em để cung đàn đưa anh về đâu?
Xé tấm lịch treo lủng lẳng trên lối xuống nhà xe, Biên đăm chiêu phán xét những hình thù lố bịch in trên tờ lịch phẳng phiu chẳng còn được bao nhiêu tờ bám dính trên cái đinh cũ. Sớm tinh mơ lành lạnh, Biên rụt cổ trong cái áo sơ mi trắng, vặn ga phóng thẳng đến phố người Hoa.
Hai bên đường là hàng cây chò, Biên đánh võng vài vòng để né những bông hoa bay xuống, khoái chí cười ra vẻ ta đây thắng hết mấy quả chò bay loạn xạ trên cả con đường vắng thênh thang.
Lạng lách chán chê, Biên nhanh chóng rút chìa khoá, sà xuống cái bàn inox ngay dưới cây chò cao cao.
"Mì hoành thánh!"
"Có cả sủi cảo chiên này"
"Nhiều thế, em nhận lương cả năm ấy à?"
"Có gì đâu, sau này mà ăn như hôm nay anh sẽ bảo là sao ít thế đấy"
Biên và Đình hay đùa về nỗi buồn như thể nó là ngọn gió phương xa xôi nào kéo tới, lướt nhẹ rồi bay đi, không đáng để tâm. Cười khúc kha khúc khích, và sự khốn khổ cũng chỉ là hình thái khác của miếng hành bồng bềnh trôi trên mặt nước lèo.
Đình mải lay lay cái khốn khổ đó, để cho vài lá chò rơi tõm nằm bơi theo đường lốc xoáy mà nó đã dùng thìa khuấy trong chén súp. Đình nhìn chỏm đầu nhấp nhô húp xì xụp mì trước mặt, thấy trời chuẩn bị mưa, những điều cần nói có lẽ cũng đến lúc phải tuôn, dù có lẽ sẽ làm ai đó ướt lòng.
"Ăn đi kẻo nguội"
"Anh này"
"Sao thế? Ăn đi em"
"Em nghỉ hát rồi"
"Nên hôm nay sẽ là ngày cuối em đến đó"
Biên buông đũa, khó hiểu nhìn Đình, Biên định bảo sao lại đùa như thế, thì ánh mắt Đình đã nói đó vốn không phải là chuyện để đùa. Mọi băn khoăn thắc mắc nhảy múa loạn xạ trong bụng dạ Biên cùng mấy thìa nước lèo âm ấm.
Rút ví mấy tờ bạc nhăn nhúm, Biên trả vội rồi hấp tấp trèo lên xe. Nó chở thêm Đình. Giờ này là giờ lý tưởng cho các cặp đôi đi dạo lòng vòng thành phố. Thường thì Biên sẽ chở Đình long nhong khu chợ gần nhà thờ, mua bó hoa lưu ly hai chục ngàn về cắm trong chiếc bình sứ trên cửa sổ. Sau đó là ghé lề đường ăn xiên bẩn cho hết đám tiền lẻ lách nhách. Biên bảo không thích để tiền lẻ trong ví, nên luôn luôn gọi quá sức ăn của hai đứa, để tối về phải tranh nhau cái nệm mà nằm thở. Mà hình như thế là chưa hết xăng, Biên sẽ còn lạng qua công viên rồi bắt Đình phải đi bộ để tiêu hao năng lượng. Nhưng rồi lại lắc lắc tay Đình vòi mua thêm kẹo bông bảy sắc cầu vồng như bé gái đang chơi cầu trượt cầm trên tay.
Cả hai hoàn thành chuyến đi bằng việc tới nhà hát lớn hoặc quán nhạc nhỏ.
Vì hôm nay là ngày đặc biệt, Biên không thể nhớ lộ trình thường ngày ấy, nó loay hoay ở vòng xoay đến nỗi đã là lần thứ 9 chiếc xe cà tàng chạy quanh bùng binh. Trước khi dồn nén vỡ tung như trái bóng oằn mình trước cái nóng, Biên cố giữ bình tĩnh:
"Nói anh nghe được chưa?"
"Anh muốn nghe chuyện gì?"
"Chuyện sao em không đi hát nữa?"
Đình thấy mồ hôi Biên như chất keo dính áo vào da, dẫu trời đang se lạnh. Mãi mà không nhận được câu trả lời, Biên tấp xe vào lề, quay cả nửa người lại dò xét, đôi mắt nó buồn, và thất vọng, long lanh chờ đợi :
"Em nói em không thích nữa thì anh có tin em không?"
Gió ùa qua khoảng trống giữa Biên và Đình, điều đó thôi thúc Biên một nỗ lực dường như là từ bỏ.
"Ừ, anh tin"
Tiếng hát của Đình chắc chẳng ai thích ngoài Biên. Điều đó không cần chứng minh thêm làm gì, vì cứ mỗi tối ở Quán Cầm, cái quán nhạc nho nhỏ nép mình gần nhà hát lớn thành phố, sẽ có một cậu thanh niên hay hát mở màn vài bài câu giờ chờ cho ca sĩ hát chính tới, thường lúc đó cũng chỉ có một người nghe. Lần nào trên đường đi vào quán cũng vậy, Biên đi bên phải, che toàn bộ tầm nhìn của Đình về tòa nhà cao với mái vòm trắng ngà sáng rực một góc đường quận nhất. Đi được gần đến cửa quán thì phải nói một câu thật to dù chẳng có ý nghĩa gì để Đình không nhìn thấy cái áp phích màu mè có đầy những cái tên lấp lánh.
Vì hôm nay Biên quên làm việc đó, nên Đình thấy nhà hát lớn sáng choang đèn, thấy cả góc ấm áp của tên những ca sĩ nằm trên tấm áp phích xinh xinh.
Vào quán nhạc là vào một thế giới mới, không còn nỗi buồn vàng chói ngoài kia, chỉ còn những xám xịt trầm lắng và ánh xanh nhấp nháy rủ xuống những chỏm tóc mềm nhấp nhô theo tiếng nhạc. Chỗ Đình ở trên đó, trên sân khấu kê bằng pa lét, phủ tấm thảm nhung đã mòn, nó lôi ghi ta ra, ngồi trên chiếc ghế đẩu nép gần vách tường. Đình ngồi đó, thầm lặng và chấp nhận, nó gảy đàn tình tang cho ca sĩ hát.
Lần nào Đình cũng ngồi nhép theo đến nỗi thuộc lòng từng nốt luyến láy, đôi khi nó được hát thật, nhưng chỉ khi những ca sĩ đến muộn. Đình muốn hát lắm, nhưng nó chỉ có thể đàn, còn giọng hát mãi mắc kẹt, lí nhí nơi cổ họng. Tất nhiên Đình có thể hát khi ở một mình, ở cùng Biên, hát thật to, thật tự do. Nhưng vì nó lỡ coi nghệ thuật là cái nghề, nó cần nhiều hơn từ nghệ thuật thay vì chỉ là niềm vui.
Biên cũng chẳng khá khẩm hơn là bao. Biên cũng coi nghệ thuật là cái nghề, nó đi diễn. Hầu như mọi sân khấu kịch, vai này vai kia, đóng cho tròn sĩ số. Từ thuở nhỏ, Biên hay rong ruổi khắp các xe biểu diễn ven đường khắp thành phố, coi người ta cười, khóc, nhìn lớp trang điểm dày cộm hay những giọt nước mắt lã chã. Giây phút ấy Biên cũng đã khóc, tri kỷ tìm đến nó đẹp một cách thần kỳ.
Rồi nó gọi đó là duyên, nó bỏ học Kinh tế, rẽ ngang sang Sân khấu. Ước mơ nó nhiều nhưng gói gọn trong khát khao được là chính mình. Đình từng ra đề Văn cho nó với nội dung, giải thích lý do rẽ ngang ngành của em. Biên bảo, trước mắt mở bài phải thật hoành tráng, nó nói là: "Thật ra anh không có diễn trên sân khấu, nơi anh diễn là ở ngoài đời'. Câu nói đó cùng hằng hà sa số những lần nó và Đình sến sẩm ca cùng nhau, Đình tin quyết định rẽ ngang ngành của anh Biên không hoàn toàn điên.
Biên nhớ buổi chiều diễn xong vai quân lính vở "Tiên Nga", nó tự nhiên muốn đi uống rượu giải sầu, cơ mà chẳng hiểu sao lại ghé quán nhạc gần nhà hát, chui rúc vào một góc nghe người ta hát nhạc xưa. Quán nhạc nhỏ xinh, ít sáng, nhưng mà nhiều mùi hương: mùi gỗ, mùi cà phê hay mùi thuốc lá. Ngậm nát cái ống hút giấy của ly trà chanh, nó kết luận: ca sĩ hát hay ghê, mà hình như nó thích bạn đánh đàn mất rồi. Bạn đánh đàn hình như cũng thích nó, cứ mỗi lần mấp máy miệng hát theo đều nhìn về phía có cái lưng con vòng dán chặt vào ghế, chỉ giương mỗi hai con mắt lên của nó.
Tóc bạn chơi đàn trông mềm như tơ, bay bay dưới hơi thở của cái quạt trần, nhìn trông rất xốp và rất đáng được xoa. Biên bất giác đưa tay lên xoa đầu, vừa nãy đội mấn lâu quá, tóc bết hết lại. Nó mân mê để cho tay len vào từng kẽ tóc, cảm nhận cái ẩm ướt của một ngày lao động
Tối đó Biên rủ Đình đi uống cà phê.
Tối sau đó, Đình đưa Biên tấm vé của đêm nhạc đặc biệt của phòng trà.
Tối vài tuần tới, Biên dẫn Đình tới sân khấu coi mình diễn
Tối nhiều đêm kế tiếp, Đình hát cho Biên trước khi ngủ, và sáng hôm sau đi ăn ở phố người Hoa.
Đời nghệ sĩ, hoa khó tìm, mà lệ thì khó xa. Đình không hề thích nghệ thuật, nó không phải là nghệ sĩ giống anh Biên. Ấy là nó nghĩ thế vào một tối nhìn sâu hoắm vào đôi mắt anh khi anh nằm gác đầu lên đùi hát cùng nó. Anh yêu, nó thích. Vậy mà anh tưởng nó vẫn còn yêu. Những ngày bắt đầu sau một kết thúc, anh dẫn nó đi tới những quán nhạc dường như là mỗi ngày. Dù cho sáng sớm còn đang tung tăng dạo phố, hay lười biếng nằm gác đầu lên đùi nhau ở nhà, thì cứ chiều chiều Biên sẽ dẫn Đình tới những nơi giống như nơi nó đã từng rời bỏ.
Đình thích phố người Hoa, khu chợ gần nhà thờ, lề đường bán xiên bẩn, công viên nhiều cây xanh và căn trọ nhỏ có chậu bông cắm hoa lưu ly. Biên thích hết những nơi đó, nhưng đã dùng từ yêu thì chỉ có sân khấu.
Biên luôn như vậy, anh chờ đợi, kiên nhẫn, anh tin Đình sẽ lại thích sân khấu như cách anh và nó đã từng. Biên phớt lờ cái sự chán chường và rầu rĩ của Đình, Biên chỉ thấy mỗi khi Đình cười, dù nụ cười nhỏ xíu, và cũng chẳng phải dành cho sân khấu. Thật nhiều ngày như thế, quả bóng của Biên xẹp đi thì quả bóng của Đình căng lên, trước áp lực của nắng sáng lung linh, sẵn sàng bừng cháy.
Một ngày trong rất nhiều ngày về sau này. Đình dậy trước, dành cả tiếng đồng hồ nhìn người nằm bên cạnh ngủ. Cái dáng ngủ trông như vừa bị ai thụi vào bụng mấy cái liền, quắp như con tôm trong sủi cảo. Đình rút điện thoại ra chụp nhanh vài tấm ảnh, rồi như chán chường quá, ngoái nhìn trên bệ cửa sổ bó lưu ly sắp tàn một nửa. Nó lại nhìn anh, vuốt chỏm tóc ươn ướt vì anh đã bảo gội đầu buổi khuya rồi đi ngủ thì sáng mai sẽ thơm lâu, nó nghĩ đến vài tơ tưởng linh tinh. Nhưng vì buổi sáng nên nó tưởng mình minh mẫn, ví như nó nghĩ anh không học Kinh tế thì cũng hơi bất bình thường, xiên bẩn thật ra không ngon đến mức đấy, đánh đàn đau tay hơn là hát, vậy tại sao người ta cứ mãi hướng sự chú ý đến những giọng ca, hay thật ra thì nó thích cúc họa mi hơn lưu ly. Lưu ly dưới nắng trông kiêu kỳ, còn cúc họa mi thì tươi sáng.
Nó thủ thỉ với anh kết luận đó khi thấy anh dắt xe từ hành lang sâu hun hút ra.
"Thế thì mua cúc họa mi, đi đâu đó rồi về cắm hoa"
"Anh dẫn em tới chỗ đó nữa hả?"
"Nếu em không thích thì anh dẫn em đi quán khác"
"Biên, em không thể hát, em không phải là ca sĩ, em chỉ hát vì anh thích thôi, em không thích nó chút nào"
Biên ngơ ngác nhìn con người xa lạ trước mắt, một người lạ thân quen, người lạ đó từng nói với anh sẽ có một ngày vừa đàn vừa hát được, không như mấy ca sĩ kia còn cần em đàn cho họ, người lạ từng nói Biên có thể mời mình vào vai ca sĩ nếu thiếu người, người lạ từng cười hô hố sau khi anh khen một câu nào đó đặc biệt hơn mọi ngày.
Người lạ của Biên hôm nay không còn thân quen.
Biên không còn cách nào khác, con xe quay đầu theo cung đường đầy chò bay, Biên chẳng buồn lạng lách xe đùa rằng cho Đình đi tàu lượn miễn phí nữa. Quả chò rớt vương vãi, rơi trúng khoảng trống giữa hai người. Những đốm nắng thỉnh thoảng đong đưa trên con xe nhỏ, gió ngưng thổi từ rất lâu rồi, chỉ còn ánh sáng chói chang hắt từ mặt kiếng lên chỏm tóc bết mồ hôi.
Tối hôm qua, nghĩa là ngày Biên đi gội đầu lúc khuya để dành hôm nay có mái tóc thơm tho, Biên gối cả đầu cả khăn lên đùi Đình, bảo Đình hát cho anh nghe đi, Đình cất tiếng, nghe như ca sĩ ở quán nhạc cầm ca. Rồi thi thoảng thấy đoạn nào quen quen thì Biên hát chêm vào, Biên còn khen trăng rọi vào cánh hoa trông đẹp quá, anh muốn viết kịch bản về loài hoa này, tự làm đạo diễn, tự diễn luôn, mời em về hát nhạc phim.
Mà mặt trăng lại khó hiểu hơn mặt trời, những gì ướt át thì người ta thấy dưới trăng, cái khô khốc lộ dưới mặt trời. Biên kệ kẽ tóc thấm đẫm mồ hôi, bắt đầu suy nghĩ về việc trở lại học kinh tế, khi đó nghệ thuật chỉ còn là thứ ngôn ngữ trừu tượng mơ hồ. Biên bẻ lái ra hướng chợ. Chậu cúc họa mi và chậu lưu ly đặt cạnh nhau, họa mi dưới ánh nắng đẹp như lưu ly dưới ánh trăng.
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip