II - CON NGƯỜI
Giữa lúc ấy, Krishnamurti xuất hiện.
Phải chăng đó là người mà thế giới đang chờ?
Tây phương chờ sự trở về của Chúa Cứu Thế.
Đông phương chờ Phật Di Lặc hạ sanh.
Thời thế chờ một khối óc lớn, một trái tim lớn - một thánh nhân - có thể vượt lên tất cả để mà viên dung tất cả trong ánh sáng đại đồng.
Từ đầu thế kỷ này, hội Thông Thiên Học đã long trọng báo tin cho thế giới sự "trở về", sự "hạ sanh" ấy ở nhục thân cậu bé Jiddu Krishnamurti, thuở ấy mới lên ba, và sống với cha mẹ tại thị trấn Madanapalle, thuộc miền nam Ấn Độ. Từ đó (1900), và suốt mười tám năm trời, Hội đã làm những gì phải làm để chuẩn bị tấn phong Cậu làm Chưởng Giáo, tức là Ông Vua Đạo của toàn thể loài người.
Trong thời gian ấy, Cậu vượt qua những bước tiến phi thường trên đường tu tập. Cậu gặp thánh Ramakrishna. Cậu gặp Phật ngồi kiết già, trang nghiêm như ngày nào trong lớp áo vàng. Cậu đi tản bộ với Phật giữa một cánh đồng tắm nắng chiều, lẫn lộn giữa người qua kẻ lại, và những con chó sủa gâu gâu. Rồi bất thần, như vừa thực hiện xong bước nhảy cuối cùng quyết định sự giác ngộ. Cậu bỗng phủ nhận thầy, chối bỏ giáo quyền, xác định bản lãnh siêu việt của bậc Vô Sư (1928). Cậu kể chuyện:
"Ngày kia có một người tìm thầy học Đạo.
"Gặp một ông dạy đạo, ông này đưa gã ta xuống một hầm sâu và dặn: Ngươi cứ siêng sắng ngồi tịnh nơi đây, đúng năm sau sẽ thấy mặt Thầy.
"Năm sau, ông kia vào hỏi gã ta đã gặp mặt Thầy chưa.
"- Thưa, đã gặp rồi.
"- Vậy ngươi ngồi tịnh thêm một năm nữa rồi sẽ nghe Thầy nói.
"Quả đúng năm sau, Thầy đến nói chuyện với gã thật.
"Ông kia lại đến dặn gã: Ngươi cần tịnh thêm một năm nữa để nghe Thầy dạy đạo.
"Trong năm ấy, gã ta được Thầy hiện đến truyền cho giáo lý.
"Rồi cuối năm thứ ba, ông kia lại đến nói với gã: Ngươi đã sống chung với Thầy, được nghe Thầy dạy đạo. Bây giờ ngươi còn phải ngồi tịnh cho đến khi nào mất luôn Thầy, lúc ấy ngươi sẽ chứng được chân lý.
Chân lý ấy là sự thật của nội tâm, không ai dạy ai được, nên không ai là thầy của ai cả, mà tự mình phải là thầy của chính mình. Đó là quan điểm tuyệt đối của Krishnamurti, nên suốt đời ông cương quyết không lập giáo, không thâu nhận học trò. Trong lịch sử, dễ thường đó là vị "giáo chủ" duy nhất dám xua đuổi đệ tử như xua tà.
Vậy, suốt mười tám năm, hội Thông Thiên Học lo liệu từng chi tiết hầu bảo đảm cho Krishnamurti được an toàn về mọi mặt; về vật chất, nhiều cung điện đồ sộ được dựng lên nhiều nơi trên thế giới; thêm vào đó còn nhiều quyền lợi bằng hiện vật đủ sức nân ông Vua Đạo lên ngang hàng với những ông vua dầu hôi, xe hơi v.v... Về tinh thần, Ông còn thống lãnh hội Cứu Tinh Đông Phương, một tổ chức quốc tế qui tụ hằng muôn muôn hội viên và tín đồ rải rác khắp thế giới. Thêm vào đó còn cái hào quang Chưởng Giáo gắn vào đầu Ông suốt mười tám năm nay, với danh nghĩa là hậu thân của Chúa Ki Tô, và hiện thân của Phật Di Lặc. Tất cả đều chuẩn bị cho ngày lịch sử: tấn phong đức Chưởng Giáo quốc tế của thế kỷ XX.
1929.
Trong khi khắp hoàn cầu hằng triệu người hồi hộp hướng về vị Cứu Tinh thì, đùng một cái, như trái bom nguyên tử, vị cứu tinh ấy - Krishnamurti - dõng dạc đứng lên tuyên bố giải tán hội Cứu Tinh, chối bỏ chức Chưởng Giáo, đập bể vòng hào quang, phủi tay trả lại tất cả quyền lợi vật chất và tinh thần. Quả là một hành động phi thường, quyết định bởi một sự giác ngộ phi thường. Hành động ấy là một sự phủ nhận triệt để, toàn vẹn, phủ nhận với tất cả ý thức trách nhiệm của một đạo tâm trước lịch sử và loài người. Ông tuyên bố:
"Chân lý là một xứ không có đường vào, nên người ta không thể đặt chân vào đó bằng bất cứ lối nào: tôn giáo, đạo phái. Đó là quan điểm của tôi và tôi giữ vững quan điểm ấy một cách tuyệt đối, không điều kiện. Chân lý vì là tuyệt đối, vô hạn vô biên, không đường tiếp cận, nên không thể tổ chức được ... Tổ chức chân lý là biến chân lý thành tôn giáo, đạo phái, thành một vật đóng khối, chết khô, đem ép vào người khác ...
"Chân lý không thể hạ thấp xuống cho vừa tầm cá nhân, mà chính cá nhân phải cố gắng vươn lên Chân lý. Không ai có thể đem đỉnh núi hạ thấp xuống thung lũng bao giờ. Muốn lên đỉnh núi, phải từ thung lũng níu sườn núi thẳng đứng mà leo lên, đừng sợ vực thẳm hiểm nguy. Phải với lên Chân lý. Chân lý không thể hạ thấp theo ông, theo những tổ chức của ông ...
"Tổ chức nào rồi cũng sẽ biến thành một khuôn khổ thuận tiện cho các hội viên khép mình vào đó. Họ không thèm cố gắng vói lên Chân lý mà chỉ lo đào lếu láo một tổ ấm để tự ý họ, hoặc vâng theo ý người khác, chui vào đó mà nằm khểnh, ỉ lại vào tổ chức sẽ đưa họ đến chân lý. Đó là lý do thứ nhất khiến tôi quyết định giải tán Hội Cứu Tinh.
"Nếu vì mục đích ấy mà người ta dựng lên một tổ chức thì tổ chức ấy sớm muộn gì cũng biến thành một nạng chống, một vật chướng ngại làm què quặt cá nhân không lớn lên nổi, không xác định được bản lĩnh độc đáo của mình, tức là bản lĩnh nhằm tự lực tìm ra cho chính mình cái Chân lý tuyệt đối và không điều kiện ấy. Đó là lý do thứ nhì khiến tôi, người cầm đầu Hội Cứu Tinh, quyết định giải tán Hội.
"Tôi chỉ chú ý đến điều cốt yếu này là giải phóng con người, giải phóng khỏi tất cả chậu lồng, tất cả lo sợ, chứ quyết không phải là lập giáo, mở phái, hoặc đưa ra một luận thuyết triết học mới.
"Hẳn các ông lại hỏi nếu thế thì tôi đi du thuyết làm gì, tôi xin đáp: Không phải để rủ người theo tôi, càng không phải để kết nạp một số môn đồ chọn lọc thành một nhóm kỳ đặc. Vẫn hay đời ai cũng muốn khác hơn thường tình, dầu chỉ khác một cách quá lố và tồi, và phi lý; sự phi lý ấy, tôi không khích lệ. Tôi không có sứ đồ.
"Có một ông nhà báo đến phỏng vấn tôi tỏ vẻ ngạc nhiên sao tôi lại giải tán một tổ chức có đến hàng muôn muôn hội viên. Ông ta còn hỏi: "Rồi đây ông sẽ làm gì? ông sống bằng cách nào? rồi sẽ còn ai theo ông nữa?". Đây này, tôi xin nói cho các ông rõ: "Chỉ cần năm người chịu nghe, chịu sống (theo Chân lý), đầu hướng đến cái Vô Cùng, thế là đủ rồi". Ích gì có đến hằng muôn người không hiểu gì hết, mảng lo ướp mình giữa những thành kiến đến không còn biết khao khát cái mới cái lạ là gì, đã vậy còn muốn sao cho cái mới cái lạ ấy được ép nhỏ lại cho vừa tầm bản ngã bít bùng và khô cằn của họ. Tôi nói với các ông hơi nặng giọng chút, nhưng xin các ông hiểu cho rằng đó chẳng phải do tôi thiếu từ tâm đâu. Một ông thầy thuốc có bao giờ từ chối một cuộc giải phẫu chỉ vì sợ làm đau cho con bịnh? Cũng vậy, sở dĩ tôi nói thẳng, không quanh co, ấy chẳng phải vì tôi thiếu lòng nhân, trái lại là khác.
"Như đã nói, tôi chỉ có một mục đích, làm sao cho con người được tự do, thúc giục họ đạt đến tự do, giải phóng khỏi mọi giới hạn, vì chỉ có vậy con người mới được hạnh phúc trường cửu, mới thành tựu được cái chân thực của chính mình.
"Vì lẽ tôi đã được tự do, tự tại, trọn vẹn, vì lẽ tôi là Chân lý, Chân lý bất diệt, không phải vụn vặt, tương đối mà là toàn diện, nên tôi mong rằng mọi người tìm hiểu tôi đều phải được tự do chứ chẳng phải theo tôi, đừng mượn tôi làm chiếc lồng nhốt tôn giáo, đạo phái.
"Tôi lặp lại: ý tôi muốn làm cho con người được tự do tuyệt đối, vì tôi tin chắc rằng đời sống đạo chỉ nhắm vào đức liêm chính của tâm linh; tâm linh ấy vốn bất diệt, thường còn; đời sống ấy là sự hòa hiệp giữa lý và tình. Đó là Chân lý tuyệt đối. Chân lý ấy, chính là cuộc sống. Vậy tôi muốn giải phóng con người được vui tươi như chim bay giữa trời xanh, không vướng víu nặng nề, độc lập ngây ngất giữa sự tự do ấy.
"Các ông mảng tin rằng có đôi người nào đó độc quyền nắm chìa khóa cửa Cực Lạc. Không ai nắm được đâu, mà cũng chẳng ai có được cái quyền ấy. Chìa khóa ấy ở ngay trong người các ông. Các ông cứ khai thông, cứ gạn lọc, cứ nhất quyết liêm chánh một lòng là sẽ thấy Cực Lạc.
"Tôi nhất định giải tán Hội... Các ông có thể lập lại những hội mới, chờ rước người khác. Điều ấy tôi không quan tâm; tôi không muốn đan thêm lồng mới, mà cũng không muốn sơn son phết vàng những lồng ấy. Tôi chỉ chú tâm vào một việc này là giải phóng con người, là làm cho họ được tự do, tự do tuyệt đối và không điều kiện.
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip