Chapter 7: The Origin of Evil
Nguồn cơn tội ác.
"Cổ Dương bấy giờ còn đáp lại một câu ư? Sao anh không kể với tôi ngay?" Trần Tước ngồi ngay ngắn trên ghế, cầm tách trà trong tay. Nửa đêm cậu ta mất ngủ bèn gõ cửa phòng tôi, nói là muốn thảo luận về vụ án.
"Tại căng thẳng quá nên quên mất, tôi cứ ngỡ cũng chẳng phải việc gì quan trọng."
"Rất quan trọng ấy chứ. Anh có thể khẳng định đó là giọng Cổ Dương không? Liệu có phải người khác giả giọng không?"
"Không thể nào. Tuy tôi không thân với Cổ Dương nhưng nhất định tôi không nghe lầm."
Trần Tước cúi đầu, chừng như vừa gặp phải một vấn đề nan giải.
"Lúc theo chú Sài lên lầu, thoạt đầu tôi đứng ngoài cửa gọi, đợi một lúc nghe Cổ Dương đáp 'Tôi biết rồi', kế đó tôi lại hỏi bao giờ cậu xuống nhà ăn tối thì cậu ta không nói gì, tôi cứ ngỡ cậu ta ngủ rồi, bèn cùng chú Sài rời đi. Nếu biết trước mọi chuyện, bấy giờ tôi nhất định sẽ phá cửa..."
"Khi ấy anh đứng ở đâu?"
"Để tôi nghĩ xem nào. Bấy giờ tôi đứng trước sợi xích cài, cố thò đầu vào ngó nhưng khe cửa quá hẹp, không trông rõ được tình hình bên trong. Chú Sài đứng phía sau tôi, nhưng đến tôi còn không nhìn thấy, nói gì đến chú ấy." Tôi vắt óc nhớ lại tình cảnh tối đó để thuật lại nguyên vẹn cho Trần Tước.
"Anh và chú Sài cùng lên gác, nếu anh không nói dối thì lúc ấy Cổ Dương vẫn còn sống. Cậu ta chết sau khi anh cùng chú Sài xuống lầu và trước khi Chúc Lệ Hân cùng Đào Chấn Khôn lên. Nhưng kì quái một điều, bây giờ, tất cả mọi người đều ở cùng một chỗ. Trừ bốn người ra, không ai rời phòng khách. Mà bốn người cũng đi làm hai nhóm, có thể giám thị lẫn nhau, không ai có cơ hội ra tay. Trừ phi..." Trần Tước ngẩng lên nhìn tôi, ánh mắt rất lạ.
"Cậu... Ý cậu là..."
"Trừ phi trong bốn người có một nhóm thông đồng với nhau, giết chết Cổ Dương." Trần Tước quát vào mặt tôi.
"Cậu đừng có ngậm máu phun người." Giọng tôi run lên, "Hàn Tấn tôi thề với trời, nếu tôi là hung thủ hoặc đồng phạm giết chết Cổ Dương thì ra cửa sẽ bị sét đánh, chết rồi còn bị đày xuống mười tám tầng địa ngục, mãi mãi không được làm người. Cậu đã chịu tin chưa?"
Nào ngờ Trần Tước cười phá lên, "Tôi đùa đấy. Anh và Cổ Dương không ân không oán, cũng mới quen chú Sài được mấy hôm, tuy có khả năng này nhưng không cao. Huống hồ, nếu vụ việc có liên quan đến chuyện hai mươi năm trước thì lại càng không thể, bấy giờ anh còn nhỏ quá mà."
Nghe vậy, tôi mới ngồi phịch xuống ghế, giận dữ mắng, "Đừng đùa kiểu ấy nữa."
"Lẽ nào trên đời thực sự có phép thuật ư? Hung thủ đi trên tuyết không in dấu chân, xuyên tường vào giết chết Cổ Dương?" Trần Tước nằm ngửa ra sofa, gác chân lên tay ghế.
"Nói không chừng ngôi nhà này là nhà ma đấy."
"Anh sợ rồi hả?"
"Nói bậy."
"Thế tại sao lại bảo vậy?"
Tôi không trả lời được. Chẳng hiểu vì lý do gì mà vừa bước vào dinh thự Vỏ Chai, trong đầu tôi đã hiện lên cảnh tượng trong phim Quỷ ám[1]. Bộ phim do William Friedkin đạo diễn, phát hành năm 1973, kể về một cô bé bị quỷ nhập, khoa học không thể giải thích, mẹ cô đành cầu cứu cha xứ. Nghe nói kịch bản được cải biên từ một câu chuyện có thật ở Maryland, Mỹ. Cứ nghĩ tới bộ phim ấy là tôi sởn cả gai ốc.
[1]: Tên tạm dịch từ The Exorcise.
Tại sao lại liên tưởng nó với vụ án này? Có lẽ từ sâu trong tiềm thức, tôi vẫn cho rằng hai mươi năm trước, Cổ Vĩnh Huy đã bị ma nhập. Ông ta vốn không phải tâm thần bất ổn mà là bị quỷ ám nên mới gây ra những hành vi quái gở như thế, nào là giết tất cả mọi người trong dinh thự, nào là mượn sức của ác quỷ, xuất hiện ở cách đó 5 km. Cổ Dương cũng vậy, ngôi nhà này đã chịu lời nguyền nên những người thừa kế sẽ lần lượt bị ma ám rồi chết một cách ly kì.
Nhưng suy luận của Trần Tước đã đập tan ý nghĩ viển vông của tôi, chứng minh mọi chuyện đều do con người gây ra. Hơn nữa, hung thủ còn chính là người thứ bảy ẩn nấp trong dinh thự hai mươi năm trước.
"Nói đi cũng phải nói lại, cậu suy luận cừ thật đấy. Kết hợp tất cả manh mối tưởng chừng chẳng liên quan lại với nhau, quả là phong cách của cậu."
"Đó đều là phỏng đoán thôi, chưa đến trình độ suy luận. Sự thật chưa hẳn như vậy, chẳng qua theo tình hình trước mắt thì đó là hướng giải thích hợp lý nhất, trừ khi anh đưa ra chứng cứ đủ sức phản bác."
"Bất kể ra sao, cậu cũng đã rửa sạch được tiếng oan cho Cổ Vĩnh Huy, nói cho mọi người biết còn một khả năng khác. Tôi chỉ tò mò bấy giờ hung thủ chuồn đi bằng cách nào? Có phải lúc cảnh sát xộc vào, hung thủ đã đi khỏi rồi không?" Tôi ném vấn đề lại cho Trần Tước.
"Giờ vẫn chưa nói được."
Lại thế, biết rõ đủ mọi chuyện song vẫn thích úp mở. Đúng phong cách thám tử trong truyện trinh thám, nhất định phải đợi cho đến khi tất cả bị hãm hại thê thảm mới chịu thong dong bước lên giữa sân khấu vạch trần chân tướng.
Nhưng biết đâu, quả thật Trần Tước vẫn chưa có manh mối gì về vụ Cổ Dương.
"Cứ nghĩ hung thủ vẫn đang ở đây, tôi lại không sao ngủ được. Lúc nào cũng cảm thấy có người nấp đâu đó trong phòng, tay lăm lăm dao găm, đợi tôi thiếp đi là đánh úp."
"Thì ra anh sợ." Trần Tước cười gian xảo, "Chi bằng đến tối vác cái xác bị thịt sang phòng tôi đi, tôi không ngại chia giường với anh đâu."
"Cậu nghĩ tôi là trẻ con ba tuổi à?"
"Tôi chỉ lo anh sợ quá thành bệnh đấy thôi. Bệnh tâm lý khó điều trị lắm..."
"Cảm ơn thầy Trần quan tâm, tôi tự lo được."
Cốc! Cốc! Cốc!
Đúng lúc này, có người gõ cửa phòng Trần Tước bên cạnh.
"Có ai tìm cậu kìa."
Trần Tước gật đầu, đứng dậy rời khỏi phòng, tôi cũng theo sau.
Đứng trước cửa phòng Trần Tước là giáo sư vật lý Trịnh Học Hồng.
"Tôi có vài việc muốn trao đổi với cậu."
Trần Tước bước sang, đẩy cửa phòng mời Trịnh Học Hồng. Nhưng dường như thầy còn băn khoăn nên vẫn đứng yên tại chỗ, đưa mắt nhìn tôi.
Trần Tước hiểu ý, phì cười, "Thầy Trịnh, nếu đã tin em thì cũng nên tin Hàn Tấn luôn đi."
Tôi vội xua tay, nhưng Trịnh Học Hồng đã vỗ vỗ vai tôi, tỏ ý rủ tôi cùng vào.
Ngồi xuống rồi, thầy gỡ kính mắt ra lau, đeo lên, rồi lại gỡ xuống, cứ lặp đi lặp lại như thế nhiều lần, dáng điệu căng thẳng. Dưới ánh đèn, gương mặt thầy trơn nhẫy như phủ một lớp dầu ăn thật dày, có cảm giác đã lâu lắm rồi không rửa mặt. Trần Tước pha trà đen cho chúng tôi rồi cũng ngồi xuống sofa. Khác hẳn vẻ uể oải thường ngày, trông cậu ta lúc này khá nghiêm túc.
"Nghe những suy luận vừa nãy của cậu Trần, tôi hết sức kinh ngạc." Trịnh Học Hồng ngẩng lên, vẻ hơi cứng nhắc, "Đúng là như ngựa trời tung vó, giàu trí tưởng tượng, sắc sảo vô cùng. Tôi thật lòng khâm phục, kể cả cậu đoán sai đi nữa. Bởi vậy tôi cũng cho rằng, nếu trong chúng ta chỉ có một người nhìn thấu được chân tướng vụ án, người ấy ắt hẳn là cậu."
"Thầy quá lời, em chỉ đề ra một khả năng mà thôi."
Trần Tước tránh né ánh mắt giáo sư Trịnh. Thỉnh thoảng, cậu ta cũng lộ vẻ ngượng nghịu. Qua mấy hôm tiếp xúc, tôi nhận thấy Trịnh Học Hồng là người ngoan cố bảo thủ, keo kiệt lời khen như lão Grandet tiếc tiền vậy, việc thầy công nhận Trần Tước kể cũng là một kì tích.
"Không ngờ lại như vậy." Trịnh Học Hồng im lặng giây lát rồi ngẩng đầu lên, '"Tôi sống bấy nhiêu năm, có chuyện gì chưa từng thấy nữa đâu?' Trước đây tôi hay nói câu này, giờ xem ra nực cười hết sức."
Tôi lén liếc nhìn Trần Tước, thầm nghĩ chẳng biết cậu ta có đang thắc mắc giống mình không. Trần Tước không đáp lời Trịnh Học Hồng, chỉ lặng lẽ đợi thầy nói tiếp.
"Nếu tôi nói mình quen Cổ Vĩnh Huy thì cậu nghĩ sao?" Trịnh Học Hồng nhìn Trần Tước thăm dò.
"Bình thường thôi."
"Vậy nếu tôi nói, tôi và Cổ Vĩnh Huy không chỉ quen nhau mà còn là bạn bè thân thiết, cậu nghĩ sao?"
"Cũng bình thường."
Trịnh Học Hồng phì cười, "Cậu hay thật đấy."
"Thầy đến đây không chỉ để nói với em mấy câu này phải không?" Trần Tước cũng cười theo.
"Dĩ nhiên là không."
"Thầy muốn kể với em về Cổ Vĩnh Huy?"
"Đúng vậy. Tôi không rõ chuyện này có liên quan gì tới vụ án năm xưa không, nhưng có lẽ cậu sẽ nhìn ra được. Khả năng quan sát và suy luận của cậu đều xuất sắc, cậu là người vận dụng trí óc linh hoạt nhất mà tôi từng gặp đấy."
"Chỉ là trùng hợp thôi..."
Thấy Trần Tước xấu hổ, tôi bất giác bật cười.
Nhưng Trịnh Học Hồng không cười.
Chẳng những không cười, nét mặt thầy càng lúc càng nghiêm trang, ngoảnh mặt sang một bên như đang hồi tưởng quá khứ xa xăm. Mãi một lúc lâu, thầy mới định thần, hắng giọng cất tiếng.
"Ngoài Phương Tuệ, Cổ Vĩnh Huy còn có nhiều phụ nữ khác. Cũng như tất cả những kẻ có tiền, Cổ Vĩnh Huy lăng nhăng, ham muốn chiếm hữu rất mạnh mẽ. Thật ra người mất đã mất rồi, tôi cũng không muốn chỉ trích sau lưng bạn bè, nhưng việc này hết sức quan trọng, tôi không thể không nói."
"Việc gì cơ?" Tôi tò mò hỏi.
"Cổ Dương không phải con ruột của Cổ Vĩnh Huy."
"Tôi lớn hơn Cổ Vĩnh Huy sáu tuổi." Trịnh Học Hồng cầm tách trà trên bàn lên nhấp giọng, "Chúng tôi quen nhau năm 1980 tại nhà một người bạn, bấy giờ, tôi đã thấy ông ấy không phải người tầm thường. Cổ Vĩnh Huy giỏi biện bác, chỉ cần bất đồng quan điểm, ông ấy có thể tranh luận với cậu một ngày một đêm. Nghĩ lại năm đó quả là sức trẻ dồi dào, tôi và ông ấy đã cãi cọ đỏ mặt tía tai từ chính sách quốc gia cho tới văn học nghệ thuật. Đó gọi là không đánh không quen, về sau chúng tôi thành bạn thân. Nhưng dù sao tôi cũng là người làm nghiên cứu, khó mà qua lại quá gần gũi với người làm ăn. Có điều, chúng tôi vẫn liên lạc khá nhiều, mỗi khi gặp chuyện gì bực bội Cổ Vĩnh Huy đều gọi cho tôi, còn tôi nhất định sẽ giúp ông ấy trong phạm vi có thể.
"Tuy là dân kinh doanh, Cổ Vĩnh Huy vẫn yêu văn nghệ giải trí không thua gì tôi cả. À phải, ông ấy còn là con nghiện cờ. Mỗi lần tôi được nghỉ là Cổ Vĩnh Huy lại tới nhà tôi chơi mấy ván. Luận về sức cờ, thoạt đầu ông ta thua xa tôi, nhưng điểm đáng sợ nhất của con người này là vô cùng cố chấp, dốc hết sức lực để làm mọi thứ. Học cờ cũng không phải ngoại lệ. Mấy năm sau, ông ta đã có thể đánh ngang cơ với tôi, thi thoảng còn thắng tôi vài ván. Cổ Vĩnh Huy cực kì hiếu thắng, một lần tôi ăn được đại long[2], ông ta bèn trở mặt ngay, gạt tung bàn cờ bỏ đi một mạch. Mấy hôm sau, ông ấy mới đến xin lỗi tôi, thừa nhận mình không quân tử. Về cơ bản, Cổ Vĩnh Huy là người không chấp nhận nổi thất bại, dù trong sự nghiệp hay trong tình ái.
[2] Một thuật ngữ trong cờ vây, thường chỉ việc chưa ổn định về cục diện, có thể bị đối thủ tấn công, uy hiếp cả một nhóm quân (từ mười quân trở lên).
"Bà Phương Tuệ mẹ Cổ Dương là một phụ nữ đẹp, đến giờ vẫn vậy. Thật lòng tôi không tin có người đàn ông nào không xao xuyến trước nhan sắc ấy. Thời trẻ người trồng cây si Phương Tuệ rất đông, cạnh tranh cực kì ác liệt. Cuối cùng, bà ấy rung động trước sự kiên trì của Cổ Vĩnh Huy, hai người kết hôn năm 1986. Nhưng cũng chính vào năm đó, Cổ Vĩnh Huy ngoại tình. Ông ấy yêu Phương Tuệ, điều này tôi chắc chắn. Nhưng ông ấy cũng yêu Bạch Diễm."
"Bạch Diễm ư?" Tôi nghiêng đầu hỏi, "Là gái bao của Cổ Vĩnh Huy?"
Trịnh Học Hồng lắc đầu, "Bạch Diễm là gái đã có chồng."
"Gì cơ?" Hình tượng thương gia Cổ Vĩnh Huy vừa giỏi làm ăn vừa yêu văn nghệ trong lòng tôi thế là sụp đổ tan tành.
"Chuyện này nói ra thì dài lắm. Dung mạo Bạch Diễm tuy không bằng Phương Tuệ nhưng cũng đẹp, nếu nói Phương Tuệ là đóa hồng nồng nhiệt thì Bạch Diễm là mẫu đơn an tĩnh. Bạch Diễm từ Thành Đô tới Thượng Hải học đại học, trở thành thư ký riêng của Cổ Vĩnh Huy. Ngày ngày kề cận, Cổ Vĩnh Huy dần dần nảy sinh cảm tình nhưng Bạch Diễm là người có nguyên tắc, luôn khéo léo khước từ sự theo đuổi của Cổ Vĩnh Huy. Một phần vì biết Cổ Vĩnh Huy sắp kết hôn cùng Phương Tuệ, phần khác là chồng Bạch Diễm cũng hết sức cưng chiều vợ. Nếu mọi chuyện chỉ như thế thì cũng chẳng sao. Nhưng như lúc trước tôi đã nói, Cổ Vĩnh Huy cực kì hiếu thắng, kể cả trên phương diện tình ái, nên... nên..." Trịnh Học Hồng ngập ngừng, nhất thời không nói tiếp được.
"Nên ông ta đã cưỡng bức Bạch Diễm?" Trần Tước hơi chồm người tới trước, tiếp lời.
Trịnh Học Hồng xót xa gật đầu.
"Ông ấy kể với tôi chuyện đó, còn viện cớ lúc ấy quá chén, mất kiểm soát. Ông ấy muốn tìm Bạch Diễm tạ lỗi, đồng thời muốn dùng tiền bù đắp tổn thương tinh thần, nhưng Bạch Diễm đã biến mất. Mấy hôm sau, tôi đọc báo mới biết Bạch Diễm đã nhảy lầu tự sát, mà địa điểm tự sát chính là cao ốc công ty Cổ Vĩnh Huy."
"Phương Tuệ biết chứ?"
"Phải, giấy nào gói được lửa? Cả công ty xôn xao bàn tán về mối quan hệ bất chính của Cổ Vĩnh Huy và Bạch Diễm. Thật ra trong mối quan hệ ấy chỉ có Cổ Vĩnh Huy tình nguyện thôi. Về sau, chồng Bạch Diễm tới công ty làm ầm ĩ mấy lần, đều bị bảo vệ chặn lại từ ngoài cửa. Lời ong tiếng ve trong công ty đương nhiên cũng đến tai Phương Tuệ, bà ấy không dám tin mới kết hôn chưa đầy một năm mà chồng mình đã lằng nhằng với nhân viên công ty, còn liên quan đến mạng người. Cuối cùng, Phương Tuệ đề nghị ly hôn với Cổ Vĩnh Huy. Sau khi chia tay, Phương Tuệ ra nước ngoài. Cổ Vĩnh Huy thường xuyên tới tìm tôi, đêm nào cũng mượn rượu giải sầu. Nửa năm sau, Phương Tuệ thình lình trở về Thượng Hải. Cổ Vĩnh Huy mừng như bắt được vàng, lập tức cầu hôn lại, Phương Tuệ cũng nhận lời."
"Thật là kì lạ." Tôi lẩm bẩm.
"Bấy giờ tôi cũng nghĩ vậy. Nhưng Cổ Vĩnh Huy kể với tôi rằng, người khiến Phương Tuệ nghĩ lại không phải ông ấy, mà là đứa con."
"Trước khi đi, Phương Tuệ đã có mang ư?"
"Ừ, có mang Cổ Dương, nhưng ra nước ngoài mới phát hiện ra. Phương Tuệ không muốn bỏ đứa bé, lại không thể để con sinh ra không cha, nên đành tái hợp. Cổ Vĩnh Huy thừa dịp này bèn kể lể thề thốt, rằng không bao giờ lạc lối nữa."
"Vừa rồi ông nói Cổ Dương không phải con ruột Cổ Vĩnh Huy, lẽ nào trong thời gian này Phương Tuệ cũng ngoại tình?"
"Đúng thế."
"Cổ Vĩnh Huy có biết không?"
"Đến tận lúc chết, ông ấy vẫn tưởng Cổ Dương là con mình."
"Ợ..." Tôi líu cả lưỡi, chẳng biết phải nói gì nữa.
"Đây mới là điểm đáng sợ của Phương Tuệ. Bà ta quay về để báo thù. Ly hôn không thể xoa dịu cơn giận dữ, bà ta muốn dùng cách này trừng phạt Cổ Vĩnh Huy, để sản nghiệp và tất cả mọi thứ của ông ấy rơi vào tay đứa con không máu mủ ruột rà."
Tôi kinh ngạc đến không thốt nên lời. Nếu suy đoán của Trịnh Học Hồng là thật thì Phương Tuệ quá kinh khủng.
"Sao thầy biết Cổ Dương không phải con ruột Cổ Vĩnh Huy?"
"Cổ Vĩnh Huy nhóm máu AB, Phương Tuệ nhóm máu B, mà Cổ Dương lại mang nhóm máu O. Xét trên góc độ di truyền, nhóm máu AB kết hợp với B không thể sinh ra con nhóm máu O được." Trịnh Học Hồng bổ sung, "Nhóm máu của Cổ Dương là do chính miệng cậu ấy nói với tôi trong lúc tán gẫu. Bấy giờ chúng tôi đang bàn luận về mô liên kết trong máu, cậu ấy là người ham học, thật đáng tiếc."
"Ngoài thầy ra còn ai biết việc này nữa không?" Tôi hỏi.
"Chắc là không đâu." Dứt lời, Trịnh Học Hồng gỡ kính ra, hà hơi lên mặt kính rồi dùng vải lau sạch. Một lúc lâu sau, thầy mới hài lòng đeo trở lại.
"Hơi đói nhỉ..."
Sau khi Trịnh Học Hồng đi khỏi, Trần Tước nhìn đồng hồ treo tường, thấy đã 11 giờ đêm, không biết chú Sài đã ngủ chưa. Bữa tối cậu ta chẳng ăn được mấy.
"Hay là xuống bếp xem có gì dùng được không. Tôi tự làm ít đồ ăn cũng được, khỏi phiền chú Sài."
Nghe cậu ta nói vậy, tôi thấy đói lây, bèn theo Trần Tước xuống lầu. Chúng tôi đi giữa khung cảnh u ám mà tĩnh lặng, chỉ có tiếng bước chân và tiếng mưa rơi ngoài cửa.
Rẽ phải là nhà bếp. Quả nhiên chú Sài không ở đó, chắc đã đi ngủ rồi. Trần Tước đi thẳng tới tủ lạnh, mở ra tìm đồ ăn. Tôi không biết nấu nướng cũng chẳng giúp được gì, đành đứng bên cạnh quan sát. Cậu ta lấy trong tủ ra hai miếng thịt bò và mấy quả trứng gà, "Để rán hai miếng bít tết ăn, anh kéo cái thùng rác bên kia qua đây."
Tôi lấy thùng rác sang đặt dưới chân Trần Tước, tuy bên trong trống không nhưng mùi tanh tưởi xộc lên cũng khiến tôi ngạt thở. Tối nay chú Sài làm cả một bàn hải sản, những vỏ tôm xương cá đều bỏ cả vào thùng rác, tuy đã đổ đi nhưng mùi tanh vẫn chưa hết được.
"Theo tôi được biết, đời tư của Cổ Vĩnh Huy trước khi kết hôn cũng khá phóng túng." Trần Tước dùng sống dao dần thịt bò.
"Không ngờ ông ta lại là người như vậy, uổng công rửa sạch tiếng xấu hộ ông ta." Tôi lầm bầm.
Trần Tước dần cho miếng thịt bò mềm ra, lại lấy ít bột soda, muối và tỏi vụn phết lên.
"Mai là ngày cuối cùng rồi." Trong lúc chờ thịt ngấm gia vị, cậu ta cầm ly và khui rượu đến, mở một chai rượu vang rồi cùng tôi ngồi xuống bàn ăn, đối diện nhau.
"Vẫn chưa có manh mối gì về hung thủ ư?"
"Ừ."
"Vụ cá cược giữa cậu và ông Triệu thì sao?"
"Tôi đã bao giờ chơi tử tế đâu." Trần Tước nghiêm trang đáp.
"Cậu định giở trò à?"
"Ừ."
Trần Tước mà tôi biết luôn tự tin, nhưng hôm nay, tôi lại thấy trong mắt cậu ta vẻ mệt mỏi và bất lực. Chẳng cần nghĩ cũng biết, cái chết của người bạn thân duy nhất thời đại học đã giáng cho Trần Tước một đòn chí mạng. Xưa nay cậu ta là người kín đáo, sống nội tâm, tuy tính tình có vẻ thất thường nhưng thật ra khá nhạy cảm, chỉ không thể hiện tình cảm ra ngoài. Sau khi Cổ Dương bị giết, tuy Trần Tước không tỏ vẻ rầu rĩ, cũng chẳng nhỏ một giọt nước mắt, nhưng tôi biết cậu ấy đau buồn. Đau buồn hơn ai hết.
"Chắc được rồi đấy." Trần Tước đặt ly rượu xuống, đứng dậy trở lại bếp. Cậu ta làm nóng chiếc chảo đáy bằng, đổ chút dầu rồi cho thịt bò vào, vặn to lửa, lần lượt rán cả hai mặt. Tay nghề cậu ta điêu luyện, dù dùng dao thái hay điều chỉnh mức lửa đều vừa khéo, đến mức tôi vẫn luôn nghi ngờ không biết có phải cậu ta từng làm đầu bếp hay không. Ngoài món Tây và món Trung Quốc, cậu ta làm món Nhật cũng tuyệt ngon. Không chỉ thế, Trần Tước còn biết làm nhiều món lạ. Có lần cậu ta nấu mì Iaksa cho tôi ăn, trong khi trước đó tôi còn chưa bao giờ nghe nói đến nền ẩm thực Nyonya[3]. Tôi quả thật không hề cầu kì về chuyện ăn uống, từ nhỏ đã không kén ăn, chỉ cốt no bụng là được. Nhưng Trần Tước thì trái ngược hoàn toàn.
[3] Ẩm thực của người Mã Lai gốc Hoa.
Hai phút sau, Trần Tước lại đem hai miếng thịt bò vừa rán bọc vào giấy bạc rồi bỏ lò nướng. Mùi thịt bò thơm nức từ lò nướng bốc lên càng khiến bụng tôi biểu tình.
"Đợi thêm chút nữa, nấu xong xốt tiêu đen là được."
Trần Tước đổ thêm chút nước vào phần nước thịt còn lại rồi rắc tiêu đen, bột mì và các gia vị vào, đun lửa vừa tới khi sền sệt thì rưới lên mặt thịt. Xong xuôi một loạt thao tác, cậu ta sắp thịt bò vào đĩa, bưng tới trước mặt tôi. Tôi cắt một miếng đưa lên miệng, cảm nhận rõ rệt nước thịt ngọt thấm vào khoang miệng, chất thịt cũng ngon tuyệt.
"Có thực mới vực được đạo, tạm gác mọi chuyện sang một b..." Nói tới đây, Trần Tước thình lình mở to mắt.
"Sao thế?"
"Tôi ngốc thật thôi." Trần Tước đặt dao nĩa xuống, đứng bật dậy.
"Không sao chứ?"
"Sự thật rành rành trước mắt mà tôi lại không phát hiện ra..."
"Cậu biết hung thủ giết Cổ Dương là ai rồi ư?"
"Chưa."
"Thế cậu kinh ngạc cái gì?."
"Tôi phá được bí mật phòng kín rồi." Trần Tước nhìn tôi.
"Mau kể cho tôi nghe."
"Hung thủ hết sức xảo quyệt, đã nắm được cơ hội ngàn năm có một."
"Giời ơi, đừng úp mở nữa được không?"
"Thật ra đơn giản thôi, hung thủ..."
Đột ngột, có tiếng bước chân lan xuống cầu thang.
"Thơm quá!"
Là Vương Phương. Thấy chúng tôi, chị nhoẻn cười, tao nhã vòng qua bàn ăn đi sang một góc rồi ngồi xuống. Chị nói nửa đêm không ngủ được, định đi dạo vài vòng ngoài hiên, nào ngờ ngửi thấy mùi bít tết ngào ngạt nên chạy xuống lầu, vốn dĩ không đói nhưng thấy chúng tôi ăn nên lại nghe bụng réo òng ọc mất rồi. Trần Tước liền bảo trong nhà bếp còn mấy quả trứng gà, để cậu ta làm cho chị món trứng hấp.
Hai chúng tôi tán gẫu trong lúc chờ đợi, chẳng mấy chốc đã thấy Trần Tước bưng trứng hấp ra. Vương Phương vừa nếm thử đã xuýt xoa khen ngợi.
"Coi như hôm nay tôi mới thực sự quen biết cậu đấy, cậu Trần. Dù đã nghe Cổ Dương giới thiệu cậu từng là cố vấn đặc biệt của cảnh sát New Jersey, tôi vẫn cứ nửa tin nửa ngờ, mãi đến chiều nay nghe cậu giảng giải mới được mở rộng tầm mắt."
"Ôi..." Trần Tước cười gượng.
"Chỉ là..." Vương Phương hạ giọng. "Tuy đã rửa sạch tiếng oan cho Cổ Vĩnh Huy, nhưng chúng ta vẫn chưa biết được trình tự tử vong của các nạn nhân. Tôi nghĩ nếu làm rõ được trình tự này, việc điều tra sẽ tiến một bước dài, khả năng phá án cũng cao hơn. Cậu đừng hiểu lầm, việc cậu suy đoán được đến đây đã là vô cùng hiếm có rồi. Huống hồ đã hai mươi năm trôi qua..."
"Chị muốn biết trình tự tử vong của năm nạn nhân ư?"
"Đúng vậy."
"Có lẽ không khó như chị nghĩ đâu."
"Thật không?" Tôi la lên.
"Suỵt, nói nhỏ thôi, mọi người ngủ cả rồi đấy." Trần Tước đưa ngón trỏ lên môi ra hiệu cho tôi, "Manh mối về vụ án hai mươi năm trước càng ngày càng nhiều, đều dựa vào suy luận logic mà ra cả. Đã vậy, cứ mạnh dạn suy đoán tiếp đi."
"Suy đoán trình tự gây án ư?" Tôi hỏi.
Trần Tước thở hắt ra, rồi uống một hơi cạn ly vang đỏ.
"Thật ra, khi suy luận logic, anh sẽ phát hiện những hành động bất thường trong vụ án chính là chìa khóa để mở cánh cửa sự thật. Bắt đầu từ Chu Vĩ Thành nhé, chúng ta đều biết, ông ta chết ở nhà phụ. Đội trưởng Triệu từng kể rằng, họ tìm được nhiều quần áo do Chu Vĩ Thành đem theo trong máy giặt ở nhà tắm. Tại sao ông Chu lại nhét vào máy nhiều quần áo như thế? Lưu ý đến chi tiết khác thường này, chúng ta sẽ được đẩy tới gần sự thật hơn. Chị Vương, có lẽ chị vẫn còn ấn tượng về tử trạng của bác sĩ Lưu Quốc Quyền?" Trần Tước hỏi.
"Ừm, chính là người chết trong gian phòng trưng bày nước hoa."
"Phải. Lúc Lưu Quốc Quyền bị giết, để che giấu mùi nước hoa trên người mình, hung thủ đã đập vỡ tất cả nước hoa rồi lần lượt đổ vào từng phòng hòng tung hỏa mù. Đương nhiên, tủ quần áo của Chu Vĩ Thành cũng bị vạ lây. Thế là ông ta phải đem tất cả quần áo vấy nước hoa đi giặt lại cho hết mùi."
"Nhưng những người khác không làm như vậy..." Vương Phương vừa lên tiếng đã bưng ngay lấy miệng, như sực nhớ ra điều gì.
"Đúng thế. Đây chính là mấu chốt. Tại sao trong bấy nhiêu người, chỉ có mình Chu Vĩ Thành đem đồ đi giặt, còn những người khác thì không? Cổ Vĩnh Huy thì còn có thể hiểu được, bởi ngoài đồ trong tủ, nhất định ông ta có quần áo dự trữ trong phòng để đồ, dù sao đây cũng là nhà ông ta. Nhưng những người kia đều là khách mà không hề giặt đống quần áo vấy nước hoa, thì chỉ có một khả năng, họ không làm được. Bởi lúc đó họ đều đã chết."
"Theo ý cậu... Chu Vĩ Thành là người chết cuối cùng ư?"
"Đúng thế, vì là người cuối cùng nên chỉ ông ta mới có thể giặt đồ. Như vậy, chúng ta cũng có thể suy ra Lưu Quốc Quyền chết trước Chu Vĩ Thành. Hai người bọn họ bổ trợ cho nhau. Nếu đánh số từ một đến năm thì Chu Vĩ Thành là nạn nhân thứ năm, còn Lưu Quốc Quyền đứng thứ tư. Chu Vĩ Thành chết ngay sau Lưu Quốc Quyền, tôi nói vậy các vị hiểu cả rồi chứ?"
Tôi và Vương Phương đều gật đầu.
"Đã biết tên nạn nhân thứ tư và năm, còn ba người nữa. Chúng ta lại nhìn đến trường hợp của đạo diễn trẻ Hà Nguyên một chút. Điện thoại trên tủ đầu giường của Hà Nguyên bị cắt dây. Điều này vốn chẳng có gì lạ, bởi hai mươi năm trước, tất cả dây điện thoại ở dinh thự Vỏ Chai đều bị cắt, chỉ khác là ống nghe trong phòng Hà Nguyên vẫn lủng lẳng cạnh thân máy, chứng tỏ đã có người dùng. Có phải Hà Nguyên không? Hẳn là không, vì theo suy luận lúc trước, Hà Nguyên đang ngậm điếu thuốc trong miệng, một tay cầm bật lửa, tay kia cầm kịch bản, không còn tay rảnh để gọi điện nữa. Thế thì là hung thủ ư? Cũng không đúng, hung thủ đã cắt dây điện thoại, còn nhấc ống nghe để làm gì? Ngoài hung thủ và nạn nhân thì chỉ còn những người sống sót. Đúng vậy, lúc bấy giờ, ai đó ở dinh thự Vỏ Chai đã phát hiện Hà Nguyên bị giết, lập tức chạy tới chỗ điện thoại gọi báo cảnh sát, nào ngờ lại thấy dây điện thoại bị cắt bèn tiện tay bỏ luôn ống nghe xuống, tạo thành cảnh tượng như vậy. Họ đều biết dây điện thoại đã bị cắt hết nên không ai dùng điện thoại nữa. Như vậy, lần đầu tiên có người định báo cảnh sát, người đó đã dùng điện thoại trong phòng Hà Nguyên. Theo lý mà suy, chúng ta có căn cứ để tin rằng Hà Nguyên là người đầu tiên bị giết tại dinh thự Vỏ Chai.
"Đến đây, chỉ còn Lạc Tiểu Linh và Tề Lợi mà thôi. Cũng không khó đoán ra ai chết trước ai chết sau. Chắc hai người còn nhớ, khi Lạc Tiểu Linh bị giết, thân hình trần truồng, còn bị bôi đầy kem tay hoa hồng. Lúc phát hiện thi thể Tề Lợi, cảnh sát chỉ ngửi thấy mùi hoa hồng ở tay cô ta. Vỏ lọ kem tay lại nằm bên xác Lạc Tiểu Linh. Theo suy luận lúc ban ngày, hung thủ không thể là người thoa kem tay cho Tề Lợi, càng khó tưởng tượng là thoa xong hắn lại cầm vỏ lọ về bên Lạc Tiểu Linh. Có khả năng Tề Lợi mượn thoa rồi đem trả. Từ đây mà suy, Tề Lợi bị giết trước, Lạc Tiểu Linh bị giết sau."
Vương Phương gật gù, "Theo suy đoán của cậu thì trình tự chết của các nạn nhân năm xưa lần lượt là Hà Nguyên, Tề Lợi, Lạc Tiểu Linh, Lưu Quốc Quyền, Chu Vĩ Thành phải không?"
"Với các manh mối được nghe thuật lại thì đúng là như vậy. Đương nhiên cũng không loại trừ khả năng tôi đã bỏ sót gì đó, dù sao cũng là vụ án từ hai mươi năm trước, tôi không dám khẳng định trăm phần trăm. Suy luận logic chỉ nhằm khôi phục sự việc theo tỉ lệ chính xác cao nhất mà thôi, nếu gặp phải những kẻ bới bèo ra bọ, e rằng chẳng suy luận nào đứng vững trên đời nữa, vì bất cứ sự việc nào cũng có tình tiết bất ngờ phát sinh."
Vương Phương cười, "Thế này đã là có tiến triển rồi."
Nhờ suy luận của Trần Tước, chúng tôi đã tạm thời phục dựng được diện mạo của vụ án năm xưa. Nhưng tôi e rằng trình tự giết người cũng chẳng mấy ích lợi cho việc phá án. Trần Tước lại không nghĩ vậy. Cậu ta nói, ít nhất chúng ta cũng nắm bắt được đôi chút tâm lý của hung thủ khi ra tay. Tôi không hiểu ý cậu ta.
Chúng tôi trò chuyện cùng Vương Phương thêm một lúc rồi ai về phòng nấy. Đi đến cửa phòng, Trần Tước bỗng tóm tay áo tôi, kéo tôi sang phòng cậu ta.
"Chuyện gì?" Tôi hỏi.
Trần Tước khóa trái cửa lại rồi đáp, "Tôi đột nhiên nghĩ ra một ý, muốn tìm người trao đổi."
"Sao... ý gì cơ?"
"Về vụ giết người năm xưa ấy mà. Ban nãy nói chuyện với chị Vương, tôi bỗng để ý thấy một việc nhưng có mặt chị ta ở đó, tôi không tiện nói. Hiện giờ, tất cả đều nằm trong diện tình nghi."
"Tôi thì không ư?"
"Vì tôi chắc chắn anh không phải hung thủ."
"Sao cậu dám khẳng định như vậy? Biết đâu tôi lại là tên giết người ấy thì sao?" Tôi cười hỏi.
"Tôi biết là biết thôi, anh đừng vặn vẹo nữa." Trần Tước quay lưng cởi áo phông, thay sang một chiếc sơ mi cộc tay sạch sẽ. Bắp thịt trên lưng cậu ta nổi vồng lên, nhưng lúc mặc đồ vào lại chẳng nhìn thấy gì cả.
"Cậu gọi tôi vào đây không phải chỉ để khoe eo với cơ bụng đấy chứ?" Tôi tức tối sờ lên cái bụng mình ngày càng phệ ra.
Trần Tước thay đồ xong, rút trong ngăn kéo bàn một tờ giấy trắng và bút máy, cúi xuống viết ra một danh sách: Bóng rổ, bấm móng tay kim loại, khung ảnh, quạt điện mini, đại từ điển tiếng Hoa, son môi, lon Coca, thảm lông cũ, bảng vẽ bằng gỗ, bút chì và laptop Toshiba T4900CT. Những vật dụng này nhìn quen quen, nhưng tôi nghĩ mãi không ra mình từng thấy ở đâu.
"Đây là những thứ được tìm thấy trong căn phòng Cổ Vĩnh Huy biến mất. Cả một đống đồ đạc ngổn ngang. Tôi vẫn lấy làm lạ nhưng chưa bao giờ nghĩ kĩ, giờ xem ra chúng có liên hệ mật thiết với vụ án đấy." Trần Tước đưa tờ giấy vừa viết cho tôi, nghiêm trang nói.
"Theo tôi thấy, đây là những thứ rác rưởi chuẩn bị vứt đi. Cậu xem, laptop cũng hỏng, lại có cả lon Coca rỗng, liên quan quái gì đến vụ án chứ?" Tôi nghiêng đầu nhìn danh sách, không sao nghĩ ra được.
"Bảng vẽ của Nhím Hans."
"Bảng vẽ nào cơ?"
"Trong câu chuyện cổ tích của Cổ Vĩnh Huy, Nhím Hans từng kể với Hoàng tử Ếch rằng mình làm mất bảng vẽ nên rầu rĩ không vui. Anh nhìn danh sách này mà xem, trong gian phòng nơi Cổ Vĩnh Huy biến mất, cũng có một bảng vẽ. Anh cho rằng đây là trùng hợp ư?"
Đúng vậy, trong danh sách đồ vật có bảng vẽ bằng gỗ.
"Ý cậu là gì?"
"Bảng vẽ này có thể là của Hà Nguyên. Anh có nhớ Hà Nguyên tự vẽ kịch bản phân cảnh không?"
Tôi gật đầu tán đồng, rồi lại hỏi, "Cứ cho là bảng vẽ của Hà Nguyên đi, thì sao chứ?"
"Vấn đề nằm ở đây. Tại sao Cổ Vĩnh Huy lại đem bảng vẽ của Hà Nguyên đến căn phòng đó? Hoặc, không phải Cổ Vĩnh Huy mà là hung thủ đi."
"Hung thủ lấy bảng vẽ làm gì? Vẽ tranh ư?"
Trần Tước nhìn tôi như nhìn một kẻ ngốc, ngán ngẩm nói, "Anh nên nhớ rằng, trong tình cảnh đầy rủi ro với cả kẻ gây án lẫn nạn nhân này, bất cứ ai cũng không làm chuyện vô ích, nhất là hung thủ. Người đem bảng vẽ đến đây, dù là hung thủ hay Cổ Vĩnh Huy thì cũng đều phải có mục đích. Việc chúng ta cần làm là moi cho bằng được mục đích ấy lên, vì nó quan trọng."
"Được rồi, tuy tôi vẫn chẳng thấy manh mối đâu cả..."
"Không chỉ vậy, nếu đọc kĩ câu chuyện cổ tích, anh sẽ phát hiện mỗi nhân vật trong đó đều thiếu mất một thứ. Mà những thứ đấy, đều có thể tìm thấy trong danh sách này." Trần Tước trỏ vào bản danh sách.
"Còn gì nữa?"
"Nhiều chứ, chỉ cần anh để ý kĩ càng hơn thôi. Có nhớ Mèo Đi Hia ở xứ Hoa không? Mèo đi khắp nơi tìm pha lê kí ức, pha lê kí ức là cái gì, chính là khung ảnh này. Đội trưởng Triệu cũng nói, trong ba lô của Lưu Quốc Quyền có một bức ảnh chụp cả gia đình. Tại sao ảnh không cho vào ví tiền hay lồng khung? Vì khung đã bị lấy đi, mà người lấy dường như lại chẳng thích thú gì vật này. Nói cách khác, thứ Lưu Quốc Quyền bị mất là khung ảnh. Kế đến là Công chúa Bạch Tuyết. Bị Râu Xanh nhốt trong phòng kín ở lâu đài, vô cùng buồn chán, Bạch Tuyết nhớ cuốn Sách Trí Tuệ trong phòng mình. Câu chuyện còn kể, cuốn sách này giúp công chúa biết thêm nhiều từ mới. So sánh là thấy, thứ Tề Lợi đánh mất hẳn là từ điển. Có lẽ cuốn từ điển này cũng không phải của Tề Lợi mà lấy từ phòng sách. Chắc hẳn chủ nhân Cổ Vĩnh Huy rõ hơn ai hết phòng sách của mình đang thiếu cuốn gì.
"Đã tìm thấy bảng vẽ, khung ảnh và từ điển, chúng ta lại tiếp tục xem xem. Trong truyện cổ tích, cuối cùng, mọi người quyết chiến với Râu Xanh, pháp sư Khăn Đỏ bất hạnh thua trận vì đã để quên chiếc hộp thần kì ở xứ Nước. Nếu đối chiếu thì chiếc hộp này là thứ gì? Chắc chắn không phải thảm lông, bóng rổ và bấm móng tay kim loại; càng không có vẻ là bút chì, son môi và lon Coca, vậy chỉ còn quạt điện mini và laptop thôi. Rõ ràng ràng quạt điện không thể gọi là "hộp" được. Laptop giống chiếc hộp thần kì hơn, với rất nhiều ứng dụng. Bởi vậy, thứ Lạc Tiểu Linh đánh mất chính là chiếc laptop Toshiba T4900CT. Còn Lọ Lem, trong truyện có nói khi mọi người nghỉ lại nhà cô, vì không có thảm nên lạnh, Lọ Lem cũng lấy làm áy náy. Trong phòng Chu Vĩ Thành thiếu một tấm thảm, tôi giải thích như vậy anh không phản biện gì chứ?"
Tôi im lặng, từ chối cho ý kiến.
"Hơn nữa tôi cho rằng, kẻ đem những thứ đó vào phòng không phải Cổ Vĩnh Huy." Trần Tước nói thêm.
"Tại sao?"
"Bởi một vài thứ trong đó, chỉ hung thủ mới lấy được." Sau cùng Trần Tước kết luận, "Từ đây mà suy, khi giết chết các nạn nhân, hung thủ cũng đồng thời lấy đi đồ dùng của họ. Lấy bảng vẽ từ phòng Hà Nguyên, từ điển từ phòng Tề Lợi, nhân lúc Lạc Tiểu Linh tắm lấy laptop trong phòng cô ta, lấy khung ảnh trong ba lô của Lưu Quốc Quyền, lấy thảm lông từ phòng Chi Vĩ Thành. Bảng vẽ, laptop, từ điển, khung ảnh và thảm lông, tại sao hung thủ lại lấy những thứ này, chúng có liên quan gì tới vụ biến mất bí ẩn hai mươi năm trước?"
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip