Chương 2
Cuối tháng 11, cái lạnh của mùa đông đang bắt đầu len lỏi vào từng góc giảng đường, thấm cả vào những trang sách triết học vốn đã khô khốc nhưng thú vị.
Tôi bắt đầu cảm thấy những buổi đến lớp không còn là sự háo hức nhẹ nhàng nữa, mà là một sự căng thẳng ngấm ngầm, như thể mỗi bước chân đều đang giẫm lên một mặt băng có thể nứt ra bất cứ lúc nào.
Vết nứt đầu tiên diễn ra một cách thực sự rõ ràng, là khi nhóm Minh trình một bản thuyết trình của nhóm có tiêu đề: "Chủ nghĩa Mác-Lênin dưới góc nhìn của tư duy hiện đại" nghe thì có vẻ mới mẻ, nhưng toàn bộ nội dung là những trích dẫn giáo trình kết hợp với vài nhận định thời sự đầy sáo rỗng.
Tuy nhiên, giảng viên hướng dẫn là cô Hằng lại cho rằng đây là bản đề cương "tư duy đổi mới" và đề xuất đưa nhóm Minh vào vòng bài làm tốt, làm mẫu trước lớp.
Trong khi đó, nhóm của Mặc Nhiên sau nhiều lần bị thay đổi đề tài, đã nộp một đề tài về khác với tên gọi là " Sự kết nối bất ngờ trong tính hiện sinh của đạo đức học Kant". Một đề tài táo bạo, độc lập và có chiều sâu. Nhưng đề tài này chỉ nhận được phản hồi ngắn gọn từ cô Hằng: "Lạc hướng, cần đọc lại tài liệu nền."
Mặc Nhiên không phản ứng gì, chỉ lặng lẽ gạch bỏ từng dòng trong bản thảo cũ.
Nhưng tôi biết, cậu bị tổn thương. Cái cách cậu nắn từng chữ trên giấy, rồi lặng lẽ vo lại, giống như đang tiễn biệt một phần niềm tin.
Sau sự kiện đó, bầu không khí trong lớp học trở nên ngột ngạt hơn. Những vết rạn tưởng như vô hình giờ đã lộ diện rõ ràng thành ranh giới, nhóm Minh với số lượng thành viên đông đảo, tự tin, ồn ào và luôn được các giảng viên ưu ái. Phần còn lại của lớp là những nhóm nhỏ, rời rạc, dè dặt, mang theo cảm giác bị loại trừ.
Tôi bắt đầu nhận ra rằng, sự phân chia này không đơn thuần là do năng lực. Nó là kết quả của những kết nối hậu trường của việc chủ động tiếp cận giảng viên, tổ chức hoạt động lớp, xây dựng hình ảnh “hạt nhân tích cực”.
Dần dần, những người không thuộc nhóm ấy cảm thấy mình chỉ còn là phông nền để nhóm kia tỏa sáng, được chụp ảnh, được khen ngợi trong các buổi hội thảo và quan trọng nhất là được chọn mặt gửi vàng mỗi khi đến mùa học bổng.
Một buổi sáng, lớp tổ chức thảo luận về Nietzsche. Đề bài đưa ra: “Con người siêu nhân và phê phán đạo đức truyền thống.”
Nhóm Minh thuyết trình đầu tiên, họ chuẩn bị kỹ lưỡng, trình bày bằng PowerPoint trau chuốt, dẫn dắt bằng những ví dụ thời sự và trích dẫn vài câu nói nổi tiếng.
Phần đông lớp ngồi im nghe, nhiều người gật gù.
Nhưng khi đến phần thảo luận, Mặc Nhiên đứng dậy và nhận xét rằng "Tôi nghĩ rằng nhóm trình bày đã bỏ qua phần cốt lõi nhất trong tư tưởng của Nietzsche. Đó là sự phá vỡ cấu trúc đạo đức cũ không phải để phi đạo đức, mà để tái định nghĩa giá trị dựa trên sức mạnh nội tâm. Những ví dụ mang tính thời sự vừa rồi chỉ dừng ở mô tả hiện tượng. Nó làm nhẹ đi chiều sâu của ý nghĩa."
Một thoáng im lặng. Rồi Nhật trong nhóm Minh, người luôn đi cùng Minh như cái bóng nói to: "Bạn Mặc Nhiên lúc nào cũng nói người khác sai, nhưng chưa thấy bạn thuyết trình lần nào ra hồn cả. Nếu thích chiều sâu đến vậy thì bạn nên làm luận án tiến sĩ chứ không phải tranh luận với sinh viên như chúng tôi."
Tiếng cười khẽ vang lên. Có người gõ bàn. Không khí lập tức chia hai.
Cô An đứng ở cuối lớp, lúc đó đang ngồi quan sát. Cô không nói gì. Nhưng tôi thấy cô ghi lại điều gì đó trong sổ tay.
Sau buổi học, Mặc Nhiên không nói lời nào, chỉ lặng lẽ đi về.
Tôi đi cùng, bước chân nặng nề như thể vừa chứng kiến một vụ xử án công khai mà luật lệ được viết sẵn bởi một bên.
Bỗng nhiên Mặc Nhiên nói "Tớ mệt rồi. Cái mệt ở đây không phải vì tranh luận, mà vì cảm giác như không ai muốn hiểu điều mình đang nói. Tớ không cần đúng, nhưng tớ cần được lắng nghe."
Tôi không biết đáp lại gì. Trong lòng tôi có điều gì đó đang vỡ ra, từng mảnh một.
Tôi bắt đầu cảm thấy mình đang bị kéo vào giữa hai đầu chiến tuyến. Một bên là nhóm Minh với sức ảnh hưởng ngày càng lớn, những lời mời tham gia hoạt động, những ánh mắt dò xét khi tôi nói chuyện với Mặc Nhiên. Bên kia là Mặc Nhiên ngày càng cô độc, ngày càng lặng lẽ, nhưng vẫn không từ bỏ chính kiến.
Cậu vẫn đọc sách, vẫn ghi chép, vẫn thỉnh thoảng phát biểu, nhưng ánh mắt của cậu khi rời lớp học đã không còn bình thản nữa. Đó là một ánh nhìn của người hiểu rõ sự tồn tại của mình đang làm xáo trộn những quy tắc ngầm của môi trường này.
Một buổi chiều thứ tư, sau buổi học về triết học phương Tây, cô An gọi tôi ở lại.
"Em dạo này có vẻ trầm ổn hơn" cô nói nhẹ nhàng.
Tôi gượng cười. "Chắc do thời tiết đó ạ."
Cô An lắc đầu. "Không. Cô nghĩ là do không khí lớp học, do những điều em đang chứng kiến. Vậy em thấy mình đang đứng ở đâu?"
Tôi sững người. Không ai hỏi tôi câu ấy từ khi tôi bước chân vào khoa Triết. Mọi thứ ở đây như thể đã được sắp đặt trước đúng, sai, giỏi, dở, tích cực, thụ động.
Từ lúc nào đó, tôi dường như đã chọn cách đứng giữa không phản đối, không đồng tình, chỉ quan sát.
Tôi thú nhận với cô "Em không biết nữa. Em thấy sợ. Nếu em nói thật, em sẽ mất nhóm, mất điểm, mất thiện cảm từ giảng viên. Nhưng nếu em im lặng, em lại thấy mình phản bội chính những điều em đang học."
Cô An mỉm cười. "Đó là nghịch lý đầu đời mà các em phải học. Em không thể học chân lý nếu không sẵn lòng chấp nhận cô đơn. Cô không yêu cầu em phải trở thành anh hùng mà chỉ mong em đừng trở thành người giả vờ không thấy."
Tối hôm đó, tôi không ngủ được. Câu nói của cô An ám ảnh tôi. Tôi nhìn ra ngoài ô cửa, nơi những đốm sáng xa mờ của thành phố vẫn lập lòe như những tư tưởng bị thách thức trong bóng tối.
Tuần sau, chuyện đã không thể giữ được nữa, nó giống như giọt nước tràn ly.
Hôm đó, lớp tổ chức một buổi đối thoại học thuật mở, một nơi mà các nhóm sinh viên được tự do thảo luận một chủ đề triết học mà họ yêu thích.
Nhóm của Minh chọn chủ đề: "Triết học và xây dựng con người thời đại số".
Nhóm Mặc Nhiên chọn: "Tự do trong tồn tại của Heidegger và Jean-Paul Sartre dưới góc nhìn đạo đức".
Buổi thảo luận diễn ra trong hội trường nhỏ. Có sự hiện diện của cô Hằng, cô An và các thầy cô trong khoa, đặc biệt là có sự góp mặt của thầy trưởng khoa, một người ít khi xuất hiện.
Nhóm Minh trình bày trước. Bài thuyết trình được đầu tư công phu, có minh họa, số liệu, một phần kết luận về vai trò của triết học trong việc định hướng đạo đức số.
Khi đến phần nhóm Mặc Nhiên, cậu đứng giữa sân khấu trình bày chay, không có PowerPoint, không số liệu. Chỉ có tiếng nói.
"Tôi không đến đây để chứng minh điều gì to tát. Tôi chỉ muốn chia sẻ một điều: chúng ta nói nhiều về tự do, nhưng liệu chúng ta có thực sự dám sống tự do? Hay chúng ta chọn cách dễ hơn, thuận theo số đông, thuận theo kỷ luật, thuận theo những hệ thống tưởng là đạo đức, nhưng thực ra là sự lười biếng tinh thần?"
Một vài tiếng xì xào. Nhưng Mặc Nhiên vẫn tiếp tục. Giọng cậu không cao, nhưng chắc chắn. Đôi mắt cậu ấy hướng thẳng về hàng ghế đầu nơi Minh đang ngồi, tay khoanh trước ngực và nói: "Tôi không phủ nhận giá trị của công nghệ hay đạo đức tập thể. Nhưng tôi nghĩ, đạo đức thực sự bắt đầu khi con người dám đối mặt với lương tri cá nhân. Khi ta không cần ai khen hay chấm điểm cho một lựa chọn đúng."
Sau khi Mặc Nhiên rời khỏi bục, khán phòng im lặng.
Minh là người phát biểu phản biện đầu tiên. Cô mỉm cười, nói một cách từ tốn:
"Bài trình bày của bạn Mặc Nhiên mang đậm tính cá nhân. Nhưng trong môi trường xã hội ngày càng phát triển, chúng ta cần sự khách quan, sự cộng tác và cả sự tôn trọng có hệ thống. Nếu ai cũng đặt cái tôi lên trên tập thể như cậu thì triết học sẽ trở thành nơi nuôi dưỡng những ảo tưởng cá nhân."
Tiếng vỗ tay vang lên, không rõ từ ai khởi đầu. Một vài người hùa theo.
Mặc Nhiên im lặng, bước về ghế.
Nhưng tôi thấy lần đầu tiên cậu ấy quay mặt đi. Không nhìn lại sân khấu. Không nhìn lại Minh.
Buổi thảo luận kết thúc. Tôi ra về cùng Mặc Nhiên.
Trên đường băng qua những hàng cây cổ thụ, tôi không nói gì. Chúng tôi bước đi trong im lặng dài như hàng cột điện nối tiếp nhau. Trên vai trở nên nặng thêm như có một lớp tuyết đè lên vai.
Buổi thảo luận khép lại, nhưng dư âm của nó kéo dài như một bản hòa âm đầy nghịch lý.
Tối hôm đó, nhóm lớp họp lại để thống nhất danh sách đề tài luận cá nhân. Mỗi sinh viên được phép đề xuất ba lựa chọn, sau đó hội đồng giảng viên sẽ phê duyệt và phân công.
Mặc Nhiên vẫn chọn đề tài liên quan đến Sartre. Cậu chỉnh sửa lại tiêu đề cho súc tích hơn: "Tự do như một định mệnh qua góc nhìn hiện sinh và chính trị." Tôi đọc bản đề cương của cậu, vẫn giản dị, không hoa mỹ, nhưng giàu chất suy tư. Cậu in ra hai bản, một nộp chính thức, một đưa cho cô An.
Hai ngày sau, bảng phân công đề tài được dán ở bảng thông báo khoa. Tên Mặc Nhiên bị gạch chéo. Bên cạnh là dòng chữ: "Không phù hợp định hướng chương trình. Đề nghị sinh viên chọn lại trong danh sách gợi ý."
Danh sách ấy bao gồm những đề tài như: "Vai trò của chủ nghĩa Mác trong giáo dục đạo đức thanh niên thời kỳ mới" hay "Phép biện chứng duy vật trong quản trị công." Mặc Nhiên không nói gì khi xem danh sách. Nhưng tôi nhìn thấy môi cậu khẽ mím lại.
Tôi đến gần. "Cậu có định chọn lại không?"
Mặc Nhiên lắc đầu. "Tớ không viết về điều mà tớ không tin."
Tôi thấy cậu quay bước đi, rất chậm, như thể mỗi bước là một phần tinh thần cậu ấy đang rời khỏi giảng đường ấy.
Những ngày sau đó, Mặc Nhiên đến lớp ít hơn. Ngồi ở hàng ghế cuối. Không còn phát biểu. Không còn tranh luận. Cậu chỉ tập trung ghi chép, im lặng. Và cho đến một buổi sáng, tôi thấy cậu vắng mặt.
Hôm ấy, tôi đến lớp và chợt nhận ra khoảng trống nơi góc lớp như một lỗ hổng vô hình. Không ai nhắc đến Mặc Nhiên. Không ai hỏi. Mọi thứ diễn ra như bình thường với bài giảng, nhóm học, thảo luận. Nhưng chỉ có tôi không hiểu sao vẫn luôn nhìn về phía ấy.
Chiều hôm đó, tôi nhận được một tin nhắn từ Mặc Nhiên, vỏn vẹn một dòng: "Cảm ơn cậu vì đã luôn lắng nghe tớ nói. Có lẽ tớ cần một khoảng thời gian để suy tư."
Tôi bước ra khỏi phòng học, băng qua khoảng sân sau của trường nơi những cây bàng trụi lá vươn những nhánh khô lên nền trời xám xịt. Tôi không biết mình đang đi đâu. Nhưng trong lòng tôi, điều gì đó đã thay đổi. Sự trung lập mà tôi giữ suốt bao lâu nay giống như một lớp vỏ đã rạn vỡ.
Tôi về phòng, mở cuốn sổ ghi chép triết học. Trang đầu tiên tôi viết là: "Học Triết vì muốn hiểu mình đang sống như thế nào." Tôi đọc lại dòng ấy. Rồi lặng lẽ gạch chân.
Đêm đó, tôi viết mail cho cô An. Không phải để hỏi bài, không phải để than thở. Mà chỉ để nói một điều: "Cô có nghĩ rằng, một người nếu không được phép nói điều mình tin thì có còn được gọi là sinh viên triết không ạ?"
Cô trả lời ngắn gọn: "Nếu em còn đặt câu hỏi ấy, tức là em vẫn đang ở đúng chỗ. Đừng rời đi, hãy tiếp tục bước về phía trước đúng hướng."
Trời đã vào đông hẳn, tôi nhìn ra cửa sổ nơi luôn mang lại cho tôi cảm giác yên bình, thoải mái. Nhưng giờ đây giống có một mùa mới đang chờ đợi trong lòng mình. Nó không phải mùa của niềm tin nguyên vẹn, mà là mùa của sự trưởng thành trong hoài nghi và tổn thương.
(Còn tiếp)
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip