Chương 2: Cãi nhau
Thím hai Lữ tru tréo lên thảm thiết, cảm giác lục phủ ngũ tạng như vỡ nát bấy rồi. Mụ phải thả Tiết thị ra, suýt mửa cả mật xanh mật vàng. Hương Lan giơ chốt cổng toan đánh tiếp, mọi người thảng thốt la làng: "Ôi thôi chết!", rồi lao đến định giật lại cái chốt từ tay Hương Lan. Hương Lan thuận đà để người ta giật chốt đi, đoạn quay vào bếp xách một con dao ra, bước phăng phăng tới chỗ thím hai Lữ, và thét lớn: "Mụ suốt ngày ăn trộm đồ nhà tôi, hôm nay còn đánh chửi mẹ tôi, giờ nợ cũ nợ mới ta tính luôn một thể. Tôi chẳng thiết sống nữa, tôi với mụ chết chung!"
Dưới nắng mặt trời, con dao loang loáng những vệt sáng lạnh căm, nom rợn cả tóc gáy. Thím hai Lữ sợ mất mật, quýnh quáng tìm chỗ trốn. Đám hàng xóm vội cản Hương Lan, nhao nhao kêu: "Có gì bình tĩnh nói, nào hẵng bỏ dao xuống đã!"
Hương Lan quát: "Vừa nãy mụ khốn nạn kia hành hạ mẹ tôi, sao các người không cản! Nhà tôi hôm nay phải mang nỗi nhục đau đớn này, giờ tôi sẽ giết mụ ta trước, rồi cứa cổ tự tử, thế là chấm hết!" Nói xong vẫn định xông lên, mắng: "Có giỏi thì thỉnh dì nhà mụ ra đây xem, ối giời! 'Dì' với chả diếc, một đứa hầu phòng mà cũng bày đặt ư. Cái loại chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng, hôm nay chỗ này phải có máu đổ, tôi đâm mụ chết xong tôi cũng cắt cổ tôi luôn!"
Thấy Hương Lan liều sống liều chết, ai cũng muốn lại gần giành lấy con dao. Nhưng Hương Lan đã đanh mặt tuyên bố: "Ai cướp dao tôi thì là kẻ thù của tôi! Hôm nay không giết được mụ ta, ngày mai tôi giết tiếp!" Trước uy thế nàng quật cường lẫm liệt, người nào người nấy cũng được phen khiếp vía. Hương Lan lại liếc sang thím hai Lữ, nghiến răng nghiến lợi: "Mụ kia, có dám chết không! Mụ chà đạp mẹ tôi, tôi sẽ giết chết thằng con nhà mụ cho hả!"
Mọi người thảng thốt: Cái gì kia?! Chẳng những muốn giết thím hai Lữ, mà còn định xử cả con người ta ư? Xứ này ai cũng biết nhà họ Lữ đẻ liền tù tì ba cô con gái, mãi năm ngoái mới được một thằng con trai, cưng yêu không để đâu cho hết. Đứa con gái nhà họ Trần này trông thì xinh xắn nhu mì, ngờ đâu mới là hạng đanh đá, dữ dằn nhất!
Thím hai Lữ vốn định lao vào một chọi một với Hương Lan, nhưng nghe Hương Lan nói sẽ "giết chết thằng con mụ cho hả", thái độ hùng hồn bất chấp tất cả, tự dưng đâm ra hãi quá, lủi ngay vào góc sân không dám hó hé nửa lời. Chứng kiến con gái ra mặt che chắn cho mình, lòng Tiết thị nguôi ngoai đi hẳn; song thấy Hương Lan tay lăm le con dao, hai mắt đỏ ngầu, ấy là giết thật chứ chẳng chơi, thì càng sợ hãi, bèn loạng choạng chạy tới ôm lấy Hương Lan kêu: "Con ơi, con hãy bỏ dao xuống, nhỡ có chết người, phải lên hầu tòa, con bảo mẹ sống làm sao nổi!"
Hương Lan nhủ bụng, sự tình ổn thỏa sẽ thôi. Tuy nhiên ngoài mặt không biểu hiện gì, chỉ đưa con dao cho Tiết thị rồi bảo: "Mẹ cầm cho con." Dứt lời, lách khỏi đám người chạy vọt vào nhà họ Lữ. Hai đứa con gái của thím hai Lữ đương vịn cổng ngó vào sân, trông thấy dáng Hương Lan, sợ quá trốn mất dạng. Hương Lan vào nhà khẩn trương lục soát, một lúc rút được từ dưới chăn một bộ đồ vải mỏng, liền huỳnh huỵch chạy ngược ra giơ đồ lên nói: "Đồ mẹ tôi mới may cho tôi mặc đây, trên cổ tay thêu đóa hoa lan, ngoài ra có một chữ Lan nữa do chính tay tôi phác. Nhà mụ có đứa con gái nào tên Lan?"
Mặt thím hai Lữ thoắt xanh thoắt đỏ, bèn giở giọng xỏ lá: "Con Hai nhà tao cũng có quần áo màu ấy, tại tao lấy nhầm."
Hương Lan cười khẩy: "Lấy nhầm? Mụ định lừa ai?"
Mọi người chen vào hòa giải: "Hiểu lầm, hiểu lầm thôi, chỗ hàng xóm láng giềng, có gì cũng nên thông cảm."
Hương Lan hừ một cái, nói: "Giờ mụ nhận lỗi với mẹ tôi, thì tôi sẽ cho qua việc này. Còn không, có chết tôi cũng quyết thưa lên phủ, để các bà các mợ và luôn cậu Cả, biết 'dì' Lữ có bà mẹ ruột là phường trộm cắp quen tay!"
Thím hai Lữ hận Hương Lan cùng cực, chỉ muốn ăn tươi nuốt sống nàng. Khốn nỗi bị Hương Lan bắt được nhược điểm trí mạng, nhưng đời nào mụ chịu nhận lỗi? Mụ ta đảo mắt, rồi nằm vật ra đất khóc gào cuồng loạn: "Ối làng nước ơi! Nó cầm chốt cửa đánh tôi sắp chết đến nơi! Ối lưng tôi, ngực tôi đau quá! Dì ơi, dì không về phân xử cho tôi, nó lại xách dao đâm tôi chết mất! Sao mà số tôi khổ thế này, bị một đứa súc sinh nghèo mạt cưỡi lên đầu lên cổ mà thóa mạ..." Cứ nằm lăn lộn, la lối inh ỏi, chẳng chịu dậy nữa.
Hương Lan bước lại nhổ bãi nước bọt xuống mặt thím hai Lữ, gằn giọng chửi: "Vô-liêm-sỉ!" Nói xong kéo Tiết thị vào nhà, đóng cửa đánh cái "rầm".
Trần Vạn Toàn trốn tiệt trong nhà, lúc nãy ngoài sân cãi cọ om sòm, trong đây ông ta đứng ngồi chẳng yên. Khi thấy Hương Lan, mới giận dữ nói: "Cái con này, chỉ biết rước họa về nhà!"
Thây kệ ông ta, Hương Lan lấy nước bưng ra cho Tiết thị rửa ráy chỉnh trang, đoạn đi rót nửa chén trà nguội uống. Tiết thị rửa mặt sạch sẽ, rồi vừa chải đầu vừa bảo: "Làm ầm một trận cũng thấy hả dạ phần nào, chỉ có điều con gái cả nhà bà ta cũng là hạng có chỗ đứng..."
Trần Vạn Toàn cáu tiết: "Giờ bà mới nhớ à? Cả thanh danh của con gái bà, hễ mà ngoài kia kháo nhau 'Con gái nhà họ Trần mới tí tuổi đầu đã đành hanh có hạng, vung dao múa gậy luôn tay', thì nó lấy chồng kiểu gì được!"
Hương Lan sốt ruột xua tay, lườm Trần Vạn Toàn một cái: "Thôi, thôi, cha có thấy bực, sao không ra kia giúp mẹ tôi đánh trả? Ở nhà cha ngang ngược đủ lối, ra đường lại sun vòi cụp đuôi, kể mà cha có tí trách nhiệm, tôi việc gì phải chịu tiếng 'đành hanh có hạng'?"
Trần Vạn Toàn chỉ dám trút giận xuống đầu vợ, với con gái xưa nay vẫn hết mực yêu chiều, thậm chí còn hơi hơi sợ con, nghe nó nói thế, cũng im bặt luôn. Hương Lan lại bảo: "Thím hai Lữ là loại càn quấy, hành xử côn đồ, có biết ngán ai bao giờ, nói lý với bà ta chẳng tổ phí hơi? Buộc phải lấy cứng chọi cứng, đảm bảo bà ta biết điều ngay. Nhà chúng ta có nền có nếp, không đời nào đấu đá với loại người ấy mà hạ thấp mình đi, rốt cuộc cũng chỉ là tự chuốc bực vào người. Ngày xưa chịu chút thiệt, thôi đành nhịn. Nhưng nay bà ta đã bôi bác cả thể diện nhà ta, nếu còn cứ ngồi yên, thể nào cũng bị đâm thọt sau lưng, nói nhà ta rặt một lũ hèn yếu, thế là được đà lấn lướt luôn. Hôm nay chỉ lấy bộ đồ, thế nếu ngày mai trộm mất vàng bạc nữ trang thì sao? Ngày kia cuỗm cả tiền nhà ta thì sao?" Đoạn nhìn Trần Vạn Toàn, nói tiếp: "Sống giữa gia đình yếu đuối thế này, cha nghĩ cách gì tôi tìm được một mối hôn sự tốt đẹp? Về làm dâu rồi, cũng bị nhà chồng hà hiếp thôi. Vì cha mẹ không có con trai, ít nhiều đã bị người ngoài khinh thị, hôm nay nếu tôi không mượn chuyện này để dựng uy danh, ngày sau bị ức hiếp ra sao ai biết được? Thế, chịu điều tiếng 'hung hãn' tôi cũng mặc."
Tiết thị cười khì, dí trán Hương Lan bảo: "Con được nhà Phật nuôi dưỡng từ bé, Phật Tổ chẳng đã dạy phải có lòng từ bi hay sao? Con nghĩ gì mà lại vác dao ra? Mẹ trông mà lạnh cả người."
Hương Lan làm mặt tếu, cười nói: "Phật từng nói Kim Cương trợn mắt, Bồ Tát cúi đầu*. Vừa nãy con đã giả làm Kim Cương hù dọa thím hai Lữ. Vả lại con cũng biết chừng mực, không đâm thật đâu, quơ mấy đường cho bà ta sợ ấy thôi."
*Kim Cương trợn mắt, Bồ Tát cúi đầu (怒目金刚, 垂首菩萨), ý chỉ sự đối lập giữa vẻ uy nghiêm, dữ tợn của Kim Cương với sự khiêm nhường, độ lượng của Bồ Tát.
Tiết thị ôm Hương Lan, cất giọng âu yếm: "Con lớn, biết trả đũa cho mẹ rồi." Trần Vạn Toàn lườm nguýt Tiết thị, lắc đầu thở dài. Hương Lan nép vào lòng Tiết thị, nói, "Mẹ hãy yên trí, con tuy là con gái, nhưng không hề kém cạnh con trai. Có câu Mày liễu chẳng kém mày râu, chỉ cần con còn sống, sẽ không để cha mẹ phải chịu sự thiệt thòi nào."
Trần Vạn Toàn cười nhạt: "Chị thì oai lắm, tiếc nỗi chẳng thác hồn vào bậc đại tướng quân áo đỏ!"
Hương Lan bĩu môi, không nói gì. Nàng cũng muốn đầu thai thành đại tướng quân áo đỏ chứ, mà dù không thể thành tướng quân, thì làm con trai cũng được. Tiếc thay, tiếc thay, đến kiếp này, nàng vẫn là con gái.
Kiếp trước nàng tên Thẩm Gia Lan, là cháu gái dòng đích của Thái tử thiếu phó, Đại học sĩ Chiêm sự phủ* Thẩm Văn Hàn, cũng từng được người ngợi khen "mày liễu chẳng kém mày râu". Nhà họ Thẩm thuộc dòng dõi trâm anh, gia tộc bề thế, rất được thái tử coi trọng. Ngay từ thuở nhỏ, Thẩm Gia Lan đã học trăm thầy, từ cầm kỳ thư họa, đến lo toan việc nhà, không gì không tinh. Chẳng ngờ tiên đế băng hà, Bát vương gia vùng lên tạo phản, thái tử không rõ tung tích, chỉ một đêm ngắn ngủi, thế cục đã xoay dời. Bát vương gia ráo riết truy sát phe thái tử, nhà họ Thẩm vì bị cuốn vào cuộc chiến đoạt đích, đã khiến cửu tộc vạ lây. Thế rồi toàn bộ con cháu dòng đích bị lôi ra Ngọ Môn xử trảm, còn đàn bà con gái bị đẩy vào giáo phường ty*. Thẩm Gia Lan năm đó mười lăm tuổi, đã là thiếu phụ, nhà chồng cũng chịu liên lụy, phải cảnh lưu vong suốt ba ngàn dặm.
*Thái tử thiếu phó: Một chức quan trong Đông cung, thuộc hàng chính nhị phẩm, phụ trách dạy võ công cho thái tử.
*Chiêm sự phủ: một cơ quan phục vụ mọi việc cho hoàng tử hoặc vua.
*Giáo phường ty: nơi dạy âm nhạc, ca múa phục vụ cho hoàng gia, dần về sau biến chất thành nơi hoạt động của kỹ nữ như thanh lâu.
Thẩm Gia Lan từ thiên đàng ngã xuống địa ngục, thoắt cái cửa nát nhà tan, trải bao ba chìm bảy nổi, theo nhà chồng đi đày về nơi xa hàng muôn vạn dặm. Suốt chặng đường, phải chống chọi đói kém, giá lạnh; hứng chịu mọi lăng nhục, xa lánh, không kể xiết được. Chồng mới cưới của nàng là Tiêu Hàng, trên đường đi bỗng đổ bệnh nặng. Vì bảo vệ chồng và người nhà, nàng từ một tiểu thư chốn khuê phòng thanh nhã, đã thành ra một người đàn bà chuyên múa vuốt nhe nanh. Ấy thế mà, cuối cùng cũng đành bất lực đầu hàng trước khốn cảnh – đường còn dang dở, chồng nàng đã chết bệnh; nàng nhiễm phong hàn hấp hối, bị sai dịch bỏ lại, ít lâu sau cũng trút hơi tàn.
Khi mở mắt lần nữa, nàng đã ở trong hình hài đứa bé con, có Tiết thị đùa trêu, khe khẽ gọi: "Hương Lan." Tuy sinh ra là đầy tớ nhà họ Lâm, nàng lại chưa từng thấy biết ơn và thỏa nguyện như lúc này.
Họ Lâm vọng tộc Giang Nam, nàng chẳng quen thuộc quá. Nhà này nguyên khởi nghiệp từ nghề buôn, sau kết thông gia với mấy tiểu thư nhà quan gia cảnh sa sút hoặc là con dòng thứ, dần dần trở nên hưng thịnh phát đạt, con cháu đều xuất sĩ làm quan. Chỉ sau ba đời, thế lực đã bành trướng khắp miền sông nước Giang Nam, phú quý ngút trời. Đứng đầu gia tộc họ Lâm là Lâm Chiêu Tường, một người thông thái mẫn tiệp, khéo léo xoay xở. Năm nàng mười ba, Lâm Chiêu Tường từng có ý định kết thân với nhà họ Thẩm, muốn cưới nàng về làm vợ cho trưởng tôn họ Lâm là Lâm Cẩm Lâu — dẫu nàng lớn hơn Lâm Cẩm Lâu những bốn tuổi. Song không biết vì sao, chuyện này về sau chẳng đi đến đâu, Lâm Chiêu Tường đã dâng sớ xin trí sĩ về quê. Hai năm sau, cả triều ngập trong gió tanh mưa máu, cơ hồ toàn tộc Thẩm thị bỏ mạng, Lâm thị vẫn vững như bàn thạch, ngày càng phất lên cao.
Hương Lan biết cảnh bị xét nhà, biết hễ chủ gặp nạn, đám tôi tớ sẽ càng bi thảm – nàng nghe nói những a hoàn lớn từng theo hầu mình lúc trước đều bị gửi vào chốn kỹ viện thanh lâu. Nàng thầm an ủi mình, rằng hiện giờ cục diện triều đình đã định, nhà họ Lâm khôn ngoan cơ trí, ắt sẽ không đi vào vết xe đổ của nhà họ Thẩm. Thế xem chừng, tạm thời nàng có thể yên ổn làm một gia nhân. Ngày bé nàng sống nơi nhà Phật, ngày ngày quấn quýt bên Định Dật sư thái, dầu cuộc sống bần hàn, cũng an lành thanh thản. Khi nàng rời cửa Phật trở về cõi tục, mới chợt nhận ra cái chỗ nghiêm trọng: cha hèn nhát, nghiện rượu; mẹ sức khỏe ốm yếu; mà nàng thì đã gần kề tuổi cập kê, trong nhà sắp phải lo liệu chuyện mối mai cho nàng.
Tiết thị là một mỹ nhân, Trần Hương Lan lại càng mỹ mạo hơn mấy phần, thêm phong tư yểu điệu, năng văn hay chữ, khéo tay hay làm, bình thường tính nết nhu hòa, lúc nào nụ cười chúm chím cũng hiển hiện trên môi. Được vợ chồng Trần thị đều là những người thật thà, bởi vậy mà số người tìm đến nhà thăm hỏi nhiều không đếm xuể, cũng có mấy nhà quản sự rất có tiếng nói ở phủ Lâm cũng đến ngỏ lời.
Cha nàng chấm được anh con thứ ba nhà Hoàng nhị chưởng quỹ của cửa hàng gạo, mẹ nàng thì duyệt thằng con trai út nhà Liễu đại chưởng quỹ ở tiệm tơ lụa. Hai người này là tôi tớ nhà họ Lâm, nàng đã từng gặp cả, đều chữ nghĩa xoàng xoàng, chẳng có chí học, hơn ở cái danh ta đây kẻ hầu nhà cao sang hiển hách, bớt đi được tí chút quê mùa so với những kẻ khác thôi. Giờ này Tiết thị đã háo hức chọn rể, chuẩn bị cuối năm sẽ chốt đâu vào đấy. Rồi đến Tết, sẽ bỏ bạc thu xếp, mong nhờ được một bà quản sự có địa vị vào phủ xin chủ ban ân, cho Hương Lan thành thân. Như vậy, bà ta cũng được toại nguyện.
Biết việc, Hương Lan chỉ muốn ngửa mặt lên trời mà thét — nàng thà chết cũng không lấy chồng kiểu này! Lấy nô lệ nhà họ Lâm, đời con đời cháu mai sau sẽ mãi mãi là nô lệ nhà họ Lâm. Nô lệ là gì? Nô lệ là món hàng chủ mua về, nô lệ là tài sản chủ chiếm hữu. Nô lệ không thể thi cử, nô lệ không được cưới hỏi tự do, nô lệ không có quyền sở hữu điền sản cho riêng mình, nô lệ chỉ là đồ chơi của chủ! Chủ muốn bán, muốn giết, muốn xẻo thịt lóc xương, muốn cho ai, cũng là những điều hiển nhiên trên đời!
Hương Lan không muốn cả đời mình chỉ là một món đồ chơi. Khó lắm nàng mới được sống lại kiếp khác, kiếp này nàng quyết chí trở thành một bà địa chủ có nhà, có đất, có gia súc, cho người nhà sống đời sống giản dị ấm êm, thế là quý hóa lắm rồi. Thuở mới chỉ là một đứa trẻ con, nàng đã lo tính cách làm sao để người nhà thoát kiếp làm nô, mà lại bảo đảm cuộc sống tương lai vẫn vẹn toàn. Từ lần nghe nói năm xưa khế bán mình mà cha nàng ký không phải văn tự bán đứt, vẫn chuộc thân được, nàng đã nuôi niềm hy vọng – chỉ cần chuộc cha ra, thì kiểu gì mình cũng có đường giải thoát. Vả chăng nàng còn nghe nhà họ Lâm có gia nô tự chuộc mình thực! Nàng từng lén vẽ mấy bức tranh, nhờ cha đem ra hiệu đồ cổ treo bán, dối rằng đây là tranh của ni cô trong chùa vẽ bán kiếm chút bạc xây chùa. Khi nào tranh bán được, cửa hiệu cũng sẽ nhận về một phần thù lao. Và chỉ trong vài ngày, những bức tranh ấy đã tẩu tán sạch, thế là kiếm được một khoản bạc nhỏ. Hương Lan sướng rơn, cẩn thận cất hết bạc đi.
Hôm nay thím hai Lữ sang nhà làm loạn, nàng bèn mượn dịp trả miếng thay mẹ là thứ nhất; rồi cho những kẻ tiểu nhân trơ tráo thường hay ăn hiếp nhà nàng một phen khiếp đảm là thứ hai; sau cuối là lập danh hung tàn, hoãn lại chuyện cưới gả để từ từ hẵng tính.
(còn tiếp)
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip