Hãy trình bày những tiêu cực có khả năng xảy ra trong quản trị doanh nghiệp
Hãy trình bày những tiêu cực có khả năng xảy ra trong quản trị doanh nghiệp phát xuất
từ tính cộng đồng và tính tự trị làng xã của văn hóa Việt Nam truyền thống. Hãy thử đề
xuất một vài cách thức khắc phục?
Trả lời:
Tính cộng đồng và tính tự trị là hai đặc điểm lớn ảnh hưởng đến tính cách của người Việt. Tính cộng đồng là định hướng cộng đồng, chủ nghĩa trọng tập thể (collectivism) gắn liền với những xã hội mà trong đó cá nhân từ lúc sinh ra đã hòa nhập một cách đầy đủ vào nhóm nội bộ của mình mà nhóm hoặc cộng đồng ấy sẽ bảo vệ con người để có được sự trung thành vô điều kiện của cá nhân. Tính tự trị làng xã, đi đôi với tính cộng đồng và gắn liền với biểu tượng “lũy tre làng”.
Những tiêu cực có khả năng xảy ra trong quản trị doanh nghiệp xuất phát từ:
· Tính cộng đồng:
- Một là: do ý thức con người cá nhân bị thủ tiêu (tâm lý bầy đàn: “khôn độc không bằng ngốc đàn”) nên nhân viên không dám khẳng định cái tôi của mình, không dám ngược lại ý kiến tập thể; họp chính thức không dám phản đối nhưng sau đó thì bàn tán, bình luận,...khiến doanh nghiệp không những không phát triển mà tiềm ẩn nguy cơ đổ vỡ, tụt hậu và thụt lùi.
- Hai là: con người có tâm lý đối xử cao bằng để cho ai cũng như mình; đi liền với tâm lý ấy là sự ganh tị, đố kỵ, dèm pha, xét nét, không thích ai hơn mình khiến môi trường làm việc tại doanh nghiệp không được thoải mái, vui vẻ mà chỉ làm cho nhân viên cảm thấy chán nản,...
- Ba là: tâm lý thụ động, dựa dẫm, ỷ lại: “cha chung không ai khóc”; “lắm sãi không ai đóng cửa chùa” vì đã có cộng đồng lo dẫn đến năng suất và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp đi xuống. Ví dụ: ở TP HCM, sự tắc trách trong xây dựng của các đơn vị thi công gây ra những “hố tử thần” làm một số người bị sụp chết mà vẫn không thấy một ai đứng ra nhận trách nhiệm.
- Bốn là: vì chú ý tính cộng đồng nên cơ chế ra quyết định trong doanh nghiệp theo kiểu phát huy quyền dân chủ tập thể nhưng thực chất là dân chủ hình thức theo kiểu cao bằng, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm cá nhân, “hòa cả làng” khi có sự cố dẫn đến khi có vấn đề trong quản lý được phanh phui thì không thể chỉ ra được ai là người chịu trách nhiệm. Ví dụ: Vinashin.
- Năm là: Muốn tồn tại, cá nhân phải cố gắng không làm mất lòng các thành viên khác làm xuất hiện tâm lý “dĩ hòa vi quý”, “sợ rút dây động rừng”. Trong doanh nghiệp luôn có hiện tượng “bằng mặt nhưng không bằng lòng”. Hậu quả là tạo điều kiện cho tình trạng tham nhũng, quan liêu,…
- Sáu là: có hiện tượng gia trưởng trong quản lý, tâm lý “sếp bao giờ cũng đúng”. Các quyết định đều là do ý chí của sếp.
- Bảy là: vì tính cộng đồng nên người Việt rất trọng thể diện, đến mức thái quá thành bệnh sĩ diện nên sống và hành động khác với chính mình, nặng hình thức, xem nhẹ thực chất và nội dung, hay tự ái vặt,...
· Tính tự trị: tính chất khép kín này làm nảy sinh lối sống ích kỷ, bè phái, cục bộ, tầm nhìn thiển cận,...
- Cán bộ lãnh đạo có thói quen suy nghĩ mọi vấn đề đều được cân nhắc sao cho bản thân mình, dòng họ mình có lợi (ví dụ quy hoạch đô thị…) trước khi tính đến lợi ích chung của cả nước.
- Tập quán coi thường luật lệ “phép vua thua lệ làng”.
- Phô bày hình thức.
- Tâm lý dễ thỏa mãn với kết quả, miễn sao doanh nghiệp mình được lợi hơn doanh nghiệp bên cạnh là được, không cần phải so sánh trên phạm vi rộng hơn.
- Ở các doanh nghiệp nhà nước; cơ quan công quyền, việctuyển chọn, bố trí, đề bạt căn cứ vào lý lịch, đồng hương, quan hệ.
- Một số doanh nghiệp kinh doanh với tâm lý tiểu nông, “mạnh ai nấy làm”, thậm chí chụp giật miễn sao tối đa lợi nhuận trước mắt của mình làm mất đi sự tin tưởng ở đối tác. Kết quả làm yếu đi sức cạnh tranh của doanh nghiệp mình và của cả nền kinh tế.
- Các doanh nghiệp trong nước dù thiếu năng lực công nghệ, tài chính, cạnh tranh nhưng vẫn “hiên ngang ra trận” một mình, không chịu liên kết với ai theo kiểu “một mình, một xe, một ghe, một che, một lò”; dẫn đến bị áp đảo và cạnh tranh gay gắt bởi sự liên kết giữa các công ty và tập đoàn nước ngoài.
- Trong công việc, không giải quyết theo lý mà chỉ lụy tình, duy cảm không duy lý, nặng về tốt xấu chứ không nặng về đúng, sai; không có công lý làm chỗ dựa vững mạnh cho mình, thiên vị cho người thân, gia đình, dòng tộc.
- Doanh nghiệp xem quan hệ giao tiếp rộng với cơ quan công quyền là điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh. Hệ quả khác là tính “chạy chọt”, đi kèm đó là nạn hối lộ, và vòi vĩnh của công chức.
Đề xuất giải pháp khắc phục (cái này là ý kiến chủ quan, mỗi bạn tự chỉnh sửa nha!?), tham khảo:
Bởi vì văn hóa doanh nghiệp gắn liền với lãnh đạo. Lãnh đạo có văn hóa thì sẽ tạo cho doanh nghiệp của mình có văn hóa.Cho nên, khắc phục những hệ lụy mang tính truyến thống trên trong doanh nghiệp, cũng phải xuất phát từ lãnh đạo. Lãnh đạo cần có hiểu biết về văn hóa và đặc điểm văn hóa của dân tộc Việt Nam để có thể dẫn dắt, động viên nhân viên của mình cùng khắc phục, giải quyết những tiêu cực phát sinh. Để làm được điều đó là cả một quá trình:
Xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy của doanh nghiệp thật ổn định, xác định tầm nhìn, chiến lược hoạt động của doanh nghiệp trên thị trường, đề ra các quy định, lề lối làm việc rõ ràng. Thông qua hệ thống các quy định đó, tinh thần tuân thủ pháp luật và trách nhiệm cá nhân được tăng cường, bảo đảm hình thành một môi trường làm việc quy củ. Tạo điều kiện cho mỗi cá nhân, đơn vị trong doanh nghiệp có điều kiện chủ động trong công việc, năng động sáng tạo, đề cao tính minh bạch trong các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Có những quyết định hợp lý trong việc xây dựng hệ thống giá trị văn hóa để phát huy lợi thế của văn hóa dân tộc và tiếp thu những giá trị văn hóa học hỏi được từ bên ngoài.
Trong sự phát triển của một doanh nghiệp thì vấn đề thiết lập kỷ luật là yếu tố sống còn (kỷ luật là điểm yếu của lao động người Việt Nam). Do vậy, lãnh đạo phải là người có kỷ luật, đi đầu và là tấm gương trong việc thực hiện những mục tiêu đã đề ra để làm động lực gắn kết các thành viên trong công ty.
Muốn tập hợp, phát huy mọi nguồn lực từ các cá nhân đơn lẻ góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp cần phải xây dựng cho tất cả các thành viên trong doanh nghiệp thống nhất cao về quan điểm, nhận thức và hành động trên tinh thần tuân thủ pháp luật, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của cổ đông, của doanh nghiệp và của người lao động; tất cả nhân viên của doanh nghiệp phải cùng nhìn về một hướng, cùng làm việc vì những nhiệm vụ chung và vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Điều quan trọng nữa, lãnh đạo phải luôn quan tâm nâng cao năng suất, chất lượng và đào tạo con người trong doanh nghiệp. Ví dụ: chính sách về lương thưởng, tuyển dụng,...
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip