[SF] Nghiệt chủng (2)
Ngao Bính thầm kêu oan, không hiểu vì lý do gì mà lại vô cớ chọc giận Na Tra. May mà Na Tra có giận cũng chỉ là hờn dỗi vu vơ, không đánh không mắng cũng chẳng đập phá đồ đạc, đơn giản là quay mặt đi rồi tức tối bỏ ra ngoài.
Ngao Bính nghĩ Na Tra sẽ không trở lại. Một thời gian dài sau đó, Na Tra chỉ dùng phép để gửi quần áo và thức ăn cho y.
Chẳng bao lâu sau, Ngao Bính thấy Na Tra ôm một đống củi khô quay trở lại hang. Nhưng hình như hắn vẫn chưa hết giận, cứ coi Ngao Bính như không khí mà lướt qua.
Ngao Bính lấy làm thích thú, bèn vẫy tay trêu hắn: "Tiểu tướng quân, một mình ngươi nhặt chừng ấy củi không mệt sao? Hay là cởi bỏ cấm chế này, để ta giúp ngươi nhé?"
Lúc này Na Tra mới trợn mắt nhìn y một cái. Ngao Bính cứ thế ngồi yên tại chỗ, mỉm cười nhìn hắn, rõ ràng không có ý định đón lấy đống củi đó, hiển nhiên là nói đùa thôi. Cũng đành chịu, Ngao Bính đang bụng mang dạ chửa, nếu y nhấc mình vặn lưng sẽ không tốt cho đứa bé trong bụng.
Trong cuộc chiến diệt Trụ, số lượng quân Thương đầu hàng không ít, đa số cũng bị giam giữ và canh gác nghiêm ngặt như Ngao Bính, làm những công việc nặng nhọc như vận chuyển lương thảo, đào chiến hào. Dù sao thì tù binh nhà ai lại được đối xử đặc biệt như Ngao Bính kia chứ?
Na Tra có hơi tức giận, nhưng Ngao Bính cũng có lý do để không phải làm gì. Chẳng thể nào ép một người đang mang thai sắp đến kỳ sinh nở phải làm việc nặng. Trong tình cảnh hiện tại, thà nói Ngao Bính là tù binh của hắn, chi bằng nói hắn đã trở thành một tên đại ngốc, thay một người đàn ông không rõ danh tính chăm sóc vợ con giúp hắn.
Thời buổi loạn lạc, mạng người rẻ rúng như cỏ rác, có bao nhiêu người chồng ra đi rồi không bao giờ trở về. Những góa phụ buồn tủi đang mang thai lại phải tái giá với người khác. Trong thời kỳ rối ren, góa phụ biết chăm sóc tốt cho con cái thì không khó lấy chồng, hơn nữa có vài người còn được mang theo tài sản của người chồng quá cố. Ở Tây Kỳ có lễ "thặng báo hôn": "thặng" là sau khi cha chết, con trai cưới mẹ kế; "báo" là sau khi anh, chú chết, em trai cưới chị dâu, cháu trai cưới thím. Võ Vương sau khi anh cả mất cũng cưới vợ của anh cả là Ấp Khương. Trong quân đội, nhiều tướng sĩ không kén chọn gái tơ, mà lại chuyên lấy góa phụ. Một người anh em của Na Tra từng kể với hắn rằng ở Tây Kỳ, có những cô gái trước khi kết hôn chẳng ai thèm ngó ngàng tới, nhưng sau khi góa bụa lại trở thành "miếng mồi ngon", người đến cầu hôn đông như trẩy hội. Lý do rất đơn giản: một là có thể thay người đã khuất chăm sóc người còn sống, cả nhà vợ và nhà chồng góa phụ đều sẽ cảm kích; hai là phụ nữ đã từng kết hôn thường chín chắn hơn, biết quan tâm săn sóc, giặt giũ nấu nướng, vốn là mẫu vợ hiền dâu thảo sẵn có. Ba là con cái của một số góa phụ cũng đã đến tuổi có thể làm việc, thêm một đôi đũa đổi lấy một sức lao động trẻ khỏe, quá hời rồi còn gì.
Na Tra buồn bực nhủ thầm, trường hợp của hắn còn khác biệt với người ta. Na Tra chỉ thực hiện nghĩa vụ của một người chồng, nhưng chưa từng hưởng một chút quyền lợi nào như một người chồng đúng nghĩa, quả thật là kẻ khờ xách đèn đi khắp nơi cũng tìm không thấy.
Sau khi đốt lửa xong, Na Tra thuận thế nằm xuống đùi Ngao Bính. Hắn nghĩ mình đã chăm sóc Ngao Bính lâu như vậy, giúp y tránh được khổ nạn chiến tranh, còn cho y cuộc sống ấm no không thiếu thốn, vậy thì thu chút tiền lời cũng chẳng có gì quá đáng. Ngao Bính nhắm mắt dưỡng thần, mở mắt ra thì thấy Na Tra đang nằm trên đùi mình, rồi y lại tiếp tục nhắm mắt. Dù sao Na Tra cũng đã phát triển thành thiếu niên, cân nặng không hề nhẹ, nằm lâu sẽ khiến người ta tê chân. Nhưng Ngao Bính cũng không tiện hất văng cậu trai đang nằm vạ trên đùi mình xuống, đành phải giả vờ như không có chuyện gì, trong lòng thầm cầu mong Na Tra có thể mau chóng đứng dậy.
Na Tra nhìn gương mặt của Ngao Bính, chỉ cảm thấy Ngao Bính lạnh nhạt với hắn, không chừng Ngao Bính vẫn còn nhớ thương người chồng vong ân bội nghĩa của y, tự mình thủ tiết theo những đức hạnh của thời xưa. Người đàn ông không rõ danh tính đó lâu như vậy không đến tìm Ngao Bính, hoặc là đã cưới người khác, hoặc là đã chết vất vưởng ở đâu đó không ai chôn cất, bỏ lại vợ con, chỉ chờ kẻ ngu ngốc nào đó đến tiếp quản.
Na Tra nghĩ đến đây thì căm hờn đến nghiến răng ken két. Hắn lật người lại, đưa mắt nhìn Ngao Bính không rời. Hắn ngắm gương mặt tĩnh lặng và thanh tú của Ngao Bính, có một thoáng muốn đặt lên môi hôn, nhưng rất nhanh lại biến thành cơn giận dữ. Nhỡ Ngao Bính vẫn còn thiết tha với người đàn ông đã vứt quách y như một đôi giày cũ thì sao, hắn dựa vào đâu mà phải sốt sắng lao đầu vào một con yêu long đang mang thai bị người ta bỏ rơi chứ?
Thế là Na Tra không hôn lên mà dứt khoát ngồi dậy, cắn một cái thật mạnh vào má Ngao Bính, nghe tiếng y đau đớn kêu lên thì phi như bay trên Phong Hỏa Luân rồi biến đi mất dạng.
Nhân lúc rảnh rỗi giữa những trận đánh, Na Tra lại chạy đến hang động. Ngao Bính cũng đã quen với việc hắn đến thăm, thậm chí là những tiếp xúc cơ thể thân mật.
Ở chốn nhân gian đầy rẫy sinh linh lầm than này, cái hang nhỏ bé đó lại là tổ ấm an lạc mà Na Tra đích thân tạo nên. Đôi khi Na Tra sẽ nằm trên đùi Ngao Bính, áp tai vào vòng bụng đang nhô cao vì mang thai của y, cảm nhận nhịp đập của sinh mệnh non trẻ. Khác với hơi thở chết chóc bao trùm khắp nơi, đó chính là hy vọng sống.
Bọn họ nối tiếp nhau xông vào con đường chết chỉ để đổi lấy một tia hy vọng.
Na Tra thầm nghĩ, hắn ghét Ngao Bính, ghét cay ghét đắng lũ yêu vật, ghét cả vẻ mặt luôn an nhiên tự tại, không cầu mong gì khác của Ngao Bính.
Hắn phải thừa nhận khi ở bên cạnh Ngao Bính, hắn luôn cảm thấy vui vẻ. Ở lại quân doanh, mỗi ngày đều phải chứng kiến cảnh chém giết đẫm máu. Dù quân Thương áp đảo hay quân Chu đại thắng, tóm lại ngày nào cũng có người chết, tiếng kêu than thảm thiết vang lên khắp hang cùng ngõ hẹp. Những người có pháp lực cao cường thì nhiều vô kể, nhưng không ai dám chắc mình còn có thể nhìn thấy mặt trời mọc vào ngày mai hay không. Sinh ly tử biệt là chuyện thường tình, nhưng dù thế nào cũng phải nghiến răng chịu đựng, gối gươm chờ sáng để tiếp tục cuộc chiến này. Nếu không đánh trận, người chết vì sự tàn bạo của Trụ Vương sẽ còn nhiều hơn, thê thảm hơn gấp bội.
Bị một cây thương đánh ngã trên chiến trường rồi mặc cho hàng ngàn binh lính giẫm thành thịt nát còn tốt hơn nhiều so với việc bị lôi đến Triều Ca, sau đó phải chịu những hình phạt như pháo lạc* hay bị ném vào một bồn toàn rắn rết. Nghe nói Vương hậu Đát Kỷ ăn chán chê cung nữ rồi, muốn đổi khẩu vị nên chuyên chọn những tráng sĩ khỏe mạnh để ăn. Thị ta thường nhốt người trên Trích Tinh Lâu, sau đó mở thiết yến cho con cháu yêu hồ, đêm đêm là lúc diễn ra những bữa tiệc xa hoa, tốn kém. Dân chúng Triều Ca ai nấy đều lo sợ cho bản thân, thà kéo cả gia đình đi xa hàng ngàn dặm đến Tây Kỳ để tìm nơi nương tựa. Nhờ vậy mà ruộng đồng ở Tây Kỳ không bị bỏ hoang, còn có đàn xe lương thảo vận chuyển đến tiền tuyến, hỗ trợ cuộc chiến dai dẳng này tiếp diễn.
Mỗi khi giành chiến thắng và công hạ được một thành trì, dân chúng sẽ dẫn vợ con cả già lẫn trẻ ra đứng hai bên đường để chào đón quân Chu. Nghe những tiếng hoan hô ca tụng xung quanh, Na Tra cũng thấy lâng lâng trong lòng. Xuyên suốt cuộc chiến u ám và đẫm máu này, đây là khoảnh khắc Na Tra cảm nhận được niềm vui sướng tột đỉnh, còn sảng khoái hơn cả việc anh dũng giết địch trên chiến trường.
Đêm hôm đó, sau khi vào thành, Võ Vương tuyên bố toàn quân sẽ đóng trại và nghỉ ngơi năm ngày trong thành. Họ bắt đầu đốt lửa trại và nhận tiệc rượu từ dân chúng, cùng nhau ăn mừng chiến thắng khó khăn này ngay tại thành. Na Tra cũng cùng các tướng sĩ uống một chút rượu. Uống rượu thì còn quá sớm so với tuổi tác của Na Tra, nhưng đối với một mũi nhọn tiên phong diệt Trụ thì vẫn thừa sức.
Khi đã ngà ngà say, những người lính già vây quanh đống lửa trại vừa tán gẫu đủ thứ chuyện trên trời dưới biển vừa ăn thịt nướng. Các tướng sĩ cuối cùng cũng có thể cởi bỏ bộ giáp nặng nề, thả lỏng khối thần kinh căng thẳng, tận hưởng giây phút bình yên hiếm hoi và ngủ một giấc ngon lành.
Người lính già ngồi cạnh Na Tra bắt đầu kể chuyện xưa, nói rằng ông từng theo Thái Sư chinh phục Bắc Hải, nam phạt Quỷ Phương, nhưng ông chưa bao giờ thấy trận chiến nào sảng khoái và ý nghĩa như trận ngày hôm nay.
Bách tính thiên hạ đã chịu đựng sự tàn bạo, vô nhân tính của Trụ Vương quá lâu. Dù không nhắc đến yêu nghiệt hoành hành, chỉ riêng thuế khóa và lao dịch đã khiến dân chúng oán than. Nhiều người không chịu nổi gánh nặng đã dẫn vợ con già trẻ đi tự vẫn. Mỗi khi công hạ được một thành trì chính là cứu được dân chúng của một thành. Đây là công đức vô lượng khi cứu thế nhân khỏi cảnh nước sôi lửa bỏng. Dù không có Phong Thần Bảng, nhưng tương truyền rằng người muốn thành tiên trên trời phải lập một nghìn ba trăm điều thiện, người muốn thành tiên dưới đất phải lập ba trăm điều thiện. Công đức chất cao như núi còn sợ không thành tiên sao?
Khi mọi người đang nói chuyện vui vẻ, bỗng có người nhắc đến Na Tra gần đây hay lén la lén lút, vừa nhìn đã biết là đang thầm thương trộm nhớ con gái nhà ai, nên bận rộn đi hẹn hò. Thế là các tướng sĩ trêu chọc rôm rả, hỏi cô gái nào có phúc khí như vậy, thấy Na Tra đỏ mặt cúi đầu thì có người nhanh nhảu vỗ ngực nói sẽ giúp Na Tra tác thành chuyện tốt này.
Na Tra vì say rượu nên đầu óc lơ mơ, bèn tuôn ra hết tâm sự thầm kín của một thiếu niên mười bốn tuổi: không phải con gái nhà ai cả, mà là một người quen cũ hắn gặp ở Trần Đường Quan ngày trước. Mấy năm nay, y đã thành góa phụ và có con, vì đi lại bất tiện nên Na Tra chỉ có thể tranh thủ lúc rảnh rỗi giữa chiến trận để chăm sóc y. Chưa phải chính thức hẹn hò, người đó trong lòng dường như vẫn còn vướng bận chuyện chồng con, Na Tra chỉ đến chăm sóc y và con cái, được trò chuyện cùng y là đã mãn nguyện lắm rồi.
Nghe xong những lời này, mọi người đều bàn tán xôn xao. Có người khen Na Tra là một kẻ si tình hiếm thấy trên đời, cũng có người bênh vực Na Tra, nói: "Huynh đệ Na Tra chăm sóc nàng ta bấy nhiêu năm, sao người phụ nữ này lại cổ hủ đến vậy?". Lại có người nói Na Tra là thiếu niên anh hùng trăm người có một, hà tất phải cố chấp với một tình yêu như vậy? Cũng có người khuyên Na Tra rằng phụ nữ hay làm mình làm mẩy, ngoài việc đối tốt với nàng và con nàng thì phải mạnh mẽ một chút, cho nàng thấy bản lĩnh đàn ông của mình mới được.
Na Tra đồng ý, những lời đó hắn nghe câu được câu chăng. Đêm đã khuya, sau khi mọi người tản đi thì đều chìm sâu vào giấc ngủ.
Na Tra nằm xuống, bỗng bị tiếng gió đêm gào thét ngoài cửa sổ làm cho giật mình. Na Tra bật dậy, tay nắm chặt Càn Khôn Quyển, nhìn trái nhìn phải không thấy điều gì bất thường rồi mới nằm xuống lại. Hắn cứ trằn trọc trên giường như lật bánh rán, không sao ngủ yên được. Kể từ khi Na Tra nhập quân doanh, hắn hầu như chưa bao giờ ngủ cho tròn giấc. Ngoài việc thay phiên nhau thức đêm canh gác, trong giấc ngủ cũng không được ngủ quá say, lúc nào cũng phải nơm nớp lo sợ quân địch tập kích ban đêm. Khó khăn lắm mới giành được thắng lợi, toàn quân được nghỉ ngơi năm ngày, vậy mà hắn lại mất ngủ. Na Tra thầm thấy không ổn.
Thực ra khi đánh trận vào những ngày thường, sự nhạy bén quá mức này là một ưu điểm. Dưới trướng Trụ Vương không thiếu những người tài giỏi có thể bay lượn hay độn thổ, thủ đoạn cũng độc ác đến cùng cực. Na Tra nhờ sự nhạy bén kinh người của mình mà không biết đã tránh được bao nhiêu mũi tên hòn đạn, bao nhiêu cuộc tập kích ám sát. Vì Na Tra luôn là người đầu tiên ngửi thấy nguy hiểm từ vẻ ngoài yên bình, hắn cũng đã cứu được không ít tướng sĩ trong doanh trại.
Mọi người đều khen Na Tra tựa như chư tiên hạ phàm, đoán địch như thần.
Thế nhưng giờ phút này, Na Tra chỉ thấy khổ sở vì sự mẫn cảm này. Hắn nhắm mắt lại, bắt đầu cố gắng tưởng tượng mình không ở chiến trường, thậm chí chưa từng đánh trận. Hắn vẫn ở Trần Đường Quan, sống một cuộc đời vô âu vô lo, ngây thơ trong sáng. Ở đó có mẹ, có huynh đệ, có Đông Hải mênh mông, và có cả Ngao Bính. Không biết qua bao lâu, Na Tra đã chìm vào giấc ngủ. Mất ngủ đến nửa đêm, cuối cùng cũng nghỉ ngơi được vài tiếng đồng hồ.
"Trời tối rồi, ngươi không về nhà sao? Đi đêm đáng sợ lắm đấy."
Tuy Na Tra thường xuyên lui tới, nhưng đây là lần đầu tiên hắn ở qua đêm tại hang động.
Ngao Bính ngước nhìn lên bầu trời, bên ngoài cửa hang là màn đêm tối tăm trải dài vô tận khó mà lường được, đâu đó vọng đến tiếng gió rít gào dữ dội. Y biết nhiều bậc cha mẹ người phàm sẽ dọa con cái bằng bóng đêm để chúng ngoan ngoãn, dặn chúng ra ngoài cẩn thận kẻo bị yêu quái bắt đi, rồi chỉ tay lên mặt trăng, bảo chúng mau đi ngủ, nếu không là bị mặt trăng cắt mất tai. Có lẽ vì đang mang thai, nên y bắt đầu hiểu được tâm trạng của một người làm cha làm mẹ.
Na Tra hừ lạnh một tiếng, tìm chăn màn trong túi Càn Khôn rồi trải ra thật cẩn thận, tỏ rõ ý định sẽ ngủ lại đây đêm nay. "Ngay cả một con ác long ăn thịt người như ngươi ta còn không sợ, thì bóng tối có xá chi?"
"Ta không ngại nhường chỗ cho ngươi đâu, dù sao nếu cha mẹ ngươi đến tìm, thì đừng đổ oan cho ta đã bắt cóc ngươi là được."
Na Tra nghe vậy thì túm một nắm rơm định nhét vào miệng Ngao Bính. Ngao Bính đang bụng mang dạ chửa nên đi lại bất tiện. Dù cố sức lùi về sau và muốn đẩy Na Tra ra, nhưng vẫn bị hắn khóa rịt hai cổ tay. Ngao Bính giãy giụa một chút, chỉ thấy cổ tay mình như bị kìm sắt kẹp chặt không thể nhúc nhích, mà những vết chai sạn trên tay Na Tra lại mài đau da thịt ở cổ tay y.
Na Tra không nhét rơm vào miệng y, nhưng tâm địa cũng chẳng tốt đẹp gì cho cam, hắn bèn nhét rơm theo cổ áo Ngao Bính rồi luồn vào trong. Mớ cỏ khô ráp chọc vào da thịt khiến người ta đau rát. Ngao Bính lẩm bẩm chửi rủa, quay lưng lại với Na Tra rồi cởi từng lớp áo một, cẩn thận rũ sạch cỏ dại mắc kẹt trong quần áo xuống đất. "Ngươi không được nhìn ta." "Con yêu long nhà ngươi thật đáng ghét!"
Na Tra chỉ thi triển một chút phép đã dập tắt đống lửa trại.
Ngao Bính nén giận trong lòng, nằm vùi vào chăn với một tư thế không đè lên bụng dưới. Na Tra nằm rất gần y, vốn có thể cảm nhận được hơi thở thoảng hương sen thanh sạch của Na Tra, tiếng thở vang lên đều đặn, dường như đã ngủ mất rồi.
Sau nhiều năm quen biết thì trong lòng Ngao Bính, Na Tra đã không còn là một món ăn hiếu động hay một kẻ tử thù nữa. Nhưng y vẫn không thể đoán được đứa trẻ mười bốn tuổi này có nhà không về lại cứ muốn ngủ trong một cái hang rách nát. Ngao Bính nói chuyện với hắn một cách tử tế, chẳng hiểu sao lại đụng phải vận xui của Na Tra, khiến hắn nổi cơn thịnh nộ. Ngao Bính nghĩ Na Tra sẽ vung tay đánh y, nhưng rồi hắn lại nhẹ nhàng xử lý mọi chuyện.
Ngao Bính nhìn bóng hình của Na Tra ẩn trong đêm tối. Có khi Na Tra nói muốn giết y, lúc lại nói muốn đánh y, nhưng cuối cùng đều không xảy ra, trái lại còn thản nhiên trải giường nằm ngủ bên cạnh y. Ngao Bính thực sự không biết giây phút tiếp theo Na Tra sẽ nảy ra ý định kỳ quặc gì, nói câu nào sẽ khiến Na Tra vui vẻ, lời lẽ thế nào sẽ làm Na Tra cáu gắt.
Ngao Bính có đồng loại thường sống ở nhân gian đã nói với y rằng: "Đừng tưởng hóa thành hình người, nói được tiếng người là có thể giao tiếp với nhân loại. Thật ra còn xa lắm, lòng người thay đổi thất thường, đôi khi nói muốn lại là không muốn, nói không muốn lại là muốn." Ai dà, nhưng cũng có trường hợp nói muốn là muốn thật, nói không muốn là không muốn thật. Tóm lại là phải suy nghĩ thật kỹ càng về những điều ẩn giấu bên trong. Lúc đó, Ngao Bính nghe xong đã không muốn dây dưa với đám phàm nhân. Ngao Bính tự biết bản thân trong số những yêu vật, thì thuộc loại không hiểu lòng người. Những yêu vật thấu đáo lòng người thì luôn vừa mới học được cách hóa hình là đã biết rung động, sau đó kết hôn sinh con với phàm nhân, vướng vào khổ đau của cơm áo gạo tiền và thất tình lục dục, cho đến một ngày bị đạo sĩ nhìn thấu nguyên hình, vậy là uổng phí cả ngàn năm đạo hạnh. Thà cứ không hiểu tâm tư của người phàm thì hơn.
Ngao Bính nghĩ mãi không thông, quyết định mở miệng hỏi Na Tra đang ở gần kề: "Ngươi ghét ta đến vậy, sao vẫn cứ bám riết lấy ta không buông? Ngươi kỳ lạ thật."
Trong hang động yên tĩnh, chỉ nghe thấy tiếng gió núi dội ào ào. Na Tra không trả lời y. Ngao Bính ngấm ngầm hạ quyết tâm, nghĩ rằng sáng mai nhất định phải hỏi cho ra nhẽ khúc mắc này của Na Tra: tại sao có phủ Tổng binh Trần Đường Quan không ở, lại cứ thích đến cái hang rách nát này ở? Ngao Bính nghĩ nhân loại là loài thích sự thoải mái nhất, sẽ ngủ trên giường gỗ chạm trổ, trải đệm làm bằng da thú, đắp chăn dày và mềm hơn cả mây, ở trong những ngôi nhà cao lớn kiên cố, một chút mưa rền gió dữ vào ban đêm cũng không nghe lọt tai. Cậu trai trẻ này có phúc không biết hưởng, lại cứ chạy đến ngủ trong hang là sao? Ngao Bính bắt đầu tưởng tượng nơi mình đang ngủ không phải trong hang động lạnh lẽo u tối, mà là trong phòng của Tam công tử ở phủ Tổng binh Trần Đường Quan. Thế là Ngao Bính dần thiếp đi.
Lần này Na Tra thật sự ngủ sâu giấc, trong mơ hắn còn bất giác rúc vào người Ngao Bính, vùi đầu vào vòng ôm ấm áp mềm mại của y như thể được quay về với tử cung của người mẹ, cảm giác thật an tâm biết bao. Na Tra đánh một giấc ngon lành, tạm thời vứt bỏ chiến tranh và cái chết ra khỏi tâm trí. Trong cơn mộng mị, Ngao Bính chỉ nghĩ trong vòng tay mình là tấm chăn dày dặn êm ái, cứ thế ôm chặt hơn, còn dụi mặt vào đó.
Na Tra vô thức gọi "mẹ" từng tiếng. Ngao Bính lại tưởng mình tình cờ đè phải khúc ruột trong bụng, đứa bé đó đang ở trong lớp vỏ cứng cáp gọi mình, thế là cũng mơ màng đáp lại.
Sáng hôm sau, khi Ngao Bính vừa mở mắt đã thấy Na Tra rời đi rồi.
____________
*: Pháo lạc là hình phạt buộc người vào cây cột được nung nóng, để người đó bị bỏng đến chết.
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip