là một loại ân huệ hiếm hoi trong cuộc sống tồi tệ này. Hơn nữa thì không gian ở đây yên tĩnh, tôi cũng có thể xem qua sách ở đây lại có thể kiếm được một ít tiền. Với tôi như thế là quá tuyệt rồi, ít nhất không phải nằm dài trong căn chòi mục nát đó trong lo sợ.
*
Tôi rời khỏi thư viện khi kim đồng hồ vừa chỉ hơn bốn giờ chiều. Ánh nắng nghiêng xuống vàng nhạt, trải một lớp bụi mỏng lên từng viên gạch sân trường. Tôi đi bộ về trong lòng lại thấy nặng nề vô cùng. Nếu như tôi được ở lại thư viên luôn thì tốt.
Có hai con đường tôi có để đi về nhà. Một đường dài, vắng, quanh co, ít người qua lại. Một đường ngắn, đông người, đi ngang qua khu chợ và... căn nhà ấy.
Hôm nay tôi chọn đường ngắn. Tôi không có thói quen tránh né.
Góc ngã ba quen thuộc bắt đầu ồn ào. Tiếng rao, tiếng cười, tiếng xe máy nổ lạch phạch. Tôi đi chậm lại khi nhận ra bóng dáng một người phụ nữ đang dắt tay một đứa bé băng qua đường. Váy hoa màu hồng, tóc được tết hai bên gọn gàng, gương mặt tròn xoe hồng hào, tay còn đang cầm một cây kẹo mút màu đỏ.
Tôi đứng lại, nhìn thẳng. Bà ta cũng đã thấy tôi.
Chúng tôi nhìn nhau vài giây, rồi tôi cất tiếng trước, giọng trống không:
– Chậc, hôm nay lại dẫn con gái yêu đi chợ nữa à?
Bà ta hơi giật mình. Nhưng rất nhanh khuôn mặt bà trở lại bình thản như thể đã quá quen với cái kiểu xưng hô ấy của tôi.
– Mày vẫn cái kiểu ăn nói đó hả? Không thấy xấu hổ à?
Tôi khẽ nhếch môi.
– Ờ, xấu hổ chứ. Nhưng đâu bằng cái kiểu như Trinh bám được ông Lực rồi quay lại làm mẹ hiền dâu thảo. Không biết là lão ta có biết Trinh còn đứa con lang thang ngoài phố không?
Câu đó khiến bà ta tái mặt một thoáng. Nhưng rất nhanh, lại là cái vẻ mặt đó vừa khinh vừa cố tỏ ra trên cơ.
Đứa bé vẫn ngây thơ đứng đó, tay níu chặt lấy ngón tay bà, ngước nhìn tôi bằng đôi mắt to tròn, chẳng hiểu chuyện gì. Váy nó sạch, tóc được tết gọn, má hồng tự nhiên như búp bê.
Tôi nhìn lại mình. Áo cũ, tay còn dính bụi sách, đầu tóc thì rối bù vì không thèm soi gương sáng nay. Móng tay chưa cắt, dép thì lẹp xẹp gần gãy quai.
– Con bé này là... bé An phải không?
Tôi nheo mắt nhìn con bé, rồi lại nhìn bà ta.
– Lần này sinh trong giấy tờ đàng hoàng rồi ha?
Trinh mím môi. Không nói gì.
Tôi khoanh tay lại, nghiêng đầu nhìn hai mẹ con một lúc. Con bé An vẫn còn đang mút cây kẹo đỏ, tóc lắc lư theo từng nhịp nó nghiêng đầu nhìn tôi. Thật vô tư.
– Mà thôi, tôi cũng có hộ khẩu riêng rồi đâu cần phải đứng chung sổ với "bà" Trinh đâu.
Tôi nói rồi quay đi, không chờ phản ứng.
Chân vừa bước được mấy bước thì sau lưng lại vang lên tiếng Trinh, nhẹ như gió thoảng nhưng tôi nghe rõ từng chữ:
– Nếu sau này thiếu tiền ăn, tiền học, thì vẫn có thể tới tìm tao. Dù sao tao cũng chưa có máu lạnh như thế.
Tôi không quay đầu cứ thế bước tiếp.
.
.
.
Chậc, đáng lẽ lúc đó tôi phải quay lại đòi tiền của bà ta mới phải.
1577w.
5/26/25
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip