Chương 4

Thái Anh ngồi trong ghe chuyên tâm xếp mấy bộ quần áo đặng cất vào trong rương, ngó qua thấy Trân Ni vẫn còn đang chú tâm học tuồng thì em mới chu chu miệng tò mò hỏi:

- Sao mà chị siêng học tuồng quá đa? Ở trong ghe đọc tuồng suốt vậy hoài bộ hông chán ha chị?

Trân Ni khẽ cười cười rồi nhỏ giọng đáp lời em.

- Cái nghề cái nghiệp của mình mà em biểu chán là chán làm sao? Nói bậy một hồi là coi chừng tổ trác đó nghe chưa.

Thái Anh nghiêng đầu ngu ngơ bảo:

- Em đâu có nói gì đâu, em đang khen chị thôi mờ.

Trân Ni lại nhướng mày cười chán chê con bé.

- Thôi đi, khỏi nịnh. Muốn cái gì thì nói luôn đi cô nương, khỏi có vòng vo nữa.

Thái Anh hí hửng bỏ nốt bộ đồ cuối cùng vào trong rương rồi quay đầu nhìn lại Trân Ni, chu chu miệng và cười nói:

- Sao chị biết em định xin gì hay dợ?

- Sao mà không? Tui là tui nuôi cô hồi nhỏ giờ đó nghe chưa, dễ gì qua mặt tui.

Trân Ni cong cong miệng lườm qua Thái Anh, coi nét mặt cô hơi nghiêm nhưng ngó bộ cũng có chút như cưng chiều con bé.

Thái Anh thấy cô cười thì mới toe toét miệng, nhích lại ôm tay cô rồi xin xỏ:

- Em nghe mấy chị nói đang vô mùa lễ Kỳ Yên nên mấy khu chợ làng đông vui lắm, hay là chiều chị em mình cũng đi chợ chơi nghen chị?

- Em muốn đi lắm hả?

- Dạ, mình đi coi chơi thôi cũng được, em hổng cần mua gì đâu, nghen chị?

Ánh mắt Trân Ni nhìn con bé chợt như có chút mủi lòng. Tội nghiệp, có lẽ là em lo cô sẽ sợ tốn kém nên mới nói vậy cho cô yên tâm, mà chắc con bé quên rằng chị của nó là đào chánh của đoàn rồi đa.

- Ừ, chiều rồi mình đi.

- Thiệt ha chị?

- Thiệt.

Thái Anh mừng như nhặt được vàng, cười tươi tới nỗi mà hai con mắt híp lại chẳng còn thấy được cái chi. Trân Ni ngó rồi cũng lắc đầu cười bất lực.

Chợt Thái Anh lên tiếng hỏi:

- Mà chị ơi, sao hồi nãy chị đuổi cô kia về sớm vậy, em thấy cổ hình như còn muốn ở lại chơi đó đa?

Trân Ni ngưng cười, đảo mắt đi không nhìn con bé nữa rồi thở ra bình thản.

- Có đuổi đâu? Trưa rồi thì phải để cho người ta về nhà ăn cơm chớ.

- Nhưng em thấy chị đẩy người ta ra ngoài mũi ghe luôn mà.

Trân Ni không trả lời, cúi mặt chú tâm mà học tuồng tiếp còn thái độ thì cứ thản nhiên như không hề nghe thấy. Con bé Thái Anh thì lại quá ngây ngô, đâu có biết chị của mình có sự khó chịu trong lòng nên cũng không giấu tò mò.

- Mà chị Ni, cổ tên gì vậy chị?

- Em hỏi ai?

- Thì cái cô đó đó, cái cô mà bị chị đánh.

- Trí Tú.

- Tên hay vậy ta, mà cái tên cũng đúng với cổ ghê ha chị? Nhìn mặt cổ sáng sủa thanh tú quá trời.

Thái Anh lúc lắc đầu cười tấm tắc.

- Để lát rồi em ra nói cho anh Khải nghe.

Trân Ni nghe nhắc tới anh kép chánh thì mới nhíu mày, thấp giọng hỏi:

- Em nói anh Khải nghe chuyện chi?

- Dạ thì em nói tên cô Tú cho ảnh biết, tại hồi nãy ảnh mượn em hỏi chị mà.

Trân Ni nghe rồi thì trầm mặt đi không nói thêm lời nào. Con bé Thái Anh nào biết, em chỉ thấy chị mình gấp phạch quyển tuồng lại rồi xách theo, vén màn định đi ra khỏi ghe.

- Chị đi đâu vậy?

- Đi học tuồng.

Trân Ni buông tay thả bức màn che rơi thõng xuống cắt đứt ánh mắt tò mò ngây ngô của Thái Anh. Con bé vẫn còn ngồi trong ghe mà ngơ ngác, nhíu nhíu cặp mày mảnh mà lẩm bẩm một mình:

- Bộ học tuồng là phải đổi chỗ tới lui mới thuộc được hả ta?



Chiếc ghe lớn của ông bầu gánh Minh Thường đương vén màn đón nắng, gió từ dưới sông thổi lên lồng lộng làm không gian bên trong mát rượi. Bên trong thuyền lại văng vẳng tiếng đờn kìm, đi kèm với đó là giọng hát ai ngọt ngào xướng lên một khúc Lý Sâm Thương.

- Xê líu công xê xang, hò xang hò xang xê cống. Xê líu cống xê xang, hò xang hò cống xê xang. Xề liu xề phan liu, ỳ xang xê líu xê xang hò. Xề liu xề phan liu, ỳ xang xê líu xê xang hò...

Ông bầu dạo một khúc nhạc mượt mà rồi lại tiếp đến lời ca ngậm ngùi và da diết:

- Ai hát trong sương đêm, lời ca buồn thương da diết. Như tiếng ca thê lương, lòng con càng nhớ thêm thương. Lời mẹ hiền ru êm còn bên tai chớ đâu xa vời. Mà mẹ giờ nơi đâu còn nơi đây mỗi con cô sầu...

Lời ca buồn mà đau đáu, theo tiếng đờn kìm cũng như day dứt một hồi rồi mới dần tắt hẳn.

Trân Ni khẽ vươn tay lau đi một giọt lệ vừa rơi ra từ trong khóe mắt, gương mặt cô ngậm ngùi, cánh mũi lại đỏ au. Ông bầu Minh Thường xót xa khẽ đặt bàn tay trên dây đờn kìm nhìn Trân Ni mà lòng vừa như đau nhói. Ông lặng lẽ thở dài, cất giọng trầm trầm mà vô cùng ấm áp:

- Lại khóc nữa sao con?

Trân Ni lắc đầu ảm đạm cười trong nước mắt, nụ cười hời hợt tới mức chẳng giống như đang cười. Rồi chợt như cô vừa nghe thấy tiếng ông bầu mới thở dài. Cô đưa mắt sang nhìn, phát hiện sâu trong đôi mắt đã nhuốm màu thời gian đó cũng ẩn chứa vô vàn niềm đau xót.

Má cô, cô đào Thúy Trân tài sắc vẹn toàn, năm xưa cũng đã từng là một viên ngọc sáng của sân khấu cải lương. Bà cùng với kép chánh Minh Thường là một cặp kép đào đẹp đôi nức tiếng của đoàn cải lương Son Sắc. Người ta cứ truyền tai nhau rằng họ rất đẹp đôi, tựa như tiên đồng ngọc nữ ở trên trời cũng chỉ được như họ là cùng. Họ ca diễn với nhau vô cùng ăn ý, viết lên vô số câu chuyện tình vui buồn sầu khổ trên sân khấu làm nức lòng người mộ điệu.

Diễn thì giả song tình lại là thật, kép chánh Minh Thường từ lâu đã đem lòng thương trộm cô bạn diễn tài hoa, sắc nước hương trời lại còn dịu dàng đáng mến. Tiếc rằng tình cảm của má Trân Ni dành cho ông lại chẳng có gì hơn là tình anh em, đồng nghiệp. Cái tâm của bà trót trao cho một tay công tử hào hoa, là khách nghe tuồng quen mặt của gánh hát, cũng tìm tới đoàn vì ái mộ tài sắc cô đào chánh bằng hết thảy tấm lòng mộ điệu.

Hai người ăn ở với nhau như vợ chồng song gia đình tay công tử đó khi phát hiện thì lại không đồng ý. Họ chê má cô là hạng xướng ca vô loài nên không muốn nhận làm dâu, buộc cha cô phải trở về để mà khăn gối lên đường qua Tây du học. Cha cô bị nhà nội bắt quay trở về, lúc đó, má cô đã hoài thai.

Dầu vậy kép Minh Thường vẫn luôn một lòng một dạ với má của Trân Ni, ông chăm sóc bà bằng hết cái tình thương như thể một người chồng, người cha nhưng cái chức phận được làm chồng, làm cha ấy ông vẫn không thể nào mà ao ước tới.

Chừng vài năm sau thì cha cô cũng trở về, tưởng chừng như oanh yến sẽ lại được hòa đôi nhưng nào ngờ đâu má cô lại còn phải khổ lòng thêm nữa. Người xưa trở về, họ không đến tìm bà như lời xưa đã hứa mà lại nghe theo sự sắp đặt của gia đình đi thành hôn với một người con gái khác. Người ta giàu có, thuộc dòng thế phiệt trâm anh, chớ nào phải đâu con hát sống kiếp đầu đường xó chợ giống như bà. Cô đào Thúy Trân đau đớn khi bị người mình thương phụ rẫy, song cũng không buồn tìm tới cho họ hay cái sự hiện diện của Trân Ni làm chi để mà làm gia can họ xào xáo.

Người ta bây giờ đã có vợ đẹp, vợ sang, rồi họ cũng sẽ có con thì còn đếm xỉa làm gì tới cái phường xướng ca rẻ mạc?

Cô đào Thúy Trân đau lòng quá mà sanh bệnh, cứ đau rề rà suốt mấy tháng liền. Nhưng oái oăm thay bà lại không phải mất vì căn bệnh lòng ấy.

Ngày hôm đó, Trân Ni còn nhỏ xíu, vẫn đứng nép ở sau cánh gà say mê nhìn má mình đương ca diễn ở trên sân khấu như mọi khi. Chợt giàn đèn treo ở trên cao đột ngột rơi xuống đúng ngay chỗ của má cô. Từng cái bóng đèn vỡ văng ra xổn xoảng, nó đập đầu, cắt cổ má cô làm máu đổ dài lênh láng. Trân Ni cùng kép chánh Minh Thường bàng hoàng lao tới mới hay giàn đèn kia đã cướp đi mạng sống của má cô rồi. Bà ra đi tức tưởi, bỏ lại Trân Ni nhỏ dại một mình trơ trọi giữa thế gian này.

Vậy là kết thúc cuộc đời của một cô đào hát khổ não vì tình, một thời vàng son trên sân khấu rồi cũng trút hơi thở cuối cùng trên sân khấu....

Trân Ni ngồi bên cửa sổ, tay vén bức màn che dõi ánh mắt buồn nhìn ra phía lòng sông, cô không rơi nước mắt song đôi mắt trong ngần lại vương sầu man mác.

Ông bầu ngó thấy thì bùi ngùi hỏi:

- Chuyện qua lâu rồi mà con vẫn còn nhớ hoài sao?

Trân Ni thở ra một tiếng nặng nề, mang theo cái ý bận lòng đã bị cô giấu nhẹm suốt mười mấy năm nhưng vẫn không có hồi nào là quên được.

- Làm sao mà con quên được cậu? Má con chết ngay trước mặt con mà.

Trân Ni nói bằng giọng trầm buồn day dứt.

- Sự nó chỉ mới như ngày hôm qua thôi. Nhiều lúc nhìn lại, con thấy hai bàn tay con như còn vương máu của má nữa đó cậu à.

Ông bầu Minh Thường nghe cô nói rồi cũng thấy lòng mình sao mà chua xót quá. Cô đào Thúy Trân ra đi đột ngột, khiến cho lòng anh kép trẻ Minh Thường cũng thiệt đắng chát làm sao, tiếng yêu đã trao không được hồi đáp thì cũng đành, đàng này còn rủi xui sớm bề âm dương cách biệt. Ông khổ tình thì cũng chịu, chỉ tội cho Trân Ni thơ dại mới mấy tuổi đầu mà đã phải mồ côi. Nghĩ cũng thiệt quặn lòng, một đứa nhỏ khi đó còn chưa tròn bảy tuổi đã phải chứng kiến má mình chết tức tưởi thương tâm, đã không ám ảnh thì thôi, chớ thử hỏi cái cảnh máu me đau lòng đó mà biểu quên thì làm sao cô quên cho đặng.

- Mà con qua kiếm cậu chỉ để dợt tuồng vậy thôi sao? Cậu thấy con thuộc hết rồi mà.

Ông bầu chợt hỏi, cốt là muốn kéo Trân Ni thoát ra khỏi những hồi ức đau thương của cái ngày xưa đó.

Hồi nãy ông vừa mới trở lại ghe sau khi ăn trưa với đoàn, vừa ngã lưng được một chút, định đi ra ngoài kiếm miếng nước uống thì Trân Ni đã xách theo quyển tuồng đi thẳng vào đây, một hai đòi ông dợt tuồng cho mình cho bằng được. Mà ngó bộ cái gương mặt nhỏ kia hình như đang giận hờn chi đó, coi cứ hầm hầm đen kịt như trời sắp nổi giông, thành thử ra ông bầu mới lật đật gật đầu hông có từ chối chi.

Trân Ni nghe hỏi mà lắc đầu chầm chậm đáp:

- Dạ, không. Con muốn cậu nghe đặng dạy bày giùm con.

- Dạy à? Con muốn cậu dạy cái chi? Nghề cậu có bao nhiêu cậu đã dạy con hết rồi còn đâu.

Ông bầu đã nuôi nấng Trân Ni từ tấm bé, bao nhiêu năm ông làm thầy, làm cha và làm luôn cả mẹ của cô, đủ thứ loại vai trò. Chừng đó thời gian ông đã đem hết cái lửa và cái nghề của mình để truyền lại cho Trân Ni. Hình như được thừa hưởng cái tài năng thiên bẩm từ má nên cô ca hay, diễn giỏi, mười bốn tuổi đã là đào chánh của đoàn, về kỹ thuật và giọng ca thì còn có gì bàn cãi nữa đâu mà nay lại chạy sang ông đặng đòi chỉ bày chi nữa?

- Thưa cậu, quả thiệt tuồng thì con thuộc chẳng sót một câu, nhưng mà con cứ thấy mình diễn vẫn chưa mùi làm sao đó. Chắc là do con nhập vai chưa được hay, phải không cậu?

Hóa ra là vậy, Trân Ni cũng có cái tánh cầu toàn cho vai diễn hệt như là Thúy Trân, như vầy thiệt là một cái tánh hay, phải đặt cả cái tâm vào cho nghề thì mới xứng với cái tình của kẻ mộ điệu dành cho người nghệ sĩ.

- Con có chí trau dồi vậy là tốt, nhưng cậu thấy con cũng nhập vai lắm mà. Nhớ hồi trước con hát vai Nghi Xuân làm bà con người ta khóc hết nước mắt.

- Nhưng còn mấy tuồng khác, sao con thấy người ta không khóc thương con nhiều như vậy hả cậu?

Ông bầu ngơ ngác nhìn Trân Ni một hồi rồi tự dưng mỉm cười, ông cười là bởi ông đã hiểu được mấy tuồng khác mà Trân Ni nói tới là những cảnh chi, chính là mấy đoạn tình cảm yêu đương trai gái. Ánh mắt già đời của ông chợt xẹt qua chút ánh sáng như là nhìn thấu được lòng đứa nhỏ trước mặt, ông điềm đạm nói:

- Thì cũng đúng. Ấy là do họ thấy con trong hình hài nhơn vật chớ nào phải họ thấy được nhơn vật đó đâu.

- Dạ? Là sao hả cậu? Con hát vai nào thì con đã trở thành nhơn vật đó rồi mà, hỏng lẽ con diễn dở tới nỗi họ nhìn không ra sao cậu?

Ông bầu lại cười từ tốn, hỏi:

- Ni nè, con đã biết phải lòng ai chưa?

- Dạ?

Trân Ni đỏ mặt thẹn thùng, ánh mắt đảo mấy vòng không dám nhìn thẳng vào mắt ông bầu.

- Sao... tự dưng cậu hỏi con chuyện này chi?

- Thì con cứ trả lời cậu đi đã.

- Dạ, con... chắc là có.

Nhìn cái gương mặt trắng ửng hồng của Trân Ni rồi ông bầu mới lại hỏi thêm:

- Ý con là thằng Khải đó đa?

- Dạ?... Dạ.

Thẳng thắn.

Ông bầu chợt bật cười không biết phải nói gì, cái tánh thẳng như ruột ngựa có gì nói đó, thương ghét rõ ràng này của cô sao mà giống quá vậy không biết. Chỉ có điều Trân Ni đang ngồi trước mắt ông đây suy cho cùng vẫn là một đứa trẻ, một đứa trẻ vẫn còn chưa lớn.

Ông bầu thở ra một tiếng cười nhàn nhạt rồi khẽ đặt tay lên đầu Trân Ni vuốt ve, ôn tồn mà dạy:

- Con đừng gấp, rồi sẽ có người dạy con cách để hóa thân vào vai diễn.

- Vậy sao bây giờ cậu không dạy cho con?

Ông bầu lắc đầu.

- Cậu không dạy được.

Lạ thay, cậu hai Minh Thường mà Trân Ni biết là một kép hát vô cùng tài ba, cả ca và diễn đều mùi mẫn làm nức lòng khán giả. Nói về nghề hát thì cậu có thua kém ai đâu, có gì mà cậu không biết? Sao cái này cậu lại nói là không thể dạy cho cô? Bộ cậu định giấu nghề hay sao? Sao mà nay cậu kì khôi vậy.

Trân Ni hé môi định hỏi thêm gì nữa nhưng vừa hay có anh kép Minh Khải mới bước xuống ghe nên là cô tạm không hỏi nữa.

- Ủa, Ni? Em cũng ở đây hả?

- Dạ, em qua dợt tuồng với cậu hai.

Trân Ni khẽ giọng đáp. Minh Khải mới cười rồi tiếp lời hỏi cô:

- Anh nghe Thái Anh khoe là chiều nay hai chị em đi chợ chơi hả?

- Dạ.

- Vậy khi nào hai đứa đi?

- Em định dợt tuồng xong rồi sẽ đi luôn.

- Ờ, hèn chi anh thấy Thái Anh nó cứ loay hoay sửa soạn gì ở bên đó.

Minh Khải gật gật đầu tươi tắn rồi chợt hỏi:

- Vậy hai đứa có cần anh đi chung không? Hai cô đào đẹp của đoàn mà đi chợ khơi khơi một mình, sợ là có khi bị người ta bắt đi luôn đó.

Trân Ni ngơ ngác đứng nhìn nụ cười của Minh Khải một hồi lâu, xong lại chợt chuyển sắc ngượng ngùng cúi đầu cười e ấp. Cô không có trả lời, xách theo quyển tuồng cúi chào ông bầu rồi bẽn lẽn rời đi.

Kép Minh Khải cũng đứng đó nhìn theo, cánh môi đa tình biết mình cười đẹp hay sao đó mà cứ cong lên hoài không thấy hạ xuống.

- Nhìn cái gì? Con nhỏ nó đi rồi.

Nghe ông bầu nhắc khéo thì Minh Khải cũng quay lại cười với ông, sà ngay xuống mà ngồi cạnh cậu ruột mình, tấm tắc.

- Trân Ni càng lớn càng ngộ mắt hen cậu hai, coi thiệt giống dì Trân hồi đó...

Minh Khải vốn là chỉ muốn khen thôi, nhưng chợt nhớ tới nỗi lòng của cậu mình thì cũng thôi, không nói gì thêm nữa. Ông bầu không có ý muốn trách anh, chỉ thấy ông cười hiền mà mắt buồn man mác.

Minh Khải thấy vậy thì vội vàng chuyển chủ đề khác.

- Cậu! Cái cô mà hồi hôm con kể với cậu đó, cậu nhớ không?

- Cô nào?

- Dạ thì... cái cô mà tặng quạt cho đoàn mình đó đa.

- Ờ, nhớ. Rồi sao?

- Con biết tên cổ rồi đó cậu. Thái Anh mới nói con nghe.

Ông bầu chăm chú ngồi nghe, kép Minh Khải thì cứ mãi miết kể lại với ánh mắt đầy háo hức.

- Cổ tên Trí Tú, cái tên khá đẹp. Con lội bộ hỏi một vòng quanh vùng chắc sẽ biết được cổ nhà cửa ở đâu thôi đó cậu.

Nhìn cái ánh mắt say mê của Minh Khải khi nhắc tới người con gái đó thì ông bầu cũng đủ hiểu, cậu cháu trai mình có lẽ đã rơi vào lưới tình của người ta rồi.

- Mà đoàn mình ở lại đây hát bao lâu vậy cậu?

- Bây hỏi mần chi?

Ông bầu điềm đạm.

- Dạ, để con nhắm chừng đặng mà tranh thủ kiếm cho ra cổ.

- Vậy thì mơi đi.

- Dạ? Ủa, sao...

- Sao trăng gì?

Ông bầu bình thản hỏi. Minh Khải mới vội tỏ bày:

- Con nhớ mấy chỗ khác mình ở cũng phải hai tháng hơn, mà sao đợt này...

- Khải, nghe cậu hai hỏi nè.

Ông bầu chợt chuyển giọng nghiêm túc làm Minh Khải cũng thắc mắc trong dạ, mới nghiêm chỉnh mà đáp lại ông bầu.

- Dạ, con nghe cậu.

- Bây có ý gì với Trân Ni hay không?

Minh Khải ngớ người ra, ngơ ngác.

- Thưa, không. Xưa giờ con chỉ coi Ni như em gái. Cớ chi cậu lại hỏi con chuyện này?

Ông bầu nghe rồi tự dưng thở dài giống như là đang sầu não chuyện chi, lát sau thì moi hết ruột gan ra đặng mà nói với anh một lời.

- Nếu không có ý gì thì bây làm ơn giùm cậu, con nhỏ nó còn nhẹ dạ, bây để ý để tứ chớ không nó khổ lòng. Chừng đó cậu không có tha cho bây đâu.

Dứt lời rồi ông bầu mới phủi tay đứng dậy, chầm chậm bước ra ngoài ghe kiếm miếng nước uống, từ nãy tới giờ ngồi đờn cho Trân Ni hát mà họng ông cũng muốn khô rang. Kép Minh Khải ngồi ở trong này hơi nhíu mày ngẫm lại lời cậu hai mình mới nói xong, nhưng rồi cậu lắc đầu, suy nghĩ nãy giờ vẫn là không hiểu được.











_______

Chắc ảnh hông biết ảnh cờ đỏ 🥲

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip