III. Hải dương xám
Bài hát hôm nay:
"Giấc mơ từng rất thơ" - mer ft Quang Huy
.
.
.
Hậu quả của vung tay quá trán là tôi phải đến trường với cái bụng rỗng tuếch. Tôi không dám xin bố mẹ vì qua hai hôm nữa mới đến ngày phát tiền tiêu vặt. Không sao, ít nhất thì tôi vẫn chi tiền cho sách vở chứ chẳng đánh mất đi đâu. Tri thức là sức mạnh, tri thức có thể giúp no bụng, tôi tự nhủ như thế khi leo ba tầng lầu để đến lớp học.
Có lẽ tôi đã đánh giá thấp khả năng chịu đói của mình. Qua ba tiết đầu, tôi bắt đầu cảm thấy cồn cào trong dạ, đầu óc cũng lửng lửng lơ lơ không tập trung được. Tiết sau là giờ thực hành môn Hóa nên mọi người bắt đầu lục tục di chuyển đến phòng thí nghiệm. Tôi lúi húi vờ tìm cuốn sách giáo khoa, mãi đến khi không còn ai trong lớp, tôi mới ôm dụng cụ, cúi đầu rời đi.
Tôi ngại ngùng và tự ti nên qua ba năm vẫn chưa thân thiết với ai trong lớp. Bất kỳ ai tiến đến làm quen đều bị sự nhạt nhẽo, kiệm lời của tôi cản lại. Dần dần, khái niệm "bạn cùng lớp" của tôi chỉ được cắt nghĩa bằng hai chữ "xã giao".
Khi đi tới khúc ngoặt giữa cửa phòng học và hành lang, tôi mải nghĩ nên không để ý, va vào người đi ngược chiều. Cú đâm không mạnh và người kia cũng nhanh chóng đưa tay ra đỡ lấy eo tôi, nhưng đột nhiên trước mắt tôi tối sầm, đầu váng lên không trụ vững được. Lỗ tai tôi ù đặc như đang chìm trong con nước đen, chỉ loáng thoáng nghe thấy giọng nói lao xao gọi tên mình:
- Thanh! Thanh! Cậu sao thế?
Khoảng hơn mười lăm phút sau, tôi mới dần tỉnh táo lại trên chiếc giường ở phòng y tế. Nhìn Hải Dương ôm cả hai phần sách giáo khoa, đang đứng mím môi nhìn mình, tôi cảm giác may mắn mười mấy năm nay hình như đã được dùng hết. Nếu không thì vì sao hai lần tôi ở trong bộ dáng ngốc nghếch xấu hổ nhất đều bị cậu nhìn thấy?
- Cô y tế nói là tụt huyết áp, cậu không ăn sáng hả?
Nghe Dương hỏi, tôi phải vắt hết óc ra để tìm cách trả lời:
- Hôm nay đi vội quá, mình quên mất.
Dương không nói gì mà chỉ nhìn im lặng nhìn tôi, ngay cả cặp đồng tử xám bạc cũng chưa chuyển động lấy một lần. Phòng y tế rất thiếu sáng, cửa sổ chỉ chừa đúng một khe hở để thả tia nắng vàng giữa chiều vào trong. Song, vệt sáng mỏng tang ấy như có tri giác, nó vắt ngang nửa mặt Dương, khiến con mắt bên trái của cậu lóe lên, vỗ yên những ảm đạm, buồn bã. Một lúc sau, tôi cũng chẳng biết là đã trôi qua bao lâu, Dương mới rút từ trong túi áo khoác ra mấy viên kẹo.
- Ăn đi, lần sau đừng bỏ bữa nữa. - Cậu thả chúng vào tay tôi, dặn dò. - Mình về lớp rồi xin nghỉ cho cậu luôn.
Dứt lời, Dương quay đi mất. Tôi ngồi một mình trong phòng y tế, sững người nhìn mấy viên kẹo cậu cho. Không có Dương che chắn, giọt nắng yếu ớt nhưng vàng ươm ấy ùa đến nhảy múa trên tay tôi, mấy tờ giấy gói kẹo đủ màu cũng trở nên lấp lánh.
Tôi xé giấy gói ra, cho kẹo vào miệng. Vị ngọt đắng của chocolate tan trên đầu lưỡi, trôi qua cổ họng rồi để lại những lưu luyến bải hoải nơi đầu quả tim. Tôi xoay người nhìn tờ lịch đang treo trên tường, hôm nay là ngày mười bốn tháng hai.
Tôi chỉ nỡ ăn một viên, còn lại đều cẩn thận cất trong hộp bút. Nằm ở phòng y tế hết một tiết, tôi cảm thấy cơ thể đã khá hơn nhiều. Trên đường trở lại lớp ngang qua phòng giáo viên, tôi loáng thoáng thấy Dương ngồi đối diện thầy Lý. Không biết nghĩ thế nào, tôi vô thức nán lại nghe lén cuộc trò chuyện của họ.
- Em nghĩ kỹ chưa? - Thầy Lý nhìn Dương với vẻ mặt nặng nề. - Thầy không đảm bảo em sẽ lọt vào danh sách dự thi APhO*, nhưng tham gia TST em sẽ có cơ hội cọ xát, phát triển rất lớn.
*Olympic Vật Lý Châu Á.
- Ông ngoại em bị ung thư xương.
- Nếu là chuyện gia đình thì em không phải lo, trong lúc tập huấn em sẽ có trợ cấp, ban giám hiệu có thể thông báo trường hợp của em lên sở...
Thầy Lý gấp gáp an ủi Dương, song tôi thấy cậu chỉ mím môi, lắc đầu.
- Ông em không sống được bao lâu nữa ạ. Nếu em ra Hà Nội tập huấn thì có thể sẽ không kịp gặp mặt ông lần cuối.
Tôi có biết loáng thoáng về hoàn cảnh gia đình Dương. Nhà cậu chỉ có một người ông đã ngoài bảy mươi, đau ốm liên miên suốt nhiều năm nay. Dương lớn lên bằng học bổng, trợ cấp và số tiền làm thêm ít ỏi mỗi tháng. Học tập có lẽ là lối ra duy nhất với cậu.
Bên trong, thầy Lý thở dài, đưa cho Dương một tờ giấy A4.
- Thầy hiểu rồi, thầy sẽ báo lại với ban giám hiệu. Đây là thông tin về học bổng hiệp định Nga. Điều kiện của em rất phù hợp nên có thể suy nghĩ thử nhé.
- Em cảm ơn thầy.
Thấy Dương sắp bước ra, tôi vội vàng chạy về lớp học trước. Hai tiết cuối hôm ấy tôi không tập trung được, cứ nghĩ mãi về cuộc trò chuyện giữa Dương và thầy Lý. Có lần tôi nhìn thấy cuốn sách tiếng Nga rơi ra từ hộc bàn Dương, dường như cậu cũng đã sớm hoạch định trước tương lai của mình. Cũng phải, chỉ còn vài tháng nữa là thi đại học, thời gian đâu cho chúng tôi tiếp tục mông lung, mịt mờ nữa?
Tôi lật lại những mục tiêu của bản thân: một trường đại học với số điểm đầu vào không quá cao nhưng có chuyên ngành tôi thích, một thành phố cách xa quê hương và một môi trường có lẽ sẽ năng động, sôi nổi hơn hiện tại rất nhiều. Tôi nghĩ đến tất cả, chỉ là... chưa từng nghĩ đến Dương.
Giống như việc từ bỏ ngôi trường đại học mà tôi từng mơ ước, Dương chưa bao giờ là nguyện vọng một trong bản nguyện vọng tuổi trẻ của tôi. Không phải trường không đủ tốt, không phải tôi không đủ thích Dương, mà là vì... sự tự ti. Tôi tự ti đến mức nghĩ rằng nếu đặt chí nguyện quá xa vời, tôi sẽ trở thành một đứa không biết tự lượng sức, sẽ bị cười nhạo không chút tiếc thương.
Rốt cuộc, Hải Dương cũng chỉ là giấc mơ mà tôi trộm ôm ấp. Cho dù đẹp đẽ nhường nào, hồi mộng ấy cũng đến lúc tàn, không thể giúp tôi bước qua nỗi sợ hãi đã sớm đọng thành một phần trong tôi.
***
Tôi vốn nghĩ câu "tuổi mười bảy là quãng thời gian trôi qua nhanh nhất đời người" đơn giản là một ví von lãng mạn. Nhưng không ngờ chỉ sau vài lần nằm nhoài ngủ quên trên bàn học, mùa hạ đã kéo đến khi mà nhiều lời chưa nói vẫn còn mắc lại trong kẽ lá mùa xuân.
Ông của Dương mất khoảng đầu tháng ba, cả lớp đều đến viếng. Đám tang đơn sơ đến đau lòng. Tôi thấy Dương quỳ cạnh bàn thờ, bả vai cậu càng thêm gầy guộc và sống lưng luôn thẳng thớm thốt nhiên trở nên hơi cong. Khoảnh khắc đó, sắc xanh rút đi, cậu như biến thành một hải dương xám, sâu hút và cô độc.
Tôi nghe nói Dương đã gửi hồ sơ xét tuyển học bổng sang Nga. Với thành tích cá nhân của Dương, kết quả có vẻ sẽ rất khả quan. Dương không cần tham dự kỳ thi tốt nghiệp, thế nên so với đám trò bán sống bán chết chạy nước rút chúng tôi, mùa hè của cậu có vẻ nhàn nhã và tự do hơn rất nhiều.
Chiều thứ năm chỉ học ba tiết đầu, chúng tôi ra về rất sớm, vừa kịp để hứng trọn cơn mưa oái ăm đầu hạ. Tôi đứng dưới sảnh trường, loay hoay bật ô. Đến khi một bóng áo trắng lướt qua, chiếc ô của tôi mới bung ra.
Dương đi đằng trước, tôi lẳng lặng theo phía sau. Đã bao lần tôi nhìn bóng lưng cậu như thế này rồi nhỉ? Nhiều quá, không đếm được.
Bóng lưng cậu mặc sơ mi trắng, bước đi trong nắng vàng.
Bóng lưng cậu khoác bộ đồng phục của hiệu sách, kiễng chân lấy đồ vật từ kệ cao.
Bóng lưng cậu ướt đẫm, chạy vội trong màn mưa trái mùa.
Bóng lưng dù lạc giữa đám đông cùng kiểu áo quần, tôi vẫn lập tức nhận ra.
Bóng lưng mà... tôi chưa từng dám vượt qua suốt năm năm trời.
Rốt cuộc, gom góp đủ dũng cảm của cả một đời, bàn tay đang nắm chặt cán ô siết lại, tôi bước nhanh hòng đuổi kịp Dương.
- Cậu muốn đi chung ô với mình không?
Tôi chưa kịp hỏi. Khi còn cách cậu chỉ mươi bước, một cô gái từ ngã rẽ đột ngột xuất hiện, nở một nụ cười rạng ngời với Dương. Cô ấy đi đến cạnh cậu, tôi ngừng lại. Cô ấy che ô cho Dương, líu ríu nói gì đó còn cậu hơi nghiêng đầu như để nghe rõ lời cô. Trời hạ chỉ mưa bóng mây, lất phất mấy hạt rồi như sắp ngừng. Họ cùng bước dần về phía ánh sáng, tôi thì đứng mãi ở lại dưới màn mưa dông.
Về đến nhà, mẹ tôi hỏi tại sao có ô mà người vẫn ướt, tôi chỉ ngập ngừng lấy cớ là có vũng nước bắn lên người. Mẹ nhìn tôi một lúc, sau đó thở dài giục tôi đi tắm. Buổi tối ngồi vào bàn học, tôi nhìn chiếc lọ thủy tinh chỉ chứa duy nhất mấy viên kẹo nhỏ rất lâu. Vì phòng tôi không đủ sáng, chiếc đèn bàn lờ mờ sắc vàng cam nên những tờ giấy gói kẹo đã chẳng còn lấp lánh như ngày Dương cho tôi.
Có lẽ chocolate bên trong đã sớm tan hết, có lẽ sự óng ánh đủ màu ngày ấy chỉ là do tôi tưởng tượng ra.
Lật mở cuốn nhật ký có khóa số của mình, tôi nắn nót vào mấy dòng cuối cho hôm nay:
"Bên trong Dương có một vùng biển xám, và người rót vào đó sắc xanh tươi đẹp hẳn sẽ không phải tôi."
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip