CHƯƠNG 1: MÁU VÀ LỬA

Gió gào trên đỉnh núi như tiếng than khóc của tổ tiên. Báo hiệu cho một điềm dữ sắp xảy ra.

Trời chưa sáng hẳn. Màn sương dày phủ trắng cả cánh rừng cổ, những thân cây đại thụ như bóng ma đứng im lìm giữa sương mù. Phía chân núi, tiếng binh khí va chạm vang vọng, tiếng người hò hét, tiếng ngựa hí xen lẫn trong mùi máu tanh nồng và khói đốt rừng bốc lên nghi ngút.

Trận phục kích bất ngờ ở biên giới phía Tây.

Không ai ngờ được, quân Man từ phương Bắc dám vượt sông thiêng, vượt luôn cả ranh giới thề nguyện giữa các bộ tộc, tiến thẳng vào vùng đất cấm. Chúng tàn ác, điên loạn, như thể có một thứ gì đó đang điều khiển từ trong bóng tối. Chiến trường ngập trong hỗn loạn, máu và khói lửa đầy rẫy khắp mọi nơi.

Đội Hổ Vệ lập tức ra quân.

Dẫn đầu không ai khác chính là Thục Lam, nữ tướng được Vua Hùng tin cậy nhất, người đã từng đẩy lùi ba đạo quân chỉ trong một trận đánh, kẻ mà dân chúng gọi là "Hồn của Rừng Thiêng".

Nàng cưỡi ngựa xông pha như cơn gió lốc thét qua sườn đồi. Mỗi bước vó dội vang đất trời, tấm áo choàng lông ngỗng màu nhạt tung bay phía sau lưng như một cánh chim khổng lồ sắp sải cánh giữa chiến trường.

Mái tóc đen tuyền được búi gọn cao đến đỉnh đầu, cố định bằng khuôn cài đồng chạm khắc hoa văn cổ. Hai bên tóc bên thái dương được vuốt ngược, không một sợi rối, tạo nên vẻ cứng cáp và kỷ luật, như chính lối sống của nàng, gọn gàng, quyết đoán, không cho phép bản thân lơi lỏng dù là một khắc.

Khuôn mặt nàng mang nét đẹp của một thanh kiếm vừa rút khỏi vỏ: sắc sảo, đường nét dứt khoát, sóng mũi thẳng như sống đao, đôi mắt phượng sáng như ánh chớp, một ánh nhìn cũng đủ khiến kẻ địch chùn bước.

Trên người nàng là bộ y phục truyền thống: áo váy quấn thân (1) sang trái có màu chàm đậm, váy quấn kín phần dưới, cạp váy thắt chặt quanh bụng, phía trước nổi bật với một chiếc xế thêu hoa văn xoắn lượn, tinh xảo như chính huyết mạch bộ tộc nàng. Bên ngoài, nàng khoác giáp mỏng, không cồng kềnh nhưng đủ để che chở những điểm yếu trên cơ thể. Ngay giữa ngực, mảnh hộ tâm phiến bằng đồng sáng bóng phản chiếu ánh trời, như một tấm khiên nhỏ che chắn niềm tin và quyết tâm.

Giáp tay, giáp chân bằng đồng ôm sát lấy làn da nàng, mỗi bước đi, mỗi lần giương vũ khí đều phát ra tiếng kim loại chạm nhau. Tai nàng đeo khuyên tròn đồng, trên cổ đeo xà kích, biểu tượng của một chiến tướng đứng giữa trăm quân.

Trên tay nàng cầm Diên Lạc Thương, ngọn giáo được truyền qua nhiều đời trong dòng họ nàng,  vươn cao như lửa thắp trong giông gió. Cán giáo mòn nhẵn bởi bao nhiêu đời nắm giữ, mũi thương sắc lạnh như trời đông, mỗi nhịp nàng thúc ngựa, mũi thương lại nghiêng về phía trước như một mũi tên định sẵn hướng đi không lùi.

Nàng không chỉ là một người chỉ huy. Nàng là tuyên ngôn sống động giữa chiến trường: đẹp nhưng tuyệt đối không yếu mềm. Đôi mắt ấy, đôi mắt từng chứng kiến bao sinh tử, vẫn rực cháy, dẫu dưới chân là xác đồng đội ngã xuống không kịp gọi tên.

Nhưng...

Một tiếng nổ.

Một mũi tên đen như nhuốm tà khí, bắn xuyên qua chiến mã của nàng. Ngựa đổ. Nàng bị hất văng, va vào tảng đá lớn. Ngọn giáo văng khỏi tay nàng. Máu tuôn ra từ sau lưng, từ miệng, từ cổ tay bị trật khớp. Âm thanh dần vỡ vụn trong tai.

Bị mai phục. Phía sau có nội gián.

Nàng gượng dậy, tay nắm chặt thanh dao găm bên thắt lưng, ánh mắt vẫn không lùi. Nàng đã một mình chém lối máu thoát khỏi mai phục, nhưng vết thương sâu sau lưng khiến từng bước đi như xé thịt.

"Đừng dừng lại... Không được ngã xuống."

Đúng lúc đôi chân gần như khuỵu xuống, từ xa vang lên giọng nói trầm thấp, mơ hồ như vọng từ đáy giếng ngàn năm:

"Nếu ngươi muốn sống... đi về phía Tây... nơi ánh trăng không chạm tới."

Giọng nói trầm thấp vang lên từ khoảng trống giữa sống và chết, xa như vọng từ đáy vực, nhưng rõ hơn bất cứ mệnh lệnh nào nàng từng nghe.

Bị thương nặng, tâm trí mơ hồ, nàng vẫn cắn răng lần theo bóng tối dày đặc trong rừng sâu, như có một lực vô hình dẫn lối. Giữa màn sương mờ, nàng chạm đến một vách đá rêu phong, khắc đầy cổ văn kỳ lạ. Một khe đá nhỏ hé mở... bên trong là một hang động chìm trong khí lạnh ngàn năm.

Tiếng vó ngựa truy sát đã mất hút sau lưng, chỉ còn tiếng tim nàng đập dồn dập như hồi trống tử thần. Máu từ vết thương sau lưng đã thấm ướt cả chiến bào, nhưng Thục Lam không dừng lại.

Nàng gượng lê từng bước giữa cánh rừng rậm rạp, đôi mắt mờ đi vì máu và sương, nhưng câu nói kia vẫn văng vẳng trong đầu:

"Phía Tây... nơi ánh trăng không chạm tới..."

Như có một sợi dây vô hình kéo nàng đi, như thể đất trời đã vẽ sẵn một con đường duy nhất cho nàng bước vào.

Một vách đá hiện ra, ẩn sâu giữa những gốc cây cổ thụ bám đầy dây leo. Kỳ lạ thay, ánh sáng nơi đây tối sầm lại, dù trời đang rạng. Vách đá phủ đầy rêu phong, những đường khắc lạ lẫm uốn lượn như cổ văn đã thất truyền từ nghìn năm.

Một khe đá khẽ mở ra.

Thục Lam siết chặt lấy dao găm, tay đã tê rần, rồi bước vào. Bên trong là một hang động chìm trong khí lạnh ngàn năm, nơi mà gió thổi cũng không vang, nơi mà sự sống như bị giam cầm từ thuở tạo thiên lập địa.

Ở trung tâm động... là một tế đàn cổ đã đổ nát.

Nền đá xám xịt nhuốm màu thời gian, và ở giữa là một vòng phù ấn khắc bằng máu, không biết là của ai, cũng chẳng biết tồn tại từ bao giờ. Những ký hiệu đỏ thẫm uốn quanh như rễ cây khô, tỏa ra thứ ánh sáng mờ nhạt lập lòe, như đang thở.

Nàng lảo đảo bước vào trong, máu từ vết thương nhỏ xuống, hòa vào lòng đất.

Ngay khi gót chân chạm vào vòng tròn ấy...

ẦM!

Mặt đất rung chuyển. Một luồng sáng tím từ lòng tế đàn bắn thẳng lên đỉnh hang, đâm xuyên qua đá như mũi giáo của thần linh. Những ký tự cổ bừng sáng. Không khí nặng nề như muốn nghiền nát cơ thể đang hấp hối của nàng.

"Ngươi đã chạm vào định mệnh..."

Một giọng nói thì thầm, không rõ là của ai. Trong khoảnh khắc, Thục Lam thấy hàng ngàn gương mặt lướt qua như gió. Có người cười. Có người khóc. Có người đưa tay ra, như chờ đợi.

Và rồi...

Mọi vết thương trên cơ thể nàng được chữa lành nhưng những vết sẹo vẫn còn đó.

Mọi thứ vỡ nát.

Đá sập. Ánh sáng tím nuốt lấy thân thể nàng. Thế giới quay cuồng. Thời gian như tan chảy.

Thục Lam biến mất khỏi thời đại của mình, cuốn vào vòng xoáy không gian đứt gãy, để rồi...

*Chú thích:

(1) Áo váy quấn thân: dạng áo váy quấn thân của người Việt xưa có nét tương đồng với bộ đôi áo váy dành cho quý tộc nam (Gho) và nữ (Kira) của người Bhutan. Nếu bạn có hứng thú có thể nghiên cứu và tìm hiểu thêm thông tin trên mạng, hoặc có thể kham khảo nguồn theo bài viết: 053. Khảo cứu về trang phục thời kỳ Hùng Vương của trang Lược sử Việt tộc.

Nguồn: https://luocsutocviet.com/2018/01/07/053-khao-cuu-ve-trang-phuc-thoi-ky-hung-vuong/ 

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip