3. Hẹn gặp lại

   ❤24/9/2021 - 9/10/2021❤

Ở phần này, chủ yếu những câu chuyện đã có thật xảy ra, vẫn là dựa theo lời kể của mẹ tôi, lần này sẽ xuất hiện một nhân vật có thật nha, chuyện sẽ được kể khi mọi người đọc hết chương này ;) .

70% là plot của cô Khánh Linh, 20% của tôi và 10% còn lại là yếu tố có thật

Headcanon Eli 16-18 tuổi và Naib 20 tuổi

Bản quyền Việt hóa đã được cho phép sử dụng từ đại thần Bảo Huỳnh (Facebook)
______________________________

Khoảng thời gian Nam Bách sắp phải về ngày càng gần, nhưng hoạt động của hai người vẫn không thay đổi. Sáng ra cấy lúa, tưới cây rau và cho gà lợn ăn, trưa thì đợi Lam nấu cơm với thức ăn rồi chiều ra vườn chăm bón. Từ hôm đó đến giờ, Nam Bách cũng không nói lại với Lam về chuyện sẽ quay về Hà Nội vào dịp tết sắp tới, mà thay vào đó tối đến bắt cậu phải học viết chữ đến mười giờ đêm, thường thì Lam sẽ phải luyện viết một bài thơ hoặc bức thư để sau này còn dễ liên lạc lại với nhau, mà cứ mỗi lần học viết thì cậu lại càu nhàu vì phải thắp đèn dầu nhiều, lại tốn tiền mua dầu ngoài chợ phiên nữa.
     
       - Lam ơi! Có nhà không cháu?
       - Dạ, cháu ra ngay đây ạ!

Hôm nay không phải cấy lúa nên Nam Bách trang thủ buổi chiều bắt Lam tập viết, nếu không lại phải nghe bài ca xót của từ cậu. Rồi có giọng nói của một ông lão vang lên đan xen giữa những cơn gió lay động lá cây trong vườn, tiếng xào xạc vang lên không ngừng, Nam Bách có hơi tò mò sau khi nghe thấy giọng nói đó, nhưng từ khi Lam bước ra cửa gỗ ngoài kia thì không nghe rõ được nữa. Một vài phút sau, cậu quay lại và trên tay cầm một cái dây chun móc từ mang sang miệng con cá, đó là cá thu, không được to cho lắm, nhưng nó là món khoái khẩu của anh, đã lâu lắm rồi anh không được ăn lại, vậy mà giờ đây nhìn còn thèm nhỏ dãi ra được. Lam thì mừng quýnh lên, đôi mắt xanh không giống ai cũng cong lên vì vui sướng
       - Hôm nay chúng ta có cá biển ăn rồi anh! Tối nay em kho lên, anh em mình phải ăn hết đấy, chứ để sang ngày mai thì ươn mất

Nam Bách thở dài và cười cùng lúc, đành để hôm nay cho cậu lách luật vậy, anh kết thúc buổi tập viết sớm hơn mọi ngày rồi cũng bắt tay vào phụ giúp Lam sơ chế con cá, tranh thủ vừa làm vừa thỏa mãn trí tò mò của mình
      - Này, vừa rồi ai gọi thế?
      - À, đó là bác Văn, bác ấy làm ở ban cán bộ xã mình. Chính bác đã cho phép mẹ con em ở đây sống đấy anh, mà tính bác hiền và tốt lắm, thỉnh thoảng bạn của bác  ở Quảng Ninh đánh bắt cá ngoài biển rồi có dịp lên bờ thì tặng bác vài con cá luôn, mà bác không ăn hết nên cho nhà em ăn cùng. Bác gái cũng hay sang nhà mình xin ít rau lang băm cho lợn ăn nên cũng được coi là thân thiết.
      - À rồi, hiểu rồi

Anh không hỏi thêm câu nào nữa, vừa nhìn Lam moi ruột, mang và rửa sạch cá vừa suy nghĩ lung tung. Gần đây không hiểu sao anh lại chú ý đến cậu nhiều hơn, thậm chí còn dạy cậu viết một bài thơ hay thư từ nữa chứ, rồi trong lòng cứ lưng lửng thế nào khi thấy cậu cười. Nam Bách giật mình, hình như....anh không được bình thường cho lắm. Nhưng Lam quá đơn thuần nên không thấy được những biểu hiện của anh, mà anh cũng không biết phải suy nghĩ thế nào về loại tình cảm này. Chắc là do không tiếp xúc với mấy bạn gái nên thói ăn chơi lại trỗi dậy thôi, Nam Bách tự nhủ vậy.
       - Anh ơi, tối nay không luyện viết nữa nhé? Ơ, anh Bách ơi?

Anh giật mình, bàn tay màu bánh mật vẫn còn dính tý máu cá huơ huơ trước mặt, kéo anh ra khỏi những suy nghĩ trong đầu
       - Sao thế?
       - Tối nay mình sang nhà bác Văn đi anh, em thấy gần đây trong xóm mọi người bàn tán em bác mới đi Nga về, còn mua một cái vô tuyến nữa cơ. Mọi người đang định sang đấy ngắm thử

Nam Bách gật gù đồng ý, chợt nhớ ra hình như ở nhà anh cũng có một cái như của bác Văn, là hãng nào đó của Nhật thì phải, hầu hết vô tuyến chỉ toàn phát thời sự, mà sóng thì kém, bố anh cứ phải đập đập đằng sau nó thì mới có hình với tiếng, nhưng cũng chỉ bữa đực bữa cái rồi lại toàn hình con nhộng trắng lúc nhúc trên màn hình. Sau khi thoát khỏi hồi tưởng, anh nhận ra Lam đã dẫn anh tới nhà bác Văn từ lúc nào, bác gái đang gào lên sắp xếp chỗ cho mọi người cùng ngồi với nhau, có người đến muộn nên hết chỗ ngồi đành phải đứng xem qua cửa sổ, cậu tìm được một chỗ góc bên phải nên ấn anh ngồi cạnh mình, giữa đám trẻ con đang nhao nhao háo hức với sự tò mò.
     - Tiến ơi! Chỉnh cái ăng ten sang bên trái đi!
     - Được chưa bố ơi?
     - Chưa lên hình!
     - Giờ lên chưa bố?
     - Được rồi được rồi, xuống đi, sắp bắt đầu chiếu rồi đấy

Tiếng bác Văn nói vọng lên người ở trên nóc nhà làm cho Nam Bách giật mình, sau đó là hàng loạt tiếng động của các thanh gỗ kẽo kẹt va vào với nhau, có bóng dáng của một người con trai xuống nhanh thoăn thoắt như con sóc, cậu bé có giọng nói hơi the thé
      - Ô, chào các bác ạ, cho cháu xin phép ngồi chỗ này nhé

Lam thì thầm bên tai anh giới thiệu sơ qua
      - Đây là Tiến con bác Sơn, nhỏ hơn em ba tuổi

Rồi Nam Bách chưa kịp hỏi thêm câu nào thì mọi người nhao nhao kêu nhau trật tự, tiếng nhạc vui tươi vang lên, trên màn hình hiện lên hai đứa trẻ mặc áo đồng phục học sinh đeo khăn quàng đỏ, ở dưới là dòng chữ "Những bông hoa nhỏ", đám trẻ con hò reo và hát theo những hình ảnh văn nghệ vui vẻ, còn những người lớn thì nói chuyện phiếm với nhau sau một ngày dài và cũng co những người hòa theo sự vui tươi của con trẻ.

                       (.....)

Thời gian trôi qua nhanh thoăn thoắt đến ngày Nam Bách chuẩn bị quay về Hà Nội , lúc này anh đang hì hục mang túi đựng hành trang ra ngoài thềm nhà để sẵn đó, Lam thì mới vặt xong một rổ hoa thiên lý trồng trước cửa nhà, đôi mắt xanh của cậu thoáng xao động
      - Anh đi khi nào vậy?
      - Ừm...tầm chiều nay, xem có cái xe thồ nào không thì anh sẽ nhờ đi vào nội thành xong ra ga
      - Vậy vẫn kịp ăn trưa anh nhỉ?
      - Ừ, vẫn còn kịp

Trong lòng Nam Bách tỏ rõ sự tiếc nuối, quãng thời gian ở nơi này đã để lại cho anh nhiều kỉ niệm thật khó quên, anh cũng đã học được thật nhiều điều sau khi nhớ lại quá khứ ăn chơi "huy hoàng" của mình cùng lũ bạn, xét cho cùng, họ chơi với anh cũng chỉ vì nhà mặt phố bố làm to, khác hẳn với Lam, cậu lại trải đời nhiều dù còn nhỏ tuổi hơn anh, khiến cho anh tưởng mình như một đứa trẻ to xác vậy. Nam Bách thầm nghĩ rằng mình sẽ nhớ nơi này lắm, và sẽ nhớ Lam hơn.
       - Trưa nay em sẽ nấu một bữa tạm biệt thật ngon cho anh
       - Thế để xem anh giúp được gì nào
       - Không cần đâu anh, chiều anh đi rồi, đi nhiều sẽ mất sức nên anh cứ nghỉ ngơi đi

Trời ạ. Anh thật sự không muốn về Hà Nội một chút nào, trong khi vài tháng trước đó anh chỉ mong chóng được quay lại sớm, nhưng rồi anh ngơ ngác về bản thân, tại sao anh lại không nỡ?

Là vì Lam sao? Cũng có thể lắm.

Đúng như cậu nói, bữa trưa lần này thật sự thịnh soạn và trong thật ngon mắt, Lam đã đổi một tạ lúa cho ít lạng thịt bò và xào cùng với hoa thiên lý vừa hái ở vườn, mùi thơm của hoa kết hợp với hương vị thịt bò ngon tới nỗi anh không nhớ mình lần cuối ăn thịt bò là vào khi nào, rau muống luộc chấm mắm tỏi và bột mỳ trộn với muối nhân trứng hành khô rán lên ăn mà no bụng. Hình như mẹ anh ở nhà nấu cũng không ngon như thế này.

        - Anh ơi, lên Hà Nội rồi thỉnh thoảng viết thư cho em nhé? Anh phải hứa với em đấy.

Nam Bách cười khì và xoa đầu cậu, hứa rằng sẽ cố gắng
        - Còn cậu thì ở nhà cố gắng tự luyện mấy bài văn thơ đi, sau này còn đạt được ước mơ của mình. Thế nhé, anh đi đây!

Lam chuẩn bị nói câu tạm biệt thì anh ôm chầm lấy cậu, nhẹ nhàng và gục đầu vào vai cậu. Anh không muốn cậu thấy được sự ủy mị, và anh cũng không muốn nghe lời tạm biệt từ cậu, vì "tạm" sẽ là thời gian ngắn thôi, trong khi anh không biết liệu còn có thể gặp lại nhau được không. Đầu mũi của Lam có hơi cay cay, cậu cũng ôm lại anh và quay đầu đi vì không muốn phải để anh thấy mình khóc như một đứa con gái thế này
      - Em sẽ nhớ anh lắm
      - Anh cũng vậy, Lam à...

Biết rằng hai cậu con trai ôm nhau thì có hơi kì quặc nhưng mà cả hai mặc kệ, Nam Bách ôm như muốn khảm hình ảnh của cậu vào nơi sâu nhất của kí ức và trái tim, vì có thể sẽ không chỉ là tạm biệt nữa. Rồi anh chợt nhận ra một điều gì đó, bỏ bao dứa đựng đồ xuống lục lọi lấy thứ gì, cuối cùng lại đưa cho Lam một chiếc áo sơ mi màu lá mạ trông khá cũ, nhưng được giặt khá sạch sẽ
      - Suốt mấy tháng vừa rồi ăn nhờ ở đậu nhà cậu cũng ngại lắm, mà anh lại không có gì đặc biệt để tặng. Thôi thì cậu nhận cái này cho anh vui, nhé?

Cậu đón lấy bằng hai tay, tuy trông chiếc áo vải thô cứng và đôi chỗ bị sờn chỉ nhưng cậu vẫn rất cảm động mà giữ lấy
       - Cảm ơn anh Bách, em sẽ giữ nó thật cẩn thận ạ!

                       (......)
      
     - Ông ơi, tiếp theo là sao nữa ạ?

Nam Bách giật mình, bừng tỉnh khỏi những kỉ niệm đã lâu giờ mới phủi bụi. Anh nhìn đứa cháu trai của mình và khẽ cười, xoa quả đầu chôm chôm của thằng bé rồi nhấc bé con đang ngồi trên đùi, vừa cõng vừa nhún nhảy như thể cậu bé đang cưỡi ngựa, cậu bé cười rất khoái chí và còn muốn chơi thêm trò bế bổng lên rồi rơi xuống nữa
       - Để mai bố Khôi đưa Lam của ông đến chơi rồi ông kể tiếp nhé, mỗi ngày một câu chuyện chẳng phải sẽ bất ngờ hơn phải không nào?

Tiếng còi xe máy quen thuộc vang lên, Nam Bách đưa Lam ra cổng, hai người một già một trẻ băng qua một đoạn sân khá rộng, ánh nắng hè oi bức không thể xuyên qua những tán lá của giàn hoa thiên lý đã hơn chục năm tuổi, không khí trong lành và hương hoa thơm ngát làm cho anh cảm thấy thật dễ chịu và yên bình. Sau khi tạm biệt hai bố con Khôi Lam, Nam Bách lại đi vào nhà một cách chậm chạp, nhưng mà lần này anh vừa cầm khung ảnh gỗ đã cũ vừa ngồi xuống, lớp sơn xỉn màu và có những dấu vết của thời gian đọng lại, trong ảnh là Cao Y Lam của tuổi bốn lăm, đó là một bức ảnh chân dung đen trắng được cắt ra từ một bài báo rất lâu về trước. Anh không ngừng hồi tưởng lại....

Sau khi tạm biệt Lam, kí ức của anh đọng lại hình ảnh những cánh đồng lúa vàng chín rợp trời, tiếng tàu ma sát với đường ray và những vị khách không bao giờ ngớt. Anh lại trở về Hà Nội, về với bố mẹ mà anh đã từng luôn mong gặp lại, nhưng thời điểm đó anh không ngừng nhớ về Lam, nhìn mẹ anh suýt xoa con trai và gắp những món ăn yêu thích của anh đầy ắp bát cơm, anh lại hồi tưởng những bữa ăn vừa ít vừa đói mà phải ăn dè sẻn bên ánh đèn dầu của cả hai vào mỗi tối. Ông Sơn rất vui mừng khi thấy con mình thay đổi theo cách tích cực như vậy, hiếm hoi đưa ra lời khen cho anh và sự hợp tác của Lam trong ánh mắt không mấy thiện cảm của mẹ anh. Ít năm sau đó theo trào lưu của mọi người thời ấy, bố mẹ Nam Bách cũng có ý muốn cậu du học bên Nga để được như bao người khác, nhưng anh nghĩ rằng cũng chỉ để tự hào khoe với hàng xóm để thỏa mãn mà thôi. Cuộc sống bên đó cũng không dư dả gì cho cam, vừa phải lao động vừa học tiếng, men theo mọi người mà bán đồ như nồi cơm điện, chậu nhôm và những đồ dùng sinh hoạt linh tinh khác.

Và rồi lời hứa với Lam cũng đã không bao giờ được thực hiện.

Mãi sau bốn năm năm khi Nam Bách du học bên Nga trở về mới biết được rằng những bức thư anh gửi về nhà bao giờ cũng có một lá thư dành cho Lam, nhưng bà Sơn đã xé và đốt lá thư đó đi, cũng như các bức thư Lam gửi theo địa chỉ nhà anh từng nói cũng không bao giờ tồn tại trong nhà quá một ngày. Anh đã từng hỏi vì sao mẹ anh lại ghét hai mẹ con nhà Lam đến mức vậy, bà đành thở dài nói ra lí do trong sự bất lực và đau khổ thì ra là bố anh - ông Sơn đã từng có tình ý với mẹ Lam, và sự ghen ghét của bà làm cho Nam Bách và cậu không thể gần gũi được với nhau.
    
Còn về Lam, cuối cùng cậu đã từ bỏ hi vọng về một chút tin tức từ anh, những lá thư thể hiện bao nhiêu tâm tư của cậu trong suốt thời gian dài ấy cũng không được anh hồi đáp dù chỉ một lá, bao nhiêu hi vọng giờ trở thành sự thất vọng não nề. Lam đã trở thành một nhà báo đúng như ước mơ của cậu, nhưng trước khi được chia vui thì mẹ cậu lại qua đời vì bệnh đau dạ dày do lao động quá sức và ăn uống không đầy đủ, bà kết thúc cuộc đời nghèo khổ và khó khăn của bà trong quãng thời gian bao cấp ấy.

Sau năm 1986, mọi thứ thay đổi quá rõ ràng khi xóa bỏ chế độ quan liêu bao cấp, Nam Bách lúc này tự kinh doanh một cửa hàng tạp hóa nhỏ ngay trước cửa nhà, gia đình anh không còn khá giả như trước khi thời bố anh làm ở kho lương thực vì nó đã được giải tỏa, ông Sơn cũng như bao người khác đã bị ép về hưu non và nhận một khoản tiền không đủ cho cuộc sống về già. Để không làm bố mẹ lo lắng, anh đã nghe theo sự mai mối của gia đình mà kết hôn với một người phụ nữ họ rất ưng ý và có đứa con trai tên là Sơn Hoàng Nam, nhưng dù cố gắng bao nhiêu thì tình cảm của anh không dành được nhiều cho người vợ của mình, vì trái tim ấy vẫn luôn hướng về một người khác, một người anh luôn vương vấn trong quá khứ của tuổi hai mươi. Cuối cùng sau những năm tháng cố gắng ấy, cả hai vợ chồng đành chấp nhận ly thân rồi dần dà thành ly hôn, đứa con chọn ở với anh còn người vợ đã đi bước nữa. Thời gian trôi qua nhanh chóng và yên bình, khi đã đi qua những năm tháng cuối thế kỷ hai mươi và bước sang những ngày đầu tiên của thế kỷ hai mốt, Nam Bách đón nhận đứa cháu gái đầu lòng, một sự hoài cổ nhớ thương đã làm anh quyết tâm đặt tên cho bé con là Lam, theo tên của người ấy, như một kỷ niệm đẹp của anh từ nhiều năm về trước.

Quay về Lam, cậu không nghĩ cuộc đời mình sẽ kết thúc sớm như vậy, sau khi xuất bản một cuốn tự truyện của bản thân và được nhận giải thưởng của ngày nhà báo Việt Nam. Trong một lần đi công tác ở tỉnh khác, trên đường đi quốc lộ 5 cậu đã gặp tai nạn giao thông nghiêm trọng và không qua khỏi. Tin tức trong thời gian đó nổi tiếng khắp cả nước, số người thương vong đáng kể đã được liệt kê và trong đó có cả cậu, nhưng có những người vẫn đồn đại là do cậu luôn có những bài báo nhạy cảm về chính trị nên đã bị diệt trừ. Đó là năm 1995, Nam Bách khi biết được tin này đã vô cùng đau khổ, không nhớ rõ anh đã vượt qua được sự mất mát thế này bằng cách nào, nhưng bức ảnh chụp có mặt cậu in trên báo được cắt ra cẩn thận và đóng khung gỗ luôn luôn để ở mặt bàn TV. Thỉnh thoảng vào mối tối  khi đang tận hưởng cuộc sống của tuổi già, anh vẫn thường nhìn vào tấm ảnh và kể vu vơ những chuyện gần đây, khi chỉ có một mình anh và cậu.

Hôm nay cũng vậy, sau khi tự độc thoại xong, Nam Bách đặt lại khung ảnh ở góc bàn TV và ngủ thiếp đi khi vừa nghe tin tức. Rồi anh nhìn thấy mình trong giấc mơ, một bản thân quay trở về tuổi hai mươi đang sững sờ nhìn bóng dáng phía trước mặt mình, anh nhận ra đó là Lam, không phải cháu gái mình mà là Lam người anh yêu suốt những năm tháng thanh xuân, Lam của trung niên nhìn chắc chắn sẽ khác, nhưng Lam đang đứng quay lưng lại với anh chính là Lam của mười sáu tuổi. Anh nghe thấy mình thảng thốt gọi tên cậu rất to, rồi cậu ngoảnh đầu nhìn anh với đôi mắt xanh biển đẹp đẽ đó mà gọi "Anh ơi", làn da bánh mật, mái tóc cháy nắng, chiếc áo ba lỗ màu trứng lòng và quần đùi sờn rách vá những miếng vải to quen thuộc ấy lay động tâm can anh. Nam Bách vội vã chạy về phía cánh đồng lúa chín nơi cậu đang đứng, ôm chầm lấy cậu thật chặt với hai cánh tay run rẩy, Lam mỉm cười ôm lại tấm lưng anh, những tia nắng ấm áp chiếu vào bóng của hai người in lên những cọng lúa vàng phất phơ trong gió. Nam Bách cầu mong rằng giấc mơ này sẽ kéo dài mãi mãi, dù cho anh không bao giờ tỉnh lại cũng được. Vì anh muốn ở lại đây lâu hơn chút nữa, ở nơi có Lam của anh.

End.
______________________________

Trứng: Vậy là sau 3 năm (có một khoảng thời gian tôi đã quyết định drop) thì cuối cùng cũng hoàn thành rồi, yayyy ❤

Thực ra chap này có sự cameo của một nhân vật rất đặc biệt, đó là ông Văn. Ông ấy là người có thật và vẫn đang sống ở Kiến An, theo mẹ tôi kể thì ông ấy là người mà cả nhà tôi mang ơn. Vì sao ư? Chúng ta sẽ tua ngược lại thời gian một chút về cuối năm 1971, lúc đó mẹ tôi mới ra đời được gần một tháng, cụ ngoại (mẹ của ông ngoại tôi) đã xin ông Văn đừng cho ông ngoại tôi vào miền Nam gia nhập quân đội đánh lính Mỹ, vì cụ ông mất năm ông ngoại tôi 16 tuổi, nhà thì có mỗi ông tôi là con trai (sau ông ngoại tôi thì có ba bà em gái), mẹ tôi thì vừa mới được đẻ ra không lâu mà bà ngoại tôi đẻ khó còn đang ở bệnh viện hồi sức. Ông Văn cũng thương tình nên đã đồng ý cụ ngoại tôi, tất nhiên là ông ngoại tôi vẫn không biết chuyện này nên cứ chuẩn bị sẵn hành lý để vào Nam. Mãi bẵng đi một thời gian thì ông ngoại cũng có thắc mắc sao mãi chưa có lệnh để đi thì cụ bà mới nói ra sự thật, ông Văn đã thay ông ngoại tôi mà cử ông Mùi đi, nhưng chưa kịp vào vùng chiến trận thì mất vì sốt rét rừng trên tuyến đường Trường Sơn. Cả nhà tôi luôn thấy may mắn vì ông tôi đã thoát chết như vậy, thế nên mỗi cuối năm tết đến ông tôi vẫn thường sang Kiến An chúc tết ông Văn và có thắp hương cho ông Mùi ở nghĩa trang bên đó.

Cảm ơn mọi người vì vẫn theo dõi tác phẩm ngắn nhưng lại kéo dài về mặt thời gian của tôi, cũng cảm ơn cô darklilith1 vì đã cùng trao đổi với tôi plot tuyệt vời này nhé 😘

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip

Tags: #naibeli