Chương 25

Chúng tôi vừa ra khỏi sân bay đã nhìn thấy bố của Ngao Bính, nổi bật đến mức không thể nổi bật hơn.

Khó mà không thấy được một phiên bản phóng to, sáng màu hơn, và uy nghiêm hơn của Ngao Bính. Ông đứng yên trong dòng người đông đúc qua lại, thỉnh thoảng lại nâng cổ tay xem giờ, toàn thân toát ra khí chất của giới thượng lưu tinh anh.

Chiếc xe của bố Ngao Bính cũng đậu đại bên đường, hoàn toàn không hợp với phong cách nhất quán từ trước đến nay của nhà họ Ngao. Quá chói lọi, giá tiền cũng cực kỳ chói lọi, phía sau là một dãy số 0 đếm không xuể. Tôi ở ngay trước cửa gay bar nổi tiếng nhất chỗ tôi còn chưa từng thấy lần nào có nhiều số 0 như vậy cùng xuất hiện.

Lý Kim Tra đúng là đạo hạnh chưa tới, đến cả giả vờ cũng không làm ra vẻ được tự nhiên. Thanh cao như bố Ngao Bính, trách sao đơn hàng giành mãi không lại ông ấy.

"Bố ơi!" Ngao Bính chạy tới như một chú nai con còn non, ngay cả tai cũng khẽ vểnh lên.

Bố cậu ấy nhìn thấy chúng tôi, nở một nụ cười nhẹ nhàng dịu dàng với Ngao Bính. Nhưng khi ánh mắt chuyển sang tôi thì nụ cười lập tức biến mất, chỉ hơi gật đầu.

Tôi cũng vội vàng gật đầu lại. Thật ra mấy chi tiết nhỏ này là sau này tôi mới nhớ ra, lúc đó tôi đang mải bấu chặt đùi mình. Đúng vậy, bạn trai tôi dễ thương tới phát điên thế này, nhưng bố vợ tôi thì chỉ cách tôi chưa tới mười mét. Nếu giờ tôi hôn cậu ở đây thì chắc chắn bố vợ sẽ móc dao ra đâm tôi thành một cái ốc vít.

Bố Ngao Bính đứng thẳng người rời khỏi cửa xe. Ngao Bính kéo tôi nhanh chóng đi tới, khuôn mặt thu lại nụ cười nhưng trong lòng thì đầy hân hoan, tôi nhìn ra được.

Ngao Bính là kiểu người quen dùng vẻ ngoài ôn hòa để đối đãi với mọi người. Trước mặt người khác, cậu là Ngao Bính trầm ổn, đáng tin; trước mặt tôi, cậu ấy là Ngao Bính sống động, mạnh mẽ; còn trước mặt bố mình, cậu mới lộ ra dáng vẻ của một đứa trẻ quen được dựa dẫm. Dáng vẻ này của cậu cũng cực kỳ, cực kỳ tốt.

Chúng tôi vừa chạy vừa đi đến trước mặt ba Ngao Bính. Tôi ngẩng đầu nhìn ông, bố vợ tôi thật sự rất cao.

Bố Ngao Bính dịu dàng xoa đầu Ngao Bính: "Chạy gì mà chạy, bố có đi đâu đâu."

Ngao Bính thản nhiên tận hưởng cái vuốt ve ấy, còn cười đáp: "Con sợ bố bận, muốn tranh thủ ở với bố thêm một chút nên mới chạy qua."

Cậu kéo tôi lên phía trước, giới thiệu: "Bố, đây là Na Tra, bố đã gặp rồi." Rồi cậu bất chợt liếc tôi một cái, trong mắt có ánh sáng nghịch ngợm như thủy triều dưới ánh trăng, "Chính là người mà lần trước bố nói 'khá có gan' và 'có thể thành đại sự' đó."

Bố Ngao Bính khẽ ho hai tiếng.

Tôi ngây người, thấp giọng hỏi Ngao Bính: "Thật á?"

Ngao Bính chớp mắt với tôi, cũng thấp giọng đáp: "Thật mà. Tớ đâu có gạt cậu. Bố tớ đánh giá cậu rất cao."

Bố Ngao Bính lại khẽ ho hai tiếng. Thật sai lầm, lẽ ra tôi không nên mang đặc sản quê đến mà nên mua một ít kẹo ngậm bổ cổ họng. Một người phải quản lý một công ty lớn như vậy, mắng cấp dưới và nhân viên điều hành hẳn còn nhiều hơn mẹ tôi mắng thực tập sinh, đau họng cũng là chuyện dễ hiểu thôi.

Bố Ngao Bính thu tay lại, ánh mắt chuyển sang tôi, giọng ông trầm thấp: "Bố đã đợi hai mươi phút rồi. Có hơi chậm."

"Hai mươi phút?" Tôi nhắc lại.

Ông gật đầu, không vội không gấp.

Tôi mím môi.

Tôi biết bố Ngao Bính đang cố cho tôi một đòn ra oai phủ đầu. Ừm, tôi thừa nhận hiệu quả cực kỳ tốt, nhất là khi ông có dáng người cao to như vậy, cộng thêm tông giọng trầm trầm này sức ép tăng lên gấp bội. Nhưng tôi không nhịn được, cái miệng chết tiệt này của tôi, tôi thật sự không kìm được.

Tôi chỉ vào biển báo bên cạnh: "Bố... à không, bác ơi, ở đây cấm đỗ xe lâu."

Bố Ngao Bính quay đầu nhìn.

"Hai mươi phút," Tôi gật đầu, "vừa đủ để ăn một cái vé phạt."

Lúc này, ông chú mặc đồng phục sáng màu từ đằng xa thong thả đi tới, vung bút bi lách cách viết lên cuốn sổ nhỏ, rồi xé một tờ ra dán cái bốp lên chiếc xe siêu sang giá trị khủng khiếp kia.

Năm mét xung quanh lập tức yên lặng như tờ.

Bố Ngao Bính nhìn Ngao Bính, Ngao Bính nhìn tôi, tôi nhìn trời.

Không thể trách tôi, không phải lỗi của tôi, tôi chỉ đang tuân thủ pháp luật thôi.

Bố Ngao Bính ngoan ngoãn nhận vé phạt. Dù có làm lớn tới đâu, bằng lái bị trừ hết điểm thì cũng phải đi thi lại như thường. Ngao Bính kéo tôi lên ngồi ghế sau. Trong xe ngập mùi nước hoa xe hơi kiểu nhà giàu old money, khiến tôi chỉ ngửi chút thôi mà đầu đã bắt đầu choáng váng.

Ngao Bính và bố cậu ấy bắt đầu trò chuyện nhàn nhã, chủ yếu là bố cậu hỏi, Ngao Bính ngoan ngoãn trả lời. Cảm giác như buổi kiểm tra công việc giữa sếp và cấp dưới vậy. Lẽ ra bầu không khí sẽ rất nặng nề nhưng Ngao Bính thì cực kỳ vui vẻ, lông mi cứ chớp chớp, giống hệt một con ong hút no mật sắp cất cánh bay đi.

Nhà họ có một bầu không khí rất riêng. Tôi nghĩ vậy, đầu càng thêm choáng.

Tôi vốn không chịu nổi mùi nước hoa xe hơi, mùi quá công nghiệp này khiến mũi tôi như bị giết chết. Bình thường ngồi xe nhà mình tôi đều mở cửa sổ đủ to để có thể nhảy ra bất cứ lúc nào. Nhưng hôm nay lạnh quá, dù miền Nam vẫn như mùa xuân, thì cũng là mùa đông, tôi sợ gió lạnh thổi làm Ngao Bính đông cứng thành kem nên cố nhịn không mở cửa.

Tiếng nói chuyện giữa Ngao Bính và bố cậu ấy dần trở nên xa xôi. Tôi tựa đầu vào cửa kính lạnh như băng, khép mắt lại.

Hương nước hoa cổ điển như cũng đang lùi xa, tôi cảm giác mình sắp hôn mê.

Tôi nghe thấy tiếng gió nhẹ.

Một đợt sóng biển dịu dàng bỗng tràn tới, tưới ướt sũng cả đầu tôi.

Dòng nước trong mát ấy lấp đầy khoang miệng tôi, nhưng tôi lại đột nhiên cảm thấy dễ thở hơn, không nhịn được mà mở mắt ra.

Ngao Bính vẫn đang trả lời câu hỏi của bố cậu ấy, đã nói tới biến động thị trường chứng khoán mấy ngày nay. Nhưng đầu cậu không hướng về kính chiếu hậu mà quay sang chăm chú nhìn tôi. Thấy tôi mở mắt, cậu vội vàng đưa ánh mắt hỏi han lo lắng cho tôi.

Miệng mũi tôi đang bị bàn tay cậu che phủ, những đường vân mỏng và lớp chai sần nhẹ trên lòng bàn tay cậu rất rõ ràng.

Tay Ngao Bính không lớn, cổ tay cũng mảnh, tôi dùng một tay là có thể nắm trọn cả hai tay cậu.

Tôi chậm rãi chớp mắt.

Tôi không nói gì, Ngao Bính cứ yên lặng che miệng và mũi tôi. Cậu nhấc tay rất nhẹ nhàng, thật lâu cũng không thấy mỏi; nhưng tôi vẫn lo cậu sẽ mỏi tay, liền giơ tay đỡ lấy khuỷu tay cậu.

Góc kính chiếu hậu lóe lên một ánh mắt, tôi và bố Ngao Bính đối mặt nhau.

Ông rất nhanh quay đi, tập trung lái xe.

Tôi không hiểu ánh mắt đó có ý gì.

Bố Ngao Bính là người rất khó đoán.

Tôi không thể nào miêu tả hết cái sự thâm trầm khó đoán đó. Ở độ tuổi như ông ấy, người đàn ông tôi quen thuộc nhất chỉ có bố tôi và Thái Ất.

Thái Ất là một trường hợp ngoại lệ, không thể lấy ra so với người bình thường; còn bố tôi thì thuộc kiểu chính trực, ở nhà không giấu nổi cảm xúc, ra ngoài lại là cấp phó nghiêm nghị, chưa cần giận đã khiến người khác khiếp sợ.

Bố của Ngao Bính có vài nét giống bố tôi, nhưng cũng không hoàn toàn. Tôi không tả được, chỉ có cảm giác bố tôi đứng rất gần tôi, còn bố của Ngao Bính thì đứng rất xa, mang theo một vẻ cô độc, cứng nhắc, giống như những vị lão gia trong những căn nhà lớn thời xưa.

Đang nghĩ ngợi vậy thì tiếng Ngao Bính đang thảo luận về xu hướng kinh tế Bắc Mỹ bỗng ngưng bặt.

Cậu buông tay xuống, kéo nhẹ tay áo tôi: "Về đến nhà rồi."

Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ.

Nhà của Ngao Bính là một căn biệt thự nhỏ ba tầng rất xinh xắn nằm ngay bên bờ biển.

Cậu đẩy cửa xe, tiếng sóng biển xô bờ lập tức ùa vào tai tôi, mùi mặn nồng đặc trưng của biển càng thêm đậm. Trong mắt Ngao Bính ánh lên vẻ nhớ nhung và quyến luyến, hương vị trên người cậu ấy như hòa lẫn với không khí nơi đây thành một.

Tôi bước xuống xe. Bố Ngao Bính tắt máy, chắp tay sau lưng đi trước một bước: "Đi thôi."

Tôi còn chưa phản ứng kịp là ông ấy đang gọi mình thì Ngao Bính đã vòng qua đuôi xe, nhẹ nhàng nắm lấy tay tôi.

"Có căng thẳng không?" Cậu ấy khẽ hỏi.

Tôi nuốt nước bọt.

Phía trước, bố Ngao Bính ngoảnh đầu lại nhìn tôi, miệng tôi lập tức bật chế độ cứng rắn: "Căng thẳng cái gì chứ? Chẳng căng thẳng chút nào."

Bố Ngao Bính gật gật đầu rồi quay đi. Vai tôi lập tức sụp xuống, gần như đổ nửa trọng lượng cơ thể lên người Ngao Bính.

Ngao Bính nhịn cười, đầu ngón tay khẽ vuốt nhẹ mu bàn tay tôi.

Cậu trông cứ như đang an ủi một con chó nhỏ bị sốc tâm lý khi tới nơi lạ vậy. Mẹ kiếp, sao tôi lại có ảo giác đó chứ, Lý Na Tra, mày thật sự nên đi khám tâm lý rồi.

Bố Ngao Bính dùng vân tay mở cửa phòng, cánh cửa gỗ đỏ nặng nề từ từ mở ra.

Nhà Ngao Bính mang phong cách Trung Hoa cổ điển, lộng lẫy đến mức khiến người ta choáng ngợp. Đèn chùm được chạm trổ tinh xảo, sofa với hoa văn phức tạp và cổ kính, còn có cả tủ trưng bày đồ gốm men sứ, thư họa và một bộ tủ mô phỏng đa bảo các gỗ đàn hương thời Càn Long.

Tất nhiên cũng có thể không phải đồ nhái đâu. Tôi không dám chạm vào, chỉ sợ lỡ làm hỏng một món thì công sức của Lý Kim Tra ba năm qua đổ sông đổ bể, còn Lý Mộc Tra phải tự mình đến bắt tôi giải trình.

"Cháu ngủ ở phòng khách tầng hai." Bố Ngao Bính nói với tôi, "Sáng nay đã thu dọn xong rồi, là căn phòng bên trong. Tiểu Bính sẽ dẫn cháu đi."

"Cảm ơn bố." Ngao Bính gật đầu, lại bổ sung, "Thật ra không cần phiền phức vậy đâu ạ."

"Ngủ ở phòng khách." Bố Ngao Bính kiên quyết nói.

Ngao Bính thở dài.

Bố Ngao Bính thực sự rất bận, ngay lúc đó có một cuộc họp đột xuất, ông vội vào thư phòng giải quyết công việc. Ngao Bính bèn dắt tôi đi dạo quanh nhà từ phòng khách, nhà bếp rồi tới khu vườn nhỏ. Trong vườn có một ao cá nuôi cá nước ngọt, những con cá vàng béo tròn màu đỏ, đen, vàng đung đưa chiếc đuôi mượt mà như lụa mỏng.

Tôi nhìn mà đói cả mắt. Tôi hỏi Ngao Bính: "Cậu từng ăn cá vàng chưa?"

Ngao Bính nghiêng đầu khó hiểu nhìn tôi: "Cá vàng ăn không ngon."

Được rồi, vị này còn nặng ký hơn. Tôi liền túm lấy mũi cậu, Ngao Bính nhà tôi đúng là một chú heo con ăn tạp, cái gì cũng muốn cho vào miệng.

Nhà Ngao Bính còn có hai thư phòng, một cái là của bố cậu ấy hiện đang đóng kín cửa, một cái khác ở tầng ba cạnh phòng Ngao Bính. Vừa mở cửa ra đã ngửi thấy mùi ngải cứu lẫn vỏ cam thoang thoảng.

"Là tớ tự làm túi chống ẩm và đuổi côn trùng đấy." Ngao Bính khoe với tôi.

"Thơm quá! Cậu giỏi thật!" Tôi khen cậu ấy.

Ngao Bính mím môi cười với tôi: "Tớ làm cho cậu một cái nhé. Cậu thích chanh hay cam?"

Tôi nghĩ nghĩ: "Đều được."

Ngao Bính gật đầu rất nghiêm túc.

Lúc đầu kỳ, khi cậu dọn vào ký túc xá với ba thùng sách to đùng đã khiến Tôn Ngộ Không há hốc mồm ba ngày. Bây giờ đến nhà cậu xem tôi mới hiểu ba thùng đó chỉ bằng một nửa số sách của Ngao Bính thôi.

Cậu có bốn tủ sách lớn bằng gỗ nam mộc, đầy ắp các loại sách. Tôi liếc qua, tất cả những tên sách và tác giả mà tôi có thể nghĩ đến đều có mặt: văn học, tiểu sử, tạp văn, du ký, tiểu thuyết, cả sách khoa học phổ thông đủ mọi chuyên ngành, thậm chí có cả một giá sách hướng dẫn ẩm thực, sổ tay nấu ăn, bìa đều đã sờn góc. Tôi không cần đoán cũng biết, cái miệng nhỏ tham ăn này chắc chắn đã từng nhìn chằm chằm vào hình ảnh các món ăn mà chảy nước miếng.

Ngao Bính ngồi rất tự nhiên trước bàn học. Cậu ấy quay người lại, quỳ trên ghế, chống cằm nhìn tôi, mắt luôn cong cong như đang cười.

"Trên cùng kia," Cậu ấy chỉ cho tôi, "ngăn trên cùng có một quyển album rất dày, cậu lấy xuống nhé."

Tôi nhanh chóng tìm được quyển album đó, thực sự rất dày, được bảo quản cực kỳ tốt.

Nó khá nặng, nhưng với tôi, người có thể bế bổng Ngao Bính bằng một tay, ôm một quyển album chẳng hề gì.

Tôi lấy quyển album xuống đặt lên bàn. Ngao Bính đứng dậy đè tôi ngồi xuống ghế, còn mình thì ngồi lên tay vịn ghế, lưng áp vào vai tôi, khẽ nói: "Đây là album hồi nhỏ của tớ, tớ muốn cho cậu xem."

Album thời bé của Ngao Bính à? Tôi cần chuẩn bị sẵn khăn giấy chặn máu mũi mới được.

Ngao Bính mở trang bìa.

Nhà cậu ấy chắc rất thích chụp ảnh. Tôi hoàn toàn hiểu, ai mà cưỡng lại nổi việc mỗi ngày chụp một trăm tấm cho khuôn mặt đẹp như thế này chứ?

Album này ghi lại quãng thời gian từ lúc Ngao Bính sinh ra đến khi tốt nghiệp cấp ba, kéo dài suốt mười tám năm.

Ngao Bính kiên nhẫn giới thiệu từng tấm ảnh, để tôi nhìn cậu ấy từng chút một lớn lên: từ lúc bập bẹ biết nói, tập tễnh chạy vào lòng bố.

Lên tiểu học, thành tích xuất sắc, được thầy cô yêu quý. Lúc đó những bé gái trưởng thành sớm đã bắt đầu viết thư tình nhét vào ngăn bàn cậu, còn Ngao Bính thì cầm những phong thư hồng hồng phấn phấn ấy bối rối, ánh mắt ngơ ngác được máy ảnh ghi lại mờ mờ ảo ảo.

"Ban đầu tớ còn tưởng là thư khiêu chiến cơ." Ngao Bính chống cằm lên đầu tôi, cười nhớ lại, "Hồi nhỏ tớ đi võ quán, các sư huynh bảo ngày xưa khiêu chiến là gửi thư thế này nên xúi tớ đi đánh nhau. May mà thầy giáo phát hiện mới giải thích đó là thư tình."

"Ừ." Tôi gật đầu, "Nếu lúc đó tớ gặp được cậu, ngày nào tớ cũng nhét cho cậu mười phong."

Ngao Bính cười: "Thế thì tiêu rồi. Tớ sẽ yêu cậu sớm mất, rồi chúng ta sẽ bị bắt vì yêu sớm, phải gọi phụ huynh, còn phải viết kiểm điểm."

Tôi nghiêng đầu dụi vào ngực cậu, nghe rõ từng nhịp rung động nơi trái tim Ngao Bính.

Kiểm điểm thôi mà, kiểm điểm tôi đã viết đủ để in thành sách rồi. Thế là tôi nói: "Cậu cứ đổ hết lên tớ, bảo là tớ theo đuổi cậu. Kiểm điểm tớ viết, phụ huynh tớ gọi. Cậu trốn đi, tớ không sợ."

"Không được." Ngao Bính bất mãn, "Phải chịu phạt cùng nhau. Lần lễ kỷ niệm trường trước đã thế rồi. Nếu còn lần nữa mà cậu cứ đẩy tớ ra sau tớ sẽ giận đấy."

Tôi vội vàng gật đầu lia lịa. Ừ ừ ừ.

Ngao Bính hài lòng, cúi xuống hôn nhẹ lên trán tôi như phần thưởng.

Ngao Bính vào cấp hai. Đồng phục của cậu là kiểu áo khoác và quần dài phối màu xanh đậm với trắng, rất bình thường, vậy mà mặc lên người cậu ấy lại cực kỳ vừa vặn. Khi đó tóc cậu ấy vẫn còn ngắn, chỉ dài đến gáy, mái tóc vừa đủ che kín lông mày, cũng vừa hay che đi đôi móc nhỏ giữa trán, dấu ấn linh hồn của cậu ấy. Tôi cảm thấy tiếc cho đám bạn học cấp hai của Ngao Bính.

Thời điểm ấy, Ngao Bính đã bắt đầu thể hiện tài năng của mình. Tôi nhìn thấy cậu mặc bộ vest đen ôm người, tỏa sáng rực rỡ tại hội nghị Mô phỏng Liên Hợp Quốc, là thí sinh trẻ nhất tham dự cuộc thi USAD, cùng bố tham gia dạ tiệc từ thiện. Còn có lần cậu ấy cưỡi ngựa phi nước đại trên sân, mái tóc bị nón bảo hiểm ép xuống, hai tay nắm chắc dây cương. Trên gương mặt không chút sợ hãi, chỉ còn lại vẻ tập trung và ánh sáng phấn khích không thể che giấu trong đôi đồng tử.

"Giỏi thật." Tôi chưa từng tiếc lời khen ngợi dành cho Ngao Bính. Mà cũng chỉ có cậu ấy mới được đãi ngộ như vậy thôi, tôi tự nhận mình đúng là kiểu người tiêu chuẩn kép.

Ngao Bính tâm trạng rất tốt khi nhận được lời khen. Cậu ấy bỗng hỏi: "Cậu biết cưỡi ngựa không?"

"Biết." Hồi nhỏ đi chơi thảo nguyên, tôi từng học cưỡi ngựa với đám đàn ông ở đó mấy ngày, ai cũng khen tôi có năng khiếu, hoàn toàn không giống lần đầu cưỡi. Tôi nghĩ một lúc rồi nói: "Nhưng tớ toàn là kiểu học tự phát, không bài bản như cậu đâu."

"Không sao." Ngao Bính lắc đầu, giọng nói chân thành, "Tớ chỉ muốn cưỡi ngựa cùng cậu thôi."

Tôi nắm lấy tay cậu: "Vậy thì tìm dịp đi thảo nguyên chơi, chúng ta thi với nhau."

Ngao Bính cong mắt cười: "Cậu không thắng được tớ đâu."

"Chưa chắc đâu nhé." Tôi cười khanh khách.

Ngao Bính cũng không tranh cãi, chỉ cười. Tôi biết cậu đã ghi nhớ lời hứa sẽ cùng tôi đến thảo nguyên chơi.

Ngao Bính là người như vậy, luôn ghi nhớ từng chuyện nhỏ nhặt trong lòng rồi cố gắng thực hiện.

Một người tốt như thế, làm sao lại có thể tồn tại được cơ chứ.

Một người như thế lại tiếp tục lật sang vài trang album ảnh, đến lúc cậu ấy lên cấp ba rồi. Đổi trường mới, đồng phục cũng đổi từ xanh trắng sang xám đỏ, tóc cũng dài hơn. Trông có vẻ quy định ở trường này tương đối thoải mái.

Khuôn mặt Ngao Bính từ năm nhất cấp ba đã định hình hoàn chỉnh, nếu muốn nhận ra sự thay đổi của thời gian chỉ có thể dựa vào tóc và chiều cao. Sau khi vào cấp ba, hoạt động ngoại khóa của cậu ấy giảm đi nhiều, phần lớn ảnh chụp đều là ở trường hoặc ở nhà, đa phần là trong các buổi họp phụ huynh hoặc sự kiện do trường tổ chức. Khi đó cậu ấy cũng tham gia hội học sinh, đeo băng tay nền đỏ chữ trắng, dáng đứng thẳng tắp trên bục trao giải, một tay cầm bằng khen của tình nguyện viên đại hội thể thao, tay kia xách theo sáu chiếc huy chương vàng và ba chiếc huy chương bạc.

"Thật tiếc quá." Ngao Bính thở dài trên đỉnh đầu tôi, "Giá mà có thể học chung trường cấp ba với cậu thì tốt rồi."

Tôi thì lại không thấy tiếc lắm, dù sao cũng sẽ gặp được cậu ấy mà. Tôi nói: "Thế à? Nếu thế thì cậu thảm đấy, số huy chương của cậu ở hội thao cấp ba chắc chắn sẽ giảm một nửa."

Ngao Bính nheo mắt: "Tớ không tin."

Tôi nhún vai: "Không tin cũng phải tin thôi. Ba năm cấp ba tớ phá không biết bao nhiêu kỷ lục, bất khả chiến bại."

"Giỏi vậy cơ à?" Ngao Bính tự tin cười, "Nhưng tớ cũng giỏi mà."

"Vậy thì không còn cách nào rồi," tôi ngừng lại một chút, "giữa chúng ta chắc chắn phải có một người kém hơn người kia."

Ngao Bính nghĩ nghĩ: "Cũng đúng... nhưng tớ cảm thấy người đó không phải tớ."

Tôi cười phá lên. Tôi chạm trán mình lên trán cậu, Ngao Bính cúi người xuống, trán chạm trán tôi. Chúng tôi cùng cười, cả nhịp rung động cũng hòa vào làm một.

Một cuốn album chúng tôi xem mất hai tiếng đồng hồ, cho đến khi bụng Ngao Bính bắt đầu kêu.

Cậu ấy kéo tôi xuống lầu, liền thấy bố Ngao Bính đang đeo một chiếc tạp dề hoa nhỏ, cầm cái xẻng lục lọi trong tủ lạnh tìm cải chíp.

Nhà họ thật sự rất thích ăn cải chíp, tôi thầm nghĩ.

Ngao Bính chạy tới: "Bố, tối nay để con nấu đi."

Bố Ngao Bính liếc nhìn cậu, không từ chối, cởi tạp dề ra đưa cho cậu.

Tôi vội vã nhảy tới: "Tớ giúp cậu một tay."

Vừa định bước vào bếp thì đã bị bố Ngao Bính giơ tay chặn lại. Người đàn ông cao hơn hai mét cúi đầu nhìn tôi, giọng trầm trầm: "Khách thì nên nghỉ ngơi."

Tôi thầm nghĩ, sao tôi có thể coi là khách được chứ? Tôi có thể làm con rể nhà này luôn rồi, lúc này xin hãy đối xử với tôi như một con lừa mà sai bảo đi.

Bố Ngao Bính chỉ liếc tôi thêm một cái rồi quay người đi lên lầu: "Theo bác, bác muốn nói chuyện với cháu."

Tôi sững người.

Còn chưa kịp phản ứng, Ngao Bính đã đẩy lưng tôi về phía trước, còn nháy mắt với tôi: "Đi đi đi, giao bếp lại cho tớ. Tớ đã nói sẽ nấu mấy món tớ giỏi nhất cho cậu mà, đừng lo. Đi trò chuyện với bố tớ đi."

Tôi hít sâu, gật đầu thật mạnh, nắm chặt tay Ngao Bính: "Tớ đi đây!"

Ngao Bính cũng gật đầu thật mạnh: "Ừ!"

Thế là tôi bước đi. Bước được ba bước lại ngoái đầu nhìn một lần, theo bố Ngao Bính vào thư phòng.

Thư phòng của bố Ngao Bính không hề chật chội. Chỉ có một chiếc tủ sách, nhưng bàn làm việc thì rộng đến kinh người. So với thư phòng, nơi này trông giống như một văn phòng gia đình hơn.

Bố Ngao Bính ngồi xuống trước, cả người cùng chiếc ghế quay lại đối diện với tôi, rồi đẩy một chiếc ghế đẩu gỗ ra trước mặt tôi: "Ngồi đi."

Tôi ngồi xuống, kiểu ngồi mà mông chỉ chạm đúng một phần ba mặt ghế.

Khó mà nói cảm xúc lúc ấy của tôi có phải là bồn chồn hay không. Tôi không muốn để lại ấn tượng xấu với người nhà Ngao Bính. Bởi vì tôi hiểu rất rõ bản thân mình, điểm mạnh đếm chưa đầy một bàn tay, còn điểm yếu thì nhiều như tiền trong ngân hàng, đếm mãi không hết. Nói chung chẳng xứng đôi chút nào.

Ít nhất là đối với người như Ngao Bính.

Tôi không nói tới trái tim cậu, mà là con người cậu ấy.

Tôi và Ngao Bính còn trẻ, cậu có thể yêu tôi điên cuồng chỉ sau một ánh nhìn đầu tiên. Nhưng bố cậu ấy thì khác. Ông ấy là người từng xông pha trong thương trường, cái nơi biển máu không thấy đáy kia, ông chắc chắn sẽ cân nhắc lợi ích vật chất và giá trị tình cảm. Tôi tin ông tôn trọng sự lựa chọn của Ngao Bính, nhưng cũng chắc chắn rằng ông mong muốn tìm cho con trai mình một con đường suôn sẻ hơn.

Bậc làm cha mẹ đều như thế cả. Trước đây tôi từng nghĩ, có cần thiết không? Tôn trọng vận mệnh người khác, buông bỏ tâm lý muốn ra tay giúp đỡ, những đạo lý ấy trong quan hệ cha con cũng đều áp dụng được.

Nhưng nếu đặt vào trường hợp của Ngao Bính và bố cậu ấy, tôi lại nghĩ, như vậy cũng tốt thôi.

Vì thế, tôi bình thản. Tôi không còn hồi hộp nữa.

Tôi đóng cửa lại, ngồi ngay ngắn trên ghế đẩu, nhìn thẳng vào bố Ngao Bính, lòng không còn hồi hộp.

Là Ngao Bính cho tôi dũng khí này. Bởi vì tôi muốn thấy tương lai mà tôi và cậu ấy cùng nhau bước tới, nên tôi không sợ.

Bố Ngao Bính lặng lẽ nhìn tôi.

Rất lâu sau đó, vị bố vợ tương lai của tôi mới cất lời.

"Cuối kỳ thi thế nào?"

"Cháu... Hả?"

Tôi lập tức ngậm miệng lại.

Được rồi, một câu của bố Ngao Bính làm tôi ngớ ra. Bây giờ tôi bắt đầu nghi ngờ đây là chiêu "lễ tiên bình hậu" trong chiến thuật thương chiến của họ, hoặc là đang chuẩn bị đào một cái hố lớn từ chỗ này cho tôi rơi xuống. Mẹ kiếp, gừng càng già càng cay.

Bố Ngao Bính thấy tôi do dự liền lắc đầu: "Chỉ nói chuyện phiếm thôi, không định giở trò gì đâu. Cháu cứ trả lời là được."

Hy vọng là vậy. Tôi thở ra một hơi. Thôi kệ, đến đâu hay đến đó, có bản lĩnh thì bây giờ ông ấy vỗ tay một cái, rồi từ cửa, cửa sổ, trần nhà đột nhiên nhảy ra hai trăm tên ám vệ, mỗi người đâm cho tôi một nhát.

"Cũng ổn ạ." Tôi nói, "Chuyên ngành của bọn cháu chỉ có hai người thôi, thành tích của cháu tuy không bằng người kia nhưng GPA cũng đạt 3.86. Thua người kia đơn giản vì cậu ta là quái vật học hành."

Bố Ngao Bính gật đầu: "Rất giỏi đấy. Bác có nghe Ngao Bính nhắc qua rồi, cháu học gì ấy nhỉ, Công nghệ và Kỹ thuật cổ đại? Sao lại chọn học cái đó?"

Tôi ngập ngừng.

Tôi rất giỏi nói dối, kỹ năng này được hai ông bà già là cảnh sát kỳ cựu hơn ba mươi năm rèn giũa cho. Dù không chắc có thể qua mặt bố Ngao Bính hoàn toàn nhưng đánh trống lảng một chút thì vẫn dư sức. Nhưng tôi lại chợt nhớ tới lời Thái Ất từng nói, ông ấy bảo tôi con người phải chân thành một chút.

Thái Ất đúng là một người kỳ lạ. Tuy tôi hay mắng ông ấy là đồ mập chết tiệt, nhưng tôi phải thừa nhận, Thái Ất là người sáng suốt nhất mà tôi từng gặp trong đời. Tôi cũng sáng suốt, nên từng có thời gian rất ghét thế gian này; nhưng Thái Ất mỗi ngày đều sống vui vẻ, đó là trí tuệ lớn lao.

Tôi cười cười. Đã là đàn ông con trai thì chẳng có gì không thể nói ra.

"Vì lúc đó cháu không tính sống lâu."

Bố Ngao Bính hơi mở to mắt.

Tôi cũng không định giấu giếm, cứ thế ngồi dạng chân thoải mái, chẳng cần làm bộ làm tịch trước mặt ông ấy. Tôi là Lý Na Tra, bình thường ra sao thì bây giờ vẫn vậy.

"Cháu từng dự định, chắc khoảng trước 23 tuổi sẽ chết, không định đi làm, không định học lên cao học. Đại khái là lấy được bằng tốt nghiệp, lúc xuống âm phủ còn có thể khoe với Mạnh Bà là mình tốt nghiệp trường 985."

Bố Ngao Bính há miệng: "Cậu..."

"Cháu không bị trầm cảm." Tôi lập tức đính chính, "Cũng không phải tâm thần phân liệt, mặc dù cháu thường xuyên cảm thấy Ngao Bính biến thành đủ thứ, như sóng nước, mặt trăng, mấy con thú nhỏ linh tinh... nhưng cháu nghĩ đó là vì cậu ấy vốn đã giống như thế."

Tôi dừng lại một chút, rồi lại nói: "Chỉ là, lúc ấy cảm thấy thế giới này chắc cũng chẳng chào đón mình."

Thứ không thích tôi, thì tôi việc gì phải cố yêu lấy nó? Tôi đâu có hèn hạ đến vậy, cha mẹ tôi nuôi tôi tử tế lắm.

Bố Ngao Bính từ từ gật đầu, tôi thấy hai hàng mày của ông càng nhíu chặt.

"Vậy bây giờ cháu nghĩ thế nào?" Ông hỏi.

Tôi ngẩng đầu.

"Cháu muốn đi xa." Tôi trả lời.

Bố Ngao Bính nhướn mày.

Tôi cười: "Cháu muốn đi khắp thế giới, nhìn ngắm mọi nơi, sau đó quay về thi cao học, tìm một công việc có thể đi đây đi đó, tự nuôi sống mình."

Nửa đời đầu của tôi chắc chắn không êm ả gì, mãi đến khi gặp Ngao Bính tôi mới bắt đầu có những suy nghĩ như vậy. Có thể nhiều khổ đau vốn không nên rơi xuống đầu tôi, có lẽ tôi vốn không nên trở thành một thằng nhóc hỗn láo, hoặc chí ít cũng là một thằng nhóc hỗn láo biết yêu thế giới này.

Nhưng tôi cũng không định nói mấy câu như "mọi bất hạnh của đời tôi đều để đổi lấy may mắn gặp được Ngao Bính." Cậu ấy đến là chuyện tất nhiên, không cần phải gắn với khổ đau hay ức chế của tôi. Ngao Bính chính là Ngao Bính, sự tốt đẹp của cậu ấy là khách quan tồn tại, chẳng liên quan gì đến nỗi đau của tôi.

Bố Ngao Bính lại hỏi tôi thêm rất nhiều, về gia đình, bạn bè, cuộc sống của tôi. Ông làm một cuộc điều tra nhân khẩu cực kỳ chi tiết, tôi thậm chí lo sợ ông ấy sắp hỏi luôn là tôi có bị trĩ không.

Đương nhiên là tôi không bị. Tôi rất khỏe mạnh về mặt thể chất.

Sau đó ông mới bắt đầu hỏi về tình hình gần đây của Ngao Bính. Tôi nhận ra mỗi lần nhắc tới Ngao Bính giọng điệu của ông đều rất dịu dàng. Với những người thực lòng yêu thương Ngao Bính, tôi luôn dành sự tôn trọng cao nhất.

Ông hỏi gì tôi đáp nấy. Tôi kể Ngao Bính ở trường rất vui vẻ, cùng hội trưởng hội sinh viên tóc hai búi tay trong tay đi xin bao nhiêu nhà tài trợ cho lễ kỷ niệm trường; dáng cậu ấy chơi bóng rổ nhanh nhẹn đẹp trai thế nào; cậu ấy đã đọc gần hết ba thùng sách chất trong phòng ra sao. Cậu ấy còn mập lên năm cân, vì tôi ngày nào cũng lôi cậu ấy đi ăn. Thật xin lỗi, nhạc phụ đại nhân.

Bố Ngao Bính cứ lặng lẽ nghe tôi thao thao bất tuyệt về cuộc sống thường nhật của Ngao Bính, bầu không khí dịu dàng một cách kỳ lạ.

Đến cuối cùng, tôi khô cả họng, cảm giác cả đời này chưa bao giờ nói nhiều như thế. Nhưng cũng không trách được, vì Ngao Bính quá đáng yêu, còn tôi, Lý Na Tra, là một người hào phóng. Tôi phải chia sẻ hết những điều dễ thương đó với một người cũng yêu cậu ấy sâu sắc như tôi. Đây là quyền lợi giữa những thành viên kỳ cựu của hội người hâm mộ Ngao Bính chúng tôi.

Bố Ngao Bính đưa tôi một chai nước khoáng. Nói nhiều thế mà tôi còn chẳng được một cái cốc tử tế, đúng là thất vọng tràn trề.

"Ngồi nghỉ chút đi." Bố Ngao Bính gõ gõ bàn.

Tôi mừng như bắt được vàng, ôm chai nhựa mở nắp rồi tu ừng ực.

"Thằng bé Ngao Bính ấy, không phải là bác không yên tâm về nó."

Tôi ngừng lại, đặt chai nước xuống.

Bố Ngao Bính thở dài.

"Nó hay tự mình gánh vác mọi thứ." Bố Ngao Bính lắc đầu, "Một mình bác nuôi nó lớn, hồi nó còn nhỏ bác rất bận, chẳng thể ở bên cạnh nó nhiều."

Tôi cảm thấy câu chuyện đã bắt đầu rẽ sang một hướng rất khó lường. Tôi đắn đo có nên bất lịch sự cắt ngang đoạn hoài niệm này không, tôi sợ lát nữa bố Ngao Bính òa khóc trước mặt tôi thì thôi tôi thà lao ra biển chết đuối còn hơn.

Trong lúc tôi còn đang rối rắm, bố Ngao Bính vẫn tiếp tục: "Nó hiểu chuyện sớm quá." Bố Ngao Bính thở dài, "Nó luôn nỗ lực, không muốn bác lo lắng, muốn mau chóng trưởng thành để gánh vác giúp bác. Nó là đứa bé rất nhạy cảm, không muốn làm ai thất vọng. Bác chỉ muốn nó biết, nó mãi mãi là niềm tự hào của bác. Bác muốn khích lệ nó, nhưng ngược lại nó càng sợ làm bác thất vọng, rồi rơi vào vòng luẩn quẩn."

Tôi lặng lẽ lắng nghe.

Bố Ngao Bính nhìn tôi.

"Ban đầu, bác không thích cháu."

"Hiểu ạ." Tôi bày tỏ. Nếu tôi có một đứa con như Ngao Bính, ai dám cướp đi tôi cũng sẽ liều mạng với người đó. Mẹ nó, đánh gãy chân luôn.

Bố Ngao Bính lắc đầu.

"Bác chưa nói xong." Ông nói, "Nhưng cái lúc thằng bé kéo tay cháu, nói với bác là nó thích cháu trước, bác đã thở phào."

Tôi nhìn ông ấy.

Cha Ngao Bính lắc đầu: "Nói thật, lúc ấy vẫn tức lắm. Nhưng bác nghĩ, thằng bé Ngao Bính này dám nói 'không' với bác rồi. Nó không còn coi bác là tất cả nữa. Nó dám vì hạnh phúc của mình mà chịu đựng việc người khác sẽ thất vọng."

"Như vậy, bác thấy rất tốt."

Tôi khép chân lại, từ tư thế chồm người ra trước ngả người tựa thẳng ra sau, ngồi ngay ngắn.

Bố Ngao Bính nhìn thẳng vào tôi.

"Bác sẽ không giao phó Ngao Bính cho cháu."

Câu nói ấy vang vọng trong phòng sách, rành mạch như tiếng chuông.

Tôi sững người ra.

Nhưng chỉ trong chốc lát, rồi tôi cười.

Bố Ngao Bính nhướn mày nhìn tôi: "Sao vậy, nghe kết quả này cháu vui lắm à?"

Tôi liên tục khoát tay, đâu có đâu. Tôi giải thích: "Không ạ. Chỉ là cuối cùng cũng biết cái kiểu nói chuyện 'giảm rồi tăng' của Ngao Bính giống ai rồi."

Bố Ngao Bính lắc đầu. Tôi thấy rõ khẩu hình ông ấy, ông ấy mắng tôi là "thằng nhóc thối".

"Bác không giao phó thằng bé cho cháu," Bố Ngao Bính lại mở miệng, bổ sung nửa câu còn lại, "cũng sẽ không giao phó nó cho bất kỳ ai."

"Vì Ngao Bính đã là đứa trẻ đủ sức gánh vác cuộc đời mình. Nó không cần ai chăm sóc, và bác cũng không yêu cầu ai chăm sóc nó. Con người sống trên đời, chỉ có thể tự mình đi hết quãng đường."

"Nên bác sẽ không để nó lệ thuộc vào bất kỳ ai, cũng không yêu cầu ai trở thành chỗ dựa cho nó."

Bố Ngao Bính nhìn thẳng vào mắt tôi.

"Điều duy nhất bác yêu cầu cháu, là đối với nó và đối với tình yêu đó phải tuyệt đối trung thành. Với tư cách là một người cũng vô cùng yêu thương Ngao Bính."

Ông ấy đưa tay ra với tôi.

"Bác tên là Ngao Quang."

·

Tôi cười, khóe môi cong lên, lộ ra chiếc răng nanh.

Tôi nắm lấy tay ông ấy.

"Cháu là Lý Na Tra."

·

Tôi xuống lầu thì thấy Ngao Bính đang bưng đồ ăn ra.

Trông cũng khá đẹp mắt, thuộc trình độ trên Lý Mộc Tra nhưng vẫn dưới tôi một bậc. Tôi tin là mấy quyển sách nấu ăn cậu ấy đọc không phải chỉ để ngắm hình rồi chảy nước miếng.

Món sở trường của Ngao Bính đều khá thanh đạm. Cậu ấy nhét đôi đũa vào tay tôi: "Nếm thử đi."

Tôi gắp một đũa cho vào miệng, nhai nhai nhai.

"Thế nào?" Ánh trăng hỏi tôi.

Hương vị quá nhạt, đối với dân Tây Nam như tôi thì chẳng khác gì uống nước lọc. Nhưng tay nghề của Ngao Bính rất tốt, độ tươi ngon vốn có của rau và thịt không hề bị dầu mỡ lấn át. Thế nên tôi gật đầu: "Ngon!"

Ngao Bính cười rạng rỡ: "Tốt quá rồi."

Tôi tiếp tục nhai rồi nuốt xuống, nói với cậu ấy: "Đợi khi nào về đến nhà tớ ăn cơm đi. Tớ sẽ làm cho cậu món cải trắng luộc, đảm bảo cậu sẽ thích."

"Cậu biết nấu nhiều món thế à." Ngao Bính tán thưởng.

Tôi xoa xoa mũi. Tất nhiên rồi. Ở quê tôi, đàn ông nếu không thể một mình làm đủ một bàn tiệc lớn thì căn bản chẳng lấy được vợ.

Ngao Bính ngó lên lầu, thấy bố mình vẫn chưa xuống bèn ghé sát tai tôi thì thầm: "Bố tớ nói gì với cậu vậy?"

Tôi nhớ lại rồi trả lời: "Chỉ nói vài chuyện về trường lớp, cuộc sống thôi... À, còn hỏi cả tên tớ nữa."

Lúc này, cả hai bên lồng kính đều phản chiếu ánh trăng khuyết. Ngao Bính nheo mắt nhìn tôi: "Vậy cậu trả lời sao?"

Tôi bật cười.

Tôi nói: "Tớ nói với bố cậu rằng, cháu tên là Lý Na Tra."

"'Lý' trong câu 'Lý đào tương cạnh tú, tang tử quý ngôn tư*'."

* Nguyên văn: 李桃相竞秀,桑梓愧言私的那个 - Đào nhà họ Lý đua nhau khoe sắc, ta thẹn chẳng dám tư riêng cùng đất tổ. Trích từ "Ba mươi vần thơ đáp lại món quà của Viên Cát Lan" của Vương Anh Đậu. Mình không được nguồn dịch hay bình thơ tiếng Việt nên chuyển ngữ tạm, có gì các bạn hãy góp ý giúp mình nhé.

Lúc đó, bố Ngao Bính đã bật cười.

Lần đầu tiên tôi thấy người đàn ông to lớn ấy mỉm cười với mình. Khi ông cười trông bỗng già đi rất nhiều, đuôi mắt lộ ra nếp nhăn. Nhìn bố Ngao Bính lúc đó, tôi có thể tưởng tượng ra dáng vẻ khi Ngao Bính về già. Tôi nghĩ đến việc chúng tôi cùng nhau già đi, cùng nhau bạc đầu.

Rồi tôi cũng cười theo.

Tôi nghĩ, may mà bố Ngao Bính không bắt tôi đọc hết cả bài thơ. Chứ bài "Ba mươi vần thơ đáp lại món quà của Viên Cát Lan" đó, tôi chỉ thuộc đúng mỗi câu này thôi.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip