9. Nồi súp nấu lại trên bếp lò gạch

Trần Minh Hiếu rút một chiếc khăn tay ra khỏi túi, lau cán thanh kiếm bạc vẫn đang ở nguyên trong vỏ, tiện thể lau đi lau lại hai bàn tay. Hắn bước ra khỏi xe ngựa, thanh kiếm dài chống xuống nền đất bụi của bến cảng. Những trạm thu thuế đã được lập nên, lính từ các lâu đài được cắt cử ra để kiểm tiền, đứng yên hàng giờ thu những đồng bạc, đồng vàng, đồng đồng loảng xoảng rơi ra khỏi tay những vị đạo mạo tới thành phố. Minh Hiếu nhếch môi hài lòng. Với mỗi người dân ở lại Sơn Thu một tuần, hắn tốn khoảng chưa đầy một đồng vàng để tiếp đón dưới danh nghĩa chủ nhà hiếu khách hào phóng; trong khi đó phí bảo vệ tính mạng cho chính bản thân những người đó đã là một đồng vàng. Dĩ nhiên, chủ ngân hàng Trần Minh Hiếu không bao giờ tham nhũng. Số tiền thừa ra từ tiền chống cướp biển sẽ được dùng để đón tiếp các Giáo Hoàng và Hội Công Giáo. Bản thân hắn còn phải bỏ thêm.

"Anh nói xem, kế hoạch của anh có hoàn hảo không?" Anh Tú nheo mắt, mỉm cười, đứng bên cạnh hắn. Hắn rất hài lòng với sự có mặt của anh. "Có một chút không phải sự thật nhỉ?"

"Làm gì có." Hắn cười nhạt. "Chẳng phải là đã có cướp biển tấn công rồi hay sao? Ta chẳng đã cùng chồng anh giải chúng đến cho nhà vua một tuần trước à? Hoàn toàn công khai và minh bạch, dân chúng đều nhìn thấy hết."

Đôi mắt trong vắt màu nâu sậm nhìn thẳng vào hắn. "Anh là một kẻ nói dối rất chân thực."

"Quá khen rồi."

Hắn mỉm cười nhìn thẳng vào Anh Tú. Anh rất đẹp. Nếu như không phải vì sự tồn tại của Lư Thanh Vũ, hắn đã cưới anh từ một tuần trước rồi. Anh đẹp, cái tên anh có sức nặng, có giá trị. Tuy nhiên hắn chỉ càng muốn anh hơn khi anh là phu nhân của Thanh Vũ. Nếu một ngày gã đàn ông đáng khinh rẻ ấy không tồn tại nữa, bất kỳ ai nắm tay Bùi Anh Tú vào lễ đường cũng sẽ có được cả bến cảng và toàn bộ chức vụ liên quan tới xuất nhập khẩu.

Lư Thanh Vũ có một người em, nhưng đó là điều dễ giải quyết nhất mà Minh Hiếu có thể thấy được. Hắn nheo mắt.

"Cảm ơn anh đã tới đây cùng ta để kiểm tra bến cảng. Khen nữa thì thừa, nhưng anh rất đẹp."

Anh Tú nở một nụ cười ngu ngốc, tay anh ta luồn vào trong mái tóc đen bay lung tung. Hai tai anh đỏ bừng, anh cắn cắn môi. Trần Minh Hiếu không ghét những kẻ ngu ngốc, nếu họ dễ đối phó. Nhưng anh là một ngoại lệ. Không cần biết anh có ngu ngốc hay không, dễ hay khó đối phó, hắn vẫn không ngứa mắt với sự tồn tại của anh.

Ngược lại, hắn rất tận hưởng sự tồn tại ấy, và cho rằng nếu không có giai nhân này thì thành phố của hắn sẽ là một thứ trống rỗng gì đó khác chứ không phải thủ phủ nữa.

"Khăn vấn cổ của anh đẹp quá. Lụa ở đâu vậy?" Minh Hiếu sờ vào chiếc cổ nhỏ được che kín đằng sau chiếc khăn màu lam quấn nhiều vòng. Anh Tú giật mình. "Có thể cho ta xem được không?"

Anh Tú lẽ ra đã lùi lại và từ chối từ lâu rồi, nếu cái chạm đó không đến từ Trần Minh Hiếu. Hắn nắm lấy nút buộc, kéo tuột chiếc khăn ra khỏi cổ anh. Cả hai bàn tay nhỏ bé trắng trẻo của anh vội vã đưa lên ngay lập tức, tự ôm lấy cổ mình. Khuôn mặt anh tái mét.

Đốt thứ hai ngón trỏ của vị chính khách Minh Hiếu sờ nhẹ vào cổ anh. Hắn nheo mắt, nhăn mày. "Tội nghiệp." Hắn nói. "Anh có thể kể cho ta nghe không? Dù là ai đã làm vậy với anh, ta cũng sẽ khiến hắn phải chịu công lý của Nhà Vua. Hoặc tự ta sẽ thi hành lấy."

Giọng nói của hắn chẳng có một chút chân thành nào. Nhưng hắn biết rằng Anh Tú đang tự vẽ ra cả một biển cả ân cần và quan tâm trong đầu.

Dù anh đã đưa cả hai tay lên che, dấu vết vẫn lộ ra. Vết bầm lớn hình hai bàn tay hằn rõ trên cổ anh, khiến nó xấu xí đi bội phần. Minh Hiếu nhẹ nhàng buộc lại chiếc khăn lụa xanh lên cổ anh để anh khỏi phải đưa tay che.

"Không có việc gì cả." Mãi một lúc sau anh mới trả lời, nói lí nhí. "Ngài chủ quản đừng xen vào việc của tôi. Anh càng quan tâm thì mọi chuyện càng rắc rối hơn thôi."

Một cơn đau nhỏ nhói lên trong lồng ngực hắn khi anh nói như vậy. Hắn nổi giận, nhưng không giận anh. Hắn tự hỏi từ khi nào hắn suốt ngày ám ảnh câu chuyện của chính mình khi 17 tuổi.

"Ăn đi, chàng trai." Anh thợ dệt tháo tạp dề nấu ăn màu ngả xám ra khỏi người, rồi dùng hai tay bưng nồi súp thập cẩm cỡ vừa đặt lên bàn. Anh mỉm cười, nụ cười tươi nhất mà chàng thiếu gia có thể nhìn thấy trong một thời gian dài sau ấy. "Súp nấu lại và bánh mì nướng. Lâu rồi chưa ăn ngon vậy hả?"

Minh Hiếu nhìn anh ngây ngốc. Rồi hắn cúi xuống nhìn sáu lát bánh mì lạt nướng và nồi súp thập cẩm. "Ngon quá." Hắn nói, dù không thực sự nghĩ vậy. Anh ta thực sự tưởng hắn là một hoạ sĩ nghèo lang thang, nhưng hắn không phải. Hắn thắc mắc liệu có nên nói thật cho anh ta nghe.

Nhưng Trần Minh Hiếu ghét chính cái thằng thiếu gia đó. Hắn ước mình không phải người ấy. Tại sao hắn lại phải đóng cái vai ấy ngay cả khi đang trốn chính cha mình trên khắp những đường phố Phù La? 

Hắn múc một muỗng súp vào bát. Chiếc bát có màu đen, bằng sứ, khá đẹp. Hắn lắng nghe anh thợ dệt xinh xắn nói về chiếc bát được mua ở tận Sơn Thu.

'Có lẽ sau này tôi sẽ gửi anh một bộ đồ sứ làm ở Sơn Thu.' Hắn thầm nghĩ. 

"Đêm hôm qua ngủ ngon không?" Anh Tú hỏi. "Nhà có mỗi một giường, cậu phải nằm nệm dưới đất. Có bị lạnh không?"

"Không." Hắn nói. "Mọi khi tôi còn ngủ bụi mà."

Anh Tú bật cười khúc khích. Hôm nay anh rất vui. Đúng nửa đêm hôm trước, anh đã hoàn thành bức tranh dệt và đem tới nhà lão quý tộc già đang tức giận. Khi ấy biết tên 'hoạ sĩ nghèo' đã chạy đi đâu cũng chẳng có ích gì nữa, ông ta mặt mày méo xệch, đồng ý bỏ qua cho Anh Tú. Minh Hiếu ngủ lại nhà anh đêm ấy.

"Ăn đi." Khuôn mặt anh thợ dệt nom thật háo hức.

Hắn đổ một muỗng súp lên lát bánh mì nướng giòn, đưa lên miệng cắn. Ồ, nó không phải một đợt bùng nổ hương vị. Không có hương đầu, hương giữa, hương cuối, hậu vị như các huyền thoại mà hắn từng ăn thử. Đôi khi thức ăn cao cấp giống hệt nước hoa là vậy. Nó không khiến nước bọt hắn tứa ra lung tung. Nó cũng không phải sự thơm lên đến tận xương sống mũi.

Nhưng nó chắc chắn là mùi vị của sự ấm cúng. Vị của cà chua, đậu hạt, khoai tây và một miếng thịt nạc nhỏ xíu cùng với nước sốt có phô mai thực sự rất ấm. Có lẽ hắn bị bỏng lưỡi, nhưng hắn sẽ muốn ăn những món như thế này mãi mãi.

Nếu vượt qua một ngày khó khăn rồi, hắn cũng không cần đùi cừu nướng thảo mộc, có lẽ chỉ cần một nồi súp nấu lại và ba lát bánh mì nướng giòn. Vậy là ôm cái bụng vừa no vừa ấm đi ngủ.

"Mấy..." Hắn mở miệng hỏi. "Mấy giờ tôi phải đi nhỉ?"

Anh Tú đứng lên từ nãy, đi lấy mấy trái ôliu khô, chống nạnh nhìn hắn, trông như một bà cô mà hắn sẽ luôn cười khúc khích khi nhìn thấy khi hắn 50 tuổi, mở cửa nhà. "Trộm vía chưa?" Anh hỏi. Quần anh dính một chút bột mì. Anh nhìn rất xinh. "Cậu cứu tôi một đời đó. Cứ ở đây đến khi cậu muốn rời đi. Mấy cậu chẳng thích phiêu lưu lắm à?"

Hắn mỉm cười. "Tôi thích ở đây hơn. Lâu lắm rồi không được ăn ngon thế này."

Nụ cười trên mặt anh lại mở ra. Mắt hắn cay cay. Mười bảy tuổi, người ta dễ xúc động như thế.

Hắn ở trong nhà anh ba ngày chẵn. Ban ngày, hắn có thể rời khỏi nhà đi tụ tập với đám hoạ sĩ trẻ lang thang và bọn kiến trúc sư nghèo tài năng đến nỗi triều đình sẽ hoảng hốt. Buổi trưa, hắn về nhà anh để ăn đồ anh nấu. Buổi chiều, hắn nằm gối đầu lên đùi anh khi anh khâu những chiếc khăn tay thủ công. Anh rất đẹp.

Họ ở với nhau ba ngày như một gia đình.

Đêm đầu tiên, Anh Tú ngủ trên giường, Minh Hiếu trải nệm nằm dưới bếp. Đêm thứ hai, anh vẫn ngủ trên giường, nhưng hắn tha gối và nệm vào nằm ngay dưới chân giường anh. Đêm thứ ba, hắn ôm anh từ sau lưng ngủ. Họ chẳng làm gì vượt quá giới hạn, chỉ ngủ.

Minh Hiếu của sau này sẽ không bao giờ làm như thế.

Giữa trưa ngày thứ hai ở với nhau, Minh Hiếu ngồi trên một chiếc ghế bành bị rách, miệng cắn một cây hoa cỏ lau, ngủ gật. Lát sau, hắn giật mình tỉnh dậy và thấy Anh Tú ngồi trước một khung tranh, tay cầm cọ, nhìn hắn chằm chằm bằng đôi mắt âu yếm.

"Vẽ em đấy à?" Họ đã xưng hô thân thiết hơn hẳn. Minh Hiếu ngồi dậy.

"Đừng cử động." Anh mỉm cười. "Vẽ em." Anh đồng tình.

Hắn nằm yên cho anh vẽ tới 5 giờ chiều. Rồi sau đó họ ngồi kiểm lại số tiền cả hai kiếm được trong ngày nhờ bán các sản phẩm dệt và những lần rời khỏi nhà 'ra chợ' của Minh Hiếu.

Khi ở cạnh Anh Tú, hắn quên hết mọi thứ. Hắn quên mất mấy ông Giáo Hoàng, quên mất cha mình, quên mất Phạm Anh Quân. Hắn quên luôn cả ngân hàng, sổ sách, và đặc biệt quên mất sự thật là trong mắt gia đình, hắn đã biến mất được 3 ngày.

Hắn mua cho Anh Tú một chiếc vòng cổ gỗ dệt mỏng, thêu tinh tế. Cái vòng này cũng rẻ thôi. Hắn mà mua đồ đắt là lộ chết. Minh Hiếu lồng thêm một mặt con thoi nhỏ vào để anh nhét gì đó vô trong. Khỏi phải nói, hắn thừa biết anh nhét bức tranh anh vẽ hắn vào trong.

Ở với nhau rất hạnh phúc.

Ngày nào hắn cũng được ăn đồ anh nấu. Ngày nào thực đơn cũng có bánh mì lạt nướng. Đôi tay khéo léo của anh làm cho bánh mì không còn lạt nữa bằng các thứ đồ ăn kèm.

Ngô xay, súp, cà chua xào và đủ thứ. Ở bên anh không có rượu vang, hiếm lắm mới được ăn thịt, nhưng hắn đã quên luôn cả sự tồn tại của món thịt.

Đi ra ngoài làm việc rồi về nhà. Cứ như vậy hết ba ngày.

Đêm thứ tư, đêm cuối hắn ngủ ở nhà anh, hắn ôm anh và nói: 

"Anh Tú, ngày mai em phải ra hội nghệ sĩ có ít việc. Có thể em sẽ phải đi tới đêm đấy."

"Không về ăn tối à?" Anh thủ thỉ.

"Anh cứ nấu phần em nhé." Hắn cười, rúc vào anh. "Em về ăn nguội cũng được. Còn hơn chịu đói. Ở đây thích thật."

Anh Tú đỏ mặt không trả lời, anh ôm chặt người thanh niên mà anh nghĩ sẽ trở thành người đàn ông của anh một ngày nào đó trong tương lai. "Ở đây thích thì cứ ở đây."

Minh Hiếu thầm nghĩ là không được. Hắn không được ở đây mãi. Hắn đã nhìn thấy những cáo thị. Cha hắn rải cáo thị tìm kiếm khắp nơi. Ai tìm thấy hắn thì được những 100 đồng vàng. Và Phạm Anh Quân có lẽ cũng đang rất lo lắng. Hắn đã biến mất quá lâu rồi.

Hắn định bụng ngày mai sẽ đến gặp cha hắn, gặp các Giáo Hoàng một ngày cho họ khỏi lo, rồi quay lại với anh.

Hắn biết câu chuyện này sẽ không kéo dài đến đâu cả. Chỉ một tuần nữa là hắn phải về Sơn Thu. Đến khi ấy thì làm gì có cách nào?

Đôi khi lý trí của Minh Hiếu bảo với hắn rằng cứ đi đi, đi khỏi nhà anh vào sáng mai, hắn đã dặn anh như vậy rồi mà, đi và không quay lại nữa. Hắn sẽ kín đáo để lại một lá thư. Anh sẽ buồn lắm, nhưng làm gì còn cách nào khác.

Nhưng con tim hắn bảo hắn đi gặp mọi người rồi lại quay lại nhà anh.

Khi mặt trời lên, Minh Hiếu dậy trước Anh Tú, rời khỏi cơ thể thơm và ấm của anh. Hắn bắt đầu dọn dẹp đồ đạc của mình, gói ghém vào túi. Hắn mò tìm lại túi bạc, nó còn nguyên. Hắn hôn lên tóc anh rồi bước ra cửa.

Nhưng hắn không biết thực đơn sáng nay anh sẽ cho hắn ăn gì. 

Hắn ngồi bệt xuống trước cửa nhà anh, hai mắt mở to, cố để không khóc.

Khi Anh Tú dậy, Minh Hiếu vẫn chưa đi. Đi rồi không biết hắn có quay lại không, nên hắn quyết ăn với anh một bữa sáng đã.

"Sáng nay ăn gì thế?" Hắn hỏi.

"Không có bánh mì nữa đâu. Tôi ngán bánh mì rồi." Anh Tú bĩu môi. "Hôm nay là cuối tuần, mọi cuối tuần tôi đều ăn thịt nguội và bánh quy hạnh nhân."

"Trời ơi." Hắn mỉm cười. 

Anh Tú dọn ra một đĩa thịt nguội cho cả hai người. Thịt nguội chẳng có mùi gì cả, nhưng rất ngon. Có lẽ thịt này là thịt dê. Bánh quy hạnh nhân (phiên bản nông dân) không ngọt vì không có đường kính chất lượng, cũng không có mùi vani như hắn vẫn thường ăn. Nó nhạt và có mùi mật ong thoang thoảng. Minh Hiếu thường ăn bánh quy hạnh nhân phủ đường cát xay và nhúng rượu vang trắng, nhưng khi này, ăn không có vẻ rất rất ngon.

"Anh Tú." Hắn nói. "Hơi khô."

Anh bật cười, cười như nắc nẻ. Rồi anh dọn ra một nồi súp nhỏ. 

"Còn lại từ tối qua. Em ăn đi." Anh nói. Khuôn mặt anh rất đẹp, hắn cảm thán rất nhiều lần.

Ăn sáng xong, Minh Hiếu rời khỏi nhà anh, đi về dinh thự. Có lẽ đây là lúc xả vai. Hắn không phải chàng nghệ sĩ nghèo hạnh phúc ấy.

Hắn gặp cha hắn và xin lỗi ông đàng hoàng. Ông nghiêm túc đồng ý, răn đe hắn không được mải rong chơi (hắn nói dối như vậy) mà quên việc học làm một chính trị gia. Phạm Anh Quân ở dưới phòng hầu cứ mãi nhìn hắn bằng đôi mắt dè chừng và lo lắng. Khi ấy Anh Quân không được sống trong dinh thự của hắn như sau này. Người hoạ sĩ ấy chỉ đôi khi được vào chung với nơi ở của những người hầu. Hai năm sau đó, Minh Hiếu mới đón Anh Quân vào dinh thự dưới danh nghĩa một hoạ sĩ tập sự làm việc cho gia tộc.

Đêm hôm đó, Minh Hiếu không trốn đi gặp Anh Tú được. Hắn bị canh gác quá chặt ở trong nhà, thậm chí không thể trốn ra gặp Anh Quân. Hắn lo lắng và thầm nhớ món súp nấu lại của Anh Tú.

Hắn không yêu anh, nhưng anh là một phần quan trọng của cuộc đời hắn. Để yêu anh, hắn cần thêm thời gian - dĩ nhiên là vậy. Họ mới ở với nhau bốn ngày.

Hắn cũng không biết rằng anh yêu hắn.

Sáng hôm sau, ngay khi mặt trời lên, hắn lao ra khỏi nhà, chạy hùng hục trên những con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo, lát gạch nhấp nhô. Hắn chạy tới nhà Anh Tú.

Nhưng ở nơi từng là nhà anh giờ chỉ còn là một đống đổ nát.

Khói bốc lên thành hàng ở dưới những miếng ván gỗ cháy đen chồng lên nhau một cách vô tổ chức. Chiếc ghế bành bọc vải đỏ mà hắn ngồi khi anh vẽ hắn bị vứt chỏng chơ bên cạnh đống đã từng là căn nhà, bị cháy xém một nửa. 

Căn bếp sập xuống thành một đống gỗ và gạch vụn. Bếp lò đá giờ đây chỉ còn là một hố sâu, đen ngòm với những mảnh than cháy xém. Từ ấy, khói nghi ngút bốc lên, chẳng có mùi bánh mì nướng nữa. Những mảnh vụn tội nghiệp hoàn toàn bất lực, chẳng níu lấy được cái gì từ ngôi nhà xinh đẹp của anh.

Minh Hiếu quỳ sụp xuống trước đống đổ nát. Ai đó tới gần hắn từ phía sau. Rất nhiều 'ai đó'.

"Chuyện gì xảy ra vậy?" Hắn hỏi. Hai người phụ nữ mặc tạp dề trắng dính đầy bột và một gã hai tay đầy tro nhìn hắn chằm chằm.

"Cậu là ai thế? Quý tộc à?" Họ nói, sự ác cảm hằn lên khuôn mặt họ.

Minh Hiếu còn chưa kịp trả lời, người đàn bà to béo hơn đã ném một đống hành vào mặt hắn. "Ngài đi đi cho! Nhân dân chúng tôi đâu có cần ngài."

Hắn há hốc mồm. Người phụ nữ còn lại cũng đang kích động. "Trời ơi! Đến cái thị trấn này làm gì không biết!" Chị ta than vãn. Một vài người khác cũng kéo đến, khuôn mặt đưa đám. Chị kia lại kêu lên: "Đi đi! Chỉ làm khổ làm sở người dân."

Hắn sững sờ. Chỉ sáng hôm qua, mọi chuyện còn bình thường. Bây giờ, ai cũng có vẻ kích động, và ngôi nhà của Anh Tú đã nát vụn. Hắn không tìm thấy anh đâu.

"Cho.." Hắn lắp bắp. "Cho tôi hỏi đã. Anh thợ dệt đâu rồi?"

"Còn chẳng phải tại anh đấy ư!" Một bà cô kêu lên. "Đến khổ! Nó bị đuổi đi rồi. Anh cũng cút luôn đi! Đừng có đến đây nữa."

Hắn còn chưa kịp qua cơn sốc, họ đã bắt đầu quá sức chịu đựng. Họ ném bất cứ thứ gì có thể ném vào người hắn - cả hành tây, mấy miếng pho mát ăn dở, những vụn gỗ giờ còn nóng, vài viên sỏi, và cả những lát bánh mì.

Minh Hiếu thét ầm lên và tuốt kiếm để tự vệ. Lưỡi kiếm bạc sáng bừng. Người dân sợ hãi lùi lại, nhưng càng lúc họ càng kích động hơn.

Một tiếng tù lớn vang lên. Ai cũng giật mình. Trước sự ngạc nhiên của Minh Hiếu, người dân dạt sang hai bên, vừa có vẻ căm ghét lại vừa có vẻ kính nể, sợ sệt. Lộ ra sau những con người khốn khổ ấy là đoàn người của cha hắn.

Cha hắn mặc áo choàng đen. Ông cưỡi ngựa, đẹp một cách uy nghiêm. Nhìn ông rất trẻ và đẹp. Thanh kiếm ông giắt bên hông rất lớn. Đứa con trai ngỗ nghịch ngu ngốc của ông sụp xuống, không dám đối mặt với bất kỳ ai, không dám đối mặt với cha mình.

Cái nhìn nghiêm nghị trên mặt người đàn ông khiến hắn ngẩng lên nhìn. Đó quả thực là một bài học kinh khủng.

"Vậy là chuyện đó xảy ra ngay buổi trưa khi ta đi khỏi ư?" Chàng thiếu gia hỏi. Khuôn mặt Minh Hiếu nhăn nhó lại trong cơn đau đớn. "Kể rõ ta nghe đi. Chẳng ai kể cả. Anh ấy đi đâu rồi?"

Phạm Anh Quân nhìn hắn rồi lại ngồi bó  gối. Người hoạ sĩ nghèo trẻ tuổi hơi run. 

Hai người ngồi dựa vào chuồng ngựa. Câu chuyện bắt đầu được kể ra từ khi bóng chiều đổ xuống đến tận nửa đêm khi Minh Hiếu bắt đầu đói và nhớ mùi món súp nấu lại nóng hổi.

Buổi trưa hôm ấy, cha hắn tìm ra nhà Anh Tú. Mọi lời nói dối chẳng có ý nghĩa gì. Ông thừa biết hắn là người như nào, và hắn luôn khao khát tự do ra làm sao, và một người con trai đẹp có thể để lại hậu quả thế nào. Ông chẳng mất nhiều thời gian để tìm đến nhà anh thợ dệt.

Chẳng có lời nào để diễn tả cái khuôn mặt xinh xắn của anh ta đã phản ứng ra làm sao khi anh nhìn thấy vị chủ quản ngân hàng lớn nhất Sơn Thu (khuôn mặt ông in trên đồng xu bằng đồng) đang đứng trước cửa nhà, sau lưng là cả một đám lính. Thậm chí chiếc cửa gỗ nhỏ xinh của nhà anh ta còn khiến ông phải khom người xuống mới đi qua.

Ông nói chuyện với anh đầy lễ độ và tôn trọng, thậm chí dùng tay trần để đỡ anh dậy khỏi sàn nhà khi anh quỳ xuống chào. Ông hôn tay anh và dành cho anh những lời khen rất lịch sự. Ông khéo léo từ chối uống rượu của nhà anh, từ chối dùng bánh mì và các món khác nhà anh để tránh các luật làm khách. 

Khi anh cuối cùng cũng hỏi ông tới để làm gì, ông từ tốn kể lại câu chuyện về thằng con trai 17 tuổi tốt bụng nhưng dại dột của ông. Khỏi phải nói anh thợ dệt hoảng loạn đến thế nào khi biết một quý tộc trốn khỏi nhà để đến ở với mình những bốn ngày.

Người đàn ông già đạo mạo giải thích cho anh rằng những việc Trần Minh Hiếu làm là sai, là phá huỷ tương lai của hắn và tương lai của cả gia tộc. Anh thợ dệt bật khóc, quỳ xuống xin tha. Anh xin tha cho tội lỗi của hắn trước, rồi mới xin tha cho cái mạng cỏn con của mình sau.

Cha hắn nghiêm túc gật đầu, nói sẽ không phạt hay làm đau hắn, thề rằng cũng sẽ không giết anh. Ông nói ông sẽ không triệt đường sống của anh vì đã rù quến đứa con ngu ngốc của ông.

Và quả thật ông giữ đúng lời hứa.

Đám lính lôi Anh Tú ra khỏi nhà anh. Cơ thể bé nhỏ của anh thợ dệt 23 tuổi trẻ măng không chống cự được sức lực của từng ấy người đàn ông. Cha hắn đích thân coi chừng, không để đám lính làm những điều xằng bậy với anh. Không có vụ cưỡng bức nào, chỉ có một tên lính cố ý kéo tuột áo anh và đã bị lôi đầu đi đâu đó mà chỉ cha hắn biết.

Anh Tú bị trói vào một chiếc cọc gỗ và bị đánh bằng roi. Anh không gào thét, phần vì sợ nhục nhã, phần vì quá mệt không kêu lên được. Chẳng biết được anh có kịp nghĩ ngợi gì không, chỉ biết anh rên rỉ rất nhiều và anh khóc. Họ phá nhà anh, đốt nhà anh và đánh đập anh công khai trước mặt bàn dân thiên hạ. Những giờ phút hành hạ kéo dài cả thế kỷ. Phạm Anh Quân nấp sau hàng bột mì, chỉ dám nhìn có một nửa rồi vội vàng quay mặt đi. Chẳng còn ý nghĩa gì ở cái hành động nghĩa hiệp của họ dăm hôm trước. Nước mắt chảy ròng ròng trên khuôn mặt chàng hoạ sĩ nghèo. Anh ta rất sợ hãi. Sợ hãi cho chính mình và sợ hãi cho người thợ dệt tội nghiệp.

Khi dây thừng được cắt đứt ra, Anh Tú ngã nhào xuống đất. Không ai đỡ anh. Người anh đầy máu. Anh không chửi bới gì, vì anh sợ hãi, nhưng cũng vì anh biết như thế này là tốt lắm rồi. Ít nhất anh còn sống. Anh khóc nức nở khi căn nhà của anh đổ sập xuống. Anh còn chẳng dám nhìn.

Phạm Anh Quân quay ra nhìn khi người cha nghiêm khắc và kỷ luật đến đáng sợ của Trần Minh Hiếu đặt vào tay Anh Tú ba đồng vàng.

"Đó là răn đe anh." Ông nói một cách lịch sự. "Và cũng là một bài học cho con trai ta. Đi ra khỏi thành phố này đi. Đừng bao giờ quay lại thành phố này hay Sơn Thu khi ta còn sống, vì khi ấy ta sẽ bêu đầu anh nhúng vào hắc ín đấy."

Nước mắt Anh Quân ướt gò má khi Anh Tú quỳ sụp xuống, mái đầu đen thẫm xinh đẹp chạm đất. Có lẽ anh đang tạ ơn người ta cho anh một đường sống.

Và không ai gặp người thợ dệt thêm một lần nào nữa. Người dân khóc rất nhiều.

"Vậy à." Minh Hiếu nói, hai tay bứt rứt giật giật chiếc khăn tay khi nghe kể lại. "Cay đắng thật đấy. Ta cũng không trách được cha ta."

"Tôi cũng đâu có trách cha anh." Anh Quân phân bua. "Ông ấy làm vậy có quá kỷ luật thì cuối cùng cũng vẫn là cả một thành phố hưởng lợi. Một người thợ dệt đâu có là gì so với hàng ngàn người của Sơn Thu."

"Hàng trăm ngàn người." Minh Hiếu sửa lại, nheo mắt. Anh Quân giật mình nhìn hắn. Chàng trai 17 tuổi này vẫn vậy, nhưng có gì đó khang khác. Thông tin ấy cũng đâu quan trọng đến độ cần phải sửa lại. "Phải biết rõ về thành phố chứ."

Anh Quân không nghĩ rằng một linh kiện nào đó bên trong con người có thể hỏng nhanh đến thế, và anh lại càng không nghĩ linh kiện ấy hỏng rồi người ta lại thay đổi nhiều đến thế.

Khi ấy anh vẫn chưa nói được Minh Hiếu thay đổi ở đâu, anh chỉ cảm nhận được điều đó. Sau này nếu hỏi lại, anh sẽ nói rằng Trần Minh Hiếu đã thay đổi kể từ khi anh kể cho hắn nghe câu chuyện đáng buồn mà hắn đã gây ra cho người thợ dệt đáng yêu.

"Thôi. Coi như một bài học cho ta." Hắn nói. "Để ta tỉnh mộng đời nghệ sĩ. Ta sinh ra để làm chính trị gia, làm chính khách, học giả, nhà đầu tư, chủ ngân hàng. Ta hợp với việc ấy nhất. Có lẽ trời đất cũng không muốn ta cứ lông bông theo những người như anh ta."

"Anh có yêu người thợ dệt đó không?" Anh Quân dò hỏi.

Minh Hiếu lắc đầu. "Nhưng mà là vì ta mà cuộc đời của anh ta thành ra như vậy. Ai mà biết sau này anh ta sống ra sao? Mất nhà mất cửa, một mình, lại thương tật... Ta phải chịu trách nhiệm với anh ta bằng cách sửa lại chính mình chứ."

"...Nghĩ vậy cũng được." Anh Quân trả lời.

Khi Phạm Anh Quân đi rồi, mùi tỏi xay và bánh mì nướng giòn lại vương vào mũi Minh Hiếu. Hắn thấy cay hết cả mắt mũi. Có lẽ là do cái mùi tỏi tưởng tượng ấy.

Ôi, nồi súp hắn sẽ chẳng bao giờ được nếm lại trong đời nữa. Hắn không biết là cơn đói hay cơn đau lòng đang làm hắn quặn hết cả ruột gan.

Bánh mì lạt sẽ mãi là bánh mì lạt thôi. 

Lòng hắn chứa chan bao nhiêu câu xin lỗi, nhưng hắn vứt hết chúng đi, giả vờ như thể bản thân may mắn lắm mới vượt qua sự ngu ngốc và thiển cận của chính mình. Hắn sẵn sàng trả một ngân hàng để được quay lại chiếc bàn bệt với sáu lát bánh mì nướng và nồi súp nấu lại nóng hổi màu đỏ cam. Sẽ không ai làm món súp ấy nữa, và có tả thế nào thì đầu bếp cũng không làm ra được.

Bánh mì thì hắn muốn ăn với súp cho khỏi nhạt, nhưng bánh quy hạnh nhân thì hắn cứ muốn vừa nhạt vừa khô.

Bàn tay của anh ta mềm và trắng, không nhỏ hơn tay hắn là bao nhưng hắn rất ưa cầm. Có lẽ anh đã đốt phứt cái dây chuyền thằng khốn nạn ấy mua cho anh.

Minh Hiếu vờ như không quan tâm đến anh nữa. Hắn tự nhắc mình 'đây là một bài học' để cho rằng mình trả giá rất đáng. Nhưng cái mùi súp nấu lại cứ len vào mũi và cảm giác cay nồng nóng hổi của từng thìa canh làm nước mắt chảy, và cơn đói làm ruột hắn quặn lên.

Hắn ngồi đó, bó gối và sụt sịt. Hắn đổ lỗi tất cả là do thằng mười bảy tuổi ngu muội. Hắn nghĩ thật may mắn khi giờ đã tỉnh giấc mộng. Hắn tự lừa mình rằng hắn không khóc, chỉ là tự nhiên nó thế thôi.

Cuối cùng hắn chịu thua và khóc nức nở bên cạnh chuồng ngựa. Món súp ấy hắn sẽ không bao giờ được ăn lại nữa.

Hắn không biết là tự do và yêu thương ai đó, khao khát một cuộc sống bình yên có gì là sai. Nhưng giờ hắn đã biết là nó sai rồi.

Minh Hiếu tự đóng dấu sắt nung biểu tượng của gia tộc vào tay để khỏi quên rằng từ giờ phải sống ra làm sao, phải làm người đàn ông thế nào, để chỉ yêu di sản của chính mình. Hắn đau, và nhục. Nên hắn lại ngồi khóc. 

Hắn vẫn nghĩ hắn khóc là vì đói thôi, và vì hắn cứ ngửi mãi thấy cái mùi món súp ấy.

Lư Thanh Vũ ngồi trên một chiếc ghế. Trần Minh Hiếu đứng ngay sau lưng hắn, cùng bàn chuyện bến cảng. Khi bàn tay ngăm đen gầy gò của người đàn ông bắt đầu rưới dầu ôliu lên những lát bánh mì nướng, hắn nhớ đến chiếc cổ trắng đầy dấu vết bạo hành của vợ anh ta. 

Hắn nắm lấy chuôi con dao găm, rồi lại bỏ ra. Minh Hiếu nhếch mép cười, thầm nghĩ rằng vẫn chưa phải lúc.

------------------------------------------------

Em thấy tội nghiệp nhỏ Cún quá mấy mom, bây giờ nó khác xưa vkl huhuhu

Mấy mom ồn lên đi màaaaaa bình luận vote các kiểu cho em đi huhuhu

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip