Chương 4

Tháng Tám năm học mới, Hà Nội trở mình trong cái nắng hè đan xen với những cơn gió mát nhẹ. Những tán cây bằng lăng tím rụng rơi lả tả trước cổng Trường, phủ lên một màu trầm lặng trong khoảng sân quen thuộc. Tôi trở lại giảng đường sau kỳ nghỉ ngắn, không phải vì lịch học mà bởi vì một buổi họp mặt bất ngờ được thông báo dành cho sinh viên năm hai. Buổi định hướng nghiên cứu và cơ hội học bổng học tại nước ngoài.

Phòng học B201 đã thay đổi rất nhiều, từ máy chiếu mới, dãy bàn dài được thay bằng những bàn học đôi mùi gỗ mới và bốn bảng phấn nhỏ đang nhuốm bụi thời gian, nhưng chỉ riêng cửa sổ đó vẫn quen thuộc, nơi mà Mặc Nhiên từng đứng dựa vào nhìn ra ngoài hành lang.

Hôm nay, tôi đến sớm khi mới chỉ có vài bạn trong lớp, trong phòng không ai nói chuyện, không ai nhắc đến những vụ việc học kỳ trước. Nó lắng xuống như một lớp bụi mỏng không ai phủi, nhưng cũng chẳng ai chạm vào.

Minh vẫn ngồi ở hàng ghế đầu. Cô im lặng, gầy đi thấy rõ. Không còn nhóm vây quanh. Mỗi người dường như đã tách về một hướng sau đợt sóng vừa qua.

Tôi nhìn cô một lúc, rồi quay đi. Không phải vì ghét mà vì trong tôi, những định nghĩa về đúng sai giờ đã phức tạp hơn rất nhiều.

Cô An không có mặt. Người thay thế dẫn chương trình là một giảng viên mới – thầy Tuấn mới du học Anh về, phong thái ôn hòa và sắc sảo. Thầy không bắt đầu bằng bài giới thiệu học bổng, thay vào đó thầy đặt một câu hỏi bất ngờ: "Theo các em, một bài nghiên cứu triết học có giá trị là như thế nào?"

Không khí chững lại.

Một vài bạn đưa tay, trả lời rời rạc: “Là có trích dẫn đủ,” “Là có lập luận rõ ràng,” “Là viết đúng mẫu quy định.”

Thầy mỉm cười nhẹ và đáp "Thế thì máy tính cũng làm được. Nhưng con người thì khác. Nghiên cứu triết học không chỉ để ghi điểm mà để hiểu mình đang sống và hiểu nó giữa thế giới này như thế nào."

Câu nói ấy như một hồi chuông ngân vang lên báo hiệu một sự thay đổi lớn cho chúng tôi. Tôi nhìn quanh lớp một vài ánh mắt sáng lên, một vài cúi xuống lặng thinh. Nhưng trong tôi, điều gì đó khẽ mở ra như thể có người đang gõ nhẹ vào cánh cửa mà tôi đã khép lại sau biến cố học kỳ trước.

Sau buổi định hướng, thầy Tuấn bất ngờ đề nghị sinh viên ở lại nếu muốn trao đổi sâu hơn. Việc này không nhiều người hưởng ứng. Một số đã lặng lẽ rời đi, số khác giả vờ bận. Tôi định ra về thì một giọng nói lanh lảnh vang lên: “Ơ, lớp mình có người mới à? Hay thầy Tuấn đẹp trai quá nên bạn hứng thú đột xuất?”

Tôi quay lại. Một cô gái tóc dài thẳng được búi gọn, mắt sáng, mặc áo phông in hình gấu, đang ngồi vắt chân ở bàn thứ hai. Cô đưa tay chọc ghẹo vẫy tôi.
“Ê bạn, đừng đi. Ở lại chút đi, có khi tìm lại được lý giải vướng mắc đấy.”

Tôi ngập ngừng, rồi gật nhẹ. Cô gái ấy tên là Hồng, sinh viên cùng khóa, nhưng tôi lại không mấy để ý. Cô tự giới thiệu một cách tự nhiên như thể quen tôi từ năm nhất.

“Chào bạn. Mình là Hồng, hậu duệ tinh thần của Diogenes pha chút TikTok. Mình thích triết học nhưng cực kỳ ghét kiểu học triết như học luật.”

Thầy Tuấn bật cười. “Vậy em định học triết như thế nào?”

Hồng chống tay đáp “Dạ, sống và chửi đời mỗi ngày một chút. Giống mấy ông triết gia nghiêm túc mà sống kỳ cục ấy.”
Không khí phòng học dịu đi. Tôi nhận ra một điều, chính sự vô tư đến lạ lùng của Hồng không phải là hời hợt đã đem lại một cảm giác vui mới. Cô không cần gồng lên tỏ ra sâu sắc và chính điều đó khiến cô không bị đè bẹp bởi những căng thẳng vô hình như tôi đã từng.

Khi thầy Tuấn hỏi: “Ai trong các em còn nhớ vì sao mình lựa chọn học triết học không?”

Mọi người nhìn nhau. Tôi im lặng còn Hồng thì không.

“Em chọn vì em từng không hiểu gì về thế giới. Em nghĩ, nếu không hiểu nó thì ít nhất phải tìm cách sống chung tử tế với nó.”

Tôi quay sang nhìn cô. Câu nói ấy không được chuẩn bị, không hùng biện nhưng nó làm tôi nhớ lại năm nhất, khi tôi cầm cuốn Tồn tại và Hư vô, ngồi trong trọ gió lùa vào lật từng trang và tin rằng triết học có thể cứu rỗi đời người.

Sau buổi trò chuyện, thầy Tuấn gợi ý thành lập một nhóm học nghiên cứu tự do, không bị ràng buộc bởi chương trình chính quy. Tôi không biết vì sao mình giơ tay. Có lẽ vì Hồng đang giơ tay cao quá, quay lại lườm tôi: “Đừng nhát nữa.”

Và thế là, tôi ở lại.

Buổi gặp đầu tiên của nhóm diễn ra trong thư viện tầng bốn, khu vực hiếm người lui tới nhất, trừ những kẻ nghiện đọc sách hoặc đang trốn deadline.

Chúng tôi có sáu người, trong đó có tôi, Hồng và ba bạn cùng khóa đến từ các lớp khác. Thầy Tuấn không dự trực tiếp, nhưng gửi cho nhóm một bản đề cương gợi mở: "Hãy bắt đầu từ câu hỏi cá nhân. Triết học bắt đầu từ hoài nghi, không phải sự chắc chắn."

Hồng xung phong điều phối. Cô mang đến bảng trắng mini, bút lông, kẹo bạc hà và một hộp đầy giấy note màu.
“Chúng ta gọi đây là ‘Hội những kẻ đặc biệt’ nhé?”  cô cười “Không phải học để thi đua, mà học để không phát điên.”

Buổi đầu tiên, mỗi người được yêu cầu viết ra một câu hỏi mà họ thật sự trăn trở. Tôi viết: "Làm sao để sống tử tế mà không trở nên ngây thơ?" Hồng viết: "Nếu mọi thứ đều là tương đối thì có thứ gì đáng để tin không?" Một bạn khác tên Khang hỏi: "Ý nghĩa có thực sự tồn tại hay chỉ là sản phẩm của nỗi sợ?"

Không ai có câu trả lời. Nhưng chúng tôi bắt đầu đọc, tranh luận và gợi mở từ những lát cắt cá nhân ấy. Lần đầu tiên sau thời gian dài, tôi thấy một nhóm học triết mà không tranh đấu vì điểm, vì hiệu suất đi trao đổi hay vì thành tích biểu dương. Chúng tôi học vì chính mình.

Nhưng rồi, những điều không muốn cũng xuất hiện.

Tuần thứ ba mới vào năm học mới, có lời đồn nhóm được lập ra là để cạnh tranh với Ban Cán Sự lớp vốn do Minh từng phụ trách. Có người nói thầy Tuấn chống lại giảng viên cũ. Có người lại bảo Hồng chỉ đang "làm màu" để tạo sức ảnh hưởng.

Một buổi họp, Khang rút lui không lời giải thích. Một người khác bỏ giữa chừng vì "không thấy thiết thực". Tôi bắt đầu thấy bóng dáng của những mâu thuẫn quen thuộc len lỏi quanh đây. Nơi có sự ngờ vực, sự phòng thủ và cả cái bóng vô hình của những quyền lực nhỏ nhen.

Chỉ có Hồng là vẫn không thay đổi. Cô vẫn nói nhiều, vẫn mang theo kẹo, vẫn làm trò và vẫn nói ra những câu hỏi khiến tôi giật mình.

Một lần, khi chỉ còn hai đứa ở lại thư viện, tôi hỏi: “Hồng, cậu không thấy mệt à? Mọi người dần bỏ, có khi nào nhóm này cũng tan ra không?”

Cô ngẩng lên, ngậm kẹo: “Có chứ. Mình mệt lắm. Nhưng ít ra, khi nhóm này còn tồn tại, mình không phải giả vờ như mọi thứ đều ổn. Mình được phép không biết. Được phép ngờ vực, được phép sống như một sinh viên thật sự.”

Tôi không trả lời.

Nhưng lần đầu tiên, tôi nghĩ có lẽ không phải ai cũng học triết để làm triết gia. Có người học chỉ để giữ lại một phần chân thật của mình giữa đám đông đang dần hóa đá.

Cho đến một ngày, tin đồn xuất hiện từ một tờ giấy in đơn giản, dán ở bảng thông báo sau ở cầu thang: "Triết học không phải trò chơi của những kẻ tô màu tri thức bằng danh nghĩa tự do. Nhóm nào đang mượn lý tưởng để che giấu tham vọng cá nhân hãy tự soi gương."

Không ai ký tên. Nhưng giọng văn rất quen. Nó gợi nhớ đến phong cách của lá thư nặc danh từng gây bão học kỳ trước.

Mọi người xôn xao. Duy thì thầm rằng có thể là người trong nhóm chơi khăm. Hồng bật cười, nhưng nụ cười chua chát hơn mọi khi.

“Lại nữa à? Một lần chưa đủ à”

Nhưng chẳng ai dám phủ nhận tờ giấy ấy đánh trúng vào điểm yếu đang hiện hữu, nơi mà mầm mống ganh tỵ chưa kịp gọi tên.

Tối hôm đó, nhóm vẫn họp như thường lệ. Nhưng không khí đã khác. Các câu hỏi triết học giờ được thay bằng những ngờ vực ngấm ngầm: “Liệu ai đó trong nhóm đang viết báo cáo gửi lên khoa?”

“Mình không hiểu vì sao người ngoài lại biết rõ lịch họp của tụi mình.”

Tôi im lặng. Hồng đứng dậy, không nói gì, rồi quay lại, đặt chiếc hộp đựng kẹo lên giữa bàn: “Nếu ai thấy nhóm này là giả tạo, là nguy hiểm, thì tốt nhất đừng ở lại nữa. Nhưng đừng giấu mặt rồi ném đá. Đấy không phải là tự do đấy là hèn nhát không có học.”

Cả nhóm im phăng phắc. Một bạn rút lui ngay ngày hôm sau.

Chỉ còn tôi và Hồng ngồi lại lâu hơn. Cô ngả lưng ra ghế, thở dài: “Mình từng nghĩ học triết giúp người ta bao dung hơn. Nhưng hóa ra, nó cũng có thể khiến người ta trở nên khéo che giấu ác ý hơn.”

Tôi đáp nhẹ: “Hoặc là giúp ta nhìn ra ác ý sớm hơn, dù chẳng biết phải làm gì với nó.”

Chúng tôi cười. Nhưng là nụ cười cho thấy bóng dáng kẻ nặc danh không bao giờ biến mất. Nó chỉ thay khi là thư, khi là ánh mắt, khi là im lặng lạnh lẽo.

Tin đồn chưa kịp lắng xuống, thì trong môn Đạo đức học, hai nhóm thuyết trình lại tạo ra một cuộc tranh cãi dữ dội chưa từng có. Nhóm của Hồng chọn đề tài về "Đạo đức của sự phản kháng cá nhân trong xã hội áp chế,” dẫn các ví dụ từ Rosa Parks đến Julian Assange. Nhóm thứ hai do một sinh viên tên Trang thân cận với Ban cán sự lớp điều hành trình bày về "Sự cần thiết của đạo đức tuân thủ để duy trì trật tự xã hội.”

Mọi thứ bắt đầu khi Hồng đặt câu hỏi: "Nếu một chế độ sai lầm, liệu việc tuân thủ còn là đạo đức hay là sự đồng lõa?” Câu hỏi như mồi lửa. Một thành viên bên kia phản bác: "Vấn đề là ai quyết định được thế nào là sai lầm? Hay chỉ là lấy danh nghĩa phản kháng để phá vỡ cấu trúc xã hội?”

Cả lớp im thin thít nhưng căng như dây đàn. Hồng không lùi bước, tiếp tục đáp:
“Vậy chẳng lẽ vì sợ bất ổn mà chấp nhận bất công? Nếu chúng ta học để bào chữa cho sự yên ổn, thì chẳng thà học quản trị công.”

Một giọng khác cất lên, gay gắt hơn:
“Phản kháng cá nhân thường là ngụy biện cho việc đặt cái tôi lên trên tập thể. Còn nếu nói như bạn thì đứa nào không vừa ý với điều gì cũng có thể tự cho mình là đúng."

Không khí vỡ tung. Những tiếng cười khẩy. Những cái lườm. Một người hét lên: "Tụi mày lập nhóm riêng, rồi tự cho mình là nhà triết gia sao? Nghĩ mình đạo đức hơn người khác à? tự ra ngoài mà giải quyết đi"

Giảng viên giật mình. Thầy gõ bàn: “Các em ngồi xuống! Đây là lớp học, không phải cái chợ!”

Nhưng không ai còn kiểm soát được nữa. Cuộc cãi vã không dừng ở lý luận. Nó kéo theo những uất ức âm ỉ suốt thời gian qua về việc ai được khen, ai được chọn đi học bổng, ai được bảo vệ trong các cáo buộc đạo văn…

Buổi học kết thúc trong sự hỗn loạn. Một số sinh viên bị yêu cầu viết bản tường trình. Trong đó có Hồng.

Hồng không viết nhiều. Cô chỉ ghi đúng một câu: “Tôi không chống lại lớp học. Tôi chỉ muốn lớp học đừng chống lại những gì nên được nói.”

Ba ngày sau, khoa tổ chức một buổi tọa đàm về “Tranh biện học thuật.” Hồng được mời lên chia sẻ vì “đại diện một nhóm sinh viên tư duy độc lập.”

Cô mặc áo sơ mi trắng, đứng trước micro, không hề run: “Tôi không đại diện cho ai cả. Tôi chỉ là một sinh viên. Nhưng tôi tin rằng triết học không nên là vỏ bọc cho sự sợ hãi. Và đạo đức, nếu không gắn với sự can đảm thì chỉ là thói quen tốt được huấn luyện.”

Sau buổi ấy, Hồng không được mời phát biểu lần nữa. Nhưng trong hành lang khoa, nhiều sinh viên lạ mặt khẽ gật đầu khi đi ngang cô. Một nhóm nhỏ lặng lẽ ghé thư viện tầng bốn, xin tham dự nhóm nghiên cứu tự do.

Tôi trong lúc chép lại ghi chú của Hồng, mới hiểu: đôi khi, người nói điều đúng không phải để thắng lý lẽ, mà để chứng minh rằng không phải tất cả đều đã im lặng.

Sau buổi tọa đàm, một chuỗi tin nhắn ẩn danh bắt đầu xuất hiện trong hộp thư cá nhân của các thành viên nhóm nghiên cứu tự do. Không giống như tờ giấy nặc danh đầy tính công kích trước kia, lần này các tin nhắn mang nhiều sắc thái khác nhau như bình tĩnh, sâu sắc, thậm chí có phần… tiếc nuối.

“Đã từng nghĩ nhóm của các bạn chỉ là một dạng vỏ bọc cho sự phản kháng nổi loạn. Nhưng hôm nay, tôi bắt đầu nghi ngờ chính mình.”

“Tôi đã từng viết lá thư đầu tiên. Không phải vì ghét các bạn mà vì tôi sợ. Sợ rằng những gì các bạn tin là đúng, còn những gì tôi cố bám vào chỉ là cái vỏ rỗng.”

Những tin nhắn không có người nhận, không có người gửi chỉ là tài khoản email ẩn danh với tên mã hóa. Nhưng từng câu chữ như găm vào lòng cả nhóm.

Hồng nhận được nhiều nhất. Cô lặng lẽ đọc, không nói gì. Đến một buổi tối muộn, khi chỉ còn tôi và Hồng ở lại thư viện, cô mới đưa điện thoại cho tôi xem: “Cậu nghĩ ai viết những cái này?”

Tôi đọc kỹ. Lối hành văn, sự do dự và cách giấu mình có chút rất giống Mặc Nhiên. Người bạn cũ của tôi đã rời đi sau học kỳ trước.

“Cậu nghĩ là Mặc Nhiên à?” tôi hỏi.

Hồng gật khẽ “Hoặc là ai đó giống cậu ấy. Người từng tin rằng giữ im lặng là khôn ngoan. Nhưng giờ họ bắt đầu muốn lên tiếng dù có hơi muộn.”

Đêm hôm đó, tôi viết một dòng gửi lại vào chính hòm thư ẩn danh: “Chúng tôi không cần tên bạn. Chỉ cần bạn vẫn còn suy nghĩ.” Và khi gửi đi, tôi biết trong lớp học này, giảng đường này dù nhỏ bé nhưng nó chứa đủ mọi bóng tối và ánh sáng của thế giới thật ngoài kia. Một nơi nếu có ai đó, dù chỉ một người chọn quay lại thì tất cả chưa từng vô nghĩa.
(Còn tiếp)

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip