Chương 12. Sống

Thời gian trôi đi, vết thương lòng năm ấy vẫn chẳng thể lành lại. Trong mắt Chí Long, Thôi Thắng Huyễn giờ đây chỉ còn là một dấu chấm hỏi buồn bã, một người từng bước vào cuộc đời em, rồi rời đi như chưa từng tồn tại. Em không còn nhắc về hắn, cũng chẳng bao giờ muốn nhớ lại những ngày tháng đã từng mong chờ, từng tin tưởng.

Em sống lặng lẽ trong căn nhà lớn của Quyền gia, một nơi mà em chưa từng cảm thấy bản thân mình thuộc về. Mỗi sáng, em lặng lẽ thức dậy, khoác lên mình bộ đồng phục đã cũ, tự đi bộ đến trường và trở về khi trời tối. Vừa bước qua cánh cổng lớn là sự lạnh lẽo bủa vây, những ánh nhìn khinh khi, những tiếng cười cợt, và cả bàn tay giáng xuống chẳng báo trước. Em quen rồi. Có đau đến mấy thì cũng đã quen rồi.

Chí Long vẫn cố sống sót từng ngày nhờ vào hai người bạn duy nhất còn giữ lấy chút ấm áp: Đông Yên Bảo và Khương Đại Thanh. Họ là những người duy nhất ở trường biết em không phải "kẻ bám víu đáng thương" như lời đồn, họ là những người cùng em ăn cơm trưa trên bậc thềm phía sau thư viện, cùng em chia sẻ bánh quy và cốc sữa em cất kỹ từ hôm trước.

Nhưng khi năm học lớp 5 vừa bắt đầu, biến cố lại đến một lần nữa. Đông Yên Bảo chuyển nhà về Bắc Kinh, còn Khương Đại Thanh thì theo gia đình sang Thâm Quyến sinh sống.

Chí Long đứng trước cổng trường, tay siết chặt chiếc ba lô đã hơi cũ. Đông Yên Bảo và Khương Đại Thanh đứng trước mặt em, đôi mắt họ cũng không giấu được sự buồn bã. Không có lời hứa hẹn, không có lời từ biệt rườm rà, chỉ có sự im lặng nặng nề trong không gian. Dưới bầu trời u ám của mùa thu, những chiếc lá vàng rơi nhẹ nhàng, những điều đã qua mà không thể nào giữ lại được.

- Chúng ta sẽ không gặp lại nhau nữa sao? - Yên Bảo hỏi, giọng cậu hơi nghẹn lại, nhưng cố gắng cười.

Chí Long không trả lời ngay, chỉ cúi đầu. Từ khi nghe tin Yên Bảo sẽ chuyển đến Bắc Kinh, em đã cảm thấy như có một khoảng trống vô hình bắt đầu hình thành trong lòng. Rồi Khương Đại Thanh cũng sẽ đi. Từng hơi ấm quen thuộc đang dần biến mất.

- Cậu sẽ ổn thôi, đúng không? - Đại Thanh lên tiếng, nhìn Chí Long với ánh mắt lo lắng.

Chí Long khẽ gật đầu, cố mỉm cười nhưng không thể giấu được cảm giác trống vắng đang dâng lên trong tim.

- Cảm ơn các cậu... đã ở bên cạnh tớ.

Một hồi lâu, không ai nói thêm lời nào. Những lời từ biệt vụng về bị lấp đầy bởi tiếng bước chân của những người qua đường, tiếng xe cộ đi lại, và cả những cơn gió lạnh thổi qua. Chí Long cảm thấy như tất cả đã qua rất nhanh, chỉ còn lại một nỗi cô đơn mơ hồ đang dần bao trùm.

Yên Bảo cúi đầu, mắt hơi đỏ, không dám nhìn vào mắt Chí Long nữa. Đại Thanh cũng lặng lẽ bước đi, tay vẫy vẫy, để lại một khoảng lặng đầy tiếc nuối.

Chí Long nhìn theo bóng hai người bạn dần khuất xa, cảm thấy trái tim như thắt lại. Trong suốt một thời gian dài, họ là những người duy nhất không xa lánh em, không đánh giá em. Nhưng bây giờ họ rời đi, để lại em lại một mình trong cái thế giới rộng lớn, đầy cô đơn và vô hình đó.

Trong cùng một tuần, cả hai người tri kỉ lần lượt rời đi, em còn lại một mình trong lớp học rộng lớn. Ghế trống bên cạnh không ai ngồi nữa. Chí Long không khóc, cũng chẳng nói một lời nào, lặng lẽ nhìn bảng tên của Đại Thanh và Yên Bảo bị tháo xuống khỏi giá gỗ cũ, rồi tiếp tục sống như một chiếc bóng.

Từ lúc ấy, mọi thứ dường như lại bắt đầu trôi ngược về con số không, nơi mà em chỉ là một kẻ không ai thấy, không ai nghe, không ai cần.

Cuộc sống của Chí Long tiếp tục diễn ra như một chuỗi ngày vô hồn. Dù không còn những người bạn thân bên cạnh, dù không có ai để sẻ chia, em vẫn phải sống, vẫn phải bước đi trong cái thế giới đầy lạnh lùng ấy. Hằng ngày, em vẫn khoác lên mình bộ đồng phục cũ mèm, đôi giày đã bạc màu, lặng lẽ bước qua cánh cổng trường và đi về trong im lặng.

Những vết thương đã quá quen thuộc. Bàn tay của Quyền gia, những lời chì chiết, những cú đánh như cơm bữa,... Tất cả đã trở thành một phần trong cuộc sống của em, không thể thiếu. Đôi khi, em cảm thấy mình như một con rối, bị kéo đi trong cái vỏ bọc mà người khác dựng lên cho mình. Em không còn sức để phản kháng, không còn mong đợi điều gì nữa.

Những chiều muộn, khi ánh đèn đường mờ nhạt chiếu xuống, Chí Long vẫn ngồi trong góc phòng kho tối tăm. Mỗi khi bước ra ngoài, em vẫn cảm nhận được những ánh mắt lườm nguýt, những tiếng cười nhạo, em đã học cách làm ngơ, sống như không tồn tại trong thế giới của họ. Lòng em đã chai sạn, những cảm xúc bế tắc và bất lực bao phủ lấy mỗi bước đi.

Thỉnh thoảng, khi ngồi một mình trong lớp học trống vắng, em vẫn có những hồi ức mơ hồ về Thôi Thắng Huyễn, hình bóng đó giờ đây trở thành một dấu chấm nhỏ lạ lùng trong tâm trí em. Chí Long không còn nhớ rõ những lời hắn nói, những lần hắn quan tâm, hay những khoảnh khắc ấm áp đã từng xảy ra. Tất cả dường như đã phai mờ theo thời gian. Có lẽ, như em đã nghĩ, đó chỉ là một giấc mơ, hay một điều gì đó không thể nào là thật, chỉ là một điều giả dối mà em đã từng tin tưởng quá nhiều.

Cảm giác mất mát ấy không còn khiến em đau đớn như trước. Em chôn vùi những hy vọng, những kỷ niệm trong sâu thẳm trái tim, giống như cách em cố gắng quên đi tất cả những gì từng làm tổn thương mình. Em không còn mong đợi ai sẽ cứu rỗi mình nữa. Dù có thể, trong một góc nào đó của trái tim, em vẫn thầm hy vọng, nhưng những ảo tưởng ấy dần tan biến theo thời gian, giống như làn sương mờ vào sáng sớm.

Mỗi ngày trôi qua, Chí Long chỉ còn biết sống cho bản thân, để tồn tại trong cái thế giới lạnh lẽo này. Những ngày không bạn bè, không tình thân, không sự quan tâm, em vẫn tiếp tục sống, tiếp tục chịu đựng, chẳng phải vì có một lý do gì đặc biệt, mà chỉ vì em không biết phải làm gì khác.

——

Ròng rã là thế, nhưng chẳng mấy chốc mà 10 năm đã trôi qua, nhanh như làn gió thoảng.

Chí Long bước vào tuổi mười sáu trong lặng lẽ và nhẫn nhịn. Không có bánh kem, không có những lời chúc mừng, cũng chẳng có ai nhớ đến sự hiện diện của em. Đó chỉ là một buổi sáng mùa thu ảm đạm như bao ngày khác, khi em lặng lẽ thức dậy trong căn phòng kho dưới tầng hầm ẩm thấp, khoác lên mình bộ đồng phục nhàu nhĩ, và tự đi bộ đến trường qua những con phố cũ kỹ của Tĩnh An.

Mười sáu tuổi, ở cái độ tuổi đáng lẽ phải là rực rỡ, phải có những ước mơ, những hoài bão được nhen nhóm, những lời hứa hẹn, những ánh mắt dịu dàng. Nhưng với Chí Long, nó chỉ là một con số lặng lẽ trôi qua giữa những vết bầm còn in trên vai, giữa tiếng quát mắng triền miên từ những người chẳng bao giờ xem em là máu mủ ruột rà.

Ngày ấy, em không mong muốn gì hơn ngoài việc được sống yên ổn thêm một ngày. Em vẫn đến lớp như một cái xác không hồn, im lặng cúi đầu trước những lời xì xào, ngồi một mình dưới gốc cây ngô đồng sau thư viện - nơi từng có hai người bạn thân thủa nhỏ ngồi bên cạnh. Đông Yên Bảo và Khương Đại Thanh đã rời đi từ lâu, chỉ còn lại em với những ký ức vơi đầy và một khoảng ghế trống không ai lấp đầy.

Và rồi, khi tuổi mười sáu của em còn chưa đi qua được một tuần lễ tròn, bà ba - người mẹ duy nhất trong cuộc đời em, người thân duy nhất từng chở che em cũng âm thầm ra đi sau một cơn ho ra máu nghiêm trọng vì bệnh phổi kéo dài.

Ngày bà ba qua đời, trời Tĩnh An đổ mưa rả rích suốt cả buổi chiều. Những giọt nước nhỏ tí tách xuống mặt sân lạnh ngắt như nhắc nhở rằng một người từng dịu dàng chở che em trên cõi đời này đã không còn nữa.

Chí Long lặng lẽ đứng ngoài hành lang bệnh viện cũ kỹ, chiếc áo sơ mi mỏng ướt đẫm nước mưa dán sát vào dáng người gầy gò. Em không khóc, chỉ đứng đó, đôi mắt trống rỗng nhìn về phía căn phòng nơi bà ba trút hơi thở cuối cùng. Bà ra đi lặng lẽ, như cách bà đã sống, không một ai bên cạnh, không tiếng khóc than, không một cái nắm tay tiễn biệt.

Trong lòng Chí Long trống rỗng đến đau nhói. Bà ba là người duy nhất trong Quyền gia từng xem em như một con người, là người từng lén lút đưa cho em bánh bao nóng trong những ngày đông giá rét, từng nhẹ nhàng băng bó vết thương em giấu sau tay áo dài. Bà cũng là người đã quỳ 100 ngày dưới miếu tổ để đổi lấy cơ hội được cho em đi học, một điều mà em chưa từng dám mở lời cảm ơn.

Giờ đây, tất cả đã tan biến.

Tang lễ diễn ra chóng vánh, chẳng ai trong nhà tỏ ra thương tiếc. Chí Long đứng sau cùng, tay siết chặt, móng tay cắm vào da thịt. Khi cỗ quan tài được đẩy sâu vào lò thiêu, một tiếng nấc nghẹn trào ra từ cuống họng. Cảm xúc dồn nén bao lâu nay bỗng chốc vỡ òa. Trái tim em như bị bóp nghẹt.

Bơ vơ.

Lạc lõng.

Cô độc.

Những từ ấy xoáy sâu trong đầu Chí Long. Em không còn ai nữa. Không còn một bàn tay kéo em dậy sau những cú ngã, không còn ai lặng lẽ đặt hộp sữa trên bàn học, không còn ai hỏi em có lạnh không, có đau không. Giờ đây, thế giới của em thực sự chỉ còn lại một mình.

Đêm đó, em không trở về phòng kho. Em lặng lẽ ngồi ở góc sân sau bệnh viện, dưới mái hiên nhỏ dột nước, ôm lấy hai đầu gối và tựa cằm lên. Ánh mắt vô hồn nhìn vào khoảng không đen đặc trước mặt. Tiếng mưa rơi lộp độp, tiếng còi xe xa xa, và tiếng gió hú qua hàng cây. Tất cả hòa vào nhau thành một bản nhạc tang lễ lặng lẽ tiễn biệt người duy nhất từng yêu thương em.

Chí Long đã 16 tuổi, nhưng trái tim vẫn là một đứa trẻ. Một đứa trẻ giờ đã không còn ai để gọi là nhà.

——

1 tuần kể từ khi bà ba qua đời.

Tiếng quỳ rạp xuống nền đất lạnh của Chí Long vang vọng giữa đại sảnh lạnh như băng. Gió từ hành lang tràn vào mang theo hơi ẩm, lùa qua mái tóc rối bời của em. Trên sàn đá cẩm thạch, đôi bàn tay gầy guộc chống xuống, vai em run lên nhè nhẹ không phải vì lạnh, mà là vì nỗi tuyệt vọng đã tích tụ quá lâu.

Bà nội, người đàn bà cầm quyền bao năm của Quyền gia đang ngồi ngay ngắn trên chiếc ghế đầu rồng, tay lần chuỗi tràng hạt gỗ trầm. Ánh mắt bà lặng như nước giếng cũ, không lộ chút cảm xúc nào. Sau một hồi im lặng đến nghẹt thở, bà buông một câu khẽ khàng, nhẹ đến mức tựa như đang thương xót, nhưng từng chữ như lưỡi dao lướt qua da thịt:

- Muốn đi à? Mày nghĩ đây là cái chợ mà muốn đến thì đến, muốn đi thì đi sao?

Ông Quyền, người cha trên danh nghĩa ngồi ở một bên, tay cầm tách trà vẫn chưa nguội. Ông không hề nhìn em. Giọng bà nội vẫn trầm khàn, lãnh đạm như thể đang nói về một món đồ cũ:

- Chịu không nổi nữa rồi à? Vậy thì mày có thể chết, chứ đừng mơ rời khỏi đây với thân phận của một kẻ mang họ Quyền.

Từng lời, từng lời rơi xuống khiến lồng ngực em như bị chèn ép. Nhưng Chí Long không bật khóc. Em chỉ cúi đầu, gật thật khẽ:

- Vậy thì... xin cho con chết.

Ngay lúc ấy, không khí trong đại sảnh đông cứng lại. Tràng hạt trong tay bà nội dừng lại, ánh mắt bà hơi híp lại, không rõ là vì bất ngờ hay khinh bỉ. Còn ông Quyền thì lần đầu quay đầu lại nhìn em, chầm chậm đầy soi xét.

Vài người làm đứng gần đó nín thở. Không ai dám thốt lên một lời. Chẳng ai lại nghĩ đứa trẻ im lặng ấy sẽ nói ra những lời như thế, như thể đã mất đi hết tất cả ý nghĩa sống còn.

——

P/S: Mọi người đừng thắc mắc sao lúc nào chèn nhạc tôi cũng chèn piano nha, mấy đứa lậm môn như tôi sẽ hiểu cảm giác này thôi😞

Song : Cô đơn trong nhà mình (Nguyễn Văn Chung) - Piano version.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip