Chương 9

Nhà bá hộ Ba là một căn nhà rường bề thế rộng thênh thang, phía trước có sân trồng nhiều cây kiểng, sau nhà lại có vườn tược trồng vô số loại trái cây, lối đi lát đá sạch bóng không sợ trời mưa lầy lội chi hết ráo. Kẻ ăn người ở trong nhà đếm kỹ thì đâu cũng trên dưới mười người, không nhiều không ít, đủ cho cô ba Sa tùy ý đặng mà sai chuyện.

Bởi lẽ ông bá hộ thường xuyên phải ra ngoài mần ăn với người ta, hiếm khi ở nhà nên căn nhà này hầu như chỉ có mình ên Lệ Sa làm chủ. Từ sau khi sanh Sa thì bà bá hộ cũng mắc bệnh nặng rồi mất sớm. Ông bá hộ chẳng muốn tục huyền, cứ ở vậy mà nuôi con mong cho hai đứa nhỏ không phải chịu cảnh mẹ ghẻ con chồng, sự tốt thì cũng có tốt nhưng vì vậy mà trong nhà không tránh khỏi có phần quạnh quẽ. Giờ nhà cửa sớm hôm vào ra chỉ có mỗi mình Lệ Sa, đìu hiu lắm. Hên là còn có gia đình điền chủ Phương là họ hàng bà con xa, vậy nên Sa mới hay qua nhà đặng mà chơi với cậu hai Tâm cùng Trí Tú. Bởi ông bà điền chủ cũng thương Sa, nhờ có vậy mà Sa mới cảm nhận được chút hơi ấm gia đình với người ta.

Hiếm hoi lắm, bữa nay ông bá hộ về nhà, gia đinh trong nhà dọn mâm cơm thịnh soạn cho Lệ Sa cùng với cha mình dùng chung một bữa. Ngồi trên bàn ăn mà Lệ Sa chỉ lặng lẽ và từng đũa cơm, thỉnh thoảng lại gắp chút thịt thà vào trong chén mời cha mình chớ chẳng nói chuyện chi.

- Sao không nói năng chi hết vậy?

Ông bá hộ điềm đạm hỏi làm Lệ Sa cũng dừng đũa ngước lên.

- Thưa, cha muốn con nói chi?

Ông bá hộ bật cười nhàn nhạt đáp:

- Cha bây đi xa về, bộ định hỏi thăm có mấy câu vậy rồi thôi đó đa?

- Thưa, chuyện mần ăn xưa giờ con đâu có đụng tới nên không dám hỏi. Biết đặng cha mạnh giỏi là con mừng rồi.

Lời lẽ Lệ Sa nói với ông nghe cũng thiệt tình nhưng sao mà xa cách quá, sự thiệt là chuyện mần ăn Sa không dám hỏi hay là không muốn hỏi thì ông bá hộ đây cũng chẳng hay. Có lẽ cha con xa cách lâu ngày, tự xưa giờ chẳng hay gần gũi nên là Sa mới thành ra như vậy, nói chuyện với cha mình mà cứ giữ kẽ như là với người dưng. Bất chợt, ông bá hộ Ba cũng thấy trong lòng trầm đi đôi chút.

Ông thở dài, làm như chẳng có sự chi.

- Canh chua ngon lắm, bây ăn nhiều vô đi.

- Thưa cha, con đâu ăn được bông điên điển.

Ông bá hộ lại lần nữa ngớ người ra, lời nói Lệ Sa như một ca nước lạnh vừa dội thẳng vào trong mặt của cha mình. Ông lặng lẽ nhìn tô canh chua bông điên điển nóng hổi còn đương bốc khói ở trên bàn rồi chợt phì cười vì nhớ ra con gái mình từ nhỏ đã không hạp với loại bông kia, cứ hễ ăn vào là nổi mận đỏ ngứa ngáy khắp người, cái này người Tây gọi là chứng dị ứng. Đâu phải ông không biết, ông biết chớ, chẳng qua vì xa cách con lâu ngày nên có lẽ nhứt thời ông lỡ quên đi.

Bất chợt, bá hộ Ba lại giật mình khi nhận ra mình đã vô tâm với con nhiều tới vậy.....

- Vậy thôi, ăn thịt nhiều vô con.

- Dạ.

Trời trưa hơi nắng, bá hộ Ba thấy ở nhà trên bí bách nên mới xỏ guốc lọ mọ đi xuống nhà sau đặng tìm nơi thông thoáng nghỉ trưa. Đi gần xuống tới sân sau thì ông lại thấy Lệ Sa đang nằm trên võng mắc giữa hai gốc cây bưởi ngoài vườn. Sa nằm ở đó, cầm cọng cỏ dài chọt chọt vào cái lồng chim đặt trên ghế đẩu kế bên mà nghịch ngợm. Ngó thấy mặt Sa cười, bá hộ Ba cũng vô thức cười theo.

- Dạ, con thưa ông.

- Ừ.

Bá hộ Ba gật đầu với đứa hầu vừa mới chào ông, rồi ông có ý hất mặt về phía Lệ Sa đương nằm võng, khẽ hỏi nó:

- Cô ba mày nuôi chim hồi nào vậy? Tháng trước ông về đâu có thấy.

- Dạ, ông hỏi con sáo trong lồng đó hả ông?

- Chớ hổng lẽ tao hỏi con chim ngoài ruộng?

Đứa đầy tớ gãi gãi đầu cười khờ đáp:

- Bẩm ông, tuần trước gặp bữa trời mưa gió, con sáo đó ở đâu tự dưng sà xuống hiêng nhà mình đụt mưa, người ngợm nó ướt mem hà, bay không nổi. Sau bữa đó tụi con mới bắt đem thả mà rồi nó cũng quành lại hoài à. Vậy rồi cô ba thương nên mới kêu để lại cho cổ nuôi luôn.

- Vậy đa?

Bá hộ Ba gật gật đầu rồi lại nghe đứa hầu dọ ý.

- Thưa, trời trưa nóng, ông nằm ván nghỉ để con đi chặt trái dừa cho ông.

Ông bá hộ nghe thì liền xua tay và nói:

- Thôi khỏi, chặt đem ra cho cô ba mày đi. Ông qua nhà ông bà điền chủ nói chuyện chơi một lát.

- Dạ, ông đi.


........

Trời đầu giờ chiều cũng bắt đầu nhả cho vơi đi một vài cơn nóng, trời đương độ tiết xuân nên nắng cũng không có quá gắt gao, chỉ thả sương sương mấy giọt nắng vàng cho khí trời mang hơi ấm. Lệ Sa cầm cái lồng chim, vừa đi vừa huýt sáo gợi cho nó cất lên tiếng hót. Sáo mới nuôi thành ra chưa nói được gì đâu, có chăng là vài tháng, hoặc không cũng vài tuần nữa thì mới biết nhại lại giọng người ta cho đặng.

Lệ Sa mỉm cười, chợt lại ngẩng mặt lên mới hay hình như có người nào đang lấp ló ở trước cửa nhà mình. Sa liền lớn tiếng hỏi vọng ra:

- Ai đó?

Người kia giật mình, nếu không lầm thì hình như Sa vừa thấy bờ vai họ run lên, định bỏ đi.

- Đứng lại đó!

Sa nạt lớn tiếng, người ngoài kia cũng theo đó mà dừng lại luôn, cắn răng quay mặt vào nhìn Sa mà cười sượng ngắt.

- Thái Anh hả?

Lệ Sa đổi giọng hồ hởi, tức khắc phóng ngay xuống bậc thềm ba mà lon ton chạy tới chỗ của Thái Anh.

- Sao em biết nhà tui ở đây mà tới vậy?

- Thì... em hỏi thăm người ta nhà bá hộ Ba, họ chỉ em tới đây.

Thái Anh trả lời Sa mà trông như ngường ngượng, Lệ Sa coi thì coi vậy chớ cũng không để ý lắm. Sa hỏi:

- Mà em tới nhà tui có sự chi hông?

- Dạ... em...

- Em mần sao?

Nghe giọng Lệ Sa hơi nóng ruột nên Thái Anh mới ngước lên nhìn, miệng hơi chúm chím song em vẫn còn ngại ngùng.

- Tối nay em... được hát đào nhì, là lần đầu. Chị Ni biểu em rủ bạn ra đình coi cho có tinh thần đặng mà hát....

- Ờ, vậy đa. Vậy rồi sao em tới đây?

Lệ Sa hỏi tỉnh bơ làm Thái Anh vốn đã ngập ngừng giờ lại càng thêm ngượng, thiệt tình là Sa không hiểu ý của Thái Anh sao?

- Thì... em tới đặng rủ cô chớ chi?

- Vậy hả? Em rủ tui đi coi thiệt sao?

Lệ Sa nghe thấy mục đích của người ta tìm tới tận nhà là đặng mời mình đi coi hát thì mừng húm trong dạ, thiếu điều muốn nhảy cẫng lên mà vui sướng. Nhưng rồi Sa lại chợt khựng lại như vừa ngộ ra điều chi đó.

- Mà.... Vậy là em nói... tui là bạn của em rồi đó đa?

Thái Anh nhìn Lệ Sa mà ngớ ra đôi chút xong lại mím nhẹ cánh môi đào, ậm à ậm ờ đáp:

- Ờm... Thì em mới tới xứ này nên có quen biết ai đâu, có cô là người đầu tiên thôi đó. Không rủ cô thì em biết rủ ai?

- Vậy là em hết để bụng cái vụ tui đánh đít em rồi hả?

Thấy Lệ Sa cười thì Thái Anh cũng cười xòa, đáp:

- Ai đâu thèm để bụng người dưng.

- Em mới nói coi tui là bạn, sao giờ lại biểu là người dưng?

- Vậy chớ cô có muốn em để bụng hoài không?

- Tất nhiên không.

- Vậy hỏi chi hoài vậy?

Thái Anh hỏi cắt cớ làm Lệ Sa không biết trả lời sao để mà coi cho đặng. Tại Sa áy náy trong lòng, cái đợt đó Sa vỗ mông Thái Anh là cái sự cố bất ngờ, dầu đã xin lỗi nhưng mà Sa vẫn còn nhiều ái ngại chớ. Lúc đầu Thái Anh cũng còn đanh đá với Sa lắm, mới mấy bữa trước rủ em ăn được mấy trái xoài nên mới trò chuyện đàng hoàng với em được dăm ba câu, thành thử ra Sa cũng không biết là em đã bỏ qua cho mình thiệt hay không nữa. Chớ Sa thì kể từ lúc coi em hát ở sân đình, trở về nhà thì Sa cứ tưởng tới hình bóng của em hoài. Sa muốn được kết bạn cùng em.

Còn riêng Thái Anh, đáng lẽ ra cái chuyện bị người ta vỗ mông giữa chợ là cái sự mắc cỡ giữa ban ngày, lúc đầu em cũng có giận Lệ Sa nhưng chính việc đó cũng là cái ấn tượng trong ngày đầu gặp gỡ. Tiếp xúc được mấy lần, em biết đặng Lệ Sa là con người nhiệt tình chơn chất. Sa thẳng tánh, lại vui vẻ nên dần dà rồi em cũng quý, cũng có chút mến cái tánh tình bộc trực của người ta rồi đó đa.

Lệ Sa cười cười không dám hỏi về chuyện kia nữa, tiện thể Sa mới đưa tay gãi đầu e dè liếc mắt nhìn về Thái Anh, chợt lại nghe em hỏi:

- Con sáo này là con hôm qua hả cô?

Lệ Sa mới vội vàng nhìn xuống cái lồng chim trong tay mình, cười và nói với em:

- Ờ, phải rồi. Là con hôm qua tui đem qua nhà Trí Tú đó.

Mặt mày Lệ Sa cười vui vẻ, cặp mắt ngó coi thiệt là sáng ngời, tròn vo, to và đẹp lung lắm, ấy vậy mà cười một cái là chẳng thấy trời trăng chi hết ráo, khiến cho Thái Anh nhìn một hồi mà cũng muốn cười theo.

- Nghe nó hót cũng vui tai nên hôm qua tui mới định đem qua nhà cho Tú nó chơi, đỡ buồn.

Thái Anh nghe rồi gật đầu đã tỏ. Cũng nhờ hôm qua Lệ Sa xách cái lồng chim này qua nhà Trí Tú nên mới gặp được chị em em cùng với cậu hai Tâm đương mắc nạn trên đường, chớ gặp mà hông nể mặt Sa thì hông biết tụi kia có làm gì em với Trân Ni hay không nữa.

Vừa nghĩ, Thái Anh lại vừa nhìn con sáo rồi tò mò hỏi:

- Nó biết nói hông vậy cô?

- Chưa đâu, con này tui nuôi mới chừng mấy bữa thôi, chắc tầm tháng nữa mới nói đặng.

Thái Anh tai nghe Sa đáp rồi thì lại gật gật đầu.

- Nó nhảy coi vui mắt quá cô ha!

Em chăm chú nhìn con chim sáo đương bay nhảy ở trong lồng tre, nghe tiếng chim hót mà trong ánh mắt em dường như sáng lên vài tia háo hức. Lệ Sa nhìn em, chớp chớp đôi mắt tròn và hỏi:

- Em thích nó hả?

- Dạ, coi nó cũng ngộ ngộ.

- Miễn vậy, tui cho em đó. Nó cũng giống em lắm, coi nhỏ xíu vậy mà bay dữ dằn.

Lệ Sa cười hề hề nhìn Thái Anh đương ngạc nhiên đôi chút.

- Sao cô không giữ nuôi mà cho em?

- Tại em thích mà. Cái khác tui còn cho em được chớ tiếc gì con chim sáo.

- Cái khác là cái chi vậy cô?

Thái Anh ngu ngơ hỏi một câu làm cho Lệ Sa tự dưng im lặng, Sa gãi đầu giả vờ cười ngờ nghệch giống như Trí Tú mấy lần bị ông bà điền chủ hỏi tội vì rượt đánh người ta, chắc là Sa cũng đương có điều chi ấp úng.

- Thì là cái... cái lòng, cái dạ của tui đây.

- Cô nói vậy là sao, em chưa tỏ?

Lệ Sa ấp úng giải thích:

- Thì... Em nói mình là bạn, mà làm bạn rồi thì phải gởi lòng dạ cho nhau, phải thiệt lòng thiệt dạ với nhau thì chơi mới bền được chớ.

Có lẽ đây chính là một lời nói nhăng nói cuội hòng lấp liếm, như một nắm cát mà người ta rắc vội lên mớ than hồng để che đi cái sắc đỏ hừng hừng đang hiện lên trên đôi gò má phấn. Lệ Sa đang ngại, mà ngại điều chi thì Thái Anh không rõ, em chỉ thấy nét mặt Sa chúm chím cười đẹp tựa một nhành hoa lan trắng, trong ngần và tươi sáng.

- Vậy em... em cũng cần phải trao lòng dạ mình cho cô nữa, phải hông cô?

Thái Anh e ấp nụ cười duyên, chúm chím cánh môi hồng nhìn Lệ Sa chờ cô trả lời cho em được tỏ. Lệ Sa đứng ngẩn ngơ nhìn người ta một hồi lâu rồi mới ngập ngừng gật đầu, cười e ấp.

- Ờ, vậy mới huề.

Huề gì? Huề con chim sáo? Hay là huề cái lòng, cái dạ mà hai người trẻ đã trao nhau?

- Mà... Cô cho em con sáo này thiệt đa? Đưa nó cho em rồi cô có buồn không?

Thái Anh vừa hỏi thì Lệ Sa lắc đầu liền.

- Buồn chi đâu em. Tui đưa nó cho em làm bạn, lỡ có buồn thì tui ghé bến thăm nó, sẵn tiện thăm... em.

Trông nét mặt Thái Anh cũng đã ngường ngượng, đôi vành tai cũng ấm lên, đỏ hồng coi mà bắt mắt.

- Vậy em cám ơn cô phần con sáo, em về sẽ dạy nó nói.

- Em định dạy nó nói gì?

- Em dạy nó kêu tên người, dạy nó kêu tên em, tên chị Ni, rồi còn tên cô nữa. Để khi nào cô rảnh, cô ra thăm rồi nó sẽ gọi tên cô.

Lệ Sa nghe Thái Anh nói câu này mà trong người lâng lâng khó tả lắm, cũng không hiểu vì cớ chi mà Sa bồi hồi lung vậy, lồng ngực Sa cứ phập phồng, tim đập liên hồi như muốn nhảy xổ ra. Kì khôi lung lắm. Có khi nào Sa mắc bệnh về tim không?

- Mà ngày mơi cô nhớ ra đình coi em hát, hen?

Thái Anh nhắc lại một lần cho Lệ Sa tỏ, Sa nghe rồi liền gật đầu, chắc ăn lung.

- Ờ, tui phải đi chớ sao không. Đi để còn coi người ta hát cho tui nghe nữa chớ.

Ánh mắt Sa nhìn Thái Anh coi bộ rất nhẹ nhàng, tựa như đem hết thảy sự dịu dàng kết thành một cái mền mỏng rồi khoác lên bờ vai em vậy, mềm mà dễ chịu lắm. Cái mền này chẳng cần biết sẽ dùng vào lúc trời hạ hay đông, chỉ cần biết là nó sẽ che cho em được mọi cơn nắng rát da, hoặc chắn cho em những trận gió lùa giữa cuộc đời gian truân bão táp.

Thái Anh cũng có thể chắc chắn một điều rằng, một khi đã đắp tấm mền dệt từ ánh mắt của Lệ Sa lên rồi thì tận ruột gan em không bao giờ muốn buông nó xuống nữa.....











________

Rồi rồi. Cặp này có khi cập bến trước à nghen 😁

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip