Gia sư Toán của Thanh tên là Quỳnh Anh, sinh viên năm hai ngành Sư phạm Toán học. Cô gái có khuôn mặt tròn, vóc người không cao, trước mắt đeo một cặp kính dày ngang đít chai mà Thanh hỏi ra mới biết độ cận lên tới 6,25 đi-ốp. Tuy nhiên điều khiến cô ấn tượng chính là giọng nói của vị gia sư này rất hay, nghe giảng giống như nghe đài, ngoài ra cách dạy và trình bày của cô ấy cũng vô cùng khoa học, dễ hiểu.
Hai chị em tập trung ôn phần Đại số trước khi bắt đầu tiếp cận chương trình mới. Thoáng chốc đã gần mười một giờ, vốn dĩ cả hai đang thảo luận hăng say tới mức quên hẳn thời gian, thì điện thoại đang đặt trên kệ của Thanh đã bất ngờ rung lên chấm dứt tất cả.
Hà My.
Cô hơi giật mình khi trông thấy tên người gọi. Sau đó xin phép Quỳnh Anh rồi mới giảm âm lượng loa, điềm tĩnh nói:
- Ừ, tớ nghe.
Cô bé hàng xóm vờ trách rằng:
- Có phải cậu quên tớ rồi không?
Thanh chẳng quan tâm đối phương đang nói đùa hay nói thật, nghiêm túc trả lời: "Không đâu, tớ có nhớ cậu." Sau đó mới ngạc nhiên, nhận ra bản thân lỡ lời vì tiếng cười đầy thích thú.
- Này, cậu nói lại đi. - My vui vẻ yêu cầu. - Tớ chưa từng nghe bạn bè tớ bày tỏ tình cảm một cách chân thành với tớ như vậy đấy. Cậu nói lại đi.
Tất nhiên Thanh cự tuyệt cô bé, cũng bỏ qua cảm giác nong nóng ở má mà chuyển hướng câu chuyện.
- Cậu gọi tớ có việc gì không?
- Cậu nói nhớ tớ lại đi mà.
- Tớ tắt máy đây.
Cô bé lẩm bẩm: "Cái đồ kẹt sỉ này." Và tiếp lời:
- Tớ gọi cậu vì cậu chẳng chịu liên lạc với tớ sau ngày cậu bảo cậu không ở nhà. Thế bây giờ cậu về chưa? Tớ sang thăm cậu được chứ? Những vết thương của cậu sao rồi?
- Tớ... khỏe hơn nhiều rồi. Tớ đang ở đây.
- Đang ở đây là đang ở đâu?
- Nhà cô Yên. Nhưng bây giờ tớ chưa học xong, buổi chiều cậu qua nhé?
- Chiều nay tớ cũng đi học. Vậy bao giờ tớ về dắt Vàng đi dạo thì tớ gọi cậu.
- Ừ.
- Nói nhớ tớ lần nữa đi mà.
Thanh vội vàng tắt máy.
Hai chị em tiếp tục học đến khi đồng hồ điểm đúng mười một giờ. Quỳnh Anh thấy cô bé lẽo đẽo theo sau mình, tận khi quét vân tay mở cổng xong vẫn kiên trì nép vào chỗ râm, chờ mình bằng được liền nhoẻn miệng cười nói:
- Cảm ơn em nhiều nhé!
Thanh - người nhiệt tình tiễn cô gái truyền kiến thức bất chấp trời oi nóng - khẽ đáp:
- Không có gì ạ. Chị về cẩn thận.
Quỳnh Anh đi rồi, Thanh cũng tự giác vào bếp dọn cơm cùng hai bác gái. Đã một thời gian cô không dùng bữa với cô Yên, mà kể từ khi đi viện về tới giờ, cô ấy cũng thường xuyên vắng mặt.
Người lớn đều chạy đôn chạy đáo khắp nơi nên trong nhà đìu hiu hẳn. Thanh nghĩ thà cứ xây be bé một chút, lúc neo người còn đỡ buồn tủi, chứ to thế này đúng là càng ở lâu càng quạnh quẽ. Còn chưa kể lúc giông lốc, sấm gầm sét gào, gió cào tứ phía. Quả thực cô xin chọn vùng quê chưa phát triển hoặc một nơi ấm cúng hơn.
Tuy nhiên cuộc sống túng thiếu thì đâu thể lựa chọn? Một hôm muốn ăn cá, đi ra chợ cứ loại rẻ nhất mà mua, nếu không thì cố tình đi lúc muộn hẳn, chợ vãn, người ta sợ ế nên gạ bán lỗ cho. Chứ làm gì được bĩu môi không ăn cá lăng, không ăn cá thu, không ăn cá song, tuy đắt nhưng do mình không thích.
Thanh đã quen với việc an phận vì tiền bạc bị hạn chế. Lựa chọn chỉ dành cho người dư dả, không, thực ra cô vẫn được chọn, nhưng chọn ra cái rẻ nhất trong số những cái rẻ hơn; tìm phương pháp tiết kiệm nhất trong số các phương pháp tối giản. Mà khi người ta đã quen với điều ấy, thì lúc nhận được một điều tốt hơn, dẫu tốt hơn một chút, người ta vẫn thấy thỏa lòng.
Tất nhiên cuộc đời muôn màu muôn vẻ sẽ tồn tại trường hợp được một lại muốn nhảy thẳng tới mười. Điển hình chẳng ai khác ngoài Vinh, cha cô, gã đàn ông sống cả đời với quyết tâm phải giàu, giàu hơn và giàu hơn nữa. Chính sự tham lam, quá ám ảnh với cái nghèo, quá lo sợ trước ánh mắt phán xét dành cho người nghèo mới đúc ra loại lý tưởng tiêu cực như vậy.
Và còn anh chị em của mẹ cô, những kẻ công khai tranh đoạt tiền phúng viếng ngay lúc khói hương còn nghi ngút. Người chết vừa nằm xuống, chưa kịp hạ huyệt đã muốn lấp hết đất lên để nhanh về chia tiền.
Làm sao người ta có thể thèm tiền, thèm tới mức sẵn sàng đánh đổi cả nhân tính như thế? Thảo nào mẹ luôn gay gắt về chuyện cô liên mồm nhắc đến tiền bạc, chắc hẳn bà sợ trong người cô cũng có dòng máu hám vật chất của cả đằng nội và đằng ngoại. Bà sợ cô sẽ giẫm thẳng vào vết xe đổ ngay khoảnh khắc bà nhắm mắt xuôi tay.
Thanh buồn rầu, chỉ húp vội mấy miếng cháo cho qua bữa rồi nằm ngây ngẩn trên giường suốt buổi trưa. Bác Cúc bảo cô oi bức thế này hãy bật điều hòa, vì mấy lần bác vào dọn đều thấy phòng cô nóng hơn cả bên ngoài, tưởng đâu cái lò bát quái. Mà Thanh cũng chẳng thể than thở rằng: "Bác ơi, ngữ như cháu có chốn dung thân đã hạnh phúc lắm rồi. Làm sao cháu có thể dùng thỏa thuê được?"
Hay nói một cách dân dã theo kiểu bạn Giang của cô thì: "Bác ơi, loại con hoang như cháu được ló cái mặt vào đây đã là phúc tổ bảy mươi đời. Dùng chùa phải biết chừng mực chứ đâu thể vô tư ấn điều khiển tẹt ga? Đã nợ ân tình người ta thì chớ nên nợ cả tiền nhà, tiền nước, tiền điện."
Bởi vậy thà ăn kham uống khổ còn hơn ăn nhờ ở đậu.
Quá trưa, Thanh vùng dậy tự học để đầu óc tạm quên đi những vấn đề xoay quanh cuộc sống phụ thuộc. Cô làm một lúc mười trang bài tập Toán và cật lực nhồi nhét từ mới. Thỉnh thoảng viết gợi ý giải bài tập cho Giang, đổi lại bằng loạt nhãn dán trái tim, ôm ấp từ phía cô nàng.
Cô mong con bé này sẽ tìm được bạn cùng bàn mới có tâm như cô. Nghĩa là người ta sẽ không dần nó một trận nhừ tử vì sơ hở là hỏi, rất hiếm khi chịu động não.
Giải bài cho Giang xong, Thanh cũng tranh thủ trao đổi với bạn nam từng đoạt giải Nhất kỳ thi Học sinh giỏi cấp tỉnh môn Toán. Cả hai kèn cựa nhau từ lúc ôn đội tuyển cho tới khi nhận điểm số chỉ chênh lệch 0.25. Kết quả, tên oắt con cao 1m60 nhưng cái tôi cao 6m10 ấy nghiễm nhiên đứng đầu bảng xếp hạng với nụ cười đắc chí. Dẫu vậy Thanh cũng chẳng nản lòng. Cô dễ dàng đoạt lại vị trí quán quân trong kỳ thi chuyển cấp vì bản thân học đều và chắc kiến thức. Chỉ là giờ đây cô không còn cơ hội nhập học để cạnh tranh với cậu bé hiếu thắng ấy nữa.
Song, rõ là xa thơm gần thối. Cậu bé hiếu thắng ngày nào nay đã mất đi một đối thủ đáng gờm, hiện tại cậu đang xưng hùng xưng bá trong vùng nên rất rộng lượng chia sẻ phương pháp học tập với cô.
Thanh nhắn tin cảm ơn, miệng lẩm bẩm mắng: "Thằng trẻ trâu."
***
Học bài xong, Thanh rất nghiêm túc suy nghĩ về việc My thường xuyên làm bánh mang sang tặng, lát nữa kiểu gì cô bé cũng mua quà thăm mình ốm, cho nên mình cũng cần chuẩn bị ít đồ đáp lễ cho phải phép.
Cô nhét ví vào túi quần, yên trí rằng thời gian qua mình chẳng đụng chạm tới tất cả gia tài mang từ quê lên. Số tiền này không lớn nhưng cũng đủ mua những thứ cần thiết, và mặc dù tiếc đứt ruột, tuy nhiên Thanh tự ý thức được rằng bản thân không thể nhóp nhép nhai đồ của người ta. Chừng ấy sự việc thời thơ ấu đã đủ khiến cô hiểu mình phải làm gì.
Nhiều đứa trẻ lớn lên trong thiệt thòi sẽ biết cách đoán sắc mặt của người khác và chiều lòng họ, Thanh là một trong số đó. Hơn hết rằng thời gian trốn mẹ làm phục vụ ở quán bia, cô đã học được kỹ năng nở nụ cười giả tạo mà vẫn đủ tươi tắn, chân thành từ chị Thương - trang giấy dính mực nay đã mất hẳn liên lạc.
Thanh tự hỏi chị Thương sẽ phải nhận mức án bao nhiêu năm với hành vi đâm mẹ để bảo vệ em gái bị xâm hại? Còn người mẹ kia, liệu bà ta có ăn năn trước sự đốn mạt đã làm với các con dẫu chỉ là một lần không?
Chung quy đàn ông và đàn bà đều là con người, mỗi cá thể lại sở hữu một đặc trưng riêng nên khi làm cha mẹ cũng hình thành đủ kiểu cha mẹ. Như gia đình sẽ có cha tốt còn mẹ xấu, mẹ tốt nhưng cha tệ hoặc cha mẹ đều tệ hay cha mẹ đều tốt.
Trong nhiều trường hợp, cha chăm nom con chu đáo hơn mẹ và mẹ cũng chở che con thay phần cha. Mẹ dạy Thanh mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Song hễ vô tình nghĩ đến Thương, nhớ tới vô số chuyện kinh hoàng chị phải trải qua trong đời cùng hành động chị đã làm. Cô lại tự nhủ nếu là mình, hẳn là mình cũng sẵn sàng liều chết với ả đàn bà có công sinh mà vô công dưỡng đó.
Bác Cúc đang lau kệ tivi, thấy Thanh ăn mặc chỉnh tề liền hỏi thăm đứa trẻ đi đâu? Nó cũng thành thật đáp muốn ra cửa hàng tiện lợi gần nhà để mua đồ ăn vặt vì lúc nãy bạn My ngỏ ý sang chơi.
- Thế để bác đi cho.
Thanh lắc đầu, việc thông báo dẫn bạn vào nhà đã làm lòng cô xoắn xuýt vì ngại. Mặt cô cũng chưa dày tới mức vô tư để bác ấy phải phục vụ mình cùng Hà My.
- Dạ thôi, trời nắng lắm ạ. Cháu đi nhanh rồi về.
Bác gái cũng không làm khó cô, "ừ" một tiếng rồi lại dặn nếu có vấn đề gì thì nhớ gọi cho bác. Đứa trẻ ngoan ngoãn thưa vâng.
Cô đi bộ tới cửa hàng tiện lợi. Rạng sáng nay trời mưa lớn, song nhiệt độ vẫn chẳng hề giảm mà càng thêm ngột ngạt, ẩm ướt. Sự nhớp nháp tới mức khó thở ấy còn kinh khủng hơn kiểu nắng chói chang nhưng có gió.
Đoạn, cô sờ vành trong của mũ lưỡi trai, khẽ thở dài khi nó ướt sũng. Tự nhủ may mà dọc đường có hồ nước và nhiều cây, đồng thời cũng hiểu lý do tại sao khu nhà này lại đắt tới vậy.
Thanh đã thử tìm giá của một căn trên mạng rồi giật mình khi số tiền cần bỏ ra để mua đủ cho bản thân sống trọn hai kiếp hoặc hơn. Thảo nào bố cô quyết bám chặt lấy cô Yên. "Cây vàng di động" sừng sững trước mắt, kẻ tham lam làm sao nỡ từ bỏ?
Đây là lần đầu tiên Thanh đặt chân vào cửa hàng tiện lợi sau vài lần đi qua. Nơi này cách cổng ra vào khoảng 300 mét, có khu đỗ xe máy và ô tô, thuận tiện cho cư dân trong vùng tới mua sắm.
Trông giá thành sản phẩm chênh lệch so với hàng tạp hóa ở quê, Thanh khe khẽ thở dài. Có mấy loại đồ ăn vặt nom rất mới mẻ và bắt mắt, nhưng đều bị cô tống vào vòng lặp nhìn giá - đi thẳng sang bên cạnh.
Cuối cùng, Thanh nhặt hai gói khoai tây chiên kèm một hộp bánh que vị socola. Sau đó bấm bụng mua thêm bốn hộp kem ly cho cả hai bác gái với hy vọng kịp quay về trước khi nó hóa thành chất lỏng.
Cô nghĩ thầm mà thôi, trót tiêu pha một lần thì hãy làm sao để mọi thứ hoàn hảo nhất. Cho nên cô mạnh dạn mở tủ đông lấy thêm một hộp đá viên, sau khi ra ngoài thì xé nắp, đổ thẳng vào túi bóng đựng kem để giữ nhiệt.
Với cách giải quyết hoàn hảo này, Thanh tự tin hai bác gái có thể thưởng thức ly kem mát lạnh ngay.
Cô tủm tỉm cười trước quyết định đúng đắn của bản thân. Tuy nhiên chưa được bao lâu đã dừng bước vì nghe tiếng khóc của một bé gái.
Cô bé đứng dưới gốc cây khóc nức nở. Vài người lớn đi qua cũng chỉ đưa mắt nhìn rồi tiếp tục cất bước. Cũng có người đề phòng nên đã phóng xe ra bốt báo với bảo vệ, tuy nhiên cô bé sợ nên cứ khóc mãi chẳng chịu nghe ai.
Thanh ngần ngừ một lát, cuối cùng vẫn quyết định lại gần cô bé và quay sang hỏi bảo vệ:
- Em bé đi lạc hả chú?
Chú bảo vệ gật đầu đáp:
- Ừ, nhưng chắc cô bé hoảng nên quên mất số điện thoại của mẹ. Cô bé cũng không muốn chú đưa đến bốt. Bây giờ đội bảo vệ đang đi tìm mẹ bé rồi, nếu đưa bé vào bốt ngồi chờ phụ huynh được thì tốt quá, nắng nóng thế này đứng khổ thân.
Thanh gật đầu, sau đó nhìn túi kem rồi quyết định lấy một hộp, ngồi xổm xuống trước mặt cô bé.
- Em ăn kem không?
Người bạn nhỏ nín vài giây và tiếp tục khóc. Sự nhiệt tình của cô cứ thế bị nước mắt của em bé cuốn trôi. Tuy nhiên cô vẫn chưa từ bỏ mà rất kiên nhẫn dỗ dành:
- Em ăn xong hộp kem này, các chú bảo vệ sẽ tìm được mẹ em.
Bạn nhỏ nghẹn ngào đáp với chất giọng lơ lớ:
- Thật ạ?
- Ừ.
- Mẹ... mẹ dặn không được ăn đồ của người lạ.
Cô bé nghĩ mãi chẳng ra từ "người lạ" bằng tiếng Việt, cho nên chuyển hẳn sang tiếng Anh.
Thanh hơi ngạc nhiên, sau đó vận dụng toàn bộ kỹ năng nói của bản thân để giao tiếp cùng người bạn nước ngoài nhí, mặc dù vài từ phát âm sai nhưng trộm vía cô bé vẫn hiểu.
- Em đừng lo, chị là người đáng tin cậy. Chị sẽ không làm hại em đâu.
Cô bé lại hỏi: "Thật ạ?"
- Ừ, em nóng lắm phải không? Chị thấy mồ hôi nhễ nhại quanh trán đây này. Em nên ăn kem cho mát.
Cô bé vẫn rụt rè, tuy nhiên không còn khóc nữa. Đôi mắt ngân ngấn nước phản chiếu hình ảnh của chị gái đang ngồi xổm, dịu dàng dỗ dành mình. Chị ấy còn chủ động mỉm cười với bé.
Thế rồi cô bé chìa tay nhận hộp kem trong sự ngỡ ngàng của chú bảo vệ. Nguyên do vì chú ấy thuyết phục rát lưỡi không xong, Thanh chỉ cần nịnh mấy câu đã giải quyết ổn thỏa.
Chắc là do giao diện khó gần.
Mà Thanh chẳng có tâm trí để quan tâm chú bảo vệ. Cô chu đáo bóc hộp kem giúp cô bé, vứt nắp vào túi bóng đã lõng bõng nước vì đá tan. Sau đó nhẹ nhàng hỏi cô bé rằng:
- Em có thể nói tiếng Việt không?
Cô bé đáp bằng tiếng Việt:
- Có ạ. Nhưng... nhưng em không giỏi.
- Vậy em tên gì?
Cô bé bẽn lẽn ăn một miếng kem. Thanh phát hiện dẫu đang rất khát, tuy nhiên cô bé chẳng hề vồ vập. Thậm chí nuốt xong mới trả lời:
- Misa. Ở nhà em tên là Misa.
- Ồ, Misa.
Thanh vừa ồ à tiếp chuyện vừa đứng dậy, giải thích với cô bé rằng:
- Bây giờ chị phải về rồi, em đi cùng chú bảo vệ nhé. Lát nữa mẹ sẽ đến đón em.
Misa vội buông thìa kem chuẩn bị đưa lên miệng, túm chặt áo cô tỏ vẻ không đồng ý.
Ôi chao! Mới tặng bé một hộp kem mà đã thoát khỏi vị trí người lạ trong lòng bé đây này.
Thanh mỉm cười, vỗ nhẹ vai cô bé rồi nói:
- Vậy chị đi cùng em. Em đừng đứng ngoài này nữa, nếu không sẽ bị ốm mất.
Misa lập tức gật đầu.
- Em vừa ăn vừa đi trước đi, chị sẽ theo sau em.
- Chị cõng em.
Đương khi Thanh ngẩn ngơ vì yêu cầu đường đột của bé gái đáng yêu mà cô cho rằng có nét tương đối quen, thì đằng xa bỗng vang lên tiếng gọi:
- Misa.
Misa vội nhào vào lòng người phụ nữ, tủi thân gọi: "Mẹ, mẹ ơi."
Yến xoa nhẹ lưng con, sau đó hơi đẩy con lùi lại để quan sát từ chân lên đầu rồi mới bế lên. Cô liên tục cảm ơn bảo vệ, cảm ơn những người xung quanh mặc dù chẳng rõ họ có giúp đỡ hay không, và rối rít cảm ơn thiếu nữ đứng gần nhất - Thanh.
Cô đã thấy túi kem cô bé đang xách, mà một hộp trong đó lại nằm trên tay gái rượu nhà mình. Cho nên cô bảo ngay rằng:
- Cháu đợi cô một lát để cô làm việc với bảo vệ nhé?
Thanh vội vàng xua tay.
- Dạ... dạ thôi. Cô tìm được em là tốt rồi. Cháu xin phép ạ.
- Không, cô nhất định phải cảm ơn cháu. Cháu chờ cô, chờ cô chút thôi, nhanh lắm.
Misa bỗng tụt xuống và nắm tay Thanh, sau đó ngước lên nhìn, sự tự tin do có mẹ khiến giọng nói của cô bé trở nên dõng dạc hơn.
- Chị ơi, chị đừng đi.
---
Yến (sau khi phát hiện con bé dỗ được gái rượu của mình là con bé mình đang phản đối kịch liệt): 😱😰😭🙏🏻
Yên: 😍🥰🤩🫶🏻
---
10.6.2024
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip