Chương 1: Nghiêm Khiêm bị thương
Editor: Mì Udon
Beta-er: Nhạc Dao
Chương 1: Nghiêm Khiêm bị thương
“Cấp báo —— ”
Trong đại điện của phủ công chúa rộng lớn uy nghi, một nam tử cao lớn mặc trang phục của thị vệ cung kính quỳ trên đất: “Bẩm công chúa, bệ hạ và đại quân chỉ còn cách thành năm mươi dặm.”
“Thật sao?” Đôi mắt của thiếu nữ xinh đẹp nằm trên giường khẽ sáng lên, ném quyển sách trên tay qua một bên, nhảy từ trên trường kỷ xuống: “Mau xuất phủ với Bản công chúa.”
Cung nữ thiếp thân Ngọc La mang cung trang công chúa hoa lệ đến, chuẩn bị khoác vào cho nàng. Ai ngờ công chúa phất phất tay: “Giản lược hết đi, tuy chiến sự lần này thắng lợi nhưng chắc chắn không thể tránh khỏi thương vong, miễn thịnh trang đi.”
Thị nữ “dạ” một tiếng, đổi áo choàng màu đỏ lông cáo thành áo choàng lông cáo màu trắng.
Công chúa dường như nhớ ra chuyện gì: “Đừng quên mang Tư Hoàng theo.”
“Công chúa đừng lo, nô tỳ đã sớm gọi người đi lấy.”
Lần đầu tiên Sùng Nguyên đế ngự giá thân chinh, Văn Nhân Tiếu chỉ mới năm tuổi. Lúc đại quân khải hoàn trở về cũng là tháng mười hai, công chúa còn nhỏ đã leo lên tường thành, sau đó phải nhờ đến thị nữ ôm cao lên mới có thể thấy khung cảnh bên ngoài.
Về sau Sùng Nguyên đế thảo phạt phía Bắc, thắng lợi vẻ vang vang nhiều lần, Văn Nhân Tiếu bắt đầu đàn khúc “Ân Trời” trên tường thành để cảm tạ ông trời phù hộ cho phụ hoàng yêu dấu của nàng trở về.
Bây giờ nàng lại đứng trên tường thành này, gió lạnh như lưỡi dao cắt qua khuôn mặt thanh tú của nàng. Khi khói bụi từ vó ngựa nơi xa bay thẳng lên trời cao, ngón tay nàng khẽ gãy lên âm thanh đầu tiên.
“Ting — ”
Cây đàn Tư Hoàng của công chúa được công nhận là cây đàn đứng đầu thiên hạ, đồng thời, nó cũng là cây đàn mà Hoàng đế đã tốn không ít công sức tìm cho con gái vào năm nàng lên tám. Khúc “Ân Trời” mà công chúa đàn cũng được các văn nhân nhã sĩ ca ngợi là khúc đàn hay nhất.
Trời đất bao la dường như tĩnh lặng lại. Các cung nữ, quan binh, thị vệ, thậm chí là dân chúng đang nghênh đón đại quân vào thành đều không dám lên tiếng, im lặng lắng nghe tiếng đàn quý giá vài năm mới có một lần này.
Tiếng vó ngựa càng ngày càng gần.
“Tại sao lại không thấy Nghiêm tướng quân?”
“Nghe nói vì Nghiêm tướng quân bị thương rất nặng trên chiến trường nên không thể cưỡi ngựa. Hình như người đang ở trong xe ngựa đằng sau Dương tướng quân đó.”
Có lẽ là sợ quấy rầy tiếng đàn của công chúa nên hai binh sĩ cách đó không xa nói rất nhỏ. Nhưng Văn Nhân Tiếu vốn là người am hiểu âm luật, tai rất thính, nên cuộc nói chuyện của họ đều lọt vào tai nàng.
Văn Nhân Tiếu ngước lên nhìn thì quả nhiên không thấy bóng dáng anh tuấn lúc nào cũng lẳng lặng cưỡi ngựa theo sau Sùng Nguyên đế. Phải bị thương nặng đến cỡ nào mới có thể khiến một nam tử hán đầu đội trời chân đạp đất phải núp mình trong xe ngựa như một cô gái yếu đuối, không thể đón nhận ánh mắt sùng bái lẫn cảm kích của bách tính chứ?
Tiếng đàn du dương chợt có một nốt bị chệch nhịp.
Âm thanh trò chuyện vẫn tiếp tục theo gió bay vào tai nàng.
“Lần này em vợ của ta theo đại quân xuất chinh, vì hôm qua quá nhớ thê tử nên đã nhờ người đi gửi thư bình an khi đóng quân tại sườn núi cách đây một trăm dặm. Trong thư còn nói là, sợ rằng cánh tay phải của Nghiêm tướng quân không giữ được.”
Người kia nói xong, không nhịn được thở dài một tiếng. Tiếng đàn cũng theo đó mà im bặt.
Văn Nhân Tiếu ngơ ngẩn nhìn hai bàn tay trắng nõn của mình.
Khi mọi người kinh ngạc ngẩng đầu, âm nhạc lại vang lên, nhưng bây giờ đã đổi thành bài “Anh hùng”.
Đây là lần đầu tiên kể từ lúc bảy tuổi, bàn tay của Văn Nhân Tiếu run rẩy khi đánh đàn.
Kể từ lúc nàng bắt đầu nhớ được mọi chuyện, thế tử Uy Viễn Hầu đã theo phụ hoàng xuất chinh, hắn không những lập biết bao chiến công hiển hách mà còn cứu mạng phụ hoàng vô số lần trên chiến trường. Nếu như hắn mất đi cánh tay phải thì sao có thể múa đao trên chiến trường được nữa?
Nam nhân có một vết sẹo đáng sợ dọc theo nửa khuôn mặt phía bên trái nằm bên trong chiếc xe ngựa đi cùng đội ngũ hành quân tập trung nghe tiếng đàn theo gió truyền đến. Cánh tay lành lặn duy nhất nắm chặt thành quyền, cắn chặt răng, nhịn xuống một giọt nước mắt chực trào ra.
***
Trong tẩm điện của Sùng Nguyên đế.
Văn Nhân Tiếu sốt ruột đi tới đi lui trong đại điện, guốc gỗ va chạm với mặt đất lạnh buốt không ngừng phát ra tiếng vang trong trẻo. Nàng sờ sờ bình hoa lớn trong góc, rồi lại đến cửa điện kiễng chân lên trông ngóng.
“Sao phụ hoàng còn chưa trở lại nữa?”
Thái giám tổng quản cung kính đứng một bên, thấp giọng trả lời: “Công chúa đừng vội, Bệ hạ đang phong thưởng cho những tướng sĩ đã lập công, xong việc sẽ trở về gặp ngài ngay.”
Văn Nhân Tiếu mím môi. Lúc nãy nàng cùng phụ hoàng hồi cung, nhưng chưa nói được mấy câu thì phụ hoàng phải đi ra sảnh trước nghị sự với các tướng sĩ rồi.
“Hoàng thượng giá lâm ——”
Sùng nguyên đế nhanh chóng bước vào tẩm điện sau tiếng nói lanh lảnh của thái giám.
“Tiếu Tiếu của Trẫm, mau tới đây để Phụ hoàng ôm con một cái nào.”
Văn Nhân Tiếu đã sớm không còn quan tâm đến việc hành lễ, lao nhanh vào ngực của Sùng nguyên đế như một con én nhỏ, tươi cười hạnh phúc gọi: “Phụ hoàng!”
Nàng sờ mấy sợi râu ngắn dưới cằm của Sùng Nguyên đế: “Phụ hoàng gầy rồi.”
Sùng Nguyên đế xoa gương mặt của nàng: “Tiểu Tiếu Tiếu cũng gầy, có phải vì con lo lắng cho phụ hoàng nên không ngoan ngoãn ăn cơm phải không? Trẫm phải phạt hết đám nô tài ở phủ công chúa mới được.”
Khi Sùng Nguyên đế rời kinh, gương mặt của Văn Nhân Tiếu vẫn còn vài phần bụ bẫm nhưng giờ đã không còn bao nhiêu. Ông nhìn khuôn mặt của nữ nhi sắp tròn mười ba tuổi đã bớt đi vài phần ngây ngô, nhiều hơn vài phần xinh đẹp kiều mị của thiếu nữ mới lớn.
Văn Nhân Tiếu kéo Sùng Nguyên đế đến bên cạnh bàn: “Phụ hoàng mau nếm thử trà con pha đi.”
Sùng Nguyên đế nếm thử một ngụm nhỏ, dở khóc dở cười nói: “Phụ hoàng không thích uống ngọt.”
Văn Nhân Tiếu yếu ớt chu môi: “Mùa đông phải uống trà gừng với long nhãn thì cơ thể mới ấm áp được.”
Sùng Nguyên đế bất đắc dĩ chịu thua: “Được rồi được rồi, chỉ cần Tiếu Tiếu nấu thì phụ hoàng đều thích uống.”
Hai cha con ngồi cạnh nhau, một hỏi một đáp về những chuyện đã xảy ra trên chiến trường. Văn Nhân Tiếu lúc thì lo lắng nhíu mày, có lúc lại nhẹ nhõm cười thành tiếng.
“Đúng rồi phụ hoàng, chuyện của Nghiêm tướng quân là thế nào vậy ạ?”
Sùng Nguyên đế trầm mặc một lúc lâu mới nói: “Cánh tay phải của Thời Viễn đã không còn, trên gương mặt lại có thêm một vết sẹo.”
Mặc dù đã nghe trên tường thành, trong lòng cũng có chuẩn bị, nhưng lúc này nàng vẫn cảm thấy khổ sở.
Khuôn mặt của Sùng Nguyên đế áy náy: “Cũng vì cứu trẫm mà...Hoàng thất chúng ta có lỗi với hắn.”
Văn Nhân Tiếu rủ mắt, trong lòng chua xót. Nghiêm Khiêm không những là Phiêu Kỵ tướng quân hàng tam phẩm mà còn là thế tử Uy Viễn hầu hàng nhất phẩm*. Nàng chỉ e, vì khiếm khuyết cơ thể lần này mà hắnsẽ không thừa kế tước vị được.
*Phẩm hay còn gọi là phẩm hàm thường được dùng để ban tước vị cho các quan lại. Hệ thống quan lại phong kiến Việt Nam thường được chia làm hai ban: văn - võ, được gọi là Văn giai và Võ giai. Theo thứ tự cao thấp là: nhất phẩm đến cửu phẩm. Trong mỗi phẩm hàm lại chia thành hai cấp bậc: Chánh (Chính) và Tòng (Tùng) (Nguồn: http://ngotoc.vn).
Mặc dù nàng không thường xuyên gặp Nghiêm tướng quân nhưng nàng biết hắn là một thần tử rất được phụ hoàng tín nhiệm. Sùng Nguyên đế xem Nghiêm Khiêm như thần tử lại như bạn tâm giao, hắn cũng có qua có lại bằng cách trở thành con ngựa lập nhiều công nhất cho Đại Hạ. Bản thân nàng cũng luôn biết ơn Nghiêm Khiêm vì hắn đã cứu phụ hoàng vào những lúc nguy cấp nhất.
Trong lòng nàng, Nghiêm Khiêm xứng đáng với hai chữ “Anh hùng”, ai ngờ lại gặp phải chuyện thê thảm như thế, không những bị hủy dung mà còn bị tàn tật, vết thương chồng chất, lại còn mất hết võ công. Hắn từ một đại tướng quân người người kính sợ trở thành phế nhân.
Sùng Nguyên đế biết nữ nhi lương thiện, duỗi tay sờ sờ đầu nàng. Lông mày của ông nhíu chặt khi nghĩ tới đám người phiền phức trong phủ Uy Viễn hầu.
Làm đế vương, ngoại trừ phải thông hiểu chính sự, đôi khi còn phải nắm chặt chuyện trong nhà của thần tử. Huống chi, ông vốn thân cận với Nghiêm Khiêm, Nghiêm gia lại thuộc hoàng thất nên ông càng quan tâm hơn.
Mẫu thân ruột của Nghiêm Khiêm là Chính thê của Uy Viễn hầu, sau khi sinh hạ Nghiêm Khiêm không lâu thì quay đời. Uy Viễn hầu liền tục huyền*, sinh được một trai một gái, ngoài ra còn có thêm không ít thứ tử thứ nữ.
*Tục huyền: Cưới thêm vợ sau khi vợ cả chết.
Sùng Nguyên đế nhịp nhịp ngón tay trên mặt bàn. Uy Viễn hầu là một lão già hồ đồ, chỉ thương yêu thứ tử trong khi mặt nặng mày nhẹ với đích trưởng tử Nghiêm Khiêm. Tính cách Nghiêm Khiêm vốn không được trưởng bối ưa thích, trầm mặc ít nói, mặt mũi như hung thần, âm trầm lạnh lùng. Nếu không phải mang danh đích trưởng, lại lập không ít chiến công thì chỉ e Uy Viễn hầu đã sớm đổi thế tử.
Việc này đúng thật là khó khăn. Nếu như sau này Uy Viễn hầu dâng tấu đòi truyền tước vị cho thứ tử, chưa chắc ông đã có đủ lý do từ chối. Dù gì thì Nghiêm Khiêm cũng tàn tật thật.
Sùng Nguyên đế cảm thấy rất áy náy với Nghiêm Khiêm, trầm tư một lát rồi thử thăm dò ý kiến của nữ nhi: “Tiếu Tiếu, con thấy Trẫm ban cho Thời Viễn một tước vị riêng được không?”
Văn Nhân Tiếu giật mình, mắt phượng mở to: “Vì sao?”
Dù Sùng Nguyên đế không muốn nữ nhi phải nghe mấy chuyện xấu trong nhà người khác nhưng vẫn cố gắng giải thích ngắn gọn.
Nghe xong, mặt Văn Nhân Tiếu nén giận: “Sao có thể như vậy? Phụ hoàng, nhi thần cảm thấy việc này không ổn, làm như vậy chẳng khác nào tặng không tước vị Uy Viễn hầu cho nhi tử của kế thất kia.”
Sùng Nguyên đế giải thích: “Con không cần lo, theo quy chế, nếu người nào không có chiến công hiển hách thì người thừa kế tước vị Uy Viễn hầu đều phải chờ ban tước. Nếu tước vị không đến tay Thời Viễn, vậy thì hắn ta sẽ là Uy Viễn Bá* thôi.
*Thời xưa ở Trung Quốc, tước vị theo thứ tự là Công, Hầu, Bá, Tử và Nam. Ý Sùng Nguyên đế bảo là nếu như Thời Viễn không kế thừa được tước vị Uy Viễn Hầu thì thứ tử chỉ là Uy Viễn Bá thôi. Cái này cũng giống như Công tước, Hầu tước bên châu Âu. (Nguồn: Wikipedia).
Văn Nhân Tiếu chớp chớp mắt, cảm thấy rất đúng: “Phụ hoàng anh minh.”
Lúc nãy Sùng Nguyên đế không đành lòng để Nghiêm Khiêm đang bị thương tiến cung nên đã ra lệnh hắn trở về phủ nghỉ ngơi. Ông thấy giờ trời còn chưa tối, liền viết thánh chỉ phong tước, rồi lại thưởng thêm một đống dược liệu quý báu và kỳ trân dị bảo đến Uy Viễn hầu phủ.
Văn Nhân Tiếu đảo mắt, cắn môi dưới cười cười, lộ ra hàm răng trắng bóc: “Phụ hoàng, hay người để cho nhi thần đi tuyên chỉ đi.”
“Con thật là, lần này lại định nghịch ngợm gì đây.” Sùng Nguyên đế biết rất rõ tính cách của nữ nhi nhà mình, nhưng vẫn nhìn nàng đầy cưng chiều: “Được được được, con đi đi. Còn nữa, nhớ đến tư khố của phụ hoàng, thấy thích gì thì cứ lấy.”
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip