Chương 3
Đăng Anh đột nhiên dừng lại dòng suy nghĩ, mơ mơ màng màng kéo lại mảnh linh hồn còn đang lang thang bên ngoài màn mưa bụi. Anh nhổm người dậy, ngơ ngác nhìn xung quanh nhà hàng. Vẫn là những nồi lẩu sôi ùng ục hun nhoè tầm mắt, vẫn là những cô nhân viên trẻ tuổi, tháo vát mà không kém phần nhã nhặn rảo bước xung quanh căn phòng. Tất cả vẫn vận hành như một trình tự được thiết lập sẵn, nhưng chậm rãi và uyển chuyển hơn. Anh chợt quên mất mình đã về Hạ Long, về với vùng đất mà anh cho phép mình được sống chậm lại.
Anh bỗng thở dài, ngao ngán vì đôi ba phút buông lỏng của mình. Người ta vẫn nói Phạm Nhật Đăng Anh trên các mặt báo kia nguyên tắc và cứng rắn nhường nào, làm anh cũng tự cho mình là đá. Nhưng ôi, chỉ khi người ta đập thật mạnh vào tảng đá to mới biết đá cứng đầu bao nhiêu, chỉ có nước, tưởng như mỏng manh và yếu đuối mới bào mòn bản lĩnh của đá theo thời gian. Ai mà chẳng muốn sống chậm lại, ai mà chẳng muốn trở về với bình yên?
Nghĩ tới đây, anh Đăng Anh bỗng thấy những con số nặng trĩu lợi nhuận kia chẳng đủ thu hút với anh nữa. Anh đóng gập lại máy tính, nhẹ nhàng tựa đầu vào cửa sổ. Người ta thường nói, yên bình nhất là nhà, là nơi có gia đình và người mình yêu. Gia đình của anh ở đây rồi, mà người yêu sao chờ mòn đợi mỏi vẫn còn chưa thấy?
Miệng anh lẩm bẩm hai chữ "người yêu", dường như còn mơ hồ về một xúc cảm, tay lại ký ký đôi ba nét nguệch ngoạc lên mặt bàn. Mãi sau anh mới ngộ ra, hình như những con chữ mình viết ra trong vô thức lại là cái tên "Tuệ Vy".
- Ê, cô Văn bảo cái tên của các con thể hiện sự mong mỏi của bố mẹ vào con mình đấy. Tên ông nghĩa là gì?
Có một cô gái nhỏ vừa chóp chép nhai thạch vừa hỏi.
- Do bố tôi tên là Đăng, chắc vậy. Còn tên bà thì hơi lạ nhỉ?
Cô gái ấy vênh mặt lên:
- Tên của tôi siêu hay luôn, "Tuệ" trong thông tuệ, còn Vy...
Cô ấy nghĩ một lúc rồi phán như một vị thần:
- Nhất tự "Vy đại gia", bán tự "Vy" đại gia.
Cả anh và Tuệ Vy nhìn nhau rồi cười lớn. Ôi cái người đã mười lăm mười sáu tuổi đầu, đã đến cái tuổi cập kê mà con gái khi xưa phải đi lấy chồng rồi cơ đấy, mà cô nàng còn trẻ con và ngốc nghếch quá chừng.
Hẳn là tính cô ấy vậy. Là cái tính ham của lạ, dám làm những gì người ta thường không dám, dám nói những cái người ta né tránh. Thế mới dám đứng trước mặt người cô ấy thích là anh đây mà bảo:
- Nếu ông không đạt điểm cao nhất bài kiểm tra chất lượng môn chuyên thì ông phải làm người yêu tôi.
Cứng chưa, dám thách thức cả anh. Đến cùng thì chỉ một lỗi nhỏ trong bài làm đã đẩy anh đến bên cạnh Tuệ Vy thành một đôi. Những tưởng cô ấy sẽ vui, nhưng khuôn mặt nàng thoáng chốc xịu xuống, lại dành cả một buổi để giảng bài cho anh. Vy vò đầu bứt tai, Vy gào lên tuyệt vọng: "Trời, sao câu này cũng sai được vậy?" Anh chỉ nhàn nhạt đáp:
- Lỗi tính toán.
Thằng bạn anh từ bàn trên nhoài người xuống hóng chuyện. Nó nói thầm:
- Ô câu này mày nhắc bài tao mà cô chấm tao đúng mà?
Anh không thèm để ý đến nó. Cô nàng cứ thao thao bất tuyệt, để anh thấy lòng mình nhẹ tênh đi. Anh thấy mình thật giống một thằng hèn, biết thích nhưng chẳng dám ngỏ lời, chẳng dám chiều chuộng, chẳng dám đối xử với người ta như một cô công chúa. Ấy thế mà, có một kẻ ngốc vẫn lựa chọn tin anh thực sự không hiểu thế nào là tình yêu. Rằng:
"Nếu Toán khó quá thì sau này về nhà tao nuôi."
__________________
Qua một lúc, Đăng Anh lại tỉnh dậy trong tiếng gọi ăn cơm của mẹ. Anh dụi dụi mắt, mẹ đưa tay che đi ánh đèn vì sợ con trai sẽ chói mắt, giống như hồi còn nhỏ. Mẹ xoa đầu anh, dịu dàng nói:
- Mệt lắm hả con?
Anh cũng muốn trả lời mẹ, nhưng bộ óc dù nhanh nhạy cũng trở nên ì ạch sau một giấc ngủ sâu. Anh chàng định rướn người dậy, lớp áo khoác bạc màu mà mỏng tang, thuận theo bờ vai rơi xuống. Chắc là áo của mẹ.
- Dậy ăn với mọi người đi con. Uyên bảo tí nữa hai đứa định đi chơi mà, ăn cơm sớm còn đi.
Anh ngẩn cả người. Đi đâu cơ? Sao anh không biết? Lại nhác thấy con em hụt của mình đang cầm đĩa thịt bò, nhìn anh với đôi mắt sáng rực như sao trời, anh khẽ thở hắt, nói với mẹ:
- À, con bé nhờ con dẫn đi ăn sữa chua trân châu thôi mẹ ạ.
Mẹ cười hiền, kéo tay anh về phía xa xa, nơi có nồi lẩu và vỉ nướng thịt đã ánh lên tia hồng.
Lâu lắm nhà hàng mới có một ngày được nghỉ sớm, nhân viên vội về nhà hết cả. Mẹ anh mời mãi, cuối cùng chỉ còn người trong nhà và ba cô nhân viên ở lại dùng bữa tối.
Mẹ thích nhà hàng thuần Việt nên anh mở cho mẹ. Anh chẳng biết bà quản lý kiểu gì đâu, nhưng thấy suốt cả bữa, nhân viên xung quanh cứ gắp rồi lại gắp vào chiếc bát vốn đã đầy thức ăn của mẹ, thi thoảng lại trêu chọc người phụ nữ lớn tuổi mấy câu, quây quần với nhau như một gia đình lớn, và mẹ là trung tâm.
Như vậy, anh có đi xa cũng yên tâm phần nào.
Anh với con báo nhà bác Thông Yên buông đũa sớm, vì kiểu gì tí nữa nó cũng đòi anh dẫn đi tăng hai ngay thôi. Cơ mà ngồi cùng bàn với người khác, ta phải giữ phép lịch sự tối thiểu là đợi tất cả cùng dùng bữa xong, cùng dọn dẹp rồi mới được đi về. Mẹ anh tinh tế hơn cả, hỏi:
- Ơ hai đứa ăn xong chưa? Sao nhanh thế?
Con bé nhã nhặn đáp:
- Dạ con no rồi ạ.
Mẹ lại bảo:
- Thế nhanh nhanh chuẩn bị đồ đi chơi đi. Mãi mới có dịp con gái xuống Hạ Long, đi sớm cho em còn chơi cho đã chứ.
Thử hỏi có người mẹ nào như mẹ anh không, con người ta mà thương hơn con mình nữa. Lại còn "con gái", lại còn "em" nữa chứ, bực thật. Đã thế gia môn bất hạnh gặp đúng người chơi hệ thảo mai, nó tiếp chuyện mẹ mượt như sunsilk:
- Dạ thôi, con đợi mọi người ăn xong rồi dọn mâm cùng với các chị, các em nữa.
Con bé vừa nói xong, có một chị ngồi kế bên mẹ anh vội đứng lên, xua tay:
- Thôi hai anh em cứ đi chơi đi, để bọn chị dọn cho.
Nhóc em vẫn còn dùng dằng khướt. Đến tận lúc ra tới xe, nó mới nói thỏ thẻ:
- Tháng này nhớ tăng thưởng cho ba chị kia anh nha.
Thực ra, đi ăn sữa chua là lý do để ra khỏi nhà thôi. Thay vì quẩy bar như thường ngày, hôm nay cô Uyên tiểu thư đòi đi đá sân bia cỏ. Anh cũng chiều em lắm cơ, đưa em ra tận quán bia ở mặt đường bao biển thưởng thức gió lạnh và vị mặn của biển những ngày bão về. Mà em thì đang mặc váy ngắn, đùi run cầm cập.
Anh cũng lạnh. Anh thích ở nhà đợi đón bố về từ sân đánh golf. Những tưởng con bé đang có tâm sự kín trong lòng, cần có người chia sẻ thì em chỉ đặt đồ rồi ngồi yên bấm điện thoại.
Chia sẻ đâu? Tâm sự đâu?
Anh chống cằm nhìn cái Uyên một hồi rồi nhàm chán hỏi:
- Thế, chúng ta đơn giản là đổi từ việc bấm điện thoại ở chỗ ấm áp sang vừa đón bão vừa bấm điện thoại à?
Cô nhóc chu mỏ:
- Anh chờ em xíu em mò profile mấy bạn này rồi anh xem giúp em.
Ừ thì chờ. Sau đó con bé bày ra một hàng sáu bảy anh đẹp trai nào đó em quen trên mạng, nhắm hỏi ý anh trai xem nên hẹn hò với ai. Đăng Anh không phải người khó tính, nhưng nhìn đâu anh cũng chẳng ưng.
Hai cậu này đẹp trai, nhưng người ở cơ quan chê là đào hoa. Bên kia ít người chú ý nhưng hay nghe đồn rằng thiếu tinh tế. Còn mấy người thừa tinh tế thì, khôn lỏi và ham chơi lười làm, chàng trai kia còn có mùi gia trưởng nữa.
Cái Uyên ngồi im nghe anh nói một lượt rồi gắt lên:
- Anh kén cá chọn canh vừa chứ!
Anh chàng vẫn hờ hững như trước, tay gõ nhẹ vào thành cốc bia hơi, đáp:
- Anh nói thật, chọn hay không là việc mày. Chưa kể, mày có thích mấy cậu con trai đấy đâu?
Cái Uyên sững người lại. Rồi giống như không thể tin nổi, con bé giật mình ngẩng đầu dậy, lại chạm ngay vào đôi mắt sâu thẳm của người anh trai, đôi mắt gói gọn bao tin tưởng và thấu hiểu vào trong, thoáng chốc đã làm dịu phần nào nỗi lo âu của con bé.
Em rót một cốc đầy, cứ thế uống cạn đến trơ đáy. Men rượu bủa vây nơi đáy lòng, thấm thía vào đâu so với ngàn lời cay độc của thế gian? Một thứ tưởng như vô hình vô tiếng mà từng chút được hạ gục được bản ngã cao ngút của cô tiểu thư. Nhưng giờ đây, đứa trẻ trong tâm hồn cô nàng như được ai đánh thức dậy, lớn tiếng khóc đòi được công nhận.
Nó trầm ngâm bảo:
- Anh. Anh... nghĩ gì về, cộng đồng LGBT?
- Cũng là người bình thường. Giống như chàng trai này thích những cô gái nhu mì, ngây thơ, chàng trai khác thích người cá tính, mạnh mẽ. Người đồng tính là một trong vô vàn kiểu người thôi.
Anh ta bật cười:
- Giống như mày, kể cả mày thích con trai hay con gái thì vẫn là con của bố mẹ, là em của anh.
Cái Uyên thở phào nhẹ nhõm. Con bé nói với anh:
- Trong "Hệ tư tưởng Đức", Karl Marx đã định nghĩa 'Hàng ngày tái tạo ra đời sống của bản thân mình con người còn tạo ra những người khác, sinh sôi nảy nở - đó là quan hệ giữa chồng và vợ, cha mẹ và con cái, đó là gia đình...'. Em biết, với một giảng viên môn Triết học như mẹ em, nếu hai người vợ hoặc hai người chồng cùng sống chung một mái nhà sẽ không gọi là gia đình. Tình yêu đồng tính cũng... thật khó được chấp nhận.
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip