Chương 19
Nhiếp Ân Tây dần cảm thấy việc sống trên núi cũng không đến mức quá khó chịu, ít nhất ở đây không khí trong lành, phong cảnh yên bình, rất phù hợp để cậu vẽ tranh. Hơn nữa, cuộc sống nơi đây cực kỳ đơn giản, đã loại bỏ hết sự xô bồ và hào nhoáng của thành phố đi rồi. Mỗi ngày trôi qua, cậu không hay biết mình đang cùng Chu Vũ tiêu tốn thời gian như thế nào, vậy mà ngày tháng lại chẳng hề trôi chậm.
Vốn dĩ cậu không phải người ưa giao tiếp. Khi còn đi học, ngoài một hai người bạn thân ra thì với những người khác cậu gần như không có mối liên hệ gì. Thời gian rảnh chủ yếu cậu dùng để vẽ tranh, thỉnh thoảng cũng có hứng thú chạy theo mấy trào lưu mới.
Và còn một điều nữa, trên núi có Chu Vũ.
Nhiếp Ân Tây hoàn toàn không dám tự hỏi tình cảm của mình dành cho Chu Vũ là gì. Mỗi lần câu hỏi đó thoáng hiện lên trong tâm trí, cậu lại lập tức né tránh, cố gắng xóa sạch suy nghĩ ấy đi, không cho mình nghĩ tiếp nữa. Cậu cảm thấy bản thân như vậy thật đáng xấu hổ, rõ ràng chỉ là một câu hỏi đơn giản mà lại không có cách nào trả lời.
Là Chu Vũ đã giam giữ cậu ở nơi này.
Nhưng cũng chính Chu Vũ là người đội mưa vượt đường núi mang bảng vẽ về cho cậu, là người thà để bản thân đói nhưng cố gắng cho cậu ăn những thứ tốt nhất trong khả năng của gã, là người đặt cả trái tim chân thành trước mặt Nhiếp Ân Tây một cách trọn vẹn.
Thế nhưng Nhiếp Ân Tây lại không dám nhận.
Thật ra điều khiến cậu sợ hãi nhất chính là việc ý định bỏ trốn của mình ngày càng nhạt dần. Mỗi ngày cậu sống với Chu Vũ như một cặp đôi thực sự, nếu nói đó chỉ là diễn kịch thì chính Nhiếp Ân Tây cũng cảm thấy buồn cười. Phần lớn thời gian cậu chìm đắm trong không khí ngọt ngào và bình dị ấy, thỉnh thoảng mới đột nhiên tỉnh ra mà nhớ đến ngôi nhà xa xôi của mình.
Cậu thường trằn trọc mỗi đêm, bối rối tìm cách chạy trốn, nhưng trong đầu lại cứ hiện lên hình ảnh Chu Vũ cúi đầu cười dịu dàng. Tim Nhiếp Ân Tây như bị bóp nghẹn, vừa chua xót vừa căng tức. Cậu cố gắng ép mình phải bình tĩnh và tàn nhẫn mà tự nhủ rằng, mình nhất định sẽ không ở lại đây.
Thế rồi Nhiếp Ân Tây tìm được một cách mới để kết nối với thế giới bên ngoài.
Từ sau khi hai người làm lành, mỗi tuần Chu Vũ đều đưa cậu xuống nhà bác cả ăn cơm. Một lần, họ tình cờ gặp Chu Viễn đang làm bài tập. Cậu nhóc ngồi trên chiếc ghế con ngoài sân, vò đầu bứt tai vì một bài toán lớp bốn.
Vì bận chăm sóc Nhiếp Ân Tây nên đã lâu Chu Vũ không còn thời gian để kèm Chu Viễn học nữa.
Gặp lại lần này, Chu Vũ dắt tay Nhiếp Ân Tây đi tới xem. Khi thấy quyển sách bài tập in rõ nét đen trắng, câu hỏi toán tiểu học quen thuộc mở đầu bằng "bạn Minh" làm Nhiếp Ân Tây đột nhiên cảm thấy như vừa lạc vào một thế giới xa lạ nào đó.
Cậu ngơ ngác nhìn Chu Vũ cúi người giải đề.
Dù gì thì toán lớp bốn cũng chỉ là mấy phép tính đơn giản, mà Chu Vũ lại từng học hết cấp hai, nên làm được là điều dễ hiểu.
Có điều gã không biết giảng bài, chỉ giải một cách trực tiếp rồi đọc kết quả lên. Mà Chu Viễn lại không phải kiểu học sinh nhanh nhạy, Chu Vũ nói hai ba lần cậu nhóc vẫn chưa hiểu. Nhiếp Ân Tây không thể nhìn được nữa, liền nhẹ giọng chỉ ra các bước chính. Chu Viễn là một trong hai người duy nhất trong nhà có thể hiểu được lời Nhiếp Ân Tây, cậu nhóc rụt rè, lần đầu được chị dâu nói chuyện nên chỉ biết đờ ra nhìn Nhiếp Ân Tây, chưa kịp phản ứng.
Chu Vũ liền vỗ nhẹ đầu em trai, hỏi: "Ngơ ra làm gì đấy?"
Chu Viễn lí nhí nói bằng tiếng địa phương rằng "chị dâu đẹp quá", rồi mới có vẻ hào hứng hơn, chủ động nhờ Nhiếp Ân Tây giảng lại. Cậu liền kiên nhẫn giảng giải thêm một lượt nữa và lần này thì Chu Viễn đã hiểu rồi.
Lúc đó, bác gái đang quét sân liền cười nói: "Vợ thằng cả là người thành phố có khác. Thằng Vũ à, cháu nhớ đưa Ân Tây tới chơi thường xuyên nhé, cho thằng út nó học hỏi thêm."
Chu Vũ vốn luôn kính trọng người lớn nên lập tức đồng ý một cách nghiêm túc, thường xuyên đưa Nhiếp Ân Tây xuống núi thăm nhà.
Về phần Chu Viễn, cậu nhóc cũng xem Nhiếp Ân Tây như một người thầy thực sự. Khi học thì gọi cậu là "thầy" chứ không gọi "chị dâu" nữa. Nhờ đó, Nhiếp Ân Tây cuối cùng cũng cảm thấy mình không chỉ có ích trong việc nấu cơm hay vẽ tranh. Cậu dạy Chu Viễn học đầy hứng khởi, thậm chí còn giúp cậu nhóc ôn tập và dạy luôn phần bài mới.
Một lần nọ, Nhiếp Ân Tây nhìn thấy vở bài tập của Chu Viễn có dấu đỏ của giáo viên, nét chữ mềm mại và nhỏ gọn, đoán chắc là giáo viên nữ. Cậu âm thầm hỏi dò thì biết người đó là giáo viên từ huyện khác đến, vì trường trên núi thiếu người nên cô phải kiêm cả dạy toán, tiếng Trung lẫn âm nhạc.
Tối hôm đó, Nhiếp Ân Tây suy tính mãi rồi quyết định truyền tin cầu cứu bằng cách ghi vào vở bài tập.
Lần kế tiếp xuống núi, cậu mang theo cuốn vở Chu Vũ từng mua, trong đó đã kín tranh cậu vẽ. Quả nhiên, khi vừa thấy, Chu Viễn đã nhao nhao đòi học vẽ. Nhiếp Ân Tây bảo muốn học thì phải làm bài xong trước, sau khi chấm xong cậu mới dạy vẽ cho.
Chu Vũ cũng không mảy may nghi ngờ, trong mắt gã thì việc Nhiếp Ân Tây yêu thích hội họa, lại truyền cảm hứng cho người khác là điều hoàn toàn bình thường.
Vì Chu Viễn không có nhiều giấy, nên Nhiếp Ân Tây bảo cậu nhóc vẽ vào mặt sau của vở bài tập. Để chắc chắn thu hút sự chú ý của cô giáo, cậu vẽ trước một nhân vật hoạt hình đang rất nổi ở thành phố, rồi mới từ từ hướng dẫn Chu Viễn tô nét.
Chu Viễn học rất chăm, còn hỏi cậu: "Thầy ơi, con búp bê này dễ thương ghê, nó tên gì vậy ạ?"
Nhiếp Ân Tây vẽ xong tai, liền đáp tên là Bé Đinh Đang, trẻ con thành phố ai cũng thích hết.
Chu Viễn gật gù đầy ngưỡng mộ.
Khi hoàn thiện nét cuối cùng, Nhiếp Ân Tây vừa vô thức khen Chu Viễn vài câu, vừa vẽ thêm một ký hiệu sos ngay trên túi áo của bé Đinh Đang.
Vì là trẻ con lại tò mò, Chu Viễn bèn hỏi Nhiếp Ân Tây rằng cái chữ như con sâu này là gì vậy.
Nhiếp Ân Tây cố gắng gượng cười, đáp rằng: "Đó là tên của nó đó."
Chu Viễn nghe rồi chỉ mơ hồ gật gù.
Lúc về nhà, Nhiếp Ân Tây nắm tay Chu Vũ rất vui vẻ, cậu tin chắc cô giáo kia sẽ thấy tín hiệu cầu cứu của mình. Thế nhưng cậu lại không dám nhìn thẳng vào mắt Chu Vũ. Hôm nay Chu Vũ lại đặc biệt quấn quýt, đến tối đi ngủ cũng không buông cậu ra.
Cậu đâu hay biết rằng, trước khi rời khỏi nhà bác cả Chu, Chu Vũ đã âm thầm dặn Chu Đại Trụ xóa hết mọi dấu vết mà Nhiếp Ân Tây để lại trong vở bài tập của Chu Viễn.
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip