Ngọc Đường Hồi Môn - Vinh Hoa Cũng Chỉ Là Phần Lễ

Sau khi tiễn bước Wangho rời khỏi đình cá, ba nha hoàn thân cận – Seol, Nari và Bora – lặng lẽ rút về gian phòng nhỏ sau vườn trà, nơi ít người lui tới.

Trong khoảnh khắc hiếm hoi được thở phào, cả ba đứng im nhìn nhau một lúc lâu. Không ai mở miệng trước. Không khí như đông đặc trong lớp hương gỗ đọng lại trên vách gỗ gụ.

Seol – người lớn tuổi nhất, vẫn luôn được gọi là đại tỷ trong ba người – cuối cùng cũng cất giọng trước, giọng khẽ khàng như gió xuân sượt qua mành:
“Thiếu gia… không còn là người trước kia nữa.”

Nari, vẫn chưa hết bàng hoàng kể từ lúc Wangho dịu dàng hỏi họ có muốn theo mình gả đi hay không, lặng lẽ gật đầu:
“Trước kia người hở ra là mắng, động một chút là quát. Hôm nay… hôm nay lại gọi chúng ta bằng giọng như rót mật.”

Bora siết chặt tay áo, mắt đỏ hoe:
“Ta sợ. Không phải vì người đổi tính, mà vì lòng người ta không đoán được. Nếu hôm nay theo người đi, ngày mai vào phủ Tướng quân rồi, lỡ người lại đổi ý thì chúng ta biết phải làm sao?”

Seol im lặng, đưa mắt ra ngoài cửa sổ. Tán cây lựu đầu hè đổ bóng xuống mái hiên, từng đốm sáng rơi trên nền gạch như những mảnh lòng tản mát. Nàng chậm rãi nói:
“Dù người có đổi bao nhiêu lần, ta vẫn tin là người đang cố sống cho ra dáng một người. Không còn là thiếu gia ăn chơi chỉ biết gây họa, mà là một người sắp thành thân, phải giữ gìn mặt mũi. Với người, chúng ta không chỉ là nha hoàn hầu hạ… mà còn là ký ức.”

Nari cúi đầu, giọng nhỏ như muỗi kêu:
“Ta muốn đi. Dù là phủ Tướng quân… hay phủ Diêm Vương, chỉ cần người cần ta, ta sẽ theo.”

Bora nghẹn ngào, nhưng cuối cùng cũng gật đầu theo. Ba người không nói thêm lời nào nữa. Họ đều biết, con đường phía trước không trải thảm đỏ, cũng chẳng có hương hoa. Nhưng chỉ cần người họ đi theo là Wangho – người bây giờ dịu dàng gọi họ vào vườn, người khi xưa dù mắng vẫn không bỏ đói họ một bữa cơm – thì bất kể thành thân, bất kể tai ương, họ cũng muốn cùng người đi một đoạn.

Dù ngắn.
-----------
Tin thiếu gia Han đồng ý gả vào phủ Tướng quân vừa lan ra, các quan thương trong vùng như bị một cơn gió lạ cuốn qua. Ai nấy đều xôn xao bàn tán, không phải vì hôn sự, mà là vì… gia sản khổng lồ sắp được đưa đi.

So với sính lễ phủ Tướng quân mang tới – vốn đã là một màn trình diễn thế lực hoành tráng với hơn ba mươi rương châu báu, năm cỗ kiệu lễ, một đội nhạc công, một bảng vàng khắc tên “Tân nương phủ Han” dựng giữa sân Han phủ – thì của hồi môn mà họ Han chuẩn bị... còn khiến người ta nghẹt thở hơn.

Nhũ mẫu Hong phải cho người kê riêng hai sân chứa rương. Từng món đồ được bọc lụa, niêm phong cẩn thận, dán dấu triện của gia chủ, xếp lớp lớp như thành trì thu nhỏ. Chỉ riêng số rương chứa ngân phiếu, vàng bạc, đá quý đã vượt quá sáu mươi chiếc – gấp đôi số sính lễ phủ Tướng quân.

Cụ thể, sổ ghi của hồi môn ghi rõ rành rọt như sau:

**Ba mươi bộ y phục lễ nghi thêu tay, mỗi bộ đính ngọc trai hoặc chỉ vàng, dùng cho bốn mùa, kèm lông thú và áo khoác mùa tuyết.

**Năm cỗ kiệu nhỏ chứa vật phẩm phong thư, nghiên mực, giấy hoa tiên, mực bạch liên, tất cả là hàng quý từ phủ Lạc Nam chuyển tới.

**Mười hai chiếc tráp gỗ tử đàn, mỗi chiếc đặt một đôi bội ngọc, một bộ trâm vàng hoặc ngọc bích, khảm hoa văn hình thơ chữ.

**Ba cỗ rương lớn chứa tài sản đất đai và ngân phiếu đứng tên riêng Wangho, trị giá khoảng năm mươi vạn lượng bạc – phần của hồi môn bằng tài sản riêng thiếu gia tích góp từ mười sáu tuổi.

**Một đôi thanh mã ngọc – ngựa tuyết thuần chủng, giá trị đủ mua ba con phố lớn trong kinh thành, trao tặng riêng làm quà gả.

**Một bức tranh cổ đời tiền triều do danh họa Kim Dae-won để lại, gói bằng giấy dầu, kèm theo thư tay ghi: “Gửi Wangho – dòng chữ là của người, tranh cũng là người.”

Bên cạnh đó còn có những món tưởng như nhỏ nhặt nhưng cũng khiến người ta trầm trồ:

**Hơn hai mươi hộp trang sức đính đá quý nhập khẩu từ vùng Tây Bắc, toàn bộ đính bằng vàng ròng, trọng lượng phải khiêng bằng kiệu.

**Một bộ nhạc cụ cổ, gồm đàn tranh, tiêu trúc, sáo ngọc, cùng giá gỗ khắc hoa – đặc biệt dành cho Wangho thư giãn nơi tân gia.

**Một phòng sách mini, toàn bộ thư pháp, kinh điển, tiểu thuyết, thơ từ do chính Wangho lựa chọn – đóng hòm riêng theo chủ đề.

**Và đặc biệt hơn cả, một rương thơ tình và thủ bút cá nhân mà Wangho từng viết suốt thời thiếu thời – gói trong vải lụa hồng, có dán giấy: “Không được mở, trừ khi... người nhớ ta”.

Người làm trong phủ xếp hàng gánh đồ, mồ hôi túa ra như tắm nhưng không ai dám kêu than. Ai cũng hiểu, của hồi môn này... không chỉ là hồi môn. Nó là lời tuyên bố âm thầm từ Han gia:
“Con ta gả đi không phải cầu vinh. Là kẻ khác muốn kết thân với chúng ta.”

Và đúng như lời nhũ mẫu Hong thì thầm bên tai nha hoàn:
“Thiếu gia nhà ta gả vào phủ Tướng quân, là phủ đó được thơm lây. Đừng để ai quên điều ấy.”

Tin tức từ phủ Han lan đến cổng cung chỉ trong một buổi sáng. Mỗi lần đoàn người gánh rương đi qua một trạm gác, quan binh lại cúi đầu thấp thêm một tấc. Người đếm rương phát mỏi tay, người viết biên bản sổ sách cũng phải thay bút ba lần.

Tổng cộng một trăm hai mươi tám rương lớn nhỏ, mười tám kiệu vật phẩm, sáu chiếc xe ngựa chuyên chở thư họa và tơ lụa. Cờ hiệu thêu chữ “Hỷ” từ phủ Han giăng khắp con đường dài đến cổng phủ Tướng quân.

Người trong kinh thành đổ ra hai bên đường xem như xem lễ đại hôn hoàng thất.

Kẻ buôn trà vứt cả gánh hàng chạy ra xem, thiếu nữ vén rèm lầu lầu ngó xuống, trẻ con cưỡi trâu cũng ngừng thổi sáo.

“Gả chồng chứ đâu phải đăng cơ?” – có người thốt lên, nửa kinh ngạc, nửa ngưỡng mộ.

Còn các lão thần trong triều thì chỉ biết ngồi yên trong điện nghị triều, quạt trong tay cũng ngừng phe phẩy.

Thượng thư bộ Hộ nhíu mày:
“Họ Han thật biết làm người ta không ngẩng đầu lên được.”
Tể tướng vuốt râu, nửa cười nửa nghiêm:
“Vậy mới xứng là nhà thông gia của Tướng quân. Hôn sự này… chẳng còn là chuyện hai nhà nữa rồi.”

Thậm chí trong điện Dụ Chính, Hoàng thượng khi hay tin cũng phải bật cười, đặt chén trà xuống, nói với nội quan bên cạnh:

“Thiếu gia Han… rốt cuộc là đến làm rể hay đến đánh phủ Tướng quân vậy?”

Tưởng đâu gả một thiếu gia yếu đuối yêu thơ, ai ngờ đưa đến cả một đoàn quân sính lễ.
---------
Và đến khi đoàn hồi môn dừng chân trước cổng phủ Tướng quân, Kim Jeong-gyun – tổng quản của phủ – đích thân ra đón tiếp. Ông chưa từng cúi đầu quá ba tấc, nay lại phải nhún người chắp tay nói:

“Đã chuẩn bị kho chứa hậu viện. Xin mời đưa lễ vật vào.”

Mỗi lần một rương được khiêng qua cổng lớn, là một lần gia nhân trong phủ Tướng quân hít sâu. Đến khi chiếc xe chở bức họa cổ đời tiền triều được mở ra cho quan sứ hai phủ kiểm tra, ánh mắt cả đoàn người đều dừng lại.

Một vị lão họa sĩ đi theo đoàn Han gia còn đứng trước bức họa, cúi đầu nói:

“Bức này vốn treo trong thư phòng tổ phụ họ Han. Nay tặng làm của hồi môn, là giao cả niềm kiêu hãnh tổ tông.”

Ngay cả Lee Sang-hyeok – đương kim Tướng quân – khi nghe tấu trình cũng không khỏi trầm ngâm. Anh đứng bên lan can, tay cầm tách trà, cười khẽ:

“Một người gả đi, chấn động cả thành. Họ Han quả nhiên không tầm thường. Còn Wangho…”

Anh không nói tiếp, chỉ siết nhẹ tách trà trong tay. Ánh mắt nhìn xa xăm về phía nam thành, nơi ánh nắng đang chiếu nghiêng, phủ lên kiệu hoa sơn son thếp vàng. Lòng anh khẽ gợn lên một câu hỏi không lời:

“Kẻ từng cãi cha mẹ bỏ cưới, nay lại đồng ý im lặng gả vào phủ ta… rốt cuộc đang toan tính điều gì?”

Trong khi đó, ở một góc phủ khác, Lee Min-hyeong – con trai duy nhất của Tướng quân – nghiến răng giận dữ.

“Một kẻ chỉ biết ăn chơi, cậy giàu mà quậy phá như hắn, mà cũng bước vào cửa chính phủ ta sao?!”

Cậu ta đập mạnh bàn trà, chén ngọc rơi xuống vỡ tan. Ánh mắt sắc như dao, ẩn giấu một mối oán hận xưa cũ chưa từng nói ra. Cái tên "Han Wangho" từ lâu không còn chỉ là một người – mà là một vết cắt trong lòng Min-hyeong, càng ngày càng sâu.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip