Chương 4: Nghĩa muội
Một câu của Lục lão phu tử làm tiểu hầu gia giật mình, tròn xoe mắt:
- Phu tử, người làm sao biết được người kia là nữ?
Trái tim tiểu hầu gia tự nhiên gia tốc. Nếu người vừa giải đề kia là nữ thì khả năng cùng tiểu cô nương ngày xưa thật sẽ có liên quan?
Nàng ôm tâm trạng mong chờ nhìn Lục phu tử chờ người lí giải một câu, ngờ đâu:
- Ậy, lão phu tùy tiện đoán thôi. Hắn để lại chữ Uyên trong Uyên ương. Chữ Uyên đó thế nào lại giống tên nam nhân sẽ dùng chứ?
Phu tử nói xong mang vẻ mặt tràn đầy thâm ý, cười hiểm vuốt râu mà đi vào nội đường, để lại tiểu hầu gia ngẩn người nhìn những chữ kia cùng bài thơ đầy ý vị.
Tài tử trong kinh thành quả nhiên không ít.
Những tưởng đề mục một chữ kia phải mất ba ngày mới có người giải được, ngờ đâu chỉ trong một buổi. Mà người giải kia ngay cả danh tính cũng không cần để lại. Danh tiếng của thư viện Đông Hoa thật sự đã bị một chữ Uyên đó ảnh hưởng.
-----------
Tiểu hầu gia một mình cước bộ, lững thững từng bước thong thả từ Đông Hoa thư viện trở về hầu phủ. Trên đường sẽ ngang qua phủ thừa tướng. Bởi vì sắp đến là đại thọ của thừa tướng nên trong phủ đang bày biện hoành tráng, người ra vào tấp nập. Tiểu hầu gia không muốn bị người nhận biết lại phiền phức mấy lời lễ tiết sáo rỗng nên nàng liền đi vòng ngõ tắt. Đường này sẽ về nhà xa hơn một chút nhưng yên tĩnh và mát mẻ.
Trong lúc vừa đi nàng vừa bâng quơ thả hồn vô định lại bị đánh động bởi một tiếng kêu quác thảm thiết. Nàng ngẩng đầu nhìn theo hướng tiếng kêu, phát hiện ra có một con rắn đang muốn tấn công tổ chim. Hai con chim trống mái đang cố liều mạng đánh đuổi nó để bảo vệ tổ. Liền đó, nghe "bịch" một tiếng, một chú chim đã rơi xuống. Chú chim còn lại càng quyết liệt hơn, điên cuồng đối đầu với con rắn. Thế nhưng, số mệnh đã định, mạnh được yếu thua. Chú chim nhỏ bé cũng sức cùng lực kiệt, rơi phịch xuống dưới chân tiểu hầu gia mà kịch liệt giãy giụa. Tiểu hầu gia nhìn được trong ánh mắt nó là một sự day dứt, không cam lòng. Nàng nhìn lên trên cây thấy con rắn đã áp sát tổ chim, tư thế tấn công hướng về lũ chim non trên tổ. Lập tức, nàng nhặt viên đá ném thẳng vào thân rắn. Con rắn rơi xuống. Nàng cũng kịp lúc phi lên thân cây để quan sát tổ chim. Thế nhưng thật đáng tiếc, bốn chú chim non trong tổ vậy mà cũng đã không còn sự sống. Nàng nhìn lại hai xác chim bên dưới, lòng chợt dợn lên một cỗ ngậm ngùi xót thương. Nàng trở xuống nhặt lại hai xác chim ấy đặt lại trên tổ. Dù sao đi nữa, hẳn là nên để cho chúng nó một nhà đoàn tụ.
Làm xong, nàng cũng dợm bước đi ngay. Nàng không muốn lưu lại cảm xúc đau thương khi chứng kiến cảnh diệt môn thê thảm của gia đình chim nhỏ.
Ấy nhưng, bước chân nàng vừa rảo liền cảm thấy trên đầu lất phất rơi xuống những hạt mưa. Rồi càng lúc, hạt mưa càng dày, cơn mưa không hề báo trước nhưng thật to. Sực nghĩ đến tổ chim kia có thể sẽ không trụ nổi dưới cơn mưa, nàng lập tức quay lại, khinh công thu lấy tổ chim rồi che chắn bảo hộ trong lòng. Đã biết lũ chim đều đã chết nhưng không hiểu sao nàng vẫn ray rứt, không đành lòng để xác bọn nó bị dày vò trong cơn mưa giá lạnh. Phải chăng là tâm tình của một đứa trẻ sớm đã không còn gia đình, không còn mái ấm cho nên đối mặt với cảnh sinh ly tử biệt của tổ chim nhỏ cũng khiến nàng cảm thụ thương tâm day dứt?
Trên con đường nhỏ, trời mưa rất to, một thân ảnh thiếu niên co rúm, nép mình ép sát bên mái hiên ven lộ, trên tay ôm chặt một tổ chim bộ dạng vô cùng bi thương và cô độc.
Cơn mưa không có dấu hiệu dừng lại, tiểu hầu gia cũng chỉ có thể chịu trận, đứng co ro đón nhận từng cơn rét lạnh thấu xương. Cho đến khi có một cỗ kiệu dừng lại trước ngôi nhà mà tiểu hầu gia nàng đang đứng. Sau đó, một tiểu nha hoàn tùy tùng bên cỗ kiệu bước đến đặt chiếc ô vào tay tiểu hầu gia. Tiểu nha hoàn chỉ nói một câu "Công tử, xin nhận lấy!" Rồi giúi chiếc ô vào tay tiểu hầu gia rồi đi ngay.
Trong màn mưa, tiểu hầu gia chưa kịp đáp tạ thì nha hoàn đã đến cỗ kiệu, bước lên rồi cỗ kiệu liền rời đi.
Có chiếc ô, tiểu hầu gia cũng thuận tiện hơn liền tùy ý đội mưa đi về.
Phủ hầu gia cách đó cũng không quá xa nhưng không nghĩ lúc nàng vào đến phủ mặt trời đã lặn mất. Cả gian phủ lên đèn sáng trưng. Tiểu hầu gia giao chiếc ô cho gia nô, còn tổ chim thì tự mình vẫn ôm lấy đem vào nội sảnh.
Lúc nàng vào đến nội sảnh, chợt nhiên bị kinh ngạc vì sự xuất hiện của một thân ảnh bé nhỏ. Thân ảnh này khiến nàng nhớ lại chính mình của sáu năm về trước. Đó là một tiểu nữ nhi khuôn mặt tròn trĩnh, mắt đen huyền với lúm đồng tiền xúng xính đáng yêu. Ấy nhưng tiểu cô nương này sao lại cư nhiên đến mức xông vào hầu phủ ngồi tại đại sảnh? Lẽ nào nàng ấy...
Tiểu hầu gia đặt tổ chim lên bàn, bước đến gần thân thể bé nhỏ đang ngồi hiên ngang chân ngắn rút lên ghế, nàng còn chưa kịp mở miệng thì đã bị tiểu cô nương kia chớp trước một hơi:
- Huynh chính là tiểu hầu gia phải không?
Tiểu hầu gia có chút ngây ngốc, nàng chớp mi, bày ra vẻ mặt thân thiện ngồi xuống bên tiểu cô nương ấy:
- Phải á. Đây là phủ của ta. Còn muội là ai? Muội cùng ai đến? Muội có biết ta sao?
- Huynh chỉ có thể hỏi một câu. - Tiểu cô nương nhíu mày, vẻ mặt khó chịu lắm.
Tiểu hầu gia cười nhẹ:
- Vậy, muội là ai?
- Đỗ Ngọc Khanh.
- Hả? - Tiểu hầu gia có chút không tin nổi. Nàng thận trọng nhìn kĩ cô nàng bé nhỏ trước mắt. Thật sự nàng không chút ấn tượng với tiểu muội này. Thế nhưng muội ấy họ Đỗ... - Muội là con gái của nghĩa phụ Đỗ Khải, là tiểu muội của ta phải không?
Tiểu cô nương còn chưa kịp mở miệng thì từ phía sau, giọng của Đỗ Khải sang sảng cười to:
- Nó đúng là tiểu muội của con đấy Đông nhi. - Quay sang tiểu cô nương, hắn bảo - Ngọc Khanh, còn không mau gọi huynh trưởng?
Đỗ Ngọc Khanh nhìn nàng một chút. Ánh mắt tiểu cô nương vậy nhưng lại có chút gì đó không hài lòng cho lắm, cho nên bật miệng liền gọi:
- Tiểu hầu gia huynh trưởng!
Tiểu hầu gia mỉm cười, đưa tay muốn xoa đầu tiểu cô nương nhưng bị né tránh. Nàng vẫn mỉm cười, thân thiện nói:
- Ta họ Triệu tên là Khởi Kiệt. Ngọc Khanh muội có thể gọi ta là đại ca, nghĩa huynh hay Khởi Kiệt ca đều được.
Tiểu Ngọc Khanh không đáp chỉ dùng ánh mắt phân cách dè chừng nhìn tiểu hầu gia. Tiểu hầu gia cười gượng, cũng không tiếp tục cùng vị tiểu muội khó chịu này dây dưa liền quay sang nghĩa phụ cùng hắn hỏi han chuyện trò. Tiểu Ngọc Khanh phút chốc bị bỏ rơi, thái độ giận dỗi rõ rệt liền mặc kệ hai người kia kẻ nghĩa phụ người nghĩa tử, nàng vươn chân nhỏ leo xuống ghế, bước qua bên bàn nơi để tổ chim nhỏ mà trèo lên nhìn xem.
Tiểu hầu gia và nghĩa phụ đã hai năm không gặp nhau. Từ sau khi Đỗ Khải bị điều đi biên quan đảm nhiệm trị an biên giới, thỉnh thoảng hắn cũng có về kinh diện thánh để báo cáo tình huống ở biên cương, thuận tiện cũng đến hầu phủ mấy hôm, cùng tiểu hầu gia đôi điều thân thiết. Hai năm gần đây biên cương lại bị địch quấy nhiễu. Đỗ Khải thân là tướng trấn cho nên không thể rời đi. Phụ tử nhớ nhau, tiểu hầu gia chỉ có thể viết thư giải bày cùng nghĩa phụ. Hai người tuy không có quan hệ huyết thống, lại cũng không nhiều thời gian gần nhau nhưng tình cảm phụ tử thân thiết làm sao. Thế nên lúc này tiểu nữ nhi của Đỗ tướng quân thật sự cảm thấy bản thân bị bỏ rơi. Nàng càng xem càng thấy đôi phụ tử kia thật gai mắt.
Hừ! Quả nhiên là như thế! Phụ thân trọng nam khinh nữ. Đối với nàng thì lúc nào cũng quát tháo, với tiểu hầu gia huynh trưởng này thì hết mực thân tình. Nào là "Đông nhi", nào là "con ngoan", nào là "đứa nhỏ này, giỏi lắm". Đỗ Ngọc Khanh hất mặt, ghét bỏ ném một tia khinh bỉ về phía tiểu hầu gia rồi lẳng lặng ôm theo tổ chim bước ra hậu viên. Đến lúc hai người bên trong nhớ đến nơi đây vẫn còn một bạn nhỏ, mới quay lại đi tìm nàng.
Lúc tiểu hầu gia tìm ra hậu viên thấy Đỗ tiểu cô nương đang ngồi xổm một mình bên hồ nước. Trên tay nàng cầm một cái que nho nhỏ, cạnh đó là cái tổ chim nhưng bên trong đã không còn xác con vật nào cả. Tiểu hầu gia có chút kinh hách. Nàng bước đến cạnh Đỗ Ngọc Khanh, hỏi:
- Tiểu muội, chim nhỏ trong này đâu mất rồi?
- Chúng chết cả rồi. Vứt thôi. - Đỗ tiểu cô nương dứt khoát trả lời.
- Vứt.... Muội vứt đi đâu? - Tiểu hầu gia thoáng chút thắt tâm. Thật lòng không nỡ để gia đình chim nhỏ ấy chịu vùi dập nên mới mang xác tất cả chúng về định tìm chỗ chôn cho chúng yên ổn. Dè đâu...
- Hứ. - Chỉ là lũ chim chết thối, tùy tiện thả xuống hồ cho cá ăn thôi.
Tiểu cô nương nói chuyện không chút nhu hòa. Tiểu hầu gia nghe mà đau xót. Nàng lặng đi hồi lâu, tâm tư nặng trĩu nhìn chằm chằm vào hồ nước trước mặt.
Phải, chỉ là một tổ chim nhỏ đã chết, thật ra dù chôn hay vứt cũng không mấy khác biệt. Nàng tỏ ra quan trọng quá mới thật là lạ kì.
Ấy nhưng chỉ là....
- Chỉ là muội không cảm thấy chúng nó rất đáng thương sao? Cả một gia đình nhỏ, trong buổi chiều liền là tất cả đều chung một số phận...
Nói xong, tiểu hầu gia cũng trầm mặc bỏ đi. Đỗ Ngọc Khanh trân mắt nhìn theo. Nàng cũng không hiểu vì sao vị tiểu hầu gia huynh trưởng kia lại nói ra những lời kì lạ như vậy. Ấy nhưng vẻ mặt của huynh ấy...
"Lẽ nào huynh ấy vì những con chim chết mà buồn bực?"
---------
Đêm ấy, tiểu hầu gia cùng nghĩa phụ Đỗ Khải bày bàn dùng bữa tối ở hoa viên. Hai người phụ tử tình thâm trò chuyện đến quên trời đất. Tội cho tiểu Ngọc Khanh một bữa cơm mà cảm thấy một mâm ấm ức. Nàng không nuốt nổi nửa chén cơm đã bỏ ngang xin về phòng nghỉ. Tiểu hầu gia nhìn tiểu muội không được thoải mái liền có ý hỏi thăm nhưng Đỗ Khải lại gạt đi, bảo cứ mặc kệ nàng, xua tay bảo nàng đi rồi lại lôi kéo tiểu hầu gia nói tiếp.
Sau hồi hỏi han các thứ, tiểu hầu gia mới biết vị tiểu muội Đỗ Ngọc Khanh này thật ra là con rơi của nghĩa phụ vừa nhận nhau không bao lâu. Vốn là Đỗ Khải chưa từng cưới thê tử, trong một lần đi kĩ viện lại vô tình để lại huyết mạch. Kĩ nữ kia sau khi sinh con cũng tự mình chuộc thân, một mình nuôi dưỡng đứa nhỏ. Mãi cho đến mấy tháng trước, kĩ nữ mắc bệnh nặng, sợ không qua khỏi cho nên mới đến phủ tướng quân tìm Đỗ Khải cậy hắn cưu mang đứa nhỏ. Đỗ Khải thật sự không có ấn tượng với kĩ nữ đó, nhưng đứa nhỏ thật sự có nét giống hắn ta. Hơn nữa lại là một nữ nhi, nếu hắn không cưu mang sợ rằng đứa nhỏ lớn lên không thoát khỏi kiếp phận như mẹ của nó.
Vậy là Đỗ Ngọc Khanh trở thành tiểu thư của Đỗ tướng quân Đỗ Khải.
Kĩ nữ kia giao con xong cũng được Đỗ Khải giữ lại trong phủ, cho người chăm sóc thuốc thang. Thấy tình hình nàng ấy cũng khá lên, Đỗ Khải lại nhân có chuyến về kinh liền mang theo con gái đến khoe với nghĩa tử. Hắn là người duy nhất biết bí mật tiểu hầu gia là nữ nhi nhưng nàng vì hắn mà ngụy trang tài tình đến mức suýt nữa thì hắn quên mất. Bây giờ nghĩ lại, hắn cũng có nữ nhi. Nữ nhi nhà hắn lại trạc nàng năm ấy nhưng ngoài khuôn mặt đáng yêu thì chính là sự bướng bỉnh lì lợm, nào có được như nghĩa tử thật trác tuyệt, thật khôn ngoan. Đỗ Khải thở dài một hơi, buồn bã nói:
- Đông nhi, nếu con thật sự là nam nhi thì tốt biết mấy!
----------
Lần này cũng như bao lần trước, Đỗ Khải ở kinh thành được ba hôm lại phải lập tức trở lại biên quan. Thời gian ba ngày ngắn ngủi, hắn cũng chỉ có thể cùng nghĩa tử hàn huyên, động viên lẫn nhau. Nhưng lần này khiến hắn thật sự rất vui vì lúc ở kinh đã nghe được tiếng thơm, tiểu nghĩa tử của hắn vậy mà được các học sĩ đánh giá rất cao. Đứa trẻ này khiến Đỗ Khải hắn lấy làm kiêu hãnh, chỉ tiếc hận là bản thân vô duyên, không phải là thân sinh của nàng. Cho nên hắn suốt cả ngày cứ luôn miệng "Đông nhi khá lắm!" "Đông nhi, con thật khiến nghĩa phụ ta đây nở mặt"...
Hắn càng nói càng khiến tiểu nữ nhi nhà hắn không vui. Khuôn mặt bé nhỏ càng lúc khó coi. Đến mức tiểu hầu gia cũng cảm nhận địch ý của tiểu Ngọc Khanh, nàng mới gượng gạo an ủi mấy lời rồi chúc nghĩa phụ và nghĩa muội đi đường bình an.
Tiễn Đỗ Khải đi rồi nàng liền nhận được thư của Lâm Dung, Lâm học sĩ. Lâm học sĩ cũng là phu tử của nàng ở Quốc Tử giám. Đối với học sinh ngoan ngoãn hiếu học như nàng nên phu tử nào cũng rất thương mến. Lâm phu tử cố ý viết thư gửi đến mục đích là muốn nàng đích thân đến tham dự tiệc mừng thọ của Dương thừa tướng. Bởi vì nàng là một hậu sinh, trong kinh không có trưởng bối đỡ đầu, bấy lâu đều đơn lẻ sinh trưởng cho nên đối với các hoạt động lễ tiết hội họp, nàng đều để quản gia trong phủ thay nàng sắp xếp. Hầu như ngoài thọ thần của hoàng đế, nàng cũng chưa từng tham dự tiệc ở đâu. Lần này, Lâm học sĩ lại muốn nàng tự mình tham gia, hiển nhiên là ý tốt của ân sư, ấy nhưng đi một mình đến đó, tiểu hầu gia thật sự lo lắng, tâm tình không được thoải mái.
Nàng đại khái nói ra ý tứ của Lâm học sĩ với Tạ quản gia phủ mình. Tạ quản gia nghe xong liền phấn khích, cũng bảo nàng đích thân mới phải lẽ. Nói xong liền tự mình vào trong soạn thêm vài phần lễ vật để hầu gia chủ tử mang đi.
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip