Chương 8: Sau chuyến đi

Chúng tôi trở lại trường vào một sáng thứ Ba, khi hoa bằng lăng bắt đầu rụng xuống lối đi dẫn vào tòa nhà B nơi lớp triết học vẫn thường học suốt gần ba năm qua. Nhưng lần này, bước chân ai cũng chậm hơn, lời chào nhau cũng trở nên dè dặt, thậm chí là thừa thãi.

Chuyến đi dường như đã để lại nhiều hơn những bức ảnh tập thể và những ghi chép lịch sử. Nó khắc lên không khí chung một vết nứt âm ỉ, một kiểu vết thương không thấy máu, nhưng dai dẳng.

Giảng viên vào lớp, điểm danh. Một vài cái tên bị đọc lướt rất nhanh như Nhật, như Vy. Một vài ánh mắt né tránh khi vô tình bắt gặp nhau.

Tôi ngồi vào chỗ cũ, bên cạnh Hồng. Cô không nói gì, chỉ thở dài và kéo cuốn sổ tay ra ghi chép. Chúng tôi không nhắc lại chuyến đi.

Trong giờ nghỉ, một thông báo được dán lên bảng tin điện tử của khoa: "Cuộc thi viết luận chính trị dành cho sinh viên năm ba và năm tư. Chủ đề: Tư tưởng và vai trò của cá nhân trong tiến trình xây dựng xã hội dân chủ."

Tôi thấy Vy nhìn chăm chăm vào thông báo. Hồng cũng đứng đó. Hai người này từ sau buổi lửa trại hôm ấy dường như đã chọn giữ khoảng cách. Nhưng tôi biết, cả hai đều là những người không dễ đứng yên khi có điều gì đó cần được nói ra.

Thế là, một cuộc chạy đua mới bắt đầu được thực hiện trong im lặng. Trong lớp, nhiều bạn bắt đầu hỏi nhỏ về ý tưởng, thảo luận chủ đề. Không khí học thuật bỗng dưng dày lên, nhưng lại mang mùi cạnh tranh rõ rệt.

Tôi quay lại bàn, mở điện thoại. Một tin nhắn mới hiện lên từ Mặc Nhiên, đây là tin nhắn lần thứ hai trong tháng này:

"Ở đây mưa cả tuần. Không đọc nổi sách. Mấy bài cậu gửi, tôi đọc rồi. Lúc này thấy triết học xa lạ thật đấy. Nhưng có lẽ, đó là lúc nó gần mình nhất."

Tôi nhìn chằm chằm vào dòng chữ ấy một lúc lâu. Rồi gập máy lại. Không trả lời. Không phải vì tôi không muốn mà vì tôi không biết bắt đầu từ đâu.

Ba ngày sau, danh sách đăng ký tham gia cuộc thi được công bố công khai trên nhóm lớp. Tôi không bất ngờ khi thấy tên Vy nằm ở đầu bảng, ngay dưới tên Hồng. Nhưng cái khiến tôi chững lại chính là đề tài của hai người trùng nhau đến lạ lùng: "Tự do cá nhân và giới hạn của lý tưởng cộng đồng trong xã hội hiện đại."

Không ai nói ra, nhưng từ ánh mắt của họ, tôi biết cả hai đều thấy. Cảm nhận được. Nhận thấy rất rõ.

"Cậu có nghĩ Vy cố tình chọn giống đề tài của mình không?" Hồng hỏi tôi vào giờ nghỉ giữa buổi, giọng không mang vẻ cáo buộc, mà chỉ như đang cần một tiếng xác nhận cho nỗi nghi ngờ vốn đã có sẵn trong đầu.

Tôi không biết trả lời thế nào. Vy không phải người sống giả tạo, nhưng cô ấy cũng chưa từng là kiểu người chịu đứng sau bất kỳ ai.

Buổi chiều hôm đó, lớp có một buổi thảo luận mở, sinh viên sẽ được chia nhóm và trình bày sơ bộ về đề tài mình đang viết. Trâm bất ngờ giơ tay xin được phản biện bài nói của Vy. Và rồi, những câu từ sắc sảo, có phần châm biếm bắt đầu xuất hiện: "Cá nhân trong bài viết của bạn được lý tưởng hóa đến mức như thể xã hội chỉ là tấm nền cho sự tỏa sáng của một người."

Vy không để yên. Cô đáp trả bằng một trích dẫn của Sartre:

"Con người không là gì ngoài những gì họ tạo ra từ chính mình - kể cả trong vùng kháng cự lớn nhất là xã hội."
Không khí lớp học trở nên căng như dây đàn. Mỗi lời nói như một cú xoáy, và tôi có cảm giác giảng viên dù cố giữ vai trò trung lập cũng đang bị kéo vào vòng xoáy đó.

Khi buổi thảo luận kết thúc, tôi thấy Vy bước nhanh ra khỏi lớp. Hồng vẫn ngồi lại, ánh mắt nhìn vào vở nhưng không viết gì. Tôi biết, cả hai đều đang chịu áp lực không chỉ từ cuộc thi, mà từ chính sự tồn tại của nhau.

Tôi bước ra hành lang, nép vào một góc cầu thang nơi gió vẫn còn sót lại chút dịu của buổi chiều. Từ xa, tiếng Hồng gọi tôi dù không lớn, nhưng đủ để giữ tôi lại với hiện tại. Tôi biết mình không phải trọng tâm của cuộc thi ấy, nhưng tôi cũng không thể giả vờ rằng mình hoàn toàn đứng ngoài. Mọi sự im lặng đều có giá của nó, và tôi đang dần hiểu rằng, đôi khi không chọn phe nào cũng là một lựa chọn khiến người ta bị cô lập.

Tối hôm đó, tôi về trọ muộn hơn thường lệ. Trên bàn học là đống sách cũ chưa kịp dọn, một bài luận đang viết dở và chiếc điện thoại im lặng cả ngày. Khi tôi cắm sạc, màn hình sáng lên với một thông báo duy nhất là từ Mặc Nhiên.

"Tôi đọc được một đoạn Spinoza hôm nay, nói rằng nỗi buồn không hẳn do mất mát, mà do cảm giác rằng mình không còn khả năng tác động lên điều gì nữa. Cậu có từng như thế không?"

Tôi đọc lại tin nhắn đó ba lần. Không biết Mặc Nhiên đang ở đâu? về quê? hay đang sống một mình tại thành phố lạ nào đó. Chúng tôi không còn hỏi nhau những điều cụ thể nữa. Chỉ gửi những mảnh rời của suy nghĩ như tín hiệu từ hai vệ tinh đã trôi khỏi quỹ đạo.

Tôi nhắn lại "Có chứ. Có lúc mình cảm thấy như đang tồn tại trong một căn phòng đầy gương và không cái nào phản chiếu đúng mình cả."

Tôi không chắc Mặc Nhiên có đọc ngay không. Nhưng chỉ vài phút sau, một tin nhắn khác hiện lên "Cậu vẫn còn đọc vẫn còn viết. Thế là đủ. Ở đây, có người bắt đầu không viết nổi nữa. Chỉ nằm và lắng nghe tiếng mưa. Đôi khi nghĩ: Nếu cậu ở đây, chắc mọi thứ sẽ khác. Nhưng rồi lại thấy: chắc cũng vậy thôi."

Tôi nhìn màn hình thật lâu. Ngoài trời, mưa bắt đầu rơi, nhẹ và mỏng. Trong một thoáng, tôi ước gì có thể gói tất cả những điều chưa nói, chưa kịp chia sẻ gửi ngược lại cho Minh qua màn hình nhỏ ấy.

Nhưng tôi không thể. Tôi chỉ lặng lẽ mở máy tính, gõ tiếp dòng đầu tiên của bài luận dang dở.

"Có lẽ, tự do không phải là lựa chọn điều mình muốn mà là dám đứng yên trước tất cả lựa chọn và vẫn giữ lấy chính mình."

Trong một buổi học của môn Triết học hiện sinh, giảng viên bất ngờ thông báo rằng tuần tới, mỗi sinh viên sẽ phải tham gia một buổi phỏng vấn giả định, mỗi người sẽ được chỉ định nhập vai vào một nhân vật triết học cụ thể, bảo vệ quan điểm của họ trước lớp.

Cả lớp xôn xao. Có người thích thú, có người lo lắng.

Với tôi, đó là một cơ hội nhưng cũng là một cuộc thử thách. Hồng được chỉ định vào vai Simone de Beauvoir, còn Vy nhập vai Hannah Arendt. Tôi thì nhận được cái tên Albert Camus.

Tuần sau, buổi "phỏng vấn" diễn ra trong không khí hồi hộp lạ thường. Giảng viên ngồi ở bàn giáo viên như một nhà báo, lần lượt đặt câu hỏi cho từng người, đồng thời mở lời cho cả lớp phản biện.

Khi đến lượt Vy và Hồng, không khí trong lớp dường như đông lại. Vy, trong vai Arendt, nói về "sự tầm thường của cái ác", về việc những cá nhân trong guồng máy có thể gây ra hậu quả khủng khiếp chỉ bằng việc tuân theo mệnh lệnh.

Hồng không ngồi yên. Cô phản biện lại bằng lập luận của Beauvoir rằng tự do cá nhân không chỉ là thoát khỏi mệnh lệnh, mà còn phải dấn thân vào hành động cụ thể để thay đổi thực tại, dù là nhỏ nhất.

Hồng nói "Tự do không thể chỉ là nhận thức. Nó phải là hành vi."
"Nhưng nếu hành vi ấy xuất phát từ một hiểu lầm có hệ thống thì sao?" Vy phản công.

Tôi quan sát cả hai, lòng đầy mâu thuẫn. Cuộc đối đáp đó không chỉ là giữa hai tư tưởng. Nó là sự phản chiếu của cuộc thi, của sự căng thẳng chưa từng được nói thành lời giữa hai người bạn cũ.

Đến lượt tôi, giảng viên hỏi: "Nếu là Camus, em nghĩ gì về sự nổi loạn?"

Tôi đáp, chậm rãi trả lời "Camus nói rằng con người phải tưởng tượng mình là Sisyphus hạnh phúc. Rằng ngay cả trong vô nghĩa, việc tiếp tục đẩy tảng đá cũng là một lựa chọn. Sự nổi loạn không cần chiến thắng mà nó chỉ cần có mặt."

Cả lớp im lặng.

Tôi không nhìn về phía Hồng hay Vy. Tôi không chắc mình có giúp gì được không. Nhưng ít nhất, tôi đã không im lặng.

Chiều thứ Sáu, trời lại mưa. Những cơn mưa tháng Năm không còn ào ào như gió mùa mà thường âm ỉ, dai dẳng như chính không khí trong lớp những ngày gần đây. Tôi ngồi một mình ở thư viện tầng bốn, nơi có cửa sổ nhìn ra dãy phòng học cũ. Đối diện là giảng đường Khoa Triết, ẩm thấp và loang màu thời gian.

Tôi lấy trong balô ra một bài luận cũ được bản in năm ngoái của tôi viết về Kierkegaard sự nhảy vọt của niềm tin. Trang giấy đã ngả vàng một góc, vài dòng gạch đỏ, bên lề còn ghi chữ của Mặc Nhiên: "Câu này chưa được, cần phải mạnh mẽ hơn nữa."

Tôi đọc lại, lần đầu tiên trong nhiều tháng. Tôi không biết tại sao, lại bắt đầu sửa. Viết lại dòng mở đầu. Lược bỏ một đoạn rườm rà. Thêm một câu mới: Lần này không phải để đạt điểm cao, mà như một cuộc trò chuyện lặng lẽ với chính mình.

Ngoài hành lang, tiếng bước chân ai đó đi ngang, nhưng tôi không ngẩng lên. Mưa bắt đầu nặng hạt. Tôi nhớ lại câu của anh Dương hôm nào: "Các em hãy làm hoa xuyến chi."

Lúc đó tôi không hiểu, chỉ cười cho là sáo rỗng. Nhưng giờ đây, giữa cuộc đời sinh viên như một khu vườn đầy mảnh đất vụn, tôi mới hiểu thế nào là loài hoa mọc ven đường trắng nhỏ đó dù mong manh nhưng rất kiên cường.

Không phải ai cũng cần trở thành hướng dương hay hoa hồng. Có những người sinh ra để làm hoa dại, nhưng hoa dại thì đâu có nghĩa là không đẹp.

Tôi viết đến khi thư viện tắt đèn. Trên trang giấy cuối, tôi để lại một dòng trích dẫn từ chính Camus:

"Giữa mùa đông, tôi nhận ra rằng, bên trong tôi, có một mùa hè bất diệt."

Có lẽ, chỉ vậy là đủ cho hôm nay.
(Còn tiếp)

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip