Tập 18
Tập 18 (Số 14-12-18)
PHẨM THỨ 6: NHƯ LAI TÁN THÁN
Xin mở cuốn Khoa Chú, quyển trung, xin xem kinh văn:
Nhĩ thời Thế Tôn cử thân phóng đại quang minh, biến chiếu bá thiên vạn ức hằng hà sa đẳng chư Phật thế giới, xuất đại âm thanh, phổ cáo chư Phật thế giới nhất thiết chư Bồ Tát Ma Ha Tát, cập thiên long quỷ thần, nhân phi nhân đẳng. Thính ngô kim nhật xưng dương tán thán Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát ư thập phương thế giới hiện đại bất khả tư nghị oai thần từ bi chi lực, cứu hộ nhất thiết tội khổ chi sự.
Lúc đó toàn thân Thế Tôn phóng đại quang minh, chiếu khắp trăm ngàn vạn ức số cát sông Hằng thế giới chư Phật, phát ra âm thanh lớn bảo hết thảy chư Bồ Tát Ma Ha Tát và thiên long quỷ thần, nhân, phi nhân, v. v. ở khắp các thế giới chư Phật. Hãy lắng nghe hôm nay Ta xưng dương tán thán Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát ở mười phương thế giới hiện sức từ bi oai thần to lớn không thể nghĩ bàn, cứu giúp hết thảy những sự tội khổ.
Ðến đây là một đoạn. Ðoạn kinh phía trước giới thiệu Ðịa Tạng Bồ Tát cho chúng ta, Ðịa Tạng Bồ Tát là vị giáo chủ có thể giáo hóa, ngày nay chúng ta gọi là Ðạo Sư, ngài là vị Ðạo Sư có khả năng, có trí huệ hướng dẫn chúng ta thoát ly khổ nạn. Cũng thuyết minh đối tượng Bồ Tát giáo hóa độ thoát, vô cùng khó được là ngài có thể độ chúng sanh trong địa ngục, điểm này chúng ta phải thấu hiểu kỹ càng. Trong hết thảy chúng sanh, căn tánh thấp nhất, tạo tội nghiệp sâu nặng nhất chính là chúng sanh trong địa ngục. Ngài có năng lực độ thoát chúng sanh trong địa ngục, thì những chúng sanh khác khỏi phải nói, đều dễ độ hơn vì khó độ nhất ngài cũng có thể độ. Do đó có thể biết, vị Bồ Tát này đích thật chẳng thể nghĩ bàn. Từ đoạn kinh văn phía trước chúng ta có thể hiểu, ngài đích thật có năng lực phổ độ hết thảy chúng sanh trong chín pháp giới, cùng trí huệ đức năng của quả địa Như Lai không hai không khác. Cho nên giới thiệu xong Thế Tôn đặc biệt tán thán ngài. Dụng ý của sự tán thán này rất sâu, rất rộng, mục đích là muốn chư đại Bồ Tát trong mười phương thế giới phải ủng hộ Ðịa Tạng Bồ Tát, toàn tâm toàn lực giúp đỡ ngài độ thoát chúng sanh đang chịu khổ nạn. Ý nghĩa tức là nhất định phải tuyên dương kinh này, tán thán công đức của Bồ Tát, phổ độ hết thảy chúng sanh, mục đích là như vậy.
Kinh văn vừa mở đầu: 'Toàn thân phóng đại quang minh, chiếu khắp trăm ngàn vạn ức số cát sông Hằng thế giới chư Phật', câu này nói rõ Thế Tôn phóng hào quang chiếu soi tận hư không, trọn khắp pháp giới, chẳng sót chỗ nào, bất cứ nơi nào cũng chiếu đến. Cảnh giới này cùng cảnh nói trong kinh Hoa Nghiêm hoàn toàn giống nhau. 'Toàn thân' đặc biệt chú trọng chữ 'thân', thân là sắc tướng, quang từ thân tướng này phóng ra. Quang này là quang minh của tâm tánh, tự tánh vốn sẵn có quang minh của Bát Nhã. Phía trước đã nói với chư vị, làn sóng ánh sáng này vô cùng đặc biệt, vì cường độ của nó là bình đẳng, trong một sát na liền tỏa khắp hư không pháp giới, chẳng giống như ánh sáng của mặt trăng, mặt trời mà mắt thịt chúng ta nhìn thấy, tốc độ của ánh sáng này rất chậm. Khoa học gia nói ánh sáng phát ra từ nhiều ngôi sao truyền đến địa cầu phải mất nhiều năm, mấy trăm năm ánh sáng (quang niên), mấy ngàn năm ánh sáng, mấy vạn năm ánh sáng, phải trải qua thời gian dài như vậy mới đến. Hào quang của Phật vừa phóng ra liền đến tận hư không, trọn khắp pháp giới cho nên hoàn toàn khác với những ánh sáng thường.
'Toàn thân' là mỗi chỗ trên thân thể đều phóng quang, tiêu biểu cho 'vầng mây sáng Ðại Viên Mãn', trong 'Viên Mãn Quang' bao gồm vô lượng pháp môn mà Bồ Tát đã tu trong nhân địa, viên mãn công đức mà chư Phật Như Lai chứng được trên quả địa đều tỏ lộ trong tướng hào quang này chẳng sót, cho nên đây là cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn. Tỏ lộ Phật thân bao trùm pháp giới, tỏ lộ ba thân: Pháp Thân, Báo Thân, Ứng Hóa Thân là một thể, một tức là ba, ba tức là một. Không những hiện ba thân là một, đồng thời cũng hiển thị Y Báo, Chánh Báo chẳng hai. Y báo là hoàn cảnh sanh hoạt, Chánh báo là thân thể này, Y chính là Chánh, Chánh chính là Y, Y và Chánh chẳng hai. Nếu chúng sanh có duyên gặp được Phật quang, cái gì gọi là duyên? Những người nào có duyên? Người nào vô duyên? Có duyên là tự mình không có chướng ngại, thì sẽ nhìn thấy Quang này. Vô duyên là tự mình có chướng ngại, chẳng phải là Phật quang chẳng chiếu soi. Chư vị đồng tu phải biết Phật quang chiếu khắp, tại sao chúng ta chẳng nhìn thấy? Nguyên nhân nhìn không thấy là vì mình có chướng ngại.
Lúc tôi bắt đầu học Phật, Chương Gia đại sư dạy tôi, ngài vô cùng khẳng định và nói: 'Trong nhà Phật, có cầu ắt ứng', chư vị phải ghi nhớ chữ Phật trong câu 'Trong nhà Phật' là gì? Là Giác. 'Trong nhà Phật' nghĩa là 'trong nhà Giác Ngộ', giác ngộ chẳng phải là mê hoặc, có cầu ắt ứng. Nếu bạn có cầu mà không có cảm ứng, đây là vì nguyên cớ gì? Ðại sư nói là vì chúng ta có chướng ngại, nhất định phải tiêu trừ chướng ngại thì cảm ứng sẽ hiện tiền, đây là đạo lý nhất định. Làm sao tiêu trừ nghiệp chướng?
Tôi cũng hỏi câu này: 'Nghiệp chướng khẳng định là có, làm sao tiêu trừ?'.
Ðại sư trả lời: 'Sám hối', và nói: 'Sám hối chẳng có nghĩa là kêu bạn đi 'bái sám', bạn đi lạy 'Ðại Bi Sám, Lương Hoàng Sám, lạy Sám gì đi nữa, chưa chắc có thể tiêu trừ nghiệp chướng'.
Tôi hỏi: 'Vậy thì phải làm cách nào để sám hối?'.
Ðại sư dạy: 'Sám hối nghĩa là 'không làm lại việc ấy nữa', đó mới gọi là chân chánh sám hối. Tức là bạn biết được lỗi của mình, phải mau sửa đổi trở lại, đó gọi là chân chánh sám hối'.
Chúng tôi lại hỏi: 'Những pháp hội sám hối trong chùa rốt cuộc có ý nghĩa gì?'
Ðại sư dạy: 'Những pháp hội sám hối cử hành trong chùa chỉ là làm khuôn mẫu, nghi thức cho những người mới học Phật, người chẳng học Phật khi nhìn thấy những hình thức này bèn sanh khởi tâm hối hận (tàm quý), tâm sám hối, là có ý nghĩa như vậy'.
Chúng tôi mới hiểu đó chỉ là biểu diễn cho người ta coi. Tự mình tu hành chẳng coi trọng những hình thức này, coi trọng sự quay về chân thật, tự biết mình sai lầm, biết sai thì lập tức sửa đổi, 'sau đó không làm [lỗi đó] nữa', như vậy mới là sám hối thật sự, như vậy mới có thể cảm ứng đạo giao cùng Phật, Bồ Tát.
Quang minh của Phật được nói trong kinh là bộ kinh này. Nói cách khác, chúng ta gặp được kinh này tức là gặp được 'Quang minh chiếu khắp' của Thế Tôn. Quang minh này của Phật là vĩnh hằng, chẳng gián đoạn, những nơi có kinh điển chính là chỗ Phật quang chiếu tới. Chúng ta mở kinh ra đọc tụng, thọ trì, hiện nay gọi là học tập, chính là tiếp thọ quang minh của Phật. Nếu có thể giác ngộ, có thể y giáo phụng hành, nhất định sẽ chứng được Vô Thượng Bồ Ðề, những chuyện này chúng ta nhất định phải hiểu, phải trân trọng.
'Ðại âm thanh' là một trong ba mươi hai tướng tốt, trong ba mươi hai tướng tốt chẳng gọi là 'âm thanh' mà gọi là 'phạm thanh', phạm thanh của Như Lai. 'Phạm' có nghĩa là thanh tịnh, âm thanh của Phật có thể lay tỉnh mê tình của hết thảy chúng sanh.
Trong 'Ðại Luận' (Đại Trí Độ Luận) có nói Ðại Phạm Thiên Vương có năm thứ âm thanh, cũng có nghĩa là âm thanh của ngài có năm 'đức', năm đức tướng. Thứ nhất là âm thanh của ngài rất thâm trầm, giống như tiếng sấm sét, có thể làm cho người ta tỉnh thức, cảnh giác. Ðức tánh thứ hai là có thể truyền xa. Ở đây âm thanh của Phật cũng giống hào quang của Phật, tận hư không trọn khắp pháp giới đều có thể nghe được. Ngày nay chúng ta chẳng nghe được âm thanh thuyết pháp của chư Phật là vì căn tai của ta bị trục trặc, thật ra không phải vì căn tánh bị trục trặc, trục trặc là ở trong tâm, tâm không thanh tịnh, cho nên căn này sanh ra chướng ngại. Trong kinh thường nói 'y báo chuyển theo chánh báo', nói một cách nghiêm túc thì 'thân' chúng ta là y báo gần nhất, thế nên nói tướng tùy tâm chuyển, thể chất cũng tùy tâm chuyển, sáu căn của chúng ta cũng chuyển theo tâm. Tâm địa thanh tịnh, tế bào trong sáu căn, tế bào nhỏ bé sẽ khởi chuyển hóa, biến thành hoàn toàn phù hợp với tiêu chuẩn tự nhiên, sẽ có thể tiếp nhận những tin tức trong hư không pháp giới. Mắt có thể tiếp nhận sắc tướng ở tận hư không, trọn khắp pháp giới; tai có thể nghe hết thảy âm thanh trong tận hư không, pháp giới. Trong kinh chúng ta thấy được người ở Cực Lạc thế giới đều như vậy. Tại sao họ có thể mà chúng ta không thể? Tâm họ tịnh, tâm tịnh thì cõi nước tịnh.
Chúng ta hiểu được đạo lý này, hiểu được những chân tướng sự thật này, muốn khôi phục lại đức tướng, trí huệ, năng lực vốn sẵn có của chúng ta, chẳng có cách nào khác ngoài 'Ðịnh, Huệ'. Trong Ðịnh Huệ thì Ðịnh là mấu chốt, Huệ chẳng cần tìm cầu, Ðịnh khởi tác dụng tức là Huệ, Ðịnh khởi tác dụng chính là Giới, Giới - Ðịnh - Huệ là một mà ba, ba là một, chẳng thể tách lìa nhau. Chúng ta gọi tác dụng của Ðịnh Huệ là 'Xảo', tương ứng với Giới là 'Thiện'. Thiện xảo phương tiện của chư Phật, Bồ Tát chính là trong mỗi tâm niệm đều tương ứng với Tam Học: Giới, Ðịnh, Huệ, thiện xảo đến cùng cực, thế nên đích thật quang minh của các ngài chiếu trọn khắp, Phạm âm nghe cùng khắp. Nghe xong sẽ sanh tâm hoan hỷ, nhìn sắc tướng sanh tâm hoan hỷ, nghe âm thanh sanh tâm hoan hỷ. Không những sanh tâm hoan hỷ, thấu hiểu được ý nghĩa này thì tự nhiên sẽ sanh khởi tâm kính mến, đây là đức tướng thứ ba. Ðức tướng thứ tư, Phật nói hết thảy pháp, pháp thậm thâm, bạn nghe xong chẳng khó hiểu. Rất dễ hiểu, rất dễ tiếp nhận, nhất định sẽ chẳng hiểu sai ý tứ trong ấy. Ðức tướng thứ năm là làm cho người nghe xong vĩnh viễn chẳng chán, chẳng giống như chúng ta làm việc gì, làm lâu thì sẽ chán ngán. Nhìn thấy quang minh, sắc tướng của Phật, nghe âm thanh thuyết pháp của Phật vĩnh viễn nghe hoài không chán, người hiện nay gọi là hưởng thọ cao cấp, đây là thật chẳng giả.
Thế nên 'xuất đại âm thanh' nói với chư Bồ Tát chính là vì công việc trọng đại lưu thông bộ kinh này. Nói thật ra trong Phật pháp, bộ kinh này cũng là căn bản pháp luân. Hoa Nghiêm gọi là căn bản, căn bản của cả Phật pháp, căn bản của hết thảy sự giáo học của chư Phật Như Lai. Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh là căn bản của chỗ chúng sanh khởi tu, bạn bắt đầu tu từ đâu? Phải bắt đầu tu từ kinh này thì bạn mới có thể nhập cảnh giới của quả địa Như Lai. Thế nên đức Phật ở đây dùng đại âm thanh nói với trọn hư không pháp giới, hết thảy Bồ Tát Ma Ha Tát trong hết thảy cõi nước chư Phật. Bồ Tát là người đã giác ngộ, phải nên gách vác sứ mạng hoằng kinh, hộ kinh. Làm sao hộ? Y giáo phụng hành tức là hộ kinh, nếu chúng ta đến khắp nơi tuyên dương, giới thiệu kinh này cho đại chúng, tự mình chẳng làm, chẳng hết lòng tu thì đó là phước đức. Quả báo của việc này là phước báo hữu lậu thế gian, bạn chỉ tu phước. Nếu bạn y giáo phụng hành, rồi lần lượt dạy kẻ khác thì việc này là công đức. Trong công đức có phước đức, trong phước đức chẳng có công đức, việc này chúng ta đã nói qua rất nhiều lần rồi.
Ở đây Thế Tôn khuyên hết thảy Bồ Tát Ma Ha Tát, ngày nay chúng ta may mắn được thân người, được nghe Phật pháp, càng may mắn hơn là có thể xuất gia tu hành trong Phật pháp, làm đệ tử Phật, làm học trò của Phật. Phật có thừa nhận học trò này không? Việc này hoàn toàn phải coi chính mình. Nếu ba nghiệp thân, khẩu, và ý của chính chúng ta tương ứng với lời giáo huấn của Phật, thì Phật khẳng định sẽ thừa nhận chúng ta là học trò của ngài. Nếu ba nghiệp thân, khẩu, và ý chẳng tương ứng với lời giáo huấn của đức Phật, tuy chúng ta nói là học trò của đức Phật, hình tướng hiện ra hôm nay cũng thế độ, mặc áo tràng, đắp y, và cũng thọ giới, nhưng Phật, Bồ Tát chẳng thừa nhận. Chẳng thừa nhận, thân phận này là do Thiên Thai đại sư nói ra, gọi là 'Danh Tự tỳ kheo', có Danh chẳng có Thật. Tên là Sa Môn, là người xuất gia đều chẳng phải là thật. Rất đáng cho chúng ta phản tỉnh sâu xa, khi đã xuất gia rồi thì nhất định phải làm một Phật tử có Danh phù hợp với Thật, chúng ta có sứ mạng phải hoằng dương bộ kinh này.
Muốn hoằng dương kinh này thì nhất định phải tu học kinh này, rất nhiều bạn đồng tu học giảng kinh, ở đây hoặc ở chỗ khác tôi thường thường gặp một số pháp sư trẻ tuổi đến hỏi: "Làm thế nào mới giảng kinh giỏi?" Những người này cứ tưởng tôi giảng kinh mấy chục năm có một chút kinh nghiệm, họ đề ra vấn đề này rất là hy hữu. Nếu thật sự muốn giảng kinh giỏi và hay, nhất định phải tu hành y theo lời dạy; bạn chân tu (tu hành chân thật) mới có tâm đắc, chúng ta hiện nay gọi là tâm đắc, trong Phật pháp gọi là chỗ ngộ (ngộ xứ). Nếu bạn chẳng chân tu thì chẳng có chỗ ngộ, duy chỉ có làm thật sự mới có chỗ ngộ. Bạn ngộ được càng sâu thì đương nhiên bạn sẽ giảng càng hào hứng. Nếu bạn chẳng ngộ, chỉ coi chú giải của người khác, đó là dựa vào nguyên bản, nói theo lớp lang, hoàn toàn là của người khác, chẳng liên quan gì với mình, thì bạn làm sao giảng hay được? Bạn có thể giảng chú giải cho thật thuộc, thật lưu loát, hoa trời rơi lả tả, có nội dung thật tế gì không? Chẳng có. Những gì đã giảng hoàn toàn là bề ngoài, trên hình tướng, một phần cũng chẳng thấu sâu vào. Bạn vào càng sâu, sức mạnh phát ra tự nhiên sẽ chẳng tương đồng. Thế nên quy kết đến cùng phải chân tu thì bạn mới thật sự giảng hay, kiến giải, tư tưởng, và tâm hạnh của bạn tương ứng cùng Phật, làm sao giảng không hay được! Năm đức trong âm thanh của Ðại Phạm Thiên Vương bạn cũng có thể có đủ.
Lúc sơ học chúng ta chẳng giác ngộ, chẳng ngộ nhập, bắt đầu học thì phải học từ đâu? Từ chân thành. Có vậy mới có cảm ứng, có thể được Phật, Bồ tát gia trì, giúp đỡ bạn ngộ nhập. Nếu tâm bạn chẳng chân thành thì không có cách chi, chân thành chẳng có mảy may tướng hư ngụy. Không những khi đọc kinh, giảng kinh mới chân thành, khi lên giảng đài thì chân thành, bước xuống thì hư ngụy, như vậy được không? Không được. Chư vị phải biết một Chân thì hết thảy đều Chân, chúng ta chỉ có một tâm chân thành, đối với Phật, Bồ Tát là tâm này, đối với hết thảy chúng sanh cũng là tâm này, như vậy thì bạn mới ngộ nhập. Nếu bạn còn dùng hai tâm thì chắc chắn không thể ngộ nhập. Không những không thể ngộ nhập cảnh giới của Phật, nói thật ra bạn đối với những tình trạng trước mắt cũng chẳng thể hiểu rõ. Ðây là điều các bạn đồng học phát tâm học giảng kinh, phát tâm tiếp nối huệ mạng của Phật, hoằng pháp lợi sanh không thể không biết.
Chư đại Bồ Tát đối với chân tướng của vũ trụ nhân sanh không những ngộ nhập, có thể nói họ triệt để ngộ nhập, trong Phật pháp gọi là triệt để nguồn pháp. Chúng ta biết trong ấy rất nhiều Bồ Tát Ma Ha Tát đều là mười phương chư Phật Như Lai thả chiếc bè từ để thị hiện. Thân phận của Bồ Tát chẳng nhất định, chư vị phải biết, họ có thể thị hiện những thân phận khác nhau. Trong Phẩm Phổ Môn chúng ta thấy Quán Thế Âm Bồ Tát hiện ba mươi hai Ứng Thân, đây là nêu ra một thí dụ. Sự thị hiện của Ngài chẳng phải ý tứ của Ngài, hoàn toàn do sự Cảm của chúng sanh, Ngài mới có Ứng. Ðó là 'nên dùng thân Phật để độ' thì Ngài bèn hiện thân Phật, vị Phật đó cũng là Bồ Tát; 'nên dùng thân đồng nam, đồng nữ để độ' thì Ngài bèn hiện thân đồng nam, đồng nữ, đồng nam đồng nữ ấy cũng là Bồ Tát; 'nên dùng thân tỳ kheo để độ' thì Ngài hiện thân tỳ kheo, đâu có nhất định! Thậm chí nói nên dùng thân kẻ ăn xin để độ thì Ngài bèn hiện thân kẻ ăn xin. Trong 'Niên phổ của lão hòa thượng Hư Vân' chúng ta thấy khi Hư Vân lão hòa thượng triều bái Ngũ Ðài Sơn gặp một người xin ăn, người xin ăn ấy chính là Văn Thù Bồ Tát hóa thân. Do đó phải biết những Bồ Tát Ma Ha Tát này đang ở trong các ngành các nghề của xã hội chúng ta, bạn biết người nào là Bồ Tát hay chăng? Không biết, chúng ta là phàm phu mắt thịt.
Những đại Bồ Tát, chư Phật Như Lai này tại sao làm như vậy? Dụng ý làm như vậy rất sâu. Làm cho chúng ta sanh khởi tâm cung kính tột cùng đối với hết thảy chúng sanh. Người học Phật chúng ta nên có thái độ như thế nào? Bất luận là hết thảy người, hết thảy sự , hết thảy vật, chúng ta phải xem họ như chư Phật Như Lai thị hiện, tâm cung kính của chúng ta mới khởi dậy được, như vậy mới có thể khế nhập vào hạnh Phổ Hiền. Hạnh môn thứ nhất của Phổ Hiền là Lễ Kính Chư Phật, chúng ta đối đãi với bất cứ người, sự, vật nào đều phải lễ kính chân thành. 'Lễ' là hình dáng bên ngoài, 'Kính' là nội tâm. Cho nên tâm ý, mật ý của sự thị hiện là nhằm dẫn chúng ta đến hạnh Phổ Hiền. Chúng ta nhất định không thể khinh mạn bất cứ một chúng sanh nào, trong tâm của chúng ta họ đều là hóa thân của Như Lai. Rốt ráo họ có phải là hóa thân của Như Lai hay không? Nếu tâm ta đối đãi với họ: 'Họ là hóa thân của Như Lai', trong cảnh giới của mình thì người này chính là hóa thân của Như Lai. Bạn hỏi là đạo lý gì? Cảnh chuyển tùy theo tâm. Chuyển tùy theo tâm mình, trong tâm của mình họ là Như Lai, trong tâm của mình người ấy là phàm phu, bạn có hiểu đạo lý này hay chăng? Trong tâm của mình người ấy là Như Lai, cảnh giới của mình bèn được nâng lên đến cảnh giới của Như Lai.
Trong mắt của Phật, hết thảy chúng sanh đều là chư Phật, phàm phu nhìn Phật, Bồ Tát đều là phàm phu, phàm phu chẳng thể thành Phật là vì họ nhìn hết thảy chúng sanh đều là phàm phu. Nếu bạn quả thật quay về, bạn nhìn hết thảy chúng sanh đều là chư Phật Như Lai thì bạn sẽ thành Phật rất nhanh. Tại sao Thiện Tài đồng tử thành Phật ngay trong đời này, đạo lý ở đâu? Nhờ vào điểm này. Đây chính là chỗ chúng ta thường nói dùng tâm chân thành đối đãi với hết thảy người, sự, vật, chân thành đến mức cùng cực, chuyển hết thảy cảnh giới thành cảnh giới của Phật. Trong các buổi giảng chúng tôi thường nói tướng tùy tâm chuyển, thể chất tùy tâm chuyển, cảnh giới tùy tâm chuyển, hằng ngày đều giảng, đều khuyên, đều nhắc nhở, tại sao bạn không thể chuyển? Chuyển ở tại một niệm; chúng sanh và Phật nói thật ra chỉ là cách nhau ở một niệm, một niệm giác bèn thành Phật, một niệm mê bèn thành phàm phu. Hy vọng chư vị đồng tu phải hiểu sâu ý nghĩa này.
Họ triệt để hiểu rõ chân tướng của vũ trụ nhân sanh, hiểu vạn pháp đều không, hiểu hết thảy pháp chẳng có tự tánh; kinh Bát Nhã nói 'chư pháp duyên sanh, duyên sanh vô tánh, đương thể tức không, liễu bất khả đắc'. Ngài còn đến để thị hiện, còn làm ra tấm gương để cho người ta coi, đây là lòng từ bi đến cùng cực. Vì ngài hiểu rõ hạt giống Phật từ duyên sanh, duyên là gì? Hết thảy người là duyên, hết thảy sự là duyên, hết thảy vật cũng là duyên, những gì lục căn chúng ta đối diện đều là duyên. Trong duyên làm sao lại có hạt giống Phật? Lúc nãy tôi dạy cho bạn, bạn có thể coi hết thảy sự vật đều là chư Phật Như Lai thị hiện thì hạt giống Phật của bạn đã sanh rồi. Nếu bạn nhìn hết thảy người, sự, vật này đều là phàm phu, đều là nghiệp chướng sanh tử phàm phu thì hạt giống Phật của bạn chưa sanh, nghiệp chướng của bạn đã sanh rồi, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của bạn khởi lên rồi. Đều ở tại một niệm, vấn đề là bạn biết hay không? Tổ sư đại đức trong Tông Môn thường khám nghiệm học trò, trong lời nói thường hỏi: 'Hiểu không?' (Hội ma?) Bạn hiểu không. Hiểu rồi thì nhập cảnh giới; chẳng hiểu thì vẫn là phàm phu. Cho nên ý nghĩa của câu 'Hiểu không?' này cũng rất sâu xa, chúng ta phải thấu hiểu đến nghĩa thú của chỗ này.
Cho nên chúng sanh do nguyên nhân này có cảm, Bồ Tát cũng do đó mà có ứng, cảm ứng đạo giao. Chúng ta phải hiểu 'Lý của cảm ứng đạo giao'. Chúng ta cùng chư Phật, Bồ Tát cảm ứng đạo giao, chúng ta cùng hết thảy chúng sanh cũng cảm ứng đạo giao, thiện thì cảm ứng với thiện, ác thì cảm ứng với ác, lý rất sâu nhưng chẳng phải thấu hiểu không được. Chúng ta nêu ra một thí dụ rất cạn cợt, bạn thấy người học Phật thích ở chung với người học Phật, tôi học Phật thì tôi có cảm, hết thảy những người học Phật bèn ứng. Người học Phật tuyệt đối sẽ chẳng ở chung với người Cơ Đốc Giáo, đây không phải là một thí dụ sao? Thế pháp cũng vậy. Người đánh bài sẽ có một đám bạn đều thích đánh bài, người ấy cùng họ cảm ứng đạo giao; người thích khiêu vũ cảm ứng đạo giao cùng người thích khiêu vũ, vật cùng loại tụ với nhau, người phân chia thành từng tộc đoàn. Tại sao lại từng loại, từng nhóm cùng nhau? Lý của sự cảm ứng. Không những động vật có cảm ứng này, thực vật cũng có cảm ứng như vậy. Nếu bạn lưu ý khi đi du lịch ngoài trời, rừng núi, bạn hãy xem cây cối, cây cối cùng loại mọc chung với nhau, không thấy trong một khu rừng có rất nhiều chủng loại, rất ít, chưa từng thấy, trừ phi con người cố ý trồng như vậy. Nếu là rừng tự nhiên thì trong một đám rừng nhất định là cùng một chủng loại. Do đó bất luận là động vật, thực vật, khoáng vật đều là một loài, một nhóm cùng nhau, đạo lý này gọi là lý của sự cảm ứng. Thiện cảm ứng với thiện, ác cảm ứng với ác, tịnh cảm ứng với tịnh, bạn sẽ hiểu được Phật cảm ứng với Phật.
Phật, Bồ Tát dùng các thân phận, các sắc tướng thị hiện trong thế gian, từ bi đến cùng cực. Chúng sanh khổ nạn thì ngài nhất định sẽ cứu tế họ. Đài Loan có một hội Từ Tế Công Đức, từ bi cứu tế đến mức cùng cực là phải giúp đỡ hết thảy chúng sanh phá mê khai ngộ, đó là chân chánh từ bi cứu tế. Dùng tài vật để cứu tế, người ta không có ăn thì tặng cho họ một chút lương thực, không có mặc thì tặng vài bộ quần áo cho họ, đó là cứu giúp nhất thời, chẳng phải kế sách lâu dài. Kế sách lâu dài là phải bắt đầu cứu độ từ căn bản, phải dạy họ phá mê khai ngộ, phải giúp họ khôi phục trí huệ đức năng, phước báo vô cùng tận vốn sẵn có trong tự tánh, đó là cứu tế chân thật, chẳng phải là cứu tế giả, đây là cứu tế đến cùng cực.
Kinh Địa Tạng đối với hết thảy chúng sanh, đặc biệt là đối với hết thảy chúng sanh đang chịu tội khổ là từ bi cứu tế bắt đầu từ căn bản. Vừa rồi tôi nói rất rõ ràng, nhất định tự mình phải y giáo phụng hành trước, tự mình phải thật sự làm được thì bạn mới có thể thấu hiểu ý tứ của từng câu từng chữ trong kinh này. Nếu làm không được, y chiếu theo giảng ký của người khác mà giảng, giảng được giỏi cách mấy cũng khó khế cơ. Nói theo cách thông thường thì đó chẳng có đạo vị chân chánh, đạo vị chân chánh là từ tâm tánh tuôn trào ra. Chú giải của cổ đức chỉ cung cấp cho chúng ta tham khảo mà thôi, đó là sự tu hành của họ, cảnh giới họ chứng được, tuôn ra từ tự tánh của họ, chẳng phải tuôn trào từ tự tánh của chúng ta. Nhất định phải tuôn ra từ tự tánh chính mình mới được, sau đó chúng ta đối chiếu với kinh, so sánh với những chú sớ của cổ đại đức, lãnh hội sâu vào. Xin xem đoạn kinh tiếp theo:
Ngô diệt độ hậu, nhữ đẳng chư Bồ Tát đại sĩ cập thiên long quỷ thần đẳng quảng tác phương tiện, vệ hộ thị kinh. Lịnh nhất thiết chúng sanh chứng Niết Bàn lạc.
Sau khi Ta diệt độ thì hàng Bồ Tát, Đại Sĩ các ông cùng với Trời, Rồng, Quỷ, Thần, v.v... nên dùng nhiều phương tiện để giữ gìn bảo vệ kinh này, khiến tất cả chúng sanh đều chứng được cảnh vui Niết Bàn.
Trong đoạn này, Thế Tôn nói ra nguyện vọng của ngài đối với Bồ Tát Ma Ha Tát. Đặc biệt là sau khi Phật thị hiện diệt độ. Trong thời gian Phật chẳng trụ thế thì chúng sanh sẽ khổ, mê hoặc điên đảo, tạo hết thảy tội nghiệp, chẳng có người dạy họ. Do đó Phật phải phó chúc những Bồ Tát này 'hàng Bồ Tát, Đại Sĩ các ông', 'Đại Sĩ' thông thường là chỉ Địa Thượng Bồ Tát, chỉ Đẳng Giác Bồ Tát nhiều nhất. 'Thiên long quỷ thần' trên thực tế đều là Phật, Bồ Tát ứng hóa, nếu chẳng phải là Bồ Tát ứng hóa, thật là thiên long quỷ thần thì họ đều là phàm phu, rất khó hiểu được lời dạy của Phật. Phật dạy họ phải 'dùng nhiều phương tiện, giữ gìn bảo vệ kinh này'. Kinh Duy Ma nói rất hay 'nếu chẳng có phương tiện', 'phương' là phương pháp, 'tiện' là tiện nghi. Nếu bạn chẳng có phương tiện thì dù có trí huệ bạn cũng chẳng thể phát huy. Cũng như người thật có học vấn, có trí huệ, chẳng có khẩu tài, lên giảng đài chẳng giảng được, nhưng họ viết văn rất hay. Chúng tôi đã gặp những người như vậy, viết văn chương thật hay, lên giảng đài nói không được, dạy học không được, họ chẳng thể dùng ngôn ngữ biểu đạt ý tứ được.
Thuyết pháp cần có biện tài vô ngại, [muốn có] biện tài thì cũng mong cầu Phật, Bồ Tát gia trì, làm thế nào mới được Phật, Bồ Tát gia trì? Vẫn chỉ là sự cảm ứng của lòng chân thành: tôi vì chúng sanh, chẳng vì mình thì sẽ được Phật, Bồ Tát gia trì. Một số người cầu Phật, tại sao cầu chẳng được cảm ứng? Khi cầu Phật, Bồ Tát, tuy vì chúng sanh nhưng vẫn còn vì mình, chín mươi chín phần trăm vì chúng sanh, nhưng còn một chút vì mình thì sẽ chẳng được cảm ứng. Huống chi hiện nay phần đông người hoằng pháp lợi sanh, nói đại khái chín chục phần trăm vì mình, mười phần trăm vì chúng sanh, chắc là tỷ lệ như vậy, phân nửa – phân nửa cũng rất hiếm, thì làm sao có cảm ứng được? Những sự thật này, hy vọng các vị đồng tu phải quan sát và thấu hiểu kỹ càng. Trong đời mạt pháp, nghiệp chướng của chúng ta rất nặng, nếu chẳng được Tam Bảo gia trì, nhất định sẽ chẳng có năng lực giảng kinh, đây là chuyện rất thực tế. Trong kinh nói ngay cả Địa Tạng Bồ Tát thuyết pháp cũng phải 'nương nhờ oai thần của Phật' gia trì, huống chi là phàm phu chúng ta? Chúng ta phải hiểu đạo lý này, cho nên nếu không có phương tiện khéo léo thì chúng ta chẳng có năng lực biểu đạt và tỏ lộ ý nghĩa thậm thâm của kinh làm cho người sơ học nghe dễ hiểu.
Trong kinh Phật nói với chúng ta, nhất định chẳng thể dùng tâm có ái kiến. Ái là gì? Tôi thích. Kiến là gì? Chủ ý của tôi, kiến giải của tôi, cách suy nghĩ của tôi, cách làm của tôi. Nếu dùng tâm niệm và thái độ này để trang nghiêm tịnh độ, thành tựu chúng sanh thì bạn sẽ có trở ngại, chướng ngại. Chướng ngại gì? Chướng ngại trí huệ chân thật của bạn, chướng ngại công đức của bạn. Nếu bạn hỏi tại sao? Phật nói với chúng ta chân tướng của vũ trụ nhân sanh là một, chẳng hai. Tự chúng ta có tâm ái kiến, tức là phân biệt chấp trước. Phân biệt chấp trước là mê hoặc, là phiền não, là chướng ngại, chướng ngại tâm tánh. Vô lượng trí huệ, vô lượng đức tướng, vô lượng công đức trong tâm tánh đều bị chướng ngại. Đây là một sự việc khó nhất, đây là chân tướng sự thật. Nếu chúng ta xa lìa ái kiến, hoặc là nói xa lìa phân biệt, chấp trước, ái kiến tức là phân biệt, chấp trước, tâm của chúng ta mới thật sự thanh tịnh. Trong đề kinh của kinh Vô Lượng Thọ nói đến 'Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Giác', từ năm chữ này chúng ta suy ra thành mười chữ để cho mọi người dễ hiểu: 'Chân Thành, Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Chánh Giác, Từ Bi', mười chữ này là từ năm chữ trên mở rộng ra. Thường giữ tâm này, tâm này tức là trang nghiêm Phật độ, thành tựu chúng sanh. Thực hiện trên sự tướng, trong đời sống tức là 'Nhìn Thấu, Buông Xả, Tự Tại, Tùy Duyên', sau cùng là 'Niệm Phật', thành tựu công đức rốt ráo viên mãn. Nếu không niệm Phật, cao nhất là chúng ta chỉ đến cảnh giới Bồ Tát, niệm Phật thì sẽ đến cảnh giới của Phật, đại viên mãn, thật sự rốt ráo. Nếu thật sự dùng tâm này thì sự tu học, công việc của chúng ta nhất định sẽ không mệt, không chán. Mệt là mệt mỏi, chán là chán chường.
Hôm qua ở Cư Sĩ Lâm, pháp sư Ngộ Toàn nói với tôi rằng ông sanh tâm xấu hổ. Ông nói chúng ta hai mươi bốn giờ niệm Phật, người trẻ tuổi sánh chẳng bằng những cụ già ở Cư Sĩ Lâm. Người trẻ tuổi niệm tới nửa đêm thì mệt rồi, toàn thân đều mệt rã rượi, chẳng chịu đựng được nữa. Nhưng các cụ già còn ở đó nhiễu Phật, vẫn ở đó niệm Phật, niệm đến trời sáng vẫn chẳng mệt. Trời sáng họ còn đi lau chùi, dọn dẹp xung quanh. Sau khi nhìn thấy, tâm ông rất ngượng [và nói] chúng tôi chẳng bằng các cụ. Tại sao ông chẳng bằng họ? Bạn có vọng tưởng, họ chẳng có vọng tưởng. Tâm bạn chẳng thanh tịnh, tâm họ thanh tịnh. Bạn niệm Phật lâu rồi tâm bèn sanh phiền não cho nên toàn thân đều khó chịu. Họ sanh pháp hỷ, họ vui sướng vô cùng, càng niệm càng hoan hỷ, càng niệm càng hăng hái, càng niệm càng có tinh thần, đó là thật. Cho nên con người thật sự đắc được thiền định, thì sẽ vĩnh viễn chẳng cảm thấy mệt mỏi, người đạt được thiền định có thể không cần ngủ nghỉ. Tài, sắc, danh, thực, thùy (tiền tài, sắc dục, tiếng tăm, ăn uống, ngủ nghỉ) gọi là Ngũ Cái, năm thứ này che lấp chân tâm, bản tánh của bạn; 'Cái' tức là chướng ngại, chướng ngại mất nên chẳng thể khởi tác dụng.
Bởi vậy hôm qua tôi nói với ông, nhất định phải tu tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh có thể đạt đến mục đích này. Trong kinh đức Phật dạy chúng ta 'Đặt tâm ở một chỗ, chẳng có chuyện gì không làm được' 7[7]. Nếu tâm của bạn, đây là nói về phàm phu, chẳng phải thánh nhân, chẳng phải người học Phật, sự ưa thích, hứng thú của bạn có thể tập trung vào một chỗ, thì người ấy cũng chẳng mệt chẳng chán, trong ngành nghề nào cũng có. Người đọc sách ưa thích sách vở, họ đọc sách chẳng cảm thấy mệt, chẳng chán. Khoa học gia ở trong phòng thí nghiệm thường thường quên ăn quên ngủ, quên ăn cơm, quên ngủ nghỉ, đó là gì? Vì hứng thú của họ, nhờ đó có thể đạt được.
Chúng tôi cũng từng nghe, lúc trước ở Pháp, Nã Phá Luân (Napoleon) mỗi ngày ngủ hai tiếng mà thể lực vượt hơn những người thường. Thể lực đó do đâu mà có? Chuyên chú, ông ta rất ưa thích sự nghiệp, một lòng một dạ vì sự nghiệp, quên hết tất cả chuyện khác. Người thế gian còn làm được huống chi là người tu hành! Thế nên người tu đạo lúc nhập định, nhập định chẳng phải ngủ nghỉ, nếu nói ngồi xếp bằng tĩnh tọa nhập định mà họ ngủ thì hình dáng ngủ như vậy rất khó coi, tại sao? Nhất định là đầu và chân co vào nhau, đó là đang ngủ. Nếu họ đang nhập định thì thân thể sẽ rất ngay ngắn, chẳng phải họ đang ngủ, ở trong định họ có cảnh giới trong định, chẳng phải ngủ, họ tỉnh táo. Nếu bạn muốn kêu họ xuất định, lấy dẫn khánh gõ nhẹ nhẹ ba lần vào tai của họ thì họ sẽ xuất định, đó là có người kêu họ, cho nên phải biết họ chẳng có ngủ. Tĩnh tọa mà ngủ thì có thể nhìn biết, ngáy khò khò, đầu và chân co vào nhau. Chúng ta phải khắc phục những chướng ngại này, phải khôi phục tinh thần và thể lực của chúng ta thì mới có thể hoằng pháp lợi sanh, mới có thể tiếp nhận lời phó chúc của Thế Tôn 'rộng làm các phương tiện, giữ gìn bảo vệ kinh này', vệ nghĩa là hộ vệ, hộ vệ nghĩa là giữ gìn.
Phật ở đây khuyên Bồ Tát, nói thật ra cũng là khuyên chúng ta, kinh này đối với xã hội hiện giờ, đối với chúng sanh đời mạt pháp vô cùng quan trọng! Trong mấy chục năm giảng kinh, tôi thường khuyến khích mọi người, trong sự tu học Phật pháp Đại Thừa, Địa Tạng là cơ sở, Địa là tâm địa, người hiện nay chúng ta gọi là xây dựng tâm lý, cho nên trong kinh này nói những gì? Xây dựng tâm lý, đây là căn bản. Từ bộ kinh này mới có thể sanh ra lòng yêu thương rộng lớn (đại ái), người hiện nay gọi là 'bác ái', hai chữ 'bác ái' này lấy từ kinh Vô Lượng Thọ. Phật pháp nói về đại từ đại bi. Đại từ đại bi sanh khởi từ đâu? Từ trong kinh này sanh khởi, do đó kinh này là căn bản. Nội dung kinh này nói về hiếu thân, tôn sư, dùng hiếu đạo làm cơ sở, cho nên hết thảy pháp đều sanh từ hiếu đạo, nội dung của kinh này là đại hiếu. Từ hiếu sanh khởi từ bi, trong từ bi sanh ra trí huệ, từ bi là phước, phước chí tâm linh, từ trong trí huệ mới chân chánh phát khởi đại tâm phổ độ hết thảy chúng sanh.
Sau cùng nói 'làm cho hết thảy chúng sanh chứng được cảnh vui Niết Bàn', Niết Bàn là thật, chẳng giả, Niết Bàn là chẳng sanh chẳng diệt, ý nghĩa của 'Niết Bàn' là cứu cánh viên mãn, chẳng có một tí gì khiếm khuyết. Cho nên đức Phật ở đây khuyên dạy mọi người nhất định phải rộng làm phương tiện, giữ gìn bảo vệ lưu thông, vả lại phải chú trọng hiệu quả. Nhất định phải giúp đỡ mọi người hiểu rõ chân tướng của vũ trụ nhân sanh, sau đó đoạn dứt hết thảy ác, tu hết thảy thiện, vĩnh viễn chẳng đọa tam ác đạo, thoát lìa khổ hải. Trong thời đại này muốn thật sự lìa khổ được vui, vĩnh viễn chẳng thoái chuyển thì không cầu sanh Tịnh Độ không được. Nếu không cầu sanh Tịnh Độ, trong vị thứ của Bồ Tát còn bị thoái chuyển, thoái chuyển là một chuyện phiền phức rất lớn, đây là khuyên chúng ta niệm Phật, đạo lý là ở chỗ này. Xin xem kinh văn:
Thuyết thị ngữ dĩ, hội trung hữu nhất Bồ Tát danh viết Phổ Quảng hiệp chưởng cung kính nhi bạch Phật ngôn, kim kiến Thế Tôn tán thán Địa Tạng Bồ Tát hữu như thị bất khả tư nghị đại oai thần đức, duy nguyện Thế Tôn vị vị lai thế mạt pháp chúng sanh nghi thuyết Địa Tạng Bồ Tát lợi ích nhân thiên nhân quả đẳng sự, sử chư thiên long bát bộ cập vị lai thế chúng sanh đỉnh thọ Phật ngữ.
Nói lời ấy xong, trong pháp hội có một vị Bồ Tát tên là Phổ Quảng cung kính chắp tay bạch với đức Phật: 'Nay con nghe Thế Tôn tán thán Địa Tạng Bồ Tát có đức oai thần rộng lớn bất khả tư nghì như thế, xin Thế Tôn vì chúng sanh trong thời Mạt Pháp ở đời sau mà nói về các sự nhân quả của Địa Tạng Bồ Tát làm lợi ích cho hàng Trời, Người, làm cho thiên long bát bộ và chúng sanh trong đời vị lai thảy đều kính vâng lời của Phật.
Đoạn này nói về người đương cơ khải thỉnh. Người đương cơ là một Bồ Tát, 'Phổ Quảng Bồ Tát', Phổ Quảng Bồ Tát đại diện cho những Bồ Tát trong hội, tiếp nhận lời phó chúc của Thế Tôn, phát nguyện lưu thông kinh này, hoằng dương pháp môn này, ngài làm đại diện. Hàm ý trong tên của Bồ Tát và Phật phóng quang, dùng âm thanh to lớn để tuyên bố, ý tứ đều tương ứng. Ý nghĩa của 'Phổ' là phổ biến, biến khắp gọi là 'phổ'; 'Quảng' là rộng lớn chẳng có biên giới. 'Cảm' và 'Ứng' đều tương hợp, ở đây đức Phật Thích Ca Mâu Ni khuyên dạy các Bồ Tát trong hội, Phật là 'cảm', các Bồ Tát nghe xong chịu tiếp nhận, đó là 'ứng'. Do đó có thể biết cảm ứng là từ hai phương diện, cảm ứng lẫn nhau. Thanh Liên pháp sư ở đây giải thích ý nghĩa danh hiệu của Bồ Tát: "Từ tâm phát khởi trí huệ, trí huệ trọn khắp pháp giới" 8[8] gọi là Phổ, giải thích rất hay. Không có trí huệ sẽ chẳng chịu tiếp nhận, hiện giờ trao trách nhiệm này cho ông, [nếu là bạn thì] bạn còn thoái thác, khách khí, chẳng dám gánh vác, còn những Bồ Tát trong hội lúc ấy thì chẳng như vậy. Họ từ trong chân tâm khởi lên trí huệ tự tánh Bát Nhã, trí huệ này phổ biến khắp pháp giới, đây là nghĩa của chữ 'Phổ'. Có Trí mới có thể dẫn đạo cho Hành, cũng là nói Trí thực hiện trên sự tướng tức là hành vi, tức là 'hành chỉ'; Trí biến trọn pháp giới, Hạnh cũng bao trùm hư không, cũng trọn khắp pháp giới, nên gọi là Quảng. Chân tâm là Thể, Phổ Quảng là Dụng; Phổ là nói về trí huệ, Quảng là nói về sự tướng. Cũng hiển rõ Tam Thân đều là một Thể, cũng hiển rõ Tam Đức là một Thể, ở đây ngài nói Tâm tức là Pháp Thân, Phổ là Bát Nhã, Quảng là Giải Thoát. Giải thoát tức là phương tiện tự tại, chúng ta thường nói Tự Tại, Tùy Duyên tức là Giải Thoát. Ý tứ đoạn này cũng rất sâu, chúng ta nên học tập cho khéo.
Phật trong ấy nói về chân tướng, chân tướng nhất định không thể chấp trước thân là 'Ngã' (Ta). Đem vật ngoài thân coi như là 'ngã sở' (vật của Ta). Ta còn không có thì làm sao có 'vật của Ta'? Được vậy bạn mới giác ngộ. Bạn có thể buông xả 'Ngã' và 'Ngã Sở', buông xả chẳng dễ, tại sao bạn buông xả không nổi? Đạo lý và chân tướng sự thật này, bạn chẳng tìm hiểu rõ ràng minh bạch. Nếu thật sự rõ ràng minh bạch thì bạn sẽ rất hoan hỷ buông xuống, bạn không thể không buông xuống, đây là đạo lý nhất định. Hiểu rõ ràng, rành rẽ tức là nhìn thấu, cái gì gọi là nhìn thấu? Lý sự nhân quả đều rõ ràng, minh bạch, cho nên việc gì cũng có thể buông xuống. Sau khi buông xuống, đời sống, thọ dụng ấy đối với chính mình đều tự tại, đối với người khác thì tùy duyên, thế nên tự tại là 'tự thọ dụng', tùy duyên là 'tha thọ dụng'. Giúp đỡ hết thảy chúng sanh tùy duyên, trong tùy duyên chẳng có phân biệt, chẳng có chấp trước. Nếu có phân biệt, có chấp trước thì chẳng phải tùy duyên, mà là phan duyên, sự khác biệt giữa phan duyên và tùy duyên là ở chỗ này. Tâm tùy duyên là thanh tịnh, là bình đẳng, là giác ngộ; tâm phan duyên chẳng thanh tịnh, chẳng bình đẳng, là mê chấp, mê hoặc, sự khác biệt trong ấy rất lớn.
Thế Tôn tán thán Địa Tạng Bồ Tát, tán thán những đại Bồ Tát trong hội, dụng ý ở đó rất sâu. Chư đại Bồ Tát biết hết thảy pháp rốt cuộc là Không, còn có thể thị hiện các thứ sắc tướng để giáo hóa chúng sanh, như vậy mới đáng được Như Lai tán thán. Người thế gian không hiểu Tánh của chư pháp là Không, thế nên mới tạo nghiệp, thọ báo, đó cũng là các thứ thị hiện, chẳng tự tại! Nhị Thừa, Quyền Giáo, đặc biệt là người Nhị Thừa biết chư pháp đều là Không, chẳng phát tâm giúp đỡ hết thảy chúng sanh, được gọi là 'rơi vào hố Niết Bàn', Phật chẳng tán thán. Đây tức là nói phàm phu chấp 'Có', người Nhị Thừa chấp 'Không', đều mắc kẹt vào hai bên. Phật tán thán Bồ Tát, Bồ Tát cả hai bên đều chẳng chấp trước, gọi là Hành Trung Đạo, đối với mình, với người đều có lợi ích chân thật, nên Phật mới tán thán. Dụng ý của sự tán thán là làm cho người sơ học chúng ta học theo Bồ Tát, chẳng học phàm phu, chẳng học Nhị Thừa; người học theo phàm phu thì sai, tạo lục đạo luân hồi, học người Nhị Thừa chấp vào 'Không' cũng sai luôn, đọa vào Thiên Chân Niết Bàn, dụng ý của Phật là như vậy.
Phổ Quảng Bồ Tát đại diện chúng ta khải thỉnh, lời của ngài, 'Nay con nghe Thế Tôn tán thán Địa Tạng Bồ Tát có đức oai thần rộng lớn bất khả tư nghì như thế'. Như đã nói ở phía trước, Địa Tạng Bồ Tát đã phát nguyện từ lũy kiếp, thành tựu cho vô lượng vô biên chúng sanh làm Phật, công đức ấy bao lớn. Vả lại còn không ngừng phổ độ hết thảy khổ nạn chúng sanh, Bồ Tát ở đó đặc biệt nêu ra 'xin Thế Tôn vì những chúng sanh trong thời Mạt Pháp ở đời sau', tức là chỉ chúng ta. Hiện nay chúng ta sinh sống trong thời mạt pháp của Thế Tôn, Phật trong kinh có nói pháp vận của Phật có ba thời kỳ. Thời kỳ thứ nhất là 'thời kỳ Chánh Pháp', cách Phật chẳng xa, ý nghĩa của Phật pháp lưu truyền trong thế gian rất chánh xác, người có duyên nghe được Phật pháp rất dễ chứng quả, người tu học y theo lý luận phương pháp trong Phật pháp thành tựu rất nhiều, Phật nói thời kỳ này dài một ngàn năm. Do đó có thể thấy những gì ngày nay chúng ta gọi là sức ảnh hưởng, đức Phật giáo hóa chúng sanh có sức ảnh hưởng lớn, sâu như vậy, trong vòng một ngàn năm này [những người] có thể tiếp xúc đến Phật pháp đều có thể tu hành chứng quả, sức ảnh hưởng ấy bao lớn.
Một ngàn năm sau đó thì sức ảnh hưởng ấy giảm đi, Phật pháp từ từ biến chất, đó gọi là thời Tượng Pháp, 'tượng' tức là chẳng thuần chân, 'tượng' tức là tương tợ. Người tu hành chứng quả không còn nữa, ít đi rồi, người được thiền định rất ít. Người y chiếu phương pháp này được thiền định, khai trí huệ cũng có, đây là thời Tượng Pháp. Còn thời Mạt Pháp là hai ngàn năm sau khi Phật diệt độ và kéo dài một vạn năm. Thế nên pháp vận của đức Phật, cũng là sức ảnh hưởng của sự giáo hóa chúng sanh của đức Phật tổng cộng là mười hai ngàn năm. Một vạn năm sau cùng này được gọi là thời kỳ
Mạt Pháp, sức ảnh hưởng này dần dần yếu đi, từ trong lịch sử chúng ta có thể nhìn thấy được. Cho nên sự tu học, hoằng dương Phật pháp, người thế gian thường nói từng đời chẳng bằng đời trước là có nguyên nhân của nó.
Tuy từng đời chằng bằng đời trước, Phật pháp có lúc nào nổi bật trong thời Mạt Pháp không? Có chứ, có lúc nổi bật, và có lúc suy đồi, đây là vì nguyên nhân gì? Vì 'người có thể hoằng đạo, chẳng phải đạo hoằng người'. Nếu trong thời đại này có đại tâm phàm phu chân chánh, họ giác ngộ rồi, hiểu rõ rồi, y giáo tu hành, tận tâm tận lực hoằng dương Phật pháp. Nếu chẳng có người y giáo tu hành thì thời đại ấy Phật pháp sẽ suy đồi. Do đó có thể thấy thạnh suy là do người, chẳng do pháp. Phật nói với chúng ta, trong một vạn năm này đích thật có lúc lên, lúc xuống. Lúc tôi mới bắt đầu học, Chương Gia đại sư nói với tôi, cổ võ tôi, dạy tôi đừng thoái chí, chẳng phải là Phật pháp cứ suy thoái mãi mãi, có lúc sẽ lên trở lại, do đó có thể thấy đó là do con người làm nên. Chúng ta hiểu đạo lý này xong, chúng tôi phát tâm kéo thời Mạt Pháp lên tới đỉnh cao, [việc này có] vô lượng công đức, chư Phật tán thán, chẳng phải không thể làm được. Trong thời quá khứ tôi cũng thường khích lệ đồng tu, chúng ta phải nghĩ lúc đức Phật Thích Ca Mâu Ni sáng lập đạo nghiệp với năm tỳ kheo, tại vườn Lộc Dã ban đầu có năm học trò, một vị thầy, khởi đầu sự nghiệp như vậy. Sáu người này có thể sáng tạo sự nghiệp, ngày nay nếu có sáu người chân chánh phát tâm thì làm sao không thể phục hưng cho được? Rất khó kiếm được sáu người, sáu người như thế nào? Sáu người minh bạch, sáu người giác ngộ, sáu người buông xả hết thảy thân tâm thế giới, được vậy thì Phật giáo sẽ hưng thịnh trở lại. Chúng ta chịu làm không? Chịu xả bỏ sạch sành sanh, xả bỏ rốt ráo không?
Năm xưa ở Hong Kong lúc pháp sư Tẩy Trần còn tại thế, thầy đến Đài Loan thăm tôi, thầy cũng rất hộ trì Phật pháp, trò chuyện với tôi làm thế nào chấn hưng Phật pháp? Lúc đó tôi đang giảng kinh Kim Cang ở Đài Loan, giảng theo cuốn 'Giảng Nghĩa' của cư sĩ Giang Vị Nông, giảng rất kỹ. Cư sĩ Giang Vị Nông trong cuốn Kim Cang Kinh Giảng Nghĩa có đề xướng, ông nói nếu muốn Phật pháp hưng vượng thì nhất định phải làm theo chế độ Trì Bát, tôi đồng ý cách nhìn của ông. Người xuất gia khôi phục thời đại Thế Tôn trở lại, ba chiếc y và một bình bát, ngoài ra thì vật gì cũng chẳng có, được vậy thì Phật pháp mới có thể chấn hưng. Tôi đề nghị với pháp sư Tẩy Trần, tôi nói thầy đi kiếm năm người, năm tỳ kheo chúng ta. Hiện nay phước báo của chúng ta chẳng sánh bằng Thế Tôn thời xưa, tại sao? Thể lực của chúng ta chẳng làm nổi. Ngày nay kêu chúng ta ngủ dưới gốc cây, ngày ăn một bữa, chưa tới một tuần thì sẽ ngã bịnh ngay. Phước báo chẳng đủ, do đó hoàn cảnh sinh hoạt phải nâng cao hơn thời xưa một chút, chúng ta không thể ngủ dưới gốc cây, chúng ta trú trong lều. Lều của những học sinh đi cắm trại, lều nhỏ thì một người ở một lều, xếp lại rất nhỏ, có thể bỏ vào túi mang trên vai. Tôi nói chúng tôi kiếm năm người, ban ngày thì đi khất thực, giảng kinh thuyết pháp, hoằng hóa, ban đêm tìm những gốc cây lớn, năm người vây quanh một gốc cây, ngủ trong lều ở cạnh gốc cây thì được rồi. Chúng ta cũng chẳng cần ngủ ngồi, có thể nằm mà ngủ, giảm mức sinh hoạt đến mức thấp nhất, trong tâm chẳng có một tạp niệm, nhất tâm làm việc đạo. Lúc chẳng giảng kinh, chẳng thảo luận, chẳng hoằng pháp thì mọi người tụ lại niệm Phật. Tôi nói với thầy, nhờ thầy dẫn đầu, tôi sẽ là một trong năm người này, những người còn lại thì thầy đi tìm. Sau khi thầy trở về Hương Cảng thì tăm hơi bặt tiếng, pháp sư Tẩy Trần qua đời cũng đã lâu rồi. Người trẻ tuổi có đủ thể lực, chân chánh phát tâm có thể làm được, phải phát tâm nguyện rộng lớn xả mình vì người, vì mọi người trên địa cầu mà chấn hưng Phật pháp trở lại. Người lớn tuổi thể lực suy yếu thì không được, chẳng làm nổi, việc thế gian và xuất thế gian gì cũng phải nhờ người trẻ tuổi.
Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện mười chín tuổi ngộ đạo, ba mươi tuổi hoằng pháp lợi sanh, thuyết pháp bốn mươi chín năm, giảng kinh hơn ba trăm hội, phải trẻ tuổi thì mới được. Ở Trung Quốc, các bạn coi Thiền Tông Lục Tổ Huệ Năng đại sư, hai mươi bốn tuổi tiếp nhận y bát, Ngũ Tổ truyền đạo cho ngài, lúc đó ngài hai mươi bốn tuổi, đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, lớn tuổi rồi thì làm sao được? Xưa nay những người này, [kinh nghiệm] trải qua của họ, những sự thị hiện của họ cho chúng ta tham khảo, cho chúng ta khải thị rất lớn. Hy vọng những kẻ hậu học như chúng ta có thể noi gương họ, học theo họ, Phật pháp mới có thể trụ lâu dài ở thế gian, mới có thể đem lại lợi ích cho hết thảy chúng sanh. Tinh thần của Địa Tạng Bồ Tát đặc biệt đáng để chúng ta noi theo, nguyện tâm của ngài chưa từng thoái chuyển, hành trì của ngài vĩnh viễn luôn luôn dũng mãnh, tinh tấn, đều làm được 'nhân quả làm lợi ích cho hàng Trời, Người'. Phổ Quảng Bồ Tát khải thỉnh, các ngài nương theo lời dạy của Phật, gánh vác sứ mạng hoằng dương kinh này. Nhưng làm thế nào có thể làm việc này cho có hiệu quả 'chúng sanh trong đời vị lai thảy đều kính vâng lời của Phật', đây là nói về hiệu quả, việc này cần Phật gia trì. Tuy Bồ Tát đang làm, có thể thâu được hiệu quả hay không, họ cũng chẳng dám nói. Cầu Phật gia trì, ở đây thỉnh Phật khai thị tức là cầu Phật gia trì.
Nhĩ thời Thế Tôn cáo Phổ Quảng Bồ Tát cập tứ chúng đẳng.
Lúc đó Thế Tôn bảo Phổ Quảng Bồ Tát và tứ chúng.
Phổ Quảng ở đây là người đương cơ, 'đẳng' là những người trong hội, chẳng phải chỉ là người trong hội. Kinh văn phía trên có nói đây là 'phổ cáo hết thảy Bồ Tát Ma Ha Tát ở các thế giới chư Phật', 'đẳng' nghĩa là như vậy, chẳng nhất định phải ở trong hội ấy, đây là hết thảy Bồ Tát Ma Ha Tát ở cõi nước của mười phương chư Phật, nghĩa của 'đẳng' rất rộng. 'Cập tứ chúng đẳng' bao gồm thiên long đại chúng.
Ðế thính, đế thính
Lắng nghe, lắng nghe.
Ðế thính, đế là đúng sự thật, chắc thật. Chúng ta dùng ngôn ngữ hiện nay để nói, nghe kỹ, chăm chú nghe, có nghĩa như vậy.
Ngô đương vị nhữ lược thuyết Ðịa Tạng Bồ Tát lợi ích nhân thiên phước đức chi sự.
Ta sẽ vì các vị lược nói về những sự phước đức của Ðịa Tạng Bồ Tát làm lợi ích cho hàng Trời, Người
Người thế gian, đặc biệt là lục đạo phàm phu, ít có ai giác ngộ, niệm niệm còn lưu luyến phước đức nhân thiên, chẳng chịu xả bỏ phước đức nhân thiên nên họ chẳng thoát nổi lục đạo luân hồi. Nhưng Phật, Bồ Tát giáo hóa chúng sanh nhất định phải tùy thuận căn tánh của họ, tùy thuận sở thích của họ, hướng dẫn họ dần dần. Chúng sanh coi trọng phước, có một ai chẳng cầu phước? Người chẳng tin Phật cũng cầu, chẳng có một ai không cầu phước. Có ai không cầu phước? Bạn đi dạo trên mỗi đường phố ở Tân Gia Ba [sẽ thấy] người ta dán chữ Phước, dán đảo ngược lại, dán ngược lại tức là 'phước đáo' (phước đến), họ đều đang cầu phước. Phước có thật sự đến hay không? Rất khó nói. Do đó mới biết tâm cầu phước chẳng có một người nào chẳng vậy. Tại sao gọi là 'Phước Ðức'? Nói thật ra họ cũng chẳng hiểu, họ cho rằng thăng quan phát tài tức là phước đức. Nhà Nho dùng Khổng Lão Phu Tử làm đại diện, trong Luận Ngữ có nói về năm đức hạnh của Phu Tử: "Ôn Hòa, Lương Thiện, Cung Kính, Tiết Kiệm, Khiêm Nhường" 9[9], nói thật ra đây là căn bản để làm người, cơ sở của cõi người. Ôn hậu, tâm địa đôn hậu, biểu hiện bên ngoài là ôn hòa, hiền lương, cung thận. Cung là cung kính, thận là cẩn thận. Tiết kiệm, nhường nhịn. Ngũ Đức của Phu Tử cảm được phước báo, người Trung Quốc cổ xưa gọi là Ngũ Phước, Ngũ Phước đến cửa nhà.
Trong Ngũ Phước, trong ấy thứ nhất là 'Phước Thọ', ngày nay chúng ta gọi là khỏe mạnh, sống lâu, đây là phước thứ nhất. Thứ hai là 'Phú Quý', phú là tiền tài, quý là có địa vị, trong xã hội bạn có địa vị, có tiền tài. Thứ ba là 'Khang Ninh', khang là kiện khang (khỏe mạnh). An ninh, thân tâm yên ổn, thân tâm vui sướng. Tâm chẳng có âu lo, thân chẳng có khổ nạn, thân hưởng lạc, trong tâm hỷ duyệt (vui sướng), khang ninh nghĩa là như vậy. Thứ tư là 'Hảo Ðức'. Thứ năm là 'Khảo Chung', nghĩa là chết an lành. Trong năm đức Phước Thọ, Phú Quý, Khang Ninh, Khảo Chung đều là quả, đều là những điều bạn hưởng thọ. Hảo Ðức là nhân, tu nhân, bạn phải tu nhân, bạn làm sao có thể có được quả báo này? Hảo Ðức tức là Ôn, Lương, Cung, Kiệm, Nhượng, bạn có tu đức thì bạn mới có thể được phước. Lúc hưởng phước còn phải tu đức thì phước báo của bạn mới có thể kéo dài, mới chẳng đến nỗi hưởng hết. Tu học trong Phật pháp còn thù thắng hơn việc này. Nhưng chúng ta phải biết năm chữ Ôn, Lương, Cung, Kiệm, Nhượng này đích thật là căn bản, chúng ta tu học cũng lấy những thứ này làm căn bản, 'Dưỡng Ngũ Ðức, tu Lục Hòa'.
Hôm nay chúng ta tu học pháp môn Tịnh Ðộ, chúng ta xây dựng cơ sở trên Tam Phước dạy trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật là cơ sở của chúng ta. Tam Phước là gì? Tam Phước chính là Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh. Phước thứ nhất trong Tam Phước là 'Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm chẳng sát hại sanh vật, tu thập thiện nghiệp', phước thứ hai là 'Thọ trì Tam Quy, đầy đủ các giới, chẳng phạm oai nghi', phước thứ ba là 'Phát Bồ Ðề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng Ðại Thừa, khuyến tấn hành giả'. Chư vị nghĩ xem tổng cộng mười một câu, có phải mười một câu này nói về kinh Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện không? Thế nên bộ kinh này chỉ nói tường tận về mười một câu này mà thôi. Phật đã nói ba điều này là 'Tam thế chư Phật tịnh nghiệp chánh nhân' (Tịnh nghiệp chánh nhân của ba đời chư Phật), tám chữ này vô cùng quan trọng! Thế Tôn nói rõ cho chúng ta, mười phương ba đời hết thảy chư Phật từ lúc mới phát tâm tu hành đến khi chứng quả đều y theo cơ sở này. Bởi vậy mới biết mười một câu này chẳng phải chỉ là cơ sở của chúng ta tu hành Tịnh Tông mà thôi, tám vạn pháp tướng, bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn, bất cứ một pháp môn nào đều phải xây dựng trên cơ sở này. Cơ sở này chính là kinh Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện. Do đó nếu chẳng đặt nền móng, cơ sở trên bộ kinh này thì tu học pháp môn nào cũng chẳng thể thành tựu. Cho nên tôi nói đây là pháp căn bản trong Hành Môn của chúng ta, vô cùng quan trọng!
Thanh Liên pháp sư trong chú giải nói với chúng ta về sáu ngày trai, về ngũ giới thập thiện, ngài đặc biệt chỉ ra chuyện này, tức là 'Sự lợi ích phước đức nhân thiên'. Trong cơ sở lại nhấn mạnh chỗ căn bản của cơ sở, nhất định phải tu ngũ giới, nhất định phải tu thập thiện. Không thể mỗi ngày tu hạnh thanh tịnh thì cũng phải tu sáu ngày mỗi tháng. Sáu ngày trai, hiện nay người dùng âm lịch rất ít, rất khó nhớ, sẽ gây phiền phức cho đời sống của bạn, vậy thì phải làm sao? Chúng ta dùng ngày chủ nhật hoặc ngày thứ bảy, cũng giống nhau, mỗi tuần tu một lần. Giống như chúng ta hiện nay đề xướng mỗi tuần cử hành một ngày niệm Phật suốt 24 giờ, khi bước vào Niệm Phật Ðường niệm suốt 24 giờ thì ngũ giới, thập thiện đều viên mãn. Trong ấy bạn chẳng khởi vọng tưởng, nhất tâm niệm Phật. Cho nên bước vào Niệm Phật Ðường thì Tịnh Nghiệp Tam Phước đều tu trọn vẹn, Giới Ðịnh Huệ Tam Học cũng tu trọn, chứng trọn, giống như kinh Hoa Nghiêm có nói 'một là tất cả, tất cả là một'. Chúng ta dùng pháp môn Niệm Phật này dung nhiếp rốt ráo hết thảy pháp môn, thế nên [mới nói] pháp môn Niệm Phật rất tốt! Ðáng được đề xướng. Chẳng câu nệ số người ít hay nhiều, tốt nhất là mỗi tuần niệm một lần, niệm suốt 24 giờ không gián đoạn, chúng ta cực lực đề xướng pháp môn này.
Tương lai Làng Di Ðà ở đây, Niệm Phật Ðường sẽ làm được mỗi ngày niệm Phật 24 giờ, suốt năm cũng không gián đoạn. Nói cách khác, Niệm Phật Ðường này là một Niệm Phật Ðường tinh tấn, chẳng phải Niệm Phật Ðường thông thường. Năm xưa, Niệm Phật Ðường ở núi Linh Nham của Ấn Quang đại sư mỗi năm cử hành tinh tấn Phật thất. Chỗ này của chúng ta ngày nào cũng là tinh tấn Phật thất, vô cùng hiếm có! Hy vọng các bạn đồng tu, đồng tu ở nước ngoài, hiện nay giao thông tiện lợi, nhanh chóng, có thể thường đến tham gia niệm Phật ở đây. Nếu có đồng tham đạo hữu có thể tổ chức các nhóm nhỏ đến Tân Gia Ba, [chúng tôi] ở đây vô cùng hoan nghinh, hoan nghinh nhiệt liệt. Ðến đây bạn niệm một tháng cũng được, niệm bảy ngày cũng được, thường trú ở đây sẽ hoàn toàn cúng dường, tứ sự cúng dường, bạn chẳng cần mang theo một đồng xu, thành tựu cho mọi người làm Phật, đây là công đức thù thắng vô cùng. Thôi được rồi, hôm nay chúng ta giảng đến đây.
Trong quá trình chuyển ngữ chắc không tránh khỏi thiếu sót, xin các bậc thức giả hoan hỷ phủ chính cho.
Xin thành thật cám ơn.
Một nhóm Diệu Âm cư sĩ, 4 tháng 9-2006
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip