Chương 3.6: Huân Phong (2)

Dưới bầu trời đêm, mọi vật trên mặt đất như hòa vào bóng tối, kể cả những cây lớn cũng chẳng thể thoát thân, dẫu cho có vươn mình lên thật cao vẫn bị sắc thái đen trũi nhấn chìm, chỉ chừa lại chút hơi tàn se sẽ trên lưng gió. Ánh đèn đường nhập nhoạng là nguồn sáng duy nhất giúp tôi nhận diện ai đó trong không gian đặc quánh này. Người được gọi cũng vậy, đứng từ xa phải căng mắt một hồi mới vỡ lẽ. - Hội trưởng, a... ý em là anh Leo!

- Em đang làm gì thế? - Tôi thắc mắc tiến lại gần cô bé.

- Em đang... - Thiên Bình lắp bắp. - Em đang đi ăn tối. Còn anh?

Thái độ lúng túng này hẳn có uẩn khuất gì không muốn tiết lộ, nếu vậy tôi chớ tọc mạch làm gì. Ngay lúc định hồi đáp câu hỏi của Thiên Bình, bất chợt cái bụng đói móc meo nổi hứng cướp lời chủ, réo um sùm. Thoáng đỏ mặt, tôi cười đưa đà chữa thẹn. - Anh cũng vậy.

- Nếu anh không chê, vậy ăn tối với em đi.

Hiểu rồi, do cảm ứng được Thiên Bình, người luôn xuất hiện với đồ ăn ngon, nên mi mới muốn chớp lấy cơ hội ăn chực người ta nữa chứ gì? Thật không có chút liêm sĩ! Lý trí phản kháng buộc tôi từ chối, vì thể diện và cũng vì muốn cho cái bụng tham lam kia một bài học; nhưng cái bụng nào chịu thua, cũng đánh trống ầm ĩ phản công. Hai bên đấu qua đấu lại khiến tôi rối beng hết cả lên, một tay xoa bụng, một tay đặt sau đầu trấn an chúng. Như nhìn thấu được nỗi khổ tâm của tôi, Thiên Bình khéo léo thuyết phục.

- Lần này em không khao nữa đâu. Có làm mới có ăn, bởi thế em sẽ nấu, còn anh sẽ rửa dọn được chứ?

Trước đề nghị sòng phẳng, cái đầu và cái bụng cuối cùng cũng thôi đánh nhau. Cô bé này quả thật biết cách làm tâm trạng đang quay cuồng của người khác trở nên an ổn, hệt như lần đầu chúng tôi gặp nhau.

Đến nước này còn lý do gì để không gật đầu đồng ý chứ, vừa nghĩ vậy tôi liền sực nhớ ra một chuyện. - Nếu em ở ký túc xá vậy thì nấu ở đâu chứ? - Trường học quy định rằng chỉ khi có tiết mới được vào phòng học nấu ăn, không có bất kỳ ngoại lệ nào cho học viên sử dụng ngoài giờ cả.

- Ở phòng bếp giáo viên ấy ạ... - Đang nói nửa chừng chợt Thiên Bình đứng hình há hốc mồm. - Ơ, em quên mất, phòng bếp giáo viên không cho học viên vào... - Giọng điệu lí nhí hệt như đứa trẻ mắc lỗi, đoạn lại gạt phăng đi vế sau, nhanh nhảu vớt vát. - Em vẫn nấu, sau đó sẽ đem thức ăn ra ngoài, chúng ta tìm chỗ nào đó dùng bữa cũng được. Nhiệm vụ rửa chén đó coi như cho anh nợ, dịp khác trả cũng không sao đâu.

Gương mặt khẩn khoản của Thiên Bình khẽ gợi lên trong tôi một nỗi day dứt. Từ đầu tôi đã luôn cho rằng, cô bé lớp mười, tôi lớp mười hai, lướt qua đời nhau được mấy lần chứ, chẳng bao lâu nữa tôi sẽ tốt nghiệp, khó còn gặp lại chi bằng đừng nên hứa hẹn hay nhận ý tốt của người ta để tránh mang nợ không có cơ hội trả. Mỗi lần kì kèo khách sáo là một lần gây ra thất vọng, tôi khiến một cô bé tốt bụng, nhiệt thành bị tổn thương như thế đấy. Tôi không nhận ra mình đã quá khắt khe với mối quan hệ này và bỏ qua cảm xúc của em, mặc nhiên nghĩ việc bản thân từ chối là hợp lý, rồi em sẽ mau chóng quên thôi; cách ứng xử nông cạn đó vô hình chung khiến Thiên Bình phải nhìn sắc mặt tôi, việc em ấy cuống quýt vì lo lắng tôi để bụng câu "Có làm mới có ăn" chính là hệ quả rõ nhất.

Biết sai biết sửa, cần hành động khác đi thôi. Người ta thường nói "Quá tam ba bận", đến tận bây giờ vẫn có thể tái ngộ hẳn không phải tình cờ, đã là cái duyên thì tội tình gì không đón lấy chứ. Tôi muốn trở thành bạn bè và được gặp lại Thiên Bình, vì lẽ đó nên cởi mở hơn để em ấy không canh cánh mỗi khi giao tiếp với tôi nữa.

- Chà, em được sử dụng phòng bếp giáo viên à?

- Vâng. Cô Hậu Phát đã giúp em có đặc quyền này. Như anh biết đó, phòng học nấu ăn bị quản lý rất nghiêm ngặt vì những sự cố trong quá khứ, nên cô ấy cũng khá vất vả mới xin được nhà trường cho phép em dùng gian bếp giáo viên, với lời đảm bảo em không được gây hư hại tài sản trong đó và phải dọn dẹp sạch sẽ gọn gàng mọi thứ khi đã làm xong.

Ngôi trường cao quý cũng tồn tại những vấn đề nhức nhối của riêng nó, phòng học nấu ăn chính là một trong số đó. Đa số theo học ở đây toàn cậu ấm cô chiêu trước giờ sống trên cao, quen được người hầu kẻ hạ cơm bưng nước rót tới tận nơi dâng tận miệng, nay phải chân ướt chân ráo xuống nấu ăn tiềm ẩn muôn vàn nguy hiểm cho gian bếp lẫn chính họ. Thậm chí, có mặt giáo viên hướng dẫn cũng không khiến mọi thứ an toàn hơn là bao do tính chất khó lường của những tay mơ đứng bếp. Đúng như Thiên Bình nói, đã từng có hai, ba vụ tai nạn lớn xảy ra tại phòng học nấu ăn, thiệt hại vật chất không nói, cái đáng nói là có học viên bị thương, gia đình những người đó làm ầm ĩ lên đòi bãi bỏ môn nấu ăn khỏi chương trình giảng dạy. Tuy nhiên, nhà trường đã khống chế được cục diện, giữ yên vị môn học này, đồng thời chịu mọi trách nhiệm xử lý thiệt hại lẫn bồi thường. Sau cùng, dù không muốn cũng đành buộc lòng siết chặt quản lý phòng học nấu ăn, đề ra quy định thép cho giáo viên lẫn học sinh khi ra vào đây, ai làm trái sẽ bị phạt và trường cũng không chịu trách nhiệm nếu có sự cố tương tự xảy ra nữa.

Là học viên cuối cấp đã trải qua bao tiết học nấu ăn sóng gió, tôi phải nói rằng dù may mắn chưa gặp sự cố kinh hoàng nào nhưng những tai nạn nhỏ nhíp vẫn thường trực rình rập. Đứt tay chảy máu, dầu nóng bắn trúng, vỡ chén bể đĩa, nêm nhầm gia vị... xảy ra liên miên không sót tiết nào, đến tận khi tàn cuộc, luôn phải toát mồ hôi hột thu dọn bãi chiến trường. Vậy mà, vẫn có giáo viên kiên trì dạy môn học này, hơn nữa còn dốc lòng giúp đỡ tìm một môi trường thích hợp cho học viên mang tố chất được phát huy khả năng. - Cô Hậu Phát quả thật là một giáo viên tâm huyết.

- Vâng, cô ấy cũng nói muốn tìm kiếm và đào tạo thêm nhiều bạn học khéo tay yêu thích nấu ăn. Dường như cô muốn thành lập một nhóm chuyên đấy.

- Ừ nhỉ, anh nhớ có vài giấy tờ liên quan đến việc đề nghị thành lập câu lạc bộ ẩm thực. Em giỏi quá, được cô ưu ái như thế.

- Anh quá lời rồi. - Thiên Bình cười khiêm tốn.

Nắm rõ ràng hiện tình, bấy giờ tôi lái cuộc trò chuyện trở lại chủ đề chính. - Quên nói với em, anh cũng được đặt cách vào gian bếp giáo viên đấy.

Thiên Bình tròn mắt ngạc nhiên. - Thật sao? Chẳng lẽ anh cũng biết nấu ăn ư? - Rồi nhận ra bản thân bị hớ, em ấy co mình lại, cúi đầu nhỏ giọng. - Xin lỗi, em thô lỗ quá.

Tôi lắc đầu, cười vô tư. - Không sao, anh không rành chuyện nấu nướng thiệt. - Nghe vậy Thiên Bình ngước nhìn tôi khó hiểu, đoán được khúc mắc của em ấy, tôi nói tiếp. - Với tư cách là hội trưởng Hội học sinh, anh cũng được hưởng chút đặc quyền của nhà trường, ra vào phòng bếp giáo viên nằm trong phạm vi đặc quyền đó.

- Ô, đúng rồi nhỉ!

Tôi nháy mắt. - Thỏa thuận "em nấu anh rửa chén" vẫn có hiệu lực, hết lo rồi nhé. Giờ mình đi thôi, anh nóng lòng muốn thưởng thức món ăn của em lắm đấy.

Thiên Bình gật đầu, vẻ mặt phấn chấn hẳn lên, đeo tạp dề vào bắt tay nấu nướng ngay, tôi cũng xông xáo phụ giúp lặt vặt. Gian bếp lạnh lẽo dần trở nên ấm cúng theo hoạt động của chúng tôi, tiếng nước chảy, tiếng chảo dầu nóng xì xèo, tiếng dao cắt trên thớt, chốc chốc có tiếng chuyện trò của tôi và em đã tạo nên một bản hòa âm rộn ràng bắt tai.

- Em thường xuyên tới đây tự nấu ăn à? - Tôi vu vơ hỏi trong khi đang rửa rau.

- Vâng. - Thiên Bình thành thật đáp. - Tự tay làm vẫn ưng ý hơn hẳn.

- Đồ ở căn tin không hạp khẩu vị em sao? - Cá nhân tôi thấy thức ăn cũng không đến nỗi tệ, có điều, cảm quan từ kẻ chỉ biết ăn cho qua bữa như tôi sao có thể bì với một người sành sõi về ẩm thực như Thiên Bình. Qua những lần được thưởng thức tài nghệ của em ấy, khác biệt đẳng cấp giữa hai chúng tôi trong lĩnh vực này rõ nét như ban ngày, theo đó lời đánh giá của ai chất lượng hơn là điều không cần bàn cãi.

- Không hẳn là không hạp. Thi thoảng em cũng ăn ở căn tin mà, đồ ăn khá đa dạng và vừa miệng, vấn đề là em có phần kén ăn. - Thiên Bình ngưng một lát để lựa lời. - Món ngon vật lạ dù hấp dẫn cách mấy cũng khó sánh bằng hương vị quen thuộc. Cơm nhà làm vẫn ấm bụng hơn.

Câu này của Thiên Bình chợt khiến tôi cảm thấy trống vắng lạ thường. Hương vị quen thuộc, cơm nhà làm, đã bao lâu rồi tôi không được nếm lại nhỉ?

- Còn anh Leo thì sao?

- Anh thường ăn ở căn tin, lâu lâu đổi gió ra ngoài mua fastfood hay mấy món nào có tính tiện lợi tương tự ăn cho lẹ ấy.

- Ăn như vậy không tốt cho sức khỏe đâu.

- Anh còn trẻ, ăn qua loa một chút cũng không sao. Nhiều bạn học khác cũng vậy...

- Xin hãy coi trọng sức khỏe của mình hơn. - Thiên Bình ngắt lời tôi, ánh mắt bỗng trở nên nghiêm nghị. - Anh xanh xao lắm đấy ạ.

Tôi đưa tay lên sờ mặt, mỉm cười gượng gạo. Hiện tại tôi cảm thấy rất khỏe, nhưng dưới cái nhìn xoáy sâu đầy áp bức của cô bé đàn em, chẳng hiểu sao không đủ dũng khí nói lên điều đó. Có thật là tôi ổn không? Nhận ra bản thân bắt đầu hoài nghi chính mình, tôi bối rối lảng sang chuyện khác.

- Đúng rồi. Hôm nay thứ bảy, em không về thăm nhà à?

- Ba mẹ em đều đi công chuyện hết, nhà cửa vắng tanh chẳng khác gì ký túc xá lúc này, về có mình ên nên bữa nay em ở lại. - Cứ ngỡ đã chuyển chủ đề thành công, ngờ đâu giây tiếp theo Thiên Bình tuyên bố. - Bất kỳ khi nào anh muốn đều có thể tới phòng bếp giáo viên ăn tối, sẽ luôn có phần ăn dành cho anh. - Không để tôi có thời gian tiêu hóa, em ấy luýnh quýnh nhấn mạnh thêm. - Điều em vừa nói không phải do tùy hứng nhất thời, cũng xin anh chớ hiểu lầm em đang gây sức ép gì. Em tự ý tự quyết làm việc này ắt phải tự chịu mọi kết quả. Về phía anh hiển nhiên có quyền lựa chọn, đến cũng được, không đến chẳng sao, đừng ngần ngại hay cảm thấy khó xử chi hết.

Tôi đương nhiên cảm nhận được những lời này của Thiên Bình hoàn toàn thật lòng nên làm sao có thể không bận tâm. - Em hà tất phải rước cực nhọc vô mình thế?

- Chỉ nấu nhiều hơn một chút, thêm cái bát, thêm đôi đũa thì có gì cực chứ. Ngược lại, với em việc này là nhất tiễn song điêu đấy. - Nói đoạn Thiên Bình lần lượt giơ hai ngón tay ra trước mặt tôi. - Chọn ở đây tự nấu ăn đồng nghĩa chấp nhận dùng bữa một mình, nhưng có anh tới dự phần em thấy đỡ buồn hơn, là một. Anh cũng có thể cải thiện chất lượng bữa ăn của mình, là hai.

Luận điệu sắc sảo khiến tôi á khẩu, lý trí bắt đầu dao động, thế là Thiên Bình tiếp tục giơ tiếp ngón thứ ba dứt điểm.

- Em đâu để anh ăn không, dọn dẹp sau bữa ăn luôn là khâu chán nhất, có anh làm giùm em mừng lắm đó.

Trước sự kiên định của Thiên Bình, tôi có thể nói gì hơn đây, chỉ đành phất cờ trắng đầu hàng. - Em thắng rồi, vậy bất cứ khi nào anh muốn, sẽ tìm đến đây ăn, nhưng không cần thiết mỗi ngày đều để dành phần, khi nào tới anh sẽ gọi báo trước cho em.

Thiên Bình hài lòng gật đầu, thoăn thoắt hoàn tất việc nấu nướng. Xong xuôi chúng tôi dọn thức ăn ra bàn, trước khi động đũa cả hai móc điện thoại ra trao đổi số.

Thực đơn hôm nay gồm cơm trắng ăn cùng các món salad tôm bơ, canh bí đỏ nấu thịt, ức gà xào nấm. So với bento cầu kỳ bữa trước thì phần ăn này đạm bạc hơn rất nhiều. Cơ mà, ăn thanh đạm cũng có cái ngon của nó, cách nấu đơn giản hơn không có nghĩa là tay nghề của Thiên Bình thụt lùi, bằng chứng là mùi thơm của món ăn vừa chạm đến khứu giác đã khiến cơn đói bụng bị kích thích không ngừng cào xé dạ dày tôi.

Sau lời mời mào đầu, bữa ăn diễn ra trong bầu không khí yên ắng nhưng thoải mái. Cuối buổi, với cái bụng đã thỏa mãn, tôi mỉm cười. - Cảm ơn em vì bữa ăn nhé. - Đứng dậy gom chén bát vào bồn, nhưng lúc tôi mở vòi định rửa lại bị em ấy ngăn lại.

- Khoan đã. Chúng ta chưa ăn tráng miệng nữa. - Thiên Bình mở tủ lạnh, lấy ra một thố đựng kem rồi múc ra ly. - Sorbet dưa lưới này cũng do em tự làm đấy. Ăn bây giờ là vừa ngon luôn.

- Mùa đông ăn kem thật kỳ khôi.

- Nhưng nó thú vị lắm. Trời lạnh, kem lạnh, cơ thể lạnh run, lạnh từ trong ra ngoài. Khoái cảm trải nghiệm này mang đến thật khó để diễn tả thành lời.

- Ừ, đúng là một thú vui khó lỗi thời nhỉ. - Bất giác một cảm xúc thân quen ùa về choáng mất thực tại khiến tôi lạc giọng. Hình như trước đây có một người cũng bảo với tôi điều tương tự.

Mùa đông ăn kem dễ hơn, mùa hè chưa kịp thưởng thức thì kem đã chảy mất tiêu. Cho nên ăn kem vào mùa đông mới đúng điệu nhất.

Không để bản thân lún quá sâu vào vũng lầy nỗi niềm, tôi múc một thìa đầy kem cho vào miệng để cái lạnh buốt óc choáng ngợp tâm trí, nhưng đây chỉ là cách tạm thời, tự tôi biết rằng bóng ma vẫn luôn đeo bám dai dẳng. Thật không mong tối nay sẽ lại mất ngủ, cần một liều an thần mạnh hơn nữa. Tôi hủy dự định về phòng học bài, sau khi rửa chén xong mời Thiên Bình cùng tản bộ quanh trường, với mong muốn cái lạnh đêm đông sẽ làm tê dại phiền não đang manh nha trỗi dậy kia.

Chúng tôi dạo bước khắp mọi nẻo đường, nói với nhau đủ chuyện trên trời dưới đất, từ chuyện học hành, chuyện câu lạc bộ, chuyện thường ngày đến chuyện tương lai, thi thoảng bông đùa đôi ba câu rồi cười nắc nẻ; tâm trạng của tôi dần lắng dịu trở lại. Cuộc tán gẫu êm đềm đến nỗi cả hai lo mải mê chìm đắm vào nó mà không biết đã lạc bước vào ngõ cụt. Trước mặt là một bức tường ngoằn ngoèo cao tít tắp dài mút mắt ngự sừng sững, tôi quay đầu trở ngược lại lối cũ, nhưng chưa đi được mấy bước bỗng phát hiện người bạn đồng hành của mình vẫn đứng nguyên tại chỗ ngẩn người nhìn bức tường với ánh mắt xa xăm.

Em ấy hay vô thức để bản thân một mình một cõi như vậy, tôi đã để ý điều này từ những ngày đầu gặp gỡ, phải nói rằng Thiên Bình không phải người giỏi che đậy cảm xúc. Gương mặt tươi tắn như hoa bị giấu đi sau chiếc mạng che sắc tím, một gam màu phản ánh nỗi buồn ngược dòng thời gian. Chính tôi cũng bị bao phủ bởi lớp voan tím vô hình ấy nhiều đến mức ngợp thở, chỉ có thể khỏa lấp, âm thầm chịu đựng không dám để ai hay, nay trông thấy rõ mồn một sắc tím kia bám trên người khác như thể được mục sở thị phần nào bộ dáng bản thân, trong lòng chợt thắp lên một mối đồng cảm.

- Không biết nó dài bao nhiêu nhỉ, mình đi dọc xem thử nhé anh. - Thiên Bình rũ đầu gạt đi suy tư để trở về với thực tại, trỏ tay vào bức tường mỉm cười.

Chúng tôi dẫm lên thảm cỏ nhung được cắt tỉa sát mặt đất hòng bước men theo bờ tường. Dư âm ban nãy còn tồn đọng khiến Thiên Bình phảng phất một vẻ trầm mặc. Tâm tình của em ấy phải chăng giống như tôi vừa rồi. Bắt gặp một sự vật thân quen, cánh cửa hồi ức tự động bật mở, có thể nhìn nhưng không bước qua được, cảm xúc tái tạo quá đỗi chân thật, nhưng hiện hữu rõ rành để làm chi, khi cánh cửa khép lại chỉ còn bao luyến lưu. Nếu đúng thế thì do bức tường hay do thứ nằm bên kia gây ra?

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip