Chương 2: Chú lớn - Trọng sinh



Chương 2: Chú lớn – Trọng sinh


"Con ơi, bố biết rồi, Bảo Bảo, mau nghĩ cách giúp bố đi! Người đòi nợ bảo ba ngày nữa quay lại, bố đào đâu ra tiền trả họ? Giờ bỏ trốn có được không? Bố chẳng dám nói với mẹ con. Ngày tháng đã khổ lắm rồi, thêm món nợ cờ bạc hai mươi lạng này, bố e mẹ con không chịu nổi..."


'Trời ơi, đánh chết bố đi!'


Mới tối qua, cả nhà vừa hạ quyết tâm chấp nhận số phận, gác lại quá khứ, bắt đầu lại từ đầu, chịu khó chịu khổ để mong ngày khấm khá.


Ai ngờ hôm nay bố Yến khiến cả nhà nghiêng ngả, mang thêm món nợ hai mươi lạng, nặng tựa núi đè.


"Bố, bố phải nói thật với mẹ, cả nhà cùng tìm cách. Thời này, không giấy thông hành, chúng ta đi đâu nổi? Mà đi bằng gì? Đi bộ sao? Nhà mình chẳng có lấy một con ngựa, lê chân đến trấn gần nhất cũng mất hai canh giờ. Chú lớn không người chăm sóc thì nguy, chị cả cũng cần trông chừng, kẻo chị ấy nghĩ quẩn. Còn tên lưu manh đang để ý chị ấy nữa, nếu chúng ta bỏ đi, chị ấy bị hắn ức hiếp thì làm sao?"


Đừng thấy Nhị Nha giờ chỉ là cô bé nhỏ xíu, mấy ngày qua cô đã cố kết thân với lũ trẻ trong làng, từ vài mẩu chuyện vụn vặt mà suy ra được nhiều điều.


Kẻ nhòm ngó chị cả nhà chú lớn là con trai út nhà lý chính.


Hắn thường lêu lổng ở trấn trên, chẳng rõ từ khi nào gặp chị cả, mê mẩn đòi cưới bằng được. Nhà lý chính sai người đến dạm hỏi, nhưng chú lớn tú tài đã khéo léo từ chối.


Chuyện đáng lẽ chấm dứt, ai ngờ thằng con nhà lý chính là một tên khốn kiếp. Không cưới được đường hoàng, hắn quay sang giở trò bỉ ổi.


Hắn rêu rao khắp nơi rằng hắn và chị cả yêu nhau thắm thiết, đã hẹn ước cả đời, dùng lời đồn ép chị vào đường cùng.


Chú lớn giận dữ, đến nhà lý chính để phân giải, chẳng biết chuyện gì xảy ra, chỉ biết chú bị đánh đến phải khiêng về.


Nhà lý chính hành xử ngang tàng, dám ra tay với cả tú tài có công danh, Nhị Nha lo rằng họ có thể làm ra chuyện còn tệ hơn.


"Thế phải làm sao?" Bố Yến lo lắng, túm áo vải thô đầy bụi, quạt lia lịa.


"Vốn định thu hoạch lúa xong, bán lấy ít tiền làm vốn, buôn bán nhỏ để kiếm sống. Nhưng lỗ hổng hai mươi lạng này, dù bán hết lúa nhà mình cũng chẳng đủ bù!"


Nhà Yến là dân ngoại tịch, ông bà nội từng có chút gia sản, mua được nhiều ruộng đất, cũng coi như tiểu địa chủ. Nhưng khi hai cụ qua đời, tiền thuốc thang, ma chay... đã bán đi vài mẫu.


Nhà Yến hai đời có ba người đọc sách, tiền học phí mỗi năm tốn không ít. Chỉ trông vào hoa màu thì sao đủ, thế là lại bán thêm đất.


Giờ cả nhà chỉ còn mười mẫu ruộng, trước nay đều thuê người làm. Nhưng năm nay nắng hạn kéo dài, chẳng thấy mưa. Ai cũng lo giữ ruộng nhà mình còn không xong, lấy đâu sức giúp người khác.


Nhà đông anh em thì còn xoay xở được chút ít, nhưng giá thuê người bình thường hai mươi văn một ngày, giờ tăng lên ba mươi văn. Nhà Yến thì chẳng có nổi một đồng.


Bất đắc dĩ, cả nhà đành tự ra đồng.


"Đợi tối nay cả nhà bàn lại." Nhị Nha chán nản nói. Nhà cô chỉ là dân thường, chẳng có gì đặc biệt.


Mẹ dạy tiểu học, bố bán văn phòng phẩm trước cổng trường, cô vừa tốt nghiệp đại học, chuẩn bị thi công chức. Nhà ở trấn nhỏ, chi tiêu giản dị, có hai căn nhà, một chiếc xe, tiết kiệm vài chục triệu, chẳng hơn.


Xuyên không bất ngờ, cả nhà chẳng mang theo tài lẻ gì. Cô từng nghĩ đến bán công thức món ăn, nhưng tài nấu nướng của bố chỉ dừng ở vài món nhà làm.


Mấy ngày nay, chị cả lo cơm nước. Cả nhà ăn bánh ngũ cốc, rau héo sau vườn thay phiên lên mâm. May mà nhà còn vài con gà mái, mỗi ngày đẻ vài quả trứng, coi như có chút dinh dưỡng. Nhà này, nghèo thật sự, chẳng phải nói chơi.


Nếu không còn cách, có lẽ chỉ còn con đường cũ của nhà Yến – bán đất.


Nhưng đất đai đều đứng tên chú lớn, muốn bán phải được chú đồng ý.


Với những gì bố Yến gây ra, làm sao thuyết phục chú lớn tin rằng lần này ông thật sự hối cải, rằng bán đất để trả nợ, rồi cả nhà sẽ cố gắng kiếm tiền chuộc đất về?


Nếu là Nhị Nha, cô chẳng tin nổi.


Chú lớn giờ còn nằm liệt giường. Nếu biết em trai cờ bạc, nợ hai mươi lạng, e rằng chú chẳng thể đứng dậy nữa.


Chú lớn đúng là đáng thương!


"Thôi, để bố đi trở mình cho chú lớn." Bố Yến thở dài, nhưng không quên việc chăm người bệnh. Mẹ bận việc, trước đây ông nội bà nội bên ngoại đều do bố chăm sóc đến ngày cuối.


Chuyện chăm bệnh, bố rành lắm.


Ông múc nửa gáo nước từ chum, lấy khăn phơi khô còn vương hơi nắng.


"Anh, em vào nhé!" Bố Yến gọi vào trong, chẳng cần đáp, tự bước vào.


Ông sờ trán anh trai – không sốt.


Thấm ướt khăn, ông lau nhẹ nhàng, từ đầu, cổ, ngực, lưng, đến tay chân, động tác thành thạo, rõ là người quen việc.


Vừa lau, ông vừa nói liên hồi.


"Anh, ngày tháng khó khăn quá. Ngoài kia nắng như thiêu, người làng bảo thời tiết bất thường, e là sắp có hạn. Giếng làng bị lý trưởng cho người canh, mỗi nhà chỉ được múc bốn thùng nước, chẳng đủ tưới ruộng. Vợ em lo sốt vó, không đợi lúa chín, định thu sớm cho chắc. Sáng nay hai vợ chồng em ra đồng cắt lúa, nhà mình đi đầu cả làng! Người ta cười, nhưng biết làm sao? Không làm sớm, sợ chẳng kịp thu. Giá thuê người tăng vọt, hôm kia ba mươi văn, hôm nay đòi hơn cũng chẳng ai làm. May mà chúng em không định thuê, dù mệt chết cũng phải thu hết lúa nhà mình. Tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy. Nếu có hạn thật, có lúa trong tay, lòng cũng bớt lo..."


"Anh, anh mau khỏe lại đi. Anh ngã bệnh, em sợ chết khiếp. Anh là chỗ dựa cả nhà, tuyệt đối không được có chuyện!"


Nhị Nha nói đúng, họ đã thay thế cả nhà ba người trước đây, lời nói việc làm chắc chắn khác xưa. Phải tìm lý do hợp lý để giải thích. Giờ trụ cột gia đình ngã xuống, cả nhà hoảng loạn, thay đổi chút đỉnh cũng dễ được thông cảm.


"Trời... phù hộ..." Chú lớn Yến bất ngờ cất tiếng, khiến bố Yến giật mình.


Sao Nhị Nha không nói chú lớn tỉnh lại và nói được rồi?


Lại một tràng ho kéo dài.

"Đỡ ta... dậy..." Yến Hoài Văn cố nén cơn ngứa rát trong họng, nói từng chữ chậm rãi.

"Dạ, dạ, để em đỡ anh." Bố Yến kéo áo trong lại, đặt khăn xuống, dùng sức nâng anh trai dậy, một tay đỡ lưng cho anh dựa vào, tay kia nhấc bô dưới đất, khẽ hỏi: "Anh, anh cần đi nhẹ không?"


Ông canh đúng giờ về, vì tầm này anh trai thường cần giải quyết nhu cầu.


Yến Hoài Văn, người từng trải ba triều, lên đến đỉnh cao quyền lực, là một nhân vật lẫy lừng. Ông nổi danh cứng cỏi, mặt sắt vô tình, gặp biến chẳng bao giờ rối, gió tám hướng cũng không lay.


Dù chuyện trọng sinh kỳ lạ xảy ra, ông vẫn giữ được bình tĩnh.


Trừ những ngày sốt cao, bị bệnh hành hạ, ông luôn chìm trong dòng hồi ức chẳng muốn nhớ lại. Nhìn những người thân đã mất lần lượt hiện ra trước mắt, lòng ông vừa xúc động, vừa mừng rỡ. Con gái vẫn còn, chưa vì bị kẻ xấu làm nhục mà treo cổ tự vẫn.

Con trai vẫn đang miệt mài học hành ở trường trấn trên, chưa bị ông liên lụy, bị kẻ thù ám hại mà chết.


Còn gia đình em trai...


Chưa vì nợ cờ bạc mà bị ông giận dữ đuổi đi.


------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Lời tác giả (dịch gọn): Từ ngày 1 đến ngày 5, cuối cùng chương này cũng được duyệt! Truyện mới cần được yêu thương, mong mọi người cưng chiều nó nhé! Hôm nay con trai lớn thi xong, mẹ già hồi hộp chờ kết quả đây!

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip

Tags: #xuyên