Chương 30

Lúc tôi thu dọn hành lý, Ngao Bính tựa vào khung cửa lặng lẽ nhìn tôi.

Cậu hờ hững khoanh tay, đôi chân dài tùy ý bắt chéo, đầu dựa lên khung cửa gỗ cứng. Ngao Bính không nói gì, nhưng chỉ cần đứng đó thôi cũng đã khiến người khác không thể không chú ý.

Tôi không biết người khác có nghĩ như vậy không, nhưng dù sao tôi đã xếp quần áo suốt nửa tiếng đồng hồ vẫn chưa xong cái vali, bởi vì toàn bộ sự chú ý của tôi đều đặt lên người Ngao Bính.

Tôi biết cậu không nỡ để tôi đi.

Mà tôi cũng không nỡ xa cậu. Tưởng tượng ban đầu của tôi về cảnh này là: khi tôi mở vali ra giữa phòng, Ngao Bính sẽ không kiềm được mà bắt đầu rơi nước mắt, rồi tôi cũng khóc theo. Sau đó chúng tôi ôm nhau khóc một trận, Ngao Bính nói "Anh đừng đi," tôi nói "Anh không đi," rồi hai đứa thề thốt cả đời không chia xa.

Dù hình tượng cool ngầu của tôi vẫn còn giữ được, nhưng tôi cũng không thể phủ nhận rằng từ sau khi gặp Ngao Bính, tôi bỗng trở nên rất dễ rơi nước mắt.

Tôi nghĩ tuyến lệ mình có vấn đề, chắc phải đi bệnh viện khám mắt, nhưng Ngao Bính đã ngăn tôi lại.

Tôi nghiêm túc nói: "Trước kia anh không hay khóc đâu."

Ngao Bính dỗ tôi: "Ừ, em tin mà."

Tôi cảm thấy cậu ấy không tin, chắc chắn là không tin. Tôi bổ sung: "Thật mà. Toàn là tại em, anh toàn khóc trước mặt em thôi."

Ngao Bính bất lực gật đầu: "Được được được, đều là lỗi của em, lỗi của em, được chưa."

Câu này cậu ấy vẫn dùng giọng điệu dỗ dành, nhưng tôi nghe lại thấy không vui. Tôi véo mũi cậu nghiêm túc nói: "Đừng nói vậy, anh không bảo là lỗi của em. Em rất tuyệt, cho dù có sai cũng chỉ là vì hoàn cảnh ép buộc. Em không sai đâu, nhớ kỹ chưa?"

Tôi thấy Ngao Bính ngẩn ra một chút, sau đó bật cười: "Ừ! Nhớ rồi."

Tôi hôn cậu một cái. Tôi yêu cậu chết mất.

Thật ra lúc đó tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần để ôm nhau khóc một trận rồi. Tối hôm đó đi siêu thị tôi còn cố ý tích trữ ba thùng giấy vệ sinh với một đống túi rác, chỉ phòng ngừa tình huống bất đắc dĩ nước mắt ngập nhà như vậy.

Nhưng sự thật là Ngao Bính không khóc, tôi cũng không. Cậu ấy chỉ đứng đó nhìn tôi, thỉnh thoảng trả lời vài tin nhắn của giáo sư và bạn học, không làm gì thêm cả. Tôi thì xếp đồ chậm hơn chút, nửa cái vali bị đống quần áo linh tinh lấp đầy, thỉnh thoảng ngẩng đầu lên nhìn thấy ánh mắt của nhau, hai đứa lại mỉm cười.

Lúc đó tôi mới phân biệt rõ được, thế nào là "không nỡ rời xa", và thế nào là "bi thương".

Hai thứ này vốn khác nhau về bản chất. Bi thương là Ngao Bính không muốn tôi đi, nhưng tôi vẫn cố chấp mà rời đi. Còn không nỡ là Ngao Bính không muốn tôi đi, nhưng cậu càng mong tôi có thể sống vui vẻ tự do, rồi mang theo những điều tôi từng thấy, từng nghe trở về nhà.

Vậy thì tôi phải ôm cả thế giới trở về, để Ngao Bính muốn xem gì thì xem.

Tôi cứ lề mề mãi, cuối cùng cũng xếp xong hành lý. Chiếc vali kéo đóng lại, nhìn nhỏ nhỏ, kèm theo cái balo leo núi bên cạnh, đó là toàn bộ hành trang của tôi.

Một vài bộ quần áo hợp thời tiết địa phương, đồ dùng vệ sinh và máy quay là tất cả. Trong balo có một chiếc áo khoác mỏng, một bình nước, laptop và các loại sạc, tôi sẽ mang theo hành trang đơn sơ đó lên đường.

Cũng không tính là nghèo nàn. Cổ tay tôi nặng nặng, chiếc dây buộc tóc có gắn đám mây nhỏ kia thực sự có cảm giác rất chắc chắn, chắc là bạc 925. Dù sao trong lòng tôi sự hiện diện của nó chỉ kém mỗi bản thân Ngao Bính một bậc.

Trái tim tôi cũng nặng trĩu, chỉ cần tôi còn bước đi trên mảnh đất này, tôi sẽ không bao giờ tan biến như khói sương.

Lúc này cũng gần đến bữa tối rồi. Tôi đi ngang qua Ngao Bính, vào bếp nấu cơm, cậu ấy liền đi theo sau. Tôi bước một bước cậu mới bước một bước, như thể robot nhỏ bật chế độ tự động vậy.

Tủ lạnh nhà tôi lúc nào cũng đầy ắp, thịt rau đều chuẩn bị đầy đủ. Số lượng giấy ghi chú dán trên cửa tủ lạnh đã tăng gấp đôi, màu xanh lam và xanh nhạt là nhật ký ẩm thực của Ngao Bính, màu vàng nhạt và hồng nhạt là danh sách mua đồ của tôi. Tiểu Hương Trư giờ đã biết tự lo ăn uống, cậu gửi hết công thức nấu ăn và hướng dẫn từ nhà mình sang đây, rảnh rỗi lại giở ra xem, thấy món nào ưng thì dán giấy nhắc tôi nấu. Ít nhất cho đến giờ vẫn chưa thấy món nào bị cậu ấy chê cả.

Nhờ cậu ấy, giờ tôi có mở quán ăn cũng đủ nuôi hai đứa.

Tôi khoác tạp dề lên cổ, Ngao Bính thuận tay giúp tôi buộc dây phía sau lưng. Tôi hỏi cậu: "Tối nay muốn ăn gì?"

Ngao Bính nghĩ một lát: "Muốn ăn sủi cảo cay."

"Được." Tôi đẩy hai ống tay áo lên đến khuỷu, "Hây, chuẩn bị chiến!"

Ngao Bính bị tôi chọc cười. Cậu lấy nhân thịt từ tủ lạnh ra, trêu tôi: "Anh giống như tướng quân chuẩn bị đánh vào thủ đô địch quốc vậy."

"Tại sao?" Tôi hỏi.

Ngao Bính bắt chước động tác và giọng điệu của tôi, cũng đẩy tay áo lên: "Hây, khai hỏa pháo!"

Tôi đá nhẹ vào cẳng chân cậu, nhưng không nỡ dùng lực, cuối cùng chỉ chạm nhẹ một cái thôi.

Làm sủi cảo cay phiền nhất là nhân và nước dùng, nhân phải có cả sò điệp khô, tôm khô, nấm hương khô và măng khô các loại... mua thôi cũng mất cả nửa ngày. Nước dùng cũng phải hầm từ sớm. Nhưng hai thứ này lúc nào nhà tôi cũng có sẵn, hết cách rồi, cả tôi và Ngao Bính đều thích ăn.

Các bước còn lại thì đơn giản. Tôi bận rộn trong bếp, Ngao Bính vẫn đứng tựa cửa nhìn tôi, thỉnh thoảng hỏi một câu: "Giấm nhà mình hình như sắp hết rồi nhỉ?"

"Ừ đó, lát nữa rưới lên sủi cảo là hết sạch luôn." Tôi đang chuẩn bị thả sủi cảo vào nồi. "Lát nữa cùng nhau xuống mua nhé."

"Được." Ngao Bính đáp.

Cậu ấy ngừng một lát, lại hỏi: "Còn thứ gì cần mua không? Mua một lần cho khỏi đi lại nhiều."

Tôi nhớ lại trong kho còn gì: "Gạo cũng sắp hết, lát nữa khiêng một bao về. Cái móc treo trong nhà vệ sinh phải thay, keo phía sau chẳng còn dính gì cả, treo khăn tay toàn rớt xuống."

"Còn nước giặt nữa." Ngao Bính bổ sung, "Suýt thì quên."

Tôi gật đầu. Nước giặt đúng là gần hết thật.

Sủi cảo rất nhanh đã chín. Tôi múc ba bát ra, trong đó hai bát chan nhân và dầu ớt lên, mùi thơm tràn ngập cả căn phòng.

Ba bát này thì hai bát là của Ngao Bính. Tôi đã nắm rõ khẩu vị của cậu, vị cay ba phần, vị hải sản hai phần, nước dùng cũng uống sạch không chừa, tốt nhất còn có thêm ly nước ép trái cây tươi nữa. Nhưng máy ép trái cây nhà tôi bị tôi vô tình làm rơi vỡ cách đây hai ngày, cái mới đặt trên mạng còn chưa giao đến, đành chịu thiệt thòi một chút.

Tôi bưng ba bát sủi cảo ra bàn, Ngao Bính đã ngồi đợi sẵn.

Phim đang chiếu là One Flew Over the Cuckoo's Nest, một bộ phim cả hai chúng tôi đều yêu thích. Tôi khen ngợi Murphy, Ngao Bính thương xót Murphy. Tôi nói bệnh viện tâm thần này toàn là người điên, kể cả bệnh nhân lẫn bác sĩ, y tá; Ngao Bính thì bảo nhân cách méo mó chỉ do hai yếu tố, gene và xã hội. Gene sinh ra bệnh nhân tâm thần, xã hội sản sinh kẻ điên.

Năm ngoái chúng tôi lắp một màn chiếu trong phòng khách, nhưng không có mấy cơ hội dùng vì Ngao Bính học nghiên cứu sinh còn tôi đi thực tập, số lần bật nó lên rất ít, lúc này thì dùng được rồi.

Ngao Bính rất thành thạo cho giấm vào hai bát sủi cảo. Động tác của cậu ấy vẫn nhanh gọn và tao nhã, ăn cơm không bao giờ phát ra tiếng, môi mím chặt thưởng thức hương vị một cách hạnh phúc. Khi thấy nét mặt ấy của cậu, tôi cảm thấy bữa cơm này thực sự không uổng công nấu.

Ăn xong, Ngao Bính rửa bát, tôi thu dọn bàn ăn, chuẩn bị tắt máy chiếu. Trên màn hình, Murphy đang lặng im nằm trên giường, trên trán là một vết khâu rất dài. Tôi nhìn chằm chằm vết khâu đó thật lâu rồi nhấn nút tắt.

Tiếng nước trong bếp ngừng lại, Ngao Bính vừa lau tay vừa ló đầu ra: "Xong rồi, mình xuống mua đồ nhé."

Dưới chung cư nhà Ngao Bính có siêu thị, logo hình lá cờ đỏ sáng trưng, chiếu đỏ cả quần áo và mặt mũi chúng tôi. Trước đây tôi cứ tưởng đây là chuỗi siêu thị toàn quốc, dù sao tên nó cũng là Hồng Kỳ mà; mãi đến khi Ngao Bính bảo cậu ấy trước khi lên đại học chưa từng nghe đến tên này tôi mới biết hoá ra chuỗi siêu thị rởm này chỉ phổ biến ở đúng thành phố này.

Ngao Bính nắm tay tôi dạo qua các kệ hàng, giỏ hàng chẳng mấy chốc đã đầy ắp. Lần nào cũng vậy, nói là chỉ mua vài thứ, nhưng thấy đồ ăn vặt ngon là Ngao Bính lại không kiềm được, thấy món gì hay là tôi cũng không kiềm được. Đến lúc ra quầy, cô thu ngân cầm từng món một quét mã, tổng cộng gần ba trăm tệ, tôi với Ngao Bính cúi gằm mặt vì ngại.

Kết quả là tôi vác một bao gạo trên vai trái, Ngao Bính xách một túi nilon nặng trịch bằng tay phải, hai đứa cùng xách chung một túi còn nặng hơn ở giữa. Cậu ấy lặng lẽ nhấc tay lên cao hơn để gánh thêm phần nặng, bị tôi phát hiện liền nhướng mày cười mắng không có võ đức gì hết.

Ngao Bính bị phát hiện cũng không ngượng, ngược lại còn tự tin nhấc tay cao hơn nữa.

Tôi không chịu thua, cũng nâng tay lên; Ngao Bính cười đến run cả vai mà vẫn không bỏ cuộc. Cuối cùng hai đứa tôi như hai đứa ngốc giơ cao túi đồ đi vào khu chung cư, bác bảo vệ nhìn hai đứa như thể nhìn thấy bệnh nhân trốn khỏi viện tâm thần.

Ngao Bính thì thầm với tôi: "Xong rồi, giờ trong mắt người ta mình cũng là đồ điên rồi."

Tôi chẳng mấy bận tâm: "Điên thì điên, điên thì có sao, họ muốn làm người thường thì cứ để họ làm."

"Đúng thế." Ngao Bính gật đầu, "Dù sao chúng ta là cùng loại với nhau, nên em không sợ."

Tôi lắc đầu nguầy nguậy: "Em không phải cùng loại với anh, em là Ngao Bính."

Ngao Bính khựng lại một chút.

Cậu ấy híp mắt lại, ánh mắt lay động như trăng non, hỏi tôi: "Em là Ngao Bính của anh sao?"

Tôi bật cười, gật đầu chắc nịch.

Tôi nói: "Anh cũng là Na Tra của em."

·

Sắp xếp hết đống đồ vừa mua về xong xuôi, tôi cảm thấy mệt sắp chết, tắm xong chỉ muốn ngã vật xuống giường nằm im, chẳng muốn làm gì nữa.

Phòng ngủ và phòng làm việc đối diện nhau. Tôi nhìn thấy Ngao Bính mặc đồ ngủ rộng rãi đang ngồi trước máy tính viết luận văn. Ngày mai cậu ấy còn nhiều việc lắm, sáng có lớp, chiều có thí nghiệm, học song bằng thì bận rộn là chuyện đương nhiên.

Thế mà Ngao Bính vẫn cứ khăng khăng muốn tiễn tôi ra sân bay, nhất quyết đến mức học sinh gương mẫu như cậu cũng có ý định trốn học. Tôi đành đặt vé từ sáng sớm, bốn giờ phải đi sân bay, đêm nay thôi khỏi ngủ nữa cho rồi.

Tôi trở mình, vật lộn bò khỏi giường, từ phía sau ôm lấy vai Ngao Bính, đầu tựa vào hõm cổ cậu.

Ngao Bính phản xạ đẩy đầu tôi ra: "Hôm nay đừng làm nữa, mai còn phải ra sân bay sớm."

Tôi hơi bực, buông tay ra, kéo ghế ngồi xuống bên cạnh cậu: "Anh không định làm gì hết."

Ngao Bính gõ xong chữ cuối, quay đầu nhìn tôi: "Em không nói anh, là em vốn có ý định đó."

Tôi ngả người ra sau.

Cái kiểu nói năng gây sốc của Ngao Bính là kiểu tấn công mà cả đời này tôi cũng không thể chống lại nổi, đến giờ vẫn chưa quen được. Tính cách này của cậu là học từ đâu ra vậy? Bố dạy à? Hay là thầy cô?

Không thể nào, bố vợ tôi là người nghiêm chỉnh như vậy, sư phụ Thân Công Báo còn cổ hủ nghiêm khắc hơn, mỗi lần thấy tôi nắm tay Ngao Bính là tức đến dựng tóc, đứng gần ông ấy cứ có cảm giác như Phổ Nghi vẫn còn tại vị.

"Sao mặt đỏ thế?" Ngao Bính cười cười, vươn tay sờ tai tôi, "Chà, cổ cũng đỏ luôn rồi."

Tôi thẹn quá hóa giận, thừa nhận luôn là thẹn quá hóa giận. Tôi lập tức nhào tới che mắt cậu, tay còn lại cù lét. Ngao Bính giãy dụa, lăn qua lăn lại trong lòng tôi: "Aaa, em sai rồi em sai rồi ha ha ha, không cười anh nữa đâu, Na Tra đừng cù nữa ha ha ha..."

Tôi đè cậu ấy xuống ghế mà cù, cù một lúc liền chuyển sang kiểu khác. Ngao Bính thở dốc, tôi cũng thở dốc, cậu ấy ngồi trên đùi tôi, hai tay đặt lên vai tôi, má ửng hồng.

"Rồi nha," tôi hài lòng, "giờ em cũng đỏ mặt rồi."

"Tại anh cù đó." Ngao Bính véo tai tôi.

"Được được được, tại anh cù." Tôi có phản bác gì được đâu, cậu ấy nói gì thì là thế đi.

Ngao Bính hít sâu, bất ngờ cúi đầu áp trán vào tôi, lông mi gần như quét vào mí mắt tôi.

"Thật không nỡ rời xa anh." Cậu ấy khẽ nói.

Tôi biết mà, hôm nay Ngao Bính cứ lẽo đẽo sau lưng tôi, đến mức muốn theo cả lúc tôi đi tắm, một giây cũng không muốn rời mắt khỏi tôi.

Chỉ còn vài tiếng nữa thôi, mỗi cái nhìn đều là lần cuối.

Tôi nghĩ, tôi cũng vậy. Ngao Bính chăm chú nhìn tôi, tôi cũng đang dõi theo cậu ấy. Tôi cũng không nỡ rời xa Ngao Bính, thật sự không nỡ.

Nhưng điều đó không thể là lý do để tôi dừng lại.

"Nhìn anh thêm vài lần nữa đi." Tôi nói với cậu ấy, "Khổ cho em rồi, sau này chỉ được thấy anh qua video call thôi."

Ngao Bính hôn lên mí mắt tôi: "Anh cũng khổ, sau này chỉ được nhìn em trong video call."

Sao lại học tôi nói chuyện chứ. Tôi khẽ gõ lên trán cậu ấy.

Ngao Bính ôm trán kêu "á" một tiếng đau đớn.

"Hả? Hả?" Tôi vội gỡ tay cậu ấy ra kiểm tra, "Anh gõ đau thật à? Để anh xem xem có đụng trúng xương không..."

Tôi còn chưa nói xong, Ngao Bính đã khẽ bật cười.

Người này thật là, cứ lợi dụng lúc tôi lo cho cậu mà lừa tôi.

Tôi giận rồi, giả vờ thôi.

Ngao Bính cũng biết là tôi giả vờ, vì tôi tuyệt đối, tuyệt đối không thể giận cậu ấy được.

Cậu nở một nụ cười chua xót, dang tay ôm tôi vào lòng.

Tôi ngồi trên đùi Ngao Bính như một cái đệm, cậu dễ dàng để đầu tôi tựa vào xương quai xanh của cậu. Tầm nhìn của tôi bị cản trở rất nhiều, trước mắt chẳng nhìn thấy gì khác ngoài một mình Ngao Bính.

Cậu một tay ôm vai tôi, một tay vòng qua đầu tôi, ngón tay len vào mái tóc lộn xộn phía sau đầu tôi.

"Nhớ phải đi đường bình an." Ngao Bính nói.

Tôi ôm lấy eo cậu ấy, đổi tư thế thoải mái hơn mà vùi đầu: "Ừ."

Có lẽ tóc tôi làm cậu ấy ngứa, nhưng Ngao Bính không động đậy, chỉ tiếp tục dặn dò: "Phải ăn uống đầy đủ, ngủ nghỉ điều độ. Đặc biệt là ngủ, ngủ đủ mới có sức mà đi tiếp."

Trán tôi khẽ cọ lên xương cậu: "Nhớ rồi, đảm bảo ăn đủ ba bữa ngủ đủ đủ tám tiếng."

"Đừng để bị thương... tốt nhất là đừng bị thương, không thì em sẽ đau lòng."

"Anh biết rồi, chắc chắn sẽ trả về cho em một Lý Na Tra lành lặn hoạt bát."

"Có thể giao lưu với người bản địa nhiều vào, biết đâu gặp được bạn cùng chí hướng."

"Được, lần sau gặp người lạ là anh rút ảnh em ra khoe đẹp trai, chắc chắn tìm được đề tài chung."

"Đừng đùa nữa, đang nói nghiêm túc đấy... Nhớ là ngày nào cũng phải nhắn tin cho em, đừng để em nhớ quá nhiều."

"Chắc chắn rồi, nếu anh quên nhắn tin thì tự vả bản thân luôn."

Ngao Bính lấy ngón tay chọc chọc sau đầu tôi: "Cái này không được."

"Thôi được, vậy thì chuyển sang livestream quỳ bàn giặt đồ." Tôi nhún vai, tôi có năng lực tự kiểm điểm rất cao.

Ngao Bính lại chọc tôi một cái nữa.

Cậu ấy đẩy tôi ra một chút, nhìn thẳng vào mắt tôi, đôi môi xinh đẹp chậm rãi mấp máy từng chữ.

"Nhớ là có em chờ anh ở nhà."

Tôi nắm lấy tay cậu ấy, chiếm hết từng kẽ ngón tay.

"Anh nhất định sẽ về nhà."

.

Tôi cũng không đến mức cả đêm không ngủ nổi, chỉ là ngủ rồi lại tỉnh, tỉnh rồi lại ngủ, rất giày vò người khác.

Nhưng cũng chẳng sao, đằng nào đêm cũng không dài lắm.

Bốn giờ sáng hôm sau, tôi choàng tỉnh ngay đúng giây sau khi chuông báo thức vang lên, "bốp" một tiếng đập lên màn hình điện thoại để tắt nó đi.

Tiếng động của tôi khá lớn khiến Ngao Bính cũng bị tôi làm tỉnh. Cậu dụi mắt, chống người ngồi dậy một chút: "Đến giờ rồi à?"

"Gần rồi." Tôi không mở nổi mắt, nheo nheo nhìn giờ.

Ngao Bính giống như còn đang mơ ngủ, thò một chân ra khỏi chăn, đầu ngón chân lắc lư như máy gắp thú nhồi bông một lúc mới gắp được chiếc dép rồi chống xuống đất, lúc đó cả người mới ngồi dậy hẳn.

Tôi thấy cậu như vậy rất đáng yêu, giống như cơn sóng biển lười biếng mà chúng tôi nhìn thấy lúc sáng sớm bên bờ biển khi về nhà cậu vậy, vỗ vào người chẳng có chút sức lực nào, mềm mại dịu dàng.

Tôi đi rửa mặt, chưa đến nửa phút sau Ngao Bính cũng vào nhà vệ sinh. Hai đứa tôi đứng trước gương, mơ mơ màng màng đánh răng rửa mặt. Trong gương phản chiếu mái tóc rối bù của tôi và cổ áo ngủ rộng thùng thình của Ngao Bính.

Bữa sáng là bánh mì chà bông mua từ tiệm bánh bên cạnh tối qua, bên trong có sốt mayonnaise. Ngao Bính sợ không kịp giờ nên không định ăn ở nhà, tôi vừa ngậm ổ bánh mì vừa đẩy vali ra cửa, còn Ngao Bính thì vịn vào tường móc chân xỏ giày. Động tác đó khiến cổ chân lộ ra khỏi ống quần, gân chân dài rõ ràng, trông rất quyến rũ.

"Đừng động đậy!" Tôi đột nhiên hét lớn.

Ngao Bính bị tôi dọa giật mình.

Tôi vội vàng lấy điện thoại ra, "tách" một tiếng chụp lại khoảnh khắc đó, lưu vào album ảnh của tôi.

Tôi thở phào nhẹ nhõm, may là chụp lại được rồi, sau này ra ngoài có thể thường xuyên lấy ra nhìn, sẽ rất vui.

Ngao Bính nhíu mày cười, cậu đặt chân xuống đất than phiền: "Hù chết em, nói thẳng là được rồi, em đâu có không cho anh chụp."

Tôi giơ hai tay đầu hàng, xin lỗi xin lỗi, lần sau nhất định báo trước.

Ngao Bính xỏ giày xong, thò đầu qua, cắn một miếng từ đầu bên kia ổ bánh mì tôi đang ngậm: "Đi thôi."

Tôi cầm lấy chìa khóa xe từ tay cậu: "Ừ, đi thôi."

Trên đường ra sân bay là tôi lái, dù sao lúc về cũng là Ngao Bính lái, mỗi người một nửa cho công bằng.

Bố mẹ tôi vốn định đi tiễn tôi, nhưng tôi từ chối rồi, để hai ông bà sáu mươi mấy tuổi phải dậy lúc nửa đêm thì đúng là bất hiếu.

Lý Kim Tra lại đang đi công tác, Lý Mộc Tra thì đang bận vụ án, một người uống rượu như điên, một người lật hồ sơ như điên; thế mà hai ông anh tôi vẫn nói muốn đến tiễn tôi, tôi nói hai anh cũng thôi đi, đừng đột tử là tôi cảm ơn hai người rồi.

Tôn Ngộ Không cũng học nghiên cứu sinh, giờ đang làm nghiên cứu ở Ấn Độ. Tôi nhắn nó đừng uống nhiều nước sông Hằng quá, đừng ăn vặt vỉa hè, cũng đừng hít thở quá nhiều. Dương Tiễn tìm được một công việc, lĩnh lương cơ bản rồi đang tính nhảy ra biển buôn bán, giờ đang bị cậu nó điên cuồng cản trong khi làm báo cáo tổng kết cuối năm cho công ty. Dương Thiền giờ học năm ba, đang độ tuổi xông pha, viết luận văn tốt nghiệp đến tối tăm mặt mũi, thế mà vẫn rảnh tay mở được một shop bán đồ online. Tôi bảo cả hai đừng đến, ai nên nghỉ thì nghỉ, ai nên thư giãn thì thư giãn, tiện thể dặn Dương Thiền trông chừng anh nhỏ, đừng để thằng cha đó xúc động quá mà tiễn luôn cậu của hai người về chầu trời. Tôi không muốn sau này muốn gặp Dương Tiễn lại phải đến thăm trại giam.

Thế nên người tiễn tôi chỉ có một mình Ngao Bính.

Sảnh sân bay lúc rạng sáng không hề náo nhiệt, nhiều màn hình hiển thị vẫn tắt, chỉ còn một vài quầy ký gửi của hãng hàng không là xếp hàng dài.

Tôi thì không có nỗi lo xếp hàng đó. Vé máy bay có thể tự in được, giờ cũng có thể vào khu hải quan rồi.

Nhưng tôi nhìn hàng người đông nghẹt bên đó, tôi nói: "Hay là anh cũng đi ký gửi hành lý."

"Vali của anh là hành lý xách tay mà." Ngao Bính chỉ tay vào cái vali có cần kéo trong tay tôi.

Tôi thành thật: "Anh muốn ở bên em thêm chút nữa."

Cảm giác không nỡ rời đi trong khoảnh khắc đó dâng lên đến đỉnh điểm. Tôi nhìn Ngao Bính, nghĩ đến việc sẽ không gặp cậu một thời gian dài, trong lòng cảm thấy ngột ngạt không sao nói rõ.

Ngao Bính im lặng rất lâu.

Sàn sân bay sạch sẽ bóng loáng, khắp nơi là tiếng bánh xe hành lý lăn đi và bước chân vội vã. Giữa đám người và vật thể không ngừng di chuyển đó, chỉ có hai chúng tôi đứng yên như hai sinh vật duy nhất bất động. Hành động duy nhất còn lại là hít thở và tim đập, vai khẽ nhô lên, lồng ngực vang lên tiếng "thình thịch" không thể nghe được bằng tai.

Tôi tưởng cậu sẽ cứ thế im lặng, nhưng Ngao Bính lại lên tiếng: "Anh biết em lưu tên anh trong WeChat là gì đúng không?"

Tôi thấy lạ sao cậu lại hỏi vậy, nhưng vẫn trả lời: "Biết chứ, là 'Na Tra'."

Dù chỉ là tên của tôi, chẳng có gì đặc biệt, không thêm emoji gì cả, người khác có nhìn điện thoại cậu ấy cũng chỉ thấy tôi ở vị trí ghim trò chuyện, từ đó mới đoán được tôi quan trọng với cậu thế nào.

Nhưng tôi cũng không để tâm lắm, vì các bạn WeChat khác của Ngao Bính toàn được lưu bằng họ tên đầy đủ, chỉ có bố cậu ấy được ghi là "bố", giáo viên thì ghi là "thầy", người nhà tôi được lưu là "Ba", "Mẹ", "Anh cả", "Anh hai".

So với họ, tôi đúng là đặc biệt nhất, tôi rất hài lòng.

Nhưng lúc này, Ngao Bính lại đột nhiên hỏi: "Anh biết vì sao không?"

Tôi ngơ ngác.

Đôi mắt sáng lấp lánh của Ngao Bính nhìn tôi chăm chú, như thể đang chờ mong câu trả lời của tôi. Giây phút đó, tôi như nghĩ lại từ vụ nổ Big Bang đến giờ, vắt óc suy nghĩ thật lâu, cuối cùng rụt rè hỏi: "Ờ... vì tên trên chứng minh thư của anh là Na Tra?"

Ngao Bính ngẩn người.

Rồi sau đó cậu bật cười.

Cậu che miệng, cúi đầu cười trước mặt tôi.

Lần đầu tiên tôi thấy cậu cười như thế là lúc cậu mượn thẻ cơm của tôi trong nhà ăn đại học, cậu quẹt của tôi 2.43 tệ. Lúc đó chúng tôi mỗi người cầm một cái khay, đứng cách nhau nửa mét, rất kiềm chế, rất lịch sự, là một khoảng cách xã giao bình thường.

Còn bây giờ khi tôi nhìn lại cậu, cậu ở gần tôi đến vậy, hơi thở gần như xuyên qua kẽ ngón tay đập thẳng vào lồng ngực tôi. Tôi có thể đếm rõ từng sợi lông mi của cậu, thấy rõ hướng tóc của cậu, chỉ cần tôi giơ tay ra là có thể ôm lấy Ngao Bính.

Ngao Bính thu lại nụ cười.

Khóe miệng và đuôi mắt vẫn còn dư âm của nụ cười ấy, ngẩng đầu nhìn vào mắt tôi. Cậu ấy luôn chân thành nhìn mọi người, không giấu giếm sự tôn trọng của mình với mọi sự tồn tại; nhưng chỉ có tôi là cậu ấy nhìn sâu sắc đến vậy, bởi vì Ngao Bính yêu tôi.

Giống như tôi yêu cậu ấy.

"Em từng nghĩ, có nên đặt biệt danh của anh là André không," Ngao Bính ngừng một chút, "nhưng sau cùng em không làm vậy."

"André là của Dorian, em không cần một André, em cũng không muốn một kết cục đầy tiếc nuối."

"Người em thích chính là Na Tra."

Ánh đèn trên đầu sáng rực, sân bay này giống như phòng cấp cứu bệnh viện, không phân biệt ngày đêm.

Luôn có người đến, luôn có người đi, luôn có người dừng lại rồi lại quay đầu rời đi, nhưng Ngao Bính vẫn ở đây.

Cậu đưa một tay lên trước, rồi tay còn lại cũng giơ lên theo, luồn qua cánh tay tôi và ôm lấy vai tôi, ôm tôi bằng một cái ôm gần như khảm vào đối phương.

Tôi theo phản xạ ôm lại cậu ấy. Cả hai chúng tôi đều thích ôm, bởi vì đó là hành động khiến trái tim hai người gần nhau nhất, thậm chí nhịp đập cũng có thể hòa vào nhau.

"Em sẽ không để Na Tra có một cái kết hụt hẫng, Na Tra cũng sẽ không cho em một cái kết đắng cay."

Ngao Bính chậm rãi nói: "Em chưa bao giờ ghen tỵ với tình yêu trong 'Thư gửi D' cả. Dù người khác đánh giá họ thế nào cũng không liên quan gì đến em, bởi vì Na Tra sẽ viết cho em một cuốn tình sử, thuộc về riêng hai chúng ta."

Cậu ngẩng đầu, khẽ kiễng chân, hôn nhẹ lên sống mũi tôi.

Tôi ngơ ngác nhìn cậu.

Ngao Bính cười, thì thầm nói: "Cái tên Na Tra, chính là tình sử của em."

Tôi không biết phải nói gì. Tôi cúi đầu, vùi mặt vào hõm vai cậu, mảnh vải bên má tôi ướt đẫm, dán lên vùng da quanh mắt tôi mát lạnh.

Giống như cảm giác mà Ngao Bính mang lại cho người khác, nhưng lại không giống trái tim của Ngao Bính.

"Thế nên cứ đi đi, đừng do dự."

Ngao Bính nhẹ nhàng vỗ lưng tôi.

"Hãy thêm vào cuốn tình sử của chúng ta phong cảnh của cả thế gian này."

"Em yêu anh."

·

Tôi siết chặt vòng tay, giam chặt Ngao Bính trong lòng.

Tôi nói: "Anh cũng yêu em."

Tôi nói: "Anh yêu em."

.

Bức tường kính khu hải quan ngăn giữa tôi và cậu. Ngao Bính vẫy tay với tôi, tôi cũng vẫy tay lại với cậu.

Tôi bước lên hai bước, quay đầu lại, Ngao Bính vẫn còn đứng đó.

Tôi nói: "Em đi mau đi! Còn phải lên lớp mà!"

Ngao Bính gọi lại: "Không sao! Em nhìn anh vào trong rồi mới đi!"

"Anh đi đây!" Tôi cười, "Em cũng đừng lưỡng lự nữa!"

Ngao Bính chớp chớp mắt, bất giác lắc đầu, cuối cùng lại vẫy tay với tôi một lần nữa rồi xoay người rời đi.

Tôi cũng xoay người bước về phía trước, không quay đầu lại nữa.

Trong hàng máy bay đang chờ cất cánh kia, có một chiếc sẽ đưa tôi rời đi, hướng về Bắc Mỹ. Tôi sẽ đáp xuống California trước, sau đó đến Boston, rồi làm thủ tục vào Toronto, băng qua biên giới đến Rio de Janeiro, liên hệ với đội thám hiểm để tiến sâu vào rừng rậm Amazon, cuối cùng mới trở về nước.

Tôi có lẽ sẽ mất khoảng nửa năm cho hành trình này, giữa tôi và Ngao Bính là cả một vòng Trái Đất.

Nhưng không sao cả.

Khoảng cách thể xác dù xa đến mấy cũng không sao, tôi và Ngao Bính rất gần nhau.

Trong phòng chờ người đông nghịt nhưng chẳng hề ồn ào. Tôi rảnh rỗi chẳng có việc gì làm, lôi cuốn sổ tay mang theo ra, kẹp bút giữa môi và sống mũi.

Ban đầu vốn định viết vài dòng linh tinh, coi như cảm nhận khởi đầu chuyến đi. Suy nghĩ mười phút, kết luận là buồn cười thật, chẳng có cảm nghĩ quái gì cả.

Tôi gập cuốn sổ lại.

Ngoài cửa kính, mặt trăng dần khuất bóng, mặt trời từng bước từng bước trèo lên. Khung cảnh rất đẹp, có người đứng bên đó chụp ảnh.

Tôi lại nghe thấy tiếng sóng biển.

Sóng vỗ ào ạt trong đầu tôi, chảy tràn qua linh hồn, vỗ vào bãi cát trong tim, cuốn đi cát sỏi và tàn tích của vỏ sò.

Điện thoại rung lên một tiếng. Tôi cầm lên xem, là con rồng con đang cuộn mình trong vỏ ốc gửi tin đến.

Cậu nhắn: Em đến trường rồi! Chuẩn bị vào học!

Tôi trả lời: Anh cũng sắp lên máy bay rồi!

Kèm theo ba cái emoji khoanh tay khoe cơ bắp.

Ngao Bính cũng trả lại ba emoji giống y chang. Tôi nhìn điện thoại, cười ngu như thằng đần.

Tên ngồi đối diện nhìn tôi với ánh mắt kỳ dị, tôi cũng chẳng kiêng dè gì mà nhìn thẳng lại. Tôi mong hắn ghi nhớ bát tự chân kinh của đời người, chuyện anh kệ anh, chuyện tôi kệ tôi.

Tên kia lập tức quay mắt đi. Ha, đồ hèn.

Tôi vẫn cười, mở lại cuốn sổ tay rách nát đó.

Mấy cái gọi là cảm nghĩ đầu hành trình tất nhiên tôi chẳng nghĩ ra cái quái gì. Nguồn cảm hứng của tôi không phải mấy dòng nhật ký du lịch.

Tôi đặt bút xuống, viết đoạn đầu tiên ở trang đầu cuốn sổ này.

.

Dương Tiễn rủ tôi ra sân bóng xem soái ca khoa bên đánh bóng rổ, tôi nói tôi không đi, tôi bận. Nó hỏi tôi bận gì?

Tôi trả lời nó: "Bận nghĩ cách chết."


/



Lời bạt của tác giả OldHills

Đúng vậy, viết một fanfic dài 160.000 chữ, tôi cũng phải viết lời bạt, bởi vì tôi là kiểu phụ nữ có nhu cầu hiện diện rất cao trên mạng.

Tổng kết lại là: Lần đầu tiên trong một khoảng thời gian ngắn như vậy mà tôi hoàn thành một truyện trung bình, tôi thấy mình giỏi thật.

Câu chuyện này lấy cảm hứng từ Thư tình gửi D của André Gorz. Thực ra tôi không đồng tình với quan điểm cho rằng cuốn sách đó thể hiện một "tình yêu vĩ đại". Theo quan điểm hiện tại của tôi, tình yêu của Gorz trong cuốn sách đó có một khoảng thời gian dài là "không đạt chuẩn"; nhưng trước hết, vì đó là một tác phẩm nước ngoài viết từ thế kỷ trước, chúng ta không thể dùng góc nhìn hiện đại và trong nước để phê phán hay phủ định tuyệt đối. Thứ hai, một tác phẩm văn học hay không nằm ở việc nó truyền tải tư tưởng gì, mà là ở chỗ nó có thể khiến người ta sản sinh tư tưởng của riêng mình. Vậy nên nếu có bạn nào vì truyện của tôi mà đi đọc Thư tình gửi D, và từ đó có cách hiểu riêng với câu chuyện, với cuộc đời và kiểu tình yêu ấy, thì tôi cho rằng đó chính là cái kết tốt nhất.

Tất nhiên rồi, "Tình sử gửi A" là thuộc về Sen Bánh. Tôi sẽ dùng góc nhìn hiện đại, trong nước, dựa trên thiết lập nguyên tác của Sủi Cảo thiên gia, và kết hợp với quan niệm tình yêu lý tưởng của tôi để kể lại câu chuyện của họ. Là một con người yêu thích Sen Bánh, là một đứa viết đồng nhân với mục tiêu ban đầu là để mang đến cho hai đứa nhiều khả năng hơn, nhiều tương lai tốt đẹp hơn, tôi đương nhiên phải dành cho hai đứa cái kết viên mãn nhất mà tôi có thể tưởng tượng ra.

Tôi không định nghĩa rõ lý do Na Tra chán đời trong truyện, dù trong lòng tôi cũng có một câu trả lời tương đối. Vì tôi nghĩ rằng nhiều khi, cảm giác chán đời sinh ra một cách lặng lẽ, có thể liên quan đến tuổi tác và quá khứ, mà cũng có thể chẳng liên quan gì. Thế nên phần này tôi để các bạn tự tưởng tượng, kiểu gì cũng được, có thể là bị xa lánh và ghét bỏ khi lớn lên, có thể do tính cách bẩm sinh nhạy cảm và khuynh hướng chủ nghĩa hư vô, hay bất kỳ lý do nào khác, các bạn cứ việc tự não bổ mở rộng.

Trước đây tôi cũng từng viết đề tài học đường, nhưng thực ra cá nhân tôi thấy học đường là thể loại mà tôi không giỏi nhất. Thế nhưng ngôi thứ nhất lại là "khu vực an toàn trong khu vực an toàn" của tôi, nên khi viết thì lại quá hăng. Nhiều chương dự định viết 6000 chữ, gõ xong ngẩng đầu nhìn lại, ui là chời đã 9000 chữ rồi.

Nói thật lòng, tôi không nghĩ truyện này viết hay đến mức nào. Cả truyện toàn mấy lối ví von khoa trương khoe mẽ chữ nghĩa, thua xa rất nhiều tác giả và cây viết thực sự có tài. Nhưng vì đây là ngôi thứ nhất, tôi luôn có cảm giác rằng trong đầu Sen chứa đủ thứ kỳ quặc, cái gì cũng có, cái gì cũng liên kết được. Vậy nên càng về sau tôi viết càng bay. Nếu có chỗ nào mọi người thấy nhân vật bị lệch tính cách thì tôi xin được quỳ gối nhận lỗi orz.

(Tiện đây. Thần hay Ma? Hóa ra cảnh báo OOC là khi tác giả thực sự cảm thấy mình viết lệch nhân vật mới cần dùng à? Tôi cứ tưởng đây là phép lịch sự và miễn trừ trách nhiệm thôi chứ? Mà thôi dù tôi có gắn cảnh báo OOC, nhưng nhân vật tôi viết là "thiên hạ đệ nhất dán mặt nạ nguyên tác" đấy (không phải đâu).)

Ừm thật ra cũng không còn gì để nói nữa. "Tình sử gửi A" là một truyện cứ khi nào có cảm hứng là tôi viết một chương. Ai mà ngờ được cảm hứng tôi ngày nào cũng tới, biến tôi từ một người viết hàng tuần thành người viết hàng ngày, đều tại Sen Bánh các người 🫵

Xin lỗi mấy chị em bên hố truyện bên cạnh nhé, nếu các bạn đọc được dòng này, xin đừng tìm tôi ngoài đời để xử lý, tôi sẽ quay lại viết tiếp đây.

Tóm lại, "Tình sử gửi A" đến đây là kết thúc rồi.

Trong suốt một tháng qua tôi đã nhận được rất rất nhiều bình luận và sự ủng hộ, thật sự rất biết ơn. Từ đầu tôi đã kiên định một điều: truyện này sẽ là HE siêu cấp vô địch, tông giọng chính là ngọt ngào, không có hiểu lầm tình cảm, không có nỗi đau mới, chỉ toàn là thấu hiểu và bao dung. Tôi nghĩ rằng, Sen Sen và Bánh Bánh trong thế giới gốc của hai đứa đã rất khổ rồi, tôi sống trong cái thế giới tồi tệ này cũng khổ rồi, mọi người sống cũng đã quá vất vả rồi, không cần thiết phải tự tìm nỗi đau làm gì.

Dù Lý Na Tra cuối cùng cũng không hề báo mộng cho tôi. Cái đồ nhóc con. Tôi sẽ coi như cậu rất hài lòng với những gì tôi đã viết nhé.

...

Về việc xuất bản, hiện tại tôi cũng có ý định này. Muốn thử chui lách thời hạn xem có kịp tham gia hội chợ CP không, nhưng bạn tôi đã hoàn toàn thất bại trong việc xin gian hàng, không biết có thể tìm được chỗ gửi bán không, mà quan trọng hơn là không biết có thể "chui ra" được bản in không...

Nếu làm được thì sẽ nhờ bạn tôi mang theo 50 cuốn (mong là đừng ế hhhh). Nếu không tham gia được thì không có gì bất ngờ, sẽ được phát hành trong kỳ nghỉ hè của tôi.

Nếu có bất ngờ thì thật sự bó tay. Dù sao đầu tháng Chín tôi lại phải đi rồi, hè này còn phải hoàn thành hai hố truyện và ba bản in, tổng cộng bảy trăm ngàn chữ, tôi cũng không chắc mình có đủ tinh lực và tiền rảnh để làm không 👉👈

Ừm, Lý Na Tra cậu cứ yên tâm. Nếu tôi có đủ năng lực, tôi nhất định sẽ đốt một cuốn gửi lên cho cậu, cậu muốn đọc cũng phải đọc, không muốn đọc cũng phải đọc – đó chính là kiểu "tình yêu cưỡng chế" của hội đồng nhân nữ chúng tôi (bị Ngao Bính kéo đi) (dùng đủ món đặc sản Tứ Xuyên như trứng hấp, bánh nướng, đậu hũ cay, thịt thỏ cay, gà xé, bánh lạnh, mì lạnh, hoành thánh đặc vị hối lộ Ngao Bính) (thoát thân thành công).

Khoan đã, người chết mới cần đốt, thần tiên phải cúng mới đúng.

Thế thì thôi vậy. Mới tra thử, miếu Na Tra gần nhà tôi nhất cũng cách 215 cây số, tôi không trả nổi tiền taxi.

Trừ khi tối nay cậu cùng vợ cậu báo mộng, nói cho tôi biết dãy số trúng xổ số tháng này.

Over.

À đúng rồi. Còn một lời chúc nữa.

Hãy yêu bản thân như cách Ngao Bính yêu Na Tra, và Na Tra yêu Ngao Bính.

Có thể yêu, nhưng không cần phải dốc hết sức mình để chờ được cứu rỗi hay yêu thương. Nếu bạn cảm thấy cả thế giới không yêu bạn, thì đừng yêu thế giới nữa, hãy thu lại tất cả tình cảm ấy, yêu chính mình là đủ rồi.

Over.

— OldHills



/



Lời editor — Ba đồng một mớ tình


Mình bắt đầu xin per từ cuối tháng ba, được tác giả đồng ý xong thì bắt đầu edit và đăng tải từ đầu tháng 4. Thực ra mình biết cũng có kha khá bạn đã dịch/edit fic này rồi nên ban đầu mình thậm chí còn khá phân vân không biết có nên tiếp tục edit và đăng lên không cơ. Nhưng mà thôi dù sao cũng xin phép tác giả rồi, và mình cũng thực sự rất rất rất yêu cái fic này nên coi như edit và đăng lên để giữ một bản cho riêng mình, sau này thỉnh thoảng cũng có thể lôi ra đọc lại cho tiện.

Mình mong bạn tác giả có thể mang chiếc fic này ra khỏi giới đồng nhân, gửi cho nhà xuất bản nào đó, nếu có mình nhất định sẽ mua một cuốn. Mình còn mong fic sẽ được chuyển thể thành phim, lúc đấy chắc chắn mình sẽ mua một vé đi xem. Có lẽ đây là tất cả những gì mình có thể bày tỏ về niềm yêu thích của mình với Gửi A, mình không quá giỏi bày tỏ bằng lời nên chỉ diễn tả được từng ấy. Na Tra và Ngao Bính của tác giả sống động vô cùng, giống như mình đang đọc hồi ký và một câu chuyện có thật, của hai người có thật chứ không chỉ là hai nhân vật thần thoại nữa. Na Tra và Ngao Bính của Gửi A, dù có cả trăm ngàn điểm khác biệt thì cũng vẫn có thể vì một điểm chung duy nhất mà yêu nhau, thấu hiểu nhau, đây có lẽ cũng chính là lý tưởng về tình yêu của mình. Có thể không hoàn toàn hoà hợp, nhưng sẽ luôn cùng nhau vượt qua những khác biệt để đến với nhau.

Mình edit fic này khi cũng đang là sinh viên đại học, còn khoảng 7 môn nữa thì ra trường. Mình rất đồng cảm với Na Tra trong truyện này, mình dường như thấy y chang bản thân trong đó, giống như đang đứng trước gương soi chiếu chính mình vậy. Mình không phải lúc nào cũng "bận nghĩ cách chết" như Na Tra, nhưng cũng thường xuyên chán đời, lạc lối, gặp khủng hoảng tuổi 20, peer pressure, rất nhiều rất nhiều những cảm xúc tiêu cực quẩn quanh thường trực trong lòng mình.

Nhưng mình vẫn có một niềm tin không đổi, đó là cuộc sống hạnh phúc nhất không phải là khi có tất cả mọi thứ, mà là khi biết buông bỏ những thứ không thuộc về mình. Mình hy vọng tất cả chúng ta đều có thể tìm được chốn bình yên của chính mình trong thế giới xô bồ này, dù bạn ở đâu, làm gì và đang đối mặt với những chuyện như thế nào, chúng ta đều là những con người đáng quý và xứng đáng có được hạnh phúc. Mình mong tất cả các bạn đều sẽ hạnh phúc, có thể là khi đọc truyện này, khi các bạn mở mắt thức dậy vào mỗi sáng, hoặc đơn giản là khi các bạn đang bế tắc nhất cũng có thể tìm lại được ánh sáng hạnh phúc của riêng mình.

Như tác giả cũng nói, và cũng là điều mình muốn nói, hãy học cách yêu chính mình thật nhiều, và hãy coi trọng hạnh phúc của chính mình hơn nữa nhé.

Cảm ơn các bạn đã đọc và ủng hộ mình suốt 30 chương truyện vừa qua, hy vọng các bạn sẽ tiếp tục yêu thương Sen Bánh và ủng hộ mình. Một lần nữa, cảm ơn các bạn rất nhiều. <3

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip