CHƯƠNG 38: LẮNG NGHE (2)

"Sự im lặng là đỉnh cao của trí tuệ"

Chương trước chúng ta đã tìm hiểu về sức mạnh của sự lắng nghe cùng với các cách giải quyết những vấn đề thường gặp trong giao tiếp. Bây giờ, chúng ta sẽ đi đến với một số cách lắng nghe hiệu quả. Không đơn giản như chúng ta nghĩ là nghe thì cứ nghe rồi hiểu thôi chứ còn cần cách quỷ quái gì nữa. Nhưng theo tôi thì lắng nghe thật sự là một nghệ thuật tuyệt diệu và điều quan trọng là khi lắng nghe chúng ta cần phải để người đối diện cảm nhận được sự tôn trọng mà chúng ta dành cho họ hay là để họ biết được chúng ta đang lắng nghe họ thật lòng. Và để được như vậy thì chúng ta cũng cần một số mẹo nhỏ:

1) Nhìn thẳng vào mắt người đối diện

Con người ta vẫn thường xuyên giao tiếp bằng ánh mắt đấy nên việc nhìn thẳng vào đôi mắt - cửa sổ tâm hồn đối phương là một điều rất cần thiết. Bởi vì đó là dấu hiệu quan trọng nhất cho đối phương thấy được sự quan tâm và tôn trọng của bạn để họ mở lòng ra mà chia sẻ nhiều hơn. Điều này được thể hiện khá rõ ràng trong thời buổi dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành vì khi ấy đa số chúng ta đều học và làm thông qua cái màn hình máy tính hoặc cái màn hình điện thoại bé xíu.

Nếu bạn có từng thuyết trình trước cái màn hình thì tôi tin chắc bạn cũng sẽ cảm nghiệm cái cảm giác bất an pha chú gì đó sợ hãi vì chúng ta không hề biết được ở bên kia có ai đang lắng nghe mình nói hay không hay là đang bay vô Liên Quân chiến giữa trận rồi. Khi ấy nỗi sợ bất an sẽ tăng dần vì chúng ta không có sự giao tiếp mặt đối mặt như bình thường và ít nhiều gì thì tâm trạng của chúng ta sẽ tuột dốc khi thấy mình như tự kỷ mà một mình tự nói trước cái màn hình lại chẳng biết nói cho ai nghe và có ai chịu nghe hay không.

Hay nếu bạn hay xem phim cổ trang cung đấu của Hồng Kông thì sẽ thấy cảnh thuộc hạ hay nô tì nào đó báo tin tức cho mấy bà phi tần chẳng bao giờ dám nhìn thẳng vào mắt chủ nhân cả mà do vậy mấy cuộc nói chuyện đó không khí có sự căng thẳng và sợ hãi xen lẫn gò bó muốn xỉu luôn vậy. Mà hơn thế nữa là nững thuộc hạ này có nhận ra nổi cảm xúc trong lời nói của chủ nhân đâu do thấy có cái chân (nếu đang quỳ) hoặc bóng lưng thôi (đa số mấy vị chức cao vọng trọng hay đứng quay lưng cho có vẻ ngầu lòi, bí ẩn).

Vì vậy mà chúng ta hãy nhớ nhìn vào mắt đối phương trong cuộc trò chuyện và đó cũng là nguyên tắc quan trọng nhất thể hiện sự tôn trọng dành cho người đối diện. Bây giờ thì chúng ta cùng đi đến nguyên tắc thứ hai

2) Dùng những hành động nhỏ như gật đầu và dùng những từ biểu thị thái độ đồng ý

Đa số chúng ta thường quen với việc lắng nghe thụ động - là cứ nghe thôi chứ không biểu hiện gì cả nhưng như vậy thì làm sao mà người khác biết được mình đang lắng nghe họ cơ chứ. Nên chúng ta phải chuyển sang tư thế lắng nghe chủ động. Điều đó có nghĩa là trong khi lắng nghe, những hành động nhỏ thể hiện thái độ như những cái gật đầu hay những từ ngữ: "Ồ! Vậy sao?", "Quả nhiên là vậy", "Quá tuyệt vời", "Thế à",...

Những hành động này tuy nhỏ nhưng lại có thể đem lại kết quả tuyệt vời và tôi cũng thử như thế khi đang nói chuyện với M - người bạn cùng bạn của tôi. Cô ấy rất thích xem phim điện ảnh và mấy kiểu phim kinh dị nên tôi thường hay nghe rất nhiều nội dung những bộ phim rùng rơn này từ cô ấy dù rằng tôi chẳng hề có tí tẹo hứng thú gì về cái thể loại phim làm người ta mất ngủ này hết nhưng thôi rảnh mà nên cứ nghe thôi.

Trong lúc nghe tôi cũng đã dùng những cái gật đầu nhẹ hay nhìn thẳng vào mắt cô ấy như những cách mà tôi nêu trên và tôi phát hiện ra rằng cô ấy kể một cách rất hào hứng tất cả các tình tiết của truyện. Và rồi một hồi sau thì tôi phát hiện ra rằng "Ái chà! Mấy bộ phim này cũng không tệ ha" thì tôi nghe cô ấy bày tỏ:

"Thật ra tôi thích nói chuyện với cậu lắm vì những hành động của cậu làm tôi biết cậu đang lắng nghe tôi"

Tôi nghe vậy cũng hơi ngạc nhiên mà cũng không quá shock vì nãy giờ tôi nhìn thẳng mặt cô ấy muốn mỏi mắt luôn mà, tôi đùa tí thôi. Những hành động nhỏ này thật sự rất hữu hiệu trong các cuộc đối thoại đấy bạn thân mến vì ai chẳng muốn đuuợc công nhận và lắng nghe cơ chứ, đó cũng là một phần của 'cảm thức cộng đồng' và nếu biết vậy thì chúng ta đừng ngần ngại dùng những cái gật đầu nhẹ hay những từ ngữ tán đồng để dành tặng đối phương sự tôn trọng vì khả năng cao là họ cũng sẽ làm điều tương tự cho chúng ta (khả năng cao chứ không chắc chắn đâu nha)

3) Không ngắt lời người khác

Đây cũng là một nguyên tắc vàng trong các cuộc trò chuyện phiếm thường nhật và đặc biệt là những buổi trò chuyện có tính chất quan trọng. Bị người khác ngắt lời cũng cụt hứng giống như tạt một ca nước lạnh vào mặt vậy á và tôi cũng cảm nghiệm nhiều lần về chuyện này với vai trò người ngắt lời người khác cũng như người bị ngắt lời. Đương nhiên là khi ngắt ngang lời người khác đang nói thì tôi lãnh đủ một ánh mắt hình viên đạn với sát khí chết người và lời nói "Để yên cho người ta nói coi" hoặc nặng hơn nữa là bỏ đi luôn và cằn nhằn "Suốt ngày cứ cắt ngang lời người khác, không thèm nói chuyện với cậu nữa đâu"

Tôi nào dám hó hé lời nào khi nghe chửi vậy đâu vì mỗi khi ai cắt lời tôi là y như rằng phần nhiều là sẽ bị nghe tôi chửi y chang mà chắc các bạn cũng khá quen thuộc rồi nhỉ. Sự thật là bị người khác ngắt lời làm tuột mood nói chuyện của chúng ta khá nhiều nên nếu chúng ta đã biết cảm giác đó rồi thì không nên làm như vậy với người khác. Đó là khi ai cũng muốn được lắng nghe nhưng khổ nỗi hai bên đều muốn nói và chẳng bên nào chịu yên lặng lắng nghe bên còn lại cả vì vậy mà theo tôi thì cuộc trò chuyện ấy nó sẽ chẳng đi được đến đâu cả như cuộc trò chuyện sau của mẹ tôi và tôi:

"Hôm nay học có gì vui không con?" Mẹ tôi hỏi

"Dạ có! Làm bài kiểm tra hơi hack não xíu. Nó như vậy nè...." Tôi hứng khỏi bảo nhưng chưa nói hết lời thì mẹ tôi đã chen vào

"Úi giời hôm nay bà sếp của mẹ cũng khó ở như vậy á. Gặp người nào là cũng...."

"Ờm...ừm...ồ.." Tôi hậm hực ầm ừ qua loa vì không có tâm trạng nghe tiếp khi mới bị xen ngang giữa chừng

Mẹ tôi cũng nhận ra cảm xúc hời hợt rõ mồn một của tôi nên cũng không nói nữa mà đi dọn nhà và thế là cả căn nhà chìm trong sự im ắng lạ thường.

Bạn thấy đấy một bên nói thì phải có một bên nghe chứ mà khi không ai nghe cả thì chẳng ai còn hứng thú nói gì nữa. Việc chúng ta cũng muốn chia sẻ những tâm tư nguyện vọng, những tình cảm hay suy nghĩ của mình là không hề sai và hòan toàn chính đáng nhưng việc quan trọng là chúng ta còn phải lựa thời điểm thích hợp. Hãy xem xét coi đó có phải là giữa lúc mà người khác đang nói không? Nếu là như vậy thì bạn tự nhủ với chính mình "Để nghe họ nói gì xong đã" để rồi im lặng lắng gnhe đối phương trước đã.

Điều đó có thể là rất khó khi trong bụng chúng ta có một đống chuyện để nói nhưng mà nếu không ai nhường ai thì chẳng có ai nghe cả. Vì vậy mà chúng ta có thể tạm buông những 'điều em muốn nói' xuống trước để nghe cái đã và biết đâu được nghe một hồi rồi chúng ta sẽ cảm thấy thật thú vị và hấp dẫn phải không nào.

Tiếp tục, chúng ta sẽ đi đến mẹo để lắng gnhe hiệu quả cuối cùng

4) Đặt những câu hỏi đúng lúc

Đa số nhiều người vẫn thích một cuộc đối thoại hơn là một cuộc độc thoại. Điều đó có nghĩa là họ cũng muốn được đáp lại để hình thành một cuộc trò chuyện có sự giao tiếp giữa hai bên chứ không phải tự lải nhải một mình (dù rằng cũng có vài người có thể tự lải nhải đến sáng mai thật nhưng chỉ là số ít). Vì thế mà đặt những câu hỏi đúng lúc là một điều rất cần thiết để cho đối phương biết được nãy giờ chúng ta vẫn đang nghe những điều anh/cô ấy nói. ĐIều đó đồng nghĩa với việc có sự tiếp thu và suy nghĩ trong cuộc đối thoại.

Một câu hỏi đúng lúc là cầu nối cho câu chuyện tiếp diễn, nếu không thì đôi khi một cuộc trò chuyện sẽ rơi vào ngõ cụt của sự im lặng tột đỉnh để rồi một trong số đó sẽ thốt lên câu: "Hôm nay trời đẹp nhỉ?" để phá vỡ bầu không khí có phần im lặng thái quá này. Một số câu hỏi cần thiết cho cuộc trò chuyện có thể là "Có phải tiếp theo sẽ là...đúng không?" hoặc là "Kể tui nghe thêm được không? Hấp dẫn đấy" hay "Có phải ý của cậu là...?" hoặc có thể là "Vậy còn chuyện X thì sao?".

Những câu hỏi này nên là câu hỏi mở để cho đối phương có thể tiếp diễn câu chuyện của họ và chúng ta chỉ việc lắng nghe thôi. Tóm lại, một số mẹo để lắng nghe chủ động là giao tiếp bằng ánh mắt, sử dụng ngôn ngữ cơ thể cùng với việc dùng một số câu hỏi mở ngay những thời điểm thích hợp. Đơn giản mà phải không? Chúng ta hãy cứ thử áp dụng và tôi tin rằng kết quả sẽ thật tuyệt vời đấy.



Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip