LỐI SỐNG CỦA NGƯỜI MIỀN NAM trước 1975 và ảnh hưởng của nó sau 1975
Hoàng Hưng
„…nhìn tổng quát, toàn bộ đời sống miền Nam, trong đó có đời sống văn hoá, văn học, trong 45 năm qua đã dần dần “giải phóng” người dân miền Bắc khỏi cái nhà tù lớn trong đó con người bị buộc phải giả tạo, “gồng mình” hoặc bị mê hoặc mà mù quáng tuân phục trong thời chiến và theo “định hướng XHCN”…“
Điều quan trọng là trở lại với con người thật, con người tự nhiên; cuộc sông thật, cuộc sống tự nhiên
Dịch giả, nhà thơ, nhà báo Hoàng Hưng từ Hànội vào sinh sống và làm việc ở Sàigòn từ 1977.
Trường hợp của tôi có lẽ hơi cá biệt so với số đông đồng nghiệp ở miền Bắc trước 1975: Sinh trưởng trong một gia tộc thuộc “tầng lớp trên” thời Pháp thuộc; năm 1954 hầu hết họ hàng của tôi di cư vào Nam, chỉ riêng gia đình tôi ở lại miền Bắc vì bố tôi là một bác sĩ “chuyên môn thuần tuý” quá tin vào “hiệp thương tổng tuyển cử sau 2 năm” và chưa thấy được bản chất “Cộng sản” của Việt Minh; tuy nhiên bản thân tôi ham đọc sách tiếng Pháp từ nhỏ, được học tiểu học trong nhà trường “quốc gia” và Pháp, cấp 2 (Middle School) theo chương trình chuyển tiếp “quốc gia” sang “dân chủ nhân dân”, đến cấp 3 (High School) mới bắt đầu “nhà trường xã hội chủ nghĩa”; thêm nữa, từ 1954 đến 1975 tôi vẫn chịu khó đọc sách tiếng Pháp trong tủ sách gia đình và kho sách trong Thư viện Quốc gia được Sứ quán Pháp cung cấp. Có lẽ vì thế, khi vào Sàigòn khá sớm sau 30/4/1975 để tìm mẹ và họ hàng, tôi thấy như được trở về đời sống tự nhiên của tuổi thơ mình vốn đã bị chế độ chính trị miền Bắc và tình trạng chiến tranh làm cho… quên mất !
Phải nói dài dòng thế, vì có thể nhận xét của tôi về đời sống và văn hoá miền Nam có phần chủ quan, cá biệt.
1. Về lối sống của người miền Nam trước 1975 và ảnh hưởng của nó sau 1975
Xã hội miền Nam mà tôi thâm nhập trước hết là xã hội của bà con họ hàng thân tộc ở Sàigòn. Họ vẫn giữ khá đầy đủ những đặc điểm (cả hay lẫn dở) của tầng lớp trung lưu Hà Nội trước 1954. Tất nhiên là nó đối nghịch với xã hội miền Bắc mà tôi sống trong 20 năm “cải tạo xã hội chủ nghĩa” và chiến tranh, ở đó chính quyền toàn trị biến xã hội thành một trại lính khổng lồ, tất cả cho cuộc chiến, mọi người chia sẻ với nhau cảnh nghèo nàn đơn điệu; ở đó sự “nông thôn hoá” Hà Nội khiến cho lối sinh hoạt bình dân, suồng sã đánh bạt lối sống đài các, thanh lịch của chốn ngàn năm văn vật…
Nhìn một cách bao quát, lối sống miền Nam là LỐI SỐNG TỰ NHIÊN CỦA CON NGƯỜI dưới một chế độ tôn trọng tự do cá nhân theo ảnh hưởng phương Tây (Pháp rồi Mỹ). Nó khá bất lợi trong việc tham chiến (thực sự là có góp phần không nhỏ trong việc miền Nam “thua cuộc”), nhưng lại có sức hấp dẫn tất yếu sau hoà bình đối với những người từng bị sống trong “trại lính khổng lồ”. Với người miền Bắc, lối sống ấy còn thêm hấp dẫn bởi nét hồn nhiên phóng khoáng vô tư của cư dân đồng bằng Nam Bộ cộng thêm tâm thế tự do bình đẳng của người công dân một xứ Nam Kỳ được hưởng chế độ trực trị lâu năm của Pháp. Chưa kể sự “phồn vinh giả tạo” mà viện trợ Mỹ đem đến cho Sàigòn đã làm cho sức hấp dẫn tăng thêm bội phần; chỉ cần nhớ lại cảm giác đầu tiên khi đặt chân xuống đường Đinh Tiên Hoàng từ chuyến xe đò đường dài, tôi tưởng mình đang từ Việt Nam sang đến Paris !
Lối sống miền Nam càng được tiếc nuối sau khi con đường “xã hội chủ nghĩa” đưa kinh tế Việt Nam đến bờ vực, “con người xã hội chủ nghĩa” chưa thấy đâu đã phải được “cởi trói” để lao vào “tự cứu” bằng mọi cách, khiến cho chủ nghĩa cá nhân bị đè nén lâu nay bung ra một cách cực đoan theo luật con lắc ! Thậm chí một số điểm tích cực mà những người sống có lý tưởng thực sự trong xã hội miền Bắc có được như tinh thần sống giản dị, cống hiến, tập thể, đồng cam cộng khổ… cũng nhanh chóng phai nhạt thậm chí biến mất ở số đông bọn họ ! Nhưng điều đó không thể coi là do “ảnh hưởng tiêu cực” của lối sống “cá nhân chủ nghĩa”, “hưởng thụ” của miền Nam như “Tuyên giáo” gán ghép, mà chỉ đơn giản là phản ứng dễ hiểu mang tính “nổi loạn” của con người miền Bắc khi thấy “những ảo mộng tiêu tan” (Illusions perdues) trước mắt mình ! Ngược lại, cũng không thể phủ nhận một số ảnh hưởng tiêu cực từ những tệ nạn của một xã hội thời chiến, dưới chế độ dân chủ chưa toàn vẹn, với sự lũng đoạn của “đảng Kaki” và sự hiện diện của hàng chục vạn quân viễn chinh (đĩ điếm, ma tuý, băng đảng, ăn cắp của công và tham nhũng) sau khi trật tự áp đặt của chế độ toàn trị bung vỡ !
Có lẽ hai ưu điểm nổi bật của lối sống miền Nam đã thâm nhập mạnh, sâu, rộng vào miền Bắc sau 1975 là:
– Tinh thần tự lập, tự vận động, tự định đoạt cuộc sống của cá nhân đã ngày càng chiến thắng thói quen “gà công nghiệp”, thụ động trông chờ “nhà nước, đoàn thể” mà chế độ tập trung bao cấp đã tạo ra trong thời gian dài. Nhất là sau khi nhà nước kiệt quệ, phải thả lỏng cho người dân “tự cứu”. Điều này có tính quyết định cho xã hội dần dần tự do hoá, thoát khỏi sự khống chế, ràng buộc của nhà nước toàn trị. Độc lập về kinh tế thì mới độc lập về tư tưởng.
Đời sống tâm linh, chủ yếu là niềm tin và thực hành Phật giáo. Phật giáo bị hạn chế và kiểm soát gắt gao ở miền Bắc đã hồi sinh sau 1975 nhờ được tiếp sức và truyền đạo từ miền Nam. Mặc dù tín ngưỡng bị nhà nước và bọn buôn thần bán thánh lợi dụng tối đa làm cho méo mó tha hoá khủng khiếp, Phật giáo chân chính trong cả nước vẫn phát triển khá mạnh nhờ ảnh hưởng tốt đẹp của truyền thống Phật giáo miền Nam.
2. Đời sống văn hoá văn nghệ miền Nam và ảnh hưởng của nó sau 1975 nên được nhìn nhận trên cái nền tảng xã hội, lối sống như nói trên.
Tôi muốn nói lên những ấn tượng sâu sắc nhất của bản thân trước khi nhận xét về đời sống chung mà mình quan sát.
Đầu tiên là âm nhạc.
Hiện tượng Trịnh Công Sơn. Không thể quên cái buổi tối tháng 5/1975, nhóm bạn văn nghệ Hà Nội chúng tôi ngồi nghe băng “cối” ở nhà một người quen là sĩ quan công an được vào Sàigòn ngay sau 30/4 đem ra. Có thể nói là một buổi xuất thần ít có trong đời ! Mọi người chìm đắm vào không gian âm thanh ma mị, lôi hồn mình thoát khỏi thực tại, đi đến một thế giới hư hư thực thực không rõ là đâu nhưng hình như đó là sự giải thoát ! Nói thêm là 7 năm sau đó, trong trại tạm giam của Bộ Công an ở ngoại thành Hà Nội, trưa nào tôi cũng ngóng nghe những âm thanh ấy phát ra từ phòng Giám thị trại ! Nghĩa là nó chiếm lĩnh tâm hồn của số rất đông trong “Bên thắng cuộc”. Ca khúc Trịnh Công Sơn theo tôi là sản phẩm văn hoá độc đáo nhất của miền Nam, nó kết tinh cõi sâu lắng của tâm hồn người Việt trong một hoàn cảnh bi thương nhất của lịch sử, chưa từng có trong âm nhạc Việt Nam cho đến tận bây giờ.
Nhu cầu ca hát, một trong những nhu cầu tự nhiên nhất của con người, sau nhiều năm bị “nhạc đỏ” độc quyền thống trị, đã bùng lên với “nhạc vàng” khắp phố phường ngõ xóm (trước sự ngơ ngác đáng thương của những người tù trong vụ án “nhạc vàng” ở Hà Nội khi trở về !). Đến mức bây giờ, nhạc “bolero” một thời vốn không được đánh giá cao lắm bởi giới có học ở Sàigòn, nay đang “tràn ngập lãnh thổ”, chiếm lĩnh không gian âm nhạc cả chính thống lẫn tự phát ! (Tuy nhiên không ít người vẫn cho rằng thứ âm nhạc uỷ mị mà bolero là chủ đạo góp sức không nhỏ làm nản chí chiến đấu của người lính miền Nam, giống như điệu hậu đình hoa xưa !!!).
Có một chi tiết thú vị về âm nhạc miền Nam: phong cách hát của ca sĩ. Các ca sĩ miền Bắc nhìn chung được học bài bản hơn, nhưng sau khi nghe ca sĩ miền Nam, số đông người nghe bỗng nhận ra cái gì đó không thú lắm ở lối hát miền Bắc. Thì ra kỹ thuật thanh nhạc không thay thế được tình cảm tự nhiên, càng không lại được cái hồn gửi vào tiếng hát, và bel canto của opera không thể cuốn hút bằng cái sự tròn vành rõ chữ tiếng Việt!
Nói cho công bằng, việc tàn lụi của đời sống âm nhạc cổ điển thính phòng miền Bắc trước 1975 cũng đáng tiếc (do chiến tranh với không quân Mỹ ở miền Bắc từ 1965 và không còn được “bao cấp” đủ sau 1975); mãi gần đây nó mới bắt đầu hồi phục nhờ sự lớn lên của tầng lớp trung lưu sau 30 năm phát triển kinh tế mang tính thị trường.
Hội hoạ
Điều thú vị là trong giới văn nghệ sĩ Sàigòn, tôi giao du nhiều nhất với các hoạ sĩ ! Từ Nguyên Khai ở ngay gần nhà, đến Thái Tuấn, Nghiêu Đề, Trịnh Cung, Đỗ Quang Em, Phạm Văn Hạng, Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Trung… và tìm hiểu khá kỹ hội hoạ miền Nam trước 1975, đặc biệt là tác phẩm của các thành viên Hội hoạ sĩ Trẻ. Đến thập niên 1990, khi làm báo Lao Động, tôi đã có cơ hội viết bài giới thiệu về họ cũng như mời một số hoạ sĩ cộng tác với báo.
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip