Chương 1

Cậu cả Tương Hách là hạng thanh niên mà bất kỳ nhà nào có con gái trong vòng mười dặm đều nhắm mắt gật đầu ưng bụng muốn kén làm con rể. Cậu là trưởng nam độc đinh, con đầu lòng của ông bá hộ Lý - chủ điền giàu nứt tiếng xứ Vàm Xoáy, ruộng trải dài qua ba xã, ghe lúa đậu đầy bến, nhà cao cửa rộng khang trang, gia nhân thì không dưới trăm người.

Cậu cả tuổi vừa hai mốt, dáng người dong dỏng, trán cao, mắt sáng, phong thái nho nhã, hoàn toàn không giống người lớn lên ở cái xứ quê mùa. Ai cũng bảo cái tướng này của cậu là tướng "đỉnh đầu có ấn quan, hậu vận sung túc". Nhưng cái mà người ta mê nhứt ở cậu không phải chỉ có cái tướng, mà là cái chữ.

Cậu lên sáu biết đọc chữ Hán, lên bảy đã thuộc vanh vách Tam tự kinh. Mười ba tuổi đã tự mình dịch thơ Đường, luận nghĩa Khổng Mạnh không vấp một chữ. Rồi sau học thêm chữ quốc ngữ, chữ Pháp, đọc báo Le Courrier de Saïgon như đọc truyện thiếu nhi. Cái bụng cậu cả Tương Hách chứa không biết bao nhiêu là sách, là chữ. Người làng hay nói vui với nhau rằng "cậu Hách hắt hơi chắc cũng ra được bài thi hương".

Ấy vậy mà, cái người chữ nghĩa đầy óc, tướng mạo nghi biểu, con trưởng nhà giàu có danh tiếng như vậy lại nhứt quyết không chịu lấy vợ.

Bà bá hộ ngày nào cũng thấp thỏm, nhai trầu mà miệng lẩm bẩm: "Con trai nhà người ta mười tám mười chín đã vợ con đề huề hết cả. Nhìn lại con mình... chằn chặn cái tuổi tráng niên mà còn giữ thân giữ mình như thằng sư cụ."

Còn ông bá hộ thì khỏi phải nói, mấy bữa rày vừa dậm chân vừa bực mình chửi: "Không lẽ mầy muốn tao làm sui hụt với ông giáo Đỗ hở Hách? Mầy muốn cha mầy mang tiếng thất tín cả làng này sao, con?

Mà chuyện éo le đâu phải chỉ dừng lại ở chuyện cậu Hách không chịu cưới, nó nằm ở chỗ người được chọn làm vợ cậu… lại là một người cũng mang thân phận đàn ông.

Em Lan là con trai út của ông giáo Đỗ - người bạn tâm giao của bá hộ Lý. Em Lan xinh trai, nước da trắng hồng như con gái, tính tình từ nhỏ cũng hiền dịu nết na, lại con thích bếp núc, thích may vá thêu thùa. Tuy là con trai nhưng đảm đang chẳng thua gì con gái, ông bà bá hộ Lý cũng rất ưng bụng đứa dâu này.

Mối hôn ước này đã có từ hồi xưa, cái hồi mà mấy đứa nhỏ còn chưa được sanh ra trên đời nữa. Bá hộ Lý lúc nhỏ lạc mất gia đình, may mắn được ông bà thân sinh của giáo Đỗ cưu mang, dạy cho từng con chữ, ông nghiễm nhiên xem giáo Đỗ như anh em trong nhà. Vốn sáng dạ, ông học một hiểu mười, lúc giàu có phất lên cũng không quên tình xưa nghĩa cũ.

Bá hộ Lý và giáo Đỗ đã lập lời thề độc trước bàn thờ của song thân phụ mẫu, rằng khi con họ đến tuổi cập kê sẽ cho hai đứa nên duyên chồng vợ, hai nhà cũng kết thành sui gia. Bá hộ Lý có duy nhứt một đứa con trai là cậu Hách, nhà giáo Đỗ thì một trai một gái. Đáng lý ra cái người sẽ kết duyên với cậu cả Tương Hách sẽ là chị Mai, chị của em Lan. Ngặt nỗi chị lại đem lòng thương anh học trò của cha, cả hai đã cùng nhau làm chuyện quá phận, chị cũng không thể gả đi được nữa. Cha má hết cách, đành bấm bụng bàn bạc gả em Lan đi thay chị. Ông bà bá hộ Lý phần vốn cũng rất quý em Lan, phần vì tình nghĩa giữa hai nhà nên chẳng có thành kiến gì, chỉ có cậu cả Tương Hách vẫn một mực không chịu. 

______

Cậu cả Tương Hách ngồi thẳng lưng trên bộ trường kỷ gỗ trắc, hai tay đan vào nhau đặt trên gối, mắt nhìn ra vườn sau, nơi ánh nắng đầu giờ ngả nghiêng qua từng tàu cau, từng lá mận. Cậu không nói gì suốt bữa cơm, đến khi ông bá hộ quăng đũa xuống mâm đánh "cạch" một tiếng lớn, cậu mới ngước lên, ánh mắt tối tăm mà giọng vẫn điềm đạm:

"Con không muốn cưới. Chuyện hôn ước là của người lớn. Hồi lập ra, con vẫn còn chưa ra đời."

Ông bá hộ râu rung lên, mặt đỏ bừng, chồm khỏi ghế:

"Mầy dám cãi lời cha? Mầy tưởng chuyện cha thề độc với người ta là chuyện giỡn chơi hở con? Cái hồi cha mầy còn lội bộ khắp làng này đi gánh mướn, mần thuê, nhà người ta đã bới cho tao từng chén cơm, chia cho tao từng hột muối. Không có người ta, mầy cũng chẳng có cái thân mang chữ Hách như bây giờ!"

Bà bá hộ thấy chồng đương giận dữ, bèn kéo nhẹ vạt áo ông, miệng nhỏ nhẹ xen vô:

"Ông nói cho cậu nghe đặng từ từ, chứ nó chưa quen, chưa xuôi bụng, ông ép quá nó lại làm ẩu..."

Ông bá hộ phất tay, ngồi phịch xuống ghế, thở hắt ra:

"Tôi không cần nó quen hay không quen! Cưới là cưới! Đến ngày thì cưới, đừng làm tôi mang tội bất nghĩa với hương hồn song thân giáo Đỗ trên trời."

Cậu Hách im lặng, tay nắm thành quyền trong ống tay áo dài. Cậu không ghét em Lan. Trái lại từ nhỏ vốn đã quen biết, cậu xem em như em trai nhỏ, lúc nào sang nhà chơi cũng mang cho em cái kẹo, cái bánh vì cậu biết em thích ngọt. Nhưng… cưới? Cưới là một chuyện khác.

Chẳng phải cậu kỳ thị hay dị đoan. Cậu chỉ là thấy bất công cho cả hai.

Bất công cho cậu, một người đang trên con đường thi cử, chữ nghĩa còn chưa tận lực, lại phải vướng vào chuyện vợ chồng.

Bất công cho em Lan, một người cũng có trái tim, có tình cảm, có mối thương mến riêng, lại phải mang phận "thế thân" gánh giùm mối duyên lỡ dở của chị gái.

Chiều đó, trời sập cơn mưa rào. Nước đổ như trút, gió lùa qua mái ngói nghe rít rào như tiếng thở dài của đất trời.

Trong lúc ông bá hộ ngồi uống trà, bà bá hộ biểu gia nhân chuẩn bị đồ đạc cho lễ dạm ngõ, thì ở nhà bên kia, em Lan ngồi bên khung thêu, tay run run, mắt hoe đỏ, lặng lẽ đâm từng mũi chỉ. Chị Mai đứng sau lưng, vừa khóc vừa nắm vai em, miệng rấm rứt:

"Em tha lỗi cho chị. Chị làm cha má thất vọng, giờ chị... chị không còn mặt mũi nào ở nhà này nữa, cũng chẳng có mặt mũi nhìn em..."

Em Lan không quay lại, chỉ khẽ lắc đầu. Giọng em nhỏ như tiếng gió lùa:

"Em biết. Em hiểu. Chuyện tới nước này… sao em có thể trách chị..."

Tấm lưng em lúc ấy nhỏ xíu, tội nghiệp. Ngoài sân, trời vẫn đổ nước. Gió lùa vạt rèm trắng bay phất phơ.

----------

felixD_tf

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip