Chương 7: Những chuyến xe trên mảnh đất khác

Chuyến đi khảo sát thực tế được thông báo vào những ngày đầu tháng Năm, khi trời đã bắt đầu oi nóng nhưng trong lòng lớp thì đã âm ỉ những cơn giông chưa tan.

Điểm đến của chuyến học tập thực tiễn là Nghệ An và Vinh, vùng đất của lịch sử, của cách mạng và cũng là bài kiểm tra ngầm cho mối quan hệ tập thể vốn đã sứt mẻ suốt mấy kỳ qua.

Tôi xếp hàng cùng mọi người ở bãi xe trước cổng trường. Gương mặt ai cũng lộ vẻ háo hức pha lẫn lo lắng, một kiểu biểu cảm thường thấy khi người ta buộc phải đi xa cùng nhau nhưng không chắc mình có thể ngồi gần ai.

"Ê, cậu ngồi xe số mấy?" Một giọng nói quen thuộc vang lên phía sau.

Tôi quay lại, là Hồng. Mái tóc được cột cao, nụ cười thoáng mỏi nhưng đôi mắt vẫn sáng như cũ.

"Xe 2" tôi đáp. "Cậu thì sao?"

"Chung luôn đi. Định mệnh đấy." Hồng nháy mắt.

Chúng tôi lên xe, chọn chỗ ngồi gần cửa sổ. Qua ô kính dính sương mỏng, tôi nhìn thấy những gương mặt quen thuộc Trúc, Nhân, Khánh và cả Hà người từng lên tiếng chống lại nhóm nghiên cứu tự do. Không ai chủ động chào ai. Chỉ có ánh mắt chạm nhau rồi lướt đi như chưa từng quen.

Cô Như sẽ là giảng viên hướng dẫn cho chuyến đi, người vốn nổi tiếng nghiêm khắc và thẳng thắn bước lên xe với cuốn sổ lớn trên tay. Bên cạnh cô là một người đàn ông mặc sơ mi trắng và đeo logo của công ty du lịch, anh ấy cười tươi và nói "Xin chào cả lớp! Anh là Dương sẽ là hướng dẫn viên chính trong suốt chuyến đi này của xe mình. Chúng ta sẽ có 3 ngày 2 đêm cùng nhau khám phá lịch sử và giúp đỡ lẫn nhau nhé!"

Mọi người cười nhẹ. Chỉ có tôi và Hồng nhìn nhau, tôi cảm thấy nụ cười ấy có gì đó hơi... vô tâm.

Xe lăn bánh. Con đường dẫn về miền Trung trải dài qua cửa kính, mảnh đất xa lạ nhưng hứa hẹn quá nhiều điều quen thuộc: những xích mích, những điều chưa nói và những câu chuyện vẫn còn dở dang từ chính giảng đường thân thuộc.

Ngày đầu tiên ở Nghệ An bắt đầu bằng cái nắng hầm hập đổ xuống từ bảy giờ sáng. Không khí trên xe đặc quánh như lớp bụi bám đầy lên thành cửa kính. Hồng đưa cho tôi một chiếc quạt giấy, bảo: "Tặng cậu này, kỷ niệm chuyến đi lý tưởng nhất năm."

Điểm dừng chân đầu tiên là làng Kim Liên, quê nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi được yêu cầu xếp hàng, mặc áo đoàn chỉnh tề, không được tách nhóm và đặc biệt không được cười đùa khi chụp hình tập thể.

Mọi người ai cũng tuân thủ, trừ một điều rất rõ ràng là thiếu mất một người. Trang sinh viên từng nằm trong nhóm đối kháng, cũng là người có mối xung đột căng với giảng viên chủ nhiệm. Hiện tại đang không có mặt trong danh sách điểm danh. Trên sổ ghi chú, tên bạn bị gạch chéo, bên cạnh có ghi vội: "Báo sốt - nghỉ."

Không ai nói gì thêm. Nhưng trong bữa trưa tại nhà ăn tập thể, một tấm ảnh lướt qua màn hình điện thoại của một người trong nhóm: Trang đang đứng cười tươi tại một quán cà phê sát biển Cửa Lò cùng hai sinh viên khác trong lớp.

"Ảnh mới đăng sáng nay nè" Hồng thì thầm, không giấu nổi vẻ khó chịu.

Tôi ngẩng lên. Một thoáng chạm mắt giữa tôi và cô Như, người đang ngồi cách đó hai bàn, hán mắt cô khiến tôi rùng mình. Có vẻ như cô cũng đã biết.

Buổi chiều, cả lớp đến thăm Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh. Anh Dương, hướng dẫn viên, bắt đầu bài thuyết minh với chất giọng đều đều, nhưng thỉnh thoảng chèn vào một vài câu đùa "Ngày xưa đi biểu tình là bị bắt, bây giờ đi biểu tình... thì có người livestream trước khi bị bắt."

Một vài sinh viên cười ngượng. Một vài khác quay sang nhìn nhau, lặng lẽ. Hồng bặm môi. Tôi biết cô đang thấy khó chịu, nhưng chọn im lặng.

Kết thúc ngày đầu tiên, không khí khách sạn tập thể khá nặng nề. Có tin đồn lan trong nhóm kín rằng: "Cô Như đã biết chuyện Trang trốn đi chơi. Tý nữa sắp có kiểm tra phòng bất ngờ."

Trong bóng tối của phòng nghỉ, tôi nghe ai đó thở dài rất khẽ. Tiếng điều hòa thổi đều trên đầu không làm dịu được nỗi bất an đang lớn dần lên từng giờ.

Ngày thứ hai khởi đầu bằng bài học chính trị tại khu lưu niệm cụ Phan Đăng Lưu. Nắng vẫn gay gắt, không khí ngột ngạt hơn cả hôm trước. Nhưng điều khiến tôi khó chịu không phải là thời tiết mà là sự lặp lại của những câu đùa vô duyên từ anh Dương, người hướng dẫn suốt cả quãng đường tham quan.

Một số sinh viên bật cười, nhưng tiếng cười lẻ loi và lạc lõng. Tôi quay sang nhìn Hồng. Cô không cười. Một bạn trong nhóm nhỏ tiếng thở dài, lẩm bẩm: "Vô duyên thật sự."

Đến trưa, trong lúc nghỉ ngơi tại nhà hàng, tôi nghe được cuộc trò chuyện căng thẳng giữa hai bạn sinh viên Nam và Vy về những lời phát ngôn ấy. Vy cho rằng anh Dương đang làm xấu đi hình ảnh chuyến đi và xúc phạm đến tinh thần lịch sử. Nam thì bảo: "Ông ấy chỉ đùa thôi, đừng làm quá."

Mâu thuẫn giữa hai người nhanh chóng lan ra thành hai nhóm nhỏ. Một bên đứng về phía Vy, cho rằng cần phản ánh với giảng viên. Bên còn lại cho rằng "chuyện nhỏ không đáng làm ầm". Cuộc tranh luận diễn ra ngay tại sân nhà hàng, dưới bóng mát của hàng cây phượng đang rụng lả tả.

Khi cô Như xuất hiện, không khí tản ra như chưa từng có gì xảy ra. Nhưng tôi biết, cô đã thấy và đã nghe.

Buổi chiều hôm đó, lịch trình bị rút ngắn. Thay vì đến điểm di tích tiếp theo, cả lớp được yêu cầu về nhà nghỉ sớm để "chuẩn bị cho buổi sinh hoạt cuối ngày." Tin đồn bắt đầu lan nhanh như vết dầu: "Cô Như sắp kiểm điểm toàn lớp."

Tôi không bất ngờ. Tôi chỉ thấy mệt. Mệt vì những chuyện lặp đi lặp lại giữa niềm tin, lời nói và cả sự im lặng.

Buổi sinh hoạt lớp diễn ra trong không gian phòng khách của khách sạn, nơi những bộ ghế sopha bọc da được kê thành hình vòng cung, ánh sáng vàng từ đèn chùm hắt xuống tạo nên bầu không khí vừa ấm áp vừa ngột ngạt. Cô Như ngồi giữa, tay cầm sổ điểm danh, ánh mắt quét một lượt khắp căn phòng.

"Có một số việc, tưởng nhỏ nhưng ảnh hưởng rất lớn đến kỷ luật chung," cô mở lời, giọng đều và sắc như dao cạo.

"Chúng ta đang đại diện cho khoa, cho trường, không phải đi du lịch tự phát."

Không ai nói gì. Tôi thấy Hồng cúi mặt, tay xoắn lấy vạt áo. Nam và Vy ngồi cách nhau hai ghế, ánh mắt không chạm nhau lần nào.

Cô Như gọi thẳng tên Trang, sinh viên vắng mặt hôm trước: "Nói dối bị bệnh, nhưng xuất hiện ở địa điểm du lịch. Có đúng không?"

Không ai trả lời. Một khoảng lặng dài. Rồi cô chỉ vào một bạn nữ ngồi gần cửa: "Em là người chia sẻ ảnh, đúng không?"

Bạn gái run lên, định nói gì đó nhưng rồi im bặt. Tôi thấy rõ sự giận dữ trong ánh mắt cô Như, nhưng còn rõ hơn đó là sự thất vọng.

"Vì một người, cả tập thể bị đánh giá. Các em có biết hậu quả không?"

Lúc đó, một giọng nói vang lên, không quá to cũng không quá nhỏ đủ để cả hội trường nghe thấy.

"Nhưng cô cũng thấy đó, hướng dẫn viên đùa quá trớn, sinh viên phản ứng là chuyện bình thường."

Mọi người quay lại. Là Vy.

Cô Như nhìn chằm chằm vào cô bạn một lúc lâu, rồi nói chậm rãi "Vậy em muốn gì? Tổ chức họp lớp để phản ánh anh hướng dẫn viên? Hay để bào chữa cho việc vi phạm nội quy?"

Không khí đặc quánh. Tôi cảm thấy ngực mình nặng trĩu.

Trong khoảnh khắc cô Như nhìn chằm chằm vào Vy, tôi bất giác nhớ đến một câu nói trên xe của anh Dương, câu nói khi ấy tưởng như vô thưởng vô phạt: "Các em hãy làm hoa xuyến chi, mọc ở nơi nào cũng sống, dại nhưng không hèn." Lúc đó, tôi chỉ cười nhạt. Nhưng giờ thì câu nói ấy quay lại như một vệt sáng, nhói lên giữa bóng tối đang trùm xuống căn phòng đầy những khuôn mặt né tránh. Sự im lặng sau đó không còn là sự tôn trọng mà là một dạng đầu hàng.

Buổi họp kết thúc bằng một yêu cầu viết bản tường trình từ những sinh viên liên quan. Không ai nói lời nào đến khi về phòng. Dưới ánh đèn vàng hiu hắt của hành lang nhà khách, những bóng người đổ dài méo mó và nặng nề.

Đêm cuối cùng ở Nghệ An được tổ chức như một nỗ lực cuối cùng để xoa dịu không khí căng thẳng kéo dài suốt hai ngày. Trong sân sau của nhà hàng cạnh biển, một vòng lửa trại được dựng lên bằng củi khô và giấy dầu. Ánh lửa bập bùng hắt lên những gương mặt mỏi mệt nhưng cố tỏ ra hòa nhã.

Hồng ngồi cạnh tôi, ánh mắt như tìm kiếm điều gì đó ở những đốm lửa. Tiếng nhạc du dương vang lên từ loa kéo, là bản phối nhẹ của "Nối vòng tay lớn". Mọi người nắm tay nhau theo vòng tròn, nhưng sự rời rạc hiện rõ. Những cái nắm hờ, ánh mắt lơ đãng và những bước chân chỉ đủ để không bị gọi tên.

Khi vòng tròn tan ra, anh Dương bước lên giữa sân, cầm micro "Tôi biết, ba ngày vừa qua có nhiều chuyện không như mong đợi. Có lẽ tôi cũng có phần sai sót. Nhưng hy vọng, các em hiểu rằng mỗi chuyến đi không chỉ là hành trình địa lý, nó là hành trình của chính mình."

Anh cúi đầu. Một vài tiếng vỗ tay rời rạc. Nhưng đáng ngạc nhiên là lớp trưởng đứng lên.

"Em xin phép nói vài lời," cô nói, giọng run nhưng kiên định.

"Chúng em không cần xin lỗi từ ai. Chỉ cần sự thật được thừa nhận. Có điều, những gì đã xảy ra, những lời nói tưởng chừng như là trò đùa, những sự phán xét tưởng là xây dựng nhưng giờ đây nó đều để lại vết xước. Chúng em sẽ nhớ. Nhưng cũng vì thế mà trưởng thành."

Cô cúi đầu. Lần này, tiếng vỗ tay rộn ràng hơn. Bên cạnh đó có cái gật đầu nhẹ từ phía Vy, từ một vài người khác. Không khí không còn căng như trước nhưng cũng không hẳn nhẹ đi. Chỉ là... tạm chấp nhận.

Tối hôm đó, khi tôi nằm trong phòng nghỉ, một tin nhắn hiện lên từ số không lưu tên: "Nghe nói cậu đi khảo sát thực tế. Đừng để những gì nhỏ bé làm cậu quên mất ánh sáng ban đầu. - M."

Tôi không trả lời. Nhưng tôi lưu tin nhắn lại. Khi nhìn ra cửa sổ, tôi chợt thấy hoa xuyến chi mọc ven chân rào khách sạn, những bông hoa trắng nhỏ đang lặng lẽ nhưng không hề biến mất.
(Còn tiếp)

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip