Chương 17: Vũ khúc tử thần
Chương 17: Vũ khúc tử thần
Đối với một vài người đợi chờ là hạnh phúc, với đa số người khác đợi chờ lại là tra tấn. Giả như học sinh mốc mồm chờ hết tiết, công nhân mỏi mắt chờ lãnh lương, hay tử tù run rẩy chờ ngày ra pháp trường.
Và tôi sắp bị tra tấn!
Tôi ngồi trong bóng tối, lưng dán chặt vào vách đá. Mọi giác quan căng lên nhưng không phải để cảnh giác xung quanh, tôi không muốn bó sót bất cứ một động tĩnh nào trong căn phòng. Không được tưởng tượng, không tưởng tượng. Nguyên Khang rồi sẽ lành lặn bước ra thôi. Rồi anh lại cợt nhả và tôi lại phát cáu...
Rầm...
Tiếng động đầu tiên dội thẳng vào óc.
Rồi tiếng xé gió vun vút...
Tiếng kim loại va chạm...
Tất cả, tạo nên một bản giao hưởng đáng sợ.
Tôi ở ngoài này, vẫn an toàn. Nguyên Khang ở trong đó, chống chọi một mình. Một cánh cửa sắt như thể chia cách hai thế giới. Tôi đã thấy anh giao đấu trong rừng, nhảy xuống vực, leo lên vách đá một cách thuần thục. Tôi nghĩ mình nên đặt nhiều niềm tin vào anh hơn. Có lẽ khả năng của anh cũng đáng kinh ngạc giống như những toan tính trong đầu anh vậy.
Chút ánh sáng leo lét hắt ra từ cánh cửa để mở đột nhiên tắt ngúm. Tôi hoảng hốt, thị giác luôn là giác quan hữu dụng nhất. Hy vọng Nguyên Khang đủ may mắn. Và điều duy nhất tôi làm được là ngồi đây để tránh khiến anh phân tâm.
Tôi không biết làm sao mình vượt qua được mấy phút tra tấn bằng âm thanh ấy. Khi mọi thứ trở lại yên lặng, tôi nhận ra mình đang bịt chặt hai tai và gục đầu vào gối.
Tôi thầm tính toán coi Nguyên Khang sẽ mất bao lâu để đi ra đến cửa. Chắc khoảng một phút, hoặc lâu hơn nếu anh bị thương đôi chỗ... Chẳng thể nào ưa nổi cái ý tưởng này.
Nguyên Khang không thắp lại đuốc. Đã có chuyện gì xảy ra?
Tôi ngồi chờ năm phút hay khoảng đó. Chết tiệt, với thời gian này, dù anh có lê lết thì cũng phải ra tới nơi rồi chứ...
Vút...
Đợt âm thanh thứ hai vang lên. Ôi không, cái quái gì đang diễn ra trong đó vậy? Tôi muốn chạy ngay vào trong, nhưng lí trí nói cho tôi biết là không nên, việc tôi vào đó có thể sẽ giết chết cả hai.
Tôi biết chỉ cần Nguyên Khang rời khỏi bục đá thì cơ quan sẽ khởi động. Bộ xương trong phòng không níu kéo cái bục, thứ anh ta níu kéo là mạng sống. Không biết trình độ anh ta tới đâu, nếu thượng đài với Nguyên Khang thì sao? Hy vọng Nguyên Khang giỏi hơn anh ta nhiều.
Loại cơ quan này hẳn phải có ấn định thời gian hoạt động. Sau một khoảng thời gian nhất định nào đó mà cái bục không lún xuống, nghĩa là người trúng bẫy không thể leo lên đó được, hoặc giả anh ta may mắn chạy thoát, bẫy sẽ ngừng. Việc có khoảng nghỉ cho thấy Nguyên Khang đã quay trở lại bục đá, anh rõ ràng không thể chống chọi với cái bẫy này cho đến hết thời gian của nó.
Từng đợt âm thanh tiếp tục xen kẽ những khoảng nghỉ. Thời gian nghỉ cứ dài ra trong khi những đợt âm thanh rút ngắn dần. Trái tim tôi cũng theo đó mà chùng xuống mỗi lúc một sâu.
Khi đợt âm thanh thứ tư kết thúc, tôi đã nhích tới sát bên cánh cửa sắt, kim loại chạm vào da thịt lạnh ngắt. Tôi tựa vào đó rất lâu, không tưởng tượng, không suy đoán, chỉ yên lặng tựa vào đó. Đôi khi tôi mong muốn nghe thấy tiếng động bên trong, nó sẽ cho tôi biết Nguyên Khang vẫn còn sống.
Tôi không nghĩ mình đã ngồi đây được nửa canh giờ, thời gian trôi qua quá chậm. Nhưng Nguyên Khang chắc chẳng còn hơi sức mà so đo chuyện này với tôi đâu.
Khi tỉnh táo lại, tôi thấy mình đang đứng sau cánh cửa sắt. Xung quanh tối thui. Tôi đang làm cái quái gì vậy? Đáng lẽ tôi nên quay lại căn phòng có bốn bức bích hoạ rồi theo đường cũ bò ra ngoài mới phải. Tôi yêu cái mạng con con của mình biết bao.
Nhưng bước chân vẫn tiến lên phía trước, dò dẫm, có phần gấp gáp. Tôi đạp trúng vài mảnh vụn đá. Phải rồi, phía trước là đống vàng, đã qua gần nửa căn phòng. Tôi sẽ tìm được gì? Nguyên Khang gục bên bục giống như bộ xương kia? Hoặc tôi sẽ may mắn đá phải anh trên đường tới đó, anh thoát được nhưng không đủ sức bò ra ngoài. Ý nghĩ đó khiến bước chân hơi chùng lại, lỡ dẫm phải anh thì không ổn chút nào, có khi xương sườn chỉ rạn nhẹ lại bị tôi dẫm thành gãy hẳn.
Tôi quả nhiên đá trúng một thứ, nhưng không phải Nguyên Khang mà là cây đuốc. Tôi đoán vậy, vì nghe thấy tiếng gỗ lăn nhè nhẹ. Tôi lần tìm cây đuốc, một chút ánh sáng sẽ giúp tôi thấy được tình hình rõ hơn.
Lửa bùng lên.
Nền đất trước mặt khiến tôi choáng váng, khắp nơi bê bết những máu là máu. Một vệt máu đỏ thẫm kéo dài đến tận cái bục đá. Và ở đó, tôi thấy Nguyên Khang. Ơn trời, không giống bộ xương kia, anh vẫn có thể ngồi trên bục, thanh kiếm chống xuống đất hơi oằn cong vì sức nặng. Nguyên Khang gục vào cánh tay cầm kiếm, tay kia buông thõng. Từ đầu ngón tay, từng giọt máu tươi nhỏ tong tong xuống sàn.
Nhưng trên hết, anh còn sống.
Tôi vội vàng chạy tới bên Nguyên Khang. Anh vẫn bất động, không có bất kì phản ứng gì với ánh sáng hay những tiếng động tôi gây ra. Tôi quỳ xuống trước mặt Nguyên Khang, đỡ vai anh dậy. Nguyên Khang dường như chỉ chờ có thể, thanh kiếm lập tức tuột khỏi tay, đổ ra nền đất tạo nên tiếng leng keng chói óc. Đầu Nguyên Khang gục sâu vào hõm vai tôi. Tôi phải gồng mình lên mới giữ nổi anh, không dám tưởng tượng nếu mình vào chậm chút nữa thì hậu quả sẽ thế nào.
Nguyên Khang thều thào:
- Đi...
Tôi ngắt lời:
- Tôi cũng muốn lắm chứ.
Nhìn bộ xương vỡ vụn bên cạnh, tôi không ngăn được một cơn rùng mình.
Tôi không chắc Nguyên Khang có thể tiếp tục cầm cự được lâu, có thể chỉ đủ thời gian để tôi rời khỏi đây, kết quả sau đó tôi không muốn nghĩ tiếp. Tôi nhất định phải đưa được anh ra khỏi cái phòng quỷ quái này. Nhưng bằng cách nào bây giờ? Động não đi, động não đi Khánh Du, mày có đần lắm đâu.
Nguyên Khang tiếp tục lải nhải không ra hơi:
- Đi... ngay...
Tôi bực bội nạt:
- Đừng lảm nhảm nữa! Để tôi nghĩ cách.
Nguyên Khang khẽ cử động, đầu rúc sâu thêm vào hõm vai tôi và bật ra tiếng cười khe khẽ:
- Ta... nhớ... rồi đấy!
Trời ạ, lúc nào rồi mà còn có tâm trạng đùa cợt.
Tôi nhìn xung quanh. Con rồng vàng hoa nâu vẫn to lớn, chói lọi. Cứ nghĩ đến chuyện nó ở đây thưởng thức từ đầu đến cuối màn chật vật của Nguyên Khang là tôi lại muốn thụi cho một đấm. Mấy bức tường hoàn toàn tĩnh lặng, không ngờ được bên trong lại ẩn chứa thứ có thể khiến anh trở nên thảm hại đến vậy. Rồi những bức tượng La Hán...
Tượng La Hán! Tượng La Hán! Không thể tin được, tôi tìm ra cách rồi.
- Anh có thể cầm cự một lát không? Tôi sẽ trở lại ngay.
Một phút yên lặng trôi qua, cuối cùng Nguyên Khang cũng lên tiếng:
- Kiếm.
Tôi với lấy thanh kiếm đặt vào tay anh. Nguyên Khang chống nó xuống đất, sức nặng trên vai tôi giảm dần rồi mất hẳn. Tôi có thể nghe rõ tiếng thở nặng nề, ngắt quãng của anh, tim tôi thắt lại, nhưng nếu còn muốn nghe dài dài thì lúc này tôi phải nhanh lên mới được.
Tôi chạy đến chỗ đống vàng giữa căn phòng, trút hết đồ trong tay nải ra, rồi nhét đầy vàng vào đó. Kế hoạch là tôi sẽ đặt đống của này lên cái bục thay cho Nguyên Khang. Lần đầu tiên trong đời cầm vàng trong tay mà cảm giác lại giống như cầm cục gạch.
Không đủ, trọng lượng chỗ vàng này không đủ. Tôi phải chắc chắn cái bục bị đè chặt xuống. Tôi cần thêm vàng. Tôi đứng dậy chạy đến chỗ bức tượng La Hán Bố Đại. Vị La Hán này có tư thế đứng nên sẽ dễ đẩy xuống hơn so với La Hán Thác Tháp. Pho tượng thế mà nặng không tưởng.
Lần đầu tiên đẩy, nó hơi nghiêng nhưng tôi không đủ sức đẩy tiếp, kết quả pho tượng lại trở về vị trí cũ. Lần thứ hai tôi rút kinh nghiệm đặt con dao găm dưới chân, khi pho tượng hơi nhấc lên để lộ một kẽ hở, tôi gạt con dao vào, hiệu quả thấy rõ, tôi thầm biết ơn Nguyên Khang đã đưa cho mình một con dao chất lượng tốt, đủ cứng. Tôi nghiến răng dồn sức đẩy thêm lần nữa, khi trọng tâm đã vượt ra ngoài chân đế thì việc còn lại hoàn toàn thuộc vào lực hấp dẫn của trái đất.
Bức tượng La Hán Bố Đại đổ cái rầm rồi vỡ vụn. Lần này tôi không bị đống vàng làm cho choáng ngợp nữa, còn nhiều việc cần phải làm hơn là ngồi đó xuýt xoa. Tôi nhảy phắt xuống khỏi bục đá.
Keng...
Tôi hoảng hốt quay phắt đầu lại. Thanh kiếm vẫn rung lên trên nền đất để lại những dư âm đáng sợ. Trong tích tắc, tôi nín thở nhìn Nguyên Khang, cơ thể anh đổ dần về phía trước, kéo theo cả trái tim tôi chùng xuống...
Thế là hết...
___Hết chương 17___
Đông Dương
Chương 18: Tơ lòng
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip