Chương 4: Bí mật
Sinh viên của Học Viện vàng thau lẫn lộn, không phải ai cũng là học sinh gương mẫu, những chuyện như vi phạm nội quy có rất nhiều. Nhưng đánh nhau thì lại là chuyện khác.
Trong giới học giả đều nhất trí cho rằng, người văn minh nên dùng tri thức và thành tích đấu đá lẫn nhau, còn việc thượng cẳng tay hạ cẳng chân chỉ dành cho lũ thất học chẳng có chữ nghĩa gì trong đầu như đám Eremites cả ngày chỉ biết đánh với đấm. Thầy chủ nhiệm của bọn Kaveh chưa từng gặp loại học sinh đầu gấu thế này bao giờ. Bản thân ông ta giỏi nhất là làm đỏm và khua môi múa mép, kinh nghiệm giáo huấn học sinh hư gần như bằng không. Thế là ông quyết định gọi cho phụ huynh của Kaveh trước, sau đó ném hai thằng nhóc này cho cấp trên giải quyết.
Cấp trên, cô Kemia, là giáo viên chuyên xử lý giấy tờ và các vấn đề liên quan đến nội bộ trong trường, mỗi ngày đều sứt đầu mẻ trán với hàng loạt văn kiện và biên bản chất thành đống, hiếm khi phải tiếp xúc với các học sinh. Ngoại trừ có chút mới mẻ ra, cô còn cảm thấy hơi phiền lòng.
"Bây giờ cả hai em trình bày lại đầu đuôi sự việc cho tôi. Vì sao lại đánh nhau?"
Cả hai gần như lên tiếng cùng lúc.
Alhaitham: "Cậu ta ra tay trước."
Kaveh: "Cậu ta gây sự trước."
"Khoan đã, từng người lần lượt nói." Cô Kemia vẫn còn tương đối kiên nhẫn, đầu tiên là hỏi từ Kaveh: "Em trước đi. Trò Alhaitham đã làm gì em mà em lại động tay động chân với trò ấy?"
"Em..." Kaveh vừa nhớ lại mấy lời khiêu khích của Alhaitham thì vảy ngược trong lòng cậu lại bắt đầu rục rịch, nhất thời không biết nói sao, chỉ đành ấp úng: "... Em không nuốt nổi mấy phát ngôn của cậu ta."
Cô Kemia gõ lên mặt bàn: "Chỉ vì trò Alhaitham có những lời lẽ không vừa ý em mà em đã ba máu sáu cơn dùng nắm đấm giải quyết? Em tự xem lại hành vi của mình có đúng đắn không? Bây giờ mới là đánh nhau, vài năm nữa em ra ngoài đời, tiếp xúc với đủ các thể loại làm mình ngứa mắt, có khi nào sẽ không kìm chế nổi sát ý mà giết họ luôn không?"
Kaveh luôn tâm đắc quan điểm "kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt", lật mặt nhanh như lật sách, thoắt cái đã thu hết nanh vuốt và quay trở về hình hài ngoan ngoãn vô hại: "Cô ơi, em biết lỗi rồi, em không nên đánh bạn. Nhất định sẽ không có lần sau nữa đâu ạ."
Alhaitham ngồi bên cạnh đang ngắm hoa văn trên nền gạch cho đỡ chán, nghe xong lời hứa sặc mùi nịnh hót chẳng buồn che giấu của Kaveh mà không nhịn được cười. Chỉ có điều lúc nãy ăn một đấm làm má trong của hắn bị rách, cứ cử động nhẹ là đau, thành ra nụ cười của hắn chỉ kịp giương lên một nửa, khiến mặt hắn nhìn như đang cười khẩy.
Biểu cảm đó của hắn vừa lúc lọt vào mắt cô Kemia, làm cô suýt nữa tức phát sặc - hai tên này lúc đánh nhau không bố nào nhường bố nào, đối phó giáo viên thì lại tâm ý tương thông thế không biết! Cô bèn chĩa súng về phía Alhaitham: "Còn cả trò nữa. Các trò là học sinh khoa Ngôn Ngữ đấy, ít nhiều gì cũng phải biết lựa lời làm sao để ăn nói không mích lòng người khác. Về sau ra trường trò cứ giữ mãi thái độ đó thì có thể làm việc được với ai?"
Alhaitham thì không thèm diễn, cứ thế mà đáp một cách dửng dưng: "Em nghĩ học sinh trong trường nên học cách làm chủ cảm xúc trước khi tìm cách lấy lòng người khác. Như cô đã nói, về sau chúng ta phải tiếp xúc với rất nhiều kiểu người khác nhau, thiết nghĩ so với việc bị bạn học động chạm đến lòng tự ái thì bị cấp trên mắng chửi sẽ khó chịu hơn nhiều, nhất là đối với những kẻ bất tài mà chỉ thích há miệng chờ sung. Hơn nữa, miễn là bản thân mình đủ ưu tú thì việc hợp tác và nhìn mặt người khác là điều không quan trọng."
Cô Kemia: "..."
Cô bỗng nhận thức được một cách sâu sắc, rằng đống văn kiện cao như tháp kia còn dễ chịu hơn mấy thằng lỏi này nhiều. Giờ thì cô cũng hiểu vì sao Kaveh thượng cẳng tay hạ cẳng chân với Alhaitham rồi. Đổi lại là cô, cô cũng muốn xắn tay áo lên cho thằng này một đấm.
Đầu cô như nứt ra vậy. Cuối cùng buổi giáo huấn kết thúc bằng một áng văn cảnh cáo của cô Kemia, sau đó mỗi người bị phạt viết tường trình một trăm lần. Riêng Alhaitham do làm lớp trưởng nên được giảm một nửa. Đồng thời vì đánh nhau là tội nặng nên bản tường trình của cả hai sẽ được dán lên bảng thông báo trong trường.
Khi hai thằng nhóc này đi rồi, cô mới ngồi thừ ra đấy một lúc.
Tính cách của thằng bé Kaveh rõ ràng bất ổn, điều này hầu như ai cũng biết. Còn Alhaitham... Alhaitham lại càng không ổn. Thằng nhóc đó khiến cô liên tưởng tới một quả bom nổ chậm, lặng lẽ giấu mình trong lòng đất, thoạt nhìn thì vô hại và không chê vào đâu được, nhưng chỉ cần có kẻ ngu xuẩn nào đó đạp chân lên thì sẽ phát nổ bất cứ lúc nào vậy.
Do bấy lâu nay Giáo Viện đã tiêm nhiễm vào đầu các thanh thiếu niên những thứ như "trí tuệ" và "thiên tài", sự chênh lệch trong tư tưởng của mỗi cá nhân là điều không thể tránh khỏi - bản thân cô hồi trẻ cũng là một điển hình.
Cô Kemia suy tính hồi lâu, quyết định nhấc máy gọi điện cho phụ huynh của Alhaitham.
Đây không phải lần đầu tiên Kaveh được "mời phụ huynh". Trong tiền sử cũng đã có vài lần, phần lớn là do những lỗi nhỏ lặp đi lặp lại rồi xé thành to như trốn học, không mặc đồng phục và điểm thấp... Nhưng đánh nhau thì đúng là lần đầu.
Dĩ nhiên không có chuyện ông già nhà cậu lại vác mặt đến tận trường để chịu nhục làm chi, thay vào đó đều là quản gia George thay mặt phụ huynh đến tạ lỗi với chủ nhiệm lớp, đồng thời cũng không quên gửi cho họ một phong bì - mong là từ giờ trở đi cậu chủ nhà chúng tôi không "tái phạm" nữa.
Lần này cũng không ngoại lệ. Kaveh vừa mới nhận hình phạt xong, đang nhàn rỗi đứng dựa lưng trước cửa văn phòng giáo viên nghe ngóng cuộc trò chuyện giữa quản gia và thầy chủ nhiệm nhà mình. Sau đó như thường lệ, George cũng chuẩn bị sẵn vài tờ ngân phiếu, thay mặt cậu xin lỗi thầy giáo bằng giọng đọc bản tin thời sự: "Tôi biết cậu chủ nhà tôi đã gây nhiều phiền phức cho thầy. Cậu ấy vẫn còn nhỏ, khó tránh khỏi hành vi xốc nổi, chúng tôi cam đoan khi trở về sẽ uốn nắn lại cậu ấy. Đây là chút quà mọn coi như lời xin lỗi. Mong sau này thầy chiếu cố nhiều hơn."
Thầy chủ nhiệm chưa từng nhận quà của nhà ai nhiều đến mức này. Nhìn xấp ngân phiếu sáng bóng trước mặt, lòng ông cũng hơi rục rịch, song vẫn kiềm chế nuốt nước bọt rồi đẩy chúng lại về phía George: "... Thưa ngài, đây là vấn đề kỷ cương lớp học, liên quan đến danh dự và nhân phẩm của con người. Phiền ngài mời phụ huynh của trò Kaveh đích thân đến trường một chuyến."
Kaveh suýt nữa phì cười. Quả nhiên George từ chối: "Người nhà cậu Kaveh đã giao phó cậu ấy cho tôi. Tôi hay phụ huynh cậu ấy cũng như nhau cả, mong thầy hiểu cho."
Thầy chủ nhiệm không phải người chê tiền. Ông tham thì có tham thật, nhưng chút tham lam đó so với nỗi sợ bị khiển trách lại chẳng đáng là bao. Làm chủ nhiệm các khoá càng cao thì càng nhiều áp lực, đặc biệt là các đợt thi đua mỗi quý, hơn nữa chuyện học sinh lớp mình vi phạm đạo đức mà bị làm to ra cũng đủ khiến ông ta ê mặt trước đồng nghiệp. Tiền có thể kiếm bù được, nhưng mặt mũi đã mất thì khó lắm.
Nhìn tình hình trước mắt, có thể thấy phụ huynh bí ẩn của cái nhà này còn khuya mới chịu xuất đầu lộ diện. Đã vậy thì ông ta cũng chỉ có thể đào bới được chừng nào hay chừng ấy, bèn nói: "Trò Kaveh đã vi phạm nội quy, theo lý phải bị đình chỉ học, nặng hơn thì sẽ buộc phải thôi học. Nhưng ngài đã gửi gắm trò ấy cho tôi, tôi sẽ cho trò ấy một cơ hội. Sắp tới là bài kiểm tra quý đầu. Miễn là trò Kaveh có thể đạt điểm Khá ở tất cả các môn thì tôi sẽ để trò ấy tiếp tục học ở lớp này, bằng không... tôi cũng không còn cách nào khác."
"Tôi hiểu rồi. Cảm ơn thầy đã tạo điều kiện." George thở dài.
Lúc này các lớp đều đã tan học. Mặt trời bắt đầu ngả về Tây, chiếu thành một dải màu vàng thẳng tắp trên hành lang dài lê thê tĩnh mịch. Kaveh lặng lẽ đi bên cạnh George, chợt lên tiếng: "Bác sẽ nói chuyện này cho ông già phải không?"
Cậu bỗng bật cười: "Cháu hoàn toàn có thể tưởng tượng ra vẻ mặt của ông ta khi biết được. Bác cứ kỳ kèo mãi, thà bỏ thêm tiền cũng nhất quyết không gọi cho ông già là vì thừa biết ổng có chết cũng không chịu dời gót tới đâu, đúng chứ ạ?"
Chẳng biết đây là lần thứ mấy trong ngày George thở dài rồi. Ông không biết cách dỗ dành người trẻ tuổi, nghĩ nát óc chẳng thể nặn ra nổi một câu an ủi nào nghe lọt tai người khác, cuối cùng chỉ nói một câu rõ khô khan: "Ông chủ cũng chỉ muốn tốt cho cậu."
"Bây giờ ba cháu có đang ở nhà không?"
"Không, ông chủ đang đi công tác tại Fontaine."
"Tốt rồi. Có thể cháu sẽ về nhà muộn một chút, bác cứ để phần cơm nhé. Bác đi về trước đi. Cháu sẽ có mặt ở nhà trước 7 giờ tối."
Kaveh biết nhà mình không thiếu nhất là tiền. Trong nhà cậu quanh năm thiếu hơi người, ngoài cậu và quản gia George ra thì chỉ có vài người giúp việc. Mà bác George cũng có người con đang ốm nặng phải nằm viện. Hôm nào George xử lý cả đống chuyện lông gà vỏ tỏi trong nhà cậu xong còn phải qua bệnh viện thăm con, một ngày vỏn vẹn hai mươi bốn tiếng là không thể đủ đối với ông, vậy mà hôm nay còn phải gác công việc lại chỉ vì chút rắc rối trên trường của Kaveh. Trong lòng cậu thấy rất áy náy, bèn nói với ông: "Cảm ơn bác đã cất công tới trường vì cháu."
George vốn không có quyền hạn ngăn cấm Kaveh, chỉ đành thoả hiệp: "Cậu muốn đến chỗ nào, có cần tôi đưa cậu đi không?"
Kaveh nhẹ nhàng từ chối. Sau khi George đi rồi, cậu mới vẫy tay gọi xe khách đi ra ngoại thành phía Bắc.
Từ lúc ngồi văn phòng của cô Kemia, Kaveh đã để ý việc tay phải của mình không cử động được. Lúc này không có ai, cậu mới vén tay áo ra nhìn, thấy trên cổ tay mình hằn rõ vết ngón tay của Alhaitham. Mu bàn tay cậu hơi sưng lên, bàn tay không xoay cũng không duỗi ra được, hiển nhiên là bị trật khớp rồi.
Mặc dù Kaveh không thể cảm nhận cơn đau, song thứ có giá trị nhất trên người cậu chỉ có đôi tay này, cậu không thể để nó trở thành vô dụng. Kaveh nghiến răng, bỗng thấy cực kỳ hối hận, biết vậy hồi nãy đã đấm thằng lớp trưởng mặt liệt kia mạnh hơn, làm rụng mấy cái răng của hắn thì tốt rồi!
Kaveh ôm tay phải đi tới bệnh xá khu ngoại thành. Song khi đến nơi, nhìn các bác sĩ và bệnh nhân đi đi lại lại, cậu bỗng dưng đờ người - cậu chưa từng tự đi bệnh viện.
Trước tiên phải tới phòng khám nào? Làm thủ tục ra sao? Phải đi gặp ai? Có cần mang theo giấy tờ gì không?
Chưa từng có ai dạy cho cậu những điều này cả.
Đương lúc còn đang lóng ngóng, Kaveh bỗng nghe thấy tiếng gậy gỗ gõ "lộc cộc" trên nền gạch nghe quen quen: "Có phải nhóc tóc vàng hôm trước đấy không?"
Kaveh là người yêu cái đẹp. Bất luận già trẻ nam nữ, chỉ cần là người đẹp thì cậu đều mở rộng lòng hơn phân nửa. Cậu tức thì đứng thẳng lưng, làm bộ điềm nhiên cười với bà cụ: "Cháu chào bà. Hôm nay bà lại đến xoa bóp ạ?"
Bà cụ lúc chửi người thì hùng hổ, khi không lại rất đỗi ôn hoà. Bà gật đầu rồi nói hiền từ: "Sao cháu lại đến đây? Trong người không khoẻ chỗ nào hả?"
Kaveh xua tay trái: "Thi thoảng phải có chút thương tích trên người mới đáng mặt đàn ông chứ bà. Không có gì nghiêm trọng đâu ạ."
"Người nhà cháu đâu, sao không đi cùng?"
"Sao thế được ạ, thanh niên trai tráng ai lại để người nhà dẫn đi viện? Thế có khác nào trẻ con đâu chứ!"
Bà cụ liếc qua cái tay cứng đờ của Kaveh một cái, đoạn quay người chống gậy bước đi: "Đi theo bà, ra đây."
Kaveh không hiểu gì, chỉ biết ngoan ngoãn đi theo. Vậy mà không ngờ bà cụ lại dẫn cậu tới phòng khám xương khớp. Bà cúi người chào bác sĩ một câu rồi hỏi: "Cháu tên gì?"
"Kaveh ạ. Sao thế bà?"
Bà viết tên cậu lên danh sách khám bệnh thoăn thoắt, nói mà chẳng buồn nhìn: "Ra ngồi chờ trên giường đằng kia đi. Lát nữa bác sĩ sẽ xem tay cho cháu. Thật là, lần trước chính miệng cháu từng bảo chưa nằm viện bao giờ đấy, không nhớ à?"
Kaveh: "..."
Bà lại hỏi: "Đăng ký khám bệnh ở trạm xá địa phương tương đối đơn giản. Vì ít người nên cũng không cần đợi lâu. Cháu có mang thẻ học sinh không? Học sinh thì được miễn tiền thuốc."
"Cháu có mang đây..." Kaveh xấu hổ, dùng một tay để mở cặp. Trong lúc tay chân luống cuống, cậu không cẩn thận làm rơi đồ bên trong xuống sàn.
Ngày thường đi học Kaveh chỉ mang đúng một quyển vở ghi cho tất cả các môn. Giáo trình thì khỏi cần nói, cậu để chúng ở xó nào, đã bóc nhãn hay chưa còn chẳng biết nữa là. Ngoại trừ vở ghi chẳng viết được mấy chữ ra, trong cặp sách của Kaveh nhét đầy những xấp giấy khổ lớn nhàu nhĩ. Những trang giấy thi nhau rơi xuống, để lộ những nét vẽ và chú thích chằng chịt.
Cậu ngồi nửa quỳ xuống nhặt đồ, thấy bà cụ cũng định cúi người nhặt giúp mình thì vội ngăn cản: "Ôi bà cứ đứng yên đó thôi! Bà bị đau chân cơ mà, cứ để cháu nhặt là được rồi."
Bà khom lưng nhìn đống giấy lộn vương vãi của Kaveh, hơi bất ngờ: "Cháu còn học vẽ nữa à?"
Tay Kaveh đang nhặt đồ hơi khựng lại.
"Đi nét tỉ mỉ thật..." Bà vừa ngắm nghía một bức hoạ vừa lẩm bẩm: "Khoa Ngôn Ngữ của các cháu bây giờ phức tạp thế à? Còn bắt học cả kiến trúc nữa sao?"
Kaveh chỉ biết cười gượng. Cậu nhanh chóng vo viên lại đống giấy vẽ rồi nhét bừa vào cặp.
Không một ai biết chuyện Kaveh lén lút học vẽ.
Người nhà cho rằng cậu là kẻ ăn hại, cậu liền biến mình thành một kẻ ăn hại: học hành bết bát, đầu óc rỗng tuếch, không có ý chí, cả ngày chỉ biết chơi bời lêu lổng. Cha cậu có chấp niệm mãnh liệt với cái khoa Công Nghệ khỉ gió kia, cậu sẽ kiên quyết chống đối đến cùng, cốt để cho ông ta tức điên lên thì mới được.
Nhưng Kaveh ghét thì ghét thật, trong thâm tâm cậu vẫn không thể buông bỏ việc cầm bút vẽ.
Bởi vì trừ việc điên cuồng vẽ ra tất cả những suy nghĩ cuồng loạn như giăng tơ rối nùi trong tâm trí, cậu không còn bất cứ nơi nào khác để phát tiết.
Đây cũng là một bí mật của cậu, là một cái kén nho nhỏ cậu tự tạo ra để chui rúc vào mỗi khi kiệt quệ. Ngoại trừ cậu ra, tất cả những người khác đều không được phép biết đến "cái kén" này. Mặc dù Kaveh biết chuyện này rõ chẳng ra sao, song chỉ có như vậy thì cậu mới nhặt được cho mình một sự an toàn còm cõi. Chỉ có giả dối, lừa gạt và đeo lên mình tấm mặt nạ để sống qua ngày thì cậu mới có thể đương đầu với cõi lòng rỗng tuếch.
Giờ đây "cái kén" ngu ngốc kia đột nhiên bị người khác phát hiện, mặc dù chẳng phải vấn đề gì lớn, Kaveh vẫn cảm nhận được nỗi bất an khiến tay chân lạnh ngắt.
Trong lúc nhất thời đầu óc cậu trở nên trống rỗng, không biết sắp xếp ngôn từ ra sao thì có một bàn tay khẽ khàng đặt lên tóc cậu.
"Cũng vất vả phết nhỉ?" Bà vừa nói vừa vuốt ve đầu và má Kaveh. Tay bà rất gầy, cũng thật mềm mại. Từ nơi cổ tay áo thoang thoảng mùi hương của dầu xoa bóp. Không biết vì sao mà Kaveh bỗng thấy mùi hương ấy vừa lạ vừa quen.
Cả người Kaveh cứng đờ như robot vừa bị ngắt điện, hai tai cậu thoắt cái đỏ lựng. Bác sĩ đến bên giường thăm khám lúc nào, xoa nắn xương khớp và băng bó ra sao, cậu đều nhất loạt mù mịt, chỉ biết thừ người ra nhìn bàn tay trái của mình.
Các đốt ngón tay của ba ngón đầu có hơi sưng lên một chút. Ngón út in một vệt chì rất mờ. Nếu nhìn kĩ, trên lòng bàn tay còn loáng thoáng vết mực còn mới, rửa mãi không trôi.
Có một số thứ, dù có cố che đậy cũng không thể xoá sạch dấu vết.
Bác sĩ dùng nẹp cố định cổ tay Kaveh xong xuôi, lại không buông cậu ra mà cứ giữ nguyên tư thế nhìn chằm chằm vào cậu.
Kaveh: "Sao thế ạ?"
"Cậu không biết đau à?" Bác sĩ hỏi: "Người nào bị trật khớp tay đến đây cũng phải kêu la khóc lóc từ lúc vào cửa đến khi ra về, đặc biệt là lúc nắn chỉnh khớp xương. Tay cậu sưng to thế này mà từ đầu đến cuối không kêu lên tiếng nào?"
"À..." Kaveh nói: "Vì cháu bị thương quen rồi."
Sau đó cậu xách cặp ra về trong ánh nhìn quái dị của người bác sĩ nọ. Vừa ra khỏi cửa bệnh xá, cậu rất ngạc nhiên khi thấy bà cụ vẫn đứng đợi mình: "Bà? Bà vẫn chưa về ạ?"
Bà cụ liếc nhìn bàn tay bị băng thành cái khúc giò của Kaveh: "Bác sĩ bảo sao?"
"Chỉ trật khớp thôi bà, chịu khó bôi thuốc vài ngày là sẽ lành ngay thôi ạ." Kaveh cười hơi trốn tránh: "Chân bà sao rồi? Để cháu đưa bà về nhé?"
Bà cụ cũng không từ chối mà tiện đường chống gậy đi về cùng cậu. Trong lúc Kaveh còn đang lúng túng không biết nên giải thích kiểu gì, bà bỗng chợt lên tiếng: "Trước đây bà từng học ngành Kiến Trúc của khoa Công Nghệ."
Kaveh nhìn bà sửng sốt.
"Ngày bà thông báo với gia đình là sẽ đăng ký học khoa Công Nghệ, cả nhà bà đều ra sức ngăn cản. Không phải họ không hiểu cho nguyện vọng của bà, mà là vì thời bấy giờ khoa học kĩ thuật còn chưa phát triển như hiện đại, đa số những người lớn tuổi đều không có tầm nhìn xa, chẳng ai dám đặt cược vào tương lai của cái ngành này. Hơn nữa phần lớn kiến trúc sư đều nghèo, để xin được trợ cấp vừa tốn thời gian mà lại chẳng bõ bèn gì so với khoản kinh phí phải bỏ ra để xây công trình. Gia đình bà dành cả tháng trời để phân tích, song bà vẫn quyết định nộp đơn."
"Tại sao ạ?"
Bà cụ mỉm cười: "Bởi vì bà biết nếu không học ngành này, cả đời bà sẽ sống trong nuối tiếc."
Tim Kaveh như ngừng đập. Cậu hỏi: "Vậy... sau đó thì sao ạ? Bà có hối hận không?"
Bà lắc đầu, rồi lại gật đầu: "Hối hận, cũng không hối hận."
Kaveh vẫn đang chờ bà nói tiếp nhưng bà lại không kể gì thêm, chỉ hỏi cậu: "Tay bị thương như thế thì vẽ vời làm sao?"
"Không sao đâu bà, cháu vẫn còn tay trái đây mà." Kaveh lắc lắc cái tay lành lặn: "Cháu có thể vẽ bằng cả hai tay, thật đấy. Không thì để cháu biểu diễn cho bà xem nhé?"
Bà bỗng chỉ tay về hướng trên sườn núi: "Cháu thấy cái cây cổ thụ rất to đằng kia không?"
Kaveh nhìn theo hướng mà bà chỉ. Qua khu chợ về hướng nhà bà cụ phải đi ngang qua một bãi đất trống. Cỏ và hoa dại ở đây mọc um tùm. Trên triền đồi lừng lững một cây đại thụ chẳng biết đã trải qua bao đời, tán sải rộng như mái nhà, mặc mưa mặc gió vẫn nghênh ngang cắm rễ, trông không hợp phong cảnh lắm.
"Hồi bà còn trẻ đã có cái cây này rồi. Mỗi lần muốn tìm cảm hứng sáng tác, bà hay ngồi dưới gốc cây đó ngắm nhìn thế giới xung quanh." Nói đến đây, bà bỗng tặc lưỡi, lắc đầu: "Giờ có tuổi rồi, xương khớp không cho phép người leo dốc nữa."
Sau đó bà bảo: "Nếu cháu thích thì có thể đến đây vẽ bất cứ lúc nào. Quanh chỗ này vắng lắm, không có người nào lui tới đâu."
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip